Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trước tình hình nợ công vẫn tiếp tục tăng cao và ngày càng lên đến mức báo động, Việt Nam đang tìm cách huy động nguồn vốn mà người dân đang nắm giữ, được ước tính lên tới 60 tỷ đô la. Nhưng làm cách nào để thu hút được nguồn vốn này vào việc phát triển kinh tế, hôm nay chúng ta hãy nghe ý kiến của chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Sài Gòn.

nangiai1

Một nhà máy dệt may ở Hưng Yên. Làm thế nào để thu hút nguồn vốn trong dân vào việc phát triển kinh tế ? Reuters

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vay vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức) được công bố gần đây dự báo nợ công của Việt Nam năm 2018 sẽ lên tới 3,5 triệu tỷ đồng (151 tỷ đô la), cao hơn con số 3,1 triệu tỷ đồng của năm 2017. Tỷ lệ nợ dự kiến của năm 2018 sẽ là gần 64% GDP, tiến gần đến mức trần 65%, mà Quốc Hội Việt Nam đã đề ra. Tính bình quân, mỗi người dân Việt Nam sẽ "gánh" 35 triệu đồng (1.500 đô la) nợ công, so với mức 31 triệu đồng năm 2017.

Do nhu cầu đầu tư vẫn tăng cao, nhất là đầu tư vào các cơ sở hạ tầng, để duy trì mức tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải tiếp tục vay vốn của quốc tế. Vấn đề là kể từ khi trở thành quốc gia được xếp vào loại có thu nhập trung bình, Việt Nam không còn tiếp tục được vay với lãi suất ưu đãi nữa, mà nay sẽ phải vay với lãi suất cao hơn. Nhưng nếu cứ vay như thế thì gánh nặng nợ công sẽ càng tăng thêm, vì số tiền dành để trã lãi sẽ ngày càng cao.

Cho nên, Việt Nam sẽ phải bớt vay vốn nước ngoài và phải tìm cách thu hút nguồn vốn từ ngay chính trong nước, từ người dân. Tại Diễn đàn về thị trường vốn - tài chính diễn ra ngày 21/08/2018, ông Alatabani Alwaleed Fareed Alatabani, Chuyên gia trưởng thị trường Tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (World Bank), cho rằng nền kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tích lũy trong dân cao, lên tới khoảng 60 tỷ đôla trong tay của người dân mà chưa huy động hết.

Việc huy động nguồn lực, mà cụ thể là vàng và ngoại tệ, trong dân đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhưng cho tới nay, các chuyên gia tài chính vẫn tranh cãi với nhau về những giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt để người dân tin tưởng, sẵn sàng mang vốn từ trong két ra để đầu tư. Hôm nay mời quý vị nghe ý kiến của chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn :

RFI : Thưa ông Huỳnh Bửu Sơn, theo ông thì huy động vốn trong dân có lợi gì hơn so với vay vốn của nước ngoài ?

Huỳnh Bửu Sơn : Một quốc gia khi phát triển thì chắc chắn là có nhu cầu về nguồn vốn rất lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính phủ thì thường có nhiều chọn lựa : vay vốn nước ngoài, vay trong nước.

Đối với những nước đang phát triển, thì các quốc gia công nghiệp cũng có những chương trình cho vay phát triển kinh tế, gọi là ODA. Nhưng đối với chính phủ thì vay nguồn vốn trong nước vẫn là ưu tiên hơn, vì nó không đặt ra áp lực về thanh toán. Nếu vay trong nước, ví dụ như vay bằng tiền đồng, thì khi cần vẫn có thể dùng nguồn thu trong nước, như thu thuế, để trả. Đối đế lắm thì nhà nước có thể phát hành tiền để trả nợ. Do đó, rủi ro không thanh toán được là hầu như không có.

Ngược lại, nếu vay vốn bằng ngoại tệ của nước ngoài, thì tất nhiên là phải cố gắng cân đối cho được số ngoại tệ, thông qua xuất khẩu, thông qua mở rộng đầu tư nước ngoài, trực tiếp hay gián tiếp, vào trong nước, để có được dự trữ ngoại tệ để thanh toán.

Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển thì thu nhập của người dân cũng không có nhiều, do đó khả năng cho vay của người dân cũng có một mức độ giới hạn nhất định. Do đó, cuối cùng thì các chính phủ phải đi vay nợ nước ngoài. Thông thường thì người ta xem tỷ lệ nợ nước ngoài với GDP của nước đó để biết được mức độ vay nợ nước ngoài có đảm bảo an toàn hay không.

RFI : Nếu huy động vốn trong dân, mà chủ yếu là nguồn vàng, thì chúng ta có thể huy động với những hình thức như thế nào : thu hút gởi tiền tiết kiệm ngân hàng, phát hành trái phiếu hay phát triển thị trường chứng khoán ?

Huỳnh Bửu Sơn : Thật ra việc thu hút nguồn vàng khá phức tạp hơn là huy động nguồn tiền. Huy động nguồn tiền thì chính phủ phát hành công trái, với một lãi suất hấp dẫn nào đó, thì người dân sẽ bỏ tiền ra để mua công trái. Còn huy động vàng lại là một vấn đề khác.

Nếu huy động vàng trên cơ sở là người dân đồng ý bán vàng cho nhà nước và lấy tiền đó gởi vào tiết kiệm ngân hàng hoặc mua công trái là một chuyện, còn nếu huy động vàng rồi sau đó trả lại bằng vàng cho dân, với một lãi suất nào đó, thì vấn đề lại rất là phức tạp. Tôi không chắc là với số vàng đó, dù là với một thời hạn dài, chính phủ có thể sử dụng hoàn toàn số vàng đó, hay là phải duy trì một số vàng để khi cần có thể trả lại cho người dân.

Đồng thời nó cũng đặt ra vấn đề là tăng cường tâm lý thích giữ vàng. Hiện nay, giữ vàng là tâm lý chung của người dân. Tất nhiên, họ biết là giữ như thế thì sẽ không sinh lãi, còn bây giờ nếu giữ vàng mà còn được sinh lãi nữa bằng cách gởi số vàng đó vào ngân hàng và tới thời hạn thì được trả nguyên số vàng đó lẫn cái lãi, thì điều đó tôi cho là không có lợi gì cho nền kinh tế.

Muốn cho người dân có thể đem số vàng mà họ cất giữ để đầu tư, gởi tiền tiết kiệm hay để mua trái phiếu và mua chứng khoán, phải có một giải pháp lâu dài hơn, căn cơ hơn. Hơn là chỉ tổ chức huy động một số vàng.

Thanh Phương thực hiện

Nguồn : RFI, 24/09/2018

Published in Diễn đàn

Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vào cuối tháng 6 vừa qua đã kiến nghị với chính phủ Việt Nam là nên huy động lượng vàng mà người dân đang nắm giữ để đưa vào sản xuất, kinh doanh.

vang1 

Vàng được bán tại một tiệm vàng ở Hà Nội. Ảnh chụp năm 2008. Reuters

Đây không phải là lần đầu tiên có đề xuất về việc huy động lượng vàng trong dân, được thẩm định là khoảng 500 tấn. Từ giữa năm 2016, Hiệp hội Vàng Việt Nam (VGTA) cũng đã đưa kiến nghị tương tự lên thủ tướng và Ngân Hàng Nhà Nước. Mỗi lần, đề nghị này đều gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia, vì đây quả là một bài toán nan giải, theo nhận định của chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Sài Gòn.

RFI : Thưa ông Huỳnh Bửu Sơn : Lượng vàng rất lớn vẫn còn nằm trong tay người dân phải chăng là một nguồn vốn lãng phí, thật sự cần phải được huy động ?

Huỳnh Bửu Sơn : Khi những nước nông nghiệp bắt đầu phát triển và chuyển sang công nghiệp hóa, người dân giàu lên, nhưng tâm lý giữ vàng, xem đó là một khoản tích lũy an toàn, đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, đặc biệt là người nông dân. Cho nên, không chỉ người dân ở Việt Nam, mà cả người dân những nước lân cận từ nông nghiệp phát triển lên cũng có tâm lý giữ vàng. Các nhà kinh tế gọi đó là "trữ kim". Đây không phải là tiết kiệm bình thường, mà là làm bất động một số tiết kiệm ra khỏi nền kinh tế. Điều này không có ích gì cho sự phát triển kinh tế. Như vậy cần phải huy động số vàng này vào ngân hàng để làm cho nó sinh lợi, biến nó thành nguồn vốn đầu tư.

Nói thì nghe rất là dễ, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Muốn thay đổi điều đó, thì không phải chỉ bằng phương thức huy động vào ngân hàng, mà phải làm thay đổi tâm lý của người dân, tức là biến hành động trữ kim của họ thành hành động tiết kiệm bình thường. Tức là họ biến vàng thành tiền và dùng tiền đó gởi vào ngân hàng, hoặc góp vốn vào các xí nghiệp, hoặc mua cổ phiếu của các công ty cổ phần. Thay đổi cái tâm lý ấy thì tốt hơn là chỉ nghĩ đến chuyện huy động vàng trong dân. Việc này không chỉ khó khăn mà còn không an toàn cho hệ thống ngân hàng.

RFI : Nhưng để cho người dân an tâm biến số vàng đó thành nguồn vốn đầu tư, phải chăng trước hết hệ thống ngân hàng tạo sự tin tưởng cho người dân, để họ mạnh dạn đưa số vàng đó vào ngân hàng ?

Huỳnh Bửu Sơn : Trong quá trình phát triển kinh tế nói chung của thế giới vừa qua, khi vàng đã mất vai trò là đồng tiền của thế giới, thì giá vàng đã biến động. Nhưng nếu so với những tài sản khác như đất đai hay cổ phiếu, trong vài thập niên qua, giá vàng không tăng bằng lãi suất tiết kiệm ngân hàng hay giá cổ phiếu. Tuy nhiên, tâm lý của người dân vẫn là ưa chuộng vàng. Khi tình hình kinh tế khó khăn, tức là những khả năng đầu tư sinh lợi thấp hoặc khi hoạt động doanh nghiệp không được tốt, thường người ta hay đưa tài sản của mình bất động dưới vàng, nghĩ rằng bất cứ thời nào thì vàng cũng có giá. Nhưng về mặt kinh tế thì điều này không đúng.

RFI : Nếu chính phủ Việt Nam thật sự muốn huy động số vàng đó thì ngân hàng phải đưa ra những cơ chế như thế nào để thật sự hấp dẫn người dân, để người dân mạnh dạn trao số vàng đó cho ngân hàng quản lý ?

Huỳnh Bửu Sơn : Thật ra trước đây đã có một giai đoạn mà hệ thống ngân hàng được phép huy động vàng. Người dân khi họ đã gởi tiền vào ngân hàng, thì họ cũng sẽ sẳn sàng gởi vàng vào ngân hàng thôi. Với điều kiện là khi gởi vào một lượng vàng, thì phải trả lại cho họ một lượng vàng tương đương và cộng thêm một số lãi. Nhưng chính cái việc gởi vàng để được hưởng lãi đã gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng, vì vàng là một thứ tài sản, được coi như gần như là tiền tệ, chứ không phải là tiền tệ. Do đó nhận được vàng thì không thể đem vàng đó đi thanh toán, không thể đem ra cho vay, như vậy thì làm sao mà tự thân nó có thể sinh lợi được ?

Các ngân hàng trước đây nhận vàng thì họ buộc phải biến vàng đó thành tiền mặt hoặc ngoại tệ, để họ có thể cho vay hoặc thanh toán. Trong quá trình cho vay đó thì sinh lời và sau đó họ phải mua vàng trở lại để trữ cho việc rút vàng của các khách hàng. Khi giá vàng biến động mà họ không thể tiên lượng được, thì rủi ro đó rất lớn. Hệ thống ngân hàng nếu huy động bằng tiền và trả bằng tiền, khi các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản thì họ có thể trông cậy vào ngân hàng trung ương, tức là người cho vay giai đoạn cuối cùng. Còn khi huy động bằng vàng mà khi đến hạn mà không có vàng để trả cho người gởi vàng, thì ai sẽ là người cho vay ở giai đoạn cuối ? Ngân Hàng Nhà Nước, tức là ngân hàng trung ương của Việt Nam, chắc chắn sẽ không bao giờ có đủ vàng để mà trả cho tất cả các khoản huy động của các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại sẽ phải xoay xở như thế nào ?

Tôi cho rằng muốn huy động vàng thì phải có một điều kiện, điều kiện đó là ngân hàng trả tiền mặt theo giá thị trường của vàng vào thời điểm mà người gởi vàng đến rút vàng. Nhưng dù có làm điều đó thì cũng chưa chắc là nó sẽ trở nên hấp dẫn đối với những người có vàng. Còn ngược lại, nếu cứ chấp nhận cho họ gởi và rút vàng, và trong thời gian đó trả lãi cho họ, thì đó là rủi ro không chỉ đối với các ngân hàng thương mại, mà cho cả hệ thống ngân hàng.

RFI : Như vậy, việc huy động vàng trong dân vẫn là một bài toán nan giải ?

Huỳnh Bửu Sơn : Người dân giữ vàng cũng chỉ là nhằm bảo đảm cho sự an toàn của tài sản của họ, chứ họ biết chắc rằng mức sinh lợi của vàng không nhiều. Hơn nữa, họ cũng không biết rằng trong tương lai giá vàng sẽ tăng hay giảm. Tuy nhiên, họ vẫn cứ có tâm lý rằng giữ vàng là an toàn.

Rõ ràng là tính sinh lời của vàng sẽ không bằng những tài sản khác như chứng khoán, cổ phiếu hay tiền tiết kiệm gởi ngân hàng. Chưa kể là sự gia tăng giá trị của bất động sản nhiều khi còn cao hơn cả vàng. Vàng là một thứ tiền tệ trong những lúc kinh tế khó khăn, còn khi mà nền kinh tế đã phát triển rồi thì các hoạt động sản xuất kinh doanh trở nên bình thường, đặc biệt là thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ hoạt động tốt, thì dần dần họ sẽ bán vàng ra để đưa tiền vào những kênh sinh lợi. Họ sẽ thấy rằng những kênh sinh lợi khác cũng an toàn không kém, nhưng có lợi nhiều hơn.

Thanh Phương

Nguồn : Tạp chí Việt Nam, RFI, 21/08/2017

Published in Diễn đàn