Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/02/2018

Một nhân vật đáng kính nể

Lê Phan

Trong bài diễn văn về tình trạng liên bang đọc hôm tối thứ Ba, 30  tháng Giêng, Tổng Thống Donald Trump đã nhận là nhờ ông mà Hoa Kỳ đã có thành tích mạnh mẽ về tạo công ăn việc, lương bổng tăng, và mức thất nghiệp thấp nhất trong nhiều năm.

USA-FED/YELLEN

Bà Janet Yellen, Chủ tịch Hội đồng Dự trữ lên bang, tức là thống đốc Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ từ .

Trong khi đó, Tiến sĩ Janet Yellen, người thực sự chịu trách nhiệm cho những thành quả này, đang chuẩn bị rời bỏ chức vụ là chủ tịch của Hội đồng Dự trữ lên bang, tức là thống đốc Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ.

 Hôm thứ Tư vừa qua, bà chủ trì phiên họp cuối của Ủy ban Chính sách của Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, và hôm thứ Sáu, 2  tháng Hai, là ngày cuối của bà ở Ngân hàng FED (Federal Reserve System).

Sáng thứ Hai tới, ông Jay Powell – một nhân vật Cộng Hòa, một giám đốc ngân hàng đầu tư, và đương kim thành viên của Hội Đồng Fed – sẽ tuyên thệ nhậm chức lên thay thế bà.

Trong một thế giới công bằng hơn, bà Yellen đáng lẽ phải được mời tiếp thêm nhiệm kỳ bốn năm thứ nhì, như hầu hết các người tiền nhiệm thuộc nam giới của bà. Nhưng vào cuối năm ngoái, ông Trump đã quyết định thay thế bà.

Sau khi đã trải qua 14 năm ở Fed, và là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo ngân hàng trong suốt lịch sử 105 năm, bà Yellen – một giáo sư kinh tế học nổi tiếng thông minh với bằng tiến sĩ kinh tế của Đại Học Yale – ra đi với một thành tích đáng kính nể.

Khi nhận chức vụ chủ tịch, bà nhanh chóng chứng tỏ nắm vững những phương cách khéo léo về truyền thông và chính trị cần thiết để điều hành một định chế như Fed. Trong các bài diễn văn và ở các cuộc họp báo, bà giải thích sự suy nghĩ của Fed rõ ràng và cẩn thận, tìm đủ mọi cách để không sử dụng những danh từ chuyên môn vốn được các kinh tế gia thường dùng.

Các bạn đồng nghiệp thích bà nhưng họ cũng kính nể bà, và bà cũng đã được lòng một số những nhân vật quan trọng bên Cộng Hòa ở Quốc Hội. Nhờ vậy mà những kêu gọi mới đây, từ một số nơi của đảng Cộng Hòa, đòi tổ chức một cuộc kiểm toán Ngân Hàng Fed có tính xoi mói, đã bị bác bỏ.

Bà cũng chơi được cả với ông Trump, vốn cùng là người New York.

Bà Yellen lớn lên ở Brooklyn. Hồi  tháng Mười Một năm ngoái, khi ông Trump loan báo là ông sẽ chỉ định ông Powell thay vì giữ bà Yellen một nhiệm kỳ thứ nhì, ông đã tuyên bố "Bà là một người phụ nữ tuyệt vời vốn đã làm một công tác thật rất tốt".

Lời tuyên bố đặt câu hỏi tại sao ông ta không giữ bà Yellen lại. Nó được rộng rãi giả định là chính trị đảng phái đóng một vai quan trọng: Bà Yellen là một người Dân Chủ, và Tổng Thống Barack Obama chỉ định bà năm 2013. Nhưng cũng còn có một lý do có thể khác. Ông Trump có thể tin là với Tiến sĩ Yellen không còn tại chức, nó sẽ dễ dàng hơn cho ông "nhận vơ" một số những thành quả của bà.

Những thành quả này bao gồm việc trông nom cho một giai đoạn lịch sử tạo công ăn việc làm. Nhà bình luận Heather Long chỉ ra là "Dưới bà Yellen, mức thất nghiệp của Hoa Kỳ đã giảm xuống nhất trong tất cả các vị lãnh đạo Fed trong thời hiện đại".

Vào  tháng Hai, 2014, khi bà Yellen nhậm chức, mức thất nghiệp là 6,7% ; ngày nay mức thất nghiệp là 4,1%. Và gần ba phần tư sự giảm mức thất nghiệp này đến trước khi ông Trump nhậm chức.

Cũng phải ghi nhận thêm là, khi bà Yellen nhậm chức, hầu hết các kinh tế gia tin là một mức thất nghiệp dưới 5%, hay khoảng đó sẽ dẫn đến lạm phát. Những cuốn sách dạy kinh tế nói là nếu thất nghiệp xuống dưới một mức nào đó, giá cả sẽ tăng. Để chặn một vòng xoắn leo thang lạm phát, Fed phải can thiệp vào và tăng lãi xuất nhanh chóng – và một hành động như vậy sẽ có nguy cơ dẫn đến suy thoái.

Tiến sĩ Yellen đã không chấp nhận lập trường máy móc này. Dẫn sự việc là nhiều triệu người đã không đi kiếm việc nữa trong và sau cuộc đại khủng hoảng năm 2007-2009. Bà lý luận là mức thất nghiệp là một thước đo không đủ cho tình trạng của thị trường lao động, và rằng có những thước đo khác, như là mức độ tham gia thị trường lao động, cũng cần phải được tính đến.

Còn gây tranh cãi hơn nữa, bà còn lý luận là có thể có những lợi ích quan trọng nếu Fed điều hành "một nền kinh tế áp lực cao", trong đó mức thất nghiệp được giữ thấp và chủ nhân khó tìm người. Trong tình trạng đó, bà Yellen dự đoán, trong một bài diễn văn hồi năm 2016, là các công nhân vốn đã bỏ thị trường lao động sẽ bị lôi cuốn trở lại, các công ty sẽ có khuyến khích để đầu tư, nhu cầu nói chung của nền kinh tế sẽ cao hơn, và tăng trưởng lương cũng như năng suất – vốn đã mãi không tăng – sẽ tăng.

Các kinh tế gia thì bảo lập luận này đã trở lại với những lập luận của thời thập niên 1960 bởi một thế hệ các kinh tế gia theo trường phái Keynes. Với sự thăng tiến của trường phái tân cổ điển thì lập luận này không còn hợp thời trang nữa. Nhưng như bà Yellen đã nhận thấy, nó có thể giữ chìa khóa cho việc vượt ra khỏi các chiều hướng tăng trưởng chậm, đầu tư ở mức thấp, và lương bổng không tăng.

Kinh nghiệm của tám năm qua cho thấy là cần phải có một sự sụt giảm mức thất nghiệp đáng kể cho lợi tức trung điểm của các gia đình hồi phục sự mất mát mà họ đã chịu trong cuộc suy thoái. Chỉ khi thất nghiệp xuống đến dưới mức trước kia được coi là an toàn thì lương mới tăng hơn lạm phát. Bà Yellen đã chào đón phát triển này và tìm cách khuyến khích thay vì là làm thui chột tăng trưởng quá sớm. Ngay cả bây giờ, gần chín năm hậu cuộc hồi phục năm 2009, lãi suất của Fed mới chỉ có 1,5%. Với lạm phát cũng ở mức 1,5 (theo cách đo mà Fed lựa chọn) – dưới mức chính thức của Fed là 2%.

Nó cũng có thể lý luận là – và đã được lý luận như vậy – là với mức lạm phát thấp như vậy, Fed không có lý do tăng lãi suất, ngay cả từ từ. Tuy nhiên ngược lại người ta cũng có thể lý luận là chính sách của Fed đã dẫn đến một cuộc tăng trưởng kinh hồn của thị trường chứng khoán mà nay đang có vẻ trở thành một cái bong bóng. Biết cả hai sự chỉ trích này, bà Yellen đã rút lui kích thích kinh tế từng bước một.

Nhờ Tổng Thống Trump và bên Cộng Hòa, Fed nay đối diện với một thách thức mới, trong hình thức thêm một kích thích cho nền kinh tế bằng cắt giảm thuế nhưng là cắt giảm ngay tức thời rồi từ từ rút. Liệu Fed có nên theo đuổi lập trường hiện nay và tìm cách thích ứng với kích thích này hay không ? Hay là nên tăng lãi xuất nhanh hơn.

Bà Yellen nay không còn phải đưa ra câu trả lời cho bài toán đó nữa. Cái bài toán nhức đầu đó nay sẽ là của ông Powell, người hẳn biết là bất cứ chỉ một dấu hiệu nào là Fed có một lập trường diều hâu hơn là sẽ bị tấn công bởi những tràng pháo kích Twitter từ tổng thống – kể cả sự có thể gây xáo trộn cho thị trường chứng khoán nữa.

Bà Yellen đáng được thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng bà thực sự đã ra đi thật đúng lúc. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 03/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 791 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)