Tập đoàn Intel sẽ không mở rộng đầu tư vào Việt Nam như Hà Nội mong đợi, trong khi vẫn tiếp tục "đổ tiền" vào Malaysia, Ba Lan và Israel. Chính quyền Việt Nam liệu rút ra được những bài học gì từ "cú quay xe đột ngột" này ?
Biểu tượng của Intel tại Bảo tàng Intel ở Santa Clara, California hôm 4/11/2016 - AFP
------------------------------
Bản tin của hãng Reuters cũng như một số trang mạng quốc tế khác như South China Morning Post (SCMP) hay The Diplomat (1) tuần trước đã tập trung đưa tin rất đậm về việc Tập đoàn Intel của Hoa Kỳ tạm dừng việc phát triển cơ sở sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vào tối 7/11, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ông vừa tiếp nhận thông tin liên quan đến việc Intel chưa mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam trên truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, ông Thi khẳng định cho đến thời điểm này, phía Intel Việt Nam chưa có thông tin chính thức với phía Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh về những thay đổi trong kế hoạch mở rộng nhà máy. Hiện tại, Intel Việt Nam vẫn đang đầu tư, sản xuất bình thường tại nhà máy của Intel đặt bên trong Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tại Thành phố Thủ Đức (2).
Trước tin Intel "gác lại kế hoạch" đầu tư thêm một tỷ USD mở rộng nhà máy tại Việt Nam, chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội về quan điểm của MPI về vấn đề này. Bộ trưởng cảm thấy "tiếc nuối", nhưng đó là quyền lựa chọn của doanh nghiệp. Chia sẻ về lý do mà Reuters đưa ra cho rằng Intel "gác kế hoạch" mở rộng đầu tư thêm một tỷ USD tại Việt Nam là do "thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng : "Đây chỉ là một lý do, vấn đề thiếu hụt điện mới chỉ xảy ra cục bộ một số nơi, một số thời gian. Chính phủ cam kết bảo đảm đủ điện cho các doanh nghiệp, không chỉ riêng doanh nghiệp nào". Trả lời câu hỏi liệu có còn nguyên nhân khác dẫn đến việc Intel gác lại kế hoạch mở rộng đầu tư, Bộ trưởng MPI khẳng định : "Còn có nguyên nhân như địa-chính trị, cạnh tranh giữa các quốc gia và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu" (3).
"Tiếc nuối" có lẽ chưa đủ nói hết trạng thái "vỡ mộng" của phần lớn quan chức và người dân Việt. Bởi vì, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng vượt cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược toàn diện" (CSP), Việt Nam kỳ vọng sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy, không chỉ đối với các nhà đầu tư Mỹ, trong việc trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực "hót" nhất hiện nay, dù chỉ là khâu "gia công" nào đó trong tiến trình "quang khắc" (photolitography) mà thôi. Cuối tháng 10 vừa rồi, tại Hà Nội, Việt Nam được cho là đang thực hiện chiến lược thu hút đầu tư nhiều hơn vào bán dẫn, gồm cả các công ty trong lĩnh vực sản xuất chip (foundry). Một số quan chức trong ngành cho biết, các cuộc đàm phán ở giai đoạn này tập trung vào vấn đề như ưu đãi, trợ cấp, cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động. Một nguồn tin cũng tiết lộ trong các đàm phán trên có sự xuất hiện của hai nhà sản xuất chip là GlobalFoundries và PSMC. Người này cũng cho biết việc xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam có thể sẽ phục vụ việc sản xuất những chip không quá tiên tiến, như chip dùng trong ôtô hoặc lĩnh vực viễn thông (4).
Trong bối cảnh nói trên, "sự quay xe đột ngột" của Intel không chỉ là gáo nước lạnh đội vào ước mơ cháy bỏng của nhiều giới, cả chuyên gia lẫn chính khách. Dù sao, Intel cũng đã làm được một chuyện rất bổ ích : Đưa Việt Nam, cả chính quyền lẫn các nhà doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao, trở về với mặt đất. Rõ ràng, trong lĩnh vực này, phải biết mình, biết đối tác, không thể lấy "chủ nghĩa anh hùng cách mạng" để "trám vào" những thiếu hụt "chết người". Liên quan đến quyết định của Intel, nhiều nhà phân tích hoài nghi, đằng sau các mỹ từ ngoại giao như "thiếu điện và hành chính rườm rà" chắc chắn còn nhiều "khúc nhôi" khác mà các nhà doanh nghiệp Mỹ không tiện nói ra (?!).
Intel đã bắt đầu ở Việt Nam từ năm 2006 với nhà máy sản xuất và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Sau lần đầu tư thêm 475 triệu USD đầu năm 2021, tính đến nay, tổng vốn của tập đoàn rót vào Việt Nam là 1,5 tỷ USD. Vừa rồi Intel định đầu tư thêm một tỷ USD nữa. Tuy nhiên, chẳng thấm tháp gì nếu so với việc Intel đã rót 7 tỷ USD đầu tư xây dựng một nhà máy mới tại Malaysia, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2024. Intel cũng vừa công bố kế hoạch đầu tư tới 4,6 tỷ USD vào một cơ sở lắp ráp chip gần thành phố Wrocław, Ba Lan. Nhưng khủng nhất, là khoản đầu tư 25 tỷ USD xây một nhà máy mới tại Israel (5). Đúng là "con cá mất bao giờ cũng là con cá to !".
Qua "sự vỡ lở" nói trên với Intel, đã đến lúc Việt Nam cần phải thấu hiểu, đối với các doanh nghiệp Mỹ, kinh tế và chính trị là hai chuyện khác nhau. Quan hệ "CSP" với Hoa Kỳ không phải là một "phép lạ". Tư bản Mỹ là các nhà thực dụng nổi tiếng và hầu như không chịu tác động từ chính quyền hay các đảng phái. Dù các Tổng thống Mỹ có thể hứa giúp Việt Nam điều này điều nọ về kinh tế, nhưng khi bắt tay vào làm ăn, các nhà đầu tư tính toán hết sức chi ly trong bảng phân tích "cost and benefit" (chi phí và lợi ích). "Nhân chi sơ" trong làm ăn với xứ "cờ hoa" là thượng tôn pháp luật ! Mỹ không như "nước lạ" nọ có thể lại quả từ 30 đến 40% "tiền tươi thóc thật" khi trúng thầu các dự án khủng (6). Đó cũng là nguyên nhân để dư luận Việt Nam đang "run bần bật" khi biết Trung Quốc có thể "đảm nhận" từ A đến Z tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải phòng để kết nối với đại kế hoạch "Vành đai Con đường" (BRI) của Bắc Kinh. Trước đây mấy tháng, toàn xã hội còn "rung lắc" mạnh hơn khi nghe tin Trung Quốc còn "nhã ý" thầu cả đường sắt cao tốc Bắc Nam ! Cả xã hội thở phào khi biết rằng, mới đây ông Phạm Minh Chính đã "có nhời" với Thủ tướng Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới (7).
Trở lại mặt đất, Việt Nam sẽ bớt "lãng mạn" trong giấc mơ sản xuất chip. Robert Li, Phó Chủ tịch của US Synopsys, công ty thiết kế chip hàng đầu tại Việt Nam, cảnh tỉnh các nhà chức trách Hà Nội "nên suy nghĩ kỹ" trước khi quyết định để xây dựng nhà máy foundry. Phát biểu tại "Hội nghị thượng đỉnh về chất bán dẫn Việt Nam" tại Hà Nội hôm 29/10, ông cho biết, việc xây dựng một xưởng đúc có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD và sẽ kéo theo hệ lụy phải cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, những nước đã công bố kế hoạch chi tiêu cho chip của mình trị giá từ 50 đến 150 tỷ USD (8). Rõ ràng, nếu Việt Nam muốn trở thành "tay chơi quan trọng" trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu thì phải có đột phá một số khâu về thể chế. Với cung cách như hiện nay, chỉ bắt mấy "con tép" ở EVN đã gây ra ách tắc trong cung cấp điện cho Intel vào mùa hè qua chưa thể là giải pháp rốt ráo. Intel không nói công khai nhưng ai cũng thấy "con voi trong phòng", đó là những ràng buộc do thể chế !
Suy cho cùng, chỉ có thể trách đoàn người đã "đáo bỉ ngạn" (đã tới bờ bên kia), mà vẫn hè nhau "vác còn thuyền" thể chế cũ lên vai, hì hục đi tiếp trên con đường không mấy thênh thang (9).
Bùi Lạc Việt
Nguồn : RFA, 14/11/2023
Tham khảo :
(1) https://thediplomat.com/2023/11/intel-backs-out-of-planned-vietnam-chip-expansion-report-claims/
(2) https://tuoitre.vn/intel-gac-ke-hoach-mo-rong-san-xuat-chip-o-viet-nam-20231107183138468.htm
(4) https://www.reuters.com/article/vietnam-usa-semiconductors-idCAKBN31V05Z
(6) https://vtc.vn/dn-trung-quoc-san-sang-lai-qua-toi-thieu-30-bang-tien-tuoi-ar163192.html .
(8) https://www.reuters.com/article/vietnam-usa-semiconductors-idCAKBN31V05Z
(9) https://xn---hay-uqa.vn/y-nghia-cua-tu-dao-bi-ngan/
RFA, 13/11/2023
Chính sách ngoại giao "hàng hai" của Việt Nam cũng là một yếu tố khiến Intel hoãn đầu tư vào Việt Nam, một chuyên gia kinh tế đánh giá như vậy trước thông tin hãng sản xuất chip hàng đầu của Mỹ dừng kế hoạch đầu tư thêm vào Việt Nam.
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, được báo chí dẫn lời hôm 9/11, cho biết việc Intel gác lại kế hoạch đầu tư thêm một tỷ USD mở rộng nhà máy tại Việt Nam, ngoài các nguyên nhân từ nội bộ của Việt Nam, còn có các yếu tố bên ngoài như "địa chính trị, cạnh tranh giữa các quốc gia và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu".
Thông tin này được đưa ra trong thời điểm Việt Nam đang có tham vọng là quốc gia thay thế Trung Quốc và Đài Loan trong việc sản xuất chip cho thế giới vào khi có những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.
Intel cho đến nay không nêu lý do ngừng kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin giấu danh tính cho biết Intel đã bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu điện và tệ quan liêu nặng nề ở Việt Nam.
Tuy nhiên, một độc giả bình luận trên Facebook page của RFA nhận định rằng những yếu tố như thiếu điện hay vấn nạn quan liêu chỉ là động thái để hãng Intel từ chối hợp lý cho quyết định của họ. Người này lập luận :
"Vì hãng này đã đầu tư vào Việt Nam từ chục năm trước nên hẳn họ đã rất hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam. Yếu tố chính có lẽ là việc Hà Nội dự kiến tham gia vào sáng kiến Vành đai- Con đường của Trung Quốc trong thời gian tới".
Tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba diễn ra hôm 18/10 tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu rằng "Vành đai và Con đường đã trở thành một cơ chế hợp tác quốc tế lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào kết nối hạ tầng, liên kết kinh tế toàn cầu…" ; đồng thời khẳng định "Việt Nam ủng hộ các sáng kiến có lợi cho hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới…".
Theo tiến sỹ kinh tế Huy Vũ, hiện nay, cách tiếp cận của Mỹ đối với các quốc gia ủng hộ Vành đai con đường của Trung Quốc còn mềm mỏng. Tuy nhiên, nếu căng thẳng Mỹ - Trung tăng cao, có thể Mỹ sẽ áp dụng chính sách trừng phạt thương mại đối với các nước có mối liên hệ tới Sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc :
"Một khi đến giai đoạn mà sự xung đột cạnh tranh tăng hơn nữa thì buộc phải chính phủ Mỹ sẽ đưa ra các chính sách cứng rắn hơn nữa, có thể là những nước nào tham gia hay liên hệ với kế hoạch Vành đai con đường của Trung Quốc thì Mỹ buộc phải xem xét vị thế những nước như Việt Nam. Cho nên những doanh nghiệp sẽ đầu tư vào Việt Nam phải gánh rủi ro lớn".
Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, thạc sỹ Hoàng Việt lại có quan điểm khác. Theo ông, chuyện Việt Nam ủng hộ Vành đai con đường không liên quan đến việc Intel không đầu tư vào Việt Nam nữa :
"Chủ trương Việt Nam ủng hộ Vành đai con đường không phải từ bây giờ mà nó đã có từ sau khi Trung Quốc công bố sáng kiến đó, đây đâu phải là một vấn đề mới.
Tại sao các doanh nghiệp đầu tư về chip và bán dẫn tại Việt Nam khác lại không gặp vấn đề, ví dụ như Amkor và rất nhiều các công ty khác".
Theo một bài viết được đăng trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 14/7 vừa qua, Sáng kiến Vành đai- Con đường của Trung Quốc bị Hoa Kỳ đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro cho quốc gia này. Nó làm gia tăng gánh nặng nợ nần ; buộc sử dụng nhiều carbon hơn ; các thị trường lớn nghiêng về phía Trung Quốc và lôi kéo các quốc gia vào mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn với Bắc Kinh và thúc đẩy các quốc gia liên kết chính trị với Trung Quốc…
Do đó, Mỹ đã lập ra nhiều dự án nhằm đối trọng lại với Sáng kiến Vành đai- Con đường. Tại Hội nghị G20 diễn ra ở Ấn Độ hồi đầu tháng 9/2023, một dự án đường sắt và cảng đa quốc gia được công bố, với sự tham gia của Mỹ, Saudi Arabia, Ấn Độ, Liên Hiệp Châu Âu và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Ngày 8/9/2023, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố đạo luật "Chips và Khoa học" . Luật này nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho các công ty sản xuất chip của Mỹ và chạy đua công nghệ với bán dẫn với Trung Quốc. Những công ty muốn nhận ưu đãi từ đạo luật này không được phép mở rộng hoạt động ở Trung Quốc và một số quốc gia có liên quan khác. Những quy định này buộc các doanh nghiệp sản xuất chip phải lựa chọn : Mỹ hoặc Trung Quốc.
Đánh giá về các nguyên do liên quan đến cạnh tranh toàn cầu, mà tiêu biểu là Mỹ - Trung, tiến sỹ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng hiện nay, chính sách ngoại giao của Việt Nam rất mù mờ. Chính quyền Hà Nội vừa muốn xích lại gần hơn với Mỹ để được hưởng lợi ích kinh tế, đồng thời vẫn cam kết gắn bó bền chặt với Trung Quốc. Như vậy, các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ gặp rủi ro nếu tình hình xung đột Mỹ - Trung trở nên căng thẳng hơn. Do đó, họ sẽ dè chừng hơn khi đầu tư vào Việt Nam :
"Nếu một doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam thì họ sẽ xem xét vấn đề rủi ro về địa chính trị.
Họ sẽ xem xét rằng với chính sách Việt Nam như vậy thì có thể khi xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc gay gắt hơn thì liệu Việt Nam có ngả về Trung Quốc hay không, hoặc Trung Quốc sẽ kiểm soát một số hoạt động sản xuất của Việt Nam, mượn Việt Nam để mở đường xuất khẩu qua Mỹ, hoặc mượn Việt Nam để thực hiện các giao dịch buôn bán…
Lúc đó những doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam thì họ sẽ bị đối mặt với rủi ro địa chính trị rất lớn".
Thạc sỹ Hoàng Việt nhận định, cạnh tranh Trung Quốc và Mỹ cũng không phải là điều khiến các doanh nghiệp Mỹ ngừng đầu tư vào Việt Nam. Lý do được ông đưa ra :
"Cuộc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc từ năm 2018 cho đến nay thì vẫn có rất nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã sang Việt Nam, và thậm chí còn là một vỏ bọc của Việt Nam để "lẩn tránh thương mại".
Do đó, theo ông Hoàng Việt, để thu hút đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt như hiện nay, Việt Nam cần phải giải quyết tốt các vấn đề nội bộ còn tồn tại, bao gồm thủ tục rườm rà, tham nhũng hay các chính sách về thuế…
Intel chọn tăng đầu tư ở Ba Lan vì Việt Nam thiếu điện và quan liêu hơn rất nhiều ?
An Tôn, VOA, 09/11/2023
Sau khi Reuters đưa tin hãng sản xuất chip Intel của Mỹ quyết định không đầu tư thêm để tăng công suất ở Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ "tiếc nuối" hôm 9/11, đồng thời cho hay Intel đã nêu ra lý do rằng Việt Nam bị "thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà".
Logo của Intel tại trụ sở chính của hãng ở Santa Clara, bang California.
Thông tin kể trên được vị bộ trưởng của Việt Nam chia sẻ với báo giới trong nước bên lề phiên họp quốc hội, Lao Động, VTC News và nhiều báo trong nước đưa tin.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, vấn đề thiếu điện "chỉ là một lý do" vì tình trạng đó "mới chỉ xảy ra ở cục bộ một số nơi, thời gian", các báo dẫn lời ông cho hay.
Ông Dũng cho rằng còn có các yếu tố khác dẫn đến việc Intel gác lại kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, đó là "nguyên nhân như địa chính trị, cạnh tranh giữa các quốc gia và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu", Lao Động, VTC News và một số báo tường thuật.
"Intel có thể cân nhắc một số ưu đãi, hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam khi Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng vào năm 2024", Bộ trưởng Dũng hé lộ phần nào lý do quan trọng khiến Intel không tăng đầu tư ở Việt Nam.
Như VOA đã đưa tin, hãng thông tấn Reuters trích dẫn hai nguồn thạo tin nhưng không muốn nêu danh tính cho hay hôm 7/11 rằng Intel đã đưa ra một quyết định từ hồi tháng 7, theo đó, hãng gác lại khoản đầu tư ở Việt Nam mà nếu được thực hiện có thể tăng gần gấp đôi hoạt động của Intel ở đất nước này.
Intel không bình luận về tin này, chỉ nói với Reuters rằng "Việt Nam sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của chúng tôi cùng lúc nhu cầu về hàng bán dẫn tăng lên".
Mặc dù vậy, bản tin của Reuters viết rằng đó là một đòn giáng mạnh vào tham vọng ngày càng lớn của Việt Nam trong ngành công nghiệp chip.
Một số người ở Ba Lan đưa ra quan sát với VOA rằng có mối liên hệ giữa việc Intel quyết định vào tháng 7 không tăng đầu tư vào Việt Nam và việc cũng chính hãng này đã loan báo vào tháng 6 về khoản đầu tư lên tới 4,6 tỷ đô vào Ba Lan.
Nhiều hãng tin nước ngoài, trong đó có Reuters, đưa tin hồi giữa tháng 6 rằng Intel đã chọn một địa điểm ở Wroclaw, tây nam Ba Lan, để xây nhà máy mới chuyên lắp ráp và kiểm nghiệm chip, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2027 và tạo ra khoảng 2.000 việc làm.
Như vậy, Ba Lan trở thành một trong những nước được hưởng lợi từ kế hoạch đầu tư lên tới hơn 33 tỷ đô la vào khối EU.
Trong khi đó, cũng vào tháng 6, Việt Nam đã rơi vào cảnh thiếu điện nghiêm trọng dẫn đến cắt điện luân phiên ở nhiều nơi, các báo trong nước đưa tin ở thời điểm đó, và đây có thể là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định của Intel, theo một số nhà quan sát.
Doanh nhân Trần Quốc Quân, người đã sinh sống và kinh doanh ở Ba Lan trong 35 năm, chia sẻ với VOA sự đánh giá cá nhân của ông về mức độ ổn định của nguồn cung điện ở đất nước mà ông gọi là quê hương thứ hai :
"Thiếu điện thì Ba Lan chưa từng. Từ thời Ba Lan xã hội chủ nghĩa cho đến khi chuyển sang thể chế mới được 34 năm rồi, suốt chiều dài lịch sử từ thời cộng sản đến thời dân chủ ngày nay, Ba Lan chưa bao giờ thiếu điện. Có thể nói, nguồn cung điện của Ba Lan rất ổn định".
Theo ông Quân, có được điều đó là vì đất nước này nằm trong nhóm các quốc gia có lượng khai thác, xuất khẩu than đá và than non nhiều nhất thế giới. Ông cho biết đôi khi có việc cắt điện để xử lý kỹ thuật như sửa đường dây hoặc bàn giao thiết bị truyền tải điện, chứ chưa bao giờ phải cắt đường truyền vì thiếu điện.
Vẫn doanh nhân này, người thường xuyên đi lại giữa Ba Lan và Việt Nam trong nhiều năm nay, đưa ra so sánh về mức độ quan liêu và thủ tục hành chính giữa hai nước :
"Ở Ba Lan, vào thời xã hội chủ nghĩa cũng có những quan liêu hành chính nhưng tôi nghĩ nó không trầm trọng bằng Việt Nam trong những năm gần đây. Vừa là cảm nhận trực tiếp, vừa là nghe dư luận, vừa là tiếp nhận các nguồn thông tin, tôi thấy Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia quan liêu và thủ tục hành chính rườm rà nhất".
Ông Quân nêu ra các nguyên nhân của tình trạng này gồm thể chế, tuyển dụng cán bộ không đúng năng lực, con ông cháu cha, cán bộ luôn tìm cách gây phiền hà để trục lợi cá nhân ở mọi cơ quan và tất cả các cấp, kể cả cấp trung ương. Đây cũng là những điều chính báo chí Việt Nam đã nêu lên nhiều lần, trích dẫn các ý kiến của giới chuyên gia và người dân, theo quan sát của VOA.
Nhà kinh doanh sinh sống ở Ba Lan có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội, với hàng chục nghìn người theo dõi trên Facebook, đưa ra cảnh báo :
"Thủ tục hành chính quan liêu của Việt Nam nếu không có cuộc cách mạng triệt để để cải cách nó thì khó thay đổi được. Không những là người dân trong nước, đối với các cơ sở kinh tế trong nước, mà đối với các nguồn đầu tư nước ngoài, người ta vào người ta rất là ngán thủ tục quan liêu hành chính, chạy giấy tờ, chạy bao nhiêu cửa, gõ bao nhiêu nơi".
Trong một phóng sự hôm 22/6, hãng tin Reuters viết rằng Ba Lan đã tiến hành một chiến dịch phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và thành phố Wroclaw, thành phố lớn thứ ba của đất nước, để thuyết phục Intel.
Nỗ lực của Ba Lan kéo dài gần 2 năm, từ tháng 7/2021. Các quan chức của chính phủ và thành phố thực hiện nhiều cuộc gặp trong thời gian đó với Intel. Các giám đốc điều hành của hãng có ấn tượng tốt từ đầu là Ba Lan rất nhanh chóng trả lời các câu hỏi và giải quyết các mối quan ngại, theo phóng sự của Reuters.
Một tổ công tác của một cơ quan chính phủ đã làm ra một bài thuyết trình để quảng bá về sự phát triển của Wroclaw, nêu bật lên chất lượng cuộc sống ở đó, cũng như các cơ sở phục vụ cho các gia đình, trường học, làn đường riêng cho xe đạp, các bể bơi và cung cấp các số liệu về kinh tế và nhân khẩu học.
Trang Politico.eu cho hay chính phủ Ba Lan có dành những khoản trợ cấp, ưu đãi cho dự án của Intel nhưng hãng không tiết lộ con số là bao nhiêu.
Một trong những ưu đãi mà Intel nhận được là Ba Lan cho phép họ xây các tòa nhà cao tới 50 mét trong phạm vi dự án, cao hơn hẳn so với mức chiều cao tối đa 20 mét trong quy định hiện hành ở địa phương, phóng sự của Reuters cho hay.
Với thành công trong việc thu hút được Intel, Ba Lan đang hy vọng sẽ "quyến rũ" được cả các hãng khác như TSMC của Đài Loan, hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Reuters cho biết. Ba Lan đã bắt đầu các cuộc thảo luận với TSMC hồi năm ngoái.
An Tôn
Nguồn : VOA, 10/11/2023
****************************
Intel 'gác đầu tư' vào Việt Nam nhưng vẫn xây nhà máy ở những đâu ?
BBC, 10/11/2023
Intel được biết đã ra quyết định không mở rộng đầu tư vào Việt Nam như chính phủ nước này mong đợi nhưng vẫn tiếp tục bỏ tiền vào các nước EU và Israel.
Ông Pat Gelsinger, CEO của Intel trả lời phỏng vấn BBC hồi tháng 10/2021 nói việc đầu tư sẽ ưu tiên cho EU, không cho Anh sau khi nước này ra khỏi khối EU
Bản tin của Reuters trong tuần nói việc tập đoàn Intel của Hoa Kỳ tạm dừng việc phát triển cơ sở sản xuất chip bán dẫn ở Việt Nam tiếp tục được các báo khu vực bình luận.
Các báo dùng những cách mô tả khác nhau để nói về việc này.
Bản tin của Reuters và trang South China Morning Post (08/11) nói Intel "gác lại đầu tư đã lên kế hoạch" (shelved planned investment) ở Việt Nam.
Còn trang Asia Financial thì lại nói Intel "hủy dự án" (cancelled) ở Việt Nam.
Theo Reuters thì Intel không cho biết lý do tại sao lại dừng việc mở rộng, nhưng một nguồn tin thứ hai tham dự hai cuộc họp riêng biệt trong những tuần gần đây giữa các công ty Mỹ và các lãnh đạo Việt Nam cho biết Intel đã nêu lên mối lo ngại về sự ổn định của nguồn cung cấp điện và tình trạng quan liêu quá mức.
Các lãnh đạo Việt Nam chưa bình luận gì với báo chí về câu chuyện.
Trang The Diplomat khi đưa tin về Intel và Việt Nam đã bình luận rằng hệ thống quan liêu gắn chặt với chính trị ở Việt Nam là cản trở của nhiều đầu tư nước ngoài, theo báo này :
"Hệ thống quan liêu nghẽn mạch ở Việt Nam đã lâu này là thứ hành hạ các công ty nước ngoài hoạt động tại đây. Là bộ phận không tách rời của hệ thống chính trị Việt Nam, tình trạng quan liêu trở nên tệ hơn bởi chiến dịch chống tham nhũng của Đảng cộng sản, đẩy nhiều quan chức vào tình trạng dậm chân tại chỗ vì sợ rơi vào Lò đốt của chiến dịch. Hãng tin Bloomberg từng nói hồi đầu năm "Làm nhiều bị khó khăn nhiều, làm ít thì khó phạm lỗi, và không làm gì thì không gặp vấn đề gì" về tình trạng này".
Intel xây nhà máy chip ở những đâu ?
Nếu như quyết định của Intel về việc "không đầu tư nữa ở Việt Nam" được giới chức tập đoàn này đưa ra hồi tháng 7/2023, theo Reuters, thì không lâu trước đó, Intel cho hay họ sẽ đầu tư vào nhà máy chip lớn tại Cộng hòa Ba Lan.
Số tiền Intel muốn bỏ vào Ba Lan cho một nhà máy sản xuất và thử nghiệm chip bán dẫn là 4,6 tỷ USD, nhiều hơn dự án lên kế hoạch ở Việt Nam (1 tỷ USD).
Theo các báo Ba Lan tháng 6/2023, Intel sẽ xây một nhà máy mới gần Wroclaw, miền Tây Nam đất nước và sẽ tuyển thêm 2000 nhân công.
Intel đã có mặt ở Ba Lan 30 năm qua và đã có cơ sở nghiên cứu, phát triển sản phẩm lớn nhất Châu Âu tại thành phố cảng Gdansk với 4000 nhân viên.
Địa điểm mới sẽ có nhiệm vụ tiếp quản các sản phẩm mà Intel đang làm tại Cộng hòa Ireland và Đức, tạo thành một chuỗi công nghệ khép kín.
Theo CEO của Intel Pat Gelsinger được truyền thông trích dẫn thì "môi trường kinh doanh ở Ba Lan rất tuyệt vời, chi phí rất cạnh tranh và đây là quốc gia có nền tảng nhân lực tài năng trong các ngành kỹ thuật, nhờ một số trường đại học giỏi, có chương trình engineering mạnh".
Tuy thế, dự án này còn cần EU chuẩn thuận để bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 2027.
Phía chính phủ Ba Lan cũng sẵn sàng bỏ thêm tiền vào hỗ trợ cho công trình.
Tương tự như vậy, cũng trong tháng 6, khi Intel và Đức ký thỏa thuận để đầu tư 30 tỷ euro (32,8 tỷ USD) xây nhà máy chip tại Magdeburg, chính phủ của thủ tướng Olaf Scholz nói "bao luôn" 1/3 khoản tiền đó.
Có vẻ như các nước nằm ngoài EU, như Việt Nam, và cả Anh, khó có thể cạnh tranh được với các nước nằm trong một thị trường chung EU.
Năm 2021, Intel quyết định không đầu tư vào sản xuất chip ở Anh sau Brexit mà chọn các nước EU, lãnh đạo Intel nói với đài BBC vào tháng 10 năm đó.
Ông Pat Gelsinger nói với BBC trang Business rằng Intel sẽ bỏ vào công nghệ bán dẫn khoản đầu 95 tỷ USD trong 10 năm tới ở Châu Âu và Hoa Kỳ, để "tránh không phụ thuộc quá nhiều vào các nhà sản xuất Châu Á".
Ngoài các nước EU, Intel đầu tư lớn ở "sân nhà" với nhà máy tại Ohio.
Tập đoàn cũng trông đợi các khoản hỗ trợ lớn từ chính phủ Mỹ và EU.
Vào thời điểm đó (2021), Hoa Kỳ chỉ chiếm 12% sản lượng chip toàn cầu, còn Samsung của Hàn Quốc và TSMC của Đài Loan chiế tới 70% chip cung ứng cho thế giới, theo bài của BBC.
Cũng cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm nay, chính phủ Israel nói Intel sẽ đầu tư thêm 25 tỷ USD vào sản xuất chip ở nước họ.
Intel xác nhận hai bên có đạt thỏa thuận nhưng không nói rõ khoản đầu tư là bao nhiêu, theo các báo khu vực .
Mới đây, vẫn các cơ quan truyền thông trong vùng Trung Đông cho rằng dự án này có thể bị ảnh hưởng trước mắt bởi chiến tranh Israel-Hamas ở Gaza.
Tuy thế, hai tuần trước, ông Pat Gelsinger lần đầu lên tiếng nói sản xuất chip ở nhà máy Intel tại Kiryat Gat, cách điểm Hamas tấn công ngày 07/10 chỉ 30 dặm "vẫn không bị gián đoạn".
Nhà máy này hiện đã tuyển 12 nghìn nhân viên và khoản đầu tư công bố hồi tháng 6 là tiền tăng thêm cho hoạt động của Intel ở Israel.
Những năm qua, các hoạt động của ngành chế tạo chip bán dẫn được cho là liên quan nhiều tới cả địa chính trị và cạnh tranh kinh tế.
Cuộc chiến về nguồn sản xuất, chế tạo chip thế hệ mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang định hình lại nền kinh tế toàn cầu, theo Suranjana Tewari, phóng viên Kinh doanh ở châu Á của đài BBC trong một bài đăng đầu năm nay.
Nguồn : BBC, 10/11/2023
****************************
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư : Intel dừng mở rộng còn có nguyên nhân Việt Nam áp dụng "thuế tối thiểu toàn cầu"
RFA, 10/11/2023
Ngoài nguyên nhân "thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà", Intel dừng kế hoạch mở rộng đầu tư trị giá tỷ đô còn có nguyên do là Việt Nam sẽ áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 1/2024.
Phó Chủ tịch Intel Brian Krzanich phát biểu trong buổi lễ ngày 10/11/2006 công bố việc Intel tăng đầu tư thêm 1 tỷ USD vào Việt Nam - AFP/ Hoàng Đình Nam
Theo Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội hôm 9/11 về quan điểm của bộ trước thông tin hãng Intel của Mỹ gác kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng nhà máy tại Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định ông cũng mới tiếp nhận được thông tin Intel như báo chí nêu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư lặp lại thông tin từ hãng tin Reuters trước đó đưa ra, "lý do họ nói chúng ta thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà".
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Chí Dũng "vấn đề thiếu hụt điện mới chỉ xảy ra ở cục bộ một số nơi, thời gian. Chính phủ cam kết bảo đảm đủ điện cho các doanh nghiệp không chỉ riêng doanh nghiệp nào".
Ngoài ra, theo bộ trưởng còn có nguyên nhân khác như "địa chính trị, cạnh tranh giữa các quốc gia và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu".
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (Kế hoạch và đầu tư) Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ tiếc nuối về việc hãng Intel dừng kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD vào Việt Nam nhưng cho rằng đó là quyền của doanh nghiệp.
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được hồi năm 2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế, tuy nhiên (dù không ai bắt buộc) Việt Nam cũng sẽ áp dụng vào đầu năm 2024 nhằm tăng thu ngân sách từ phần thuế bổ sung, tránh cạnh tranh và giảm chuyển giá, lợi nhuận.
Tuy vậy, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư lưu ý rằng hãng Intel có thể cân nhắc một số ưu đãi, hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam khi Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.
Trước đó, hãng tin Reuters của Anh dẫn nguồn tin riêng cho biết, hãng sản xuất chip Intel đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất vào Việt Nam với trị giá hơn 1 tỷ USD với nguyên nhân là "thiếu điện và tệ quan liêu nặng nề".
Báo Chính phủ một ngày sau đó phỏng vấn ông Kim Huat Ooi - Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam cho biết, công ty vẫn tiếp tục thực hiện đầu tư theo các giai đoạn đã cam kết và vận hành hoạt động sản xuất ổn định.
Về môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Kim khẳng định "Intel luôn đánh giá cao môi trường chính trị - xã hội ổn định của Việt Nam, sự sẵn sàng của lực lượng lao động trẻ và tài năng, cũng như vị trí địa lý nằm ngay trung tâm châu Á, những điều kiện để Intel tiếp tục đầu tư vào Việt Nam".
RFA, 10/11/2023