Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

QUAD ("Bộ Tứ" gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) ra đời từ năm 2007 và hồi sinh vào cuối năm 2017 (thời Donald Trump). Còn AUKUS ("Bộ Tam" gồm Úc, Anh, Mỹ) vừa mới đầy tháng. Ngày 15/9/2021, nguyên thủ ba nước đã họp trực tuyến và tuyên bố thành lập liên minh AUKUS. Sự kiện này diễn ra chỉ mấy ngày sau khi Tổng thống Joe Biden điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình (10/9) và không lâu sau chuyến thăm Singapore và Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin (28/7) và Phó tổng thống Kamala Harris (24/8).

aukus2

QUAD ("Bộ Tứ") gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc ra đời từ năm 2007 và hồi sinh vào cuối năm 2017

Ngay sau khi AUKUS vừa ra đời, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã họp trực tiếp tại Nhà Trắng (24/9/2021) để "nâng cấp Bộ Tứ", với những sáng kiến đầy tham vọng. Có thể nói AUKUS và QUAD là "cặp bài trùng" trong tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific. Trong bài phân tích này, tôi sẽ lý giải để làm rõ thêm các vấn đề vừa nói trên.

Phản ứng với AUKUS  

Quyết định thành lập AUKUS khá đột ngột như một đợt sóng bất ngờ ập đến làm cho dự luận phản ứng khác nhau. Tuy Pháp là một đồng minh phương Tây, nhưng phản ứng rất mạnh như con gà trống Gô-Loa bị tổn thương nặng, đã triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Úc. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tượng chính tuy có lý do để phản ứng mạnh hơn, nhưng đã phản ứng khá ôn hòa, có thể vì Trung Quốc cần thỏa hiệp với Mỹ về vụ thả Mạnh Vãn Chu (1).

Tuy trước mắt, Pháp phản ứng mạnh là dễ hiểu, không chỉ vì thiệt hại về kinh tế do mất một hợp đồng lớn mấy chục tỷ USD, mà còn vì thể diện chính trị trước tranh cử sắp tới. Nhưng về lâu dài, Pháp không thể quay lưng với các nước đồng minh phương Tây chủ chốt (như Mỹ, Anh, Úc), vì hợp tác ở Nam Thái Bình Dương. Tuy Pháp gọi AUKUS là "nhát dao đâm sau lưng", nhưng họ cũng cần tự trách mình đã chủ quan làm mất hợp đồng.

Trong khi đó, Trung Quốc đã không phản ứng mạnh vì những lý do nhất thời, nhưng về lâu dài, AUKUS là một cục xương khó nuốt, làm Bắc Kinh đau đầu. Có lẽ vì vậy mà Trung Quốc đã thông báo xin gia nhập CPTPP (ngày 16/9) như một nước cờ để làm Mỹ khó xử và "tiến thoái lưỡng nan". Như phản ứng dây chuyền, Đài Loan cũng đã quyết định xin gia nhập CPTPP (ngày 22/9), làm cho Bắc Kinh tức giận, phải lên tiếng phản đối.

AUKUS sẽ là một cơn ác mộng đối với Trung Quốc, vì đây có thể là tiền thân của một "NATO Châu Á" mà Bắc Kinh vốn lo ngại lâu nay. Trong khi Mỹ muốn mở rộng nhóm "Ngũ Nhãn" (Five Eyes), gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, Tân Tây Lan, để kết nạp thêm Nhật và Hàn Quốc, thì NATO tăng cường quan hệ với bốn đối tác trong khu vực Indo-Pacific là Nhật, Hàn Quốc, Úc và Tân Tây Lan. Trong khi AUKUS cụ thể hóa chuyển trục chiến lược của Mỹ tới Indo-Pacific, thì nó giúp Anh khẳng định tầm nhìn "Global Britain".

AUKUS nằm trong chiến lược đối phó với Trung Quốc tại Indo-Pacific, không chỉ gồm ba nước Úc, Anh, Mỹ, mà còn gồm nhiều nước khác. Vì vậy, Trung Quốc chính là đối tượng mà QUAD và AUKUS nhắm tới. QUAD và AUKUS không chỉ đơn thuần là một liên minh về an ninh mà còn gồm các lĩnh vực khác như công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và tin học lượng tử. Năm 2015, Bang Bắc Úc đã cho tập đoàn Landbridge của Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm, nhưng đã đến lúc Canberra cần chấm dứt hợp đồng này. 

Phản ứng của ASEAN đối với AUKUS cũng khác nhau. Trong khi một số nước ủng hộ (như Singapore, Philippines) và một số nước phản đối (như Malaysia, Indonesia) vì lo ngại chạy đua vũ trang trong khu vực sẽ tăng lên, thì Việt Nam bên ngoài tỏ ra rất thận trọng, nhưng bên trong ngầm ủng hộ. Đợt sóng ngầm do AUKUS gây ra làm dư luận ồn ào với các cung bậc cảm xúc khác nhau, đang lắng xuống như "phần nổi của tảng băng chìm".  

Theo báo chí Nhật, viêc AUKUS ra đời đã làm thay đổi cuộc chơi, và là một tín hiệu mạnh về răn đe đối với Trung Quốc. Với AUKUS, vị thế chiến lược của Úc sẽ tăng lên, tạo điều kiện cho Canberra đóng một vai trò tích cực hơn để duy trì cân bằng quyền lực có lợi tại Indo-Pacific (2).

Phản ứng của dư luận Úc tuy đa dạng, nhưng ngày càng tích cực hơn. AUKUS là một bước ngoặt lớn để định vị chiến lược lâu dài, nhưng điều đó không có nghĩa là Úc theo đuổi ngoại giao nước lớn mà coi nhẹ ngoại giao với các nước trong khu vực như ASEAN. Ngược lại, vai trò của Úc như một quốc gia bậc trung thực dụng, độc lập và tích cực ở khu vực Indo-Pacific sẽ tiếp tục và tăng cường trong thập kỷ tới (3).

AUKUS sẽ đi vào lịch sử, biến Úc thành quốc gia thứ 7 trên thế giới tham gia "câu lạc bộ tàu ngầm hạt nhân" (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ). Nó đe dọa làm thay đổi bàn cờ chiến lược tại khu vực Indo-Pacific, gia tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy Nhật Bản và Hàn Quốc theo đuổi trò chơi tốn kém này. Nói cách khác, AUKUS đã biến điều không thể thành có thể, "làm thay đổi cuộc chơi" (game changer).   

Lợi ích quốc gia Úc

Theo giáo sư Alexander Vuving (APCSS), trước mắt tuy AUKUS gây tranh cãi, nhưng về lâu dài nó đặt Úc "vào đúng vị trí lịch sử" (on the right side of history). Tranh chấp nước lớn Mỹ-Trung về cơ bản là cuộc đấu tranh giữa trật tự quốc tế dựa trên luật pháp (ruled-based) và trật tự quốc tế dựa trên thứ bậc (hierarchy-based). Là thành viên của QUAD & AUKUS, Úc có quyền lựa chọn chỗ đứng cho mình trong cuộc đấu tranh của thế kỷ này.

AUKUS trước mắt có thể làm tổn thương quan hệ của Úc với một số đối tác ở Châu Âu (làm Pháp bất bình) và ở Đông Nam Á (làm Indonesia và Malaysia lo ngại), nhưng về lâu dài, có nhiều lý do để tin rằng AUKUS là sự lựa chọn đúng của Úc, vì lợi ích quốc gia của mình, để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên pháp luật (4).

Pháp có lý do bức xúc vì mất một hợp đồng lớn trị giá mấy chục tỷ USD, nhưng lên án AUKUS là "nhát dao đâm sau lưng" không thỏa đáng. AUKUS chủ yếu liên quan đến Trung Quốc chứ không phải Pháp, tuy đáng tiếc là nó đụng đến sự nhạy cảm của Pháp. Úc đã phí mười năm theo đuổi hợp đồng tàu ngầm với Pháp, vì ngay từ đầu có lẽ Úc đã chọn nhầm phương án. Hợp đồng đã bị chậm, mắc nhiều lỗi, phải thiết kế lại nhiều lần tốn kém (5).

Trị giá hợp đồng tàu ngầm với Pháp là 40 tỷ AUD (năm 2012), sẽ bị đội vốn lên 100 tỷ AUD khi chiếc tàu đầu tiên sẽ được hoàn thành năm 2040 (chậm 10 năm). Vì vậy, AUKUS là quyết định đúng của Úc cho chiến lược "phòng thủ từ xa" (forward defense). Tàu ngầm của Úc phải vượt hơn 4.000 dặm để đến Biển Đông, ngoài tầm hoạt động của tàu ngầm chạy bằng diesel, vì sau đó tàu ngầm chạy bằng diesel phải mất hàng tuần để trở về Úc.

Vì vậy, Úc cần hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công suất lớn hơn, vì lợi ích quốc gia, phù hợp với lợi ích của đồng minh. Theo AUKUS, Mỹ và Anh sẽ giúp Úc có một hạm đội tàu ngầm (dự kiến 8 chiếc) chạy bằng năng lượng hạt nhân, để thay thế kế hoạch hợp tác với Pháp lập một đội tàu ngầm (gồm 12 chiếc) chạy bằng diesel và điện. Lâu nay, Úc không thấy cần phải chọn phe trong tranh chấp Mỹ-Trung, nhưng gần đây Úc bị Trung Quốc bắt nạt, buộc Canberra phải có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Từ năm 2020, Trung Quốc đã trả đũa Úc vì kêu gọi điều tra nguồn gốc virus Corona bằng cách cấm nhập hàng hóa Úc, trị giá 20 tỷ USD. Trung Quốc sử dụng các biện pháp kinh tế, thương mại, và ngoại giao để trừng phạt Úc, nhưng chỉ làm cho Úc cứng rắn hơn và "thoát Trung". Sau gần một năm tranh chấp, không chỉ Úc bị thiệt hại về kinh tế, mà Trung Quốc cũng bị "gậy ông đập lưng ông". Nay Trung Quốc đang liên minh với Nga, Iran, và Pakistan để hình thành "Bộ Tứ" của Trung Quốc, nhằm đối phó với "Bộ Tứ" của Mỹ.

Trong 18 tháng qua, hợp đồng tàu ngầm với Naval Group của Pháp đã gặp nhiều trở ngại, vì đội vốn và kéo dài tiến độ. Tháng 6/2021, Úc đã dự kiến "Kế hoạch B" nếu "Kế hoạch A" thất bại. Theo các nguồn tin thì Mỹ và Anh phải hành động gấp vì lý do "an ninh quốc gia". Đây là lần đầu tiên sau 70 năm, Mỹ chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Úc, tạo tiền lệ cho Nhật Bản và Hàn Quốc. AUKUS là một thông điệp mà Mỹ, Anh, Úc muốn gửi đến Trung Quốc rằng liên minh AUKUS đã hình thành, và cuộc chơi mới bắt đầu.

AUKUS rất quan trọng đối với Úc, không chỉ về địa chiến lược, mà còn vì đặc thù về văn hóa và lịch sử. Thứ nhất, ý thức hệ của ba nước này giống nhau. Thứ hai, Anh đã từng là "mẫu quốc" bảo hộ Úc cho đến khi Mỹ thay thế, nay sẵn sàng "trở lại tương lai" để cùng với Mỹ bảo đảm an ninh cho Úc. Thứ ba, cả ba nước này đều coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với khu vực và thế giới. Sự hợp tác giữa ba nước này về tàu ngầm hạt nhân, chuyển giao công nghệ cao và các nhu cầu an ninh quốc phòng khác, sẽ làm thay đổi cuộc chơi. 

Các đồng minh khả tín thường có chung văn hóa chính trị như một ưu thế so với các đối thủ. Sức mạnh của liên minh QUAD và AUKUS sẽ tạo ra thế cờ vây áp đảo đối phương (Trung Quốc, Nga, Iran, Pakistan). Nó có thể làm thay đổi sâu sắc chính sách ngoại giao và quốc phòng của Úc, không chỉ đối với Trung Quốc mà còn với khu vực và thế giới. Tham gia AUKUS, Úc chỉ có con đường tiến, mà không còn đường lùi (6).

aukus1

Với AUKUS, vị thế chiến lược của Úc sẽ tăng lên, tạo điều kiện cho Canberra đóng một vai trò tích cực hơn để duy trì cân bằng quyền lực có lợi tại Indo- Pacific 

Đằng sau QUAD và AUKUS

Tiếp theo cuộc họp cấp cao (trực tuyến) đầu tiên của QUAD (12/3/2021) ra thông cáo chung về hai chủ đề chính là đối phó với đại dịch và biến đổi khí hậu, là cuộc họp cấp cao (trực tiếp) của QUAD (24/9/2021). Cuộc họp này đề xuất các sáng kiến quan trọng về y tế (tài trợ sản xuất và phân phối vaccine qua "Nhóm Chuyên gia Vaccine" và "Nỗ lực An toàn Y tế") ; về hạ tầng (khởi động "Nhóm Phối hợp Hạ tầng" để xây dựng "Hạ tầng Chất lượng cao") ; về biến đổi khí hậu (lập "Mạng lưới Tàu biển xanh" và "Đối tác Năng lượng sạch").   

AUKUS mang dấu ấn của Kurt Campbell (kiến trúc sư "Pivot", và "Indo-Pacific Coordinator" tại NSC) ; Ely Ratner (nguyên cố vấn cho Biden, là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, trưởng nhóm đặc nhiệm về chiến lược mới) ; Rush Doshi (tác giả "The Long Game", là Giám đốc Trung Quốc tại NSC) ; Mira Rapp-Hooper, nguyên cố vấn về Trung Quốc tại Vụ Hoạch định Chính sách Bộ Ngoại giao, làm việc tại NSC (7).

Đây là một nhóm cựu quan chức và học giả về Châu Á tham gia "Team Biden", chủ trương đối phó với Trung Quốc như "thách thức lớn nhất" đối với Mỹ. Họ đều là học giả tại các trường đại học danh tiếng (Ivy League), cùng tham gia think tank (như CNAS), từng phục vụ trong các chính quyền trước (Clinton và Obama). Họ đều nhận thấy Trung Quốc không giống như người ta among đợi là "trỗi dậy hòa bình", thông qua tham dự có thể hòa nhập vào trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu, mà Trung Quốc ngày càng quyết đoán và độc tài.  

Nếu AUKUS chứng tỏ chủ trương "xoay trục" của Mỹ cuối cùng đang diễn ra, thì vẫn còn thiếu "yếu tố kinh tế" (an economic component) như Kurt Campbell đã từng nhấn mạnh. Tuy QUAD và AUKUS có thể đóng góp rất nhiều, nhưng không thay thế được sự can dự thực tế của Mỹ ở khu vực. Tuy Anthony Blinken đã hứa với lãnh đạo ASEAN (cuối tháng 9/2021) là Mỹ sẽ có chiến lược toàn diện cho Đông Nam Á, nhưng vẫn chưa thấy (8).

Có nhiều lý do để Mỹ tham gia CPTPP, và Trung Quốc là nguyên nhân chính. Nay Trung Quốc đã xin vào CPTPP, nên Mỹ tham gia CPTPP không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì vai trò của Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Joe Biden tuyên bố đối phó với Trung Quốc là một trong các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, nên Mỹ cần một chính sách thương mại mạnh với khu vực, nhưng vào CPTPP vẫn còn nhiều lực cản (9). 

Theo các chuyên gia chiến lược, hiện nay QUAD và AUKUS vẫn còn thiếu các "điều kiện thiết yếu" (critical ingredients) so với thời chiến tranh lạnh, nên chưa đủ mạnh để ngăn chặn các tham vọng của Trung Quốc. AUKUS mới chỉ là những tuyên bố về ý định trong khi nội hàm chính của AUKUS là Úc sẽ mua 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng đàm phán cụ thể về giá cả và tiến độ vẫn chưa rõ (10).

Thành viên của AUKUS còn bất cập, do thiếu các đối tác quan trọng khác như Canada, New Zealand (nhóm "Five Eyes") hay Viêt Nam và Indonesia (ASEAN). Anh tham gia AUKUS chủ yếu do ý chí chủ quan (wishful thinking) và tượng trưng (symbolism), chứ chưa phải là cố gắng nghiêm túc (serious effort). Khẩu hiệu "Nước Anh toàn cầu" (Global Britain) về cơ bản phản ánh ý định của Thủ tướng Boris Johnson muốn đánh lạc hướng dư luận (escapism) vì động cơ chính trị, chứ chưa chắc là chính sách an ninh khu vực của Anh.

AUKUS và QUAD dù có được "nhất thể hóa" (integrated) thì cả hai thực thể này còn thiếu khuôn khổ cần thiết để xây dựng cơ chế an ninh khu vực Indo-Pacific đủ mạnh nhằm ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy. Trong khi Pháp (một cường quốc Indo-Pacific) bị gạt ra ngoài, thì Ấn Độ (không liên kết) vẫn chưa sẵn sàng tham gia một liên minh quân sự với Mỹ. Nói cách khác, cấu trúc an ninh khu vực Indo-Pacific cần được làm sâu sắc hơn. Vì vậy, câu chuyện QUAD và AUKUS chỉ là bước đầu, và là "phần nổi của tảng băng chìm".

Lời cuối

Theo giáo sư Andrew Erickson (CMSI, Naval War College), trong 5 năm tới, Trung Quốc phải quyết định có tấn công Đài Loan hay không, vì quyền lực của Trung Quốc và Tập Cận Bình đã lên tới đỉnh cao, trong khi Đài Loan như "quả táo chín dễ hái", nếu bỏ qua sẽ mất cơ hội vàng. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và phương Tây đang đau đầu nghĩ cách đối phó với "thách thức lớn nhất của thế kỷ 21 về đối ngoại" (11).

Trong cuốn "Hindsight, Insight, Foresight : Thinking about Security in the Indo-Pacific" (APCSS, September 2020), giáo sư Alexander Vuving cho rằng tuy tình hình Biển Đông rất nguy hiểm, nhưng khó rơi vào "bẫy Thucydides" như giáo sư Graham Allison dự đoán, vì nó theo quy luật "chicken game" (chọi gà) chứ không phải "Prisoner’s dilemma" (nan đề tù nhân). Nhưng tình hình eo biển Đài Loan hiện nay lại là một câu chuyện khác, và là một yếu tố hệ trọng trong bàn cờ Indo-Pacific, mà AUKUS là một nước cờ thế.

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : Viet-studies, 19/10/2021

Chú thích :

(1) AUKUS : Why Beijing didn’t go ballistic, Jia Deng, Lowy Interpreter, October 14, 2021

(2) AUKUS shows beginnings of U.S. Indo-Pacific strategy, Susannah Patton, Ashley Townshend and Tom Corben, Nikkei Asia Review, October 1, 2021

(3) The future of Australia's middle-power diplomacy after AUKUS, Thomas Parks, Asia Link Insight, October 7, 2021

(4) AUKUS Is a Short-Term Mess but a Long-Term Win for Australia, Alexander Vuving, Foreign Policy, October 11, 2021

(5) AUKUS Is Good for Australia,  Simon Cowan, American Conservative, September 24, 2021

(6) How China Exports Authoritarianism, Charles Edel & David Shullman, Foreign Affairs, September 16, 2021

(7) China whisperers: The US advisers shaping the world’s great rivalry, Emily Tamkin, New Statesman, September 17, 2021

(8) Americas doughnut-shaped Indo-Pacific strategy, Henry Storey, Diplomat, October 18, 2021

(9) America Must Return to the Trans Pacific Partnership, Wendy Cutler, New York Times, September 10, 2021

(10) The Gaps in the New Regional Security Architecture for the Indo-Pacific, Hanns Maull, Diplomat, October 16, 2021

(11) A Dangerous Decade of Chinese Power Is Here, Andrew Erickson, Foreign Policy, October 18, 2021

Tham khảo :

1. America Must Return to the Trans Pacific Partnership, Wendy Cutler, New York Times, September 10, 2021

2. China whisperers : The US advisers shaping the world’s great rivalry, Emily Tamkin, New Statesman, September 17, 2021

3. Fact Sheet : Quad Leaders Summit, The White House, September 24, 2021 

4. AUKUS Is Good for Australia, Simon Cowan, American Conservative, September 24, 2021

5. SSN vs SSK,  Hugh White, Lowy Interpreter, September 29, 2021

6. AUKUS shows beginnings of U.S. Indo-Pacific strategy, Susannah Patton, Ashley Townshend and Tom Corben, Nikkei Asia Review, October 1, 2021

7.The future of Australia's middle-power diplomacy after AUKUS,  Thomas Parks, AsiaLink Insight, October 7, 2021

8. AUKUS Is a Short-Term Mess but a Long-Term Win for Australia, Alexander Vuving, Foreign Policy, October 11, 2021

9. AUKUS : Why Beijing didn’t go ballistic, Jia Deng, Lowy Interpreter, October 14, 2021

10. The Gaps in the New Regional Security Architecture for the Indo-Pacific, Hanns Maull, Diplomat, October 16, 2021

11. America’s doughnut-shaped Indo-Pacific strategy, Henry Storey, Diplomat, October 18, 2021

12. A Dangerous Decade of Chinese Power Is Here, Andrew Erickson, Foreign Policy, October 18, 2021

Published in Diễn đàn

Ấn Độ-Thái Bình Dương : Mặt trận chung chống bá quyền Trung Quốc

Thời sự liên quan đến Mỹ và Trung Quốc chiếm chỗ áp đảo trên báo Pháp hôm nay theo nghĩa tiêu cực. Con đường tái tranh cử của Donald Trump thêm chông gai. Chính sách đàn áp bên trong và phô trương vũ lực bên ngoài làm Trung Quốc của Tập Cận Bình tiêu hao uy tín.

indo0

Các lãnh đạo Úc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật trong Bộ Tứ Indo-Pacific.  Reuters - Ảnh minh họa 

Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ thách thức ở Thượng Karabakh. Ankara công khai ủng hộ Azerbaijan và chính thức giúp vũ khí cho Baku trong khi Moskva làm ngơ trước những lời xin trợ giúp của thủ tướng Armenia Nikol Pachinian, tựa lớn của Le Monde trên trang nhất. Tuy nhiên, hai nhân vật chiếm chỗ nhiều nhất trên báo Pháp hôm nay là Donald Trump và Tập Cận Bình.

Phải chăng Donald Trump đánh nước cờ liều ?

Bị Joe Biden bỏ xa trong các kết quả thăm dò, tổng thống Donald Trump dàn cảnh phục hồi sức khỏe : đánh bại Covid-19 trong thời gian kỷ lục 4 ngày. Donald Trump còn gây áp lực với các bác sĩ để ông có thể về Phòng Bầu Dục và thông báo long trọng.

Thái độ kiên cường này không mang lại kết quả như ý. Theo ABC, 23 cộng sự viên ở Nhà Trắng bị dương tính với virus corona, toàn bộ tướng lãnh tham mưu trưởng các binh chủng phải cách ly. Kết quả thăm dò ý kiến đầu tiên từ khi Donald Trump nhập viện không thuận lợi : 57% ủng hộ Joe Biden, 41% ủng hộ Donald Trump (CNN), Le Monde lược kê một số sự kiện.

"Tâm trạng căng thẳng đang lan ra trong phe của Donald Trump". Les Echos ghi nhận một loạt phản ứng được xem là không hợp tình hợp lý của chủ nhân Nhà Trắng mà phi lý nhất là quyết định đình chỉ thảo luận với phe Dân chủ một kế hoạch vực dậy kinh tế từ 1.200 đến 1.500 tỷ đôla. Chỉ còn không đầy một tháng là đến ngày bầu cử, tại sao Donald Trump tặng cho đối thủ món quà vô giá này ? Cử tri Cộng hòa không thể hiểu được vì sao tổng thống quan tâm chuyện bổ nhiệm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện hơn là công ăn việc làm ? Cử tri trên 65 tuổi bắt đầu bỏ ông Trump. Thị trường tài chính cũng không hài lòng.

Trung Quốc ép Ấn Độ, Mỹ bày trận chống Trung Quốc

Trung Quốc tăng sức ép quân sự ở Himalaya, Tập Cận Bình tiếp tục chính sách cưỡng bách đồng hóa dân Tây Tạng, Mỹ vận động lập mặt trận chung ở Châu Á chống Trung Quốc, Le Figaro dành hai trang quốc tế cho các chủ đề này.

Theo nhật báo thiên hữu, tất cả những sự kiện xảy ra trong, ngoài Trung Quốc đều có quan hệ nhận quả. Để khống chế toàn khu vực biên giới phía tây, kiểm soát chặt chẽ Tây Tạng Phật giáo và Tân Cương Hồi giáo, Bắc Kinh phô trương tham vọng bằng sức mạnh quân sự. Trong bối cảnh này, Ấn Độ yếu thế hơn từ quân sự cho đến kinh tế, huyết mạch của chiến tranh, phân tích của Le Figaro trong bài "Ấn Độ gặp khó khăn tại Ladakh" nơi xảy ra những xung đột đẫm máu vừa qua. Cũng trong chiều hướng muốn khống chế các dân tộc vùng biên cương, Tập Cận Bình tìm cách biện minh cho chính sách cưỡng bách Hán hóa, trại tập trung được gọi là trung tâm dạy nghề từ Tây Tạng cho đến Tân Cương. Bây giờ đến lượt Mông Cổ, tuy rằng Nội Mông từ trước đến nay được Bắc Kinh khen ngợi là "tấm gương sáng". Tại Nội Mông, công an Trung Quốc treo giải thưởng cho những ai cung cấp thông tin để bắt những người biểu tình chống Hán hóa. Gia đình từ chối cho con cái học tiếng Hoa sẽ bị cắt trợ cấp xã hội.

Trong lúc tình hình Châu Á căng thẳng từ eo biển Đài Loan, Biển Đông và tận đến biên giới Ấn-Trung, Hoa Kỳ huy động một mặt trận chung ở Châu Á chống Trung Quốc. Theo phân tích của Le Figaro, sự kiện ngoại trưởng Mỹ hủy bỏ vòng thăm viếng Hàn Quốc và Mông Cổ trong bối cảnh tổng thống nhập viện mà vẫn giữ điểm hẹn tại Tokyo với Nhật, Úc, Ấn trong bộ tứ Kim Cương gọi tắt là Quad cho thấy tầm quan trọng của liên minh không chính thức này. Phương châm "Bảo vệ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do lưu thông" rõ ràng là mang âm hưởng chống tham vọng bá chủ Biển Đông của Bắc Kinh tuy không nói ra. Báo chí Trung Quốc thì khỏi nói, lên án "tập hợp của những kẻ mang não trạng chiến tranh lạnh đê điều Trung Quốc".

Theo nhật báo thiên hữu, hội nghị Tokyo là cơ hội để hai ngoại trưởng Mỹ, Ấn bày tỏ hữu hảo. Từ sau vụ chạm súng Ấn-Trung hồi tháng Sáu, quan hệ Washington và New Delhi được thắt chặt một cách ngoạn mục. Từ khi sáng kiến "kim cương" quy tụ bốn nước dân chủ trong vùng đối đầu với Trung Quốc, do thủ tướng Shinzo Abe vào năm 2007 đề xuất, với sự đồng ý của Washington, nhưng chưa bao giờ Mỹ đáp ứng tham vọng của lãnh đạo phe hữu Nhật Bản muốn "be bờ Trung Quốc". Úc và Ấn trong một thời gian dài cũng bị áp lực thương mại của Trung Quốc nên tránh đi sâu vào chiến lược "kim cương". Canberra, vào năm 2008, dưới thời thủ tướng Kevin Rudd, thân Trung Quốc, còn rút ra khỏi công thức "bốn bên" vì đánh cược Trung Quốc sẽ trỗi dậy một cách hòa bình. Phải hơn 10 năm sau, khi Tập Cận Bình quân sự hóa Biển Đông theo một chiến lược đặt đối phương vào "chuyện đã rồi" thì lúc đó "chiến lược kim cương phục hồi sinh khí". Bài phân tích của Le Figaro rất dài, xin mượn nhận xét của chuyên gia chiến lược Mỹ James Green : "Chính quyền Trung Quốc đã làm tất cả thế giới bực tức cùng một lúc. Do vậy, họ rơi vào chiếc bẫy tự đặt ra".

Số phận người Duy Ngô Nhĩ gây ra cuộc chạm trán tại Liên Hiệp Quốc

Sự kiện diễn ra hồi đầu tuần được Le Monde Les Echos tường thuật và bình luận.

Bị các nước Tây phương công kích, Trung Quốc huy động đồng minh đối đầu. Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, 39 nước Tây phương do Đức dẫn đầu, lên án Bắc Kinh chà đạp những quyền căn bản của người dân ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông. Tập họp này lấy làm tiếc là cho đến nay, Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Michèle Bachelet, nguyên là tổng thống Chile, cũng không thể đến Tân Cương và những nơi "bà muốn đến". Năm trước chỉ có 23 nước lên án Trung Quốc, năm nay có thêm 14 nước. Sophie Richardson, đặc trách tình trạng nhân quyền Trung Quốc, trong hiệp hội Human Rights Watch, cho rằng "một loạt biến cố từ Tân Cương, Covid-19 và Hồng Kông đã làm cho các nước này sực tỉnh". Một nhà ngoại giao nhận định : "Chúng ta không muốn chiến tranh lạnh với Trung Quốc, chúng ta chỉ bảo vệ các giá trị về nhân quyền của chúng ta".

Trung Quốc không thụ động. Với sự ủng hộ của 53 nước, phần đông là Châu Phi, và hai nước Ả Rập có trọng lượng là Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bắc Kinh bác bỏ các chỉ trích.

Trung Quốc còn phản công lên án các biện pháp trừng phạt quốc tế do các nước Tây phương đề xuất là "vi phạm nhân quyền" trong bối cảnh đại dịch.

Theo Le Monde, chính sách ngoại giao đối đầu của Bắc Kinh đã làm cho hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu xí trong nhãn quan của công luận. Một kết quả thăm dò ý kiến của viện Pew Research công bố hôm 06/10/2020, "tại nhiều nước Tây phương, hơn ba phần tư dân chúng cho biết họ mất thiện cảm với Trung Quốc".

Cùng đề tài, Les Echos đưa tựa : Hình ảnh Trung Quốc bị xuống cấp về lâu về dài do Covid-19. Trong vòng một năm mà hình ảnh Trung Quốc, qua thăm dò ý kiến công luận tại 14 nước, bị suy sụp rất nhiều. Tập Cận Bình, do thiếu minh bạch trong việc thông tin về nguồn gốc siêu vi, nên càng ngày càng đánh mất uy tín : Cụ thể, công luận Úc bất tín nhiệm Trung Quốc từ 32%, cách nay ba năm, vọt lên 81%. Tại Nhật 86%, Pháp 70%, Hàn Quốc 75%, Thụy Điển 85%...

Theo nhật báo kinh tế : chính quyền Trung Quốc mà nhất là Tập Cận Bình trả giá đắt vì không trả lời minh bạch khi bị các nước yêu cầu cho biết nguồn gốc siêu vi corona gây đại dịch.

Pew Research cũng cho biết thêm là chính quyền Mỹ cũng bị công luận mất tin tưởng nhiều từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng

Thái Lan : Ký ức cuộc thảm sát sinh viên năm 1976

Hôm thứ Ba vừa qua 06/10/2020, kỷ niệm 46 năm vụ sinh viên Thái Lan bị lực lượng bán quân sự thảm sát, Le Monde phỏng vấn một số nhân chứng từng tham gia phong trào cách nay 44 năm.

Bao nhiêu người chết ? Theo lời một nữ sinh viên thời đó kể lại, khi cha cô đến trụ sở cảnh sát đòi con thì nghe một cảnh sát viên trả lời ai đó qua điện thoại : "Mọi việc đều tốt, chỉ chết có 200 thôi".

Năm 1976, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, tình thế đúng là khác với hiện nay. Một năm trước, cộng sản chiếm Phnom Penh và Sài Gòn. Chế độ Cam Bốt và Nam Việt Nam sụp đổ làm Thái Lan lo sợ "hiệu ứng domino", theo đó, Thái Lan, đồng minh của Hoa Kỳ, sẽ rơi vào quỹ đạo thân Liên Xô và Trung Quốc. Sinh viên đại học Thammasat, thành trì của "phe thiên tả" bị thành phần cực hữu xem là "đạo quân thứ 5" phải tiêu diệt. Hiện nay, cả sinh viên và chính phủ của Chan-O-Cha đều không muốn xung đột đổ máu. Nhưng trong bối cảnh phong trào sinh viên hiện nay tranh đấu đòi cải cách chế độ chính trị mà đứng đầu là một viên (thủ) tướng đảo chính thì kỷ niệm 1976 là dịp nhắc nhở cái giá đôi khi phải trả khi tham gia phản kháng tại "xứ sở của nụ cười".

Môi trường, Nobel

La Croix Libération ít bài về thời sự quốc tế. Nhật báo công giáo chọn một hiện tượng về xã hội đưa lên trang nhất : Tại sao số trường hợp phá thai gia tăng tại Pháp ?

Nhật báo thiên tả dành nhiều trang cho chủ đề bảo vệ môi trường, động vật hoang dã với một loạt phóng sự về hoạt động của "cảnh sát môi trường". Đề tài thứ hai đang gây sóng gió trong giới hoạt động cứu thuyền nhân trên biển Địa Trung Hải : Hy Lạp tuyên chiến chống các tổ chức phi chính phủ, chuẩn bị chứng cớ truy tố một số ra tòa về tội "tổ chức vượt biên".

Giải Nobel Hóa học 2020 cũng chiếm các cột quan trọng trên báo Pháp. Tất cả đều giải thích lợi ích của phát minh "kéo phân tử" để thay đổi ADN trị bệnh cho con người hay để tăng năng xuất nông phẩm. Điểm khác biệt là La Croix nhấn mạnh yếu tố đạo lý, nhắc lại trường hợp một bác sĩ Trung Quốc áp dụng biện pháp này, tiếng là giúp một thai nhi tránh một bệnh di truyền, nhưng đã bị lãnh án tù nhiều năm. Giới khoa học gia chống lại việc thay đổi "gen" ảnh hưởng cả một dòng con cháu nối dõi.

Còn Les Echos thì lưu ý đây là lần đầu tiên chỉ có hai phụ nữ, không có đấng mày râu nào, chen vào một giải Nobel khoa học. Xin nhắc lại tên hai khôi nguyên : Emmanuelle Charpentier người Pháp và Jennifer Doudna người Mỹ. Sau Marie Curie, hai nhà khoa học này là phụ nữ thứ sáu và thứ bảy được Nobel Hóa học kể từ khi được lập ra cách nay 120 năm.

Tú Anh

Published in Châu Á

Đọc báo (trong và ngoài nước) thấy nhiều người bàn tán về từ "indo-pacific" của ông Trump trong (các) bài diễn văn của ông này nhân cuộc du hành 12 ngày sang Châu Á. Hầu hết mọi người (nhà báo, học giả…) đều cho rằng từ "indo-pacific" của ông Trump lấy ý từ quan điểm "tứ giác kim cương" của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, gồm có hai trục (tung và hoành) Nhật-Úc và Mỹ-Ấn. Người khác thì cho rằng "indo-pacific" bắt nguồn từ Indonesia, "indo" là Indonesia…

indo1

Bản đồ Indo-Pacific - Ảnh minh họa

Theo tôi, quan niệm "Indo-Pacific" là một quan niệm về địa chiến lược của Mỹ, bắt đầu từ năm 2008, từ khi lực lượng PACOM (còn gọi là USPACOM, United States Pacific Command) đầu não đặt tại Honolulu, được nới rộng thẩm quyền, bao gồm Ấn độ dương, vùng biên giới Pakistan - Ấn độ, qua vịnh Băng gan (Bengal), xuyên qua eo biển Malacca, bao gồm luôn các nước ASEAN… Ta có thể đọc một số tài liệu (sách vở) của các chiến lược gia Mỹ xuất bản từ năm 2007 nói về tầm quan trọng về an ninh và kinh tế của khu vực "Indo-Pacific".

Thói quen của người Việt, khi ta gọi "Châu Á Thái bình dương" là liên tưởng đến diễn đàn kinh tế APEC. Sau đó là quan niệm "chuyển trục" sang Châu Á của Obama, theo đó Việt Nam là "điểm tựa", đã khiến mọi người "hồ hỡi", quên đi một thực tế quan trọng khác. "Châu Á - Thái bình dương" đơn thuần là một quan điểm về kinh tế. Trong khi "Indo-Pacific" luôn là một quan điểm về "địa chính trị" của Mỹ.

Điều rõ ràng (mà không ai chịu thấy), vì sự "ỏng ẹo" của Việt Nam (tưởng mình có giá lắm !), kế hoạch "chuyển trục" sang Châu Á (mà Việt Nam là điểm tựa) của Obama thất bại (hay không đủ thời gian để thành công).

Thực ra Mỹ chua bao giờ "bỏ" Châu Á để nói rằng "chuyển trục" hay dời trục. Căn cứ hải quân, không quân của Mỹ ở Diego Garcia tọa lạc giữa Ấn độ dương và vịnh Băng gan (Bengal) kiểm soát liên tục và chặt chẽ các hải lộ và không lộ vùng Ấn Độ dương. Tương tự căn cứ Guam thì kiểm soát "vòng đảo thứ hai", bao bọc Trung Quốc ở Thái bình dương. Hai căn cứ lớn nhứt (hải ngoại) này chịu sự kiểm soát của Honolulu (PACOM).

indo2

Tổng thống Donald Trump viếng thăm căn cứ PACOM đặt tại Honolulu - Ảnh Alamy

"Tứ giác kim cương" của Shinzo Abe không thuyết phục được, bởi vì lực lượng quân sự Nam Hàn được xem đứng hàng thứ tư trên thế giới. Đài loan kế bên cũng có lực lượng của mình, đủ để răn đe không để Trung Quốc xâm lăng.

Châu Á - Thái bình dương cốt lõi là kinh tế. Kế hoạch "chuyển trục" của Obama thì để Ấn độ (và Pakistan) ra ngoài. So sánh cán cân lực lượng, thì ngoài Ấn độ, nước nào có khả năng "mắt đổi mắt, răng đổi răng" với Trung Quốc ?

Qua ông Trump người Mỹ trở lại quan điểm địa chiến lược "kinh điển" của họ. Nếu để ý diễn văn của ông Trump, ta thấy ông này ví von Việt Nam là "trung tâm" của "indo-pacific". Thật là đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Về "địa lý", rõ ràng Việt Nam đứng ở vị trí trung tâm. Về "chiến lược", Việt Nam là cái "yết hầu" của Trung Quốc.

Vấn đề là thái độ "ỏng ẹo" làm bộ làm tịch của Việt Nam có thể khiến cho các chiến lược gia của Mỹ "bỏ" Việt Nam cho Trung Quốc. Thử nhìn xem, Việt Nam "sáp nhập" vào Trung Quốc chưa chắc đã đem lại trọng lượng gì cho Trung Quốc.

Theo tôi, người Mỹ trở lại quan điểm chiến lược "Indo-Pacific" (thay vì chuyển trục sang Châu Á) là việc hết sức thông minh và tinh tế.

Bởi vì, "con cờ" đứng ngoài (chiến lược Indo-Pacific) là Nga. Nhưng nếu có theo dõi tình hình nước Nga thì ta thấy nước này bị đe dọa tứ phương mà mối đe dọa nặng nề nhứt là đến từ Trung Quốc.

Kế hoạch "con đường tơ lụa" của Trung Quốc đã làm phân hủy liên minh CEE (Cộng đồng kinh tế Á- Âu) của Nga. Các nước Trung Á, vốn là các cộng hòa cũ của LX tách ra độc lập, lần lượt "xa lánh" Nga và đứng vào "con đường tơ lụa" của Trung Quốc. Trong khi vùng Viễn Đông của Nga thì đang bị Trung Quốc "xâm lược" bằng kinh tế và di dân. Trong chừng mực vùng này đã thuộc kiểm soát (kinh tế) của Trung Quốc.

Đối với Nhật, Nga còn tranh chấp quần đảo Kouril. Nga đã ký nhiều hiệp định với Nhật nhằm phát triển kinh tế khu vực Viễn Đông để "đối trọng" với Trung Quốc. Vấn đề là Nhật và Nga đến nay vẫn "trong tình trạng chiến tranh". Vì sau Thế chiến II, cho tranh chấp Kouril, hai bên vẫn chưa ký kết hiệp định hòa bình.

Dĩ nhiên Nga sẽ không "ngồi yên" để Trung Quốc "đạp lên chưn mình", để cho Trung Quốc lôi kéo các nước Trung Á và "Hán hóa" khu vực Viễn Đông.

Vì vậy kế hoạch "phục hưng Trung hoa" để hoàn thành "giấc mộng Trung hoa" của Trung Quốc sẽ không đơn giản.

Riêng Việt Nam, do việc "ỏng ẹo" quá đáng (mà không biết mình hương sắc đã tàn rồi), bây giờ phải đứng một mình.

Theo quan điểm của ông Trump, kinh tế bây giờ phải "hỗ tương", có qua có lại công bằng, không được ăn gian. Việt Nam làm thế nào có thể ra "đấu trường" đấu "tay đôi" với các nước khác ?

Việt Nam có "thương hiệu gì" ? có mặt hàng gì để "cạnh tranh" với đời ?

Tôi có nói hôm kia, Việt Nam sẽ trở thành nơi bán hàng dỏm của Trung Quốc. Mà việc này, theo luật (quốc tế) là phạm luật.

Không biết các "trí tuệ đỉnh cao" có hiểu ý tứ của ông Trump "Việt Nam là tâm điểm của Indo-Pacific" hay không ?.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 16/11/2017

Published in Diễn đàn