Putin
Ở Nga, Tổng thống Putin đã ký một đạo luật cho phép ông ra tranh cử tổng thống hai lần nữa trong đời vào năm 2021, có khả năng giữ ông tại vị cho đến năm 2036 [1]. Putin đã cơ động việc viết lại hiến pháp thông qua một quy trình giống như "trưng cầu dân ý" mà những người chỉ trích ông gọi là một cuộc thâu tóm quyền lực thô bạo.
Trách nhiệm phải biết khi nào bạn là người phù hợp để lãnh đạo và cả khi bạn không còn phù hợp.
Putin nhậm chức tổng thống vào năm 2000. Nếu ông tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2036, nhiệm kỳ của ông sẽ vượt qua cả Joseph Stalin, người đã cai trị Liên Xô trong 29 năm, khiến Putin trở thành nhà lãnh đạo Moscow tại vị lâu nhất kể từ thời đế chế Nga.
Vào ngày 24/2/2022, Putin xâm lược Ukraine trong một bước leo thang lớn của cuộc xâm lược, bắt đầu vào việc Putin thôn tính Crimea năm 2014. Cuộc xâm lược đã khiến hàng chục nghìn người chết ở cả hai bên và gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất Châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Bất kể Putin nói gì với người dân Nga và thế giới, đây không phải là cuộc chiến để đảm bảo một Ukraine trung lập và cứu Nga khỏi một cuộc xâm lược sắp xảy ra của NATO [2]. Đó là cuộc chiến đi đến hồi kết cay đắng để tiêu diệt một quốc gia Ukraine có chủ quyền mà chính sự tồn tại với tư cách là một quốc gia dân chủ, độc lập là mối đe dọa đối với chế độ chuyên quyền của Putin.
Tập Cận Bình
Trung Quốc đã thông qua việc loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với chức vụ chủ tịch nước vào đầu năm 2018, cho phép ông Tập Cận Bình nắm quyền suốt đời một cách hiệu quả [3]. Những thay đổi hiến pháp đã được thông qua bởi cuộc họp hàng năm của quốc hội. Cuộc bỏ phiếu ở quốc hội để bỏ giới hạn nhiệm kỳ được nhiều người coi là làm bài tập đóng dấu cao su bởi một bọn bù nhìn.
Tháng 10/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm điều mà mọi người nghĩ [4]. Ông kéo dài thời gian cầm quyền của mình với tư cách là nhà lãnh đạo đất nước thêm nhiệm kỳ thứ ba, phá vỡ tiền lệ, đồng thời đề bạt thêm nhiều đồng minh của mình vào các vị trí lãnh đạo cao nhất của đảng và lôi kéo các đối thủ của mình nghỉ hưu.
Trong ba năm qua, Tập Cận Bình, đã đặt cuộc tính hợp pháp của chế độ và bản thân vào chiến lược "không Covid", biến cách phòng chống dịch bệnh nầy thành một chiến dịch ý thức hệ nhằm chứng minh tính ưu việt của độc đảng độc tài đối với những chế độ dân chủ [5].
Trong một động thái xoay trục đáng chú ý, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố hủy bỏ rộng rãi các quy tắc đó vào đầu tháng 12/2022, một sự nhượng bộ ngầm đối với sự bất mãn của công chúng sau các cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố vào cuối tháng 11, đặt ra thách thức lớn nhất đối với Đảng cộng sản cầm quyền trong nhiều thập kỷ [5].
Một chiến lược Không-Covid kiên quyết đã có những tác động xã hội, chính trị và kinh tế sâu sắc và có khả năng lâu dài [6]3. Sự bực tức của người dân đối với cách đối xử cứng nhắc và vô nhân đạo đã tràn ngập mạng xã hội, đồng thời nền kinh tế Trung Quốc đóng băng thậm chí còn tồi tệ hơn vào đầu năm 2020. Sự xáo trộn kinh tế hiện đang tràn ra thế giới rộng lớn hơn, thúc đẩy lạm phát, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây ra sự suy thoái hoặc tạm dừng bởi một số doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc, và gia tăng mối quan tâm bên ngoài đối với sự cô lập ngày càng sâu sắc của Trung Quốc.
Nguyễn Phú Trọng
Ở Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã bị chỉ trích vì kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ qua nhiều nhiệm kỳ. Đáng chú ý là việc ông tái đắc cử nhiệm kì ba liên tiếp với chức vụ Tổng bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ngày 31/01/2021 [7]. Ngoài chức Tổng bí thư, ông hiện đang đảm nhiệm chức vụ Bí thư Quân ủy Trung ương ; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ; Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ; và Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV nhiệm kì 2021 – 2026 [7].
Ở Việt Nam có chuyện hoang đường về "đổi mới". Nhưng đất nước và nhân dân hưng thịnh không phải nhờ Đảng cộng sản Việt Nam, mà bất chấp những trấn áp và hạn chế của đảng [8].
Cách thông thường để kể câu chuyện về "phép màu" kinh tế của Việt Nam kể từ những năm 80 diễn ra như sau : Việt Nam sau chiến tranh là một trong những quốc gia nghèo nhất Châu Á, và người bảo trợ của nó, Liên Xô, đang suy tàn [8]. Vì vậy, Đảng cộng sản cầm quyền đã bắt buộc thực hiện một loạt cải cách thị trường tự do vào năm 1986 được gọi là Đổi Mới, dẫn đến GDP bình quân đầu người tăng từ 422 USD trong năm đó lên gần 3.700 USD hiện nay.
Khi được đơn giản hóa hoặc tuyên truyền, điều này trở thành câu chuyện kể về một quá trình từ trên xuống, về trí thông minh và lòng dũng cảm của cộng sản. [8] Chính Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa người dân thoát nghèo ; chính những người cộng sản đã chủ động.
Tuy nhiên, công lao thực sự thuộc về nhân dân Việt Nam, những người bằng chính nỗ lực của mình đã thúc đẩy nhà cầm quyền cộng sản chấp nhận những thay đổi thị trường này một cách muộn màng [8]. Chính người Việt Nam đã tự mình thoát khỏi đói nghèo, hầu hết là bất chấp chính sách cộng sản.
Nông dân và công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước đã bắt đầu tham gia vào các hoạt động thị trường từ trước năm 1986, thậm chí từ đầu những năm 1960 ở miền Bắc Việt Nam, nghĩa là cải cách thị trường là một quá trình phát triển từ dưới lên, không phải là một quá trình chuyển đổi từ trên xuống do Đảng cộng sản Việt Nam áp đặt vào năm 1986 [8].
Bài học về sự sụp đổ của cộng sản Liên Xô những năm 1987-1991 cho thấy những câu hỏi sau đây là sự tìm kiếm thường xuyên của người dân trong diện rộng. Thế nào là một cuộc sống tốt đẹp, đàng hoàng ? Điều gì tạo nên một trật tự kinh tế và xã hội công bằng ? Thế nào là một nhà nước đàng hoàng và hợp pháp ? Mối quan hệ của một nhà nước như vậy với xã hội dân sự nên như thế nào [9] ?
Jacinda Ardern – Thủ tướng thứ 40 của New Zealand
Jacinda Ardern là một chính trị gia New Zealand, từng là thủ tướng thứ 40 của New Zealand và lãnh đạo Đảng Lao động từ năm 2017 đến 2023 [10]. Bà trở thành nữ lãnh đạo chính phủ trẻ nhất thế giới khi được bầu làm thủ tướng năm 2017 ở tuổi 37. Bà đã dẫn dắt New Zealand vượt qua đại dịch Covid-19 và hàng loạt thảm họa bao gồm vụ tấn công khủng bố vào hai nhà thờ Hồi giáo và một vụ nổ núi lửa.
Thủ tướng Úc, Anthony Albanese, bày tỏ sự kính trọng đối với Ardern, nói rằng bà "đã cho thế giới thấy cách lãnh đạo bằng trí tuệ và sức mạnh… Bà đã chứng minh rằng sự đồng cảm và sáng suốt là những phẩm chất lãnh đạo mạnh mẽ" [10].
Gần đây, bà cho biết bà sẽ từ chức, trong một thông báo bất ngờ được đưa ra khi bà xác nhận cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 10/2023.
"Tôi sẽ rời đi, bởi vì với một vai trò đặc quyền như vậy đi kèm với trách nhiệm – trách nhiệm phải biết khi nào bạn là người phù hợp để lãnh đạo và cả khi bạn không còn phù hợp. Tôi biết công việc này đòi hỏi những gì. Và tôi biết rằng tôi không còn đủ trong lòng để thực hiện điều đó một cách công bằng. Đơn giản thế thôi", bà nói.
Phạm Đình Bá
Nguồn : VNTB, 02/02/2023
Nguồn :
1. Andrew Roth, "Vladimir Putin passes law that may keep him in office until 2036", The Guardian, 04/05/2021.
2. Leon Aron, "Russia Exiled Them. Big Mistake", Politico Magazine – Opinion, 01/29/2023.
3. "China’s Xi allowed to remain ‘president for life’ as term limits removed", BBC, 11/03/2018.
4. Robert Olsen, "China’s Leader Xi Jinping Secures Third Term As His Rivals Fall Away", Forbes, 23/10/2022.
5. Keith Bradsher, Chang Che and Amy Chang Chien, "China Eases ‘Zero Covid’ Restrictions in Victory for Protesters', The New York Times, 07/12/2022.
6. J. Stephen Morrison, Scott Kennedy and Yanzhong Huang, "China’s Zero-Covid : What Should the West Do ?", CSIS – Center for Strategic & International Studies, 27/06/2022.
7. Wikipedia, "Nguyen Phu Trong".
8. David Hutt, "The Myth of Doi Moi in Vietnam", The Diplomat, 31/01/2023.
9. Aron, L., "Everything You Think You Know About the Collapse of the Soviet Union Is Wrong", Foreign Policy, 20/06/2011.
9. Tes McClure, "Jacinda Ardern resigns as prime minister of New Zealand", The Guardian, 19/01/2023.
Ngôn từ và hành động của một người có khả năng truyền cảm thông và chuyển hóa hố ngăn cách hoặc thù nghịch với người khác. Ngược lại, nó cũng có khả năng truyền hận thù và tạo phân hóa giữa con người với nhau.
Thủ tướng Tân Tây Lan, Jacinda Ardern.
Vô sốbằng chứng từ các nghiên cứu về tâm lý xã hội, trong phòng thí nghiệm cũng như trên thực tế, cho thấy cách hành xử của một người có thể tác động lên người khác, làm cho người ta trở nên vô luân hơn, hận thù hơn và bạo lực hơn ; và những người ở địa vị thẩm quyền có ảnh hưởng đặc biệt trong việc tác động lên tiến trình cực đoan hóa, lên quan điểm và hành động lên những người tôn thờ họ [1].
Ngôn từ và hành động của một lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo quốc gia, và nhất là lãnh đạo một cường quốc, tác động mạnh mẽ lên người dân, một cách tiêu cực hoặc tích cực.
Qua vụ giết người hàng loạt tại Tân Tây Lan, nhiều cơ quan truyền thông đã đề cập đến sự kiện nghi can người Úc Brenton Tarrant từng xem Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump như là thần tượng của mình. Mặc dầu chính ông Trump và Nhà Trắng phủ nhận mọi liên hệ với Tarrant qua sự kiện này, điều không thể phủ nhận là ảnh hưởng của ông Trump đối với xu hướng thượng đẳng da trắng (white supremacy) [2]. Qua các phát biểu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào những năm 2015, 2016 cũng như các Sắc lệnh Tổng thống sau khi nhậm chức, ngôn từ (kể cả khi nói hay khi im lặng không nói) và hành động (hoặc không hành động), ông Trump biện luận rằng muốn cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, Hoa Kỳ không thể tiếp tục là bãi đổ rác cho vấn đề của mọi người khác, và một số chủ trương căn bản của ông mang tính cách bài di dân và bài Hồi giáo [3]. Phần lớn các quan điểm này cũng không thay đổi sau hai năm cầm quyền, kể cả bức tường biên giới mà ông Trump vẫn chưa thực hiện được.
Không có gì ngạc nhiên khi các xu hướng thượng đẳng da trắng khắp nơi, ngay cả tại những nơi hiền hòa như Úc và Tân Tây Lan, coi cuộc thắng cử của ông Trump vào Nhà Trắng năm 2016 là biến cố quan trọng đểăn mừng[4].
Sau vụ khủng bố tại Christchurch vừa qua, và sau các biến sự tại Mỹ trong hai năm qua, ông Trump cũng không lên án và không nêu đích danh xu hướng thượng đẳng da trắng đang trổi lên tại Mỹ và khắp nơi [5].
Trong khi đó, cung cách của nữ Thủ tướng Tân Tây Lan Jacinta Ardern qua sự kiện trên khác hẳn với ngôn từ và hành xử của ông Trump.
Chỉ chưa đầy một tuần, bà Ardern đã thay đổi cái nhìn của thế giới về Tân Tây Lan. Ngôn từ và hành động của nữ Thủ tướng Ardern không hề chia rẽ hay yếu đuối mà, ngược lại, đầy cảm thông, nhân bản và sức sống. Bà Ardern trở thành biểu tượng của lòng trắc ẩn, bao dung và quyết đoán. Không phải là một biểu tượng không có thực chất, để rồi sụp đổ hay tan thành mây khói sau đó. Không biểu tượng nào có thể đứng vững nếu không có giá trị thật làm nền tảng.
Đúng một tuần sau vụ tàn sát này, hàng ngàn người Tân Tây Lan đã đến công viên Hagley trước đền Hồi giáo Al Noor tại Christchurch nơi xảy ra vụ tàn sát để làm lễ tưởng niệm và để bày tỏ sự đoàn kết [6]. Hàng ngàn người khác cũng tụ về thành phố Auckland, và nhiều phụ nữ cũng đã mang khăn trùm đầu (hijab) để bày tỏ sự ủng hộ của mình, trong đó có bà Ardern. Cảm động với hình ảnh này, Thủ tướng và Phó Tổng thống của United Arab Emirates/UAE, ông Sheik Mohammed, hôm thứ Bảy vừa qua đã gửi lời tri ân : "Cảm ơn Thủ tướng Jacinta Ardern và Tân Tây Lan đối với sự đồng cảm và ủng hộ chân thành của quý vị mà đã chiếm được sự kính trọng của 1.5 tỷ người theo đạo Hồi sau vụ tấn công khủng bố làm chấn động cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới" [7]. Hình ảnh bà Ardern mặt hijab ôm chặt người đạo Hồi sau vụ khủng bố đã được tỏa chiếu lên tòa nhà cao nhất trên thế giới có tên Burj Khalifa tại Dubai, cao 829 mét, với chữ "salam", có nghĩa là "hòa bình". Còn ông Mohammad Faisal, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Pakistan, cho rằng bà Ardern đã "chiếm được trái tim của người Pakistan vì lòng trắc ẩn và tài năng lãnh đạo của bà" [8].
The New York Times đã ca tụng tài lãnh đạo của bà Ardern trong bài "Hoa Kỳ xứng đáng có một lãnh đạo tài giỏi như bà Jacinta Ardern" [9]. Ngoài việc nêu cao cung cách đáng kính của bà Ardern, bài xã luận này nhấn mạnh rằng chỉ qua một vụ tàn sát thôi, và chỉ mất vài ngày (sáu ngày), bà Ardern đã thành công trong biện pháp kiểm soát súng. Vào thứ Năm 21 tháng Ba, bà Ardern tuyên bố rằng tất cả các loại súng tự động và bán tự động kiểu quân sự, và tất cả các bộ phận nào có thể dùng để ráp thành súng kiểu này, đều bị cấm. Trong khi tại Hoa Kỳ hết vụ tàn sát này đến tàn sát khác, cũng như 73 phần trăm người Mỹ nói rằng cần phải có biện pháp để ngăn ngừa bạo lực bằng súng, nhưng chẳng thay đổi gì cả.
Khi được hỏi bà nghĩ gì về các lời ngợi ca về tài lãnh đạo của mình, bà Ardern trả lời "Tôi không nghĩ là tôi thể hiện tài năng lãnh đạo gì cả. Tôi chỉ nghĩ rằng tôi thể hiện tinh thần nhân bản thôi" [10]. Về nghi can, bà Ardern khẳng định "Hắn ta là một kẻ khủng bố. Hắn là một tội phạm. Hắn là một kẻ cực đoan". Nhưng bà từ chối nêu tên nghi can. Bà Ardern nhấn mạnh : "Trong chính trị chúng ta có thể chọn cách thể hiện hành vi của mình. Đó là một phần lý do mà tôi đã chủ tâm chọn cách không nêu tên kẻ khủng bố, và gọi nó là xu hướng khủng bố. Nhưng sau cùng nó tùy theo mỗi cá nhân, cơ quan truyền thông và chính trị gia nhận trách nhiệm về địa vị và ngôn ngữ của mình". Bà Ardern thành thật cho rằng "Tất cả những gì tôi thể hiện là các giá trị của người Tân Tây Lan…". Tự nhận mình không theo một tôn giáo nào mà chỉ tin vào thượng đế (Agnostic), khi được hỏi làm thế nào để trãi qua kinh nghiệm tang thương như thế này, bà Ardern trả lời : "Tôi nghĩ rằng nếu bạn/mọi người có niềm tin tuyệt đối về tinh thần nhân bản, và tôi vẫn còn có điều đó".
Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt của Waleed Aly, một điều hợp viên của chương trình The Project trên đài truyền hình số 10, sẽ được trình chiếu vào tối thứ Hai 25 tháng Ba này, trước khi bắt đầu bà Ardern hỏi ông Aly có vấn đề gì không nếu bà ôm ông một cái [11]. Biết ông Aly theo đạo Hồi, bà Ardern cảm nhận sâu sắc nỗi niềm của các tín đồ qua biến cố 15 tháng Ba. Khi được hỏi bà có suy nghĩ nhiều để đi đến quyết định mang khăn trùm đầu sau vụ khủng bố, bà Ardern cho biết bà không mất nhiều suy nghĩ, bởi vì đối với bà đó là điều thích hợp để làm : "Nếu việc tôi mặt hijab này làm cho người ta (phụ nữ theo đạo Hồi) cảm giác an toàn để tiếp tục thực hành niềm tin của họ thì tôi rất vui mừng đã mặt nó".
Bà Ardern là người thật, và những gì bà làm đều là chân thật. Không cần bài bản soạn sẵn. Không cần suy nghĩ tính toán. Tư tưởng của bà Ardern thoát ra một cách tự nhiên. Mọi ngôn từ và cử chỉ của bà trong một tuần qua, qua mọi ống kính, đều cho thấy rất thực. Trong thời đại này, nếu không thật thì không dễ gì qua mặt người khác. Lãnh đạo quốc gia của các nước theo đạo Hồi cũng cảm nhận được bản chất thật của bà Ardern nên tri ân bà. Rất nhiều những người không theo đạo Hồi cũng thấy cảm phục về con người thật Jacinta Ardern : đồng cảm, dũng cảm và quyết đoán.
Tất nhiên có người thương mến thì cũng có người căm ghét. Nhất là trong chính trị, bà Ardern hiểu chuyện đó. Bà Ardern cũng bị hăm dọa sau khi mặt hijab. Nhưng bà hiểu đó là thành phần thiểu số, tuy cần biết nhưng không cần quá bận tâm.
Sau sự kiện 11 tháng 9 đến nay, và sau bao nhiêu vụ tấn công của các nhóm khủng bố Hồi giáo, từ phái Sunni đến Shia, tại Trung Đông cũng như các nền dân chủ Tây phương, khủng bố của thế kỷ 21 đã làm cho mọi người trên thế gian này cảm thấy bất an : hầu như không còn một nơi nào hoàn toàn an toàn cả. Hồi giáo, và người theo đạo Hồi, trở thành một ám ảnh, âu lo, làm cho khuynh hướng dân tuý, bảo thủ, bài di dân, bài Hồi giáo, trổi lên khắp Âu châu và lan rộng đến Bắc Mỹ, Úc và Tân Tây Lan. Cảm giác bất an và nỗi lo sợ chủ quan của người dân đã làm cho các lãnh đạo chính trị Tây phương, ngay cả những người cấp tiến và không hề phân biệt chủng tộc hay tôn giáo, cũng không muốn đứng gần những gì đại diện cho Hồi giáo. Bởi, nếu không khéo, các chính trị gia có thể mất phiếu hoặc, tệ hơn, trở thành mục tiêu tấn công của các thành phần cực đoan theo xu hướng bài Hồi. Phần lớn chọn thế trung dung để dung hòa các bên cực đoan, bảo thủ. Cũng vì thế nên cung cách lãnh đạo chân thật của bà Jacinta Ardern đã thật sự truyền cảm hứng và chuyển hóa đối với người khác. Bà Ardern đã chiếm được khối óc và trái tim của bao người trên thế giới, không chỉ những người theo đạo Hồi giáo.
Cung cách lãnh đạo hiệu quả của bà Ardern chứng minh rằng lãnh đạo quốc gia cần phải can đảm lấy những quyết định khó khăn trong các tình huống phức tạp để giảm bới chia rẽ và gia tăng đoàn kết trong người dân. Không lãnh đạo nào có thể làm vừa lòng mọi người, nhưng lãnh đạo tài năng có thể chuyển hóa người dân và hoàn cảnh. Cung cách hành xử đầy cảm thông và chân thật của bà Ardern dành cho người Hồi cũng là điều mà những người từng là di dân, hoặc con cái của các thế hệ này, như nguời Việt tị nạn chẳng hạn, cần trân trọng ghi nhận và ủng hộ. Bởi những người như Jacinta Ardern của Tân Tây Lan, Malcolm Fraser của Úc, hay John McCain của Hoa Kỳ, vân vân…, hành động vì cái tâm của họ, vì đó là lẽ phải cần làm, bất cần phiếu hay những tính toán chính trị vì quyền lợi và quyền lực khác. Họ sẽ đứng về phía thiểu số, bênh vực phía yếu đuối, nếu chính đáng, và sẵn sàng bảo vệ những người đó cho dù dư luận hay thành trì quyền lực có quan điểm ngược lại họ đi nữa.
Những lãnh đạo như thế sẽ tồn tại theo thời gian, và được bao người thật sự thương mến, tri ân, thay vì những thành phần có toan tính nhất thời và những trò chính trị mị dân.
Úc Châu, 24/03/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 25/03/2019
Tài liệu tham khảo :
1. Sophia Moskalenko, "How Could President Trump Have Inspired the NZ Shooter ? ", Psychology Today, 19 March 2019.
2. Albert Redmore, "Trump angered at link to Christchurch attack, blames fake news ", MSN, 19 March 2019.
3. Yochai Benkler, Robert Faris, and Hal Roberts, "Network PropagandaManipulation, Disinformation, and Radicalization in American Politics ", Oxford Scholarship Online ; October 2018.
4. Alex Mann, Kevin Nguyen and Katherine Gregory, "Christchurch shooting accused Brenton Tarrant supports Australian far-right figure Blair Cottrell ", ABC News, 23 March 2019.
5. John Nichols, "Why Is It So Hard for Our President to Condemn White Supremacy and Islamophobia ? ", The Nation, 15 March 2019.
6. Anna Fifield, "A week after the shootings, New Zealand joins Muslim community for Friday prayers ", The Washington Post, 22 March 2019.
7. Joel MacManus, "World's tallest building lit up with image of Jacinda Ardern ", The Age, 23 March 2019.
8. Maya Salam, "Jacinda Ardern Is Leading by Following No One ", The New York Times, 22 March 2019.
9. The Editorial Board, "America Deserves a Leader as Good as Jacinda Ardern ", The New York Times, 21 March 2019.
10. Philip Matthews, "'We are all forever changed' : Prime Minister Jacinda Ardern reflects on the week ", Stuff, 22 March 2019.
11. News, "‘Do you mind if I give you a hug ?’ Waleed Aly interviews Jacinda Ardern ", News.com.au ; 23 March 2019. Laura Chung, "'Do you mind if I give you a hug ?' : Jacinda Ardern meets Waleed Aly ", The Sydney Morning Herald, 23 March 2019.