Rosneft, hãng dầu khí của Nga vào trung tuần tháng 5 cho biết bắt đầu khoan dầu tại vùng biển phía nam Việt Nam ; tuy nhiên cũng bày tỏ lo ngại hoạt động đó khiến Trung Quốc phản ứng như đã từng gây sức ép buộc tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha rút khỏi dự án ở Việt Nam.
Hãng dầu khí của Nga bắt đầu khai thác thăm dò dầu khí hôm 15/05 ở ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu Reuters
Đài RFA đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Hoàng Việt, Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông. Trước hết ông đưa ra nhận xét về phản ứng của chính phủ Hà Nội về hành xử của Bắc Kinh trong vấn đề các nước khác hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí tại Biển Đông.
Hoàng Việt : Thực ra mà nói trong vụ Repsol mà Việt Nam phải rút 2 lô là Lô 136.03 và lô 07.03 thì cho thấy Việt Nam có một sự tính toán sai. Ở đây Việt Nam có một phép thử, Việt Nam muốn thử xem là Việt Nam có khả năng làm điều đó và Trung Quốc có phản đối hay không. Tuy nhiên, với sức ép của Trung Quốc thì Việt Nam đã phải rút hai lô đó. Và báo chí đã cho biết là Việt Nam đã phải bồi thường cho Repsol khá lớn, thì đó là một thất bại. Và cho đến cái lô mà gần đây nhất gọi là Lan Đỏ, lô 06.01 thì trước đây, có người cho rằng khi mà Việt Nam rút khỏi 2 lô 136.07 và lô 07.03 thì Việt Nam đã thất bại hoàn toàn thì tôi vẫn
cho rằng đó là một cái nút đỏ chúng ta phải xem xét trong cả quá trình. Và cho đến bây giờ với việc tiếp tục yêu cầu Rosneft khai thác trong khu vực lô 06.01 nằm sát lô 07.03 và như vậy nó cũng là một phép thử và cho thấy sự kiên trì của Việt Nam trong trường hợp này. Và nó cũng thấy là nếu như Repsol chỉ là một công ty tư nhân của Tây Ban Nha, chính phủ Tây Ban Nha không có sự can thiệp mạnh và bản thân chính phủ Tây Ban Nha cũng không có tiếng nói mạnh trên trường quốc tế thì công ty Rosneft là công ty có vốn của chính phủ Nga, và chính phủ Nga cũng là một cường quốc trong trường hợp này. Thế thì cũng sẽ xem xét và cho đến nay thì cái phản ứng dành cho vụ Rosneft trong cái Lô 06.01 Lan Đỏ này khác hẳn so với phản ứng đối với 2 lô trước. Còn lại thì chúng ta vẫn phải chờ xem trong thời gian tới diễn biến như thế nào thì chúng ta mới có thể nhận định thêm được.
RFA : Trong trường hợp mà Trung Quốc phản đối và gây sức ép buộc Rosneft cũng phải rút lui như trường hợp của Repsol hay Exxon Mobil thì thiệt hại dự kiến đối với Việt Nam sẽ là như thế nào, thưa ông ?
Hoàng Việt : Nếu lô này mà Việt Nam rút tiếp thì cho thấy những phép thử của Việt Nam hoàn toàn thất bại và nó sẽ có một viễn cảnh rất xấu. Viễn cảnh thế nào ?
Thứ nhất là bây giờ nguồn thu của chính phủ Việt Nam từ dầu khí rất là lớn. Và theo tôi được biết thì trữ lượng của khu vực này rất lớn và đem lại nguồn thu lớn cho chính phủ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang rất khó khăn về tiền bạc lúc này.
Thứ hai là nó cho thấy chính sách của Việt Nam đối với các công ty dầu khí trên thế giới. Nếu mà Việt Nam thất bại trong trường hợp này, rõ ràng là cái uy tín của Việt Nam càng ngày càng suy giảm và trong tương lai việc Việt Nam mời thầu các công ty dầu khí sẽ rất là khó.
Và cái thứ ba nữa là cái thái độ của Việt Nam, nó cho thấy là khi mà Việt Nam càng xuống thì Trung quốc sẽ càng tiến lên. Và từ những cái việc đó thì có khả năng là trong một tương lai dài sắp tới thì Việt Nam khó mà có thể khai thác được ở những khu vực mà Trung Quốc cho là nằm trong khu vực đường lưỡi bò của họ. Điều này cũng dẫn đến những khó khăn của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, những mỏ gần thì đã khai thác gần hết rồi còn những mỏ xa đụng đến sự phản đối của Trung Quốc như vậy họ phải rút hết.
RFA : Trước thực tế này, một số nhà quan sát cho rằng liệu Việt Nam có nên hợp tác với Trung Quốc trong việc khai thác dầu. Nhận định của ông như thế nào đối với giải pháp này ?
Hoàng Việt : Ý tưởng này không phải là mới lạ. Philippines thì cũng đang cố gắng làm điều này mặc dù một số người đối lập đều muốn ngăn cản điều này. Bởi vì Philippines thì còn nhiều khó khăn hơn, còn nhiều rào cản rất chặt chẽ trong đó có hệ thống hiến pháp, pháp luật của Philippines. Và nền tư pháp của Philippines thì là độc lập nên nếu có thể thì họ sẽ tuyên bố là vi hiến và với hành động vi hiến thì khó mà tổng thống Duterte có thể thực hiện được.
Và đó cũng nằm trong chiến lược của Trung Quốc : Chiến lược của Trung Quốc là một mặt ngăn cấm không cho Việt Nam và các quốc gia khác như Philippines khai thác ngay trên vùng đặc quyền kinh tế của chính họ nhưng Trung Quốc lại đưa ra một cái bẫy là "gác tranh chấp cùng khai thác", tức là các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc cùng hợp tác khai thác trên khu vực đó.
Thế thì phương án đó có lợi không, câu trả lời là không được, nó không có lợi. Vì sao ? Vì nguyên si cái chính sách đó đã được ông Đặng Tiểu Bình đưa ra từ thập niên 90 với tên đầy đủ là "chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp cùng khai thác".
Thứ nhất, nếu hai bên mà cùng khai thác thì mặc nhiên Việt Nam công nhận chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực đó. Đó là cái thứ nhất.
Thứ hai là theo công ước luật biển năm 1982 thì rõ ràng vùng đặc quyền kinh tế nó sẽ nằm trong quyền , chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển. Việt Nam là quốc gia ven biển nên Việt Nam sẽ được toàn bộ quyền, chủ quyền và quyền tài phán, tức là tất cả các quyền khai thác tài nguyên hải sản và dầu khí trên khu vực biển đó cũng như thềm lục địa đó.
Thế thì rõ ràng Trung Quốc chơi bài rất hay đến nhà người khác và mời người khác hợp tác ngay trên mảnh đất của nhà họ. Đó là điều rất nguy hiểm. Nếu Trung Quốc làm được điều này thì có nghĩa là Trung Quốc đã thành công bởi vì bao nhiêu năm nay họ vẫn muốn điều đó thành sự thật.
Và nếu chỉ cần một trong hai quốc gia là Philippines hoặc Việt Nam tạo tiền lệ thì Trung Quốc sẽ lấn tới và sau này sẽ buộc tất cả các quốc gia của ASEAN phải tuân theo cách này của Trung Quốc. Đó chính là vấn đề.
RFA : Xin cảm ơn ông.
Nguồn : RFA, 22/05/2018