Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/05/2018

Ai dạy họ ?

Đồng Phụng Việt

Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức họp báo để biện giải về chuyện Sài Gòn tiếp tục chìm trong nước sau khi trời đổ mưa vào cuối buổi chiều ngày 19 tháng 5.

ai1

Xe hơi và xe máy đi trên đường ngập lụt do mưa ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/10/2014.  AFP

Ngoài các website của hệ thống truyền thông chính thức, mạng xã hội cũng tràn ngập thông tin, hình ảnh về chuyện Sài Gòn ngập sâu, ngập lâu bởi trận mưa ấy.

Có khoảng mười triệu người cư trú tại Sài Gòn, cứ cho là chỉ có 1/10 cư dân Sài Gòn đội mưa, lội nước về nhà và phải sắp đặt lại đồ đạc, dọn dẹp lại nhà cửa, chặn nước tràn vào nhà, tát nước ra khỏi nhà thì cũng đã có một triệu người làm chứng về chuyện Sài Gòn ngập, lụt thê thảm tối ngày 19 tháng 5.

Có chừng 50 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, cứ cho là chỉ có 1/10 số này thường xuyên tìm thông tin về các diễn biến quanh họ, xem hình ảnh về các sự kiện thời sự thì ít nhất cũng có năm triệu người mãn nhãn, mãn nhĩ về vô số bi hài kịch phát sinh từ ngập lụt ở Sài Gòn – giờ đã là thảm nạn chưa biết bao giờ kết thúc.

Thế nhưng trong buổi họp báo vừa kể, đại diện Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vẫn khăng khăng khẳng định rằng, sau "trận mưa lịch sử" cuối buổi chiều ngày 19 tháng 5, toàn Sài Gòn chỉ có mười con đường bị ngập từ 10 cm đến 25 cm.

Chẳng lẽ đại diện cơ quan đặc trách về hạ tầng giao thông – công chánh của chính quyền thành phố được xem là lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam lại nói điêu ? Còn nếu họ nói đúng và xem ảnh luận chiều cao thì đáng ngại là ở Sài Gòn có rất nhiều người mà chiều cao chỉ khoảng 50 cm đến 75 cm ! Nếu chiều cao không khiêm tốn như vậy, làm gì có chuyện mực nước ngập chỉ từ 10 cm đến 25 cm mà đã ngang đầu gối hoặc hông của nhiều người !

Theo thuyết tiến hóa, sau nhiều ngàn năm, khỉ trở thành người. Song đại diện Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa chỉ ra một hiện tượng kỳ bí khác : Loài người đang có khuynh hướng thoái hóa. Có thể tìm thấy nhiều bằng chứng về khuynh hướng ấy tại Sài Gòn. Sau 43 năm, dân Sài Gòn đột nhiên nhỏ lại, chiều cao trung bình giảm tới mức không thể không sửng sốt ?! Chẳng lẽ đi theo con đường Karl Marx vạch ra lại là ngược chiều với Charles Darwin ?!

Cũng cần kể thêm rằng, bởi tại cuộc họp báo vừa kể, nhiều nhà báo công khai bày tỏ sự nghi ngại về nhận định, sau "trận mưa lịch sử" cuối buổi chiều ngày 19 tháng 5, toàn Sài Gòn chỉ có mười con đường bị ngập từ… 10 cm đến 25 cm, đại diện Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh giải thích thêm, căn cứ vào tiêu chí do Bộ Xây dựng đặt định thì 22 con đường khác chìm trong nước chỉ là "tụ nước sau mưa" ?!

Ai có thể nín cười khi nghe biện giải Sài Gòn không ngập, lụt mà chỉ "tụ nước sau mưa" ? Cười thì cứ cười. Thậm chí cười xong có chửi thì hai từ ngập, lụt sắp hết đất sống trong kho từ vựng tiếng Việt thời cộng sản ! 

Khả năng vận dụng tiếng Việt – tạo từ của các viên chức trong hệ thống công quyền Việt Nam càng lúc càng đáng kinh ngạc : "Tụ nước sau mưa" ra đời cùng lúc với… "Thu giá". Đã có hàng trăm kiểu suy đoán về lý do "thu phí" giờ đồng loạt được thay bằng "thu giá" nhưng tựu chung không ai đủ khả năng giải thích "giá" trong "thu giá" tương quan như thế nào về ngữ nghĩa với "phí" ! Không hiểu, không ưng vì khác thường, vô lý nhưng "thu giá" đã ra đời và chắc chắn sẽ còn tồn tại cho đến khi tai tiếng của "ta" về thuế, phí giảm đi.

***

Tiếng Việt thời cộng sản càng ngày càng phong phú một cách đáng ngại.

Tổ tiên, cha ông người Việt chỉ có khả năng diễn đạt trạng thái chẳng có, chẳng còn gì để ăn là "thiếu, đói". Sang thời cộng sản, "thiếu, đói" trở thành cấm kỵ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh nên nó phải được diễn đạt khác đi và thế là "dứt bữa" ra đời. 

Xét về khả năng vận dụng tiếng Việt, hậu sinh hơn hẳn tiền nhân. Nếu tái thế, những Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha, Đào Duy Anh… ắt phải vái những hậu sinh đã, đang và sẽ còn chia sẻ với nhau quyền lãnh đạo Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm thầy. Ngoài khả năng tạo từ, khả năng biện giải bằng tiếng Việt của những cá nhân này cũng đã đạt đến trình độ thượng thừa.

Chưa có giai đoạn nào trong lịch sử Việt Nam, các cá nhân hữu trách có thể nghĩ ra những lý do để biện giải cho các hậu quả liên quan đến trách nhiệm của họ tài tình kiểu như cá chết hàng chục tấn là do "sặc nước" chứ không phải vì bộ phận điều hành Thủy điện Hòa Bình đột ngột xả xuống hạ du một lượng nước lớn ?... Gần nhất, đại diện Bộ Tài chính biện giải lý do tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát là nhằm ngăn chặn dân béo phì. Một đại biểu Quốc hội thì cho rằng không những thuế chưa cao, phí chưa nặng như dân vẫn oán than mà chính sách về thuế, phương thức thu thuế vẫn chưa tiệm cận được thiên hạ, bằng chứng là bán trà đá, tuy có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thế giới, từ 5.000% đến 7.000% nhưng hệ thống công quyền lại bỏ sót, tới giờ, người bán trà đá vẫn không đóng đồng nào cho ngân sách.

Ông bà, cha mẹ người Việt không dạy cháu con cách dùng tiếng Việt cũng như lối tư duy - biện giải như vậy. Hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa từ mẫu giáo đến đại học cũng chưa đủ khả năng đào tạo ra những cá nhân có thể tạo từ và vận dụng Việt ngữ phi phàm như vậy. Thế thì ai dạy họ ?

Muốn được chia sẻ quyền lãnh đạo Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những cá nhân ấy phải tốt nghiệp các Trường Đảng, Trường Hành chính mà từ 1995, đổi tên thành Trường Chính trị. Để lên cao, những cá nhân ấy dứt khoát phải hoàn tất việc tu nghiệp tại Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, giờ đã được đổi tên thành Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Có phải càng dùi mài lâu trong hệ thống trường chính trị do Đảng cộng sản Việt Nam lập ra, cá nhân càng khác thường trong việc khai thác tiếng mẹ đẻ của mình (?), cả sự biến báo trong tư duy lẫn khả năng nói mà không thèm bận tâm người nghe nghĩ gì càng cao ?

Thật ra, khi thiên hạ không muốn cũng phải nghe, không ưng cũng phải làm thì hà cớ gì phải suy tính về lời nói, việc làm. Sự ưu việt của "nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị" nằm ở chỗ đó đó. Hành xử theo kiểu "không thành công thì thành nhân" xưa rồi. Bây giờ là thời lập ngôn không xong vẫn ấm thân.

Đồng Phụng Việt

Nguồn : RFA, 22/05/2018 (DongPhungViet's blog)

Quay lại trang chủ
Read 618 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)