Có lẽ chúng ta cần vượt qua lối nói chung chung "Đại dịch này là do nước Trung Quốc". Ta cần chỉ mặt đặt tên ai mới chính là kẻ có tội.
Để cho đại dịch này xảy ra như hôm nay là tội lỗi của ông Tập Cận Bình và phe đảng sùng bái ông ta.
Một đất nước có bao giờ làm gì đâu, chỉ có những con người và nhóm người cụ thể, như Hitler, đảng Quốc xã, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Kissinger, Pol Pot… mới là những kẻ đã gây ra sự việc.
Không phải quốc gia Rwanda, mà chỉ một số người cụ thể mới chính là những kẻ đã thực hiện tội ác diệt chủng.
Đúng vậy. Chỉ một số kẻ ở Trung Quốc, phe nhóm của ông Tập Cận Bình và chính ông ta, đã cố tình giấu nhẹm thông tin và dập tắt những nỗ lực chống dịch kịp thời để rồi mãi cho đến nay ta vẫn không biết rõ thực chất điều gì đã xảy ra.
Quá trễ mất rồi ?
Riêng tôi, tôi nghi ngờ cái tuyên bố của họ rằng là "không có ca nào mới". Không phải chính quyền Bắc Kinh (mà cụ thể là Tập Cận Bình) cũng luôn khăng khăng rằng là làm gì có vụ Thảm sát Thiên An Môn và hơn triệu người Duy Ngô Nhĩ bị cầm tù, rằng là toàn bộ vùng Biển Đông Nam Á đều "thuộc về" Trung Quốc đó sao. Ngây dại gì mà tin !
Mặc cho họ có tuyên truyền nhồi sọ giỏi đến đâu, dù là bằng cách Trung Quốc Nhật Báo (China Daily) nhét tiền "bẩn" vào miệng mấy tờ báo Mỹ hay đăng quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội Facebook, vốn đang bị cho là suy đồi đạo đức, chúng ta cần phải buộc những thế lực hủ bại chịu trách nhiệm.
Cũng vậy, chúng ta cần phải chỉ rõ tội trạng "lập lờ đánh lận con đen" của ông Donald Trump (không phải của nước Mỹ) và trách nhiệm của Trump đối với những phản ứng tệ hại chết người của nội các Trump nói riêng và chính quyền liên bang nói chung.
Chúng ta cần phải chỉ rõ tội trạng "lập lờ đánh lận con đen" của ông Donald Trump (không phải của nước Mỹ) và trách nhiệm của Trump đối với những phản ứng tệ hại chết người của nội các Trump nói riêng và chính quyền liên bang nói chung. Ảnh GETTY IMAGES
Hơn hết, ta cần phải truy vấn tại sao hệ thống y tế công ở Mỹ và cả ở nhiều nước Châu Âu, vốn đáng lẽ là rất hiệu quả và hiện đại lại trở nên vô dụng khi đương đầu với đại dịch. Sự chuẩn bị xã hội và ngân sách công đâu rồi ?
Đã tiêu tán cho chiến tranh Iran, Afghanistan, gói giải cứu tài chính năm 2008, cắt giảm thuế cho giới siêu giàu hay đang nằm đâu đó trong những tài khoản ngân hàng bí mật. Năng lực của nhà nước đã và đang ở mức nào ?
Quá trễ mất rồi, trễ ít nhất là cả một thế hệ !
Điều không bao giờ được quên
Nhưng quan trọng là ta phải nhận ra rằng để cho đại dịch này xảy ra như hôm nay là tội lỗi của ông Tập Cận Bình và phe đảng sùng bái ông ta.
Sự thật là nếu như các nhà chức trách ở Vũ Hán quản lý hiệu quả những khu chợ động vật hoang dã tiềm ẩn đầy dịch bệnh, vốn được cho mở lại trong suốt 17 năm (những 17 năm !) kể từ dịch SARS 1, và phản ứng một cách có trách nhiệm với những mối nguy hiểm cụ thể từ tháng 11 và 12/2019 và suốt cả tháng một năm 2020, thì chúng ta đã không phải chứng kiến hàng ngàn người đang chết, và có lẽ là hàng triệu người sớm sẽ phải bỏ mạng trên khắp thế giới.
Hàng triệu người trên thế giới nhiều khả năng sẽ chết vì sự sai lầm của Tập Cận Bình trong công tác quản lý chợ và trong việc đã đàn áp phản ứng hiệu quả, kể cả việc cố tình cho phép hàng ngàn chuyến bay đi khắp nơi được khởi hành từ tâm dịch. Đây là điều chúng ta không bao giờ được quên !
Chúng ta phải vạch mặt chiến dịch của chế độ Tập Cận Bình vốn đang ra sức ‘lòe’ cả thế giới về tuyên bố đại thắng dịch bệnh, tuyên bố về năng lực siêu phàm, đang nhìn xuống khinh mạn các nước đang chết dần và suy sụp về kinh tế lẫn xã hội trong cơn đại dịch mà chính chế độ hủ bại mà ông ta dung dưỡng, gây ra.
Cũng đừng ảo tưởng
Chúng ta đương nhiên cũng không quên rằng cũng có một số người Trung Hoa đại lục chân chính, kể cả một số đảng viên trong đảng của Tập và hàng ngàn người Trung Quốc khác, đã cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo và tiến hành những biện pháp y tế cộng đồng hiệu quả.
Chính họ cũng đã bị bịt miệng và thậm chí đang chịu cảnh tù đày.
Ta cũng không nên ảo tưởng rằng những giá trị Khổng giáo hay độc đoán ít nhiều lại hiệu quả hơn trong việc dập dịch.
Đài Loan và Hàn Quốc là những xã hội dân chủ. Khổng giáo, như Lưu Hiểu Ba đã chỉ ra, là nguồn nguy hiểm chết người vì chính nó tạo điều kiện cho sự đàn áp một cách có hệ thống và đẫm máu, như vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989 và việc bôi xóa sự kiện này khỏi lịch sử.
Chính Khổng giáo đã góp phần tạo ra một nền văn hóa cúi đầu đang dung dưỡng sự bất tài, dối lừa và tàn bạo hiện nay.
Khả năng hợp tác vì lợi ích cộng đồng trong thời bình cũng như thời kỳ khủng hoảng cần phải có mức độ tín nhiệm xã hội nhất định, vốn đôi khi cao hơn ở Đông Á và một vài nước dân chủ xã hội Châu Âu so với những nơi khác.
Sô-vanh cộng sản, Khổng giáo và hành động cần làm ?
Chúng ta cần hỏi tại sao người Đài Loan và người Hàn Quốc sống trong những xã hội dân chủ và người Trung Quốc lục địa, người Singapore và Hồng Kông sống dưới những chế độ có phần độc tài hơn, lại có thể phối hợp với nhau khi cần vì lợi ích chung nhưng lại ít nhiều không hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng (chẳng hạn như Trung Quốc vẫn để cho môi trường bị ô nhiễm chết người, vẫn tiêu thụ chất melamine, sản xuất và xuất khẩu thuốc men và thức ăn độc hại hay như việc tạo điều kiện dẫn đến điều được cho là dơi lây bệnh sang người…).
Chính Khổng giáo đã góp phần tạo ra một nền văn hóa cúi đầu đang dung dưỡng sự bất tài, dối lừa và tàn bạo hiện nay.
Cần phải có câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng này, nếu như chúng ta còn muốn sống trong một thế giới an toàn hơn.
Chúng ta cũng cần phải hỏi tại sao những người lên tiếng cảnh báo lại tiếp tục bị bịt miệng để rồi hệ quả là rủi ro lan rộng.
Nếu vị bác sĩ Trung Quốc Lý Văn Lượng và vị bác sĩ người Mỹ Helen Chu, những người sớm phát hiện ra dịch bệnh đang lan rộng ở nước họ mà không bị đàn áp thì chúng ta đã ở tình thế tốt hơn bây giờ.
Cả hai, cũng như tất cả chúng ta, đều là nạn nhân của chủ nghĩa sô-vanh sùng bái tinh thần bè phái cực đoan.
Nói cách khác, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng như việc đổ lỗi cho toàn bộ các quốc gia không giúp giải quyết được vấn đề.
Tương tự, ca ngợi thể chế độc đoán hay ‘văn hóa Khổng giáo’ là một điều vô nghĩa. Đủ rồi, hãy thôi đi !
Thay vì vậy, hãy buộc những người có chức quyền phải chịu trách nhiệm.
Hãy lên tiếng nói ủng hộ, bỏ phiếu và đòi hỏi một chính phủ minh bạch, có trách nhiệm và hiệu quả.
Hãy nhớ người đàn ông vô danh đứng trước bánh xe tăng ở quảng trường Thiên An Môn ngày đó. Hãy nhớ Rosa Parks* !
Jonathan London
Nguồn : BBC, 24/03/2020
* Rosa Louise McCauley Parks (1913 - 2005) là một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu xã hội học và chính trị đang giảng dạy tại Đại học Leiden, Hà Lan.
Trong ba ngày qua, người Việt Nam đã thấy một hiện tượng khá hiếm trong lịch sử của đất nước mình, khi có những cuộc biểu tình với nhiều quy mô khác nhau đã xãy ra trên phạm vi cả nước.
Hình chụp ở Hà Nội ngày 10/6/2018
Những cuộc biểu tình trên rất khó để đánh giá ý nghĩa của nó, vì đa số người dân tập trung vào những điều đang diễn ra trên mặt đường phố.
Điều đó dễ hiểu. Ở nước nào cũng vậy.
Song, người Việt Nam phải tìm cách để xem và hiểu những sự kiện này từ nhiều góc độ và cũng phải tìm các gốc của vấn đề để phân tích và giải thích nó.
Nhìn chung, việc biểu tỉnh ở Việt Nam ngày nay - dù dữ dội đến mức độ nào - là không bất ngờ lắm. Dư luận Việt Nam sau nhiều tuần căng thẳng, nhiều người đang rất búc xức về nhiều vấn đề, trong đó có hai tranh luận chính là về chuyện Đặc Khu/99 năm và chuyện Dự Luật An ninh mạng.
Sáng thứ hai, Quốc Hội Việt Nam đã một lần nữa thông báo lùi việc thông qua mấy điều luật đang gây tranh cãi này vào một dịp khác. Liệu số phận của Luật An ninh mạng sẽ được lùi đến bao giờ cũng chưa rõ ?
Là một người quan sát và quan tâm về sự phát triển chính trị xã hội và kinh tế của Việt Nam, hy vọng của tôi là những gì đang tiếp diễn có thể tạo điều kiện cho người Việt Nam suy ngẫm về nguồn gốc của sự căng thẳng mà chúng ta đang thấy.
Tất nhiên có nhiều quan điểm khác nhau. Đến nay, quan điểm chính của Nhà nước Việt Nam có vẻ là những căng thẳng mà chúng ta đang thấy chủ yếu là ở chỗ có quá nhiều người hiểu lầm về nội dung và mục đích của những chính sách dẫn đến lòng yêu nước của nhiều người bị lợi dụng, làm cho họ xuống đường.
Quan điểm này thấy rõ trong những bài báo mà báo chí nhà nước đã cho đăng. Theo quan điểm này, việc hỗn loạn như thế xảy ra là một trong những lý do để có Luật An ninh mạng. Dù quan điểm rất dễ hiểu, tôi lo quan điểm này trái ngược với Hiến pháp của Việt Nam về quyền con người, và ngược với lòng dân Việt Nam.
Vậy, tôi đề nghị gì ?
Trước hết tôi đề nghị những ai quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam thấy rõ quá trình làm ra những dự luật, quyết định lớn của Việt Nam, dù vốn đã được 'lịch sử giao cho Đảng bộ,' hiện nay phải thừa nhận là có vấn đề.
Dù có quan điểm như thế nào, chúng ta không nên bỏ qua một thực tế rất rõ : khi những quyết định lớn mà ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, xã hội Việt Nam một cách thiếu minh bạch thì người dân không dễ gì chấp nhận nó. Những quyết đinh lớn phải được thảo luận và phân tích một cách cởi mở mới dành được sự ủng hộ đích thực của xã hội.
Vậy, trong lúc căng thẳng chúng ta phải bình tĩnh. Phải xem đâu là vấn đề sơ bộ, đâu là gốc rễ của vấn đề.
Sau hơn 20 năm nghiên cứu về Việt Nam tôi thấy người dân Việt Nam muốn đất nước của mình phát triển mạnh mẽ một cách bền vững hơn. Họ muốn sống trong một xã hội minh bạch hơn, có một trật tự xã hội công bằng và an toàn, xứng đáng với giá trị dân xã của đất nước.
Tôi lo cứ bảo "những quyết định nhà nước là làm theo đúng quy trình" là chưa đủ. Có vẻ cả quy trình phải được cải cách chứ ? Việc cải cách quy trình đó thế nào là câu hỏi lớn và chỉ cho người Việt Nam quyết định.
Cho đến cuối ngày thứ hai (ngày 11 tháng 6 năm 2018) lúc mà tôi viết mấy dòng này, Việt Nam vẫn còn căng thẳng. Biểu tình vẫn còn. Cả nước Việt Nam và thậm chí toàn thế giới đang quan tâm. Tôi cũng quan tâm và mong người Việt Nam sáng suốt, cẩn thận, và an toàn….
Là một nhà nghiên cứu, tôi mong đóng góp một cách xây dựng cho sự phát triển của Việt Nam, xin đề nghị cũng không vội thông qua Luật An ninh mạng. Làm thế cũng có thể hiểu lầm gốc của những vấn đề đang gây căng thẳng ở Việt Nam trong những ngày qua.
Cách đây đúng một năm tôi đã viết và đăng tại đây một bài tên ‘Thư gửi Việt Nam’. Viết tại Hà Nội ngay lúc tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đặt chân tới Washington.
Donald Trump và trật tự thế giới mới. Ảnh minh họa -The Boston Globe
Một năm trôi qua mà không viết thêm được bài nào … Cho đến nay.
Đúng một năm sau tôi đã về Việt Nam và đang viết bài này ngay tại Sài Gòn. Với bài này, tôi xin rũ bỏ mọi nghiệp xấu của năm qua và lại tiếp tục sự nghiệp.
Trong bài "Thư gửi Việt Nam" tôi đã báo động về hai điều. Một là nguy cơ toàn thế giới sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng khủng khiếp. Hai là đoán riêng nước Mỹ sẽ rơi vào một cơn khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ thời Nội chiến của Mỹ. Ngoài ra tôi có nêu một số nhận xét về ý nghĩa của thời Trump đối với Việt Nam. Vậy, hiện tại và ngay sau ông Trump đã qua Việt Nam, chúng ta đang thấy gì ? Ở đây chỉ nêu những sự khác biệt lớn nhất và để lại những vấn đề cụ thể cho những bài tiếp theo.
Nhìn chung, thế giới của hôm nay, nước Mỹ của hôm nay, và Việt Nam của hôm nay đã khá là khác với thế giới, nước Mỹ và nước Việt Nam của thời trước đây chỉ một năm. Về thế giới và nhất là về cái gọi là "trật tự thế giới" thì chúng ta thấy mức độ "thiếu chắc chắn" (tức uncertainty) đã tăng vọt. Dù trong "trật tự thế giới" của những năm trước Trump cũng đã tồn tại nhiều nhược điểm lớn, "đóng góp" lớn nhất của Chính quyền Trump cho đến nay chính là đã làm suy yếu một cách nghiêm trọng vai trò lãnh đạo và quyền lực của Mỹ. Vì thế, thế giới của hôm nay phản ánh một khoảng trống quyền lực toàn cầu lớn nhất từ những năm 1930.
Về Mỹ, rõ rằng nước đầy hứa hẹn và vấn đề này đã và đang rơi vào khủng hoảng chính trị và xã hội lớn nhất từ thời nội chiến trong những năm 1860, cách đây gần 150 năm. Lý do chính là những thể chế dân chủ của nước Mỹ, vốn đã đầy khuyết điểm, nay đang bị phá hoại do một kẻ lửa đảo mị dân. Là một kẻ phân biệt chủng tộc, là một trong những nhân vật xấu nhất ở cả nước Mỹ, ông và những người và nhóm ủng hộ đang phá hoại cả xã hội Hoa Kỳ một cách nhanh chóng.
Còn đối với Việt Nam, thì đánh giá sao ?
Muốn đánh giá về ông Nguyễn Phú Trọng, thì phải thừa nhận ông ấy và những người "đồng minh" đã giành được lợi thế trên chính trường. Chiến dịch chống tham nhũng đã và còn đang tác động lớn, không chỉ hay chủ yếu đối với tham nhũng mà cả chính trị nữa. Sáng mai, khi tòa tuyên án Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng, thì nó sẽ không nên được xem là sự kết thúc của một quy trình pháp luật mà là một hình thức tiêu biểu trong một quá trình chính trị còn đang tiếp diễn.
Tôi đề nghị trong năm vừa rồi Việt Nam đã bắt đầu một thời mới. Một thời có thể được gọi là thời "Hậu Dũng". Nói "Hậu Dũng" của Việt Nam không có nghĩa là ảnh hưởng của thời Dũng đã hết. Trong 10 năm qua xã hội Việt Nam đã có những thay đổi mang tính cấu trúc, như sự trỗi dậy của giới kinh doanh thân hữu, sự lên ngôi của giới ngân hàng thân hữu, và của tham nhũng quy mô lớn, v.v… Những yếu tố đó vẫn còn và vẫn mạnh. Thời kỳ hiện nay khác ở chỗ đang có những thay đổi nhất định trong giới lãnh đạo và có vẻ một số thay đổi đối với quan hệ giữa Đảng và bộ máy.
Việt Nam sẽ đi đâu trong giai đoạn mới này, còn quá sớm để đánh giá. Tầm nhìn cho đất nước trong khi mới sẽ là như sao ? Đó chính là việc người dân Việt Nam sẽ quyết định.
Vốn là người cố gắng lạc quan một cách phi ảo tưởng, tôi giữ "định hướng" lạc quan vì 2 lý do chính. Thứ nhất, bất chấp một số diễn biến tiêu cực trong nước, tôi còn thấy người dân Việt Nam quan tâm đến số phận của đất nước mình.
Thứ hai, bất chấp những cơn gió lạnh, điều chắc chắn là đại đa số muốn một Việt Nam mới, một Việt Nam dân chủ hơn, một Việt Nam minh bạch và công bằng, một Việt Nam mà phản ánh những giá trị của Phan Châu Trinh hay thậm chí Obama hơn là những giá trị của Stalin hay Tập Cận Bình.
Song, viết thế này có giá trị không ? Làm sao mà lạc quan được trước mặt của quá nhiều vấn đề và trong lúc có vẻ Việt Nam còn thiếu những thể chế mà cần để giành được một tương lai tươi sáng.
Chúng ta phải nhớ rằng ở bất cứ nước nào, những thể chế không rơi từ trên trời xuống mà là do những quá trình hội nhập và quan hệ xã hội tạo ra. Do đó, chờ thay đổi từ trên xuống không hề là một động thái hứa hẹn. Tôi nhìn về Mỹ thì nhiều lúc cũng thấy rất khó để lạc quan. Nhưng biết để có những thay đổi tích cực, để cứu nước, thì chính là người dân Mỹ phải thức dậy. Tương lai của Việt Nam cũng tuỳ thuộc vào chính người dân.
Để giữa một động thái lạc quan phải có tầm nhìn về tương lai. Đúng vậy. Dù nói về thế giới hay Mỹ hay Việt Nam, cái mà chúng ta không thể thiếu hôm nay chính là một tầm nhìn. Nhưng không chỉ có thế. Chúng ta phải dám tự tin và nỗ lực cùng nhau để sống theo nó.
Jonathan London
Nguồn : http://xinloiong.jonathanlondon.net, 21/01/2018
Jonathan London là giáo sư người Mỹ, từng dạy môn xã hội học chính trị và sự phát triển học tại Đại học thành thị Hong Kong. Hiện ông đang làm việc tại Hà Lan. Ông cũng được xem là một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam.
Việt Nam không thể thất bại về giáo dục vì "sự tâm huyết của người Việt với giáo dục là vô cùng lớn", Tiến sĩ Jonathan London thuộc trường Đại học Leiden, Hà Lan, một nhà gia nghiên cứu về giáo dục Việt Nam nói với BBC.
Việc áp dụng mô hình giáo dục nước khác "đòi hỏi có sự thay đổi cho phù hợp với đặc trưng riêng của môi trường Việt Nam", Giáo sư Jonathan London nói.
Là một thành viên tham gia dự án Nghiên Cứu Cải Thiện Hệ Thống Giáo Dục Việt Nam (RISE), ông Jonathan London bình luận với Minh Thư của BBC hôm 5/9 về ý tưởng nhập khẩu giáo dục từ Phần Lan, làm sao để cải cách giáo dục Việt Nam hiệu quả hơn, và "cơ hội vàng" cho giáo dục Việt Nam thay đổi.
'Nhập khẩu giáo dục' Phần Lan có phù hợp với Việt Nam ?
Bàn về ý tưởng Việt Nam "nhập khẩu giáo dục" từ Phần Lan sau chuyến đi thăm Phần Lan của Bộ trưởng Bộ giáo dục Phùng Xuân Nhạ hồi cuối tháng 8/2017, Tiến sĩ Jonathan London nói Việt Nam nên nghiên cứu chính sách và phương pháp giáo dục của các quốc gia khác nhưng việc áp dụng "đòi hỏi những thay đổi để phù hợp với các đặc trưng riêng của môi trường giáo dục và xã hội Việt Nam".
Ông Jonathan London bình luận với Minh Thư của BBC hôm 5/9 về ý tưởng nhập khẩu giáo dục từ Phần Lan vào Việt Nam
"Chắc chắn việc nghiên cứu các chính sách và phương pháp giảng dạy ở các nước, không chỉ Phần Lan, mà cả những nơi như Singapore, Israel, Mỹ, Hàn Quốc, là quan trọng. Tuy nhiên, việc chỉ chăm chăm "nhập khẩu giáo dục" mà không có sự cân nhắc những yếu tố khác có thể sẽ dẫn đến thất bại trong đổi mới giáo dục".
Tiến sĩ Jonathan London, nhà nghiên cứu về giáo dục Việt Nam, thuộc Trường Đại học Leiden, Hà Lan, bình luận với BBC về 'nhập khẩu giáo dục' từ Phần Lan và làm sao để cải cách giáo dục Việt Nam thành công hơn. Ông cho rằng không thể giả định Việt Nam sẽ thành công nếu chỉ 'nhập khẩu giáo dục' từ Phần Lan vì môi trường ở Việt Nam phức tạp và khác hẳn với môi trường ở Phần Lan.
"Chẳng hạn, ở Phần Lan không có tình trạng dạy thêm. Phần Lan tạo ra một môi trường cho trẻ em tự tìm hiểu, và có những yếu tố trong xã hội Phần Lan khác hẳn với xã hội Việt Nam".
"Điều đó có nghĩa là những thử nghiệm ở Phần Lan sẽ có một số giá trị nhất định nhưng và chúng ta phải xác định những giá trị đó ở đâu", Tiến sĩ London bình luận.
"Phải nghiên cứu kỹ những gì chưa biết"
Một điều mà dường như Việt Nam chưa hiểu đủ, theo Tiến sĩ London, là nghiên cứu về giáo dục phải được tiến hành một cách kỹ càng và toàn diện.
Tiến sĩ London dẫn ví dụ việc Việt Nam hiện nay có chương trình nhập khẩu mô hình VNEN (Vietnam Escuela Nueva - Mô hình cải tiến trường học nông thôn Việt Nam) có nguồn gốc từ Colombia nhưng được thực hiện ở nhiều nước. VNEN đang gây ra rất nhiều tranh cãi, nhưng theo Tiến sĩ London, "Dù là Phần Lan hay là VNEN, chúng ta phải xem xét cả hệ thống như thế nào, các bộ phận của hệ thống khác nhau như thế nào. Có làm như thế mới có thể đề cập đến các vấn đề trong ngành sư phạm một cách hiệu quả".
"Những gì chúng ta chưa biết thì nên nghiên cứu một cách kỹ càng. Qua đó, mới có hy vọng xác định những gì là hiệu quả và chưa hiệu quả, vì sao, dưới những điều kiện nào".
Cơ hội vàng để ngành giáo dục thay đổi
Khi bàn về cải cách giáo dục ở Việt Nam, Giáo sư London nói đến khái niệm "buy in" trong tiếng Anh.
"Buy in có nghĩa là khi những bên tham gia vào một cải cách thực sự tin vào cái đó", ông giải thích.
Tiến sĩ London cho rằng đối với dự án như VNEN, Việt Nam chưa có đủ những người thực sự tin vào mô hình cải cách này. Có thể một số người không tin do kinh nghiệm trực tiếp của họ, nhưng cũng có những người ở vào cuối thời gian làm việc trong ngành giáo dục và không muốn có một nền sư phạm mới.
Tuy nhiên, dù kết quả của mô hình VNEN như thế nào đi nữa, "rõ ràng Việt Nam cần có sư phạm mới, nội dung, chương trình và cách giảng dạy mới, (không có nghĩa là tất cả những gì đã làm đều không có giá trị)", ông bình luận.
"Rõ ràng những kỹ năng người Việt Nam cần trong cuộc sống hiện nay và tương lai khác hẳn so với tiêu chuẩn của những người đang quản lý giáo dục ngày hôm nay".
Ông cho rằng Việt Nam đang có một cơ hội vàng để cải cách giáo dục, hứa hẹn có thể thay đổi thành công dựa trên những thế mạnh của mình.
"Thế mạnh của Việt Nam là sự tâm huyết của người Việt với giáo dục là vô cùng lớn.
"Tôi có một ấn tượng là dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng những người vạch ra chính sách ở Việt Nam khá mở về vấn đề sư phạm và nghiên cứu, tìm hiểu về sư phạm mới tại các nước.
"Chắc chắn Việt Nam không thể bỏ qua và không thể thất bại trong giáo dục. Việt Nam có một cơ hội vàng cho ngành giáo dục để thay đổi".
Minh Thư thực hiện
Nguồn : BBC, 13/09/2047
Ước vọng tự do của người dân Việt Nam vẫn bị nhốt trong lồng -Ảnh minh họa
Trong những ngày giáp tết cổ truyền này chắc không ai muốn nói chuyện buồn, chắc không ai muốn nói giọng bi quan, tôi cũng vậy. Vì thế, khi đọc được "Thư gửi Việt Nam" của người Mỹ Jonathan London, tôi được truyền một cảm hứng lạc quan để viết bài này, tất nhiên, như mọi khi, về chủ đề chính trị, vì blog của tôi, như mọi người hẳn đã lưu ý, là một blog chính trị.
Jonathan London, trong bài blog của mình, đã gián tiếp nêu lên một vấn đề cốt lõi cho quá trình dân chủ hóa Việt Nam : Việt Nam chỉ có thể dân chủ hóa khi người Việt có nhu cầu về dân chủ. Người Việt có nghĩa là đa số người Việt Nam, chứ không phải chỉ là một thiểu số như hiện nay. Tôi trích nguyên văn phát biểu của Jonathan London : "Và đây chính là lúc để cởi trói cho những giá trị chính trị quan trọng nhất đối với người dân Việt Nam từ thời Pháp đến nay : tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tư duy chính trị. Nếu bạn hỏi tại sao tôi lại lạc quan khi những giá trị này chưa được tôn trọng đúng mức ? Bởi vì tôi thấy ngày càng nhiều người Việt nhìn nhận rằng những quyền này là cần thiết hơn bao giờ hết".
Nếu chúng ta trung thực với chính mình thì chúng ta sẽ phải nói thật rằng : hiện nay dân chủ hóa chưa phải là nhu cầu của đa số chúng ta. Đa số vẫn chỉ đang dừng lại ở nhu cầu thoát nghèo và nhu cầu tiêu dùng. Tầng lớp trung lưu chủ yếu vẫn đang bị cuốn vào lô gic của xã hội tiêu thụ, và đặt mục tiêu kiếm tiền, nhưng chưa tự đặt cho mình nỗi băn khoăn về việc kiếm tiền theo cách nào và kiếm tiền để làm gì. Vì thế, một cách gián tiếp, Jonathan London dường như muốn nói rằng giới đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam nếu muốn cuộc đấu tranh có hiệu quả thì cần phải đánh thức nhu cầu dân chủ hóa ở mỗi người dân Việt Nam.
Giờ đây có lẽ chúng ta đã có đủ thời gian, đủ các điều kiện thực tế để thấy rõ rằng cuộc đấu tranh cho sự nghiệp dân chủ hóa Việt Nam không thể đi tới thành công nếu chỉ dừng lại ở phản ứng cá nhân hoặc phản ứng của các nhóm nhỏ, cũng không thể thành công nếu chỉ dừng lại ở những phản ứng thiên về tố cáo chế độ, biểu lộ sự phẫn nộ, sự bất bình, sự căm giận chế độ…, hoặc mượn từ mà giới bình luận trên mạng vẫn hay dùng là "chửi". Nhiều người đã nhận ra điều này, chẳng hạn nhà báo Song Chi đã viết không ít bài để nói rằng chửi không thể mang lại hiệu quả. Các phản ứng của các cá nhân hoặc của các nhóm nhỏ cũng không thể nào mang lại hiệu quả mong muốn. Những người dũng cảm đã phản kháng, đã vào tù, và đã ra tù… thực tế cho thấy rằng sự hy sinh của các cá nhân không thể nào đưa công cuộc dân chủ hóa tới kết quả cuối cùng.
Vậy cần làm gì để thành công trong việc mang các giá trị tự do, dân chủ đến cho Việt Nam ? Tôi vẫn bảo lưu cách nhìn nhận của mình : cần phải hình thành được các tổ chức chính trị lớn mạnh, các đảng phái chính trị lớn mạnh, hoạt động một cách chuyên nghiệp vì mục đích dân chủ hóa (chứ không phải để lật đổ chế độ cộng sản, xin mở ngoặc để nói thêm như vậy), những tổ chức có khả năng giúp hình thành nhu cầu dân chủ ở người dân và lôi cuốn sự ủng hộ của người dân cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước.
Điều đáng quý ở Jonathan London là ông đặt niềm tin vào người Việt, ông lạc quan tin rằng người Việt có mong muốn, có nhu cầu về dân chủ và sẽ hành động cho một Việt Nam dân chủ hoá.
Trước niềm tin của người bạn quốc tế ấy, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước sẽ làm gì ? Sẽ chứng tỏ rằng Jonathan London đã đặt niềm tin nhầm chỗ hay sẽ chứng tỏ rằng ông đã đúng khi tin tưởng ở người Việt Nam ?
Cá nhân tôi xin cảm ơn Jonathan London vì sự quan tâm của ông đối với đất nước Việt Nam và niềm tin mà ông đã dành cho người Việt Nam chúng tôi.
Paris, 24 tháng chạp năm Bính Thân tức 21/1/2017
Nguyễn Thị Từ Huy
Nguồn : RFA, 21/01/2017 (nguyenthituhuy's blog)