Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/10/2017

Số phận của Hồng Vệ Binh và lũ quỉ Xanh – Đỏ

Đoàn Phú Hòa

Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Quốc kéo dài suốt 10 năm, nhưng cao trào của cuộc cách mạng này diễn ra từ năm 1966 – 1969. Cuộc cách mạng này do Mạo Trạch Đông phát động, với mục tiêu "đấu tranh với giai cấp tư sản trong lĩnh vực tư tưởng, sử dụng những tư tưởng và lề thói mới của giai cấp vô sản để thay đổi diện mạo tinh thần của toàn bộ xã hội", trong đó Tứ Nhân Bang, tức "bè lũ 4 tên", là những thành viên hoạt động tích cực nhất.

hvb1

Hồng Vệ Binh đang đấu tố một lãnh đạo Đảng CS Trung Quốc ngày 25/8/1966, bắt ông đội mũ với những dòng chữ hài tội ông. Nguồn : Pinterest

Mao Trạch Đông và Tứ Nhân Bang đã tạo ra đám Hồng Vệ Binh, chủ yếu là những người còn trong tuổi vị thành niên, sử dụng chúng để thanh trừng bè phái, đấu tố, khủng bố trên toàn quốc, đối với những ai không đi theo đường lối của Mao, trong đó có những người bất đồng chính kiến, các tướng lĩnh, các đảng viên trung kiên và cả các lãnh đạo cao cấp như Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, tướng Bành Đức Hoài, Đặng Tiểu Bình… cũng đều bị chụp cho cái mũ phản động.

Trong suốt những năm từ 1966-1969, đám Hồng Vệ Binh này không phải đi học mà nhiệm vụ của chúng là đi đến các thành phố, làng quê trên khắp đất nước để đấu tố bất kỳ ai bị cho là phản động, chống lại đường lối "cải cách" của Mao. Chỗ nghỉ của chúng là các trường học. Đi đến đâu chúng cũng được ăn uống vì các bếp nhà trường được lệnh cung cấp thức ăn miễn phí cho chúng. Đấu tố ai là quyền của chúng. Những đứa trẻ này, ngày hôm trước chỉ biết đi học, chơi đùa cùng bạn bè, nhưng khi trở thành Hồng Vệ Binh, chúng có quyền lực vô hạn, quyền lực lớn hơn tất cả mọi quyền lực khác.

Công an, quân đội nhận được chỉ thị của "bè lũ bốn tên" không được phép can thiệp vào mọi hoạt động của lũ quỉ đỏ Hồng Vệ Binh này. Chúng không cần bất cứ chỉ thị nào cụ thể. Thích đấu tố ai thì chúng đến nhà lôi họ ra đấu tố với những hình phạt khủng khiếp, khốn nạn nhất. Để ai sống, bắt ai chết là quyền của chúng. Chẳng thế mà một số lãnh đạo của đảng cộng sản và chính phủ Trung Quốc như vợ chồng Lưu Thiếu Kỳ, nguyên soái Bành Đức Hoài, thậm chí cả Đặng Tiểu Bình và nhiều lãnh đạo cao cấp khác, cũng bị chúng đến nhà lôi ra xử. Nhiều người đã chết dưới bàn tay độc ác của chúng.

hvb2

Vợ của một lãnh đạo đảng ở địa phương bị hồng vệ binh đánh đập và dẫn ra "tòa án cách mạng". Ảnh : internet

Cùng thời khời kỳ đó Mao Trạch Đông đã ra quyết định xóa bỏ tất các các cấp bậc quân hàm trong quân đội, từ nguyên soái đến binh nhì chỉ đeo hai miếng tiết đỏ trên ve áo. Lũ quỉ đỏ này nhanh chóng nhận ra quyền lực rất lớn của mình. Chúng lao vào các cuộc đấu tố, phá hủy những di tích lịch sử, đốt những kho tàng sách quí báu vì chúng cho rằng đó là tàn dư của phong kiến. Chỉ cần ai đó biết một thứ tiếng nước ngoài, tủ sách trong nhà có những cuốn sách bằng tiếng nước ngoài, … đã đủ là kẻ thù của chúng.

hvb3

Một cảnh đốt tượng Phật trong Cách mạng Văn hóa. Ảnh : Internet

Từ những đám Hồng Vệ Binh thực hiện mưu đồ hiểm độc của Mao Trạch Đông, dần dần chúng đã trở thành những lũ kiêu binh, muốn làm gì thì làm. Không ít trường hợp chúng đã xông vào các doanh trại quân đội để đập phá, cướp bóc tài sản mà không hề gặp bất kỳ sự chống cự nào, vì ai cũng sợ chúng. Giang Thanh, vợ thứ tư của Mao Trạch Đông đã từng có ý đồ dùng biển người Hồng Vệ Binh này thay cho quân đội.

hvb4

Cách mạng Văn hóa khiến vô số người Trung Quốc phải chịu bức hại tàn khốc. Ảnh : internet

Cuối năm 1968, nhận thức được tình trạng nguy hiểm, cũng như những hoạt động của Hồng Vệ Binh đã vượt quá sự kiểm soát của mình, Mao Trạch Đông cùng bè lũ của ông ta đã phát động phong trào "Tiến về nông thôn", đưa các Hồng Vệ Binh về các vùng sâu, vùng xa, nói rằng để chúng lao động, học hỏi kinh nghiệm của những người công nhân, nông dân. Thực chất của trò này là điều chuyển các Hồng Vệ Binh từ thành phố về nông thôn, nơi chúng ít có khả năng gây loạn nhất, nhằm khống chế hoạt động và ảnh hưởng của chúng, giam lỏng chúng tại những vùng đó.

Lúc đầu, nhiều đứa hăng say bắt tay vào "công cuộc mới" vì tin rằng chúng đang thực hiện ý nguyện của Mao. Dần dần, từ chỗ chỉ đi lang thang đây đó để đấu tố, để phá phách, không phải lo đến chỗ ngả lưng, không phải lo đến vấn đề ăn mặc, nhưng giờ phải tự lo tất cả, phải ngủ ở nhà dân trong điều kiện chật chội, tối tăm (vì nhà ở nông thôn Trung Quốc thời đó thường là nhà đất, không có cửa sổ), phải lao động nặng nhọc, quần quật cả ngày, nên nhiều đứa đã bỏ trốn. Những kẻ này thường bị bắt ngay sau đó và bị xử tử vì tội phản bội, nhằm làm gương cho những kẻ khác. Những kẻ không đủ can đảm chạy trốn thì, hoặc tìm con đường tự sát, hoặc cúi đầu chịu số phận.

Hồng Vệ Binh tan rã từ đó và sau này người dân Trung Quốc gọi chúng là "Thế hệ bỏ đi".

Nhìn vào bối cảnh Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy Hội Cờ Đỏ có điều gì đó khá giống thời Hồng Vệ Binh của Trung Quốc. Bè lũ lãnh đạo cộng sản Việt Nam đang sử dụng những con quỉ đỏ mất tính người này để thực hiện những âm mưu đen tối. Chúng định dùng chiến thuật "biển người" của quan thầy chúng bên Bắc Kinh, cùng sự hung hăng, tàn bạo để áp đảo những ai chống đối chúng.

Ngoài lực lượng quỉ đỏ này còn có một lực lượng khác, hung bạo không kém. Đó là lực lượng "Thanh niên xung phong". Cả hai lực lượng này đã bị nhà cầm quyền biến thành những con robot không tim, hung hãn, dưới sự bảo trợ của chính quyền, sẵn sàng làm tất cả mọi việc khi chính quyền cần.

Rồi đến một ngày nào đó những lực lượng này, sau khi đã bị sử dụng đến mức tối đa, chúng sẽ bị nhà cầm quyền vứt bỏ như những vỏ chanh đã bị vắt kiệt nước. Lúc đó chúng sẽ phải sống trong cuộc đời ô nhục. Hối hận thì đã muộn rồi.

Đoàn Phú Hòa

Nguồn : Tiếng Dân, 31/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 837 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)