Biển Đông : Tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 về tới Ma Cao (RFI, 26/10/2018)
Theo dữ liệu trên mạng theo dõi hành trình tàu biển Marine Traffic, lúc 16 giờ ngày 25/10/2019, tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) đã được định vị ngoài khơi Ma Cao.
Hoạt động của tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi) tại bãi Tư Chính của Việt Nam từ ngày 26 đến 30/08/2019. Ryan Martinson/Twitter
Trong thông cáo cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng xác nhận tàu Trung Quốc đã ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Giới chuyên gia cảnh báo : tàu Trung Quốc sẽ quay lại vùng biển của Việt Nam.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25/10/2019 nêu rõ : "Liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng. Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt nam. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm".
Trước đó, ngày 24/10/2019 cũng mạng theo dõi hành trình tàu biển Marine Traffic đưa tin nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng hai tàu hộ tống đã rời khỏi khu vực hoạt động, trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Nhóm tàu này di chuyển về Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oanh khẳng định nhóm tàu nói trên đã "hoàn thành nhiệm vụ khảo sát khoa học được tiến hành từ tháng 07/2019 tại một vùng biển đặt dưới quyền tài phán của Trung Quốc". Báo Hồng Kông South China Morning Post lưu ý, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa đã nhắc lại luận điểm cố hữu của Bắc Kinh nhưng tránh đi sâu thêm vào chi tiết trên hồ sơ nhậy cảm này.
Chuyên gia Ian Storey thuộc học viện ISEAS - Yusof Ishak tại Singapore đánh giá việc tàu Trung Quốc rút khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nói trên chỉ mang tính "tạm thời". Một chuyên gia Trung Quốc về Đông Nam Á tại đại học Kim An, Quảng Châu, đánh giá việc Hải Dương Địa Chất 8 rời khỏi vùng biển của Việt Nam do "công việc đã hoàn tất" và cử chỉ này nhằm giảm thiểu căng thẳng Mỹ-Trung, chứ không phải là nhờ tác động từ những lời kêu gọi liên tiếp từ phía Việt Nam.
Thanh Hà
*****************
Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo xác nhận tàu Hải (RFA, 25/10/2019)
Truyền thông trong nước cho biết trong thông cáo phát đi, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ "Liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng. Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt nam. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm".
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam - Courtesy of VOV
Trước đó, ngày 24/10 trong bản tin của Reuters phát đi từ Hà Nội nêu rõ tàu Hải Dương 8 rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam với sự hộ tống của ít nhất hai tàu khác.
Nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc đã liên tục vi phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam từ tháng 7 đến nay, gây căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ít nhất 4 lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát và những tàu hộ tống đi vì đã vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Ngược lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng vào ngày 18/9 cho rằng "Trung Quốc có quyền chủ quyền và tài phán đối với vùng nước ở bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa". Mặc dù trước đó, ngày 12/9 người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định tại một cuộc họp báo rằng Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Khu vực mà Trung Quốc gọi là 'bãi Vạn An' thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982", bà Hằng nói. "Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều này".
**************
Trung Quốc hôm 24/10 rút tàu thăm dò Hải Dương 8 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ngay sau khi có thông tin giàn khoan Hakuryu 5 hoàn thành nhiệm vụ thăm dò gần khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.
Theo dữ liệu hàng hải của Marine Traffic được Reuters trích dẫn hôm 24/10, tàu Hải Dương 8 đang rời khỏi vùng biển của Việt Nam hướng về phía Trung Quốc với sự hộ tống của hai tàu khác.
Trước đó một ngày, hôm 23/10, các nguồn tin không chính thức cho biết giàn khoan Hakuryu 5 của Nhật mà tập đoàn Rosneft của Nga thuê thăm dò dầu khí ở Lô 06.1 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam đã hoàn thành các hoạt động và bắt đầu rời khỏi vị trí.
Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào thăm dò quanh khu vực hoạt động của giàn khoan Hakuryu 5 từ đầu tháng 7 và gây nên căng thẳng nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Đầu tuần này, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã nêu vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh trong khi Tổng bí thư-Nguyễn Phú Trọng vào tuần trước tuyên bố trong một buổi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội rằng Việt Nam sẽ "không nhân nhượng" trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, theo truyền thông trong nước.
Ngay sau khi ông Trọng lên tiếng một ngày, người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Hà Nội đối thoại với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Trong vòng hơn 3 tháng qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần tố cáo tàu Trung Quốc "xâm phạm" vùng biển của Việt Nam trong khi Bắc Kinh luôn khăng khăng rằng tàu Hải Dương 8 luôn hoạt động trong vùng biển hợp pháp của họ.
Cho đến tối ngày 24/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về hành động rút tàu thăm dò của Trung Quốc.
Công chúng và nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế trong những tháng qua đã kêu gọi chính phủ Hà Nội có hành động pháp lý chống lại Bắc Kinh vì hành động "xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam" như Bộ Ngoại giao đã nhiều lần cáo buộc đối với tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc.
Một cuộc biểu tình của một nhóm nhỏ người dân Hà Nội bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc hồi tháng 8 đã bị công an giải tán.
Không có dấu hiệu nào cho thấy Hà Nội sẽ kiện Bắc Kinh ra tòa quốc tế như các chuyên gia Mỹ từng khuyên, nhưng hồi tháng 9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.
Hồi tháng 7, chuyên gia nghiên cứu về hải quân Trung Quốc của Trường Hải chiến Hoa Kỳ, Ryan Martinson, nói với VOA rằng Trung Quốc "quyết tâm ngăn chặn Việt Nam khai thác tài nguyên dưới đáy biển" sau khi Hà Nội "cho phép công ty dầu khí Nga Rosneft thuê giàn khoan dầu của Nhật Hakuryu 5 để khoan thăm dò vùng biển phía Tây của Bãi Tư Chính".
Dàn khoan Hakuryu 5 ban đầu được dự kiến hoạt động đến ngày 15/9, theo truyền thông trong nước. Tuy nhiên, theo trang Nguyentandung.org, giàn khoan này đã bắt kết thúc việc thăm dò và đã rời đi hôm 22/10.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS cũng nói với Reuters rằng Trung Quốc chỉ rút tàu Hải Dương 8 ngay sau khi dàn khoan Hakuryu hoàn thành thăm dò ở Lô 06.1.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu này, "Trung Quốc quyết gây áp lực lên Việt Nam để ngừng khai thác và sản xuất dầu khí chung với các đối tác nước ngoài trong khu vực này".
Tháng trước cũng đã có thông tin cho rằng tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil sẽ rời Việt Nam vì sức ép của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã phủ nhận thông tin này và cho biết Mỏ Cá Voi Xanh vẫn tiếp tục hoạt động.
Trước đó từ tháng 7/2017 đến tháng 3/2018, Hà Nội được cho là đã phải dừng hai dự án khai thác dầu khí với đối tác Repsol của Tây Ban Nha vì sức ép của Bắc Kinh.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhiều khả năng "Trung Quốc sẽ đưa một giàn khoan dầu vào khu vực mà tàu Hải Dương 8 đã tiến hành các cuộc thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam" trong những tháng qua.
Cách đây 5 năm, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, làm căng thẳng tăng cao trong mối quan hệ giữa hai nước và làm dấy lên các cuộc biểu tình ở trong và ngoài Việt Nam.
*****************
Tàu Trung Quốc rời vùng biển Việt Nam sau đợt thăm dò bị phản đối (RFA, 24/10/2019)
Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vào ngày 24 tháng 10 đã rời khỏi vùng biển Việt Nam sau hơn ba tháng tiến hành thăm dò tại đó. Reuters loan tin dẫn dữ liệu hàng hải về việc tàu khảo sát đại dương Hải Dương 8 rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thểm lục địa Việt Nam.
Hình minh họa. Đường đi của tàu Hải Dương 8 ở vùng biển của Việt Nam - Photo : RFA
Bản tin của Reuters phát đi từ Hà Nội nêu rõ tàu Hải Dương 8 rút đi với sự hộ tống của ít nhất hai tàu khác.
Hoạt động khảo sát của tàu Hải Dương 8 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ hồi đầu tháng 7 gây nên căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ít nhất 4 lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát và những tàu hộ tống đi vì vi phạm chủ quyền Việt Nam. Ngược lại Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại cho tàu của họ đang hoạt động trong vùng biển của Hoa Lục.
Sau khi nhóm tàu Trung Quốc rút đi vào ngày 24 tháng 10, Reuters có gửi điện thư cho Bộ Ngoại giao Việt Nam hỏi về bình luận của Hà Nội đối với sự kiện đó ; tuy nhiên Reuters cho biết chưa nhận được hồi đáp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, hôm 24/10 lên tiếng tại cuộc họp báo thường nhật tại Bắc Kinh rằng hoạt động khảo sát của tàu Hải Dương 8 nay đã hoàm tất.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng xác nhận lại công tác khảo sát của tàu Hải Dương 8 bắt đầu từ đầu tháng 7.
Vào ngày 23 tháng 10, Thông tấn xã Việt Nam, dẫn kêu gọi của Phó chủ tịch Ủy Ban Quân Ủy Trung ương Trung Quốc đưa ra trong tuần này với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Ngô Xuân Lịch, về việc đối thoại giữa hai phía nhằm giải quyết tình hình phức tạp trong khu vực cũng như toàn cầu.
Cũng theo Thông tấn xã Việt Nam, bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch, cho rằng nổ lực chung của các quốc gia có thể giúp vượt qua những thách thức an ninh chung.
****************
Việt Nam ‘cắt’ ‘đường lưỡi bò’ trong ứng dụng ôtô nhập từ Trung Quốc (VOA, 24/10/2019)
Việt Nam đã ra lệnh cho một doanh nghiệp trong nước nhập ôtô Trung Quốc phải loại bỏ "đường lưỡi bò" trong máy định vị (Navigation) vì đã vi phạm chủ quyền quốc gia, theo trang South China Morning Post.
Bản đồ Biển Đông với đường "Lưỡi bò" do Trung Quốc vẽ nên.
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam ngày 22/10, nói rằng một số mẫu xe Trung Quốc do Công ty Kylin-GX668, có trụ sở tại Hải Phòng, nhập khẩu nguyên chiếc về bán tại Việt Nam có sử dụng ứng dụng dẫn đường trên máy định vị có bản đồ "đường lưỡi bò" vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Truyền thông Việt Nam cho biết Cục Đăng kiểm đã yêu cầu doanh nghiệp này "phải rà soát, cập nhật lại phần mềm bản đồ phù hợp với các mẫu xe đang bán tại thị trường Việt Nam, cũng như làm việc lại với đối tác về bản đồ trên máy định vị trước khi nhập về bán".
Trang Thanh Niên dẫn lời đại diện của Công ty Kylin-GX668 cho biết đã gỡ bỏ ứng dụng Navigation trên tất cả ôtô Trung Quốc do công ty này phân phối.
Công ty này cũng cho rằng ứng dụng dẫn đường này không thể sử dụng tại Việt Nam do khác hệ thống định vị vệ tinh và không có dữ liệu.
Trước đó, hôm 14/10, Việt Nam đã rút bộ phim hoạt hình "Abominable" với tựa đề tiếng Việt "Everest : Người Tuyết bé nhỏ", sản phẩm hợp tác giữa DreamWorks Animation của Mỹ và Pearl Studio, một công ty của Trung Quốc, vì bộ phim này có hình ảnh bản đồ đường đứt khúc chín đoạn, hay còn gọi là "đường lưỡi bò".
**************
Biển Đông : Tàu khảo sát Trung Quốc rời vùng biển Việt Nam (RFI, 24/10/2019)
Theo dữ liệu trên mạng theo dõi hành trình tàu biển Marine Traffic, vào sáng hôm nay 24/10/2019, tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 đã tăng tốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông và hướng về phía Trung Quốc, dưới sự hộ tống của ít nhất hai tàu Trung Quốc khác.
Tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 đã tăng tốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông và hướng về phía Trung Quốc
Tàu khảo sát Trung Quốc đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ cuối tháng 06/2019, thoạt đầu hoạt động ở vùng thềm lục địa Việt Nam gần Bãi Tư Chính, rồi sau đó đi ngược lên khảo sát một dải biển dọc theo bờ biển miền Nam Trung Bộ, ngang tầm Phan Thiết ở phía dưới và Bình Định ở phía trên, và càng ngày càng áp sát bờ biển Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 150 km, tức là rất sâu bên trong vùng 200 hải lý của Việt Nam.
Chính quyền Hà Nội đã nhiều lần lên tiếng tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh rút tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra khỏi vùng biển Việt Nam nhưng vô hiệu.
Hãng tin Anh Reuters đã gởi câu hỏi đến Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu thêm về vụ tàu khảo sát Trung Quốc rút đi, nhưng đến trưa nay chưa có hồi đáp.
Giới quan sát ghi nhận hai sự kiện gần như là đồng thời: Tàu khảo sát Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển Việt Nam, một hôm sau khi một số thông tin trên mạng internet, chưa được kiểm chứng, xác định rằng giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Việt Nam đã hoàn tất công việc tại lô 06.1, gần Bãi Tư Chính và đang trên đường đi về phía bờ biển Việt Nam.
Theo Reuters, chuyên gia Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS đã cho rằng Trung Quốc chỉ rút tàu khảo sát đi ngay sau khi giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam hoàn thành công việc khoan dò tại lô 06.1 được giao cho công ty Nga Rosneft khai thác.
Song song với việc cho tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng biển Việt Nam, từ cuối tháng Sáu cho đến nay, tàu hải cảnh Trung Quốc đã liên tục sách nhiễu và tìm cách cản trở hoạt động của giàn khoan Việt Nam tại Bãi Tư Chính.
Theo chuyên gia Hà Hoàng Hợp, người đồng thời là chuyên gia khách mời của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS -Yusof Ishak ở Singapore : "Trung Quốc không muốn bất kỳ công ty ngoài ASEAN nào khoan dầu ở Biển Đông (và) quyết tâm gây sức ép để Việt Nam chấm dứt hoạt động thăm dò và khai thác dầu chung với các đối tác nước ngoài trong khu vực".
Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tuần trước đã kêu gọi các bên tranh chấp ở Biển Đông tự kềm chế, nhưng khẳng định rằng Việt Nam "không bao giờ thỏa hiệp" về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trái lại, Trung Quốc vẫn lên giọng cứng rắn. Hôm thứ Hai 21/10/2019, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã công khai nhắc lại rằng Biển Đông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ không để mất dù chỉ là một tấc đất.
Theo Reuters, chuyên gia Hà Hoàng Hợp đã lo ngại rằng "rất có khả năng là Trung Quốc sẽ cho một giàn khoan dầu đến khu vực mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 của họ đã điều tra địa chấn, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".
Trọng Nghĩa
Tàu Hải Dương 8 rút đi, Việt Nam hoãn hội thảo về Bãi Tư Chính (BBC, 23/09/2019)
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc rời khu vực Bãi Tư Chính, đi về Đá Chữ Thập hiện do Trung Quốc quản lý, kết thúc lần xâm phạm thứ ba của tàu này vào khu vực nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Tàu Hải Dương 8 lần đầu tiên vào Bãi Tư Chính là đầu tháng Bảy, lần thứ hai vào hôm 13/8, và lần thứ ba, hôm 7/9
South China Sea News, một dự án phi lợi nhuận, phi chính phủ chuyên theo dõi tình hình Biển Đông, đăng trên Twitter rằng tàu Hải Dương 8 đã đột ngột rời khỏi Bãi Tư Chính vào đầu giờ sáng Chủ Nhật, giờ địa phương, nhưng phía Trung Quốc vẫn để tàu hải cảnh mang số hiệu 45111 ở lại trong vùng EEZ của Việt Nam.
Tuy nhiên, tờ South China Morning Post thì nói tàu Hải Dương 8 rời khỏi khu vực vào sáng thứ Hai.
Dữ liệu ghi chép hành trình tàu bè của trang MarineTraffic cho thấy Hải Dương di chuyển về Đá Chữ Thập thuộc Quần Đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh đã bồi đắp thành đảo nhân tạo và xây cất các cơ sở kiên cố trên đó.
Căng thẳng dâng cao
Chỉ trước đó ít hôm, Trung Quốc đã đẩy căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam lên mức cao chưa từng thấy trong những năm gần đây.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng hôm 18/9 tuyên bố khu vực Bãi Tư Chính là lãnh thổ của Bắc Kinh, và đòi Việt Nam 'ngay lập tức' dừng các hoạt động dầu khí tại đây.
Bãi Tư Chính nằm cách Vũng Tàu 160 hải lý, nơi Việt Nam nói hoàn toàn nằm trong vùng EEZ vốn được tính 200 hải lý từ đường cơ sở, theo luật quốc tế.
Đây là nơi Việt Nam đã tiến hành hợp tác dầu khí với các đối tác nước ngoài từ nhiều năm qua.
Đây cũng là nơi nằm trong khu vực biển mà Việt Nam đã xây dựng và duy trì hệ thống 'Trạm dịch vụ Kinh tế- Khoa học kỹ thuật', gọi tắt là Nhà Giàn DK1 kể từ cuối 1988.
Việt Nam nói nơi này hoàn toàn không thuộc vùng tranh chấp mà thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhân dịp dự CAEXPO và CABIS tại Quảng Tây nói với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính rằng Việt Nam đề nghị Bắc Kinh "tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam" và "không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên biển"
Sau tuyên bố 'xóc óc' của Bắc Kinh, phản ứng chính thức từ Hà Nội được đưa trong chuyến đi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới Quảng Tây, Trung Quốc, sau đó ba ngày.
Hôm 21/9, Phó Thủ tướng Việt Nam được truyền thông trong nước dẫn lời nói đã "đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam".
Ông Vũ Đức Đam cũng đề nghị phía Trung Quốc "không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên biển".
Tuyên bố của ông Vũ Đức Đam được đưa ra trong cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính tại Hội chợ và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại, Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO và CABIS) lần thứ 16, tổ chức tại Quảng Tây.
Hoãn hội thảo
Trong một diễn biến riêng rẽ, một buổi tọa đàm về Bãi Tư Chính, lẽ ra diễn ra ngày 22/9 ở Hà Nội, đã bị hoãn.
Thông báo của Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, nói rằng Viện đã nhận được chỉ đạo từ cơ quan chủ quản của mình vào ngày 19/9, trong đó viết rằng "theo chỉ đạo của cơ quan chức năng", Viện này được yêu cầu lùi thời gian tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề "Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp Quốc tế" cho đến sau ngày 05/10/2019.
Viện trưởng, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, nói với BBC hôm 19/9 nói rằng về mặt pháp lý, hồ sơ để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là "đã sẵn sàng", và "rất đầy đủ về căn cứ, chứng cứ".
"Kiện hay không kiện, lúc này không còn là vấn đề pháp lý nữa, mà là nằm ở quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo Việt Nam", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao nói.
Thông báo của Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển lùi thời gian tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề "Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp Quốc tế" cho đến sau ngày 05/10/2019.
"Phải chăng chính phủ Việt Nam đang có chính sách đối ngoại cố gắng tránh làm mất mặt Trung Quốc, tránh chọc giận Trung Quốc, mặc dù họ đã vào đến tận trong nhà mình để quậy", Viện trưởng Hoàng Ngọc Giao, người ký thông báo tạm hoãn hội thảo, nói.
"Ba lần vào Bãi Tư Chính" của Hải Dương 8
Như vậy, Hải Dương 8 sau hơn hai tuần tiến vào vùng biển Việt Nam đã rút lui, kết thúc đợt xâm phạm thứ ba.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu khảo sát này từ Bãi Tư Chính về Đá Chữ Thập.
Tàu lần đầu tiên vào khu vực ngoài khơi Vũng Tàu hôm 3/7. Sau hơn một tháng, chiều 7/8, tàu rút về Bãi Chữ Thập để tiếp vận và tiếp liệu.
Chưa đầy một tuần sau, tàu quay trở lại khu vực gần Bãi Tư chính vào hôm 13/8. Tới 2/9, các dữ liệu do Marine Traffic ghi nhận cho thấy Hải Dương 8 cùng bốn tàu hộ tống lại rời vị trí, quay về Đá Chữ Thập, sau ba tuần có mặt trong vùng EEZ của Việt Nam.
Phía Việt Nam nói Hải Dương 8 lần thứ ba tiến vào khu vực là hôm 7/9. Như vậy, so với trước thì lần này tàu khảo sát Trung Quốc 'hạ trại' với thời gian ngắn hơn, chỉ hơn hai tuần.
Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố lý do rút tàu Hải Dương 8 khỏi khu vực mà Hà Nội nói là thuộc EEZ của Việt Nam nhưng Bắc Kinh nói là của Trung Quốc.
Hai lần trước, Hải Dương 8 đều rút về Đá Chữ Thập và tạm nghỉ tại đó trong vòng chưa đầy một tuần rồi lại tiếp tục trở lại.
*************************
Tàu Hải Dương 8 lại rời bãi Tư Chính đi về Đá Chữ Thập (RFA, 23/09/2019)
Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vừa rời khu vực bãi Tư Chính và đi về hướng Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa vào thứ Hai, ngày 23/9. Trang tin South China Morning Post trích dữ liệu từ trang chuyên theo dõi đường đi của tàu biển MarineTrafffic.
Hình minh họa. Tàu khảo sát Hải Dương của Trung Quốc rời bãi Tư Chính đi về Đá Chữ Thập - Photo by FB of China Daily
Đây là lần thứ 3 tàu này rời bãi Tư Chính để đi về Đá Chữ Thập do Trung Quốc kiểm soát, kể từ đầu tháng 7 vừa qua khi đội tàu Hải Dương 8 vào vùng biển của Việt Nam.
Hiện tại Bắc Kinh vẫn chưa nói gì về lý do tại sao tàu này rời bãi Tư Chính. Tuy nhiên, hai lần trước, tàu này chỉ rời bãi Tư Chính khoảng trên dưới 1 tuần rồi quay lại bãi Tư Chính.
Hôm 3/7, tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 cùng với các tàu hải cảnh có trang bị vũ khí và dân binh đã vào phía bắc bãi Tư Chính của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã 3 lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải rút toàn bộ tàu khỏi vùng nước thuộc khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, căn cứ theo Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS).
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 18/9 lên tiếng nói rằng bãi Tư Chính thuộc vùng nước xung quanh quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ. Bắc Kinh đồng thời yêu cầu Việt Nam phải ngưng ngay lập tức toàn bộ các hoạt động khai thác dầu khí tại đây.
Hiện phía chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra lời bình luận chính thức nào về phát biểu này của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Bãi Tư Chính được ước tính có trữ lượng khoảng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ mét khối khí đốt. Đây cũng là nơi có những mỏ dầu khí đang khai thác của Việt Nam, đặc biệt là ở bồn trũng Nam Côn Sơn, nơi cung cấp đến 25% nhu cầu điện năng cho Việt Nam.
*******************
Những diễn biến kỳ lạ sau tuyên bố của Cảnh Sảng (VNTB, 22/09/2019)
Sau tuyên bố của phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc – Cảnh Sảng, tại cuộc họp báo định kỳ hôm thứ Tư, trong đó bác bỏ các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói các tàu nghiên cứu Trung Quốc đã xâm phạm quyền tài phán của Hà Nội ở Biển Đông, đã có những diễn biến khó hiểu, nhưng thể hiện phần nào sự lấn lướt của Bắc Kinh trong vấn đề thuộc Bãi Tư Chính.
Sơ đồ Bãi Tư Chính - Ảnh minh họa
Hoãn tọa đàm đến tắt AIS
Đầu tiên, buổi tọa đàm khoa học Vùng biển Bãi Tư chính và Luật pháp Quốc tế dự kiến diễn ra vào ngày 22/9 đã bị hoãn lại theo tuyên bố ngày 20/9 của Tiến sĩ Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển (Viện PLD), trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội)… Lý do, vào chiều ngày 19/9, Viện nhận được công văn số 717/LHHVN-BKHCN&MT của Liên hiệp Hội (cơ quan chủ quản) với nội dung như sau : ‘Theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, để có thời gian chuẩn bị và Tọa đàm tốt hơn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam yêu cầu Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển lùi thời gian tọa đàm trên sau ngày 05/10/2019’.
Mặc dù theo Facebooker Nguyễn Đức, buổi tọa đàm khoa học ‘Vùng biển Bãi Tư chính và Luật pháp Quốc tế’ đã có kế hoạch từ lâu với sự chuẩn bị rất chỉn chu, có sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín !
Tiếp đó, trong một chia sẻ ngày 21/9, của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho biết. Vào lúc 11g30’ ngày 21/9, gần như toàn bộ nhóm Hải Dương Địa Chất 8 đã biến mất khỏi bản đồ AIS 2 tiếng đồng hồ, chỉ còn mỗi tàu hải cảnh 31302 là vẫn có thể theo dõi được qua AIS vệ tinh. Và theo đánh giá của nhóm này, đây ‘không phải là lần đầu tín hiệu AIS của tàu Hải Dương Địa Chất 8 bị đứt đoạn, nhưng chưa bao giờ lâu như thế này và đồng thời nhiều tàu một lúc’.
Một sự kiện liên quan đến bật tắt AIS vệ tinh chính là vào tối ngày 20/9, tàu hải cảnh 3501 bật tín hiệu AIS đúng một lần cho thấy dường như nó đang rời Đá Chữ Thập hướng về biển Việt Nam. Và cũng vào tối cùng ngày, tàu hải cảnh 3308 cũng hiện diện trên bản đồ AIS, cách giàn khoan Hakuryu 5 khoảng 4-5 hải lý.
Theo nhóm này, có ba lý do để Trung Quốc tắt AIS.
Một là, nhóm tàu Trung Quốc tắt AIS để dễ bề gây hấn ; hai là Trung Quốc sợ dư luận Việt Nam không còn giữ tiếp được kiên nhẫn và gia tăng tiếng nói lên chính phủ Việt Nam, nên sau khi biết chắc Việt Nam sẽ không công khai tin tức, thì Trung Quốc cũng tắt AIS để gây khó khăn cho việc theo dõi của cộng đồng Việt Nam và quốc tế; và ba là nhóm tàu Trung Quốc âm thầm rút về.
AIS (Automatically Identification System) là một hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải, cho phép các tàu trao đổi những thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau hoặc trao đổi với các trạm trên bờ. Và nhờ những thông tin của AIS, mà người dân Việt Nam đã biết rõ hơn các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải tại Bãi Tư Chính của Bắc Kinh, trước khi Nhà nước Việt Nam lên tiếng chính thức.
Trước đó, vào ngày 17/9, Bắc Kinh đã điều tàu Sansha 2 Hao (Tam Sa số 2) đến quần đảo Hoàng Sa để thực hiện kiểm soát các khu vực mà Bắc Kinh cho rằng đó là ‘vùng tranh chấp’. Và tàu này có lượng giãn nước hơn 8.000 tấn ; đi được 6.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu và chở tới 400 người.
Vai trò của Đá Chữ Thập tối đa hóa lợi ích Bắc Kinh
Hoạt động của Bãi Tư Chính và sự ‘rút ra – đưa vào’ của đội tàu hải cảnh của Bắc Kinh cho thấy tầm quan trọng của Đá Chữ Thập - 1 rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa (Huyện Trường Sa, Khánh Hòa), nằm cách biệt về phía tây nam của cụm Nam Yết và về phía đông bắc của cụm Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ đầu năm 1988 cho đến nay.
Từ cuối 2013 đầu 2014, phía Trung Quốc tập trung tối đa người, phương tiện để cải tạo mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa. Hiện tại, căn cứ Chữ Thập đã hoàn tất với cụm 7 nhà lớn ở khu vực trung tâm (cao 5-6 tầng) và 30 công trình nhà trung bình, nhỏ khác; 1 đường băng sân bay dài hơn 3.000 m, rộng 50 m phục vụ các loại máy bay vận tải dân dụng, quân sự, du lịch loại nhỏ cất hạ cánh; các đài chỉ huy không lưu, tháp ra đa không lưu và khoảng 30 nhà chứa máy bay dọc đường băng… Ngoài ra, căn cứ này còn có các công trình hiện đại như : tháp hải đăng, tháp điều độ cảng, tháp viễn thông (thu phát sóng 4G), tháp ra đa đối không - đối hải, hệ thống liên lạc vệ tinh, sân vận động trung tâm, trạm quan trắc hải dương, trạm lọc nước biển, bệnh viện tiêu chuẩn cấp 2.
Đặc biệt, tại đá Chữ Thập, phía Trung Quốc xây dựng hệ thống công trình ngầm rất lớn và 9 cầu tàu đảm bảo đón nhận tàu trọng tải hàng vạn tấn...
Bắc Kinh tiếp tục quấy rối tại Bãi Tư Chính của Việt Nam trong thời tiết tốt, và khi thời tiết biến động hay dầu của đoàn tàu sắp cạn, thì ‘nhóm tàu cũng chỉ mất nửa ngày để tới Đá Chữ Thập trú đậu an toàn’.
Trong một diễn biến có liên quan, một bài bình luận trên The Diplomat vào ngày 20/9 của Christopher Sharman cho thấy, các chiến thuật gây hấn của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính đóng vai trò là chất xúc tác để tăng cường hợp tác an ninh Việt – Mỹ. Và David Stilwell, trợ lý bộ trưởng ngoại giao Đông Á và Thái Bình Dương, đề cập với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ rằng: ở Đông Nam Á, có tiềm năng lớn để tiếp tục mở rộng hợp tác với các đồng minh hiệp ước Thái Lan và Philippines, và với các đối tác quan trọng như Việt Nam, Indonesia và Singapore.
Nguyễn Hiền
*****************
Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ chuẩn bị đợt tập trận lần thứ 25 (RFI, 22/09/2019)
Trang mạng nhật báo Ấn Độ, The Asian Age ngày 22/09/2019 cho biết lực lượng Hải Quân ba nước Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ chuẩn bị bước vào cuộc tập trận thường niên Malabar, kéo dài từ ngày 25/09 – 04/10/2019. Cuộc tập trận hải quân Malabar 2019 sẽ diễn ra tại Sasebo, Nhật Bản.
Chiến hạm Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ thao diễn nhân cuộc tập trận Malabar 2018, ngoài khơi đảo Guam. Ảnh chụp ngày 15/06/2018 US Navy
Theo trang mạng Asian Age, cuộc tập trận Malabar được xem như là một nỗ lực của hải quân ba nước nhằm đối phó với thách thức ngày càng lớn của Trung Quốc. Tham gia cuộc thao diễn năm nay, Ấn Độ sẽ điều chiếc tầu chiến đa năng INS Sakyadri và tầu hộ tống tác chiến chống tầu ngầm INS Kamorta, tầu tiếp liệu INS Shakti và máy bay giám sát P8I.
Cuộc tập trận Malabar 2018 được tổ chức tại đảo Guam, Tây Thái Bình Dương từ ngày 07 – 16/06/2018. Đó cũng là lần đầu tiên Malabar được tiến hành tại khu vực này.
Tập trận Malabar bắt đầu từ năm 1992, giữa hai nước Ấn Độ và Hoa Kỳ. Đến năm 2015, Nhật Bản mới chính thức tham gia do nước này những tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc về vùng quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Trong những năm gần đây, Hải Quân Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực gây lo ngại cho nhiều nước láng giềng. Nhất là mới đây, Việt Nam phải đối đầu với Trung Quốc tại vùng Biển Đông nơi mà tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh có tham gia vào việc thăm dò dầu khí ở lô 06.1.
Minh Anh
*******************
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được nói yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông (VOA, 21/09/2019)
Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông khi ông gặp gỡ người đồng cấp của Trung Quốc hôm thứ Bảy, theo truyền thông trong nước, giữa bối cảnh các tàu khảo sát của Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong những tháng qua.
Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam (trái) gặp gỡ Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hàn Chính tại Hội chợ và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 16, thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, ngày 21 tháng 9, 2019.
Ông Vũ Đức Đam được nói là đã đưa ra những phát biểu này với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hàn Chính tại Hội chợ và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc - ASEAN lần thứ 16, tổ chức tại thành phố Nam Ninh ở tây nam Trung Quốc.
"Phó Thủ tướng đã nêu rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, không để tiếp diễn tình hình phức tạp trên biển", bản tin của Thông tấn xã Việt Nam nói nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Không rõ phía Trung Quốc đáp lại cụ thể như thế nào. Bản tin của thông tấn xã dẫn lời ông Hàn Chính nói rằng Trung Quốc "coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam".
Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc không nhắc đến yêu cầu này của Việt Nam trong bản tin đăng trên trang tiếng Anh của họ nhưng đề cập đến "niềm tin lẫn nhau về chính trị" trong các phát biểu của ông Hàn và và ông Đam, điều mà phía Việt Nam không nhắc tới trong các bản tin chính thức.
"Ông Hàn nói Trung Quốc và Việt Nam cần tăng cường niềm tin lẫn nhau về chính trị, tăng cường đoàn kết và hợp tác, củng cố sự ủng hộ của công chúng đối với mối quan hệ song phương, để đảm bảo sự phát triển vững chắc và ổn định của quan hệ song phương", Tân Hoa Xã nói.
Ông Hàn cũng được nói là kì vọng Việt Nam sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - ASEAN vì Việt Nam sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm sau.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc cho biết ông Đam nói rằng "phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của ngoại giao Việt Nam, bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để tăng cường niềm tin lẫn nhau về chính trị, củng cố tình hữu nghị và thúc đẩy phát triển quan hệ ASEAN - Trung Quốc".
Cuộc trao đổi giữa ông Đam và ông Hàn là lần tiếp xúc mới nhất giữa các nhà lãnh đạo của hai nước liên quan đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông vì tranh chấp chủ quyền, trong khi Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp tục lời qua tiếng lại về hoạt động của nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam những tháng qua.
Trung Quốc hôm thứ Tư chỉ trích Việt Nam "vi phạm nghiêm trọng" các quyền và lợi ích của Trung Quốc với việc khoan thăm dò dầu khí trong vùng biển quanh Bãi Vạn An (Việt Nam gọi là Bãi Tư Chính) mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, và kêu gọi Việt Nam "ngừng ngay" các hoạt động này.
"Các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc ở Nam Hải là hợp pháp, đúng đắn và không thể bị khiển trách", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.
Mỹ đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Việt Nam và đả kích Trung Quốc về điều mà Washington gọi là "chiến thuật hiếp đáp" của Bắc Kinh nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông.
Phát biểu trong một phiên điều trần trước một ủy ban của Thượng viên Hoa Kỳ hôm thứ Tư, Trợ lí Ngoại trưởng Hoa Kỳ Văn phòng Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương, David Stilwell, nói Trung Quốc đang "thách thức trật tự tự do và rộng mở" trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách ngăn chặn các nước trong vùng tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng trên Biển Đông nhằm lập ra một trật tự mới có lợi cho họ.
********************
Bãi Tư Chính : Người dân Việt Nam ‘chờ tin chính phủ’ (BBC, 20/09/2018)
Người dân Việt Nam "sốt ruột" và muốn chính phủ "mạnh mẽ hơn" sau khi Trung Quốc khẳng định Bãi Tư Chính thuộc về họ, theo ý kiến nhà quan sát từ Hà Nội.
Tàu Hải Dương 8 lần đầu tiên vào Bãi Tư Chính là đầu tháng Bảy, lần thứ hai vào hôm 13/8, và lần thứ ba, hôm 7/9
Trung Quốc vừa nói Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc gọi là Vạn An Than, và có tên tiếng Anh là Vanguard Bank.
'Sốt ruột'
Phát biểu trong Bàn tròn Thứ Năm của BBC hôm 19/9, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao nói người Việt Nam "rất sốt ruột".
"Họ rất mong muốn chính phủ Việt Nam cần phải có những động thái mạnh mẽ hơn nữa trên trường quốc tế", vị Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật ở Hà Nội nói.
Ông Hoàng Ngọc Giao nhận định qua diễn biến ở Bãi Tư Chính vài tháng qua, Trung Quốc rất tinh vi trong việc thực hiện các hành vi xâm chiếm vùng biển cũng như đe dọa đến quyền chủ quyền của Việt Nam ở một khu vực mà theo Công ước Luật biển quốc tế là hoàn toàn không thuộc về Trung Quốc".
Trong cuộc họp báo định kỳ hôm thứ Tư, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói các tàu nghiên cứu Trung Quốc đã xâm phạm quyền tài phán của Hà Nội ở Biển Đông.
"Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam", ông Cảnh Sảng nói trong đoạn băng do kênh truyền hình chính thức phát bằng tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc, CGTN, đăng tải.
"Cũng rất may là đã có những tiếng nói từ bên ngoài, mà có thể nói đầu tiên là Hoa Kỳ, lên tiếng những hành vi áp chế xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế cũng như là quyền khai thác tài nguyên của Việt Nam", ông Giao chia sẻ.
Ông Hoàng Ngọc Giao cho rằng Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc.
"Hiện nay, cái bức xúc, và vấn đề mà dư luận Việt Nam mong muốn là phải khởi kiện Trung Quốc để chứng minh rằng những lời của ông Cảnh Sảng bảo Việt Nam vi phạm công ước luật biển là không có căn cứ".
"Nếu Trung Quốc cho rằng khu vực Bãi Tư Chính là của Trung Quốc thì Trung Quốc hãy dũng cảm cùng với Việt Nam đưa vụ việc này, giải thích và áp dụng Công ước Luật biển năm 1982, ra trước Cơ quan Tài phán Quốc tế để được phân xử một cách khách quan".
Tàu hải cảnh Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD-981 hồi năm 2014
Nguy cơ
Phát biểu ở Bàn tròn Thứ Năm, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, ở Hà Nội, nói về sức ép gần đây của Trung Quốc.
"Theo những thông tin bên ngoài chúng tôi được cung cấp, ngay từ hồi đầu tháng Năm, Trung Quốc ép Việt Nam đuổi hết các công ty khai thác dầu khí của tất cả các nước đang hoạt động khai thác dầu khí trên biển của Việt Nam phải ra khỏi chỗ đó, bất kể đó là vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam".
Ông Hà Hoàng Hợp kể : "Việt Nam đã kiên nhẫn chờ nhưng đến ngày 3/7 họ đưa tàu Hải Dương 8 cùng một nhóm tàu vào".
"Lẽ ra, đến ngày 15/9 dàn khoan liên doanh giữa Việt Nam và Nga đã hoàn thành nhiệm vụ và rút. Nhưng họ chưa hoàn thành, và phía Trung Quốc vẫn tiếp tục để tàu đó quấy trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".
Ông Hà Hoàng Hợp lo ngại : "Thực sự từ đầu tháng Chín đến giờ, mức độ phức tạp không tăng nhưng độ căng thẳng để dẫn đến xung đột quân sự tăng lên rất nhiều".
Ông Hoàng Ngọc Giao cũng nhấn mạnh rằng theo ông, phải chỉ ra Trung Quốc đang dùng vũ lực ở Bãi Tư Chính.
"Họ dùng tàu thuyền, vòi rồng lớn, tàu có vũ trang, chèn ép, đâm vào các tàu của cảnh sát biển Việt Nam".
'Không chiến tranh'
Tham gia Bàn tròn Thứ Năm, nhà hoạt động người Mỹ gốc Việt, Nancy Nguyễn, nói cô cho rằng sẽ không có chiến tranh.
"Trung Quốc sẽ mềm nắn rắn buông và không để xảy ra giao tranh trên biển".
"Việt Nam cũng hiểu rõ điều đó, cho nên, đối với Mỹ, Việt Nam có lẽ sẽ tiếp tục thực hiện chiến thuật họ đã sử dụng từ trước tới nay. Tức là sẽ ký kết một số những đòi hỏi của nước Mỹ nếu Mỹ ép buộc, tuy nhiên về cơ bản có lẽ sẽ không có thay đổi gì nhiều".
Cô chia sẻ thêm : "Hiện nay tình hình Bãi Tư Chính là rất căng thẳng nên khả năng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ là rất dễ hiểu".
"Có lẽ một trong những kết quả mà Việt Nam hy vọng là với chuyến đi này Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn để tránh những xung đột quân sự với Trung Quốc".
"Tuy nhiên nếu tình hình Bãi Tư Chính bớt căng thẳng thì quan hệ Việt - Mỹ có thể chỉ dừng ở mức đó chứ không tiến một bước lâu dài như nhiều người trông đợi", cô Nancy Nguyễn nói.
Tuyên bố của ông Cảnh Sảng được đưa ra sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 12/9 nói Hà Nội cương quyết phản đối việc tàu nghiên cứu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng biển của Việt Nam.
Trung Quốc muốn 'khai thác chung'
Từ nhiều năm trước, Trung Quốc đề ra nguyên tắc "chủ quyền của Trung Quốc, tạm gác tranh chấp, hợp tác khai thác" (Zhuquan zai wo, gezhi zhengyi, gongtong kaifa).
Và khu vực đầu tiên do Trung Quốc đề nghị cùng khai thác chính là Bãi Tư Chính (Vanguard Bank).
Từ 2005 tới 2008, lại có một đề nghị với ba công ty dầu khí Trung Quốc, Việt Nam, Philippines hãy cùng khai thác ở Trường Sa.
Năm 2011, Philippines đưa ra đề xuất cùng khai thác.
Tất cả những đề nghị này tới nay đều thất bại.
Tuy nhiên, trong diễn tiến đáng chú ý, tháng 11/2018, Philippines và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí, trong lúc ông Tập Cận Bình thăm Manila.
Theo đó, hai bên sẽ thành lập ủy ban liên quan để thương lượng việc hợp tác khai thác.
Mới đây xuất hiện bài nghiên cứu "Cooperative Research Report on Joint Development in the South China Sea : Incentives, Policies & Ways Forward" (Báo cáo nghiên cứu hợp tác về phát triển chung ở Biển Đông : Ưu đãi, chính sách và cách thức chuyển tiếp), công bố ngày 27/05/2019.
Đây là bài của 8 tám giả từ 6 quốc gia (Brunei, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines).
Một trong các đề xuất của bài này là "bắt đầu cùng khai thác ở những khu vực chỉ có hai nước tranh chấp".
Bài này viết : "Cùng khai thác song phương tỏ ra dễ dàng hơn khi tranh chấp hàng hải mang tính chất song phương".
"Một số khu vực hứa hẹn cho khai thác chung song phương gồm : ngoài cửa vịnh Bắc Bộ (chỉ có Trung Quốc và Việt Nam tranh chấp), Bãi Tư Chính (Vanguard Bank, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam đòi), Bãi Cỏ Rong (chỉ có Trung Quốc và Philippines đòi)", bài này viết.
*********************
Bắc Kinh nói Việt Nam vi phạm quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông (VOA, 19/09/2019)
Bắc Kinh ngày 18/9 nói Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc khi tiến hành khai thác dầu khí đơn phương trong khu vực Bãi Tư Chính kể từ tháng 5 năm nay.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nhấn mạnh Trung Quốc có chủ quyền tại Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính kế đó và rằng điều này có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý.
Tuyên bố của ông Cảnh được đưa ra đáp câu hỏi của phóng viên liên quan đến phản ứng của phía Việt Nam về việc tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống của Bắc Kinh trở lại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hôm 13/8. Trước đó, nhóm tàu vừa kể đã bị phát hiện trong khu vực này từ đầu tháng 7 đến ngày 7/8 thì rút đi.
Tại cuộc họp báo hôm 16/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Hà Nội mạnh mẽ phản đối việc Trung Quốc ‘tái diễn vi phạm nghiêm trọng’ vùng biển nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam theo các điều khoản trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Bà Hằng nói bất cứ hành động nào can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trong lãnh hải Việt Nam là vi phạm luật quốc tế.
Phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản pháo rằng việc Hà Nội khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính từ tháng 5 năm nay vi phạm thỏa thuận song phương, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc, vi phạm Điều 5 trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông, và vi phạm các điều khoản liên quan trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.
Ông Cảnh yêu cầu phía Việt Nam ‘ngưng ngay lập tức các hoạt động đơn phương xâm phạm để trả lại sự bình yên cho các vùng biển liên quan’.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các hoạt động của Trung Quốc trong các vùng biển dưới quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông là hợp pháp, hợp lý và không có gì phải phàn nàn.
"Chúng tôi muốn tiếp tục làm việc với phía Việt Nam để xử lý các vấn đề liên quan thỏa đáng thông qua các cuộc tham vấn hữu nghị", ông Cảnh nói.
**********************
Nhà ngoại giao Mỹ : Trung Quốc 'đe dọa, bắt nạt' Việt Nam và các nước ASEAN (VOA, 19/09/2019)
Nhà ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ về các vấn đề Châu Á, David Stilwell, vừa ra trước một ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ hôm 18/9, lên án "các hành vi đe dọa, bắt nạt" của Trung Quốc đối với Việt Nam và các nước ASEAN, để đẩy mạnh nghị trình khu vực của mình.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell từng là một tướng lãnh không quân Mỹ (DOD)
Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư, Trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell tố Trung Quốc là tìm cách gây ảnh hưởng bằng cách một mặt, chiêu dụ một số nước, và mặt khác bắt nạt các nước như Việt Nam, để đẩy mạnh nghị trình của Bắc Kinh giữa một cuộc đôi co đang leo thang với Hoa Kỳ về vấn đề chiến lược và thương mại.
Ông Stilwell nói Trung Quốc đang thách thức "trật tự tự do và mở rộng" trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngăn chặn các nước trong vùng tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng trên Biển Đông.
Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell nói :
"Bắc Kinh đang theo đuổi một viễn kiến khác cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tìm cách lập ra một trật tự mới có lợi cho họ, và qua đó, đặt Trung Quốc vào vị thế cạnh tranh chiến lược với tất cả các bên đang cố duy trì một trật tự tự do, cởi mở của nhiều nước có quyền tự quyết".
Nhà ngoại giao Mỹ đề cập tới các hành động của Trung Quốc từ đầu tháng Bảy năm nay, nhiều lần đưa tàu khảo cứu địa chất cùng đội tàu hộ vệ hùng hậu và lực lượng dân quân tới gần Bãi Tư Chính, để dọa nạt Việt Nam và các nước ASEAN khác, ngăn cản các nước này tiến hành các dự án khai thác dầu khí trong khu vực.
Ông nói :
"Bằng việc lặp lại các hành động bất hợp pháp và quân sự hóa các đảo, bãi đá đang tranh chấp, Bắc Kinh đã và đang tiếp tục ngăn chặn các thành viên ASEAN tiếp cận các trữ lượng năng lượng trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ đô la".
Trong bài phát biểu hôm thứ Tư 18/9, Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell tỏ ra thận trọng khi nhắc tới Trung Quốc, ông gọi Trung Quốc là "nước cạnh tranh chiến lược", và bày tỏ lo ngại về tính chất độc tài của Trung Quốc trong nỗ lực áp đặt một trật tự khu vực và trật tự thế giới mới.
"Chúng tôi đặc biệt quan ngại về cách Bắc Kinh sử dụng các biện pháp chiêu dụ và trừng phạt kinh tế bóp méo thị trường, và các hành động đàn áp để thuyết phục các nước khác phải tuân thủ nghị trình chính trị và an ninh của Bắc Kinh. "
Ông tố cáo chính quyền Trung Quốc sử dụng các chính sách không phù hợp với thương mại tự do công bằng, kể cả không cho tiếp cận thị trường, các hành vi mờ ám, thao túng đồng nguyên, đánh cắp tài sản trí tuệ…
Về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng liên lục địa ‘Vành Đai, Con Đường’, nhà ngoại giao Mỹ tố cáo Trung Quốc là cho một số nước đang phát triển vay những món nợ khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng, bất chấp tai hại đối với môi trường, trong nhiều trường hợp dẫn tới tình trạng các nước này phải lệ thuộc vào Bắc Kinh vì không có khả năng thanh toán.
Buổi điều trần diễn ra giữa lúc Trung Quốc và Hoa Kỳ đang đối đầu nhau trong một cuộc chiến tranh thương mại ngày càng leo thang, và trong bối cảnh Trung Quốc đang cạnh tranh để giành các lợi ích tại Châu Á với cường quốc hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghệ, đầu tư và hoạt động hàng hải.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Châu Á nhắc lại vai trò và những đóng góp của Hoa Kỳ cho khu vực trong nhiều thập kỷ qua. Ông nêu bật chính sách của Hoa Kỳ được dựa trên những nguyên tắc được công nhận từ lâu : tự do hàng hải, kinh tế thị trường và môi trường đầu tư minh bạch, rộng mở ; thương mại tự do, công bằng, đôi bên cùng có lợi ; nguyên tắc cai trị tốt đẹp, tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản, cổ võ cho các quan hệ thân thiện giữa các quốc gia dựa trên sự tôn trong nguyên tác quyền bình đẳng và tự quyết của nhân dân các nước.
Nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh đó không chỉ là những giá trị của người Mỹ, mà đó là những giá trị toàn cầu, và được chấp nhận trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông nói những giá trị đó và những sáng kiến kinh tế của Hoa Kỳ đã giúp nhiều quốc gia trong khu vực sử dụng đầu tư tư nhân như một con đường dẫn tới phát triển bền vững.
Ông nói về mặt an ninh, mục đích của Hoa Kỳ là xây dựng một mạng lưới mạnh mẽ, linh động, gồm các đối tác an ninh chia chung viễn kiến với Mỹ, để bảo đảm tự do hàng hải và các quyền sử dụng biển hợp pháp khác, và để giải quyết những thách thức chung trong khu vực.
Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 18/9, nhà ngoại giao hàng đầu đặc trách Châu Á của Mỹ, còn đề cập tới một số vấn đề khác như các cuộc biểu tình thân dân chủ ở Hong Kong, và chính sách của Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Ông David Stilwell là một cựu tướng lãnh không quân phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ 35 năm. Ông rời quân ngũ với cập bậc Thiếu Tướng, trở thành nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ về các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương vào ngày 20/6 sau khi được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.
Hoài Hương
*******************
Quan chức Mỹ phê phán 'hành vi ác ý' của Trung Quốc với Việt Nam (BBC, 19/09/2019)
Trợ lý Ngoại trưởng, ông David Stilwell nêu ra trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Thượng viện Mỹ hôm 18/9 các hành vi 'bắt nạt và đàn áp' của Trung Quốc với Việt Nam, Hong Kong.
Người Phillippines biểu tình phản đối Trung Quốc bắt nạt Philippines và Việt Nam trên Biển Đông năm 2014
Đây là lần đầu tiên ông David Stilwell trình bày trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ từ khi ông nhậm chức vào tháng Sáu vừa qua.
Bài phát biểu của ông đề cập tầm nhìn của Hoa Kỳ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hành động của Trung Quốc trong khu vực và vấn đề Hong Kong.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương David Stilwell, ảnh chụp ngày 17/7/2019 tại Seoul. (Photo by Ahn Young-joon / POOL / AFP)
Hành vi bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông
Dưới một đề mục có tiêu đề "Các hành vi ác ý của Trung Quốc", ông David Stilwell nhắc đến sự việc tàu Trung Quốc khảo sát địa chất gần Bãi Tư Chính, "mang theo lực lượng bảo vệ bờ biển có vũ trang để đe dọa Việt Nam và các nước quốc gia ASEAN trong hoạt động phát triển tài nguyên dầu khí ở Biển Đông".
"Thông qua việc lặp lại các hành động bất hợp pháp và quân sự hóa tại các khu vực đang tranh chấp, Bắc Kinh đã và đang tiếp tục ngăn chặn các thành viên ASEAN tiếp cận hơn 2,5 nghìn tỷ đô la nguồn năng lượng dự trữ".
Nhắc đến các chuyến công du gần đây của ông Pompeo, ông David Stilwell cho hay rằng tại Hội nghị Ngoại trưởng Đông Á tổ chức tại Thái Lan, ông Pompeo đã tuyên bố rõ ràng về việc Trung Quốc có hành vi bắt nạt trên Biển Đông.
Ông Pompeo đồng thời kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử "có ý nghĩa, phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)".
"Trong khi Chiến lược Hoa Kỳ-Ấn Độ-Thái Bình Dương đã đạt được tiến bộ đáng kể nhằm củng cố và thúc đẩy một trật tự tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chúng tôi ngày càng lo ngại rằng một số nước đang tích cực tìm cách thách thức trật tự này. Chúng tôi cam kết hợp tác với bất kỳ quốc gia nào tuân thủ luật, nhưng sẽ chống lại bất kỳ quốc gia nào bóc lột quốc gia khác để làm họ suy yếu", ông David Stilwell cho hay trong bài phát biểu.
Về mặt kinh tế, ông David Stilwell nhận định rằng "chính phủ Trung Quốc sử dụng một hệ thống chính sách không phù hợp với tự do và công bằng thương mại, bao gồm hạn chế tiếp cận thị trường ; quy trình pháp lý không minh bạch và phân biệt ; thao túng tiền tệ ; ép buộc chuyển giao công nghệ ; trộm cắp tài sản trí tuệ ; và tạo ra năng lực công nghiệp phi thị trường để biến Bắc Kihn thành một trung tâm sản xuất bằng cách bóc lột các nước khác".
"Như Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump đã chỉ ra, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc Bắc Kinh sử dụng các biện pháp và hình phạt kinh tế để làm rối loạn thị trường, gây ảnh hưởng, và đe dọa để thuyết phục các quốc gia khác chú ý đến chương trình nghị sự chính trị và an ninh của Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh theo đuổi một tầm nhìn có tính đàn áp tại Ấn Độ-Thái Bình Dương là nhằm tái sắp xếp trật tự khu vực theo cách họ muốn và đặt Trung Quốc vào vị thế cạnh tranh chiến lược với tất cả những quốc gia có chủ quyền đang tìm cách giữ gìn một trật tự tự do và cởi mở".
Đề cập đến sáng kiến Vành đai Con đường của ông Tập Cận Bình, ông David Stilwell nói Bắc Kinh "đã đổ hàng trăm tỷ đô là vào hầu hết các quốc gia đang phát triển thông qua các khoản vay mờ ám, khiến các nước này sa vào bẫy nợ, hủy hoại môi trường, và thường trao cho Bắc Kinh quyền hạn quá mức trong các quyết định liên quan đến chính trị, chủ quyền của các nước này.
Và rằng "Ở những lĩnh vực Trung Quốc hành động theo cách làm suy yếu các luật lệ quốc tế, Mỹ buộc phải phản ứng".
Ông David Stilwell khẳng định Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại trước hành động Trung Quốc bắt nạt Đài Loan, và sẽ không ngần ngại phơi bày "các hành động Trung Quốc phá hoại trật tự quốc tế" và "phá hoại nỗ lực thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng tại Ấn Độ-Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ".
"Chúng tôi cũng sẽ không im lặng về sự đàn áp của chính phủ Trung Quốc tại Mỹ. Như Ngoại trưởng Pompeo đã nói, cuộc khủng hoảng nhân quyền đang diễn ra ở Trung Quốc thực sự là vết bẩn của thế kỷ".
Vấn đề Hong Kong
Ông David Stilwell nhận định rằng Hong Kong là vấn đề đáng quan ngại trong vài tháng gần đây.
"Sự phát triển đáng kinh ngạc của Hong Kong thành một trung tâm tài chính và thương mại toàn cầu là dựa trên xã hội cởi mở, pháp trị và tôn trọng các quyền cơ bản và quyền tự do. Sự phát triển này vẫn tiếp tục ngay cả sau khi Hong Kong được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 là nhờ Trung Quốc đảm bảo với Vương quốc Anh trong Tuyên bố Trung-Anh là Hong Kong sẽ được duy trì quyền tự chủ và tự do như được phản ánh trong Luật cơ bản Hong Kong", theo bài phát biểu của David Stilwell.
"Giữ vững quyền tự chủ này cũng là mục đích của Chính sách Hoa Kỳ-Hong Kong. Đạo luật năm 1992, đã định hình chính sách của Hoa Kỳ đối với Hong Kong kể từ đó.
Chúng tôi tin rằng các quyền tự do biểu đạt và tụ tập ôn hòa - các giá trị cốt lõi mà chúng tôi chia sẻ với Hong Kong phải được bảo vệ mạnh mẽ.
Hong Kong nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh dưới hình thức một quốc gia, hai chế độ. Người biểu tình ở Hong Kong chỉ yêu cầu Bắc Kinh giữ những lời hứa được đưa ra trong Tuyên bố chung và Luật cơ bản.
Bắc Kinh đã nhiều lần phản ứng bằng cách đổ lỗi cho Chính phủ Hoa Kỳ đã can thiệp và công khai danh tính của cán bộ ngoại giao Hoa Kỳ, đặt họ vào các tình huống nguy hiểm".
"Trung Quốc đã không cung cấp bằng chứng nào về việc Mỹ can thiệp, đứng sau các cuộc biểu tình ở Hong Kong, bởi vì nó không tồn tại.
Người Hong Kong xuống đường vì Bắc Kinh đang phá vỡ cam kết một quốc gia, hai thể chế.
Như Bộ trưởng Pompeo đã quan sát, những người biểu tình yêu cầu Bắc Kinh duy trì các cam kết của mình theo Tuyên bố chung và Luật cơ bản.
Và như Tổng thống Trump đã nói, chúng tôi mong đợi một giải pháp nhân văn đối với người biểu tình. Hoa Kỳ ủng hộ biểu tình ôn hòa và tự do ngôn luận".
Cán bộ Hải quân Việt Nam và Hoa Kỳ trong một khóa đào tạo về cứu hộ cứu nạn trên biển năm 2012
Tầm nhìn Mỹ - Ấn Độ-Thái Bình Dương
Ông David Stilwell cho hay trong thời gian đầu ở vị trí trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông đã cùng ông Pompeo thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, với tầm nhìn "về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở được xây dựng trên nền tảng các nguyên tắc chung đã mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả việc tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả các quốc gia, bất kể quy mô quốc gia đó thế nào".
Nhắc lại lịch sử từ Thế chiến II, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã thoát nghèo và chế độ độc tài, trở thành một khu vực có dân chủ và là nơi thu hút động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ông David Stilwell nhấn mạnh rằng đó là nhờ sự tham gia của Hoa Kỳ với các nguyên tắc được tuân thủ và khuyến khích, như tự do hàng hải ; kinh tế thị trường và môi trường đầu tư cởi mở ; tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản ; tôn trọng nguyên tắc quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các quốc gia.
"Đây không chỉ là giá trị của Hoa Kỳ mà chúng đã được chia sẻ trên toàn cầu và trên toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Ông David Stilwell cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một mạng lưới các đối tác "có cùng quan điểm để thúc đẩy sự ổn định trong khu vực ; đảm bảo tự do hàng hải và cá luật khác liên quan đến sử dụng biển ; và giải quyết các thách thức chung trong khu vực".
*****************
Thượng viện Mỹ điều trần về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông (RFA, 19/09/2019)
Một phiên điều trần về hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông trong thời gian qua đã diễn ra tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 18/9 vừa qua.
Hình minh họa. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông á Thái Bình Dương David Stilwell tại Manila, Philippines hôm 16/7/2019 US Embassy
Phát biểu tại buổi điều trần, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và các vấn đề Thái Bình Dương, David Stilwell nêu lên nhận định về các hoạt động của của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7 đến nay.
"Hành động này nhằm đe dọa Việt Nam và những thành viên khác của ASEAN không được khai thác nguồn tài nguyên dầu khí trên Biển Đông", ông Stilwell nói trước Thượng viện.
Từ hôm 3/7 đến nay, Trung Quốc đã liên tục điều tàu Hải Dương 8 cùng các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống vào khu vực phía bắc Bãi Tư Chính của Việt Nam. Đồng thời từ giữa tháng 6, Trung Quốc cũng cho tàu hải cảnh vào quấy nhiễu những hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở lô 06.1 thuộc Bãi Tư Chính.
Đồng thời, từ tháng 5, Trung Quốc cũng cho tàu hải cảnh vào bãi Luconia do Malaysia kiểm soát để quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của nước này.
Lặp lại những gì Bộ Ngoại giao Mỹ đã từng nói vào tháng trước, ông Stilwell cho biết : "Thông qua liên tiếp nhiều hành động bất hợp pháp và quân sự hóa trái phép các thực thể tranh chấp, Bắc Kinh đã và đang ngăn chặn những thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng có thể khai thác với giá trị hơn 2.500 tỷ đô la".
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ từ tháng 7 đến nay đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc, gọi đây là hành động bắt nạt các nước láng giềng. Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định Trung Quốc muốn Việt Nam phải bỏ các hợp tác dầu khí với các quốc gia khác chỉ để hợp tác với các công ty thuộc nhà nước Trung Quốc.
Tại phiên điều trần, ông Stilwell cũng thừa nhận việc Trung Quốc đang quân sự hóa nhanh chóng khu vực Biển Đông. Ông nhìn nhận các cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ nhắm đến Mỹ mà còn gửi thông điệp đến các nước khác, bao gồm Đài Loan rằng họ đang đứng trước mối đe dọa trực diện.
Để đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc đang thách thức vai trò của Mỹ ở khu vực Châu Á, từ năm 2017, Washington đã đưa ra chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương. Vào đầu tháng 6 năm nay, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã công bố chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mới, trong đó nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Trung Quốc.
Ông Stilwell nhấn mạnh dù Hoa Kỳ luôn tìm kiếm mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc nhưng Washington "sẽ không né tránh việc vạch trần và thách thức những hành động làm suy yếu trật tư quốc tế tự do và mở, vốn là yếu tố nuôi dưỡng hòa bình và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhiều thập kỷ qua".