Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/11/2017

Thử bàn về quan niệm "Indo-Pacific" của ông Trump

Trương Nhân Tuấn

Đọc báo (trong và ngoài nước) thấy nhiều người bàn tán về từ "indo-pacific" của ông Trump trong (các) bài diễn văn của ông này nhân cuộc du hành 12 ngày sang Châu Á. Hầu hết mọi người (nhà báo, học giả…) đều cho rằng từ "indo-pacific" của ông Trump lấy ý từ quan điểm "tứ giác kim cương" của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, gồm có hai trục (tung và hoành) Nhật-Úc và Mỹ-Ấn. Người khác thì cho rằng "indo-pacific" bắt nguồn từ Indonesia, "indo" là Indonesia…

indo1

Bản đồ Indo-Pacific - Ảnh minh họa

Theo tôi, quan niệm "Indo-Pacific" là một quan niệm về địa chiến lược của Mỹ, bắt đầu từ năm 2008, từ khi lực lượng PACOM (còn gọi là USPACOM, United States Pacific Command) đầu não đặt tại Honolulu, được nới rộng thẩm quyền, bao gồm Ấn độ dương, vùng biên giới Pakistan - Ấn độ, qua vịnh Băng gan (Bengal), xuyên qua eo biển Malacca, bao gồm luôn các nước ASEAN… Ta có thể đọc một số tài liệu (sách vở) của các chiến lược gia Mỹ xuất bản từ năm 2007 nói về tầm quan trọng về an ninh và kinh tế của khu vực "Indo-Pacific".

Thói quen của người Việt, khi ta gọi "Châu Á Thái bình dương" là liên tưởng đến diễn đàn kinh tế APEC. Sau đó là quan niệm "chuyển trục" sang Châu Á của Obama, theo đó Việt Nam là "điểm tựa", đã khiến mọi người "hồ hỡi", quên đi một thực tế quan trọng khác. "Châu Á - Thái bình dương" đơn thuần là một quan điểm về kinh tế. Trong khi "Indo-Pacific" luôn là một quan điểm về "địa chính trị" của Mỹ.

Điều rõ ràng (mà không ai chịu thấy), vì sự "ỏng ẹo" của Việt Nam (tưởng mình có giá lắm !), kế hoạch "chuyển trục" sang Châu Á (mà Việt Nam là điểm tựa) của Obama thất bại (hay không đủ thời gian để thành công).

Thực ra Mỹ chua bao giờ "bỏ" Châu Á để nói rằng "chuyển trục" hay dời trục. Căn cứ hải quân, không quân của Mỹ ở Diego Garcia tọa lạc giữa Ấn độ dương và vịnh Băng gan (Bengal) kiểm soát liên tục và chặt chẽ các hải lộ và không lộ vùng Ấn Độ dương. Tương tự căn cứ Guam thì kiểm soát "vòng đảo thứ hai", bao bọc Trung Quốc ở Thái bình dương. Hai căn cứ lớn nhứt (hải ngoại) này chịu sự kiểm soát của Honolulu (PACOM).

indo2

Tổng thống Donald Trump viếng thăm căn cứ PACOM đặt tại Honolulu - Ảnh Alamy

"Tứ giác kim cương" của Shinzo Abe không thuyết phục được, bởi vì lực lượng quân sự Nam Hàn được xem đứng hàng thứ tư trên thế giới. Đài loan kế bên cũng có lực lượng của mình, đủ để răn đe không để Trung Quốc xâm lăng.

Châu Á - Thái bình dương cốt lõi là kinh tế. Kế hoạch "chuyển trục" của Obama thì để Ấn độ (và Pakistan) ra ngoài. So sánh cán cân lực lượng, thì ngoài Ấn độ, nước nào có khả năng "mắt đổi mắt, răng đổi răng" với Trung Quốc ?

Qua ông Trump người Mỹ trở lại quan điểm địa chiến lược "kinh điển" của họ. Nếu để ý diễn văn của ông Trump, ta thấy ông này ví von Việt Nam là "trung tâm" của "indo-pacific". Thật là đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Về "địa lý", rõ ràng Việt Nam đứng ở vị trí trung tâm. Về "chiến lược", Việt Nam là cái "yết hầu" của Trung Quốc.

Vấn đề là thái độ "ỏng ẹo" làm bộ làm tịch của Việt Nam có thể khiến cho các chiến lược gia của Mỹ "bỏ" Việt Nam cho Trung Quốc. Thử nhìn xem, Việt Nam "sáp nhập" vào Trung Quốc chưa chắc đã đem lại trọng lượng gì cho Trung Quốc.

Theo tôi, người Mỹ trở lại quan điểm chiến lược "Indo-Pacific" (thay vì chuyển trục sang Châu Á) là việc hết sức thông minh và tinh tế.

Bởi vì, "con cờ" đứng ngoài (chiến lược Indo-Pacific) là Nga. Nhưng nếu có theo dõi tình hình nước Nga thì ta thấy nước này bị đe dọa tứ phương mà mối đe dọa nặng nề nhứt là đến từ Trung Quốc.

Kế hoạch "con đường tơ lụa" của Trung Quốc đã làm phân hủy liên minh CEE (Cộng đồng kinh tế Á- Âu) của Nga. Các nước Trung Á, vốn là các cộng hòa cũ của LX tách ra độc lập, lần lượt "xa lánh" Nga và đứng vào "con đường tơ lụa" của Trung Quốc. Trong khi vùng Viễn Đông của Nga thì đang bị Trung Quốc "xâm lược" bằng kinh tế và di dân. Trong chừng mực vùng này đã thuộc kiểm soát (kinh tế) của Trung Quốc.

Đối với Nhật, Nga còn tranh chấp quần đảo Kouril. Nga đã ký nhiều hiệp định với Nhật nhằm phát triển kinh tế khu vực Viễn Đông để "đối trọng" với Trung Quốc. Vấn đề là Nhật và Nga đến nay vẫn "trong tình trạng chiến tranh". Vì sau Thế chiến II, cho tranh chấp Kouril, hai bên vẫn chưa ký kết hiệp định hòa bình.

Dĩ nhiên Nga sẽ không "ngồi yên" để Trung Quốc "đạp lên chưn mình", để cho Trung Quốc lôi kéo các nước Trung Á và "Hán hóa" khu vực Viễn Đông.

Vì vậy kế hoạch "phục hưng Trung hoa" để hoàn thành "giấc mộng Trung hoa" của Trung Quốc sẽ không đơn giản.

Riêng Việt Nam, do việc "ỏng ẹo" quá đáng (mà không biết mình hương sắc đã tàn rồi), bây giờ phải đứng một mình.

Theo quan điểm của ông Trump, kinh tế bây giờ phải "hỗ tương", có qua có lại công bằng, không được ăn gian. Việt Nam làm thế nào có thể ra "đấu trường" đấu "tay đôi" với các nước khác ?

Việt Nam có "thương hiệu gì" ? có mặt hàng gì để "cạnh tranh" với đời ?

Tôi có nói hôm kia, Việt Nam sẽ trở thành nơi bán hàng dỏm của Trung Quốc. Mà việc này, theo luật (quốc tế) là phạm luật.

Không biết các "trí tuệ đỉnh cao" có hiểu ý tứ của ông Trump "Việt Nam là tâm điểm của Indo-Pacific" hay không ?.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 16/11/2017

Quay lại trang chủ
Read 883 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)