Năm ngoái, Janet Yellen cũng nói thật như vậy khi gặp phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, trước khi ông Joe Biden gặp Tập Cận Bình tại San Francisco. Bà để mở "lá bài tẩy", nói ngay rằng nước Mỹ không muốn cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Bộ Trưởng Yellen tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, 8 tháng Tư, 2024.
Janet Yellen, bộ trưởng tài chánh Mỹ, có một lợi thế là khi bà nói gì người ta tin rằng bà nói thật. Trong việc ngoại giao, có người nghĩ tính thành thật là một nhược điểm. Nhưng nói thật cũng là cho người nghe biết rằng : Tôi không đe dọa, không dụ dỗ, tôi không lảng tránh, tôi tin điều tôi nói là đúng sự thật dù anh mất lòng hay vừa lòng. Đó cũng là một ưu điểm.
Trong chuyến đi Trung Quốc vừa rồi, một câu tuyên bố của bà Yellen khiến giới lãnh đạo ở Bắc Kinh rất hài lòng. Bà nói rằng : Hai cường quốc kinh tế số một và số hai trên thế giới không thể nào cắt đứt việc giao thương. Nếu muốn đe dọa thì người ta sẽ nói : Chúng tôi sẵn sàng ngưng mua bán với các ông ! Ngay lập tức ! Trên thế giới không thiếu gì các nước muốn mua, bán với Mỹ ! Nói hùng hổ như vậy cũng đúng, nhưng đã bỏ qua không nghĩ tới hậu quả là một vụ đoạn tuyệt kinh tế sẽ rất tốn kém, dân chúng hai nước sẽ chịu thiệt thòi.
Năm ngoái, Janet Yellen cũng nói thật như vậy khi gặp phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng, 何立峰), trước khi ông Joe Biden gặp Tập Cận Bình tại San Francisco. Bà để mở "lá bài tẩy", nói ngay rằng nước Mỹ không muốn cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Nhưng tháng 4 năm nay, bà Yellen cũng làm cho Trung Quốc nổi giận khi phản đối chính sách ưu đãi và trợ cấp cho "công nghiệp xanh". Đó là các công ty sản xuất pin điện dùng lithium, xe ô tô chạy điện, khung "điện mặt trời" gắn trên mái nhà. Trung Quốc sản xuất nhiều quá, bán tống bán tháo với giá rẻ để tràn ngập thế giới, giết chết công nghiệp các nước khác !
Bà Yellen nhắc lại kinh nghiệm mươi năm trước, khi Trung Quốc bán tháo thép khắp thế giới với giá rẻ, nhiều công ty nước khác phải đóng cửa, các công nhân mất việc làm. Hồi đó là thép, bây giờ có thể là ô tô chạy điện. Bà nói thẳng : "Chúng tôi không thể chấp nhận nữa".
Không riêng nước Mỹ mà khối Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng cảnh cáo chính sách sản xuất thặng dư để tràn ngập thế giới. Guồng máy điều hành EU tại Brusseles đã mở cuộc điều tra về việc trợ cấp hai công ty chế tạo các bàn sản xuất điện mặt trời của Trung Quốc. Các nước Mexico và Brazil cũng đang phản đối Trung Quốc về vấn đề này.
Trên nguyên tắc, kinh tế tư bản mạnh nhờ cạnh tranh tự do. Khi chính phủ trợ cấp cho một xí nghiệp hay một ngành công nghiệp thì cuộc cạnh tranh không còn tự do nữa. Trong thực tế, chính phủ Mỹ cũng đang khuyến khích các công ty trong ngành "công nghiệp xanh" qua đạo luật IRA (Inflation Reduction Act) nhưng mục tiêu là cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước Mỹ chứ không nhắm để xuất cảng ; và số tiền trợ cấp rất nhỏ so với Bắc Kinh.
Một điều các nhà ngoại giao thường làm là nhắc nhở những gì nước mình đã "làm ơn" cho các quốc gia khác, và những gì mình đã vì họ mà chịu thiệt hại. Ít nhất, để chứng tỏ hai bên không nhất thiết là thù địch mãi mãi. Trong chuyến đi Trung Quốc đầu tháng 4 vừa rồi, Janet Yellen nhắc lại năm 2001 chính phủ Mỹ đã mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO (World Trade Organization). Kể từ năm đó, hai triệu công việc làm trong các ngành chế tạo ở nước Mỹ đã biến mất ! Hai triệu người Mỹ mất việc, bị các công nhân Trung Quốc thay thế vì họ nhận đồng lương thấp hơn. Đó là một sự thật cần nhắc nhở Trung Quốc, mặc dù chính công nhân Mỹ không muốn làm những công việc đó nữa, và hàng chục triệu người đã tìm việc làm mới, chế tạo hay dịch vụ, với đồng lương cao hơn.
Lối nói năng thẳng thắn và nói sự thật của Janet Yellen đã gây được cảm tình với dư luận dân Trung Hoa. Năm ngoái, bà tới Bắc Kinh sau ngoại trưởng Antony Blinken, mọi người thấy ngay hai hình ảnh khác biệt ; một lạnh lùng, tính toán ; một thân mật, đầm ấm. Năm nay, khi tiếp đón bà ở Đại sảnh Nhân Dân, thủ tướng Trung Quốc Lý Cường công nhận chuyến đi của bà "được tất cả mọi người chú ý", giới truyền thông theo dõi, tường thuật rất nhiều.
Các báo, đài Trung Quốc đặc biệt theo dõi và kể lại những lần bà Yellen thưởng thức các món ăn Trung Hoa, các lãnh tụ Cộng sản cũng phải chú ý ! Bà đã thưởng thức Vịt Bắc Kinh với ông thị trưởng Ân Dũng (Yin Yong, 殷勇), và đến thăm nhà làm rượu bia Kinh A, do Alex Acker, một người Mỹ cùng một người Trung Hoa thành lập năm 2012. Bà uống thử hớp bia làm bằng hu blông, hops, nhập cảng từ Mỹ. Báo, đài loan tin lời bà khen bia ngon nhiều không khác gì các lời phàn nàn về chính sách kinh tế của nhà nước cộng sản !
Các mạng xã hội Trung Quốc đã chiếu đoạn phim video chụp cảnh bà Yellen đi ăn với Đai sứ Nicholas Burns, ngay buổi tối đầu tiên, tại quán Đào Đào Cư (陶陶居), một tiệm ăn nổi tiếng ở Quảng Châu, thành lập từ năm 1880. Ngày hôm sau, trên mạng Weibo, nhiều người khen bà cầm đũa rất khéo ! Khi gặp vị viện trưởng Đại học Bắc Kinh, ông cũng nhắc đến các bản tin bà đến Trung Quốc, bà nói ngay : "Họ coi cách tôi cầm đũa".
Trong quán ăn Đào Đào Cư có nhiều phòng riêng được ngăn cách kín đáo cho các thực khách quan trọng, nhưng Yellen chọn ngồi trong căn phòng lớn chung với mọi người. Bà cũng không phải là người lúc nào cũng "kén ăn". Năm ngoái, khi tới phi trường San Francisco đón Tập Cận Bình bay tới dự cuộc họp thượng đỉnh với Joe Biden, bà cũng vội vàng ghé trước vào quán In-N-Out ăn cho lẹ. Cảnh tượng này cũng được đưa lên các mạng xã hội.
Trong chuyến đi Trung Quốc đầu tiên của Yellen, các báo đài đua nhau loan tin bà Yellen có thể bị trúng độc sau khi ăn một món nấm ở quán Nhất Tọa Nhất Vong (Yi Zuo Yi Wang, 一坐一忘) ở Vân Nam. Nếu nấu không đúng phương pháp cổ truyền, nhiều người ăn thứ nấm này rồi có thể sinh ảo giác. Bà thú nhận, "Món nấm ăn ngon tuyệt ! Tôi không biết rằng nó có thể gây ảo giác, ăn xong mới nghe nói !
Nếu bà Yellen làm bộ trưởng ngoại giao thì bà sẽ nói chuyện với giới lãnh đạo Trung Quốc dễ dàng hơn ông Antony Blinken ! Thực ra, khi được ông Biden mời làm vị bộ trưởng tài chánh thứ 78 của nước Mỹ, bà đã không muốn nhận. Gia đình bà đã thuyết phục bà đổi ý ; trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.
Janet Yellen còn là phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch Quỹ Dực Trữ Liên Bang (Fed), là Ngân Hàng Trung Ương của nước Mỹ, cũng là phụ nữ đầu tiên chủ tọa Hội đồng Cố vấn Kinh tế chính phủ Mỹ (CEA). Từ khi tham dự hội đồng lãnh đạo Fed, từ năm 2004, cho đến nay, bà là người đóng vai trò cố vấn kinh tế cho các chính phủ Mỹ lâu nhất, chỉ thua ông Alan Greenspan. Ông chồng bà, George Akerlof, giải Nobel năm 2001, là người đặt nền tảng cho các phân tích về thông tin bất cân xứng (asymmetric information) trong kinh tế học với một bài viết từ năm 1970 về thị trường xe hơi cũ, "The Market for Lemons".
Bà Yellen cảnh cáo về các món trợ cấp "công nghiệp xanh" là tín hiệu cho thấy chính phủ Mỹ sẽ trả đũa. Tân Hoa Xã của Bắc Kinh mới nhắc nhở rằng xe chạy điện và phụ tùng xuất cảng sang Mỹ đã bị đánh thuế rất nặng, từ thời Tổng thống Trump. Họ chỉ không nói thêm rằng các công ty Trung Quốc đã tránh được các món thuế đó khi mở các cơ xưởng lắp ráp xe ở nước khác, được coi là từ Việt Nam hoặc Mexico bán qua Mỹ. Sang năm, dù ông Donald Trump hay Joe Biden làm tổng thống, Mỹ cũng sẽ tăng thuế trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Họ không thể than trách rằng Janet Yellen không báo trước !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 13/04/2024
Trong bài diễn văn về tình trạng liên bang đọc hôm tối thứ Ba, 30 tháng Giêng, Tổng Thống Donald Trump đã nhận là nhờ ông mà Hoa Kỳ đã có thành tích mạnh mẽ về tạo công ăn việc, lương bổng tăng, và mức thất nghiệp thấp nhất trong nhiều năm.
Bà Janet Yellen, Chủ tịch Hội đồng Dự trữ lên bang, tức là thống đốc Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ từ .
Trong khi đó, Tiến sĩ Janet Yellen, người thực sự chịu trách nhiệm cho những thành quả này, đang chuẩn bị rời bỏ chức vụ là chủ tịch của Hội đồng Dự trữ lên bang, tức là thống đốc Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ.
Hôm thứ Tư vừa qua, bà chủ trì phiên họp cuối của Ủy ban Chính sách của Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, và hôm thứ Sáu, 2 tháng Hai, là ngày cuối của bà ở Ngân hàng FED (Federal Reserve System).
Sáng thứ Hai tới, ông Jay Powell – một nhân vật Cộng Hòa, một giám đốc ngân hàng đầu tư, và đương kim thành viên của Hội Đồng Fed – sẽ tuyên thệ nhậm chức lên thay thế bà.
Trong một thế giới công bằng hơn, bà Yellen đáng lẽ phải được mời tiếp thêm nhiệm kỳ bốn năm thứ nhì, như hầu hết các người tiền nhiệm thuộc nam giới của bà. Nhưng vào cuối năm ngoái, ông Trump đã quyết định thay thế bà.
Sau khi đã trải qua 14 năm ở Fed, và là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo ngân hàng trong suốt lịch sử 105 năm, bà Yellen – một giáo sư kinh tế học nổi tiếng thông minh với bằng tiến sĩ kinh tế của Đại Học Yale – ra đi với một thành tích đáng kính nể.
Khi nhận chức vụ chủ tịch, bà nhanh chóng chứng tỏ nắm vững những phương cách khéo léo về truyền thông và chính trị cần thiết để điều hành một định chế như Fed. Trong các bài diễn văn và ở các cuộc họp báo, bà giải thích sự suy nghĩ của Fed rõ ràng và cẩn thận, tìm đủ mọi cách để không sử dụng những danh từ chuyên môn vốn được các kinh tế gia thường dùng.
Các bạn đồng nghiệp thích bà nhưng họ cũng kính nể bà, và bà cũng đã được lòng một số những nhân vật quan trọng bên Cộng Hòa ở Quốc Hội. Nhờ vậy mà những kêu gọi mới đây, từ một số nơi của đảng Cộng Hòa, đòi tổ chức một cuộc kiểm toán Ngân Hàng Fed có tính xoi mói, đã bị bác bỏ.
Bà cũng chơi được cả với ông Trump, vốn cùng là người New York.
Bà Yellen lớn lên ở Brooklyn. Hồi tháng Mười Một năm ngoái, khi ông Trump loan báo là ông sẽ chỉ định ông Powell thay vì giữ bà Yellen một nhiệm kỳ thứ nhì, ông đã tuyên bố "Bà là một người phụ nữ tuyệt vời vốn đã làm một công tác thật rất tốt".
Lời tuyên bố đặt câu hỏi tại sao ông ta không giữ bà Yellen lại. Nó được rộng rãi giả định là chính trị đảng phái đóng một vai quan trọng: Bà Yellen là một người Dân Chủ, và Tổng Thống Barack Obama chỉ định bà năm 2013. Nhưng cũng còn có một lý do có thể khác. Ông Trump có thể tin là với Tiến sĩ Yellen không còn tại chức, nó sẽ dễ dàng hơn cho ông "nhận vơ" một số những thành quả của bà.
Những thành quả này bao gồm việc trông nom cho một giai đoạn lịch sử tạo công ăn việc làm. Nhà bình luận Heather Long chỉ ra là "Dưới bà Yellen, mức thất nghiệp của Hoa Kỳ đã giảm xuống nhất trong tất cả các vị lãnh đạo Fed trong thời hiện đại".
Vào tháng Hai, 2014, khi bà Yellen nhậm chức, mức thất nghiệp là 6,7% ; ngày nay mức thất nghiệp là 4,1%. Và gần ba phần tư sự giảm mức thất nghiệp này đến trước khi ông Trump nhậm chức.
Cũng phải ghi nhận thêm là, khi bà Yellen nhậm chức, hầu hết các kinh tế gia tin là một mức thất nghiệp dưới 5%, hay khoảng đó sẽ dẫn đến lạm phát. Những cuốn sách dạy kinh tế nói là nếu thất nghiệp xuống dưới một mức nào đó, giá cả sẽ tăng. Để chặn một vòng xoắn leo thang lạm phát, Fed phải can thiệp vào và tăng lãi xuất nhanh chóng – và một hành động như vậy sẽ có nguy cơ dẫn đến suy thoái.
Tiến sĩ Yellen đã không chấp nhận lập trường máy móc này. Dẫn sự việc là nhiều triệu người đã không đi kiếm việc nữa trong và sau cuộc đại khủng hoảng năm 2007-2009. Bà lý luận là mức thất nghiệp là một thước đo không đủ cho tình trạng của thị trường lao động, và rằng có những thước đo khác, như là mức độ tham gia thị trường lao động, cũng cần phải được tính đến.
Còn gây tranh cãi hơn nữa, bà còn lý luận là có thể có những lợi ích quan trọng nếu Fed điều hành "một nền kinh tế áp lực cao", trong đó mức thất nghiệp được giữ thấp và chủ nhân khó tìm người. Trong tình trạng đó, bà Yellen dự đoán, trong một bài diễn văn hồi năm 2016, là các công nhân vốn đã bỏ thị trường lao động sẽ bị lôi cuốn trở lại, các công ty sẽ có khuyến khích để đầu tư, nhu cầu nói chung của nền kinh tế sẽ cao hơn, và tăng trưởng lương cũng như năng suất – vốn đã mãi không tăng – sẽ tăng.
Các kinh tế gia thì bảo lập luận này đã trở lại với những lập luận của thời thập niên 1960 bởi một thế hệ các kinh tế gia theo trường phái Keynes. Với sự thăng tiến của trường phái tân cổ điển thì lập luận này không còn hợp thời trang nữa. Nhưng như bà Yellen đã nhận thấy, nó có thể giữ chìa khóa cho việc vượt ra khỏi các chiều hướng tăng trưởng chậm, đầu tư ở mức thấp, và lương bổng không tăng.
Kinh nghiệm của tám năm qua cho thấy là cần phải có một sự sụt giảm mức thất nghiệp đáng kể cho lợi tức trung điểm của các gia đình hồi phục sự mất mát mà họ đã chịu trong cuộc suy thoái. Chỉ khi thất nghiệp xuống đến dưới mức trước kia được coi là an toàn thì lương mới tăng hơn lạm phát. Bà Yellen đã chào đón phát triển này và tìm cách khuyến khích thay vì là làm thui chột tăng trưởng quá sớm. Ngay cả bây giờ, gần chín năm hậu cuộc hồi phục năm 2009, lãi suất của Fed mới chỉ có 1,5%. Với lạm phát cũng ở mức 1,5 (theo cách đo mà Fed lựa chọn) – dưới mức chính thức của Fed là 2%.
Nó cũng có thể lý luận là – và đã được lý luận như vậy – là với mức lạm phát thấp như vậy, Fed không có lý do tăng lãi suất, ngay cả từ từ. Tuy nhiên ngược lại người ta cũng có thể lý luận là chính sách của Fed đã dẫn đến một cuộc tăng trưởng kinh hồn của thị trường chứng khoán mà nay đang có vẻ trở thành một cái bong bóng. Biết cả hai sự chỉ trích này, bà Yellen đã rút lui kích thích kinh tế từng bước một.
Nhờ Tổng Thống Trump và bên Cộng Hòa, Fed nay đối diện với một thách thức mới, trong hình thức thêm một kích thích cho nền kinh tế bằng cắt giảm thuế nhưng là cắt giảm ngay tức thời rồi từ từ rút. Liệu Fed có nên theo đuổi lập trường hiện nay và tìm cách thích ứng với kích thích này hay không ? Hay là nên tăng lãi xuất nhanh hơn.
Bà Yellen nay không còn phải đưa ra câu trả lời cho bài toán đó nữa. Cái bài toán nhức đầu đó nay sẽ là của ông Powell, người hẳn biết là bất cứ chỉ một dấu hiệu nào là Fed có một lập trường diều hâu hơn là sẽ bị tấn công bởi những tràng pháo kích Twitter từ tổng thống – kể cả sự có thể gây xáo trộn cho thị trường chứng khoán nữa.
Bà Yellen đáng được thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng bà thực sự đã ra đi thật đúng lúc.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 03/02/2018