Hai linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế, quản hạt Đông Tháp và Giuse Nguyễn Ngọc Ngự, quản xứ Đông Kiều, vào ngày 30 tháng 10 bị một nhóm được giải thích là ‘quần chúng tự phát’ đe dọa. Vụ việc xảy ra ngay sau khi hai linh mục vừa ra khỏi có cuộc làm việc với cơ quan chức năng tại xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Hội Cờ đỏ bao vây hai linh mục đi ra từ văn phòng Ủy ban Nhân dân xã Diễn Mỹ hôm 30/10/2017 - Courtesy of FB Thanh Niên Công Giáo
Chân Như có cuộc nói chuyện với linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế về tình hình liên quan. Trước hết ông cho biết phản ứng của các linh mục thuộc Hạt Đông Tháp về tình trạng những nhóm cờ đỏ gây hấn :
Đa Minh Phạm Xuân Kế : Các cha trong Hạt nói cần họp lại để có biện pháp gì đó chứ không thể để họ lấn lướt như thế được. Tôi nói rằng giáo dân Đông Triều ít. Xã Diễn Mỹ có 7 ngàn dân mà giáo dân chỉ có 700 mà lại không phải ở theo nhóm mà ở cách nhau. Mấy gia đình ở cách giáo xứ chỉ có 1 cây số thì hơn hai tháng rồi bị họ phá tan nát tài sản. Thậm chí Tượng Chúa bị đập bể, tượng Đức Mẹ bị bắn thủng mặt. Rồi sau đó một gia đình bị phá phách, đập tượng Thánh Giuse, một gia đình bán quán cà phê bị đập phá.
Theo tôi nghĩ nếu cả hạt đến ‘làm thế này, thế khác’ thì chỉ được một lần đó thôi ; khi mình về họ sẽ trả thù. Ngay cả chuyện sau khi các cha trong hạt làm đơn tố cáo, họ lại kéo ‘xã hội đen’ đến phá phách các gia đình ở đó. Nên tôi bảo các cha cứ xem họ làm như thế nào đã, trước mắt chờ lặng lại chứ kéo xuống thì sợ hậu quả để lại khiến Xứ Đồng Kiều vất vả.
Bây giờ làm việc với chính quyền huyện, xã tôi không còn tin nữa.
Chân Như : Linh mục có thể cho biết ông đã về phục vụ tại giáo phận Vinh bao lâu rồi ? Và trong thực tế từng xảy ra những vụ việc tương tự bao giờ chưa ?
Đa Minh Phạm Xuân Kế : Tôi về đây được gần 6 năm rồi, từ đó đến nay cũng bình thường tôi. Vừa qua mới thành lập giáo xứ Đông Kiều và cha Ngự về quản xứ ở đó. Và từ việc xây một cái nhà trên đất nông nghiệp. Họ biết và tức tối lắm nhưng không làm gì. Sau này mới xảy ra chuyện cắm cờ và cái cổng chào giữa lương- giáo. Phía giáo xứ chưa kịp hạ xuống thì phía bên lương họ hạ xuống để căng băn-rôn ngày 2 tháng 9. Và chuyện cái cổng chào chỉ qua là ‘giọt nước tràn ly’ đối với chuyện cái nhà (xây trên đất nông nghiệp) thôi.
Chân Như : Theo linh mục có phải sau khi xảy ra những vụ biểu tình phản đối nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường thì tình trạng những người tự xưng ‘cờ đỏ’ xuất hiện mạnh mẽ hơn ?
Đa Minh Phạm Xuân Kế : Theo tôi nghĩ, vụ việc Formosa đã đành, nhưng họ thấy tình hình chính trị và muốn bảo vệ chế độ độc đảng nên họ lên mặt đàn áp một số nơi như vậy. Tuy nhiên chỉ có thể đàn áp một số nơi ít thôi, chứ những nơi đông thì họ không dám.
Thì cũng có chuyện Formosa nên họ ‘tức’ sang những chuyện khác. Theo tôi nghị họ muốn bảo vệ chế độ mà họ muốn làm bằng được. Ngay cả ngày hôm kia, cả một đội cờ đỏ cả từ ở Hà Nội vào về tập trung dưới Văn Thai, Diễn Hải làm những ‘trò’ rất mất lịch sự, ‘vô học’.
Chân Như : Linh mục nhận định về tác động của tình trạng các nhóm cờ đỏ đối với tình hình an ninh- trật tự tại những nơi mà số này xuất hiện ra sao ?
Đa Minh Phạm Xuân Kế : Nói thật sống trong chế độ này đến bây giờ tôi không thể tin được vì tôi về đây mấy năm sống rất đoàn kết lương giáo và với tinh thần đối thoại. Gần đây ngay tại xã Diễn Hồng này có miếng đất của Nhà Thờ mà giáo dân hiến cách đây hơn 60 năm rồi. Miếng đất rộng hơn 1 ngàn mét vuông thôi ; mà mới đây xã họ mới giải quyết chỉ vì nể thôi.
Cách đây mấy hôm tôi lên huyện và nói với chính quyền là các ông hãy làm thế nào để chúng tôi tin. Chứ hình như chính quyền đến với chúng tôi là xã giao để làm việc thôi chứ không chân tình. Hôm trước các vị nói với chúng tôi khác ; nhưng sau đó các vị làm khác.
Chân Như : Vậy theo linh mục cần tạo điều kiện gì để không xảy ra tình trạng chia rẽ ‘lương- giáo’ tại địa phương như hiện nay ?
Phạm Xuân Kế : Bây giờ để hai bên hòa hợp nhau hai bên phải chân tình, chính quyền phải tạo điều kiện cho những sinh hoạt, nhu cầu của bên giáo hội.
Đối với Công giáo họ tìm cách chèn ép, đàn áp. Bây giờ tôi không tin được nữa bởi vì qua bao lần gặp gỡ, bề ngoài họ rất thân thiện ; nhưng sau gặp gỡ thì không phải như vậy. Như sau khi xảy ra vụ Đông Kiều, họ nói phải điều 30-40 công an đến để giữ trật tự ; nhưng rồi tài sản của công dân vẫn bị phá phách. Mà công an giỏi lắm mà, một ‘con kiến’ vào trong huyện này công an vẫn biết, mà sao những người đến đập phá mà được để ‘tung hoành’ như thế buộc lòng chúng tôi phải suy nghĩ, đặt câu hỏi ‘có sự dàn dựng, chống lưng’ của chính quyền.
Chân Như : Chân thành cám ơn linh mục.
Chân Như thực hiện
Nguồn : RFA, 31/10/2017
Hội Cờ đỏ, con bài nguy hiểm (RFA, 30/10/2017)
Ngày 30 tháng 10, 2017 hai linh mục ở Giáo phận Vinh đến làm việc với Ủy ban nhân dân xã Diễn Mỹ, Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An thì bị những người tự xưng là Hội Cờ đỏ bao vây thóa mạ, đe dọa, hai ông phải trú trong Ủy ban để an toàn.
Học sinh tiểu học Nghệ An cũng được kéo vào tham gia Hội Cờ Đỏ.
Chuyện gì đang xảy ra ?
Có phải chính quyền đứng sau Hội Cờ đỏ
Đây không phải là lần đầu tiên Hội cờ đỏ này xuất hiện, vào tháng đầu tháng Chín, năm 2017, một số thành viên của hội này đã đến một giáo xứ ở Đồng Nai, mang theo vũ khí, đe dọa các linh mục ở đây, với lý do là một linh mục ở đây lên tiếng kêu gọi trưng cầu dân ý về những vấn đề xã hội trên trang Facebook của mình. Sau khi vụ việc được đem ra cơ quan công quyền, một thanh niên của nhóm này đã bị phạt 8 triệu 200 ngàn đồng, nhưng cơ quan công an từ chối trao văn bản kết quả điều tra cho những người bị đe dọa là các linh mục ở đây.
Theo Linh mục Đặng Hữu Nam, việc thành lập Hội Cờ đỏ là có tôn chỉ rất rõ ràng :
"Đầu tháng Năm, năm 2017, khi mà Hội cựu chiến binh cũng như các hội khác, kêu gọi thành lập Hội Cờ đỏ, thì họ có một mục đích tôn chỉ rất rõ ràng, đó là lập nên để trấn áp người giáo dân biểu tình khiếu kiện Formosa và diệt giặc đạo. Khi họ nói diệt giặc đạo thì họ chỉ đích danh những người họ muốn giết, đó là Giám mục Phao Lô Nguyễn Thái Hợp, Giáo phận Vinh, Linh mục Đặng Hữu Nam, Giáo xứ Phú Yên, và Linh mục Nguyễn Đình Thục",
Vào ngày 29 tháng 10, theo Facebook của một người có tên là Quỳnh Hoan, thì tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã có cuộc gặp mặt của hơn một 1000 thành viên của các Hội Cờ đỏ ở Hà Nội, Nghệ An. Chúng tôi có liên lạc với bộ phận phụ trách thông tin của Huyện Quỳnh Lưu để hỏi về việc này nhưng không liên lạc được.
Chúng tôi cũng liên lạc với một thành viên của Hội Cờ đỏ Hà Nội là anh Nguyễn Quang Bách, thì anh này trả lời là không có chuyện đe dọa các linh mục, cũng như Hội Cờ đỏ có giấy phép thành lập của chính quyền. Qua liên lạc với cô Quỳnh Hoan, người được cho là đứng đầu Hội Cờ đỏ ở xã Sơn Hải, chúng tôi hỏi rằng những việc làm như đe dọa tính mạng và phá hoại tài sản người khác sẽ bị xem là tội phạm hay không ? Cô Quỳnh Hoan không trả lời.
Theo Linh mục Đặng Hữu Nam thì sự thành lập của Hội Cờ đỏ là có sự tiếp tay của chính quyền, ông đưa ra bằng chứng là trong những vụ lộn xộn có thành viên của Hội Cờ đỏ tham gia, không thấy các nhân viên cảnh sát có hành động gì cả.
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Cơ quan dân vận của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đồng tình quan điểm này :
"Có thể có sự chỉ đạo của một số nhóm cầm quyền nào đấy. Bên công an, bên tuyên giáo, hoặc các tổ chức đảng ra lệnh gì đấy, bật đèn xanh cho họ làm, làm rầm rộ lắm. Tôi thấy rất đáng lo vì có thể là chính quyền đang bật đèn xanh cho một trạng thái vô chính trị, vô chính phủ, bất chấp đạo lý và luật pháp".
Chúng tôi có liên lạc với một số người làm công tác tuyên giáo của Đảng cộng sản nhưng không được.
Sự nguy hiểm của xung đột Lương Giáo
Theo ông Nguyễn Khắc Mai, việc người dân ở những giáo xứ thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bị thảm họa môi trường Vũng Áng Formosa làm hại, biểu tình đòi quyền lợi là việc làm chính đáng của họ, nhưng nếu chính quyền không thích và dùng những nhóm Cờ đỏ để đàn áp người dân, thì đó là một sai lầm :
"Đây là sự yếu kém của cái gọi là công tác đối thoại với dân, mà đảng cộng sản gọi là dân vận, nhưng có lẽ là hệ thống dân vận không đối thoại được với dân. Pháp luật cũng không làm gì đến nơi đến chốn về các vấn đề mâu thuẫn các mặt trong xã hội. Đây là thể hiện sự yếu kém của chính quyền hiện nay.
Chỉ đẩy tới chuyện dân nghi ngờ chính quyền, đẩy tới mâu thuẫn của các nhóm dân cư khác nhau".
Trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều lần những nhóm người được tổ chức như Hội Cờ đỏ để tấn công những người đối lập, hay các tổ chức tôn giáo đã từng xảy ra, và thường được gọi là những nhóm quần chúng tự phát. Những việc này đã xảy ra trong thời kỳ cải cách ruộng đất, với những nhóm bần nông được tổ chức để đấu tố những người thuộc tầng lớp địa chủ, trung nông, hay trí thức. Những cuộc đấu tố này đã làm bùng nổ một cuộc nổi dậy cũng tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, chống lại chính quyền cộng sản vào năm 1956.
Linh mục Đặng Hữu Nam bình luận :
"Nhìn lại lịch sử thì chúng ta thấy có những xung đột lương giáo, và xung đột lương giáo này là do chính quyền gây nên. Tất cả những vụ xung đột lương giáo dù ở Việt Nam hay khắp nơi trên thế giới, đều để lại hậu quả vô cùng tàn khốc mà lịch sử rất khó làm cho vết thương lành miệng. Đó cũng là một điều rất tệ hại cho nhân loại".
Trên vùng đất miền Trung từ Quảng Bình ra đến Nghệ An, đã từng xảy ra những vụ xung đột Lương Giáo đẫm máu, tiếp theo chính sách cấm đạo và bức đạo Công giáo của các vua Minh Mạng, Tự Đức của triều đình nhà Nguyễn. Chính việc bức đạo này đã làm cho một số làng Công giáo ở vùng này theo thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam.
Ông Hoành Linh Đỗ Mậu, một cựu tướng lãnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nay đã mất, viết trong hồi ký của ông rằng tại vùng quê Quảng Bình, vào những năm 1950 vẫn còn vô số những nấm mồ của nhiều người chết trong những xung đột Lương Giáo đó.
Ông Nguyễn Khắc Mai rất lo ngại :
"Nếu bọn này không được ngăn chận, làm quá đà, ví dụ như gây ra đập phá, xúc phạm sự linh thiêng của tôn giáo thì chắc chắn giáo dân họ không thể yên lặng. Và như thế là rất nguy hiểm".
Trên trang Facebook của cô Quỳnh Hoan, của Hội Cờ đỏ tại Nghệ An, người ta thấy những status mắng chửi các giám mục, linh mục tại Nghệ An và Hà Tĩnh.
Linh mục Đặng Hữu Nam nói với chúng tôi :
"Mặc dù chúng tôi sống trên tinh thần ôn hòa, yêu thương tha thứ của người có đạo, nhưng chúng tôi cũng sẳn sàng sử dụng các luật pháp được phép để chúng tôi bảo vệ quyền lợi và mạng sống của mình".
Ông nói rằng ông và các linh mục hiện nay đang kêu gọi giáo dân giữ bình tĩnh, tránh sự khiêu khích.
Sự kiện xuất hiện Hội Cờ đỏ làm cho Tiến sĩ Lê Tuấn Huy tại Sài Gòn nhớ lại thời điểm cách đây hơn hai năm, vào tháng Ba, năm 2015, khi nổ ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông tại Hà Nội, một nhóm thanh niên ăn mặc đồ đỏ, cầm cờ đỏ có sao vàng hay búa liềm đến, và suýt đã xảy ra xung đột với những người biểu tình. Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Huy lúc đó viết rằng, những cái loạn của hiện tại đã định hình, cái loạn của tương lai cũng được dự báo : Trên đất nước này, một ngày kia, sẽ có cả những lực lượng cực hữu và cực tả đấu tranh hết sức gay gắt, thậm chí bằng chủ trương vũ lực.
Kính Hòa
*****************
Linh mục cảnh báo Hội Cờ đỏ : ‘Giun xéo mãi cũng quằn’ (VOA, 30/10/2017)
Giáo dân, linh mục tại một số giáo xứ ở tỉnh Nghệ An cáo buộc một nhóm được chính quyền hậu thuẫn "khủng bố tinh thần" họ trong những ngày qua.
Hình ảnh được cho là hội Cờ đỏ "gặp gỡ 3 miền" ở sát giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An, 29/10/2017
Linh mục Đặng Hữu Nam nói ông và các giáo dân hết sức kiềm chế, nhưng có toàn quyền tự vệ bằng những hình thức mạnh mẽ nhất theo pháp luật và Kinh Thánh.
Tin tức từ các nhân chứng tại hiện trường cho VOA hay chiều ngày 29/10, khoảng 700 thành viên của Hội Cờ đỏđã tổ chức "gặp gỡ 3 miền" ngay sát giáo họ Văn Thai, giáo xứ Song Ngọc. Tại cuộc gặp, đám đông đã "la hét, chửi bới, xúc phạm" các linh mục và giáo dân.
Tiếp đó, vẫn theo các nhân chứng không muốn nêu danh tính, sáng ngày 30/10, linh mục Phạm Xuân Kế, quản hạt Đông Tháp, và Linh mục Nguyễn Ngọc Ngữ, quản xứ Đông Kiều, được chính quyền cấp xã "mời đến làm việc". Nhưng sau khi buổi họp kết thúc, hai linh mục đã bị khoảng 300 người của Hội Cờ đỏ "bao vây, đe dọa".
Trong lúc hai linh mục họp, những người của hội đã đi quanh một làng thuộc giáo xứ Đông Kiều hò hét, gây huyên náo.
Theo linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo phận Vinh, Nghệ An, Hội Cờ đỏra đời hồi tháng 5 năm nay sau khi giáo dân tổ chức nhiều cuộc biểu tình và khiếu kiện hãng Formosa của Đài Loan gây thảm họa ô nhiễm biển hồi cuối mùa xuân năm 2016.
Vị linh mục nói Hội Cờ đỏ bao gồm các thành viên của các hội được chính quyền công nhận lâu nay như hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, v.v…
Ông chỉ ra bản chất của hội này :
"Tôn chỉ mục đích là đàn áp các giáo dân biểu tình, khiếu kiện Formosa, và ‘diệt giặc đạo’. Trong đó, họ có đề tên một số vị chức sắc, chỉ đích danh, đó là giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh ; linh mục Đặng Hữu Nam, linh mục Nguyễn Đình Thục và mới đây họ thêm linh mục Nguyễn Ngọc Ngữ".
Các nhân chứng tại giáo xứ Đông Kiều và linh mục Nam cho VOA biết rằng Hội Cờ đỏngày 30/10 đã ném gạch đá vào nhà cũng như vào một số người dân ở trong giáo xứ, và những hành vi này đã được giáo dân chụp ảnh và ghi hình.
Ngoài ra, phía giáo xứ còn có những bằng chứng về việc người của hội xâm nhập tư gia bất hợp pháp, phá hoại tài sản hay đánh đập giáo dân, theo vị linh mục.
Dù cũng biết về những sự việc như vậy, nhà chức trách địa phương không có bất cứ động thái gì, linh mục Nam cáo buộc. Ông cho biết thêm :
"Những lúc Hội Cờ đỏ này đi phá làng phá xóm như thế đều có sự hiện diện của lực lượng chức năng, có cả cả công an mặc sắc phục đi theo. Ở Song Ngọc cũng như ở Đông Kiều cũng như vậy. Ngày hôm qua 29 và ngày hôm nay ở Đông Kiều, chúng ta thấy vẫn có bóng dáng của lực lượng chức năng. Nhưng có lẽ những người mang sắc phục của lực lượng chức năng đó đi để bảo vệ, hay là đi để minh chứng rằng họ đang bảo kê cho hội đó, chứ không phải đi để dẹp trật tự. Còn những lời phản đối hay tuyên bố của chúng tôi, nhà cầm quyền cứ để vào im lặng và không trả lời".
VOA cố gắng liên lạc chính quyền địa phương để làm rõ các cáo buộc, nhưng không nhận được hồi đáp.
Một bản tin của BBC Việt ngữ dẫn lời chủ tịch UBND xã Sơn Hải, nơi xảy ra vụ việc, cho biết hôm 30/10 rằng Hội Cờ đỏ là một "tổ chức tự phát". Vị chủ tịch không xác nhận việc hội này có được cấp phép để làm lễ gặp gỡ 3 miền trên địa bàn xã hay không.
Các giáo dân hiện đang "hoang mang tột độ", theo mô tả của linh mục Đặng Hữu Nam, trước tình trạng Hội Cờ đỏđe dọa và khủng bố họ bằng nhiều hình thức.
Trong hoàn cảnh như vậy, một mặt các linh mục và giáo dân kêu gọi, nhắc nhở lẫn nhau "kiềm chế, ôn hòa, yêu thương và tha thứ", song mặt khác, linh mục Nam nói những người thuộc các giáo xứ hoàn toàn có quyền tự vệ đến mức cao nhất theo luật pháp và Kinh Thánh :
"Chúng tôi cũng nói ‘con giun giày lắm thì nó cũng quằn’. Luật hình sự của Việt Nam tôn trọng quyền tự vệ chính đáng. Luật của quốc tế cũng như công ước quốc tế cũng bảo vệ điều đó cho con người. Luật đạo cũng có những điều khoản, nếu hỏi rằng là có khi nào giết người mà không vi phạm luật không, thưa rằng có 3 hình thức mà người có đạo giết người không mắc tội. Thứ nhất, khi cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước. Thứ hai, khi thi hành phán quyết công minh của một tòa án mà phán xử một người có tội. Thứ ba là khi phải chống lại kẻ toan giết ta mà ta không có cách nào khác".
Những diễn biến mới nhất trong hai ngày gần đây làm nổi lên chất vấn từ nhiều người, thể hiện trên mạng xã hội, về tính công bằng của chính quyền Việt Nam đối với việc lập hội.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng trong khi Hội Cờ đỏra đời và hoạt động mạnh, việc lập hội của các thành phần khác trong xã hội, nhất là của một số tôn giáo gặp nhiều khó khăn.
Linh mục Đặng Hữu Nam thậm chí bày tỏ với VOA rằng những người có đạo bị xem là "công dân hạng hai" khi sống trong đất nước Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo của một đảng cộng sản duy nhất.
Báo cáo tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 8 năm nay có đoạn nói chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo không được công nhận, và các lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là các nhóm không đăng ký và những người từ các dân tộc thiểu số, vẫn bị chính quyền sách nhiễu bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả tấn công hành hung, tạm giam ngắn hạn, truy tố và hạn chế đi lại.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đáp trả rằng báo cáo của Mỹ "trích dẫn thông tin sai lệch" cũng như có những "bình luận không khách quan".
*************************
Nghệ An : ‘Hội Cờ Đỏ’ tự phát nhưng được phép ? (BBC, 30/10/2017)
Một cuộc tụ tập rầm rộ với hàng trăm người mang theo hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng đã diễn ra vào chiều tối Chủ Nhật 29/10 tại xã Sơn Hải, Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Hội Cờ Đỏ tụ tập ngày 29/10 tại xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An
Những người tham dự mặc áo đỏ, trán thắt băng đỏ tuần hành trên đường, rồi kéo tới khu vực đã dựng rạp quy mô lớn, có chăng băng-rôn, biểu ngữ, bên trong có kê sẵn bàn ghế, có đồ ăn thức uống.
Họ mang theo loa phóng thanh và phát các bản nhạc 'đỏ' khá ồn ào.
Giữa tiếng ồn ào huyên náo, một người đàn ông cầm loa phát biểu và gọi một số giáo sĩ địa phương là "quạ đen".
"Từ tháng 4/2016, bọn cha cố quạ đen Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục đã lừa bịp giáo dân, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước", người này nói trong sự cổ vũ nồng nhiệt của đám đông. "Chúng xuyên tạc nỗ lực khắc phục hậu quả môi trường của Đảng và Nhà nước".
Giáo xứ Song Ngọc và Giáo xứ Phú yên tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An từng có các hoạt động phản đối công ty Formosa gây ra thảm họa môi trường biển tại miền Trung.
Linh mục Đặng Hữu Nam là một trong các tu sĩ hướng dẫn người dân biểu tình phản đối Formosa gây thảm họa môi trường
Ngư dân của hai xứ này, với sự dẫn dắt của các linh mục địa phương, đã làm đơn khởi kiện Formosa và nhiều lần xuống đường biểu tình chống Formosa.
Sự kiện mà những người này gọi là "ra mắt Liên minh Hội Cờ đỏ Bảo vệ An ninh Tổ quốc" chiều tối hôm Chủ Nhật diễn ra tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Được biết họ kéo đến từ Hà Nội và một số vùng lân cận.
Linh mục Đặng Hữu Nam từ Quỳnh Lưu hôm 30/10 nói với BBC rằng dù không xảy ra bạo lực, nhưng đám đông tụ tập cách nhà thờ Văn Thai chỉ 3m và "có nhiều hành động khiêu khích" khiến người dân trong giáo xứ "rất hoang mang".
Tổ chức tự phát ?
Chủ tịch UBND xã Sơn Hải hôm 30/10 cho BBC biết đây là một "tổ chức tự phát" và không xác nhận việc nhóm người tự xưng là Hội Cờ đỏ có được cấp phép để "ra mắt" trên địa bàn xã hay không.
Tuy nhiên, "họ có xin phép", ông Trần Văn Hùng nói.
Hội Cờ Đỏ diễu hành trên địa bàn xã Sơn Hải ngày 29/10
Các linh mục bị những người này lớn tiếng chỉ trích thì cho rằng đây là một tổ chức được chính quyền thừa nhận và hậu thuẫn.
Trước đó, UBND xã Sơn Hải hôm 25/10 đã thông báo cho đại diện ban điều hành giáo họ Văn Thai về việc sẽ có hoạt động của Hội Cờ Đỏ ở địa phương.
"Nếu hội này không phải do chính quyền thành lập thì tại sao chính quyền lại phải đi thông báo với chúng tôi ?" linh mục Đặng Hữu Nam nói.
"Hơn nữa mấy cuộc tập kết trước đây [của họ] đều tiến hành trong trụ sở của chính quyền".
"Không có tổ chức nào không được sự đồng ý của chính quyền lại vào trong trụ sở của chính quyền để làm việc", linh mục Đặng Hữu Nam nói thêm.
Tiền lệ tốt cho các tổ chức xã hội dân sự khác ?
Luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội cùng ngày bình luận với BBC rằng nếu quả thực nhóm tự xưng là Hội Cờ Đỏ này được chính quyền địa phương cấp phép thì đây là một tiền lệ tốt cho các tổ chức xã hội dân sự khác.
"Tổ chức này nói tôi không chống chính quyền nên được cấp phép, thậm chí không cần xin phép thì sau này các tổ chức khác cũng nói tôi không chống chính quyền, thậm chí còn giúp cho chính quyền làm tốt hơn, thì tổ chức của tôi cũng có thể ra đời", Luật sư Hải nói. "Chẳng hạn như trước đây [đã từng] có tổ chức chống tham nhũng của mấy cụ, trong đó có cụ Hoàng Minh Chính, sau đó bị giải tán".
Luật sư Hải cho rằng nếu tổ chức này được chấp nhận thì giới chức cũng phải công nhận các tổ chức có khuynh hướng khác hoặc tương tự để đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
"Không phải tổ chức này thì tạo điều kiện trong khi tổ chức kia thì tìm cách cấm cản, thậm chí bắt bớ", Luật sư Hải nói.
Tuy nhiên, đánh giá về những gì diễn ra, Tiến sĩ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng không thể so sánh hoạt động của Hội Cờ Đỏ và hoạt động của các nhà dân chủ trước đây từng bị giải tán hoặc bắt bớ trong các "vụ tụ tập đông người".
"Nếu Hội Cờ Đỏ xin phép và được phép của chính quyền thì điều đó chứng tỏ chính quyền muốn hợp thức hóa hoạt động của hội này", ông nói.
Ông Quang A cho rằng đây là lời cảnh báo nguy hiểm cho xã hội vì chứng tỏ giới chức đang nuôi dưỡng những tổ chức bạo lực.
"Ban đầu là bạo lực "ngôn từ", nhưng nếu được dung túng, nó có thể dẫn đến bạo lực bằng vũ khí".
Ngày Chủ Nhật 29/10 là ngày diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý ở Nghệ An.
Lễ ra mắt của Hội Cờ Đỏ còn có một số thành viên từ Hà Nội và nhiều nơi khác kéo về.
Cùng ngày, Nghệ An cũng đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thăm và làm việc tại Quân khu 4.
**************************
Hai linh mục thuộc giáo phận Vinh gồm linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế, quản hạt Đông Tháp và Giuse Nguyễn Ngọc Ngự- quản xứ Đông Kiều vào ngày 30 tháng 10 đã bị khoảng 300 người bao vây, đe dọa sau khi có cuộc làm việc với cơ quan chứa năng tại trụ sở Ủy ban Nhân dân Xã Diễn Mỹ. Nhóm người đe dọa hai vị linh mục được cho biết tự xưng là ‘Hội Cờ Đỏ’.
Hai linh mục Phạm Xuân Kế và Giuse Nguyễn Ngọc Ngự đã bị khoảng 300 người bao vây, đe dọa sau khi có cuộc làm việc với cơ quan chứa năng tại trụ sở Ủy ban Nhân dân Xã Diễn Mỹ - Ảnh minh họa
Linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế, quản hạt Đông Tháp, vào lúc 6 giờ chiều ngày 30 tháng 10 nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Chúng tôi đến làm việc nhằm giải quyết ổn thỏa mọi việc nhưng các ông lại cho dân đến, bố trí- dàn dựng. Các ông lại nói là dân tự phát. Không thể có chuyện một cuộc làm việc giữa các người lớn với nhau mà lại để dân tự phát được.
Đén 4 giờ Công an tỉnh mới cho Cha Ngự vào trong xe. Sau đó tôi và cha Ngự cùng cha Thanh đi xe về nhưng giáo dân Đông Tháp dặn đừng đi vì có tin người ta chuẩn bị dao, kiếm và thậm chí thả dây điệ trần xuống đường. Thế nhưng sau đó chúng tôi đi và đến nay cha Ngự cũng về dưới đó bình an rồi".
Theo những tin tức ghi nhận được từ các trang mạng xã hội thì trong khoảng thời gian một tháng trở lại đây có xuất hiện những nhóm người mệnh danh là Hội Cờ Đỏ, tổ chức những buổi tập hợp có mang nhiều cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm, mặc quần áo màu đỏ. Những nhóm người này dùng mạng xã hội để công kích các giáo xứ và giáo dân Công giáo.
Trên tài khoản Facebook của một người tên là Trần Nhật Quang, người ta thấy nhiều hình ảnh, video của các buổi tụ tập của Hội Cờ Đỏ. Ông Quang được nói là đã dùng những từ ngữ như là phản động, quạ đen để gọi các linh mục.
Hiện truyền thông nhà nước Việt Nam, cũng như giới chức địa phương các nơi có xảy ra hiện tượng này, chưa có lên tiếng chính thức gì về việc vừa nêu.
Trong khi tại địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra những cuộc tụ tập của nhóm mệnh danh ‘Hội Cờ đỏ’ như vừa nêu, ông Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 4, trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Nghệ An kéo dài 3 ngày từ ngày 28 đến ngày 30/10.
Truyền thông trong nước cho biết, tại buổi gặp mặt ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng kể từ sau Đại hội XII của Đảng, đất nước tiếp tục phát triển bền vững và chưa bao giờ có được cơ đồ như hiện nay. Ông cho biết năm nay kinh tế Việt Nam dự đoán sẽ đáp ứng được 13/13 chỉ tiêu đề ra, kể cả những chỉ tiêu khó mà trước đây chưa từng đạt được. Tuy nhiên, ông Tổng Bí thư cũng căn dặn rằng không vì thành tích như vậy mà chủ quan.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng nhiệm vụ hàng đầu của quân khu 4 là xây dựng lực lượng tuyệt đối tin tưởng vào trung ương, tuyệt đối trung thành với Đảng và tránh tự diễn biến tự chuyển hóa. Ông nhấn mạnh là không chỉ riêng quân khu 4 mà toàn bộ ngành quân đội phải một lòng theo Đảng.
Ông Trọng cũng có lời khen cho Quân khu 4 vì đã đấu tranh làm thất bại âm mưu lật đổ và phi chính trị hóa quân đội của các thế lực thù địch. Ngoài ra còn tăng cường mối quan hệ hữu nghị với các dân tộc Lào.
Buổi làm việc có sự góp mặt của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng trung ương Đảng, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính trung ương, thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các lãnh đạo tỉnh Nghệ An,…
RFA tiếng Việt
Ngày 26 tháng 10 năm 2017, Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc có thư yêu cầu gởi đến các cấp lãnh đạo của Nghệ An phản đối và yêu cầu trả lời về việc " Hội Cờ Đỏ" tụ họp tại xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Hội cờ đỏ đấu tố linh mục Đặng Hữu Nam ở Nghệ An trước đây. Ảnh : báo Nghệ An
Trong thư yêu cầu viết "chiều 25/10/2017, chính quyền xã Sơn Hải mời Ban điều hành giáo họ Văn Thai lên trụ sở Ủy ban nhân dân xã, chính thức thông báo về việc hội cờ đỏ 3 miền sẽ kéo về xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An vào cuối tháng 10 vào lúc 15h – 18h30 Chúa Nhật, ngày 29/10/2017 tại xóm 8 xã Sơn Hải (sát cạnh họ Văn Thai, cách nhà thờ Văn Thai chừng 30m). Co khoảng 700 người từ xã Sơn Hải (chủ nhà), Hà Nội, xã An Hòa (Quỳnh Lưu), xã Diễn Mỹ (Diễn Châu) và một số nơi khác.
Mục đích "Hội Cờ Đỏ"
Giáo xứ Song Ngọc và Giáo xứ Phú yên tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An được sự hướng dẫn tinh thần của hai linh mục An Tôn Đặng Hữu Nam và Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục đã mạnh mẽ phản đối công ty Formosa gây ra thảm họa môi trường biển tại miền Trung. Ngư dân của hai xứ này đã làm đơn khởi kiện Formosa và nhiều lần xuống đường biểu tình chống Formosa.
Cũng từ đó bắt đầu xuất hiện cái gọi là "Hội Cờ Đỏ" để chống phá, ngăn cản người dân khiếu kiện và phản đối Formosa, để chia ra lương dân và giáo dân, để đấu tố các linh mục đang dẫn dắt ngư dân khiếu kiện Formosa.
Mục đích khiêu khích và tiến hành đàn áp giáo dân thông qua việc tổ chức tụ họp hội cờ đỏ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ giữa lương dân và giáo dân.
Gây ra tội ác
Những hành động tội ác của hội cờ đỏ được chép lại như sau. Hội cờ đỏ họp ở Sơn Hải vào cuối tháng 4/2017, ngay sau đó diễn ra vụ đàn áp họ Văn Thai, họp ở Diễn Mỹ vào tháng 9/2017, sau đó là vụ đàn áp giáo xứ Đông Kiều.
Chúng chọn thời điểm đêm tối mới ra tay đàn áp giáo dân, chúng ném đá vào nhà, lên cả mái tôn, và ném vào người kết hợp với tiếng la hò inh ỏi. Chúng tạo ra một bầu khí bạo lực và hoảng loạn, chúng cầm gậy gộc và đánh đập giáo dân. Sau trận phá hoại đó, chúng đã để lại nhiều hậu quả là nhiều gia đình ở giáo họ Văn Thai bị phá hoại tài sản, thiệt hại rất nặng nề về tài sản như xe máy, quạt điện, tủ, bàn, ghế, loa máy, đồ cổ, máy giặt.
Tất cả các hành động của chúng dưới con mắt của công an có mặt ở hiện trường mà không dẹp loạn.
Một nguồn tin riêng cho chúng tôi được biết, trong con số của hội cờ đỏ thì có không ít là những an ninh trá hình. Và những hành động của hội cờ đỏ không chỉ gây ra cho Giáo dân mà cho cả lương dân, chúng tuyên truyền, thậm chí là ép buộc những người lương dân không được làm ăn kinh tế, không mối quan hệ với Giáo dân.
Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều người lương dân hiểu ra được sự thật nên nối kết lại các mối quan hệ và tiếp tục làm ăn với Giáo dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, tất cả các hoạt động của hội cờ đỏ tại Nghệ An được chính quyền giật giây, cho phép, ngay từ địa điểm, thời gian hội họp đến các hành động đàn áp có chủ đích. Tỉnh Nghệ An đã nhận được một số phản ảnh từ nhiều nơi khác nhau nhưng chỉ làm ngơ và không trả lời.
Việc Linh mục Nguyễn Đình Thục có thư yêu cầu gởi các cấp chính quyền là bước đi đúng đắn và chính đáng về mặt pháp lý, yêu cầu phải đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân nói chung và giáo dân đã bị đàn áp bởi hội cờ đỏ.
Chúng ta thật khó hi vọng kẻ cố tình gây ra tội ác thì làm sao kêu gọi được chúng dừng tay lại.
Những hành động của "Hội Cờ Đỏ" từ Bắc chí Nam nhắm vào các Linh mục, giáo dân và những nhà hoạt động đấu tranh tại Việt Nam dần mở ra cho chúng ta thấy rằng hội này như là một cánh tay nối dài và là chiến lược hữu hiệu của an ninh cộng sản.
Vì vậy, không còn lạ gì khi hội cờ đỏ ngang nhiên phá phách, đàn áp, tấn công người dân khắp nơi mà không bị trả giá trước pháp luật.
Paulus Lê Sơn
Nguồn : Tiếng Dân, 27/10/2017
Giới ủng hộ dân chủ tại Việt Nam cho biết các dư luận viên thuộc Hội Cờ Đỏ ngày càng đông đảo và trở thành lực lượng được chính quyền sử dụng để trấn áp những tiếng nói của người dân vì xã hội công bằng và tốt đẹp hơn. Dư luận nói gì về những hoạt động của Hội Cờ Đỏ hiện nay ?
Vũ khí tang vật giáo dân Giáo xứ Thọ Hòa thu giữ ngày 04/09/2017. Courtesy : Facebook Tan Nguyen Duy
Những người thuộc "Nhóm Cờ Đỏ" vào sáng ngày 4 tháng 9 mang theo súng ngắn, roi điện, bình xịt hơi cay đến Giáo xứ Thọ Hòa, ở tỉnh Đồng Nai để đe dọa "có biện pháp trừng phạt" đối với Linh mục Nguyễn Duy Tân vì ông từng kêu gọi trưng cầu dân ý cũng như lên tiếng về các vấn đề trong xã hội trên trang Facebook cá nhân của mình.
Sau hơn 1 tháng xảy ra vụ việc tại Giáo xứ Thọ Hòa, vào ngày 6 tháng 10, Công an huyện Xuân Lộc công bố kết quả điều tra với sự chứng kiến của linh mục quản hạt và linh mục văn phòng Tòa Giám Mục. Theo đó, có 11 người tham gia vụ gây rối trật tự bị phạt hành chính 750 ngàn đồng và riêng thanh niên tên Trần Hiếu Nghĩa bị phạt 8, 2 triệu đồng do "mang theo súng đồ chơi nguy hiểm". Linh mục Nguyễn Duy Tân thuật lại với RFA rằng Công an huyện Xuân Lộc đã từ chối trao văn bản kết quả điều tra theo như yêu cầu của linh mục quản hạt :
"Theo nguyên văn của ông Lợi là Công an huyện Xuân Lộc, ông nói rằng ‘Đây là súng đồ chơi nguy hiểm’. Họ dùng từ ‘súng đồ chơi nguy hiểm’. Cho nên họ chỉ phạt có 8.200.000 đồng. Phía bên Ban Hành giáo thì không có ý kiến gì cả, chỉ đòi hỏi chính quyền làm sao phải có trách nhiệm răn đe những ‘đồng chí Cờ Đỏ’ để họ mai mốt không đến quấy rối Giáo xứ Thọ Hòa nữa thôi. Đôi với tôi thì tôi cũng chê trách các đồng chí công an (huyện Xuân Lộc) làm việc kém quá. Bởi vì, họ không ghi được mã số khẩu súng, cũng không ghi khẩu súng có bao nhiêu viên đạn và cũng không ghi nguồn gốc súng mua từ Campuchia hoặc Mỹ hay từ đâu về…Họ không cung cấp giáy tờ kết quả điều tra cho Đức Giám mục Giáo phận Xuân Lộc".
Cộng đồng cư dân mạng biết đến "Nhóm Cờ Đỏ" không chỉ qua vụ việc gây rối trật tự tại Giáo xứ Thọ Hòa, mà trước đó đã từng xảy ra những trường hợp các nhà hoạt động vì dân chủ tại Việt Nam bị côn đồ hành hung với tuyên xưng là người yêu nước, tôn trọng quốc kỳ cờ đỏ ngôi sao vàng, xử lý những kẻ phản động như vụ 3 phụ nữ bị tấn công dã man tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 5 năm nay.
Mới đây nhất, hai "Hội Cờ Đỏ" vừa được thành lập ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu và xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An hồi cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.
Trước khi tuyên bố chính thức thành lập "Hội Cờ Đỏ", những thành viên của các hội, nhóm này, kể từ tháng 6, liên tục sách nhiễu, đe dọa, phá hoại tài sản, đánh đập người dân ở khu vực địa phương nêu trên. Đặc biệt, những người này nhắm vào giáo dân Công giáo với mục đích được cho là chia rẽ lương giáo.
Hồi hạ tuần tháng 9, bảy linh mục quản xứ thuộc Giáo hạt Đông tháp đồng ký tên vào Đơn tố cáo liên quan tình trạng bất ổn xảy ra liên tục trong khu vực Giáo xứ Đông Kiều, tính từ thời điểm hai "Hội Cờ Đỏ" tuyên bố thành lập. Tuy nhiên, các vị linh mục quản xứ nói với RFA rằng chính quyền địa phương luôn thoái thoát trách nhiệm và không giải quyết rốt ráo các vụ việc mà họ đã trình báo.
Mặc dù hầu hết các vụ việc xảy ra mà cả người bị hại lẫn dư luận đều khẳng định liên quan đến hội, nhóm "Cờ Đỏ", thậm chí có sự thông đồng cũng như hỗ trợ từ phía chính quyền nhưng chính quyền địa phương giải thích là do người dân tự phát. Và sự tự phát ngày càng công khai, rầm rộ như thế khiến cho cộng đồng cư dân mạng gọi các thành viên của nhóm, hội "Cờ Đỏ" là các "Hồng Vệ Binh" kiểu mới, được chính quyền dựng lên để phá hoại đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ tôn giáo với mục đích tấn công những người đấu tranh ôn hòa vì môi trường, xã hội, tự do và dân chủ tại Việt Nam.
Nhà báo tự do Sương Quỳnh, một nạn nhân từng bị côn đồ hành hung có sự trợ giúp của công an lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng chính sách dùng côn đồ để cai trị người dân trong nhiều thập niên. Và chính sách này được sao chép y khuôn từ những cách thức của Bắc Kinh đối xử với dân chúng ở Đại Lục ; đồng thời những người trong lực lượng đàn áp được gửi sang Trung Quốc học hỏi và huấn luyện một cách bài bản. Nhà báo tự do Sương Quỳnh còn nhấn mạnh trong thời đại internet cùng sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, nhà cầm quyền Việt Nam càng tận dụng thành phần dư luận viên "Hồng Vệ Binh" là các hội, nhóm "Cờ Đỏ" :
"Bây giờ họ không thể nào bịt mắt quốc tế. Họ không thể bưng bít được nữa. Họ không thể ngang nhiên như thời xưa được nữa thì đương nhiên họ càng ở trong bóng tối, càng giấu mặt bao nhiêu càng tốt. Chính sách tốt đẹp nhất để họ phủi tay, đó là dùng chính người dân đánh người dân và dùng giang hồ để hành hung người dân rồi họ trút bỏ hết trách nhiệm".
Qua một số cư dân mạng mà Đài RFA chúng tôi tiếp xúc, nhiều người cho rằng chính sách dựng lên các hội, nhóm dư luận viên "Hồng Vệ Binh" kiểu mới của chính quyền Hà Nội chẳng khác nào như con dao hai lưỡi vì sự bất ổn xã hội do các hội, nhóm này gây nên càng nhiều thì uy tín của chính quyền sẽ càng giảm đi trên trường quốc tế.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 12/10/2017