Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/08/2017

Huy động vàng trong dân, bài toán nan giải

Huỳnh Bửu Sơn

Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vào cuối tháng 6 vừa qua đã kiến nghị với chính phủ Việt Nam là nên huy động lượng vàng mà người dân đang nắm giữ để đưa vào sản xuất, kinh doanh.

vang1 

Vàng được bán tại một tiệm vàng ở Hà Nội. Ảnh chụp năm 2008. Reuters

Đây không phải là lần đầu tiên có đề xuất về việc huy động lượng vàng trong dân, được thẩm định là khoảng 500 tấn. Từ giữa năm 2016, Hiệp hội Vàng Việt Nam (VGTA) cũng đã đưa kiến nghị tương tự lên thủ tướng và Ngân Hàng Nhà Nước. Mỗi lần, đề nghị này đều gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia, vì đây quả là một bài toán nan giải, theo nhận định của chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Sài Gòn.

RFI : Thưa ông Huỳnh Bửu Sơn : Lượng vàng rất lớn vẫn còn nằm trong tay người dân phải chăng là một nguồn vốn lãng phí, thật sự cần phải được huy động ?

Huỳnh Bửu Sơn : Khi những nước nông nghiệp bắt đầu phát triển và chuyển sang công nghiệp hóa, người dân giàu lên, nhưng tâm lý giữ vàng, xem đó là một khoản tích lũy an toàn, đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, đặc biệt là người nông dân. Cho nên, không chỉ người dân ở Việt Nam, mà cả người dân những nước lân cận từ nông nghiệp phát triển lên cũng có tâm lý giữ vàng. Các nhà kinh tế gọi đó là "trữ kim". Đây không phải là tiết kiệm bình thường, mà là làm bất động một số tiết kiệm ra khỏi nền kinh tế. Điều này không có ích gì cho sự phát triển kinh tế. Như vậy cần phải huy động số vàng này vào ngân hàng để làm cho nó sinh lợi, biến nó thành nguồn vốn đầu tư.

Nói thì nghe rất là dễ, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Muốn thay đổi điều đó, thì không phải chỉ bằng phương thức huy động vào ngân hàng, mà phải làm thay đổi tâm lý của người dân, tức là biến hành động trữ kim của họ thành hành động tiết kiệm bình thường. Tức là họ biến vàng thành tiền và dùng tiền đó gởi vào ngân hàng, hoặc góp vốn vào các xí nghiệp, hoặc mua cổ phiếu của các công ty cổ phần. Thay đổi cái tâm lý ấy thì tốt hơn là chỉ nghĩ đến chuyện huy động vàng trong dân. Việc này không chỉ khó khăn mà còn không an toàn cho hệ thống ngân hàng.

RFI : Nhưng để cho người dân an tâm biến số vàng đó thành nguồn vốn đầu tư, phải chăng trước hết hệ thống ngân hàng tạo sự tin tưởng cho người dân, để họ mạnh dạn đưa số vàng đó vào ngân hàng ?

Huỳnh Bửu Sơn : Trong quá trình phát triển kinh tế nói chung của thế giới vừa qua, khi vàng đã mất vai trò là đồng tiền của thế giới, thì giá vàng đã biến động. Nhưng nếu so với những tài sản khác như đất đai hay cổ phiếu, trong vài thập niên qua, giá vàng không tăng bằng lãi suất tiết kiệm ngân hàng hay giá cổ phiếu. Tuy nhiên, tâm lý của người dân vẫn là ưa chuộng vàng. Khi tình hình kinh tế khó khăn, tức là những khả năng đầu tư sinh lợi thấp hoặc khi hoạt động doanh nghiệp không được tốt, thường người ta hay đưa tài sản của mình bất động dưới vàng, nghĩ rằng bất cứ thời nào thì vàng cũng có giá. Nhưng về mặt kinh tế thì điều này không đúng.

RFI : Nếu chính phủ Việt Nam thật sự muốn huy động số vàng đó thì ngân hàng phải đưa ra những cơ chế như thế nào để thật sự hấp dẫn người dân, để người dân mạnh dạn trao số vàng đó cho ngân hàng quản lý ?

Huỳnh Bửu Sơn : Thật ra trước đây đã có một giai đoạn mà hệ thống ngân hàng được phép huy động vàng. Người dân khi họ đã gởi tiền vào ngân hàng, thì họ cũng sẽ sẳn sàng gởi vàng vào ngân hàng thôi. Với điều kiện là khi gởi vào một lượng vàng, thì phải trả lại cho họ một lượng vàng tương đương và cộng thêm một số lãi. Nhưng chính cái việc gởi vàng để được hưởng lãi đã gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng, vì vàng là một thứ tài sản, được coi như gần như là tiền tệ, chứ không phải là tiền tệ. Do đó nhận được vàng thì không thể đem vàng đó đi thanh toán, không thể đem ra cho vay, như vậy thì làm sao mà tự thân nó có thể sinh lợi được ?

Các ngân hàng trước đây nhận vàng thì họ buộc phải biến vàng đó thành tiền mặt hoặc ngoại tệ, để họ có thể cho vay hoặc thanh toán. Trong quá trình cho vay đó thì sinh lời và sau đó họ phải mua vàng trở lại để trữ cho việc rút vàng của các khách hàng. Khi giá vàng biến động mà họ không thể tiên lượng được, thì rủi ro đó rất lớn. Hệ thống ngân hàng nếu huy động bằng tiền và trả bằng tiền, khi các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản thì họ có thể trông cậy vào ngân hàng trung ương, tức là người cho vay giai đoạn cuối cùng. Còn khi huy động bằng vàng mà khi đến hạn mà không có vàng để trả cho người gởi vàng, thì ai sẽ là người cho vay ở giai đoạn cuối ? Ngân Hàng Nhà Nước, tức là ngân hàng trung ương của Việt Nam, chắc chắn sẽ không bao giờ có đủ vàng để mà trả cho tất cả các khoản huy động của các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại sẽ phải xoay xở như thế nào ?

Tôi cho rằng muốn huy động vàng thì phải có một điều kiện, điều kiện đó là ngân hàng trả tiền mặt theo giá thị trường của vàng vào thời điểm mà người gởi vàng đến rút vàng. Nhưng dù có làm điều đó thì cũng chưa chắc là nó sẽ trở nên hấp dẫn đối với những người có vàng. Còn ngược lại, nếu cứ chấp nhận cho họ gởi và rút vàng, và trong thời gian đó trả lãi cho họ, thì đó là rủi ro không chỉ đối với các ngân hàng thương mại, mà cho cả hệ thống ngân hàng.

RFI : Như vậy, việc huy động vàng trong dân vẫn là một bài toán nan giải ?

Huỳnh Bửu Sơn : Người dân giữ vàng cũng chỉ là nhằm bảo đảm cho sự an toàn của tài sản của họ, chứ họ biết chắc rằng mức sinh lợi của vàng không nhiều. Hơn nữa, họ cũng không biết rằng trong tương lai giá vàng sẽ tăng hay giảm. Tuy nhiên, họ vẫn cứ có tâm lý rằng giữ vàng là an toàn.

Rõ ràng là tính sinh lời của vàng sẽ không bằng những tài sản khác như chứng khoán, cổ phiếu hay tiền tiết kiệm gởi ngân hàng. Chưa kể là sự gia tăng giá trị của bất động sản nhiều khi còn cao hơn cả vàng. Vàng là một thứ tiền tệ trong những lúc kinh tế khó khăn, còn khi mà nền kinh tế đã phát triển rồi thì các hoạt động sản xuất kinh doanh trở nên bình thường, đặc biệt là thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ hoạt động tốt, thì dần dần họ sẽ bán vàng ra để đưa tiền vào những kênh sinh lợi. Họ sẽ thấy rằng những kênh sinh lợi khác cũng an toàn không kém, nhưng có lợi nhiều hơn.

Thanh Phương

Nguồn : Tạp chí Việt Nam, RFI, 21/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 656 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)