"Hồng vệ binh" kiểu Việt Nam đợt quốc tang cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Ngay khi Nhà nước Việt Nam công bố thông tin ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời hôm 19/7, hàng loạt nghệ sĩ, người nổi tiếng trong nước lập tức bày tỏ niềm thương tiếc trên mạng xã hội.
Linh cữu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được đưa ra ngoài nhà tang lễ ở Hà Nội hôm 26/7/2024 - AFP
Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ còn thông báo hủy bỏ các buổi biểu diễn của mình vì - theo lời họ là "đất nước đang phải chịu nỗi mất mát quá lớn".
Những người nổi tiếng không thể hiện niềm tiếc thương hoặc nếu vẫn cập nhật cuộc sống thường nhật trên trang cá nhân thì ngay lập tức bị một lực lượng cư dân mạng tấn công, chỉ trích, thậm chí là kêu gọi tẩy chay vì "vô ơn".
Một số trường hợp điển hình như nữ ca sĩ Suni Hạ Linh phải lên tiếng xin lỗi sau khi bị chỉ trích vì đăng tải lịch trình làm việc hôm 21/7. Hot Tiktoker Duy Muối bị cách chức giám đốc sáng tạo ở một công ty truyền thông bởi có một bình luận bị cho là xúc phạm Tổng bí thư. Cụ thể, dưới một bức ảnh tưởng niệm có đề năm sinh và năm mất của ông Nguyễn Phú Trọng "1944 - 2024", tiktoker này đã để lại bình luận rằng "sao lại có số hotline thế ạ ?".
Các diễn viên Khánh Vân, Nam Thư… cũng phải lên tiếng xin lỗi khi thay avarta sang nền đen nhưng vẫn để hình ảnh của mình…
"Hồng vệ binh" kiểu Việt Nam?
Một nhà báo giấu tên hiện đang ở trong nước nhận định về hiện tượng này, cho rằng việc những nhân vật trẻ tuổi trên các trang mạng bị đấu tố và trở thành những thành phần "phản loạn" khi không có "tâm trạng khóc than" về cái chết của ông Nguyễn Phú Trọng, có thể dừng lại ở những lời chỉ trích của số ủng hộ Nhà nước là đủ :
"Nhưng áp lực của những thành phần cực đoan đã khiến những người trẻ tuổi này phải hoảng sợ rồi phải mở lời xin lỗi gượng ép, nhưng được báo chí và các hệ thống mạng lưới tuyên truyền đưa tin, được như đó là cách rửa mặt cho Nhà nước trong bối cảnh dàn dựng đau thương về một lãnh tụ qua đời bị thất bại".
Hầu hết những người nổi tiếng đều không đăng status trên trang cá nhân từ này 19/7 cho đến hết hai ngày quốc tang 25 và 26/7, nhưng họ ngay lập tức cập nhật lại thông tin ngay sau khi quốc tang kết thúc.
Ca sĩ Mai Khôi, từ Hoa Kỳ, cho biết cô quan sát thấy rằng hiện tượng hàng loạt các ca sĩ ngôi sao người mẫu diễn viên và người nổi tiếng đăng bài bày tỏ tiếc thương cái chết của Tổng bí thư Trọng là "sự răm rắp làm theo một mệnh lệnh".
"Vì trước đây họ có bao giờ đăng bài gì thể hiện lòng ngưỡng mộ yêu thương đối với ông Trọng khi ông đang còn sống, thì sao mà khi ông ấy chết tình cảm ngưỡng mộ yêu thương lại đùng đùng ập đến ? Chắc chắn sự than khóc lãnh tụ này là bị bắt buộc làm theo chỉ đạo".
Ông L, hiện đang ở Hà Nội và rất quan tâm đến diễn biến liên quan đến quốc tang ông Nguyễn Phú Trọng, quan sát thấy rằng đám đông chỉ trích những ca nghệ sĩ không tưởng nhớ ông Trọng có hai thành phần. Thứ nhất là "đám đông quần chúng nhân dân, những người yêu mến ông Trọng" và thứ hai là những người thân Nhà nước, chính quyền. Có thể họ là thành phần dư luận viên, lực lượng tác chiến trên mạng, thông qua các hội nhóm mà chính quyền Việt Nam đã gây dựng trong những năm gần đây :
"Tôi thấy lực lượng này rất hung hãn. Nhiều ý kiến còn cho rằng những nghệ sĩ này là vô ơn, đáng bị bỏ tù. Người ta chửi với các lý do rất cực đoan.
Theo tôi thấy thì đây là việc khuấy động tinh thần cực đoan của người Việt Nam, không khác gì cái đám Hồng Vệ binh của Trung Quốc cả. Còn cái việc chính quyền dung dưỡng, cổ suy tinh thần cực đoan đó thì hết sức nguy hiểm, không tốt một tí nào".
Về ý kiến chỉ trích các nghệ sĩ rằng vì họ là lớp người thuộc thế hệ trẻ, những người nổi tiếng có sự ảnh hưởng trên mạng xã hội với lượng người theo dõi khổng lồ nên họ phải thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, với đất nước và ứng xử sao cho đúng, chuẩn mực, nhân văn trước chuyện đại sự quốc gia…, ca sĩ Mai Khôi khẳng định :
"Đó rõ ràng là luận điệu của bọn dư luận viên mà đầu nguồn là Ban Tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam. Chẳng có người dân bình thường nào rảnh rỗi đi trách móc các nghệ sĩ sao không khóc lãnh tụ đủ lâu để noi gương cho giới trẻ".
Theo ca sĩ Mai Khôi, Đảng cộng sản Việt Nam là phiên bản đàn em của Đảng cộng sản Trung Quốc nên cũng không lạ gì khi họ xây dựng đội dư luận viên Việt Nam theo phong cách "Hồng vệ binh" của Trung Quốc.
Thần thánh hóa lãnh đạo cộng sản
Nghệ sĩ nổi tiếng có nhiều fan hâm mộ là những người mà Nhà nước đã giúp họ nổi tiếng bằng bộ máy truyền thông độc quyền của nhà nước. Do vậy, Ca sĩ Mai Khôi cho rằng :
"Khi họ nổi tiếng trở thành KOLs, họ phải phục vụ lại Nhà nước bằng cách góp phần tuyên truyền và tẩy não người dân. Khi người dân bị tẩy não thì sẽ tin vào chính quyền dối trá như tin vào Chúa, Phật, thần thánh, họ sẽ không còn khả năng tư duy phân biệt đúng sai, thật giả, không còn khả năng phản kháng".
Ca sĩ Mai Khôi nhận định rằng việc Đảng sắp đặt vụ than khóc ông Trọng chết có phần quá đáng hơn những vụ quốc tang trước đây. Đảng lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng thực chất là tiêu diệt phe cánh đối lập và sự "liêm khiết" của ông để thần thánh hóa ông :
"Đây là công cụ tẩy não tuyệt vời vì dân Việt và văn hóa Việt thường đề cao đạo đức hơn tài lãnh đạo. Từ thời ông Hồ cho tới nay, chỉ có ông Trọng được cho là liêm khiết gần giống ông Hồ nên Đảng phải lợi dụng ngay thời cơ này để tẩy não dân và củng cố quyền lực Đảng. Ông Trọng có thể là kẻ không tham tiền, nhưng tham quyền cố vị, bám lấy cái ghế tổng bí thư dù đã già yếu, rồi khi chết ông tham quyền cố vị, muốn được tôn thờ như ông Hồ".
Cũng theo cô ca sĩ này, chỉ có những nước cộng sản mới có kiểu tẩy não người dân bằng hình thức bắt buộc người dân, từ người lớn đến trẻ con, phải thể hiện sự thương tiếc khi lãnh tụ chết. Thời xưa, bộ máy tuyên truyền của Đảng đã xây dựng hình ảnh ông Hồ Chí Minh như một Cha già dân tộc. Khi sống, dân phải nhất quyết kính yêu Bác và khi Bác chết, dân phải đồng lòng nhất quyết khóc than.
Ông L, cho rằng chính quyền Việt Nam có rất nhiều lý do để khiến người dân phải tưởng nhớ ông Trọng, tôn ông như bậc thánh nhân :
"Thứ nhất là họ muốn tính chính danh, muốn lấy lại danh tiếng đã mất của đảng cộng sản, như là mất danh tiếng trong việc chống tham nhũng, quan chức tham ô quá nhiều. Họ muốn đưa ông Trọng lên như là lãnh tụ để lấy lại hình ảnh đã mất.
Thứ hai là họ đang kích động, đánh đồng việc yêu nước, yêu dân tộc với yêu lãnh tụ là một và khuấy động lên để người dân tin yêu theo đảng cộng sản".
Nhà báo giấu tên dự đoán, Việt Nam trong tương lai của một thể chế độc tài sẽ luôn có những phong trào cực đoan như vậy.
Nguồn : RFA, 01/08/2024
Phần 1
"Người cộng sản là những tổ sư chuyên về phá hoại. Họ có thể biến cái hồ cá thành tô súp cá dễ như chơi. Cái mà chúng tôi phải đối đầu hôm nay là biến tô súp cá đó lại trở thành cái hồ cá"- Lech Walesa, giải Nobel Hòa bình, cựu chủ tịch Công đoàn Đoàn Kết, cựu Tổng thống Ba Lan.
Một bích chương thời Mao (ảnh : Fine Art Images / Heritage Images / Getty Images)
Đó là cách nói nhẹ nhàng. Lẽ ra, nên nói người cộng sản phá hoại kinh khủng, như bầy chuột khổng lồ, sinh sôi lan tràn. Phá tất cả những gì trước mắt chúng thấy. Chuột không thể nhìn xa. Chính điều này làm họ nhà chuột tự chuốc lấy thảm họa do chúng gây ra lẫn nhau. Chỉ đau đớn, bởi dân lành lại hứng chịu nhiều nhất và khốc liệt nhất.
Hồng vệ binh
Lực lượng Hồng vệ binh do Mao Trạch Đông "phát kiến" và dung dưỡng. Khởi từ đơn vị đầu tiên được thành lập tại Đại học Thanh Hoa vào ngày 29/5/1966, với mục đích tiêu diệt những kẻ thù chính trị của Mao.
Hồng vệ binh nảy nở nhanh chóng khủng khiếp. Từ tháng 5/1966 đến tháng 8/1966, chỉ vỏn vẹn hơn 3 tháng, lực lượng này đã lôi kéo được hàng triệu người tham gia, hầu hết trong đó đều là học sinh - sinh viên.
Ngày 18/8/1966, trận "đại dịch hạch" bắt đầu, với cả triệu con chuột từ khắp nơi Trung Quốc mang bộ lông xám xịt tăm tối và dơ bẩn, tràn về Bắc Kinh yết kiến "vua các loài chuột" - Mao Trạch Đông. Xuất hiện tại quảng trường Thiên An Môn, "chi trên" của "Chuột Chủ" nổi bật với chiếc băng đỏ, chứng tỏ ủng hộ phong trào và xiển dương hành động của bầy chuột khổng lồ đang sắp hàng nghiêm cẩn phía dưới, lắng nghe cái gọi là "phát triển xã hội chủ nghĩa và dân chủ" do Mao Chủ Chuột khẩu dụ.
Thời bấy giờ, khoa học - kỹ thuật còn lạc hậu ở Châu Á cũng như internet chưa hề xuất hiện. Có lẽ vì thế, tuổi trẻ dễ bị kích động bằng những lời "mây gió" và khi họ được nâng lên "chín tầng mây" thì không có gì họ không dám làm, với đầu óc đã bị "Chúa Chuột" nhồi sọ xong và hóa kiếp họ trở thành hàng triệu chú chuột dưới lốt người, với 2 chi dưới và 2 chi trên sử dụng thuần thục mọi loại võ khí để... giết người trong bộ não "quỷ chuột" !
Tất nhiên, không thể thiếu bộ phận "mỏ", đó là bộ phận sắc bén nhất, ghê tởm nhất. "Mỏ chuột" không chỉ dùng để gặm nhấm, phá phách mà còn nổi bật với biểu trưng như là "vũ khí" độc nhất vô nhị, không loại vũ khí nào sánh nổi vời thời bấy giờ tại Trung Hoa. Vũ khí đó hiệu quả ở chỗ : hạ gục tuyệt đối nạn nhân một cách đau đớn nhất lại... "bất kiến huyết". Bầy chuột dưới lốt người hiểu quá rõ "điểm yếu" con người : Lương Tri - đó là tính Người và đó cũng là tai họa khi Người buộc phải chiến đấu với Quỷ Chuột !
Rùng rùng kéo đến như đội quân bóng đêm trong bộ phim "Xác ướp Ai Cập", đi tới đâu quyền lực bóng đêm của Mao phủ trùm đến đó. Một loại quyền năng ghê gớm trị vì trên cát, dù tạm bợ nhưng để lại hậu quả vô cùng thê thảm trong lịch sử Trung Hoa.
Phim kinh dị có thật
Cũng từ đó, mây đen vần vũ và giông bão ào ạt kéo đến bao trùm toàn bộ Đại Lục, như phim kinh dị với những tín hiệu chết chóc kinh hoàng...
Ngày 5/9/1966, một thông cáo được ban hành, khuyến khích tất cả Hồng vệ binh đến Bắc Kinh trong một quãng thời gian với tất cả chi phí, bao gồm ăn ở và đi lại sẽ được chính quyền chi trả. Trước đó, 22/8/1966, Mao cũng ra một chỉ thị, cấm mọi sự can thiệp từ phía cảnh sát vào hoạt động của Hồng vệ binh. Bất kỳ viên công an nào làm trái sẽ bị gán cho tội danh "phản cách mạng".
Từ đó, lực lượng này trở thành đội ngũ kiêu binh hùng hậu, dũng mãnh, tàn ác và tung hoành ngang dọc trong việc phá hoại tất cả những gì có thể, vào lúc bấy giờ tại Trung Hoa. Lực lượng điên cuồng này không tha cả chùa chiền, nhà thờ, tu viện Hồi giáo và các nghĩa trang, bằng cách cướp phá hoặc đập bỏ. Đặc biệt lãnh vực văn hóa đã bị họ phá tan hoang.
Chỉ riêng về số người bị tàn sát, theo một báo cáo chính thức vào tháng 10/1966, Hồng vệ binh đã bắt giữ 22.000 người gọi là "phản cách mạng". Nhiều người bị bắt rồi bị giết, bị tra tấn đến chết hoặc tự tử do không chịu được nhục nhã mà không rõ về số lượng. Trong tháng 8 và tháng 9 năm ấy, chỉ riêng ở Bắc Kinh đã có 1.772 người bị giết chết. Tại Thượng Hải, trong tháng 12 có 704 vụ tự tử...
Không dừng tại đó, ngày 22/7/1967, Giang Thanh (vợ thứ tư của Mao) trực tiếp bật đèn xanh cho Hồng vệ binh, có thể thay thế Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa, nếu thấy cần thiết. Sau khi được sự khích lệ của Giang Thanh, Hồng vệ binh bắt đầu cướp phá các doanh trại và các tòa nhà quân đội. Hành động này kéo dài tới tận mùa thu năm 1968, mà không bị các tướng lĩnh quân đội ngăn chặn.
Ngay cả Tử Cấm Thành nếu không có sự bảo vệ của quân đội, do Chu Ân Lai bí mật phái đến, nó cũng không còn tồn tại. Chi tiết này làm người ta liên tưởng đến các bộ phim vua chúa tranh giành thuở xa xưa, chúng ta có thể tìm thấy trong các bộ phim kiếm hiệp-dã sử của Trung Hoa.
Sự tàn phá hỗn loạn và giết chóc rùng rợn tột độ. Đó là kiếp nạn người Trung Hoa hứng chịu do Hồng vệ binh gây ra.
Ban đầu, khi thành lập lực lượng Hồng vệ binh, Mao nhằm sử dụng để thanh trừng bè phái, đấu tố những đảng viên, tướng lĩnh chống y cũng như thanh toán người dân bất đồng chính kiến lúc bấy giờ. Nhưng Mao cùng "Bè lũ bốn tên" (có Giang Thanh trong đó) đã mất kiểm soát, bởi đầu óc quá điên cuồng và độc địa, do đó, tình hình bị cuốn xoáy mãnh liệt không cưỡng nổi.
Trật tự xã hội bị đảo lộn đến tận cùng trong một đất nước hoàn toàn vô chính phủ, với việc vô hiệu hóa quân đội và công an. Việc gì đến phải đến...
(12/09/2023)
***********************
Phần 2
Nạn nhân tiêu biểu của tai kiếp này chính là Bành Đức Hoài. Mang danh là một nguyên soái và trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản, Hồng vệ binh cũng không coi họ Bành ra gì, với sự "bảo kê" của Mao và "bè lũ bốn tên".
Hơn 60 Hồng vệ binh theo khẩu lệnh của Giang Thanh đã lôi Bành Đức Hoài ra trước Học viện Hàng không đấu tố lần thứ nhất vào 19/7/1967
Trong những tài liệu sau này, số phận của Bành Đức Hoài bị đày đọa, dẫm đạp và sỉ nhục đến không còn ra con người do Hồng vệ binh gây ra.
Ngày 25/12/1966, Hồng vệ binh giải Bành Đức Hoài đến nhà ga, vừa kéo vừa đẩy, bắt ông phải lên con tàu đi Bắc Kinh. Giữa khuya, Hồng vệ binh không để ông già 68 tuổi ngủ yên mà thay nhau "thét vào tai ông", bắt khai rõ những "tội trạng phản cách mạng" ngay trên tàu. Rạng sáng 26/12, ông quá khát nước, lảo đảo lần bước vào buồng vệ sinh "vặn vòi nước, vụm hai tay vốc lên mấy vốc, ghé miệng uống ừng ực.
Ở phân đoạn khác :
Giờ đây vị nguyên soái ấy từ toa lét bước ra với hình hài tiều tụy đang bị đám Hồng vệ binh vô danh quát mắng, có tên giơ tay đòi đánh, ông ngẩng mặt lên nói rõ từng tiếng một : "Ta già rồi, năm nay đã gần 70 tuổi, hồi ta còn trẻ, một mình ta đánh gục 20 người, đánh đến mức kẻ nào bỏ chạy thì bỏ chạy, kẻ xin tha mạng thì tha cho, nhưng không bao giờ ta đánh một ông già".
Chẳng cần nghĩ tới đạo lý của câu nói ấy, đến Bắc Kinh, hơn 60 Hồng vệ binh theo khẩu lệnh của Giang Thanh đã lôi Bành Đức Hoài ra trước Học viện Hàng không đấu tố lần thứ nhất vào 19/7/1967.
Lúc say máu, một Hồng vệ binh khỏe mạnh đã nhảy luôn lên bàn mắng nhiếc, gọi ông bằng mầy : "Mầy chống Mao chủ tịch phải không ?", rồi đấm mạnh vào mặt. Ông già loạng choạng ngã xuống. Đám còn lại túa đến lôi ông dậy đánh tiếp đến ngất xỉu, đưa vào bệnh viện 267. Kiểm tra X-quang thấy sườn bên phải gãy xương số 5, nứt xương số 10, máu tụ ngực trái, tổn thương nặng ngực phải.
Sau khi Bành Đức Hoài bị bắt và bị đánh đập, tra tấn, ép buộc phải thú nhận "tội lỗi phản cách mạng" nhưng không được, chúng nhốt ông ta trong một doanh trại quân đội ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh với điều kiện vệ sinh tồi tệ, không được chăm sóc y tế.
Từ đó đến năm 1971, tổ chuyên án tiếp tục thẩm vấn ông lạnh lùng và dã man với hơn 150 lần, dẫn đến phải nằm liệt giường, tàn phế. Bác sĩ trại giám sát biết không chữa chạy nổi mới chuyển ông vào bệnh viện Quân giải phóng. Tỉnh dậy, ông thấy tờ bệnh án treo ở đầu giường không viết tên mình (để bảo mật), thay vào đó bằng con số : "Họ tên : 145" (lấy tên giường số 5, buồng 14). Ông uất ức la to :
- Ta không phải con số 145 ! Ta là nguyên soái Bành Đức Hoài !
Sau nhiều đày đọa tàn khốc, tháng 4/1973, Bành Đức Hoài được xác định là bị ung thư trực tràng ở giai đoạn cuối. Do suy nhược sau khi mổ, tâm trạng tồi tệ, mọi cố gắng của bác sĩ không cản được tế bào ung thư nhanh chóng lan rộng. Bành Đức Hoài dặn dò các cháu : "Sau khi bác chết, hãy chôn tro xương của bác về quê, chôn xuống đất, bên trên trồng một cây ăn quả, tro xương có thể làm phân bón, để bác báo đáp mảnh đất quê hương lần cuối cùng, báo đáp bà con thân thuộc". Tháng 10/1974, Bành Đức Hoài ở trong tình trạng thường xuyên bị hôn mê, chỉ dựa vào truyền dịch để duy trì sự sống. Ông ta qua đời ngày 29/11/1974, trung thành với lý tưởng cộng sản, nhưng vẫn giữ những bất đồng ý kiến với Mao Trạch Đông.
Hồng vệ binh tan rã
Cho đến khi, mức độ tao loạn phủ trùm Trung Quốc tựa những đập thủy điện vỡ toác, xối xả vào đầu dân chúng, tháng 12/1968, Mao cho triển khai phong trào "Tiến về nông thôn", lẹ làng đưa hàng trăm ngàn trí thức trẻ (nòng cốt của Hồng vệ binh) về các vùng xa xôi hẻo lánh với phương châm "sống, lao động và học hỏi kinh nghiệm của những người nông dân". Dưới chiêu bài êm ái đó, Mao đã thành công trong việc "vắt chanh bỏ vỏ" bằng việc tống khứ họ về nơi ít có thể gây loạn nhất. Hồng vệ binh từ đó tan rã.
Sau này, những người Trung Quốc ở tuổi 15 đến 25 trong thời Cách mạng Văn hóa thường được gọi là "Thế hệ bỏ đi" vì học hành dang dở, với quá khứ thấm đẫm máu đồng bào Trung Hoa của họ, cũng như gặm nhấm nỗi đau từ những tháng năm cuồng điên đến độ đánh mất hết lương tri và lý trí từ lá bài "Nhồi Sọ" của tên tội đồ Mao Trạch Đông.
Đó là vết nhơ không tẩy xóa được trong lịch sử tàn ác của Đảng cộng sản Trung Quốc và cũng là vết thương nhức buốt của người Trung Hoa cho đến tận ngày nay.
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 18/09/2023
Bài viết được tham khảo từ tài liệu :
- Wikipedia về "Hồng vệ binh", "Bè lũ bốn tên", Mao Trạch Đông, Bành Đức Hoài, Giang Thanh.
- Sáu kỳ về loạt bài "Mật lệnh sau bức tưởng đỏ" của báo Việt Giải Trí
https://vietgiaitri.com/mao-trach-dong-mat-lenh-sau-buc-tuong-do-20140623i1448707/
"Ngày xưa chúng tôi đi học nhưng không được vô tư như những học sinh bình thường. Ngoài nhiệm vụ một học sinh, chúng tôi còn thực hiện nhiệm vụ của một chiến sĩ cách mạng…".
Bà Trương Mỹ Hoa – cựu phó chủ tịch nước và là cựu học sinh của trường Huỳnh Khương Ninh, quận Nhất, Sài Gòn – kể lại câu chuyện vừa đi học vừa làm "cách mạng nằm vùng" ở dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường Huỳnh Khương Ninh vào sáng 31/12/2022.
Trường tư thục Huỳnh Khương Ninh được thành lập năm 1922, do thầy giáo Huỳnh Khương Ninh sáng lập. Thầy Huỳnh Khương Ninh xuất thân trong một gia đình nho học, rồi theo Tây học, nổi tiếng là một người thông minh, học giỏi.
Cuối năm 1945, khi kháng chiến chống Pháp bắt đầu nổ ra ở Sài Gòn, trường Huỳnh Khương Ninh bị thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa do có nhiều thanh thiếu niên được cho là tham gia chống Pháp đang học tại trường này.
Đến năm 1947, trường được phép mở cửa dạy lại. Năm 1950, trước khi qua đời, thầy Huỳnh Khương Ninh cho mời tất cả giáo viên lại, ân cần dặn dò : "Các vị nên cùng chung lo giữ vững ngôi trường cho các con em chúng ta, dù hoàn cảnh nào cũng có thể học tập".
Việc sử dụng những học sinh vị thành niên như các hồng vệ binh của những người nhân danh cách mạng cho thấy là một sách lược khôn ngoan nhưng bất nhẫn. Khôn ngoan vì ở tuổi mới lớn, tâm lý nổi loạn muốn làm người hùng là đòn bẩy để những cán bộ cách mạng lôi kéo những thành phần học sinh này về để phục vụ cho các kế hoạch của họ.
Còn bất nhẫn là vì ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới đó, học sinh vẫn là những đứa trẻ cần được học tập, hơn là bị trực tiếp lôi cuốn vào những cuộc chiến đẩm máu ý thức hệ của người lớn.
Theo tài liệu về lịch sử của thế hệ làm cách mạng như bà Trương Mỹ Hoa, thì Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn đã tăng cường chỉ đạo phong trào thanh niên. Một Liên chi ủy phụ trách học sinh sinh viên và giáo chức trong thời kỳ ban đầu đã được thành lập, do Bùi Văn Trạch, bí danh Bảy Kê – một cán bộ từng trải trong phong trào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp làm Bí thư cùng với các ủy viên Trần Quang Cơ, Trần Văn Nguyên, Huỳnh Ngọc Thanh…
Sang năm 1955, Liên chi ủy được bổ sung thêm Lê Minh Quới. Các hình thức công khai, bề nổi để nhen nhúm phong trào quần chúng ban đầu còn khó khăn. Liên chi ủy đã sử dụng các hình thức báo chí bí mật và nửa công khai để tuyên truyền, giáo dục và tập hợp quần chúng như : báo "Học sinh cứu nước" (báo bí mật), nội san "Gió lên" của sinh viên, nội san "Tổ quốc", "Tập văn" của trường Kiến Thiết, "Kiên chí" của trường Pétrus Ký…
Sở dĩ mà các lực lượng cách mạng như trên chọn học đường làm nơi để "nhen nhóm phong trào quần chúng", là vì tận dụng các quyền dân chủ mà người dân ở miền Nam Việt Nam đang thụ hưởng để phục vụ cho cái gọi là "hoạt động cách mạng trong lòng địch".
Trở ngược thời gian. Quan điểm, chính sách của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam được thể hiện trong "Hiến pháp Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa ngày 1/4/1967", Điều 10, Chương II ghi rõ : "Nền giáo dục đại học được tự trị". Nền giáo dục đại học dưới chính quyền Việt Nam Cộng Hòa theo đuổi ba nguyên tắc là tự do, tự trị và phi chính trị. Trong một chừng mực nào đó, Viện Đại học độc lập đối với các đảng phái chính trị, tôn giáo và tự trị đối với chính quyền.
Vấn đề tự trị đại học được đặt ra ngay từ những ngày đầu còn phôi thai của nền đại học ở miền Nam Việt Nam, lúc bấy giờ người ta đã nhắc đến tính chất tự trị cần thiết cho sự phát triển đại học. Sở dĩ về sau rộ lên vấn đề tự trị đại học nhuốm màu sắc chính trị, đó là do lực lượng "hoạt động cách mạng trong lòng địch" như lời kể của bà Trương Mỹ Hoa ở dịp về thăm trường cũ đã nêu ở phần đầu bài viết này.
Và có lẽ cũng chính vì từng lợi dụng chiêu bài "tự trị đại học" để "hoạt động cách mạng trong lòng địch" nên từ sau tháng 4/1975, chính quyền Hà Nội kiên quyết không những không chấp nhận chuyện "tự trị giáo dục", mà còn buộc tất cả các bậc giáo dục từ tiểu học đến đại học đều phải chịu sự phụ thuộc của đảng phái chính trị duy nhất là đảng cộng sản Việt Nam.
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 02/01/2023
Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Quốc kéo dài suốt 10 năm, nhưng cao trào của cuộc cách mạng này diễn ra từ năm 1966 – 1969. Cuộc cách mạng này do Mạo Trạch Đông phát động, với mục tiêu "đấu tranh với giai cấp tư sản trong lĩnh vực tư tưởng, sử dụng những tư tưởng và lề thói mới của giai cấp vô sản để thay đổi diện mạo tinh thần của toàn bộ xã hội", trong đó Tứ Nhân Bang, tức "bè lũ 4 tên", là những thành viên hoạt động tích cực nhất.
Hồng Vệ Binh đang đấu tố một lãnh đạo Đảng CS Trung Quốc ngày 25/8/1966, bắt ông đội mũ với những dòng chữ hài tội ông. Nguồn : Pinterest
Mao Trạch Đông và Tứ Nhân Bang đã tạo ra đám Hồng Vệ Binh, chủ yếu là những người còn trong tuổi vị thành niên, sử dụng chúng để thanh trừng bè phái, đấu tố, khủng bố trên toàn quốc, đối với những ai không đi theo đường lối của Mao, trong đó có những người bất đồng chính kiến, các tướng lĩnh, các đảng viên trung kiên và cả các lãnh đạo cao cấp như Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, tướng Bành Đức Hoài, Đặng Tiểu Bình… cũng đều bị chụp cho cái mũ phản động.
Trong suốt những năm từ 1966-1969, đám Hồng Vệ Binh này không phải đi học mà nhiệm vụ của chúng là đi đến các thành phố, làng quê trên khắp đất nước để đấu tố bất kỳ ai bị cho là phản động, chống lại đường lối "cải cách" của Mao. Chỗ nghỉ của chúng là các trường học. Đi đến đâu chúng cũng được ăn uống vì các bếp nhà trường được lệnh cung cấp thức ăn miễn phí cho chúng. Đấu tố ai là quyền của chúng. Những đứa trẻ này, ngày hôm trước chỉ biết đi học, chơi đùa cùng bạn bè, nhưng khi trở thành Hồng Vệ Binh, chúng có quyền lực vô hạn, quyền lực lớn hơn tất cả mọi quyền lực khác.
Công an, quân đội nhận được chỉ thị của "bè lũ bốn tên" không được phép can thiệp vào mọi hoạt động của lũ quỉ đỏ Hồng Vệ Binh này. Chúng không cần bất cứ chỉ thị nào cụ thể. Thích đấu tố ai thì chúng đến nhà lôi họ ra đấu tố với những hình phạt khủng khiếp, khốn nạn nhất. Để ai sống, bắt ai chết là quyền của chúng. Chẳng thế mà một số lãnh đạo của đảng cộng sản và chính phủ Trung Quốc như vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ, nguyên soái Bành Đức Hoài, thậm chí cả Đặng Tiểu Bình và nhiều lãnh đạo cao cấp khác, cũng bị chúng đến nhà lôi ra xử. Nhiều người đã chết dưới bàn tay độc ác của chúng.
Vợ của một lãnh đạo đảng ở địa phương bị hồng vệ binh đánh đập và dẫn ra "tòa án cách mạng". Ảnh : internet
Cùng thời khời kỳ đó Mao Trạch Đông đã ra quyết định xóa bỏ tất các các cấp bậc quân hàm trong quân đội, từ nguyên soái đến binh nhì chỉ đeo hai miếng tiết đỏ trên ve áo. Lũ quỉ đỏ này nhanh chóng nhận ra quyền lực rất lớn của mình. Chúng lao vào các cuộc đấu tố, phá hủy những di tích lịch sử, đốt những kho tàng sách quí báu vì chúng cho rằng đó là tàn dư của phong kiến. Chỉ cần ai đó biết một thứ tiếng nước ngoài, tủ sách trong nhà có những cuốn sách bằng tiếng nước ngoài, … đã đủ là kẻ thù của chúng.
Một cảnh đốt tượng Phật trong Cách mạng Văn hóa. Ảnh : Internet
Từ những đám Hồng Vệ Binh thực hiện mưu đồ hiểm độc của Mao Trạch Đông, dần dần chúng đã trở thành những lũ kiêu binh, muốn làm gì thì làm. Không ít trường hợp chúng đã xông vào các doanh trại quân đội để đập phá, cướp bóc tài sản mà không hề gặp bất kỳ sự chống cự nào, vì ai cũng sợ chúng. Giang Thanh, vợ thứ tư của Mao Trạch Đông đã từng có ý đồ dùng biển người Hồng Vệ Binh này thay cho quân đội.
Cách mạng Văn hóa khiến vô số người Trung Quốc phải chịu bức hại tàn khốc. Ảnh : internet
Cuối năm 1968, nhận thức được tình trạng nguy hiểm, cũng như những hoạt động của Hồng Vệ Binh đã vượt quá sự kiểm soát của mình, Mao Trạch Đông cùng bè lũ của ông ta đã phát động phong trào "Tiến về nông thôn", đưa các Hồng Vệ Binh về các vùng sâu, vùng xa, nói rằng để chúng lao động, học hỏi kinh nghiệm của những người công nhân, nông dân. Thực chất của trò này là điều chuyển các Hồng Vệ Binh từ thành phố về nông thôn, nơi chúng ít có khả năng gây loạn nhất, nhằm khống chế hoạt động và ảnh hưởng của chúng, giam lỏng chúng tại những vùng đó.
Lúc đầu, nhiều đứa hăng say bắt tay vào "công cuộc mới" vì tin rằng chúng đang thực hiện ý nguyện của Mao. Dần dần, từ chỗ chỉ đi lang thang đây đó để đấu tố, để phá phách, không phải lo đến chỗ ngả lưng, không phải lo đến vấn đề ăn mặc, nhưng giờ phải tự lo tất cả, phải ngủ ở nhà dân trong điều kiện chật chội, tối tăm (vì nhà ở nông thôn Trung Quốc thời đó thường là nhà đất, không có cửa sổ), phải lao động nặng nhọc, quần quật cả ngày, nên nhiều đứa đã bỏ trốn. Những kẻ này thường bị bắt ngay sau đó và bị xử tử vì tội phản bội, nhằm làm gương cho những kẻ khác. Những kẻ không đủ can đảm chạy trốn thì, hoặc tìm con đường tự sát, hoặc cúi đầu chịu số phận.
Hồng Vệ Binh tan rã từ đó và sau này người dân Trung Quốc gọi chúng là "Thế hệ bỏ đi".
Nhìn vào bối cảnh Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy Hội Cờ Đỏ có điều gì đó khá giống thời Hồng Vệ Binh của Trung Quốc. Bè lũ lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang sử dụng những con quỉ đỏ mất tính người này để thực hiện những âm mưu đen tối. Chúng định dùng chiến thuật "biển người" của quan thầy chúng bên Bắc Kinh, cùng sự hung hăng, tàn bạo để áp đảo những ai chống đối chúng.
Ngoài lực lượng quỉ đỏ này còn có một lực lượng khác, hung bạo không kém. Đó là lực lượng "Thanh niên xung phong". Cả hai lực lượng này đã bị nhà cầm quyền biến thành những con robot không tim, hung hãn, dưới sự bảo trợ của chính quyền, sẵn sàng làm tất cả mọi việc khi chính quyền cần.
Rồi đến một ngày nào đó những lực lượng này, sau khi đã bị sử dụng đến mức tối đa, chúng sẽ bị nhà cầm quyền vứt bỏ như những vỏ chanh đã bị vắt kiệt nước. Lúc đó chúng sẽ phải sống trong cuộc đời ô nhục. Hối hận thì đã muộn rồi.
Đoàn Phú Hòa
Nguồn : Tiếng Dân, 31/10/2017
Giới cầm quyền cho hay Khối Cờ Đỏ do nhân dân "tự động" thành lập để đánh phá những người chống chế độ. Quả thực Việt Nam là một nước dân chủ : ai muốn lập đảng cứ lập, ai muốn biểu tình, cứ tự nhiên.
Người ta ví Đảng Cờ Đỏ với Vệ Binh Đỏ của Tàu. Theo đúng phong tục cái gì có ở Tàu, sẽ có ở Việt Nam.
Đảng Cờ Đỏ Việt Nam giống Vệ Binh Đỏ của Tàu
Nhắc cho các đảng viên Cờ Đỏ một sự kiện lịch sử : Mao thành lập Vệ Binh Đỏ để củng cố quyền lực, nhưng khi đã tàn sát hết các đối thủ và lực lương thù nghịch, Mao sợ nạn kiêu binh, đã quay lại tàn sát bọn Vệ Binh Đỏ cũng tàn bạo không kém.
Mao sáng chế ra Vệ Binh Đỏ sau khi thất bại thê thảm trong kế hoạch Bước Nhẩy Vọt, trên lý thuyết là một cuộc cách mạng canh nông sẽ đưa nước Tàu đến no ấm, phú cường, trên thực tế đã khiến canh nông Trung Hoa phá sản, hàng triệu người chết đói.
Lòng thờ kính lãnh tụ lung lay, có người đã bóng gió chỉ trích. Mao phát động phong trào Vệ Binh Đỏ, trước hết để tiêu diệt những kẻ bị nghi ngờ theo chủ nghĩa xét lại, mặc dù đã theo Mao từ thời Vạn Lý Trường Chinh, sau đó để xóa bỏ văn hóa cổ truyền, đẩy mạnh "cách mạng vô sản".
Vệ Binh Đỏ phát động "Cách Mạng Văn Hóa" mùa hè 1966. Chỉ trong một tháng, 77 ngàn người bị đuổi khỏi nhà, gia sản bị cướp, gần nửa triệu bị đưa đi nông trường, còn ghê rợn hơn vùng kinh tế mới ở Việt Nam, cũng nhập cảng từ Trung Hoa.
Các trí thức, giáo sư, nghệ sĩ, tóm lại, những người biết đọc, biết viết, có khả năng suy nghĩ bị đấu tố, bị tòa án nhân dân kết tội, làm nhục, hành hạ cho đến chết. Hay tự thắt cổ chết.
Vệ Binh Đỏ phát động "Cách Mạng Văn Hóa" mùa hè 1966 : hàng chục triệu người đã bị hành hạ
Những tên sát nhân được đào tạo trong căm thù nhiều khi chỉ mới 12, 13 tuổi. Nhiều người bị chính con cháu của mình đấu tố, khai tử. Những lãnh tụ cao cấp bị nghi ngờ như Lưu Thiếu Kỳ (cựu chủ tịch nước), Bành Đức Hoài (nguyên soái quân đội nhân dân) bị bức tử, Đặng Tiểu Bình bị hành hạ thân tàn ma dại, con trai bị đánh gẫy chân. Vợ Lưu Thiếu Kỳ, cùng với 300 "tên phản động xét lại" bị đấu tố, nhục mạ, gục mặt, quỳ gối trước 300.000 khán giả gào thét man rợ.
Chưa đủ, Mao phát động chiến dịch tiêu diệt Bốn Cái Cũ : phong tục, văn hóa, tập quán, tư tưởng.
Trường học đóng cửa trong hai năm để học sinh đi cứu cách mạng. Hàng trăm ngàn Vệ Binh Đỏ kéo nhau đi đốt sách, đốt thư viện, san bằng những di tích của hàng ngàn năm lịch sử, những kiến trúc cổ xưa, những nơi thờ tự, tất cả những gì liên hệ đến văn hóa cũ.
Những tên sát nhân được đào tạo trong căm thù nhiều khi chỉ mới 12, 13 tuổi.
Khi đã tiêu diệt hoàn toàn đối lập, để vãn hồi trật tự, vì các phe phái vệ binh bắt đầu giết nhau, Mao ra lệnh cho "quân đội nhân dân " thanh toán Vệ Binh Đỏ.
Mười bẩy triệu thanh thiếu niên, trong đó gần 5 triệu vệ binh đỏ bị đày đi nông trường, hàng trăm ngàn bị tra tấn, hành hạ hay bị xử tử.
Vệ Binh Đỏ chấm dứt đầu năm 1968, sau hai năm tàn sát, đốt phá, gây kinh hoàng, nhưng vết thương của xã hội Tàu cho tới nay vẫn chưa lành. Phong hóa Tàu ngày nay bại hoại một phần lớn là hậu quả của "cách mạng văn hóa".
Cộng Sản Việt Nam, trước phong trào chống đối, đem kịch bản kiêu binh ra soạn lại, xúi côn đồ đánh phá những người chống đối, chứng tỏ cái sợ đã đổi bên. Một cách thú nhận lực lượng an ninh, cảnh sát, tình báo hùng hậu không còn hiệu quả nữa.
Các đảng viên Đảng Đỏ hãy biết phương pháp hành động của "cách mạng" : dùng cung để bắn thỏ, khi hết thỏ sẽ bẻ cung. Và hãy nhớ điều này : những người mà các anh đang hung hăng phá phách, hành hạ là những đồng bào còn có lòng với đất nước, tranh đấu cho quyền làm người, muốn đưa dân tộc, trong đó có các anh, ra khỏi thân phận nô lệ. Nhiều Vệ Binh Đỏ đã ân hận cho đến hơi thở cuối cùng.
Từ Thức
Giới ủng hộ dân chủ tại Việt Nam cho biết các dư luận viên thuộc Hội Cờ Đỏ ngày càng đông đảo và trở thành lực lượng được chính quyền sử dụng để trấn áp những tiếng nói của người dân vì xã hội công bằng và tốt đẹp hơn. Dư luận nói gì về những hoạt động của Hội Cờ Đỏ hiện nay ?
Vũ khí tang vật giáo dân Giáo xứ Thọ Hòa thu giữ ngày 04/09/2017. Courtesy : Facebook Tan Nguyen Duy
Những người thuộc "Nhóm Cờ Đỏ" vào sáng ngày 4 tháng 9 mang theo súng ngắn, roi điện, bình xịt hơi cay đến Giáo xứ Thọ Hòa, ở tỉnh Đồng Nai để đe dọa "có biện pháp trừng phạt" đối với Linh mục Nguyễn Duy Tân vì ông từng kêu gọi trưng cầu dân ý cũng như lên tiếng về các vấn đề trong xã hội trên trang Facebook cá nhân của mình.
Sau hơn 1 tháng xảy ra vụ việc tại Giáo xứ Thọ Hòa, vào ngày 6 tháng 10, Công an huyện Xuân Lộc công bố kết quả điều tra với sự chứng kiến của linh mục quản hạt và linh mục văn phòng Tòa Giám Mục. Theo đó, có 11 người tham gia vụ gây rối trật tự bị phạt hành chính 750 ngàn đồng và riêng thanh niên tên Trần Hiếu Nghĩa bị phạt 8, 2 triệu đồng do "mang theo súng đồ chơi nguy hiểm". Linh mục Nguyễn Duy Tân thuật lại với RFA rằng Công an huyện Xuân Lộc đã từ chối trao văn bản kết quả điều tra theo như yêu cầu của linh mục quản hạt :
"Theo nguyên văn của ông Lợi là Công an huyện Xuân Lộc, ông nói rằng ‘Đây là súng đồ chơi nguy hiểm’. Họ dùng từ ‘súng đồ chơi nguy hiểm’. Cho nên họ chỉ phạt có 8.200.000 đồng. Phía bên Ban Hành giáo thì không có ý kiến gì cả, chỉ đòi hỏi chính quyền làm sao phải có trách nhiệm răn đe những ‘đồng chí Cờ Đỏ’ để họ mai mốt không đến quấy rối Giáo xứ Thọ Hòa nữa thôi. Đôi với tôi thì tôi cũng chê trách các đồng chí công an (huyện Xuân Lộc) làm việc kém quá. Bởi vì, họ không ghi được mã số khẩu súng, cũng không ghi khẩu súng có bao nhiêu viên đạn và cũng không ghi nguồn gốc súng mua từ Campuchia hoặc Mỹ hay từ đâu về…Họ không cung cấp giáy tờ kết quả điều tra cho Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc".
Cộng đồng cư dân mạng biết đến "Nhóm Cờ Đỏ" không chỉ qua vụ việc gây rối trật tự tại Giáo xứ Thọ Hòa, mà trước đó đã từng xảy ra những trường hợp các nhà hoạt động vì dân chủ tại Việt Nam bị côn đồ hành hung với tuyên xưng là người yêu nước, tôn trọng quốc kỳ cờ đỏ ngôi sao vàng, xử lý những kẻ phản động như vụ 3 phụ nữ bị tấn công dã man tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 5 năm nay.
Mới đây nhất, hai "Hội Cờ Đỏ" vừa được thành lập ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu và xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An hồi cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.
Trước khi tuyên bố chính thức thành lập "Hội Cờ Đỏ", những thành viên của các hội, nhóm này, kể từ tháng 6, liên tục sách nhiễu, đe dọa, phá hoại tài sản, đánh đập người dân ở khu vực địa phương nêu trên. Đặc biệt, những người này nhắm vào giáo dân Công giáo với mục đích được cho là chia rẽ lương giáo.
Hồi hạ tuần tháng 9, bảy linh mục quản xứ thuộc Giáo hạt Đông tháp đồng ký tên vào Đơn tố cáo liên quan tình trạng bất ổn xảy ra liên tục trong khu vực Giáo xứ Đông Kiều, tính từ thời điểm hai "Hội Cờ Đỏ" tuyên bố thành lập. Tuy nhiên, các vị linh mục quản xứ nói với RFA rằng chính quyền địa phương luôn thoái thoát trách nhiệm và không giải quyết rốt ráo các vụ việc mà họ đã trình báo.
Mặc dù hầu hết các vụ việc xảy ra mà cả người bị hại lẫn dư luận đều khẳng định liên quan đến hội, nhóm "Cờ Đỏ", thậm chí có sự thông đồng cũng như hỗ trợ từ phía chính quyền nhưng chính quyền địa phương giải thích là do người dân tự phát. Và sự tự phát ngày càng công khai, rầm rộ như thế khiến cho cộng đồng cư dân mạng gọi các thành viên của nhóm, hội "Cờ Đỏ" là các "Hồng Vệ Binh" kiểu mới, được chính quyền dựng lên để phá hoại đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ tôn giáo với mục đích tấn công những người đấu tranh ôn hòa vì môi trường, xã hội, tự do và dân chủ tại Việt Nam.
Nhà báo tự do Sương Quỳnh, một nạn nhân từng bị côn đồ hành hung có sự trợ giúp của công an lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng chính sách dùng côn đồ để cai trị người dân trong nhiều thập niên. Và chính sách này được sao chép y khuôn từ những cách thức của Bắc Kinh đối xử với dân chúng ở Đại Lục ; đồng thời những người trong lực lượng đàn áp được gửi sang Trung Quốc học hỏi và huấn luyện một cách bài bản. Nhà báo tự do Sương Quỳnh còn nhấn mạnh trong thời đại internet cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, nhà cầm quyền Việt Nam càng tận dụng thành phần dư luận viên "Hồng Vệ Binh" là các hội, nhóm "Cờ Đỏ" :
"Bây giờ họ không thể nào bịt mắt quốc tế. Họ không thể bưng bít được nữa. Họ không thể ngang nhiên như thời xưa được nữa thì đương nhiên họ càng ở trong bóng tối, càng giấu mặt bao nhiêu càng tốt. Chính sách tốt đẹp nhất để họ phủi tay, đó là dùng chính người dân đánh người dân và dùng giang hồ để hành hung người dân rồi họ trút bỏ hết trách nhiệm".
Qua một số cư dân mạng mà Đài RFA chúng tôi tiếp xúc, nhiều người cho rằng chính sách dựng lên các hội, nhóm dư luận viên "Hồng Vệ Binh" kiểu mới của chính quyền Hà Nội chẳng khác nào như con dao hai lưỡi vì sự bất ổn xã hội do các hội, nhóm này gây nên càng nhiều thì uy tín của chính quyền sẽ càng giảm đi trên trường quốc tế.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 12/10/2017