Cuối tuần vừa qua, nhiều người ở nhiều nơi trên lãnh thổ Mỹ tham gia tưởng niệm 19 năm sự kiện tổ chức Al Queda tấn công nước Mỹ khiến 3.000 người thiệt mạng và hơn 25.000 người bị thương (11/9/2001 – 11/9/2020)…
Tổng thống Trump trao Huân chương Danh dự cho Thượng Sĩ Nhất Thomas P. Payne tại East Room, Tòa Bạch Ốc, 11 tháng Chín, 2020. (AP Photo/Andrew Harnik)
Sau sự kiện bi thảm ấy, nước Mỹ tuyên chiến với các tổ chức Hồi giáo cực đoan và những quốc gia hỗ trợ các tổ chức này. Hàng triệu thanh niên Mỹ đã tình nguyện gia nhập quân đội, tham gia vào những cuộc chiến ấy…
Người Mỹ gọi những thanh niên này là thế hệ 11 tháng 9. Cuối tuần vừa qua, Tổng thống Mỹ thay mặt Quốc hội – nơi đại diện cho dân chúng Mỹ - trao tặngMedal of Honor (Huân chương Danh dự) cho một trong những người của thế hệ 11 tháng 9 (1).
***
Tháng 9 năm 2001, Thomas Patrick Payne vẫn còn đang ngồi trong một trường trung học ở South Carolina… Những thông tin, hình ảnh về Twin Towers (Tháp Đôi), về những người lính cứu hỏa, cảnh sát, cứu thương… chạy ngược chiều với đám đông, xông vào Twin Towers để cứu các nạn nhân rồi cùng chết với họ, sau đó là câu chuyện những thanh niên khác bỏ lại nhiều thứ ghi danh nhập ngũ, tham gia cuộc chiến chống khủng bố, ngăn chặn một thảm họa tương tự như thảm họa 11 tháng 9 trên lãnh thổ Mỹ, khiến Payne cảm thấy chính mình cần phải làm gì đó… Tuy nhiên vì chưa đủ tuổi gia nhập quân đội, Payne phải chờ đến năm sau.
Trong suốt thời gian chờ đợi để hoàn tất chương trình trung học, Payne hỏi han, sục sạo, tìm kiếm thông tin trên Internet, chuẩn bị cả về thể lực lẫn việc đáp ứng những yêu cầu khác để có thể gia nhậpRanger (Biệt động quân – một trong những đơn vị thuộc Lực lượng Đặc biệt) ngay khi nhập ngũ năm 2002… Từ đó đến nay (18 năm), Payne được gửi ra mặt trận… 17 lần và đã chiến đấu ở nhiều chiến trường : Iraq, Afghanistan, một số nơi ở Châu Phi… Từ Ranger, Payne được chọn vào Delta Force (đơn vị tinh nhuệ nhất của Lực lượng Đặc biệt Mỹ - lực lượng bao gồm các đơn vị tinh nhuệ nhất của Lục quân, Hải quân, Không quân Mỹ). Payne được trao tặng hàng loạt huy chương vì dũng cảm…
Trong số những huy chương này có cảChiến thương Bội tinh (Purple Heart)vì hỏa lực của đối phương. Lẽ ra Payne đã bị loại khỏi Lực lượng Đặc biệt vì thương tích ở Afghanistan năm 2010 nhưng nỗ lực rèn luỵện thể lực không chỉ giúp Payne được giữ lại mà còn giúp Payne giành chiến thắng trong cuộc thi kéo dài 60 giờ để tìm những Biệt động quân xuất sắc nhất hàng năm hồi 2012. Nên biết, còn ở trong Lực lượng Đặc biệt nghĩa là còn được gửi ra mặt trận, tham gia thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm nhất, dễ bị thương nhất, dễ mất mạng nhất vì gần như tất cả những nhiệm vụ đó đều phải thi hành trên đất đối phương...
***
Sau khi ISIS (Nhà nước Hồi giáo) trở thành một thực thể càng lúc càng lớn mạnh ở khu vực Trung Đông và trở thành hiểm họa chung của thế giới, Payne được gửi đến Iraq, huấn luyện dân quân người Kurd – một trong những lực lượng ngăn chặn ISIS bành trướng thế lực trong khu vực giáp giữa Iraq – Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Năm 2015, Bộ Chỉ huy Lực lượng Đặc biệt Mỹ nhận được tin, ISIS đang chuẩn bị hành quyết 70 tù nhân (hơn 20 là các tù binh thuộc lực lượng dân quân người Kurd, số còn lại là những chiến binh ISIS bị cáo buộc là gián điệp và dân chúng trong vùng ISIS kiểm soát bị cáo buộc là vi phạm những luật lệ hà khắc của ISIS)…
Bộ Chỉ huy Lực lượng Đặc biệt của Mỹ quyết định điều động đơn vị của Payne tham gia chiến dịch giải cứu. Lúc đầu, dân quân người Kurd được xác định là "nỗ lực chính" trong cuộc đột kích giải cứu tù nhân của ISIS ngay trong lòng ISIS, 30 thành viên của Lực lượng Đặc biệt Mỹ chỉ giữ vai trò hỗ trợ (2)… Theo kế hoạch, lực lượng đột kích sẽ chia thành hai mũi, xông vào hai building giải cứu hai nhóm tù nhân khác nhau... Đêm 22/10/2005, ngay sau khi trực thăng của quân đội Mỹ thả lực lượng đột kích xuống Hawija (trung tâm quận Hawija, thuộc tỉnh Kirkuk của Iraq – lúc đó đang do ISIS chiếm đóng và kiểm soát), các loại đạn của ISIS đã vãi như vãi trấu về phía họ…
Giữa cơn mưa của đủ loại đạn đó, các thành viên trong nhóm của Payne (có nhiệm vụ giải cứu 37/70 tù nhân ở một trong hai building) – vốn đang phải dán mình xuống đất để tránh đạn nghe hàng loạt những tiếng nổ lớn từ việc kích nổ các loại áo cài bom tự sát và tin Thượng sĩ nhất Joshua Wheeler (một trong 30 quân nhân Mỹ tham gia nhóm giải cứu tù nhân bị cầm giữ ở building bên kia), tử trận… Tất cả những yếu tố ấy khiến nhiều dân quân người Kurd chựng lại. Payne là người đầu tiên rướn lên, ngoái nhìn họ, đề nghị : Theo tôi !... rồi xông lên phía trước… Mũi đột kích của Payne lao vào trong buiding, vừa bắn hạ các thành viên ISIS, vừa dùng kìm cộng lực cắt khóa, giải thoát tù nhân…
Họ đã giải thoát 37 tù nhân, tất cả đều sửng sốt và có người bật khóc khi được cứu thoát… Nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng qua bộ đàm, họ được thông báo, mũi đột kích bên cạnh chưa xong nhiệm vụ, building bên đó đang cháy, nhiều chỗ đã sập và sắp sập do tác động từ việc kích nổ những áo khoác cài bom tự sát… Đó là lý do tuy chưa cứu được toàn bộ tù nhân, Bộ Chỉ huy cuộc đột kích vẫn ra lệnh rút lui ngay lập tức… song Payne và một số đồng đội vẫn xông vào building bên cạnh, vừa bắn, vừa dùng kìm cộng lực cắt khóa, giải thoát những tù nhân còn lại… Có một tù nhân nặng ký đã mất hết ý chí cầu sinh nên ngồi yên tại chỗ, Payne phải kéo ông ta ra khỏi building,…
***
Cuộc đột kích giải cứu tù nhân được xem là thành công khi 70 tù nhân được phóng thích trước giờ bị ISIS hành quyết,… Hơn 20 thành viên ISIS bị hạ… Quân đội Mỹ mất Thượng sĩ nhất Joshua Wheeler. Wheeler là quân nhân Mỹ đầu tiên tử trận tại Iraq sau khi quân đội Mỹ quay trở lại Iraq để chống ISIS. Còn Payne ? Hai năm sau cuộc đột kích vừa kể, Payne được trao tặng Quân công Bội tinh (Distinguished Service Cross) vì lòng dũng cảm. Theo thời gian, Thomas Patrick Payne được thăng cấp từ Thượng sĩ lên Thượng sĩ nhất và giờ, Payne là Hạ sĩ quan cao cấp đảm trách vai trò huấn luyện cho đồng đội trong Lực lượng Đặc biệt của Mỹ…
Theo yêu cầu của công chúng, cách nay vài năm, Quốc hội Mỹ yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ xem lại toàn bộ các trường hợp mà cơ quan nay từng xét tặng những huy chương, huân chương cho các quân nhân Mỹ vì sự dũng cảm của họ trên chiến trường. Lý do :Việc xét tặng bị… phàn nàn là… nghiêm khắc một cách… thái quá (3) ! Thêm ba năm "nâng lên, đặt xuống", Bộ Quốc phòng Mỹ mới đề nghị đổi Huân chương Quân công vì sự dũng cảm của Payne thành Huân chương Danh dự (Medal of Honor – Huân chương cao nhất về sự dũng cảm của quân đội Mỹ). Payne trở thành quân nhân thứ hai được trao Medal of Honor khi tham chiến tại Iraq và… còn sống, không phải là… truy tặng !
***
Không phải tự nhiên mà những quân nhân nhận Huân chương Danh dự được quân đội và dân chúng Mỹ kính trọng một cách đặc biệt. Việc xét tặng Medal of Honor nói riêng và những huân chương chiến công (Anh dũng Bội tinh với Ngôi sao Đồng – Bronze Star, Anh dũng bội tinh với Ngôi sao Bạc – Silver Star…) nói chung, luôn được thực hiện theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt, thông thường bị "nâng lên, đặt xuống" trong vài năm, kể cả khi có đầy đủ nhân chứng, bằng chứng cho thấy hành động của quân nhân nào đó rõ ràng là dũng cảm. Lịch sử quân đội Mỹ cũng như quân đội nhiều quốc gia cho thấy : Không có Huân chương Chiến công nào được xét tặng chỉ trong vòng… vài ngày !
Payne là một anh hùng, sự kính trọng mà quân đội Mỹ và dân chúng Mỹ dành cho Payne là một thực tế nhưng cũng chỉ đến thế. Chính quyền Mỹ, quân đội Mỹ, dân chúng Mỹ không quan niệm phải có… "chế độ, chính sách đãi ngộ" Payne hay những anh hùng như Payne. Ngoài sự kính trọng, Payne không có "đặc quyền" nào khác để thâu tóm "đặc lợi", để luồn sâu, leo cao. Payne cũng không "tâm tư" và cũng chẳng có viên chức hữu trách nào trong chính phủ hay trong quân đội đòi dân chúng Mỹ đừng để Payne… "tâm tư" bằng cách tặng thứ này, cho hưởng thứ kia. Payne – người mới vừa được trao Medal of Honor – vừa khẳng định :Tôi vẫn còn muốn phục vụ tổ quốc !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/09/2020
Chú thích
(2) https://edition.cnn.com/2015/10/22/middleeast/us-iraq-hostage-rescue-attempt/index.html