Những điểm tương đồng và khác biệt
Chính quyền hiện tại đã âm thầm phát triển nhiều chính sách dựa trên những gì đã có từ thời Trump.
Tranh biếm họa © James Ferguson
Donald Trump là một kẻ khoác lác và dối trá. Ông ta đã cố gắng tổ chức một cuộc đảo chính. Tôi nghĩ cả hai tuyên bố đó đều đúng. Nhưng cũng đúng là, với tư cách tổng thống, Trump có vai trò trong những thay đổi lịch sử về chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ mà Joe Biden sau đó đã phát triển thêm. Những thay đổi này có lẽ sẽ tiếp tục tồn tại – ngay cả khi Trump bị tống vào tù.
Điều gì khiến cho một nhiệm kỳ tổng thống thực sự mang tính lịch sử ? Về cơ bản, nó đòi hỏi phải đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ – những hậu quả và tiền đề của nó sau đó sẽ được các đối thủ chính trị của bạn chấp nhận và tiếp thu. Franklin Roosevelt đã làm điều đó qua Chính sách Kinh tế mới (New Deal), còn với Lyndon Johnson là Đạo luật Dân quyền (Civil Rights Act). Ronald Reagan thì triển khai một loạt các chính sách bãi bỏ quy định, cắt giảm thuế, mà ngày nay thường được gọi chung là chủ nghĩa tân tự do.
Các tổng thống kế nhiệm Reagan về cơ bản đã chấp nhận triết lý thị trường tự do mà ông để lại. Bill Clinton thúc đẩy Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). George W. Bush hoan nghênh Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chính quyền Obama hướng tới một hiệp ước đầu tư song phương Mỹ-Trung và đã đồng ý tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại tự do mới.
Tuy nhiên, Trump đã bác bỏ sự đồng thuận ủng hộ toàn cầu hóa kéo dài 40 năm trước đó. Trong chiến dịch tranh cử, ông cáo buộc Trung Quốc đang cười nhạo và cướp bóc nước Mỹ. Trong bài diễn văn nhậm chức, ông than thở về "cuộc tàn sát người dân Mỹ" mà ông đổ lỗi là do quá trình toàn cầu hóa. Ngồi ở hàng ghế khán giả, Bush được cho là đã lẩm bẩm, "Điều ông ta nói thật kỳ cục".
Trong ngày đầu tiên nhậm chức, Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP. Năm 2017, Mỹ đã cố tình gây trở ngại cho WTO bằng cách ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho tòa phúc thẩm của tổ chức này. Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại của Trump, đã áp một loạt thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc. Trump cũng đàm phán lại NAFTA, sau được đổi tên thành USMCA. Tất cả những điều này được biện minh là nhằm mang các việc làm trong ngành công nghiệp trở lại Mỹ.
Sự cạnh tranh mới với Trung Quốc cũng là vấn đề địa chính trị. Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Trump, được công bố vào năm 2017, đã coi "sự cạnh tranh giữa các cường quốc" với Trung Quốc và Nga là tâm điểm trong cách tiếp cận thế giới của Mỹ.
Và Biden đã làm gì với tất cả những thứ "kỳ cục" này ? Thay vì gạt chúng sang một bên, chính quyền của ông đã giữ lại hầu hết các chính sách thời Trump – và thậm chí còn phát triển dựa trên chúng. Họ đã không cố gắng tham gia lại TPP và tiếp tục ngăn chặn tòa phúc thẩm của WTO. Khi chia sẻ riêng tư, một số quan chức chính quyền nói rằng việc để Trung Quốc gia nhập WTO là một sai lầm. Mức thuế của Trump dành cho Trung Quốc vẫn còn hiệu lực.
Chính quyền này cũng đã chấp nhận khái niệm cạnh tranh giữa các cường quốc với Trung Quốc. Chiến lược An ninh Quốc gia thời Biden mô tả Trung Quốc là thách thức địa chính trị "quan trọng nhất" đối với Mỹ.
"Bidenomics" – các chính sách kinh tế đầy tham vọng và có tính can thiệp của tổng thống Biden – được thúc đẩy bởi mong muốn giống như Trump, là tái công nghiệp hóa nước Mỹ và xây dựng lại tầng lớp trung lưu.
Đội ngũ của Biden sẽ lập luận, với độ chính xác nhất định, rằng các chính sách của họ có hệ thống hơn các chính sách của chính quyền Trump và có một số yếu tố mới. Việc nhấn mạnh vào sử dụng năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu là các điểm riêng của Đảng Dân chủ.
Những nỗ lực của Biden nhằm kiềm chế quyền lực của Trung Quốc cũng ít bị ảnh hưởng bởi tính khí thất thường như Trump. Trump từng chọc tức Trung Quốc và rồi một giây sau lại dành lời khen ngợi cho nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình. Ông có lẽ coi hàng rào thuế quan của mình là phương tiện để cuối cùng đàm phán một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Trung Quốc, cho đến khi đại dịch đẩy lùi mọi nỗ lực cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Chính quyền Biden ít tập trung hơn vào cán cân thương mại Mỹ-Trung và đang nỗ lực một cách có hệ thống hơn để hạn chế xuất khẩu các công nghệ chính sang Trung Quốc. Biden cũng có thể tuyên bố đã đầu tư nhiều tiền hơn vào nỗ lực tái công nghiệp hóa nước Mỹ so với Trump.
Nhưng đây chủ yếu là những khác biệt trong việc triển khai chính sách, hơn là khác biệt về triết lý nền tảng. Dù họ không muốn thừa nhận điều này, nhưng đội ngũ của Biden đã chia sẻ nhiều giả định cơ bản của thời Trump – về thương mại, toàn cầu hóa, và sự cạnh tranh với Trung Quốc.
Có hai yếu tố đã thúc đẩy việc đánh giá lại này. Đầu tiên, chiến thắng của Trump vào năm 2016 đã buộc các đảng viên Dân chủ phải nhìn nhận hoàn cảnh khó khăn và sự tức giận của người lao động Mỹ một cách nghiêm túc hơn hẳn. Chính quyền Biden đã kết luận rằng họ không thể thuyết phục người dân Mỹ ủng hộ toàn cầu hoá được nữa. Nếu không có nỗ lực giải quyết các động lực kinh tế của Chủ nghĩa Trump, bản thân nền dân chủ có thể gặp nguy hiểm. Vì vậy, chính quyền Biden cuối cùng đã từ bỏ các ý tưởng thương mại tự do được phe "Dân chủ Mới" (New Democrats) của Bill Clinton áp dụng vào thập niên 1990.
Chính quyền Biden cũng tin, như Trump từng lập luận, rằng 40 năm chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trên thực tế đã thất bại và một Trung Quốc do Đảng Cộng sản lãnh đạo sẽ không bao giờ là một "bên liên quan có trách nhiệm" trong hệ thống quốc tế.
Do đó, ở những khía cạnh quan trọng, Trump đã mang lại một cuộc cách mạng lâu dài trong chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ.
Có vẻ kỳ lạ – thậm chí là phản cảm – khi công nhận ông vì những thay đổi quan trọng trong hệ tư tưởng và chính sách. Đối với nhiều người ở Washington, Trump là một kẻ man rợ, người mà di sản sẽ luôn là cuộc tấn công của ông ta vào hệ thống dân chủ Mỹ. Nhưng có lẽ chúng ta cần một kẻ man rợ dám phá vỡ điều cấm kỵ để thực hiện một bước đoạn tuyệt quyết định với sự đồng thuận 40 năm về thương mại, toàn cầu hóa, và Trung Quốc.
Gideon Rachman
Nguyên tác : Why Joe Biden is the heir to Trump", Financial Times, 7/8/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Ở lớp tuổi cao hơn các đối thủ, cả hai ông Trump và Biden cũng biết nói năng giản dị, dễ hiểu theo lối các cử tri bình thường. Hai phần ba dân Mỹ không bước vào các đại học bao giờ. Các nhà chính trị trẻ thường không quen dùng ngôn ngữ của những người chưa bao giờ đóng vai sinh viên !
Năm tới, không ai có triển vọng sẽ qua mặt được ông Trump và ông Biden trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ của mỗi đảng.
Hai phần ba dân Mỹ không muốn thấy ông Donald Trump ra tranh cử tổng thống nữa. Khoảng 80 phần trăm cũng nghĩ ông Joe Biden nên về hưu. Nhưng nếu hai ông Trump và Biden không ai bị tai nạn hoặc bệnh tật bất ngờ, sang năm họ sẽ tái đấu.
Năm tới, không ai có triển vọng sẽ qua mặt được hai người trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ của mỗi đảng.
Đảng Dân chủ rất dễ quyết định : Nếu không chọn Joe Biden thì chọn ai ? Trong đảng không thấy ai có thể giành được vị thế của ông. Bà Kamala D. Harris không hy vọng thắng bất cứ ứng cử viên nào của đảng Cộng hòa. Trong hai năm rưỡi qua bà không làm được việc gì hay tạo được một hình ảnh nào đáng ghi lại trong đầu dân chúng.
Phía đảng Cộng hòa, cuộc chạy đua có vẻ hào hứng hơn ; ông Trump mới bị cáo buộc thêm một tội hình sự vì lưu giữ các tài liệu mật sau khi mãn nhiệm, nhưng có thể nhờ thế ông sẽ được ủng hộ mạnh hơn.
Vụ khởi tố được chính ông Trump loan tin sớm, trước khi công tố viên loan báo, là một cơ hội khích động dư luận và kêu gọi gây thêm quỹ tranh cử. Tháng 6 và tháng 8/2022, cơ quan FBI khám nơi ông Trump cư ngụ ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago, Florida, tịch thâu hơn 300 tài liệu tối mật, những người ủng hộ ông đã phản ứng mạnh mẽ. Hiện tượng này đang tái diễn.
Tài liệu mật thường là những thông tin nếu để lọt ra ngoài sẽ nguy hại đến an ninh quốc gia. Theo luật "Chống gán điệp", những người lưu giữ tài liệu mật trái phép có thể bị truy tố tội hình sự.
Việc khởi tố ra tòa án liên bang phải đi qua thủ tục đặc biệt, qua một "đại bồi thẩm đoàn" gồm các công dân sống trong vùng xảy ra vụ vi phạm luật. Các vị đại bồi thẩm nghe các nhân chứng và xét các chứng cớ, thấy đủ lý do mới quyết định ; phải có ít nhất 12 đại bồi thẩm đồng ý thì mới khởi tố. Hiện Tổng thống Donald Trump đang bị truy tố ra tòa án tiểu bang New York với 34 "tội trạng" về sổ sách khai thuế khi ông trả tiền cho hai phụ nữ đã gặp trước khi làm tổng thống. Vụ án sẽ được xét xử vào tháng 3/2024. Vụ khởi tố mới này khác, về hình sự chứ không phải dân sự, và ở cấp liên bang.
Ông Trump cho biết sẽ trình diện với một vị thẩm phán tại Fort Pierce, cách Mar-a-Lago một giờ lái xe, do chính ông bổ nhiệm năm 2020, theo tin AP. Bà Aileen Cannon năm ngoái đã yêu cầu cử một "chuyên viên" coi lại những hồ sơ được FBI tịch thâu từ nhà ông Trump, nhưng sau đó bị tòa phúc thẩm bác bỏ.
Ông Trump vẫn có quyền ứng cử tổng thống dù đang bị truy tố và dù ra tòa có bị kết án. Theo hiến pháp Mỹ, ứng cử viên tổng thống chỉ cần ba điều kiện : ít nhất 35 tuổi, là công dân sanh ra ở nước Mỹ, và sống ở trong nước ít nhất 14 năm.
Một người đang bị tù cũng được ứng cử và nếu đắc cử có thể sẽ làm tổng thống. Năm 1920, ông Eugene Debs biểu tình chống chiến tranh, đang ở trong tù theo đạo luật gián điệp, vẫn tranh cử nhân danh đảng Xã hội. Ông Lyndon LaRouche cũng ứng cử tổng thống Mỹ nhiều lần, kể cả năm 1992 khi ông đang ngồi tù vì một vụ án lừa đảo.
Ngày thứ Ba tuần tới ông Trump sẽ "ra hầu tòa", lúc đó mới biết ông bị coi là vi phạm những điều luật nào ; và có thể biết bao giờ vụ xét xử mới bắt đầu. Nhưng mỗi lần ông Trump bị gọi ra tòa, những người ủng hộ ông đều phản ứng nồng nhiệt. Khi bị công tố viện New York khởi tố về vụ bà Daniels, quỹ tranh cử của ông đã nhận được thêm 2 triệu đô la trong hai ngày ; lần này, nhiều người lại gửi thêm tiền đóng góp. Các đại biểu quốc hội thuộc đảng Cộng hòa hầu hết chống lệnh khởi tố mới này và đả kích ông Joe Biden lạm dụng quyền hành, làm hại uy tín một ứng cử viên sẽ đối đầu mình. Một hệ quả đáng kể nhất là những người đang muốn giành vai trò của ông trong đảng đồng loạt lên tiếng bênh vực ông.
Cho nên ông Trump sẽ còn dẫn đầu rất xa. Càng nhiều người nhảy vô cuộc chạy đua, ông càng lợi ! Năm 2016 hàng chục ứng cử viên trong đảng không ai lo ngại lúc Donald Trump mới nhập trận. Sau khi ông Trump luôn luôn được 30% đến 40% cử tri bỏ phiếu ủng hộ tại hầu hết các tiểu bang thì những người khác mới thấy họ thua, không địch nổi, vì chỉ chia nhau số phiếu còn lại.
Ông Trump đã thắng thế nhờ phương thức chọn ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Sau các cuộc bỏ phiếu sơ bộ, người nhiều phiếu nhất có quyền đề cử tất cả các đại biểu của tiểu bang đi dự đại hội đảng. Ai chiếm được một số lớn rồi sẽ áp đảo mọi người khác. Bên đảng Dân chủ thì khác, mỗi ứng cử viên tổng thống chiếm được bao nhiêu phần trăm phiếu ở tiểu bang thì sẽ được chia cho số phần trăm các đại biểu tương ứng. Vì thế những người thua phiếu vẫn tiếp tục nuôi hy vọng.
Năm nay, riêng trong tuần đầu tháng 6 thêm ba người chính thức nhập cuộc, đối thủ được ông Trump chú ý nhất là Thống đốc tiểu bang Florida, người bị ông Trump chỉ trích và đặt biệt hiệu để chế nhạo, làm trò cười nhiều nhất. Ông Ron DeSantis không hề phản công đối thủ muốn tránh không làm mất lòng các cử tri Cộng hòa nòng cốt vẫn ngưỡng mộ ông Trump, nuôi hy vọng họ cũng ủng hộ mình. Ông DeSantis trình bày những chủ trương giống hệt và có phần bảo thủ hơn cả ông Trump, cốt để chinh phục các cử tri nòng cốt đó. Tuy khéo léo như vậy, DeSantis vẫn thua Trump ít nhất 30% trong số các cử tri Cộng hòa.
Phần lớn các ứng cử viên Cộng hòa khác cũng đi dây theo lối của DeSantis : Không ai đả kích ông Trump trực tiếp. Nhiều người còn có lý do khác : Hy vọng sang năm được ông Trump chọn làm ứng cử viên phó tổng thống ! Những người tuyên bố ra giành vai trò của ông Trump sớm nhất, là bà Nikki Haley, cựu thống đốc South Carolina, và nhà triệu phú Vivek Ramaswamy. Họ cũng ít bị ông Trump đả kích nhất, có triển vọng được chọn đóng vai phó.
Người không ngần ngại xung phong tấn công ông Trump là một đồng minh cũ, ông Chris Christie, cựu thống đốc New Jersey. Ông Christie chỉ trích thẳng các ứng cử viên khác không dám phê phán ông Trump : "Những người rón rén bước đi, tránh không dám đụng vào ông Trump thì không xứng đáng lãnh đạo !". Người bị ông Trump ghét nhất là Mike Pence, cựu phó tổng thống, đã từ chối không nghe theo đề nghị xóa bỏ kết quả cuộc bầu cử năm 2020. Ông Trump sẽ không cần lo đối phó với ông Pence, vì thừa biết rằng các cử tri nòng cốt của mình cũng ghét ông Pence thâm gan tím ruột ; nhiều người đã hô khẩu hiệu "Treo cổ Pence" trong ngày 6/1/2021 !
Cuối cùng, chắc cụ Biden và cụ Trump sẽ đối đầu nhau trong cuộc chạy đua năm 2024.
Tại sao những chính trị gia trẻ hơn lại thua hai cụ già 80 và 76 tuổi ?
Trong đời sống chính trị Mỹ, ứng cử viên càng được nhiều người biết tên càng có lợi thế, đặc biệt là trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ. Khi chọn người thay mặt đảng ra giành chức tổng thống, các cử tri thấy các quan điểm, chương trình, chính sách của họ không khác gì nhau mấy. Cuối cùng, tiêu chuẩn chọn lựa là coi người nào tiếng tăm, quen thuộc nhất trong bảng danh sách.
Hơn nữa, những người lớn tuổi hơn thì cũng giàu kinh nghiệm chính trị hơn. Ông Trump bước vào chính trị trễ, nhưng đã đầy kinh nghiệm thành công trên ti vi và trên trường kinh doanh.
Ở lớp tuổi cao hơn các đối thủ, cả hai ông Trump và Biden cũng biết nói năng giản dị, dễ hiểu theo lối các cử tri bình thường. Hai phần ba dân Mỹ không bước vào các đại học bao giờ. Các nhà chính trị trẻ thường không quen dùng ngôn ngữ của những người chưa bao giờ đóng vai sinh viên !
Cho nên, chắc đến tháng 11/2024 dân Mỹ vẫn lựa chọn giữa hai khuôn mặt quen thuộc, Donald Trump và Joe Biden.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 11/06/2023
Hôm 20/01/2021, ngày cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, báo chí Pháp tràn ngập tin bài về tân và cựu tổng thống Mỹ.
Cùng đăng ảnh ông Joe Biden tươi cười trên trang nhất, Libérationchạy tựa "Let’s Joe", tít lớn củaLa Croix là "Biden, bước ngoặt", còn đối vớiLes Echos là "Lời hứa Biden". Le Figaro chọn tấm ảnh công viên National Mall trước điện Capitol với 200.000 lá cờ để thay thế cho đám đông, và hàng tựa "Joe Biden, một nhiệm kỳ để hòa giải nước Mỹ". "Biden muốn khôi phục lại nước Mỹ như thế nào", tựa củaLe Monde.
Trong khi Washington dựng rào chắn khắp nơi để tránh bạo động, thung lũng Silicon cũng trực chiến để hạn chế những người ủng hộ tổng thống Donald Trump. Từ ngày 13/01, Airbnb hủy toàn bộ hợp đồng đặt phòng tại thủ đô và ngoại ô trong tuần lễ Joe Biden đăng quang, những người biểu tình bị nhận diện trong vụ xâm nhập điện Capitol cũng bị cấm đăng ký mạng này suốt đời.
Tất cả những bài đăng trên Facebook có câu "Stop the steal", cho rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận, đều bị xóa. Twitter cũng tỏ ra cứng rắn, xóa những tweet đặt vấn đề về kết quả bầu, cấm tác giả đăng bài từ 12 giờ đến 7 ngày. YouTube còn dữ dằn hơn : tất cả những kênh từ chối thất bại của Donald Trump đều bị cấm một tuần lễ, và nếu bị phạt 3 lần trong vòng 3 tháng sẽ xóa hẳn kênh. Nhưng biện pháp hiệu quả nhất của Big Tech là việc cấm đoán ông Trump. Có điều nhiều người ủng hộ Donald Trump lại "chuyển nhà" sang các nền tảng khác như Gab, MeWe, Telegram khiến cảnh sát rất khó theo dõi.
Trước hết, việc cho phe nổi dậy Houthi ở Yemen vào danh sách khủng bố đã củng cố sự ủng hộ của Washington đối với Saudi Arabia, trong khi Biden luôn ngờ vực thái tử Mohammed Ben Salman. Khi cho Cuba vào danh sách các nước ủng hộ khủng bố trở lại, ông Pompeo muốn ngăn cản việc nối lại đối thoại với La Havana. Vị ngoại trưởng của ông Trump còn tố cáo Iran là "căn cứ mới" của tổ chức khủng bố Al Qaeda và loan báo một loạt các trừng phạt cuối cùng.
Tuy không phải là không thể đảo ngược, nhưng việc vô hiệu hóa các quyết định này tốn rất nhiều công sức và thời gian, trong khi bộn bề công việc trước mắt.
Đầu tiên là hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược New Start với Nga sẽ hết hạn vào ngày 05/02, rồi đến việc Iran lại làm giàu uranium. Nếu tái lập đàm phán với Tehran, sẽ ảnh hưởng đến trục Israel và các quốc gia Sunni vùng Vịnh đã được chính quyền Donald Trump thiết lập. Việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel khiến ê-kíp mới bị mất đi một đòn bẩy trong hồ sơ Israel-Palestine.
Riêng về Trung Quốc, đây là điều hiếm hoi mà cả hai đảng đều ủng hộ chính sách của tổng thống mãn nhiệm. Trong hồ sơ này, Joe Biden có thể dựa vào các chuyên gia thời Obama. Bà Laura Rosenberger phụ trách về Trung Quốc ở Hội đồng An ninh Quốc gia từng nhiều lần đả kích Bắc Kinh đàn áp các nhà báo công dân và "ngoại giao khẩu trang".
Ông Kurt Campbell được bổ nhiệm làm điều phối viên Ấn Độ-Thái Bình Dương ở Ủy ban này càng không phải là tin vui cho Trung Quốc. Không chỉ ông Campbell từng xây dựng chủ trương "xoay trục" sang Châu Á, mà riêng việc đặt ra chức vụ mới này cho thấy ông Joe Biden coi trọng khái niệm bị Bắc Kinh cho là nhằm bao vây Trung Quốc. Thế nên Tân Hoa Xã đã quá vội vã khi viết "Thế là xong, Mike Pompeo ! Sau khi ông ra đi, thế giới chỉ có thể tốt đẹp hơn".
Dù ai có nói gì đi nữa về tính cách không giống bất cứ tổng thống tiền nhiệm nào, Donald Trump là người đầu tiên nói thẳng ra hầu hết những gì mà người Mỹ chỉ nghĩ thầm. Hoa Kỳ muốn vẫn là bạn tốt của Châu Âu, nhưng tình bạn này không thể làm Mỹ thiệt hại quá nhiều lợi ích, và Washington phải đóng vai trò chủ động. Giờ đây với Biden, chủ trương quốc phòng chung Châu Âu sẽ bị rơi vào quên lãng. Nụ cười của Biden sẽ thay thế cho sự cuồng nộ của Trump, có thể hiệu quả hơn để áp đặt chính sách Mỹ, và các Big Tech sẽ tiếp tục lấn lướt Châu Âu.
Bài xã luận của Les Echosmang tựa đề "Joe Biden, hy vọng và thực tế" cảnh giác sự nguy hiểm của xu hướng lãng mạn lúc Barack Obama được bầu lên cách đây 12 năm. Chính là tổng thống Dân chủ Bill Clinton chứ không phải phe Cộng hòa đã từ chối phê chuẩn hiệp ước Kyoto về khí hậu, và phản đối việc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế. Chính là Obama đã trở mặt vào giờ chót, không muốn cùng với Pháp và các đồng minh can thiệp vào Syria.
Trên một số phương diện, thậm chí còn phải nuối tiếc tổng thống Donald Trump, người đã tấn công vào các đại tập đoàn GAFA. Một lý do nữa để không quá hy vọng vào Joe Biden : nước Mỹ năm 2021 không giống như những năm 2000. Thế nên Châu Âu phải biết đoàn kết để có thể thuyết phục được chính quyền mới hợp tác trong những hồ sơ lớn như Trung Quốc.
Từ sau chuyến đi Texas tuần trước, tổng thống không rời khỏi Nhà Trắng. Theo báo chí Mỹ, công việc chính của ông Trump là chuẩn bị ân xá hàng loạt. Trump cũng thu một thông điệp cuối cùng trong đó nhấn mạnh công trạng đã đoàn kết được thế giới chống Trung Quốc và không tiến hành một cuộc chiến tranh mới nào. Như đã loan báo trước, Donald Trump không tham dự lễ nhậm chức của Biden. Ông chưa bao giờ công nhận chiến thắng của đối thủ, và chỉ nói "chính quyền mới" chứ không nhắc đến tên Joe Biden.
Hầu như không có một lễ tiễn đưa nào. Hôm thứ Hai 18/01, những chiếc xe tải của một công ty dọn nhà đã từ Nhà Trắng chạy về Florida, nơi có trang trại Mar-a-Lago của nhà tỉ phú. Hôm nay thứ Tư 20/01, sau khi từ biệt những người thân cận nhất tại căn cứ Không quân Andrews, Trump lên chiếc Air Force One dành cho tổng thống, mà đến trưa là ông không còn quyền sử dụng. Đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng có thông điệp từ biệt, trong đó bà gọi bốn năm vừa qua là "vinh dự nhất trong cuộc đời".
Ông sẽ sống bằng gì ? Đại dịch đã làm nguồn thu nhập chính của Trump Organization từ khách sạn và bất động sản giảm mạnh. Sau vụ tấn công điện Capitol PGA Championship không còn tổ chức thi đấu tại sân gôn của Donald Trump từ mùa tới. Trump cũng sẽ gặp một số rắc rối với cơ quan thuế và tư pháp.
Vụ Capitol cũng làm Donald Trump khó có khả năng quay lại vào năm 2024. Tuy nhiên những nhân vật Cộng hòa đang có tham vọng vẫn phải dè chừng. Vào đầu năm nay, ngay cả sau xì-căng-đan trên, hơn 80% cử tri Cộng hòa vẫn ủng hộ Donald Trump, nên dù không là ứng cử viên, tiếng nói của ông vẫn rất có trọng lượng trong mùa bầu cử tổng thống tới.
Tác giả Benjamin Haddad đặt câu hỏi, liệu Biden có thể chữa lành những vết thương của nước Mỹ ? Sâu sắc hơn và vượt lên trên tính cách của Donald Trump, cuộc khủng hoảng ngày 06/01 bộc lộ rõ những rạn vỡ, người Mỹ không còn có thể đối thoại với nhau, phe này từ chối tính chính danh của phe kia.
Trong bài xã luận, Le Figaro kể ra những thách thức ở quốc nội của tổng thống thứ 46 mà tờ báo gọi là công việc của Hercule : đại dịch Covid đang gây ra 4.000 trường hợp tử vong một ngày, nền kinh tế đang chờ đợi các biện pháp thúc đẩy, bất bình đẳng xã hội, kỳ thị chủng tộc…. Bao trùm lên những hồ sơ này là cái bóng của Donald Trump. Sau địa ốc và truyền hình thực tế, ông Trump thành công trong chính trị khi bất ngờ đắc cử tổng thống, và còn thu được đến 74 triệu phiếu bầu trong kỳ vừa qua. Trump từ chối mọi động thái phất cờ trắng. Một cuộc chiến mới bắt đầu, liệu Hercule Biden có đấu nổi với Rambo Trump hay không ?
Thụy My