Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/06/2018

Mỹ lơ là để Trung Quốc lấn lướt ở Biển Đông

Hà Tường Cát

Cho đến nay, người ta không thấy Mỹ tỏ ra có mục tiêu hay chính sách rõ ràng hiệu quả gì để đối phó với chiến lược lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

my1

Mỹ cho cả hàng không mẫu hạm đi trên Biển Đông nhưng không đủ uy lực ngăn Trung Quốc tăng cường các hoạt động bá quyền. (Hình : Getty Images)

Điều trần trước Thượng Viện hồi tháng Giêng, 2017, trước khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhận nhiệm vụ, Ngoại trưởng được chỉ định Rex Tillerson nói là Mỹ cần đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng : (1) Trung Quốc phải chấm dứt việc xây dựng, (2) không được phép dùng các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Tuyên bố này gây sôi nổi dư luận quốc tế vì có vẻ như Mỹ quyết định muốn dùng sức mạnh đối phó với ý đồ lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Bộ trưởng quốc phòng được chỉ định khi đó, Tướng James Mattis, phát biểu dè dặt thận trọng hơn, ông cho rằng đối với Mỹ, "bảo vệ hải phận quốc tế là điểm cốt yếu". Do đó Mỹ phải bảo vệ quyền tự do hàng hải mà không thách thức với sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông.

Quan điểm của Tướng Mattis phù hợp với chính sách của Mỹ tại Biển Đông còn ý kiến của ông Tillerson thì không. Do đó sau khi Ngoại trưởng Tillerson bị giải nhiệm vì nhiều nguyên nhân khác nhau vào tháng Ba, 2018, coi như tư tưởng muốn ngăn chặn Trung Quốc của ông không còn ảnh hưởng gì trong vấn đề Biển Đông nữa.

Mỹ muốn gì ở Biển Đông ?

Tranh chấp biển đảo trong Biển Đông đã có từ lâu nhưng chỉ được dư luận chú ý từ khi Mỹ xác định chính sách "trở lại Châu Á", 30 năm sau chiến tranh Việt Nam. Tới 2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố ở hội nghị ASEAN tại Hà Nội rằng Biển Đông là "lợi ích cốt lõi của nước Mỹ", nhưng bà không nói thêm chi tiết khiến người ta vẫn bàn cãi về phạm vi hiệu lực của sự xác định này.

Bắc Kinh thường xuyên trách cứ Mỹ xen lấn vào khu vực, gây rắc rối và ngăn chặn Trung Quốc tiến lên vị trí siêu cường quốc. Theo họ, Mỹ nên từ bỏ Biển Đông và rút khỏi vùng Tây Thái Bình Dương.

Một số quan niệm ở Mỹ cũng đồng ý với nhận định ấy, cho rằng làm như vậy Mỹ sẽ thích nghi được với hiện trạng Trung Quốc hơn và tránh được nguy cơ xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đem lại hòa bình ổn định cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Theo họ, nước Mỹ đã vươn xa quá giới hạn, nên rút trở lại vị trí "ngoại duyên hải" như thời kỳ trước chiến tranh Triều Tiên đầu thập niên 1950. Những ý kiến này tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đi đến thỏa thuận để giải quyết các vấn đề toàn cầu, và tại sao lại để vấn đề Biển Đông trở thành một ngăn trở.

Nhưng theo những nhận định khác thì Biển Đông quan trọng cho Mỹ là do thách thức của Trung Quốc đối với trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc tự do mà Mỹ đã cổ vũ từ sau chiến tranh Thái Bình Dương chống Nhật.

Trật tự khu vực Châu Á sau Thế Chiến II đặt trên căn bản sự hiện diện của Mỹ để tạo điều kiện phát triển thịnh vượng mà không bị đe dọa bởi chiến tranh hay xung đột. Trong thế ổn định ấy, các tranh chấp lãnh thổ hay hàng hải phải được giải quyết bằng thương lượng chứ không bằng quân sự. Tự do hàng hải là cơ sở của phát triển mậu dịch và quan hệ kinh tế mà mọi quốc gia trong khu vực được thụ hưởng lợi ích.

my2

Tuần dương hạm USS Antietam (CG-54) của Hải Quân Mỹ vừa hoàn thành hải vụ FONOP trong vùng quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. (Hình : US Navy)

Vì thế, việc Mỹ quan tâm đến Biển Đông là do Trung Quốc nỗ lực thi hành chính sách bành trướng, kiểm soát an ninh và chiếm giữ tài nguyên trong vùng biển. Trung Quốc khăng khăng xác định "chủ quyền không thể chối cãi" của mình và gạt bỏ mọi đòi hỏi của Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia dù cho công pháp quốc tế đứng về phía các nước này.

Biển Đông là địa bàn chiến lược đầu tiên mà Trung Quốc nhắm tới để bành trướng thế lực chính trị, quân sự, kinh tế ra toàn thể vùng Tây Thái Bình Dương. Đối với Mỹ, rút khỏi Biển Đông sẽ phương hại đến trật tự khu vực và an ninh của các đồng minh như Nhật, Nam Hàn, để cho Trung Quốc trở thành cường quốc duy nhất khống chế những nước Đông Nam Á.

Ứng đối tham vọng của Trung Quốc, tháng Mười, năm 2013 chính quyền Obama bắt đầu thi hành chiến dịch "Tự Do Hải Hành" (FONOP) bằng cách cho các chiến hạm Hải Quân Mỹ đi ngang vùng biển tranh chấp và chính quyền Trump vẫn tiếp tục chính sách ấy cho đến nay. Tuy nhiên FONOP là phản ứng thụ động và chỉ có giá trị tượng trưng, một hành động nhằm xác định quyền bá chủ đại dương mà Hải Quân Mỹ đã nắm giữ không có cạnh tranh từ giữa thế kỷ 20, và sẽ còn được tiếp tục duy trì nhiều năm nữa. Nó không có hiệu lực pháp lý hay ảnh hưởng chính trị đến bất kỳ một quốc gia nào khác, cũng không là biện pháp đối phó tương xứng với chiến thuật gặm nhấm và xâm lấn từ từ của Trung Quốc.

Bắc Kinh lợi dụng Bắc Hàn để âm thầm leo thang ở Biển Đông

Nhiều quan sát viên quốc tế nhận định rằng lợi dụng sự quan tâm của Mỹ vào Bắc Hàn trong hơn một năm qua, Trung Quốc đã âm thầm củng cố sức mạnh quân sự và tìm cách nắm giữ được chủ quyền trên thực tế ở vùng Biển Đông.

Bình luận viên Michael Fullilove của Foreign Policy, cho là Mỹ đã quá tập trung vào cuộc khủng hoảng Triều Tiên mà quên mất đối thủ thực sự của mình ở Châu Á hiện nay là ai.

Trong thời gian Tổng thống Donald Trump và đội ngũ tham mưu ở tòa Bạch Ốc tập trung toàn bộ sự chú ý vào Triều Tiên với mong muốn đạt được một "thỏa thuận thế kỷ" thì Trung Quốc đã âm thầm gia tăng các hoạt động quân sự hóa Biển Đông.

Từ 2014, Trung Quốc tiến hành cải tạo với quy mô lớn các thực thể là bãi đá ngầm đang do họ chiếm hữu ở quần đảo Trường Sa. Thoạt đầu được giải thích là các đảo nhân tạo chỉ để sử dụng cho các công tác và mục tiêu nhân đạo nhưng trong thực tế Trung Quốc đã nhanh chóng tạo dựng nhiều cơ sơ hậu cần cho các hoạt động quân sự.

Trong tháng Tư, vào thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh Nam-Bắc Hàn thu hút sự chú ý của Mỹ và toàn thế giới, Trung Quốc cho triển khai hỏa tiễn chống chiến hạm và hỏa tiễn phòng không tới các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa

Ngày 18 tháng Năm khi tòa Bạch Ốc bận nghiên cứu cách phản ứng với lời đe dọa hủy họp thượng đỉnh của Bắc Hàn, quân đội Trung Quốc công bố video một oanh tạc cơ chiến lược H-6K diễn tập đáp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa cướp của Việt Nam Cộng Hòa. Hai hôm sau, hình ảnh vệ tinh Mỹ cho thấy Trung Quốc triển khai thêm hai hệ thống hỏa tiễn phòng không trên hòn đảo này, tương tự mẫu HQ-9 mà Trung Quốc đã đưa tới đây vào năm 2016.

Ngày 27 tháng Năm, hai chiến hạm Mỹ trang bị hỏa tiễn đã thi hành sứ mạng FONOP bằng cuộc hải hành vào vùng biển cách Hoàng Sa dưới 12 hải lý và đi ngang gần các đảo Cây, Linh-Côn, Tri Tôn và Phú Lâm.

Bắc Kinh bày tỏ sự tức giận, cho Bộ Quốc Phòng đưa ra bản tuyên bố nói Mỹ "vi phạm luật lệ của cả Trung Quốc và luật quốc tế, khi xâm phạm chủ quyền Trung Quốc, đồng thời làm tổn hại sự tin cậy lẫn nhau giữa hai quân đội".

Bản thông cáo của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc còn nói rằng các phi cơ và chiến hạm của Trung Quốc đã được điều động tới đẻ xua đuổi các chiến hạm Mỹ ra khỏi khu vực.

Những lời lẽ ấy chỉ mang tinh cách tuyên truyền và tượng trưng, không thể hiện có sự đối đầu căng thẳng hay nguy cơ xung đột giữa hải quân hai nước. Chiến hạm Trung Quốc không đến gần, chỉ dùng đèn và vô tuyến điện yêu cầu tuần dương hạm USS USS Antietam (CG-54) cùng khu trục hạm USS Higgins (DDG-76) rời khỏi vùng biển. Cho tới nay Trung Quốc cũng như Mỹ đều tránh những rủi ro đưa đến xung đột bất ngờ ngoài ý định.

Cả hai nước có vẻ đều hoàn thành mục đích trong sự kiện này. Mỹ chứng tỏ vẫn duy trì quyền tự do hàng hải trên thủy lộ Biển Đông và cảnh cáo Trung Quốc về ý đồ vi phạm. Ngược lại, Trung Quốc đã mặc nhiên xác định được chủ quyền trên thực tế ở hai quần đảo đã chiếm giữ và lập căn cứ quân sự trái phép.

Tình hình Trung Quốc lấn chiếm và sự bất lực của Mỹ để ngăn chặn hay trợ giúp các nước trong khu vực bảo vệ chủ quyền cũng như quyền lợi kinh tế ở Biển Đông sẽ tiếp tục là một thực trạng không thể khác trong tương lai gần và xa. 

Hà Tường Cát

Nguồn : Người Việt, 04/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 729 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)