Mất lòng tin
Chuyện huy động vốn nhàn rỗi trong dân không hề mới tại Việt Nam ; tuy nhiên lại là vấn đề nóng khi từ năm 2011, Thống đốc ngân hàng Nhà nước lúc đó là ông Nguyễn Văn Bình đã trình cho Thủ tướng cũng lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng về chủ trương thu hút vàng trong dân.
Những thanh vàng 100g được khắc logo và tên của ngân hàng Thụy Sĩ UBS. AFP
Đã 7 năm mà sao cơ quan chức năng không thể thực hiện được mong muốn thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân ? Câu trả lời được Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng cho RFA biết :
Câu trả lời đơn giản là mất niềm tin chính thể dẫn tới mất niềm tin tín dụng. Mất niềm tin tiền gửi hay chính xác là mất niềm tin và gửi. Tại vì từ năm 2011 cho tới nay, Ngân hàng Nhà nước và chính phủ hoàn toàn không thể trả lời được câu hỏi của dân và các chuyên gia phản biện là làm thế nào để Ngân hàng Nhà nước và chính phủ bảo đảm vàng của dân gửi vào Ngân hàng Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ trở lại với dân.
Nhiều người dân Việt Nam hẳn vẫn chưa quên những phiếu công trái mất giá như thế nào sau kỳ đổi tiền năm 1985. Ông Bàng, một cư dân sài Gòn, chủ tấm phiếu công trái trị giá bốn lượng vàng lúc mua, nói với RFA :
Công trái hồi đó nó bán giờ sau này mất hết, tại vì nó bán thời đó cả chỉ vàng mà sau này mua không được tô phở. Giá nó lên vùn vụt chứ không như bây giờ. Tiền in ra chừng vài năm sau như giấy lộn à. Sau 1975 thì nó đổi tiền thành 'tiền giải phóng'. Một đồng 'tiền giải phóng' ăn tới 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa lận. Trong khi đó đồng tiền của Bắc Việt chỉ là một tấm tín phiếu, không có giá trị tiền tệ thế giới. Sau đó thêm mấy lần đổi tiền nữa, năm 1985... Giai đoạn sau này đồng tiền in ra chừng một năm đến hai năm đã hoàn toàn mất giá trị.
Báo Giao thông số ra ngày 17/5/2016 trích dẫn số liệu của Hiệp hội kinh doanh vàng cho thấy trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu vàng không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn. Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp huy động vàng phục vụ phát triển kinh tế nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được thực hiện.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nghi ngờ về lý do nhà nước đưa ra là muốn huy động 500 tấn vàng trong dân để tạo vốn phát triển kinh tế. Ông nói :
Cái lý do nhà nước huy động 500 tấn vàng của dân làm mục tiêu phát triển kinh tế là một điểu cực kỳ đáng nghi ngờ. Tôi đặt câu hỏi là huy động 500 tấn vàng của dân để phát triển kinh tế hay để trả nợ nước ngoài, tại vì hiện nay Việt Nam nợ nước ngoài rất nhiều. Con số chính thức được công bố có thể tới khoảng 40 tỷ đô la, có thể còn cao hơn nữa. Và mỗi năm phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế từ 6 đến 8 tỷ đô la, đặc biệt có những năm lên tới 10 hoặc 12 tỷ đô la một năm. Từ nhiều năm qua Việt Nam không có tiền tự có để trả nợ mà phải vay để đảo nợ.
Giải pháp nào ?
Một nhân viên của Ngân hàng Liên bang Đức kiểm tra tuổi vàng. AFP
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nghiên cứu để xây dựng và lập kế hoạch ngăn chặn mọi hoạt động chi phối bởi vàng và biến vàng thành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội Việt Nam vào năm 2020. Trả lời câu hỏi của chúng tôi là làm cách nào để nhà nước có thể huy động vàng trong dân, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết :
Tôi nghĩ cách có thể thực hiện được là Ngân hàng Nhà nước phát hành chứng chỉ vàng. Hiện tại số vàng trong dân được cho là đến 500 tấn vàng nằm rải rác trong dân, và chính phủ luôn luôn muốn huy động số vàng đó để phát triển kinh tế qua việc dùng số vàng đó để vay mượn nước ngoài. Vay mượn theo kiểu đó là vay mượn có thế chấp và thế chấp bằng vàng. Có thể vay mượn với giá rất rẻ và lãi suất thấp và dùng số tiền đó để phát triển kinh tế. Thế nhưng làm sao mà huy động hàng trăm tấn vàng từ người dân thì đây là vấn đề rất khó khăn.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng thẳng thắn cho rằng chủ trương thì đúng nhưng việc thực hiện không phải là dễ bởi người dân Việt Nam có tâm lý cất giữ vàng như là một tài sản có giá trị dù lãi suất cao hay thấp, giá vàng lên hay xuống. Ông nói :
Tôi nghĩ để người dân lấy số vàng từ gầm giường, chôn trong nhà hay từ két sắt đem vào hệ thống tài chính thì ngân hàng phải đứng ra là người huy động số vàng đó và phát hành chứng chỉ vàng cho người gửi vàng. Đồng thời chứng chỉ vàng đó phải là chứng chỉ có trả lãi thì dân họ cảm thấy có lợi khi đưa vàng cho nhà nước sử dụng. Và họ tin tưởng Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Trung ương đứng ra huy động số vàng đó thì việc hoàn trả số vàng đó đương nhiên là bảo đảm, và rủi ro là 0%.
Theo các chuyên gia kinh tế thì môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn sẽ khiến người dân tin tưởng đưa vàng ra đầu tư thay vì cất trữ như hiện nay. Vậy điều cần thiết phải làm là tạo được lòng tin cho người dân, nhưng bằng cách nào ?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định đây là trở ngại đầu tiên bởi thật sự ra việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra huy động vàng và phát hành chứng chỉ vàng là chưa có tiền lệ. Vì vậy, việc đầu tiên là làm sao Ngân hàng Nhà nước phải tạo ra sự tin tưởng cho người dân. Nhưng ông tin rằng với chiến dịch tuyên truyền và thực hiện một cách minh bạch thì người dân dần dần họ sẽ tin tưởng. Ông nói thêm :
Vấn đề chính là Ngân hàng Nhà nước phải cam kết vô điều kiện là bất cứ lúc nào người dân đến lấy vàng ra thì phải trả đúng cho họ chất lượng vàng mà họ đã ký gửi ở ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian qua lại dường như lại gây thêm nghi ngại trong người dân.
Thống kê số liệu từ báo cáo tài chánh quý 2/2018 của 15 ngân hàng đang niêm yết trên sàn cho thấy, tính đến ngày 30/6/2018, tổng nợ xấu của 15 ngân hàng ở mức gần 70,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm.
Theo Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, tình hình ngân hàng cổ phần ở Việt Nam hiện cũng vô cùng bê bối, với những ngân hàng lớn nhất lại dính vào những bê bối lớn nhất. Ví dụ Ngân hàng Agribank, một trong 5 ngân hàng lớn nhất ở Việt Nam, đang giữ kỷ lục số quan chức ngân hàng bị ra tòa vì tội tham nhũng và chiếm đoạt tài sản. Quan chức các ngân hàng lớn như VietinBank, EximBank, Vietcombank, BIDV đều dính dáng tới những vụ chiếm đoạt tài khoản và tài sản của khách hàng. Ông nói thêm :
Nếu mà sâu xa hơn nữa thì một phần ba trong tổng số hơn 30 ngân hàng Việt Nam dính vào tỷ lệ nợ xấu cao. Nấu không cẩn thận giải quyết được vấn đề nợ xấu là chết chùm. Thế thì làm sao người dân có nổi niềm tin vào ngân hàng thương mại, và trên nữa là niềm tin chính trị như "Tuần lễ vàng" năm 1946 để có thể "cúng" vào cho nhà nước ?
Truyền thông trong nước dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách tại buổi công bố báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2016 rằng bản chất việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế bởi vàng được cất giữ trong dân như mọi tài sản khác. Nếu huy động thì vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông và do đó nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống và sẽ khiến thị trường bất ổn do người dân sẽ đầu cơ, tích trữ vàng.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 23/08/2018
Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vào cuối tháng 6 vừa qua đã kiến nghị với chính phủ Việt Nam là nên huy động lượng vàng mà người dân đang nắm giữ để đưa vào sản xuất, kinh doanh.
Vàng được bán tại một tiệm vàng ở Hà Nội. Ảnh chụp năm 2008. Reuters
Đây không phải là lần đầu tiên có đề xuất về việc huy động lượng vàng trong dân, được thẩm định là khoảng 500 tấn. Từ giữa năm 2016, Hiệp hội Vàng Việt Nam (VGTA) cũng đã đưa kiến nghị tương tự lên thủ tướng và Ngân Hàng Nhà Nước. Mỗi lần, đề nghị này đều gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia, vì đây quả là một bài toán nan giải, theo nhận định của chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ từ Sài Gòn.
RFI : Thưa ông Huỳnh Bửu Sơn : Lượng vàng rất lớn vẫn còn nằm trong tay người dân phải chăng là một nguồn vốn lãng phí, thật sự cần phải được huy động ?
Huỳnh Bửu Sơn : Khi những nước nông nghiệp bắt đầu phát triển và chuyển sang công nghiệp hóa, người dân giàu lên, nhưng tâm lý giữ vàng, xem đó là một khoản tích lũy an toàn, đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, đặc biệt là người nông dân. Cho nên, không chỉ người dân ở Việt Nam, mà cả người dân những nước lân cận từ nông nghiệp phát triển lên cũng có tâm lý giữ vàng. Các nhà kinh tế gọi đó là "trữ kim". Đây không phải là tiết kiệm bình thường, mà là làm bất động một số tiết kiệm ra khỏi nền kinh tế. Điều này không có ích gì cho sự phát triển kinh tế. Như vậy cần phải huy động số vàng này vào ngân hàng để làm cho nó sinh lợi, biến nó thành nguồn vốn đầu tư.
Nói thì nghe rất là dễ, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Muốn thay đổi điều đó, thì không phải chỉ bằng phương thức huy động vào ngân hàng, mà phải làm thay đổi tâm lý của người dân, tức là biến hành động trữ kim của họ thành hành động tiết kiệm bình thường. Tức là họ biến vàng thành tiền và dùng tiền đó gởi vào ngân hàng, hoặc góp vốn vào các xí nghiệp, hoặc mua cổ phiếu của các công ty cổ phần. Thay đổi cái tâm lý ấy thì tốt hơn là chỉ nghĩ đến chuyện huy động vàng trong dân. Việc này không chỉ khó khăn mà còn không an toàn cho hệ thống ngân hàng.
RFI : Nhưng để cho người dân an tâm biến số vàng đó thành nguồn vốn đầu tư, phải chăng trước hết hệ thống ngân hàng tạo sự tin tưởng cho người dân, để họ mạnh dạn đưa số vàng đó vào ngân hàng ?
Huỳnh Bửu Sơn : Trong quá trình phát triển kinh tế nói chung của thế giới vừa qua, khi vàng đã mất vai trò là đồng tiền của thế giới, thì giá vàng đã biến động. Nhưng nếu so với những tài sản khác như đất đai hay cổ phiếu, trong vài thập niên qua, giá vàng không tăng bằng lãi suất tiết kiệm ngân hàng hay giá cổ phiếu. Tuy nhiên, tâm lý của người dân vẫn là ưa chuộng vàng. Khi tình hình kinh tế khó khăn, tức là những khả năng đầu tư sinh lợi thấp hoặc khi hoạt động doanh nghiệp không được tốt, thường người ta hay đưa tài sản của mình bất động dưới vàng, nghĩ rằng bất cứ thời nào thì vàng cũng có giá. Nhưng về mặt kinh tế thì điều này không đúng.
RFI : Nếu chính phủ Việt Nam thật sự muốn huy động số vàng đó thì ngân hàng phải đưa ra những cơ chế như thế nào để thật sự hấp dẫn người dân, để người dân mạnh dạn trao số vàng đó cho ngân hàng quản lý ?
Huỳnh Bửu Sơn : Thật ra trước đây đã có một giai đoạn mà hệ thống ngân hàng được phép huy động vàng. Người dân khi họ đã gởi tiền vào ngân hàng, thì họ cũng sẽ sẳn sàng gởi vàng vào ngân hàng thôi. Với điều kiện là khi gởi vào một lượng vàng, thì phải trả lại cho họ một lượng vàng tương đương và cộng thêm một số lãi. Nhưng chính cái việc gởi vàng để được hưởng lãi đã gây khó khăn cho hệ thống ngân hàng, vì vàng là một thứ tài sản, được coi như gần như là tiền tệ, chứ không phải là tiền tệ. Do đó nhận được vàng thì không thể đem vàng đó đi thanh toán, không thể đem ra cho vay, như vậy thì làm sao mà tự thân nó có thể sinh lợi được ?
Các ngân hàng trước đây nhận vàng thì họ buộc phải biến vàng đó thành tiền mặt hoặc ngoại tệ, để họ có thể cho vay hoặc thanh toán. Trong quá trình cho vay đó thì sinh lời và sau đó họ phải mua vàng trở lại để trữ cho việc rút vàng của các khách hàng. Khi giá vàng biến động mà họ không thể tiên lượng được, thì rủi ro đó rất lớn. Hệ thống ngân hàng nếu huy động bằng tiền và trả bằng tiền, khi các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản thì họ có thể trông cậy vào ngân hàng trung ương, tức là người cho vay giai đoạn cuối cùng. Còn khi huy động bằng vàng mà khi đến hạn mà không có vàng để trả cho người gởi vàng, thì ai sẽ là người cho vay ở giai đoạn cuối ? Ngân Hàng Nhà Nước, tức là ngân hàng trung ương của Việt Nam, chắc chắn sẽ không bao giờ có đủ vàng để mà trả cho tất cả các khoản huy động của các ngân hàng. Các ngân hàng thương mại sẽ phải xoay xở như thế nào ?
Tôi cho rằng muốn huy động vàng thì phải có một điều kiện, điều kiện đó là ngân hàng trả tiền mặt theo giá thị trường của vàng vào thời điểm mà người gởi vàng đến rút vàng. Nhưng dù có làm điều đó thì cũng chưa chắc là nó sẽ trở nên hấp dẫn đối với những người có vàng. Còn ngược lại, nếu cứ chấp nhận cho họ gởi và rút vàng, và trong thời gian đó trả lãi cho họ, thì đó là rủi ro không chỉ đối với các ngân hàng thương mại, mà cho cả hệ thống ngân hàng.
RFI : Như vậy, việc huy động vàng trong dân vẫn là một bài toán nan giải ?
Huỳnh Bửu Sơn : Người dân giữ vàng cũng chỉ là nhằm bảo đảm cho sự an toàn của tài sản của họ, chứ họ biết chắc rằng mức sinh lợi của vàng không nhiều. Hơn nữa, họ cũng không biết rằng trong tương lai giá vàng sẽ tăng hay giảm. Tuy nhiên, họ vẫn cứ có tâm lý rằng giữ vàng là an toàn.
Rõ ràng là tính sinh lời của vàng sẽ không bằng những tài sản khác như chứng khoán, cổ phiếu hay tiền tiết kiệm gởi ngân hàng. Chưa kể là sự gia tăng giá trị của bất động sản nhiều khi còn cao hơn cả vàng. Vàng là một thứ tiền tệ trong những lúc kinh tế khó khăn, còn khi mà nền kinh tế đã phát triển rồi thì các hoạt động sản xuất kinh doanh trở nên bình thường, đặc biệt là thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ hoạt động tốt, thì dần dần họ sẽ bán vàng ra để đưa tiền vào những kênh sinh lợi. Họ sẽ thấy rằng những kênh sinh lợi khác cũng an toàn không kém, nhưng có lợi nhiều hơn.
Thanh Phương
Nguồn : Tạp chí Việt Nam, RFI, 21/08/2017
Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia huy động vàng và đô la Mỹ vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và đô la Mỹ trong dân nhằm mục tiêu tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Tại phiên họp quý II năm 2017 hồi đầu tháng bảy vừa qua, Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và đô la Mỹ trong dân. Có thể nói, thêm một lần nữa dư luận trong nước đặc biệt quan tâm thông tin này và cho rằng xem như là một bước tiếp theo sau tròn một năm Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu, xem xét vấn đề nguồn lực trong dân, bao gồm tiền và vàng nhằm mục tiêu tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế quốc gia, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ vào tháng 6 năm 2016.
Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thì hiện người dân giữ khoảng 500 tấn vàng, tương đương xấp xỉ 20 tỷ đô la Mỹ.
Với số lượng vàng được cho là nguồn vốn nhàn rỗi lớn trong dân chúng, Ngân hàng Nhà nước khởi thủy đưa ra đề án huy động vàng trong dân từ tháng 5 năm 2012 và kể từ khi Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề án này cho đến nay vẫn chưa tìm ra được một phương án thực thi cụ thể nào.
Để tìm hiểu thực chất của vấn đề vì sao Ngân hàng Nhà nước có quyết định thu hút nguồn vốn bằng cách thức huy động vàng và đồng đô la dự trữ trong dân, Đài RFA được Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, từng là chuyên viên cố vấn cho các Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng, cho biết hệ thống ngân hàng Việt Nam không thiếu nguồn vốn. Ông Bùi Kiến Thành nói :
"Hiện nay hệ thống ngân hàng Việt Nam không phải là thiếu tiền mà ngược lại là đang dư tiền và chưa tìm được khách hàng để cho vay. Ngân hàng Nhà nước vừa rồi bán trái phiếu để bom tiền vào, chứ không phải bom tiền ra. Bây giờ huy động vàng hay huy động tiền đô la trong dân gian để làm gì, để tạo thanh khoản cho các ngân hàng thương mại có vốn cho việc cho vay hay không ? Nhưng đó không phải là vấn đề vì ngân hàng Việt Nam không thiếu vốn".
Theo như phân tích của Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành, chúng tôi trao đổi với một số chuyên gia trong lãnh vực kinh tế tài chính ở trong nước và họ cho rằng Chính phủ Hà Nội sẽ quyết tâm theo đuổi thực hiện chính sách huy động vàng và đồng đô la trong dân chúng bởi do tình hình ngày càng khốn khó trong ngành ngân hàng cũng như nợ xấu và nợ công của Việt Nam đang ở mức cao ngất ngưởng, 63,7% GDP vào cuối năm 2016 và được dự báo có thể đạt đỉnh trong hai năm liền sau đó.
Nợ xấu của Việt Nam đang ở mức 900 ngàn tỷ đồng, trong đó Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (Vietnam Asset Management Company-VAMC) đã mua lại 300 ngàn tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên phương diện giấy tờ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang ở giai đoạn đến hạn trả nợ gốc lẫn lãi từ 10 đến 12 tỷ đô la Mỹ cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB), kể cả Nhật Bản và một số nước khác trong bối cảnh Ngân sách Nhà nước bị thâm hụt nặng nề.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy số liệu tổng thu Ngân sách Nhà nước trong 7 tháng của năm 2017 ước đạt gần 667 ngàn tỷ đồng, bằng 55% dự toán năm. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế từ quốc nội dự toán cuối năm 2017 nguồn thu của Ngân sách Nhà nước sẽ thiếu hụt tầm 11%, tương đương 130 ngàn tỷ đồng, trong khi bội chi ngân sách vẫn chiếm gần 5% GDP, vào khoảng 250 ngàn tỷ đồng và Quỹ dự trữ ngoại hối được công bố hiện có 42 tỷ đô la.
Khách hàng rời chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ở Hà Nội hôm 10/5/2013. Photo : AFP
Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng ghi nhận từ đầu năm 2017 đến nay, Ngân Hàng Nhà nước in tiền đồng để thu gom đồng đô la Mỹ, chỉ đạt được khoảng 1 tỷ và đây là con số rất khiêm tốn đối với nhu cầu sử dụng ngoại tệ của Việt Nam. Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh Chính phủ cần tìm hiểu rõ nguồn tiền đô la trong dân như thế nào thì mới hoạch định được chính sách tương ứng :
"Ngân Hàng Nhà Nước với lãi suất bằng 0 đối với đồng đô la gửi trong tài khoản thì người ta không gửi đô la trong tài khoản nữa mà lại chuyển qua tiền đồng Việt Nam để gửi vào tài khoản với lãi suất 5-6%. Như vậy theo Ngân hàng Nhà nước không còn bao nhiêu dự trữ đô la trong nhân dân để huy động. Cho nên cần làm rõ nhân dân còn có tiền để huy động hay không trước khi có chính sách để huy động".
Liên quan đến việc huy động 500 tấn vàng trong dân, báo giới trong nước cũng đăng tải thông tin về đề xuất phát hành chứng chỉ vàng như một cách Nhà nước giữ hộ vàng cho dân và giấy chứng nhận vàng này được dùng trong giao dịch cầm cố, thế chấp và bán khi cần. Đề xuất vừa nêu gặp phải sự phản đối của giới chuyên môn vì không khả thi do thói quen của dân chúng là dành dụm mua vàng và cất giữ bên mình để phòng thân. Một phương án mang tính khả thi được các chuyên gia kinh tế nêu lên để có thể thu hút người dân đem vàng và đồng đô la gửi tín dụng là tăng lãi suất. Thế nhưng, từ góc độ khách quan bên ngoài, Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hoa Kỳ nhận định phương án tăng lãi suất cũng không mang lại hiệu quả.
Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nêu ra lý do thứ nhất là Chính phủ Việt Nam đang xem xét và tiến hành áp dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay và lý do thứ hai rất quan trọng là mức độ tin cậy của dân chúng vào hệ thống ngân hàng Việt Nam rất thấp, hay thậm chí không còn tin tưởng do quá nhiều các vụ bê bối, như qua chuyện viện trợ của Úc với đồng bạc Polymer và cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đang bị điều tra.
Trước tình thế kinh tế tài chính hiện tại của Việt Nam mà một số nhà quan sát đánh giá là hoàn toàn bế tắt, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng Chính phủ Hà Nội sẽ không thể đưa ra được bất kỳ phương án khả thi nào khác trong việc huy động vàng hay đồng đô la trong dân và :
"Nếu dùng biện pháp có tính chất hành chính và cưỡng ép để bắt dân phải đem tiết kiệm của họ dưới dạng đô la hay vàng thì việc đó không những đi ngược lại quy luật kinh tế, mà còn gây ra những tác động về chính trị và hậu quả sau cùng là người dân càng giấu nhiều hơn và chính quyền càng lộ ra bị quýnh quáng hết tiền nên tìm cách cướp tiền của dân. Vì thế, tôi cho là việc huy động này phản tác dụng".
Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận vào thời điểm Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề án huy động vàng và đồng đô la hồi tháng 6 năm ngoái, Báo mạng BizLIVE.vn đăng tải ý kiến của nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tiến sĩ Lưu Bích Hồ khẳng định việc huy động như thế không thực tế vì theo ông người dân sẽ tự đầu tư một khi môi trường đầu tư thuận lợi và Chính phủ phải tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi đó cũng như nhận định của nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Central Institute for Economic Management-CIEM), Tiến sĩ Võ Trí Thành rằng việc huy động vàng trong dân để giúp tạo nguồn lực phát triển kinh tế chỉ có thể thực hiện được một khi Việt Nam thực sự hội nhập và thu hẹp khoảng cách với sự phát triển của thế giới.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 09/08/2017