Ở lớp tuổi cao hơn các đối thủ, cả hai ông Trump và Biden cũng biết nói năng giản dị, dễ hiểu theo lối các cử tri bình thường. Hai phần ba dân Mỹ không bước vào các đại học bao giờ. Các nhà chính trị trẻ thường không quen dùng ngôn ngữ của những người chưa bao giờ đóng vai sinh viên !
Năm tới, không ai có triển vọng sẽ qua mặt được ông Trump và ông Biden trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ của mỗi đảng.
Hai phần ba dân Mỹ không muốn thấy ông Donald Trump ra tranh cử tổng thống nữa. Khoảng 80 phần trăm cũng nghĩ ông Joe Biden nên về hưu. Nhưng nếu hai ông Trump và Biden không ai bị tai nạn hoặc bệnh tật bất ngờ, sang năm họ sẽ tái đấu.
Năm tới, không ai có triển vọng sẽ qua mặt được hai người trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ của mỗi đảng.
Đảng Dân chủ rất dễ quyết định : Nếu không chọn Joe Biden thì chọn ai ? Trong đảng không thấy ai có thể giành được vị thế của ông. Bà Kamala D. Harris không hy vọng thắng bất cứ ứng cử viên nào của đảng Cộng hòa. Trong hai năm rưỡi qua bà không làm được việc gì hay tạo được một hình ảnh nào đáng ghi lại trong đầu dân chúng.
Phía đảng Cộng hòa, cuộc chạy đua có vẻ hào hứng hơn ; ông Trump mới bị cáo buộc thêm một tội hình sự vì lưu giữ các tài liệu mật sau khi mãn nhiệm, nhưng có thể nhờ thế ông sẽ được ủng hộ mạnh hơn.
Vụ khởi tố được chính ông Trump loan tin sớm, trước khi công tố viên loan báo, là một cơ hội khích động dư luận và kêu gọi gây thêm quỹ tranh cử. Tháng 6 và tháng 8/2022, cơ quan FBI khám nơi ông Trump cư ngụ ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago, Florida, tịch thâu hơn 300 tài liệu tối mật, những người ủng hộ ông đã phản ứng mạnh mẽ. Hiện tượng này đang tái diễn.
Tài liệu mật thường là những thông tin nếu để lọt ra ngoài sẽ nguy hại đến an ninh quốc gia. Theo luật "Chống gán điệp", những người lưu giữ tài liệu mật trái phép có thể bị truy tố tội hình sự.
Việc khởi tố ra tòa án liên bang phải đi qua thủ tục đặc biệt, qua một "đại bồi thẩm đoàn" gồm các công dân sống trong vùng xảy ra vụ vi phạm luật. Các vị đại bồi thẩm nghe các nhân chứng và xét các chứng cớ, thấy đủ lý do mới quyết định ; phải có ít nhất 12 đại bồi thẩm đồng ý thì mới khởi tố. Hiện Tổng thống Donald Trump đang bị truy tố ra tòa án tiểu bang New York với 34 "tội trạng" về sổ sách khai thuế khi ông trả tiền cho hai phụ nữ đã gặp trước khi làm tổng thống. Vụ án sẽ được xét xử vào tháng 3/2024. Vụ khởi tố mới này khác, về hình sự chứ không phải dân sự, và ở cấp liên bang.
Ông Trump cho biết sẽ trình diện với một vị thẩm phán tại Fort Pierce, cách Mar-a-Lago một giờ lái xe, do chính ông bổ nhiệm năm 2020, theo tin AP. Bà Aileen Cannon năm ngoái đã yêu cầu cử một "chuyên viên" coi lại những hồ sơ được FBI tịch thâu từ nhà ông Trump, nhưng sau đó bị tòa phúc thẩm bác bỏ.
Ông Trump vẫn có quyền ứng cử tổng thống dù đang bị truy tố và dù ra tòa có bị kết án. Theo hiến pháp Mỹ, ứng cử viên tổng thống chỉ cần ba điều kiện : ít nhất 35 tuổi, là công dân sanh ra ở nước Mỹ, và sống ở trong nước ít nhất 14 năm.
Một người đang bị tù cũng được ứng cử và nếu đắc cử có thể sẽ làm tổng thống. Năm 1920, ông Eugene Debs biểu tình chống chiến tranh, đang ở trong tù theo đạo luật gián điệp, vẫn tranh cử nhân danh đảng Xã hội. Ông Lyndon LaRouche cũng ứng cử tổng thống Mỹ nhiều lần, kể cả năm 1992 khi ông đang ngồi tù vì một vụ án lừa đảo.
Ngày thứ Ba tuần tới ông Trump sẽ "ra hầu tòa", lúc đó mới biết ông bị coi là vi phạm những điều luật nào ; và có thể biết bao giờ vụ xét xử mới bắt đầu. Nhưng mỗi lần ông Trump bị gọi ra tòa, những người ủng hộ ông đều phản ứng nồng nhiệt. Khi bị công tố viện New York khởi tố về vụ bà Daniels, quỹ tranh cử của ông đã nhận được thêm 2 triệu đô la trong hai ngày ; lần này, nhiều người lại gửi thêm tiền đóng góp. Các đại biểu quốc hội thuộc đảng Cộng hòa hầu hết chống lệnh khởi tố mới này và đả kích ông Joe Biden lạm dụng quyền hành, làm hại uy tín một ứng cử viên sẽ đối đầu mình. Một hệ quả đáng kể nhất là những người đang muốn giành vai trò của ông trong đảng đồng loạt lên tiếng bênh vực ông.
Cho nên ông Trump sẽ còn dẫn đầu rất xa. Càng nhiều người nhảy vô cuộc chạy đua, ông càng lợi ! Năm 2016 hàng chục ứng cử viên trong đảng không ai lo ngại lúc Donald Trump mới nhập trận. Sau khi ông Trump luôn luôn được 30% đến 40% cử tri bỏ phiếu ủng hộ tại hầu hết các tiểu bang thì những người khác mới thấy họ thua, không địch nổi, vì chỉ chia nhau số phiếu còn lại.
Ông Trump đã thắng thế nhờ phương thức chọn ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Sau các cuộc bỏ phiếu sơ bộ, người nhiều phiếu nhất có quyền đề cử tất cả các đại biểu của tiểu bang đi dự đại hội đảng. Ai chiếm được một số lớn rồi sẽ áp đảo mọi người khác. Bên đảng Dân chủ thì khác, mỗi ứng cử viên tổng thống chiếm được bao nhiêu phần trăm phiếu ở tiểu bang thì sẽ được chia cho số phần trăm các đại biểu tương ứng. Vì thế những người thua phiếu vẫn tiếp tục nuôi hy vọng.
Năm nay, riêng trong tuần đầu tháng 6 thêm ba người chính thức nhập cuộc, đối thủ được ông Trump chú ý nhất là Thống đốc tiểu bang Florida, người bị ông Trump chỉ trích và đặt biệt hiệu để chế nhạo, làm trò cười nhiều nhất. Ông Ron DeSantis không hề phản công đối thủ muốn tránh không làm mất lòng các cử tri Cộng hòa nòng cốt vẫn ngưỡng mộ ông Trump, nuôi hy vọng họ cũng ủng hộ mình. Ông DeSantis trình bày những chủ trương giống hệt và có phần bảo thủ hơn cả ông Trump, cốt để chinh phục các cử tri nòng cốt đó. Tuy khéo léo như vậy, DeSantis vẫn thua Trump ít nhất 30% trong số các cử tri Cộng hòa.
Phần lớn các ứng cử viên Cộng hòa khác cũng đi dây theo lối của DeSantis : Không ai đả kích ông Trump trực tiếp. Nhiều người còn có lý do khác : Hy vọng sang năm được ông Trump chọn làm ứng cử viên phó tổng thống ! Những người tuyên bố ra giành vai trò của ông Trump sớm nhất, là bà Nikki Haley, cựu thống đốc South Carolina, và nhà triệu phú Vivek Ramaswamy. Họ cũng ít bị ông Trump đả kích nhất, có triển vọng được chọn đóng vai phó.
Người không ngần ngại xung phong tấn công ông Trump là một đồng minh cũ, ông Chris Christie, cựu thống đốc New Jersey. Ông Christie chỉ trích thẳng các ứng cử viên khác không dám phê phán ông Trump : "Những người rón rén bước đi, tránh không dám đụng vào ông Trump thì không xứng đáng lãnh đạo !". Người bị ông Trump ghét nhất là Mike Pence, cựu phó tổng thống, đã từ chối không nghe theo đề nghị xóa bỏ kết quả cuộc bầu cử năm 2020. Ông Trump sẽ không cần lo đối phó với ông Pence, vì thừa biết rằng các cử tri nòng cốt của mình cũng ghét ông Pence thâm gan tím ruột ; nhiều người đã hô khẩu hiệu "Treo cổ Pence" trong ngày 6/1/2021 !
Cuối cùng, chắc cụ Biden và cụ Trump sẽ đối đầu nhau trong cuộc chạy đua năm 2024.
Tại sao những chính trị gia trẻ hơn lại thua hai cụ già 80 và 76 tuổi ?
Trong đời sống chính trị Mỹ, ứng cử viên càng được nhiều người biết tên càng có lợi thế, đặc biệt là trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ. Khi chọn người thay mặt đảng ra giành chức tổng thống, các cử tri thấy các quan điểm, chương trình, chính sách của họ không khác gì nhau mấy. Cuối cùng, tiêu chuẩn chọn lựa là coi người nào tiếng tăm, quen thuộc nhất trong bảng danh sách.
Hơn nữa, những người lớn tuổi hơn thì cũng giàu kinh nghiệm chính trị hơn. Ông Trump bước vào chính trị trễ, nhưng đã đầy kinh nghiệm thành công trên ti vi và trên trường kinh doanh.
Ở lớp tuổi cao hơn các đối thủ, cả hai ông Trump và Biden cũng biết nói năng giản dị, dễ hiểu theo lối các cử tri bình thường. Hai phần ba dân Mỹ không bước vào các đại học bao giờ. Các nhà chính trị trẻ thường không quen dùng ngôn ngữ của những người chưa bao giờ đóng vai sinh viên !
Cho nên, chắc đến tháng 11/2024 dân Mỹ vẫn lựa chọn giữa hai khuôn mặt quen thuộc, Donald Trump và Joe Biden.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 11/06/2023