Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phát biểu của ông Hồ Đức Phớc, bộ trưởng Tài chính trước Ủy ban thường vụ quốc hội : "Hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào" đã làm sôi sục dư luận Việt Nam. Tất nhiên là như vậy vì điều đó ảnh hưởng lớn đến ‘nồi cơm’ của 11 triệu người đang phục vụ cho Đảng cộng sản, nhất là lực lượng quân đội, công an. Chính phủ Việt Nam hoảng hốt đính chính lời ông Phớc trong đó vô lý nhất và trơ trẽn nhất là lý do ông Phớc nói giọng Nghệ An nên mọi người nghe nhầm.

Thật ra việc Đảng cộng sản hết tiền không có gì là bí mật và đó là lẽ hiển nhiên. Bà cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng từng nói "ngân sách như dòng sông đã cạn kiệt". Năm nào chính phủ cũng kêu ca về thâm thủng ngân sách và ai cũng biết nợ công tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên bằng cách ‘giật gấu vá vai’ nên dù rất khó khăn nhưng mọi việc cũng qua đi. Cuộc ‘li dị’ giữa Trung Quốc và các nước dân chủ hứa hẹn đem đến cho Việt Nam một cơ may chưa từng có đó là việc các nhà máy sẽ chuyển dần khỏi Trung Quốc sang Việt Nam và các nước trong khu vực.

phot1

Phát biểu của ông Hồ Đức Phớc, bộ trưởng Tài chính trước Ủy ban thường vụ quốc hội: "Hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào" đang làm sôi sục dư luận Việt Nam.

Niềm hân hoan vui mừng đó lớn đến nỗi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải bật thành lời rằng "mây đen đang phủ khắp địa cầu nhưng mặt trời vẫn tỏa sáng ở Việt Nam". Đại dịch Covid-19, một tai họa từ trên trời rơi xuống đã làm vỡ vụn mọi hy vọng của Việt Nam. Ông Nguyễn Gia Kiểng từng nói Việt Nam đang cầm trên tay tờ vé số trúng độc đắc nhưng rồi bị gió thổi bay đi mất.

Đảng cộng sản Việt Nam là một đội quân giỏi đánh đấm chứ không phù hợp để quản trị quốc gia. Trong thời bình, lúc gió yên biển lặng thì dù dở cỡ nào họ cũng tồn tại được như con thuyền xuôi dòng nước, không cần chèo hoặc chèo vụng thì thuyền vẫn trôi. Nhưng khi bão tố nổi lên, thiên tai, dịch bệnh hoàng hành thì sự yếu kém của Đảng cộng sản đã bộc lộ rõ. Sự kiêu ngạo, chủ quan trong giai đoạn đầu của đại dịch khiến chính quyền không hề nghĩ đến việc mua vắc xin để tiêm cho người dân. Họ nghĩ đơn giản chỉ cần phong tỏa, bóc tách các ca nhiễm ra khỏi cộng đồng là ổn. Nếu có viễn kiến và trách nhiệm thì với khoảng thời gian gần một năm rưỡi, Việt Nam có thể xoay xở đủ lượng vắc xin cần thiết để tiêm chủng cho toàn dân và giờ đây Việt Nam đã không phải chịu một thảm kịch thương tâm mà còn là điểm sáng để các nhà đầu tư quốc tế tìm đến.

Quay trở lại câu hỏi là Đảng cộng sản còn tiền hay không, chúng ta thử tìm hiểu sơ qua việc thu chi của chính quyền Việt Nam. Về nguồn thu ngân sách thì Việt Nam dựa vào các nguồn chính sau :

- Tiền thuế từ các doanh nghiệp nhà nước. Đây là các đại công ty, chiếm hầu hết các nguồn lực của đất nước trong mọi lĩnh vực, trong đó có nhiều lãnh vực độc quyền như xăng dầu, điện, nước. Các doanh nghiệp này thực tế là các sứ quân, hoạt động khép kín và thường xuyên báo lỗ trong đó có doanh nghiệp độc quyền như Than - Khoáng sản, Hàng không, Tổng công ty đường sắt, Tập đoàn hóa chất, Tổng công ty cà phê Việt Nam, Tổng công ty lương thực miền Nam...

- Tiền thuế từ các công ty đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là các công ty tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Việt Nam, chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên tiền thuế các công ty này đóng cho ngân sách thì rất ít do được ưu đãi quá mức. Ví dụ, Samsung Việt Nam cứ lãi 100 đồng chỉ phải đóng thuế từ 5-6 đồng, so với mức thuế thu nhập thông thường là 20 đồng. Formosa Hà Tĩnh có doanh thu khoảng 72.000 tỉ đồng nhưng số tiền nộp ngân sách năm 2019 chỉ là... 51,6 tỉ đồng. Trong khi Tập đoàn Hòa Phát doanh thu năm 2019 thấp hơn, đạt 64.678 tỉ đồng lại nộp ngân sách tới 6.639 tỉ đồng (1).

- Tiền thuế từ các công ty tư nhân Việt Nam. Đây là các công ty năng động và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia cũng như cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Dù vậy chỉ có các tập đoàn lớn, có quan hệ tốt với chính quyền mới được hỗ trợ còn đại đa số các công ty vừa và nhỏ đều phải tự lo lấy cho mình.

- Tiền thu từ thuế bất động sản. Chủ yếu là tiền thuế chuyển đổi từ đất nông nghiệp lên đất thổ cư. Ngoài ra còn có tiền thuế thu được từ xuất nhập khẩu và bán tài nguyên như dầu thô...

phot2

Ngân sách nhà nước thu được gần 30.000 tỷ đồng tiền thuế bất động sản, chứng khoán sau 7 tháng đầu năm 2021

Về các khoản chi của ngân sách thì 75 - 80% là dành cho các khoản chi thường xuyên, tức là nuôi và duy trì bộ máy Nhà nước + bộ máy Đảng cộng sản + Mặt trận Tổ quốc (3 trong 1). Bộ máy Nhà nước ngày càng phình to và theo lời ông Nguyễn Xuân Phúc thì "có đến 1/3 công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về". Bộ máy Đảng thì bên Chính phủ có cơ quan nào thì bên Đảng có cơ quan đó với chức vụ và quyền hạn tương đương, chỉ có điều không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Mặt trận Tổ quốc gồm các hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cộng sản, Công đoàn và 28 hội đoàn khác, tất cả đều ăn bám vào ngân sách. Chi phí cho các hội đoàn này mỗi năm lên đến 68.000 tỉ đồng. Cộng tất cả ba bộ máy trên thì có đến 11 triệu người ăn lương từ ngân sách trong đó có 2,8 triệu cán bộ công chức. Rất nhiều chuyên gia kinh tế như bà Phạm Chi Lan từng nói : "Không có ngân sách nào nuôi nổi bộ máy này".

Nhìn vào Bản dự toán chi ngân sách năm 2019 thì thấy vài điều như sau : Chi cho Bộ quốc phòng là 157.199 nghìn tỉ, Bộ công an 82.348 nghìn tỉ, trong khi đó chi cho Bộ giáo dục và Đào tạo là 7.661 nghìn tỉ, chi cho Bộ y tế là 14.861 nghìn tỉ. Như vậy chi ngân sách cho Bộ công an cao gấp 6 lần Bộ y tế và gấp 10 lần Bộ giáo dục (2).

Rõ ràng là Đảng cộng sản ưu tiên cho quân đội và công an, là hai lực lượng bảo vệ đảng hơn là chi cho y tế và giáo dục. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản phân trần rằng do hệ thống y tế còn kém nên phải áp dụng những biện pháp mạnh (cực đoan) để chống dịch và nhiều người Việt Nam cũng đồng ý như vậy. Nhưng tại vì sao hệ thống y tế Việt Nam lại kém như vậy và tại ai thì không thấy họ nói đến.

Đảng cộng sản hoàn toàn ý thức được rằng không thể tiếp tục chi tiêu ngân sách như hiện nay và đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm "sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước" như việc tinh giản biên chế. Bộ công an làm gương bằng việc giảm 6 tổng cục và 55 đơn vị cấp cục. Biện pháp này không đi đến đâu vì trong 3 năm 2015-2018 chính phủ chỉ tinh giản được 40.500 công chức bằng cách cho nghỉ hưu trước tuổi.

Tiếp theo là việc sát nhập các huyện xã và sắp tới là các tỉnh để giảm bớt lượng công chức. Tuy nhiên, có thể nói ngay rằng kế hoạch này sẽ thất bại vì những lãnh đạo dôi dư không biết bố trí vào đâu. Điều đáng nói là số lãnh đạo dôi dư này chủ yếu là bên cơ quan đảng. Họ không biết làm gì ngoài hô khẩu hiệu và đọc nghị quyết. Nếu loại họ thì họ sẽ chống đối dữ dội và đảng có thể tan vỡ.

Biện pháp có vẻ khả thi nhất là tăng đầu tư công, chủ yếu là mở đường và xây dựng các đô thị mới để thu tiền chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thổ cư. Tuy nhiên sau đại dịch Covid-19 thì thị trường bất động sản sẽ đóng băng trong một thời gian dài trước khi lập một mặt bằng giá mới sát với thực tế hơn.

Đó là các giải pháp cần nhiều thời gian và quyết tâm. Đại dịch Covid-19 buộc Đảng cộng sản phải lấy những quyết định nhanh chóng mà đầu tiên là làm thế nào để dập dịch. Giải pháp chỉ có một : Phải có vắc xin. Nếu có tiền thì Việt Nam đã đặt mua vắc xin ngay từ khi đại dịch mới xảy ra hồi đầu năm 2020. Hiện tại chỉ còn mỗi cách là... đi xin. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đang ở thăm Cuba mà mục đích chính là để "ngoại giao vắc xin". Ngoài vắc xin ra thì Việt Nam rất cần thuốc điều trị Covid-19 vì muốn hay không Việt Nam cũng phải mở cửa để làm việc. Với tỉ lệ tiêm chủng thấp như hiện nay (mới khoảng 10% dân số được tiêm hai mũi) thì việc mở cửa sớm có thể làm tốc độ dịch lây lan mạnh hơn và có thể gây ra một thảm họa mới.

phot3

Đảng cộng sản "tiến thoái lưỡng nan" khi các công ty FDI đang yêu cầu chính phủ Việt Nam mở cửa để khôi phục sản xuất vì Việt Nam đã là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Ảnh : Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham, tại phiên họp ngày 20/8 với giới lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Đảng cộng sản "tiến thoái lưỡng nan" khi các công ty FDI đang yêu cầu chính phủ Việt Nam mở cửa để khôi phục sản xuất vì Việt Nam đã là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu. Ví dụ, hãng thể thao Nike có 51% lượng hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam. Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vừa gửi thư cảnh báo chính phủ : "Nếu chậm mở cửa, cơ hội đầu tư sẽ không quay lại Việt Nam" và họ cũng cho biết ít nhất 20% đơn hàng đã chuyển sang các nước khác.

Nếu tình hình trở nên cấp bách khi ngân sách cạn kiệt thì cách nhanh nhất để Đảng kiếm tiền là "vặt lông vịt". Đầu tiên là giới nghệ sĩ giàu có, sau là các đại gia bất động sản và cuối cùng là các quan chức cộng sản nhiều tiền nhưng không thuộc về phe đốt lò. Các nghệ sĩ Việt Nam đã vượt làn ranh đỏ khi đứng ra kêu gọi từ thiện. Thu tiền và xài tiền từ thiện là đặc quyền của Mặt trận tổ quốc. Không ít các nghệ sĩ được Đảng cộng sản nuông chiều (nhằm mục đích ru ngủ người dân) đã nhầm tưởng rằng mình giỏi và sẽ không ai đụng tới. Một số đã tỏ ra kiêu ngạo khi được nhiều người tung hô. Đã đến lúc Đảng cộng sản bắt họ trả giá. Đừng trách bà Phương Hằng mà nên tìm hiểu xem ai mới là người giật dây và đứng đằng sau vụ việc này.

Các đại gia bất động sản Việt Nam cũng vậy. Họ chỉ là những con vịt, nuôi cho béo để có ngày bị làm thịt. Luật mới về "thuế tài sản" (thuế nhà ở) vừa được chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý thí điểm ở thành phố Thanh Hóa và sau đó sẽ áp dụng cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nên biết, giàu có và quyền lực như Jack Ma (Mã Vân), chủ nhân tập đoàn Alibaba bên Trung Quốc vẫn bị ‘làm thịt’ như thường. Đừng ảo tưởng về sức mạnh của đồng tiền. Đừng đùa với những kẻ có súng. Các quan chức cộng sản giàu có nhờ tham nhũng và đầu cơ bất động sản cũng sẽ là đối tượng được nhắm đến nếu không thuộc về "phe thắng cuộc".

Tuy nhiên giải pháp "vặt lông vịt" cũng không khả thi và không kiếm được bao nhiêu vì hầu hết giới giàu có đã chuyển tài sản ra nước ngoài, tại Việt Nam họ chỉ còn mỗi bất động sản và tài sản đó cũng đã được thế chấp ngân hàng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì quá nhỏ và cũng đang ngắc ngoải vì đại dịch...

Tóm lại Đảng cộng sản đang ở trong tình trạng vô cùng khó khăn và mọi giải pháp đều bất khả thi. Họ cũng không còn bản lĩnh và sự dũng cảm để lấy quyết định dân chủ hóa đất nước dù biết rõ đó là lối thoát duy nhất. Người dân và trí thức Việt Nam cần hiểu rằng Đảng cộng sản đã như bệnh ung thư. Dù có cố gắng chịu đựng hay kiên nhẫn đến bao nhiêu đi nữa thì khối u đó chỉ ngày càng trầm trọng hơn chứ không thể khỏi được. Nên biết điều đó để lấy quyết định ủng hộ cho một giải pháp khác, thay thế cho giải pháp cộng sản.

Việt Hoàng

(20/09/2021)

(1)  Nhiều doanh nghiệp FDI doanh thu tăng, lỗ tăng theo, đóng thuế ít vì được ưu đãi (Thanh Niên)

(2)  Phân bổ ngân sách trung ương 2019 (Thư viện Pháp luật)

Published in Quan điểm

Hiện nay nhóm lợi ích Nghệ An được xem là mạnh nhất, với 1 ủy viên dự khuyết, 10 ủy viên trung ương đảng và 3 ủy viên Bộ Chính trị. Nếu nói tổng số ủy viên trung ương Đảng thì Nghệ An đứng nhì sau hà Nội, nhưng ủy viện Bộ Chính trị thì lại đông nhất với 3 người. Thế lực Nghệ An rất đoàn kết, họ bao che, giúp đỡ nhau trên con đường quan lộ nên bây giờ người Nghệ An rải khắp, từ trung ương đến địa phương và tại trung ương có người lọt vào tứ trụ.

phoc0

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ Tài chính là bộ vô cùng quan trọng, bộ này nắm túi tiền của Chính Phủ. Từ thời ông Nguyễn Sinh Hùng, đến Vương Đình Huệ, rồi giờ Hồ Đức Phớc đều là người Nghệ An. Hàu hết nắm Bộ Tài chính sau này đều vào Bộ Chính trị, trong đó có ông Nguyễn Sinh Hùng và Vương Đình Huệ đều vào được tứ trụ.

Chức vụ là quyền lực, kiêm nhiệm nhiều chức vụ là sẽ tăng thêm quyền lực. Ông Nguyễn Phú Trọng khi kiêm nhiệm luôn chức chủ tịch nước do ông Trần Đại Quang để lại thì lúc đó ông ở đỉnh cao quyền lực.

Việc ông Hồ Đức Phớt thêm chức vụ mới cho thấy, Bộ Tài chính đang được ông hồ Đức Phớc thao túng. Rất nhiều người muốn ngồi vào ghế quyền lực, trong bộ máy chính quyền cộng sản Việt Nam không thiếu người để bố trí tại sao phải để một người kiêm nhiệm nhiều chức ?

Thực trạng trong Đảng cộng sản hiện nay cho thấy chuyện đấu đá giành quyền chiếm ghế diễn ra rất ác liệt. Mạnh thắng yếu thua, cứ anh mạnh thì ôm cho thật nhiều chức tước còn kẻ yếu thế thì không được gì. Việc giành nhiều chức, người ta gọi là tham quyền, việc ôm ghế quyền lực không nhả thì người ta gọi là cố vị. Như ông Nguyễn Phú Trọng người ta gọi là tham quyền cố vị, còn như ông Hồ Đức Phớc thì người ta gọi là tham quyền, tuy nhiên hầu hết một khi đã tham quyền thì ắt phải cố vị vì tất cả đều nói lại bản chất cuồng quyền lực.

Hồ Đức Phớc nắm Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Ông Hồ Đức Phớc đã là bộ trưởng Bộ Tài chính, nắm chức vụ mới chỉ hơn 1 tháng, tuy nhiên giờ đây ông Phớc lại được ông Phạm Minh Chính bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam.

Được biết, ngày 25/5 vừa qua ông Phạm Minh Chính đã ký quyết định đã bổ nhiệm ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam.

Cùng ngày, ông Chính với cương vị thủ tướng cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam kiêm giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản lý Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam.

Cụ thể, tại Quyết định số 767/QĐ-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bổ nhiệm ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, thay ông Đinh Tiến Dũng đã được bổ nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Đồng thời, tại Quyết định số 769/QĐ-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bổ nhiệm ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam kiêm giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản lý Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, thay bà Nguyễn Thị Minh (nguyên Tổng Giám đốc Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam) đã nghỉ hưu.

Theo quy định hiện hành, Hội đồng quản lý Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam (Hội đồng quản lý) có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam và tư vấn về chính sách Bảo Hiểm Xã Hội, Bảo Hiểm thất nghiệp, Bảo Hiểm Y Tế.

Thành phần của Hội đồng quản lý gồm đại diện lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Giám đốc Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam và thành viên khác do Chính phủ quy định.

phoc2

Hồ Đức Phớc được kiêm thêm chức mới

Hồ Đức Phớc một ẩn số đang lên

Như đã nói, càng kiêm nhiệm nhiều chức vụ thì càng quyền lực. Hồ Đức Phớc kiêm bao nhiêu chức thì ăn bấy nhiêu đầu lương, tuy nhiên lương đối với Hồ Đức Phớc là con số nhỏ nhoi. Quan trọng là bổng lộc do những chức vụ đó mang lại. Bảo Hiểm Xã Hội là quỹ chỉ trả lương cho người về hưu từng đóng bảo hiểm, phần tiền lương này nhỏ hơn tiền lời sinh ra từ những gì mà người lao động đã đóng. Ở tại các nước văn minh, người về hưu được nhà nước trợ cấp, còn quỹ hưu trí là khoản tiền họ đóng thì họ nhận lại cả vốn lẫn lời với một khoản tiền rất lớn. Ở Việt Nam ai nắm quỹ Bảo Hiểm Xã Hội thì người đó có cơ hội bòn rút rất lớn vì họ không phát hết cho người về hưu.

Ngoài việc kiêm 2 chức là Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, Hồ Đức Phớc còn kiêm luôn chức thứ ba Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo 389 nhưng hàng giả. Tuy làm chức trưởng ban chỉ đạo 389 nhưng ông Phớc vẫn để hàng nhái vẫn tràn lan mà không có cách nào kiểm soát nổi. Một con người khả năng có hạn nhưng lòng tham lam đối với quyền lực là vô hạn.

Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội từ nhiều năm nay nó như là một mỏ vàng cho lắm kẻ bòn rút. Trả cho dân thì không bao nhiêu nhưng quỹ này thì cứ vơi đi. Hiện nay có một số ý kiên cho rằng, quỹ bảo hiểm xã hội đã bị vỡ nhưng chính quyền giấu. Người dân hiện nay tất toán 1 lần nhưng Bảo Hiểm Xã Hội đã đưa ra quy định không cho nhận 1 lần. Quy định này nhằm mục đích giấu những ung nhọt bêt trong. Không biết đến khi nào nó bụt ra.

Hồ Đức Phớc hiện nay là người cùng quê với ông Vương Đình Huệ. Trước đây ông Nguyễn Sinh Hùng dìu dắt Vương Đình Huệ thế nào thì nay Vương Đình Huệ dìu dắt Hồ Đức Phớc cũng như vậy.

Trước đây ông Nguyễn Sinh Hùng ngồi ghế chủ tịch quốc hội ông bị bơ vơ, tuy nhiên hiện nay ông Vương Đình Huệ ngồi ghế chủ tịch quốc hội lại là người cùng phe với ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Với nhóm lợi ích chính trị Nghệ An, ông Vương Đình Huệ đang là người dẫn đầu nhóm. Nếu ông Huệ thuận lợi thì ông hồ Đức Phớc có tương lại sán lạn.

Không biết sau 5 năm thế lực Nghệ An như thế nào, tuy nhiên hiện nay thì khó có thế lực địa phương nào địch lại thế lực Nghệ An được.

Hồ Đức Phớc kiêm nhiệm 3 chức rất có lợi, ông ta có thể sẽ nhả ra cho một người nào đó thuộc phe Nghệ An mà từ bên dưới cơ cấu vào. Giống như ông Phớc giành chỗ trước cho đồng hương vậy. Cách làm này của nhóm Nghệ An quả là lợi hại.

Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh nghèo, chủ yếu ăn bám ngân sách trung ương. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đóng góp đến 20% ngân sách trung ương nhưng cuối cùng thành phố này bị hắc hủi nhất. Thành Phố bị đì, người thành phố không làm chức lớn, những vị trí lãnh đạo thành phố được điều từ nơi khác đến.

Hồ Đức Phớc là ai ?

Hồ Đức Phớc 58 tuổi là một Tiến sĩ Kinh tế, quê tại xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông hiện cư trú ở Số nhà 30, đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Hưng Phúc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông là Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam, trước đây từng là Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước.

Ông Hồ Đức Phớc từng là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An từ 12 tháng 3 năm 2013 đến 16 tháng 4 năm 2016.

Ông Hồ Đức Phớc được ông Vương Đình Huệ nâng đỡ và giới thiệu ra Trung ương. Khi đó Vương Đình Huệ có nhờ Đinh Tiến Dũng tiến cử Hồ Đức Phớc vào chức tổng hiểm toán nhà nước và được Bộ Chính trị đồng ý.

Đến nNgày 5/4/2016, tại kỳ họp cuối cùng của quốc hội khóa XIII, theo thủ tục, Quốc hội bù nhìn bỏ phiếu bầu ông Hồ Đức Phớc giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Và theo Lộ Trình được Vương Đình Huệ dọn sẵn, cứ Đinh Tiến Dũng rút đi là giới thiệu Hồ Đức Phớc trám vào và nhờ đó mà ngày 8/4/2021 ông Hồ Đức Phớc nắm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính đầy quyền lực trong chính phủ ông Phạm Minh Chính. Việc nắm Bộ Tài chính rồi vơ thêm hai chức nữa về mình cho thấy, Hồ Đức Phớc hiện nay không hẳn là mội người cậy nhờ người khác mà ông ta còn biết đấu đá rất thiện chiến để giành nhiều chức tước về mình.

Trần Hoàng (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 30/05/2021

Published in Diễn đàn

Nói về những phát biểu ngô nghê của Đại biểu quốc hội Việt Nam có lẽ phải viết riêng một cuốn sách phân tích về hiện tượng mà không một quốc gia nào trên thế giới có được. Dưới mắt người dân bây giờ Đại biểu quốc hội chẳng qua là những người thích nói, nói không cần biết có đúng hay không và đúng tới mức nào. Trách nhiệm trong lời nói của họ gần như số không, bất cần phía sau những lời nói hoa hòe gượng ép ấy sẽ ảnh hưởng tới dư luận như thế nào.

qh1

Đại biểu Quốc hội Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước, đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam. (Ảnh : Quochoi.vn).

Khi Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khóa trước vô tư tuyên bố rằng "Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu chứ kỷ luật ai ?" thì cả nước ngẩn cả mặt ra về cái tư duy vượt thời đại này. Không cần bàn chi sâu xa, tầm hiểu biết về Quốc hội của một ông Chủ tịch chính cái quốc hội ấy đã lộ rõ mười mươi, nó làm cho người dân ngao ngán cho cái bánh vẽ quốc hội mà mình đang có.

Rồi Chủ tịch quốc hội đời kế tiếp là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bắt chước câu nói nổi tiếng của Tổng thống Kennedy một cách máy móc và không hề ngượng miệng khi tuyên bố : "Tôi xin hỏi những người phản biện, các người đã làm được gì cho đất nước chưa ?".

Người dân lại lãnh thêm một hòn đá lớn ném vào quyền bày tỏ của mình.

Nếu thống kê cho hết những phát biểu trật lề của các Đại biểu quốc hội trong nhiều khóa gần đây có lẽ tốn thời gian cho người đọc mà không mấy khơi gợi thêm sự khinh bỉ của dân chúng đối với họ, bởi người dân đã hằn sâu định kiến về kiến thức, lòng tự trọng, kể cả sự ương bướng cố hữu của người Cộng sản đối với từng lời từng chữ của các Đại biểu quốc hội trước một diễn đàn lớn nhất nước.

Chẳng những ngô nghê mà họ còn ác độc nữa.

Vào chiều ngày 12 tháng 11, trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Đại biểu quốc hội Hồ Đức Phớc đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam.

Theo báo chí ghi nhận lại thì ông Hồ Đức Phớc cho rằng "tù tại gia" không chỉ giúp giảm áp lực cho các nhà tù, giảm ngân sách quốc gia chi cho các tù nhân mà còn có tác dụng về giáo dục, khiến người vi phạm phải xấu hổ với cộng đồng, làng xóm và gia đình.

Ông Phớc còn đề nghị "để quản lý những phạm nhân được phép ở tù tại gia, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu nhà sắt giam giữ. Buồng giam này được cán bộ đưa đến nhà phạm nhân, chìa khóa giám thị cầm, gia đình chỉ chăm sóc, đến bữa cho ăn. Giám thị sẽ định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, nếu để phạm nhân trốn thì gia đình cùng chịu trách nhiệm".

Bao nhiêu cũng đủ thấy sự độc ác trong lời đề nghị của một kẻ mang danh hiệu Đại biểu quốc hội. Độc ác và vi hiến một cách trầm trọng khi chủ trương làm cho người bị giam lẫn gia đình của họ xấu hổ với cộng đồng, hàng xóm và gia đình. Đối với đề nghị này thì ông Phớc ngang nhiên vi hiến vì đã cổ vũ một biện pháp xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người dân vi phạm Khoản 1 Điều 20 của Hiến Pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Phớc không hiểu rằng vi phạm pháp luật phải được xử lý nhưng quyền cơ bản con người được Hiến pháp bảo vệ thì không ai có quyền xúc phạm, kể cả ông, một Đại biểu quốc hội rất tồi khi không nhớ nỗi điều căn bản này.

Ông đem cả gia đình của tù nhân ra làm thế chấp cho cái gọi là "xấu hổ với cộng đồng, hàng xóm". Ông không ý thức được hậu quả của sự "xấu hổ" ấy sẽ đẩy cả gia đình họ trôi dạt về đâu trong ánh mắt xa lạ khinh bỉ của láng giềng, vốn cũng rất ngô nghê với chính cái quyền căn bản của mình. Ông Phớc tỏ ra rất chuyên chính trong lời đề nghị rặt tính cộng sản khi một phạm nhân bị mang tấm bảng kê khai tội danh mình đi bêu rếu trên đường phố của thập niên 50 trong thời kỳ cải cách ruộng đất.

Ông trừng phạt thân nhân của họ vì phải nấu ăn, cung phụng cho tù nhân trong khi trách nhiệm này phải thuộc về nhà nước. Ông cưỡng chế không gian riêng tư của gia đình họ bằng hành vi đi ngược lại với quyền tự do cư trú của người dân.

Ông mang hình ảnh nhà giam tới từng hộ dân khi cho giám thị nhà giam tự do đi lại tới từng nhà, ám ảnh tự do của từng công dân, những người chưa bao giờ phạm tội. Ông mang chế độ công an trị tới từng ngóc ngách xã hội mà không tốn một xu nào cho ngân sách.

Chưa thấy đủ, ông Phớc còn đề nghị đem cả củi sắt về tận nhà để nhốt người, đủ hiểu mức ác độc trong tư duy của ông là không giới hạn.

Ông xem tù nhân là con vật, và củi sắt là nơi mà chúng phải thuộc về.

Ông Phớc với tư cách là một Tổng kiểm toán nhà nước, chắc không phải lả người xa lạ với những con số. Hãy thử tính xem trên toàn quốc nếu số củi sắt này cung ứng đầy đủ thì Việt Nam có phải là một nhà tù vĩ đại hay không ?

Ai cho phép ông có một đề nghị xảo quyệt như vậy khi bắt cả gia đình tù nhân ở tù chung với nhau trong một không gian tự do mà hiến pháp quy định ? Đặt cái củi sắt trong nhà của họ có khác gì mang một vết thương chia đều cho từng người khi phẩm giá, lòng tự trọng, danh dự của họ bị chà đạp ?

Vậy mà lạ thay, lời đề nghị này được Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ công an hứa sẽ xem xét và nghiên cứu, bên cạnh những đại biểu "tầm cỡ" khác rất phấn khởi vì đề nghị khác thường này... mặc cho bên ngoài xã hội làn sóng phỉ nhổ nổi lên tiếp theo các làn sóng căm phẫn khác.

Ở những nước phát triển người ta không dùng hình ảnh "tù tại gia" để miêu tả biện pháp theo dõi phạm nhân có thời gian ngắn được phép rời nhà tù vì lý do đặc biệt nào đó. Cảnh sát gắn một vòng khóa có thiết bị điện tử dưới chân xác định vị trí mà tù nhân đang đứng để khi cần thì cảnh sát có thể không chế nếu tù nhân ấy có ý định bỏ trốn.

Biện pháp này chỉ được áp dụng cho tội tiểu hình trong một thời gian sau khi được tòa xem xét lý do hợp lý và chấp nhận. Cái vòng điện tử phải được lắp dưới cổ chân cho người khác không nhìn thấy chứng tỏ phẩm giá và danh dự của người vi phạm pháp luật vẫn được tôn trọng như bất cứ công dân bình thường nào khác.

Tứ chiếc vòng điện tử dưới cổ chân tiến tới cái củi sắt nhốt người ngay trong gia đình của tù nhân thật là một bước nhảy vọt vượt bậc đáng tự hào của Quốc hội Việt Nam.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 15/11/2018 (canhco's blog)

Published in Diễn đàn