Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cho đến nay, người ta không thấy Mỹ tỏ ra có mục tiêu hay chính sách rõ ràng hiệu quả gì để đối phó với chiến lược lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

my1

Mỹ cho cả hàng không mẫu hạm đi trên Biển Đông nhưng không đủ uy lực ngăn Trung Quốc tăng cường các hoạt động bá quyền. (Hình : Getty Images)

Điều trần trước Thượng Viện hồi tháng Giêng, 2017, trước khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhận nhiệm vụ, Ngoại trưởng được chỉ định Rex Tillerson nói là Mỹ cần đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng : (1) Trung Quốc phải chấm dứt việc xây dựng, (2) không được phép dùng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Tuyên bố này gây sôi nổi dư luận quốc tế vì có vẻ như Mỹ quyết định muốn dùng sức mạnh đối phó với ý đồ lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Bộ trưởng quốc phòng được chỉ định khi đó, Tướng James Mattis, phát biểu dè dặt thận trọng hơn, ông cho rằng đối với Mỹ, "bảo vệ hải phận quốc tế là điểm cốt yếu". Do đó Mỹ phải bảo vệ quyền tự do hàng hải mà không thách thức với sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông.

Quan điểm của Tướng Mattis phù hợp với chính sách của Mỹ tại Biển Đông còn ý kiến của ông Tillerson thì không. Do đó sau khi Ngoại trưởng Tillerson bị giải nhiệm vì nhiều nguyên nhân khác nhau vào tháng Ba, 2018, coi như tư tưởng muốn ngăn chặn Trung Quốc của ông không còn ảnh hưởng gì trong vấn đề Biển Đông nữa.

Mỹ muốn gì ở Biển Đông ?

Tranh chấp biển đảo trong Biển Đông đã có từ lâu nhưng chỉ được dư luận chú ý từ khi Mỹ xác định chính sách "trở lại Châu Á", 30 năm sau chiến tranh Việt Nam. Tới 2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố ở hội nghị ASEAN tại Hà Nội rằng Biển Đông là "lợi ích cốt lõi của nước Mỹ", nhưng bà không nói thêm chi tiết khiến người ta vẫn bàn cãi về phạm vi hiệu lực của sự xác định này.

Bắc Kinh thường xuyên trách cứ Mỹ xen lấn vào khu vực, gây rắc rối và ngăn chặn Trung Quốc tiến lên vị trí siêu cường quốc. Theo họ, Mỹ nên từ bỏ Biển Đông và rút khỏi vùng Tây Thái Bình Dương.

Một số quan niệm ở Mỹ cũng đồng ý với nhận định ấy, cho rằng làm như vậy Mỹ sẽ thích nghi được với hiện trạng Trung Quốc hơn và tránh được nguy cơ xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đem lại hòa bình ổn định cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Theo họ, nước Mỹ đã vươn xa quá giới hạn, nên rút trở lại vị trí "ngoại duyên hải" như thời kỳ trước chiến tranh Triều Tiên đầu thập niên 1950. Những ý kiến này tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đi đến thỏa thuận để giải quyết các vấn đề toàn cầu, và tại sao lại để vấn đề Biển Đông trở thành một ngăn trở.

Nhưng theo những nhận định khác thì Biển Đông quan trọng cho Mỹ là do thách thức của Trung Quốc đối với trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc tự do mà Mỹ đã cổ vũ từ sau chiến tranh Thái Bình Dương chống Nhật.

Trật tự khu vực Châu Á sau Thế Chiến II đặt trên căn bản sự hiện diện của Mỹ để tạo điều kiện phát triển thịnh vượng mà không bị đe dọa bởi chiến tranh hay xung đột. Trong thế ổn định ấy, các tranh chấp lãnh thổ hay hàng hải phải được giải quyết bằng thương lượng chứ không bằng quân sự. Tự do hàng hải là cơ sở của phát triển mậu dịch và quan hệ kinh tế mà mọi quốc gia trong khu vực được thụ hưởng lợi ích.

my2

Tuần dương hạm USS Antietam (CG-54) của Hải Quân Mỹ vừa hoàn thành hải vụ FONOP trong vùng quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. (Hình : US Navy)

Vì thế, việc Mỹ quan tâm đến Biển Đông là do Trung Quốc nỗ lực thi hành chính sách bành trướng, kiểm soát an ninh và chiếm giữ tài nguyên trong vùng biển. Trung Quốc khăng khăng xác định "chủ quyền không thể chối cãi" của mình và gạt bỏ mọi đòi hỏi của Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia dù cho công pháp quốc tế đứng về phía các nước này.

Biển Đông là địa bàn chiến lược đầu tiên mà Trung Quốc nhắm tới để bành trướng thế lực chính trị, quân sự, kinh tế ra toàn thể vùng Tây Thái Bình Dương. Đối với Mỹ, rút khỏi Biển Đông sẽ phương hại đến trật tự khu vực và an ninh của các đồng minh như Nhật, Nam Hàn, để cho Trung Quốc trở thành cường quốc duy nhất khống chế những nước Đông Nam Á.

Ứng đối tham vọng của Trung Quốc, tháng Mười, năm 2013 chính quyền Obama bắt đầu thi hành chiến dịch "Tự Do Hải Hành" (FONOP) bằng cách cho các chiến hạm Hải Quân Mỹ đi ngang vùng biển tranh chấp và chính quyền Trump vẫn tiếp tục chính sách ấy cho đến nay. Tuy nhiên FONOP là phản ứng thụ động và chỉ có giá trị tượng trưng, một hành động nhằm xác định quyền bá chủ đại dương mà Hải Quân Mỹ đã nắm giữ không có cạnh tranh từ giữa thế kỷ 20, và sẽ còn được tiếp tục duy trì nhiều năm nữa. Nó không có hiệu lực pháp lý hay ảnh hưởng chính trị đến bất kỳ một quốc gia nào khác, cũng không là biện pháp đối phó tương xứng với chiến thuật gặm nhấm và xâm lấn từ từ của Trung Quốc.

Bắc Kinh lợi dụng Bắc Hàn để âm thầm leo thang ở Biển Đông

Nhiều quan sát viên quốc tế nhận định rằng lợi dụng sự quan tâm của Mỹ vào Bắc Hàn trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã âm thầm củng cố sức mạnh quân sự và tìm cách nắm giữ được chủ quyền trên thực tế ở vùng Biển Đông.

Bình luận viên Michael Fullilove của Foreign Policy, cho là Mỹ đã quá tập trung vào cuộc khủng hoảng Triều Tiên mà quên mất đối thủ thực sự của mình ở Châu Á hiện nay là ai.

Trong thời gian Tổng thống Donald Trump và đội ngũ tham mưu ở tòa Bạch Ốc tập trung toàn bộ sự chú ý vào Triều Tiên với mong muốn đạt được một "thỏa thuận thế kỷ" thì Trung Quốc đã âm thầm gia tăng các hoạt động quân sự hóa Biển Đông.

Từ 2014, Trung Quốc tiến hành cải tạo với quy mô lớn các thực thể là bãi đá ngầm đang do họ chiếm hữu ở quần đảo Trường Sa. Thoạt đầu được giải thích là các đảo nhân tạo chỉ để sử dụng cho các công tác và mục tiêu nhân đạo nhưng trong thực tế Trung Quốc đã nhanh chóng tạo dựng nhiều cơ sơ hậu cần cho các hoạt động quân sự.

Trong tháng Tư, vào thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh Nam-Bắc Hàn thu hút sự chú ý của Mỹ và toàn thế giới, Trung Quốc cho triển khai hỏa tiễn chống chiến hạm và hỏa tiễn phòng không tới các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa

Ngày 18 tháng Năm khi tòa Bạch Ốc bận nghiên cứu cách phản ứng với lời đe dọa hủy họp thượng đỉnh của Bắc Hàn, quân đội Trung Quốc công bố video một oanh tạc cơ chiến lược H-6K diễn tập đáp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa cướp của Việt Nam Cộng Hòa. Hai hôm sau, hình ảnh vệ tinh Mỹ cho thấy Trung Quốc triển khai thêm hai hệ thống hỏa tiễn phòng không trên hòn đảo này, tương tự mẫu HQ-9 mà Trung Quốc đã đưa tới đây vào năm 2016.

Ngày 27 tháng Năm, hai chiến hạm Mỹ trang bị hỏa tiễn đã thi hành sứ mạng FONOP bằng cuộc hải hành vào vùng biển cách Hoàng Sa dưới 12 hải lý và đi ngang gần các đảo Cây, Linh-Côn, Tri Tôn và Phú Lâm.

Bắc Kinh bày tỏ sự tức giận, cho Bộ Quốc Phòng đưa ra bản tuyên bố nói Mỹ "vi phạm luật lệ của cả Trung Quốc và luật quốc tế, khi xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, đồng thời làm tổn hại sự tin cậy lẫn nhau giữa hai quân đội".

Bản thông cáo của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc còn nói rằng các phi cơ và chiến hạm của Trung Quốc đã được điều động tới đẻ xua đuổi các chiến hạm Mỹ ra khỏi khu vực.

Những lời lẽ ấy chỉ mang tinh cách tuyên truyền và tượng trưng, không thể hiện có sự đối đầu căng thẳng hay nguy cơ xung đột giữa hải quân hai nước. Chiến hạm Trung Quốc không đến gần, chỉ dùng đèn và vô tuyến điện yêu cầu tuần dương hạm USS USS Antietam (CG-54) cùng khu trục hạm USS Higgins (DDG-76) rời khỏi vùng biển. Cho tới nay Trung Quốc cũng như Mỹ đều tránh những rủi ro đưa đến xung đột bất ngờ ngoài ý định.

Cả hai nước có vẻ đều hoàn thành mục đích trong sự kiện này. Mỹ chứng tỏ vẫn duy trì quyền tự do hàng hải trên thủy lộ Biển Đông và cảnh cáo Trung Quốc về ý đồ vi phạm. Ngược lại, Trung Quốc đã mặc nhiên xác định được chủ quyền trên thực tế ở hai quần đảo đã chiếm giữ và lập căn cứ quân sự trái phép.

Tình hình Trung Quốc lấn chiếm và sự bất lực của Mỹ để ngăn chặn hay trợ giúp các nước trong khu vực bảo vệ chủ quyền cũng như quyền lợi kinh tế ở Biển Đông sẽ tiếp tục là một thực trạng không thể khác trong tương lai gần và xa. 

Hà Tường Cát

Nguồn : Người Việt, 04/06/2018

Published in Diễn đàn

Amazon sẽ cạnh tranh trực diện với tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Jack Ma khi vào hoạt động ở Việt Nam từ tháng Ba, năm 2018, như dự trù. Đó là thực trạng khi những đại công ty xuyên quốc gia cùng nhắm vào thị trường nhiều tiềm năng ở Việt Nam và Đông Nam Á.

amazon1

Những kiện hàng thế này sẽ dần trở nên quen thuộc với người Việt Nam. (Hình : Getty Images)

Alibaba do Jack Ma (Mã Vân) sáng lập năm 1999 tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, hoạt động về thương mại điện tử, đấu giá trực tuyến, chiếm lĩnh vị trí số 1 tại thị trường khổng lồ ở quốc gia 1,.3 tỷ dân này.

Sau gần 20 năm, Alibaba Group đã thiết lập được một hệ thống các websites hùng hậu bao gồm : Taobao.com, Tmall.com, Alipay.com, 1688.com, AliExpress.com, Tudou.com, globalbizcircle.com… Đối thủ duy nhất của Alibaba có tầm cỡ ở Trung Quốc là JD.com. Chủ tịch Jack Ma đứng trong "top ten" của Forbes về các tỷ phú với tài sản khoảng 42 tỷ USD.

Amazon, con sông ở Nam Mỹ có lưu lượng lớn nhất thế giới, được chọn làm tên cho công ty thương mại trên mạng điện tử thành lập năm 1994 đặt trụ sở tại Seattle, WA. Thoạt đầu Amazon.com chuyên bán sách trên mạng, sau đó đa dạng hóa các mặt hàng trở thành nhà bán lẻ trực tuyến thành công nhất ở thời đại cách mạng thông tin.

Amazon.com, Inc. là công ty bán hàng lẻ trên mạng đứng đầu thế giới tính theo thu nhập (revenue) và giá trị vốn hóa thị trường (market capitalization), đứng thứ nhì sau Alibaba Group về tổng doanh số bán (total sales).

Amazon đã vượt qua Walmart năm 2015 về giá trị vốn hóa thị trường và là công ty sử dụng nhiều nhân công hàng thứ 8 tại Mỹ. Năm 2017, Amazon mua hệ thống chợ Whole Foods Market với giá 13,4 tỷ USD, số tiền lớn nhất mà một công ty đã bỏ ra để sáp nhập một doanh nghiệp khác, chứng tỏ ý muốn khống chế cả lãnh vực cửa hàng bán lẻ kiểu cổ điển. Amazon cũng như Alibaba trước đó, tin rằng mua sắm theo lối truyền thống vẫn tiếp tục bền vững bên cạnh lối mua hàng trên mạng.

Sáng lập viên Jeff Bezoff giữ chức vụ chủ tịch kiêm tổng giám đốc, nắm 16% cổ phần, theo Forbes hiện nay là người giầu nhất thế giới, tài sản 112 tỷ USD.

amazon2

Ba quả cầu bằng kính để làm vườn cây đang được xây dựng tại trụ sở trung ương của Amazon ở Seattle, sẽ hoàn thành năm 2018. (Hình : David Ryder/Getty Images)

Amazon có hệ thống bán hàng trên mạng toàn cầu với các website riêng biệt ở các nước Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Mexico), Nam Mỹ (Brazil), Australia, Âu Châu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Hòa Lan), Á Châu (Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Singapore). Sau Singapore năm 2017, Việt Nam là quốc gia thứ 16 Amazone dự tính mở chi nhánh hoạt động bắt đầu từ Tháng Ba, năm 2018.

Thương mại điện tử ở Việt Nam phổ biến từ đầu thập niên này, khi trào lưu mua hàng qua mạng được nhiều người trẻ lựa chọn. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có đầy đủ những điều kiện thuận lợi để thương mại điện tử phát triển, bao gồm dân số trẻ, tỷ lệ người dùng Internet cao (với khoảng 1/3 dân Việt Nam truy cập Internet), tỷ lệ website có tính năng đặt hàng trực tuyến là 58% và tính năng thanh toán trực tuyến là 15%.

Theo đánh giá của VECOM và những hãng nghiên cứu quốc tế, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử luôn luôn ở mức cao, lên đến hơn 20% năm 2017 và sẽ tăng hơn nữa vào giai đoạn 2018-2020. Trong vòng 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam dự doán sẽ có thể đạt tới 10 tỷ USD. Do đó, Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn trên thế giới. Nhưng Bộ Công Thương cho biết doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam mới chỉ chiếm chưa tới 3% tổng doanh thu ngành bán lẻ toàn quốc.

Các hãng thương mại điện tử thành lập ở Việt Nam không phát triển được, tầm mức hoạt động chỉ giới hạn trong một quy mô nhỏ vì không có nguồn sản phẩm ổn định cũng như thiếu hai yếu tố căn bản của thương mại điện tử là hệ thống giao hàng và thanh toán. Năm vừa qua, thị trường đã chứng kiến hàng loạt hãng thương mại điện tử bỏ cuộc. Xu hướng hoạt động trong lãnh vực này bây giờ là sáp nhập, tập trung vào trong tay những công ty lớn như Alibaba đã có mặt từ lâu và nay đến Amazon.

Chiến lược mà Amazon công bố khi vào Việt Nam không chủ trương thu nạp các công ty thương mại điện tử lớn như trường hợp đã làm ở Ấn Độ. Lý do dễ hiểu là Việt Nam có hàng trăm hãng thương mại điện tử cỡ nhỏ, nhưng các hãng lớn đều thuộc về hai đại công ty Trung Quốc : Alibaba và đối thủ JD.com. và họ lấn lướt các đối thủ bản địa.

Các phân tích gia cho rằng, Amazon phải có một chiến lược khác, không thể cứ cắt cử một vài lãnh đạo cấp cao từ Mỹ sang, rồi tự xây dựng hệ thống tiếp vận giao hàng hỏa tốc, trong khi điều kiện giao thông chưa đủ tốt tại Việt Nam. Amazon chưa tiết lộ toàn bộ chiến lược hoạt động ở Việt Nam, nhưng người đại diện của công ty nói rằng, họ không có lối suy nghĩ của một đối thủ đi cạnh tranh thị phần, mà chỉ tập trung vào lợi ích và sự thuận tiện cho khách hàng. Tuy nhiên, cách giải thích ấy cũng đủ cho người ta hiểu rằng, trong cạnh tranh Amazon muốn tận dụng thế mạnh của mình, tại những thị trường ngoài Trung Quốc, mà Alibaba có nhiều nhược điểm.

Do đó, bước đầu của Amazon là hợp tác với Hiệp Hội Thương Mại Điện Tử Việt Nam (VECOM), trong hoạt động nghiên cứu và phân tích thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam.

amazon3

Trụ sở trung ương của Alibaba Group ở Hàng Châu, Trung Quốc. (Hình : Alibaba)

Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch VECOM cho biết, đây là lần đầu tiên VECOM gồm 140 thành viên, hợp tác với một công ty thương mại điện tử nước ngoài là Amazon. Theo ông, Amazon khởi đầu màn gia nhập thị trường Việt Nam, bằng một chương trình hỗ trợ xuất cảng hàng hóa, cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời Amazon muốn gia tăng mãi lực cho lượng sản phẩm có sẵn của họ.

Amazon vào Việt Nam chậm hơn Alibaba và JD.com. của Trung Quốc, nhưng kết quả cạnh tranh chưa thể nói trước được vì Amazon có một số lợi thế hơn hẳn các đối thủ.

Dân Việt có tâm lý ưa chuộng hàng Mỹ và không thích sản phẩm Trung Quốc, vì không tin cậy sự ngay thẳng trong thương mại, đồng thời dân chúng luôn mang tinh thần chống Trung Quốc. Alibaba lại đã có nhiều tai tiếng về bán hàng giả, điều này là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển nhanh chóng của Alibaba. Hàng Amazon đa dạng về chủng loại, bảo đảm về phẩm chất, tương xứng với giá cả, được ưa thích trên toàn thế giới nên trong sự cạnh tranh dễ dàng vượt hàng của các công ty Trung Quốc.

Tháng Chín, năm 2015, Amazon loan báo : công ty dịch vụ công nghệ thông tin FPT là đối tác duy nhất của AWS tại Việt Nam. AWS (Amazon Web Service), được định nghĩa theo kỹ thuật là "dịch vụ điện toán đám mây" (Cloud computing service) với những chức năng bao gồm tính toán (computing), lưu trữ (storage), bảo mật, phân tích dữ liệu, dịch vụ trí tuệ nhân tạo (Al), nền tảng Internet Vạn Vật (Internet of Things).

Đến nay, đã có một ít sản phẩm tiểu thủ công nghệ của Việt Nam, được Amazon bán trên thị trường thế giới như : chổi bông cỏ, tranh dân gian Đông Hồ, nón lá và cả mũ cối bộ đội có đủ lưới ngụy trang và phù hiệu…

Tại Việt Nam có thể tự mua hàng Amazon từ Mỹ, nhưng phương cách này có nhiều khó khăn trở ngại, về thanh toán, thuế và gởi hàng về. Hàng của Amazon và các gian hàng có tại kho của Amazon, được giao tới 80 quốc gia trên thế giới nhưng không có Việt Nam, trừ một số loại sách. Do đó đặt mua hàng hộ trên Amazon và chuyển giao về Việt Nam là dễ dàng hơn, tuy nhiên phải trả thêm lệ phí cho một hãng làm dịch vụ này như Fado.vn

Cho đến bây giờ, Alibaba vẫn dễ bán hàng ở Việt Nam hơn, nhờ vị trí địa dư gần gũi thuận tiện và có hệ thống thanh toán đầy đủ dễ dàng. Alibaba đã vào Việt Nam từ 2009, nhưng trong nhiều năm, mới chỉ hướng tới khách hàng công nghiệp, bán sỉ, kinh doanh theo mô hình B2B (Business to Business).

Hoạt động bán lẻ trên mạng ở Việt Nam lúc đó, do Lazada chiếm giữ tới 1/3 thị phần. Lazada Group là công ty thương mại điện tử, do Rocket Internet của Đức thành lập tại Singapore năm 2012, hoạt động theo kiểu Amazon ở các thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.

Tới tháng Tư, năm 2016, Alibaba đầu tư 1 tỷ USD vào Lazada, theo một hợp đồng cho phép tập đoàn của Jack Ma nắm giữ cổ phần chi phối của sàn thương mại điện tử này. Tháng Sáu, năm 2017, Alibaba nâng cổ phần nắm giữ tại Lazada từ 51% lên 83% và đưa tổng số tiền đầu tư vào Lazada lên hơn 2 tỷ USD. Bằng thương vụ này, Alibaba có thêm thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, ngoài thị trường căn bản của họ tại Trung Quốc.

Trong thực tế thì hoạt động cụ thể của Lazada không có gì khác trước, Lazada không núp bóng hay sáp nhập thương hiệu và Alibaba chỉ đứng đằng sau nắm giữ chiến lược phát triển. Người tiêu dùng vẫn mua hàng trên Lazada và chỉ có các nhà xuất nhập khẩu, mua bán lớn mới vào Alibaba.

Nhưng những khách hàng đã mua nhiều lần trên Lazada, phàn nàn rằng sản phẩm không được tốt, giá lúc cao hơn lúc thấp hơn giá thị trường, có khi mua sản phẩm này Lazada giao sản phẩm khác, và không biết hàng nào… là thật hay giả. Những khuyết điểm mà khách hàng phàn nàn ấy, chính là yếu tố khiến cho Amazon sẽ dễ dàng chiếm phần thắng ở Việt Nam, dù đến sau Alibaba. 

Hà Tường Cát

Nguồn : Người Việt, 26/03/2018

Published in Diễn đàn

Thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng đứng trước một tình trạng nan giải do Bắc Hàn đang gây ra. Trong tất cả mọi chuyện, không chỉ chính trị ngoại giao, mà về điều kiện để Bắc Hàn phát triển kỹ thuật vũ khí, đều có vai trò can dự của Trung Quốc. Mặc dầu khẳng định tuân thủ các nghị quyết cấm vận Bắc Hàn của Liên Hiệp Quốc, nhưng trong thực tế bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc đã trợ giúp và vẫn còn tiếp tục bao che cho Bắc Hàn tới một chừng mực nào đó.

moi1

Dân chúng thủ đô Bình Nhưỡng hôm 16 Tháng Chín đứng xem hình ảnh phóng sự Bắc Hàn phóng hỏa tiễn Hwasong-12. Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố Bắc Hàn đang tiến tới "cân bằng quân sự" với Mỹ. (Hình : Kim Won-jin/AFP/Getty Images)

Một tuần lễ sau khi phóng thử nghiệm hỏa tiễn thứ 18 trong năm nay, ngày 3 Tháng Chín vừa qua Bắc Hàn đã cho nổ trái bom nguyên tử thứ sáu, mà theo lời họ là một trái bom nhiệt hạch, hay bom khinh khí, hoàn toàn chế tạo trong nước.

Căn cứ vào địa chấn tương đương với một trận động đất 6.3 do cơ quan địa chất Mỹ USGS ghi nhận được, thì vụ nổ này mạnh gấp 10 lần những cuộc thử nghiệm trước kia của Bắc Hàn. Theo sự phân tích đầy đủ thì sức mạnh của trái bom bằng 250 kilotons nghĩa là gấp 10 lần trái bom nguyên tử đã ném xuống thành phố Nagasaki Nhật Bản hồi cuối Thế Chiến II và cuộc thử nghiệm của Bắc Hàn hoàn toàn thành công.

Mặc dầu kế hoạch phát triển vũ khí của Bắc Hàn có từ gần 60 năm trước nhưng tiến bộ kỹ thuật đặc biệt nhanh chóng trong những năm gần đây là điều ngạc nhiên vượt dự đoán của các quan sát viên quốc tế. Thành quả ấy được coi là nhờ kỹ năng chuyên môn mà các khoa học gia và kỹ thuật gia Bắc Hàn đã nghiên cứu học hỏi ở nước ngoài đem về, lúc đầu là từ Liên Xô cùng những nước khác như Pakistan, Iran, nhưng quan trọng và gần đây nhất là từ Trung Quốc.

Tờ Wall Street Journal nói rằng hàng trăm khoa học gia Bắc Hàn được gởi ra ngoại quốc làm công tác nghiên cứu ở nhiều lãnh vực mà Liên Hiệp Quốc không cho phép theo lệnh cấm vận. Katsuhisa Furukawa, thành viên hội đồng chuyên gia của Liên Hiệp Quốc 2011-2016 giám sát lệnh cấm vận, nói : "Chúng ta nên rất quan tâm đến công tác nghiên cứu của Bắc Hàn ở ngoại quốc, đặc biệt là ở Trung Quốc."

Quốc tế vẫn không cho phép các nước truyền dạy bí mật về vũ khí nguyên tử, nhưng chỉ tới nghị quyết năm 2016 mới cấm chặt chẽ không được gởi khoa học gia ra nước ngoài để học những kỹ năng dùng vào mục đích quân sự cũng như dân sự. Do đó các chuyên viên Bắc Hàn bây giờ có thể đã có đủ trình độ cần thiết cho chương trình nguyên tử cũng như phát triển các loại vũ khí khác.

Tờ Wall Street Journal dẫn tin từ một giới chức tình báo hồi Tháng Tám, nói rằng trái với thuyết mà các cơ quan nghiên cứu Mỹ vẫn tin tưởng trước kia, Bắc Hàn bây giờ không cần mua động cơ hỏa tiễn của Nga, Ukraine hay Trung Quốc mà có thể tự chế trong nước.

Người ta cũng lo ngại Bắc Hàn sẽ có vệ tinh nhân tạo dùng cho việc do thám cũng như tấn công với sóng điện từ, bằng cách cho nổ một vũ khí nguyên tử trên vệ tinh để phá hỏng các mạng lưới dẫn điện ở mặt đất.

Tờ Wall Street Journal nói về một khoa học gia Bắc Hàn tên Kim Kyong-sol, chuyên viên về cộng hưởng điện từ (MR), hiện tượng vật lý có thể ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Một năm sau lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, Kim hãy còn ở học viện kỹ thuật Harbin (Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc) để trình luận án tiến sĩ về "mechatronics", ngành bao gồm kỹ thuật, điện tử và lập trình. Theo nhận định của chuyên viên Liên Hiệp Quốc Katsuhisa Furukawa thì lãnh vực khoa học kỹ thuật này thuộc vào loại bị Liên Hiệp Quốc cấm.

Hồi Tháng Ba năm nay, trong tạp chí của viện đại học Harbin, Kim Kyong-sol đã công bố tài liệu nghiên cứu viết chung với giáo sư bảo trợ Chen Zhaobo, một chuyên gia cao cấp Trung Quốc về chương trình không gian và là trưởng dự án phi đạn bay nhanh 3,800 dặm/giờ có thể mang đầu nổ nguyên tử hay quy ước, đang được Trung Quốc phát triển.

Giáo Sư Chen cho biết Kim đã ở học viện Harbin 4 năm với học bổng của chính phủ Trung Quốc và phải trở về nước vì lệnh cấm vận, chưa kịp đệ trình luận án. Theo ông, Kim không có quyền xâm nhập vào bí mật kỹ thuật quốc phòng của Trung Quốc, nhưng những nghiên cứu của Kim nếu được phát triển sẽ đóng góp quan trọng cho cả quân sự cũng như dân sự và khoa học không gian.

Từ 2010, nhiều trường đại học Trung Quốc đã ký thỏa hiệp với Kim Il-sung University và Kim Chaek University of Technology – hai trường đại học Bắc Hàn được coi là cung cấp nhân sự và kỹ thuật cho chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng. Trường Đại Học Cáp Nhĩ Tân (Harbin) là một trong những học viện hàng đầu của Trung Quốc giảng dạy về kỹ thuật dân sự nhưng có những dự án nghiên cứu bí mật về quốc phòng, không gian. Năm 2013 một nhóm 12 du sinh Bắc Hàn cấp từ tiến sĩ trở lên đã theo học ở đây, con số này tăng lên 28 năm 2015.

Giáo Sư Kỹ Thuật Không Gian Norman Wereley, trường đại học Maryland, nói rằng nghiên cứu cộng hưởng điện từ của Kim Kyong-sol ở học viện kỹ thuật Harbin trên căn bản là bình thường nhưng khi về nước sẽ có thể ứng dụng vào nhiều công trình tinh vi phức tạp hơn. Theo lời ông : "Tôi không nghĩ Kim du học chỉ với mục tiêu giáo dục khoa học thuần túy."

Năm 2016, hai sinh viên Bắc Hàn theo học tại một trung tâm không gian ở Ấn Độ, nơi có 36 sinh viên đã được huấn luyện từ 1996 và một trong số này bây giờ là giám đốc trung tâm kiểm soát vệ tinh của Bắc Hàn. Hiện nay Ấn Độ không còn nhận người Bắc Hàn nào tới.

Còn ở một số nước khác nhất là tại Trung Quốc, con số sinh viên Bắc Hàn đã tới cao hơn nhiều, một số vẫn còn có thể lưu lại như ở Ý và Romania vì những khe hở trong nội dung luật cấm vận. Tại Trung Quốc năm 2015 có 1,086 sinh viên Bắc Hàn hậu đại học so với 354 năm 2009, theo hồ sơ của bộ giáo dục Trung Quốc. Nhưng bộ này không cho biết chi tiết các sinh viên đó học ở trường nào và những dự kiện sau năm 2016.

Thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn dẫn lời chủ tịch Kim Jong-un khoe khoang rằng trái bom khinh khí vừa thử nghiệm hoàn toàn chế tạo ở trong nước bao gồm nhiên liệu hạt nhân cao cấp và những linh kiện khác. Từ khi nắm chính quyền, Kim Jong-un đã công khai loan báo chính sách gởi thêm khoa học gia đi nước ngoài học hỏi và đối xử ưu đãi cho họ ở quốc nội.

Hà Tường Cát

Nguồn : Người Việt, 17/09/2017 (Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.)

Published in Diễn đàn