Bộ trưởng Công thương : "Nếu báo cáo là đúng thì đâu thiếu xăng dầu"
Cường Ngô, Lao Động online, 10/02/2022
Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết, nguồn cung xăng dầu hiện có 800.000 m3 các loại từ nguồn trong nước và 750.000 m3 từ nguồn nhập khẩu. Nghe báo cáo này, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Công thương nói "nếu báo cáo này là đúng thì đâu có thiếu nguồn cung xăng dầu ?".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh : HH
Dứt khoát phải rút giấy phép những cây xăng găm hàng
Thông tin này được ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công thương nêu ra khi chủ trì cuộc họp cùng các đơn vị chức năng về tình hình cung ứng xăng dầu chiều 9/2.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, câu chuyện thiếu hụt nguồn cung xăng dầu bắt đầu từ sự kiện Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất các tổ máy từ 105% xuống còn 80% vì khó khăn về tài chính. Điều này đã dẫn đến "không đủ cung ứng xăng dầu cho thị trường ; không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp đầu mối, còn doanh nghiệp đầu mối cũng không đủ cấp cho thương nhân phân phối, dẫn đến khan hàng cục bộ".
Người đứng đầu Bộ Công thương khẳng định, sở dĩ có nhiều cửa hàng xăng dầu ở khu vực phía Nam đóng cửa, không bán xăng dầu cho người dân là vì có hiện tượng găm hàng, chờ nâng giá, cần phải xử lý nghiêm.
"Với những cửa hàng xăng dầu găm hàng, chờ tăng giá, lập tức xử phạt về vật chất và thu hồi giấy phép hoạt động của cửa hàng xăng dầu đó.
Ai găm hàng, phải tịch thu giấy phép khẩn trương ; nếu không tịch thu trực tiếp, phải lập tức tạm đình chỉ, để sau đó, chuyển điều tra, xử lý nghiêm", ông Nguyễn Hồng Diên lệnh cho lực lượng Quản lý thị trường và Sở Công thương các địa phương, đồng thời cho biết, trách nhiệm này thuộc về Sở Công thương (với các cửa hàng, đại lý bán lẻ) và Vụ Thị trường trong nước (với các thương nhân phân phối).
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Diên yêu cầu lực lượng Quảng lý thị trường phải thực hiện sứ mệnh của mình, nếu làm ngơ hoặc làm không hết trách nhiệm, sẽ tạm đình chỉ công tác những người này.
"Trong lúc nguồn cung xăng dầu căng thẳng, mà có hiện tượng trục lợi, ăn trên đồng bào mình là không thể chấp nhận được", ông Nguyễn Hồng Diên nói.
Nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022
Tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, nguồn cung xăng dầu trong nước căng thẳng, giá cao do có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ biến động giá xăng thế giới.
"Giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng liên tục trong thời gian vừa qua và đã đạt mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây (ngày 5/2).
Giá dầu WTI hiện ở mức 91,31 USD/thùng, dầu Brent lên mức 92,95 USD/thùng (ngày 8/2) và được các chuyên gia phân tích thị trường dự báo có thể tăng vượt ngưỡng 100 USD/thùng trong năm nay.
Khi giá dầu thô lên ngưỡng 90 USD/thùng sẽ khiến các nhà đầu tư kỳ vọng và tin tưởng hơn về việc giá dầu sẽ đạt ngưỡng 100 USD/thùng, theo đó tạo tâm lý đẩy giá dầu lên cao", ông Đông nói.
Còn về tình hình cung cầu xăng dầu trong nước, ông Trần Duy Đông dẫn báo cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho rằng, do khó khăn về tài chính nên Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm công suất sản xuất từ mức 105% xuống 80% và dự kiến ngừng sản xuất vào sau Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ và sau khi có nguồn cung cấp bổ sung tạm thời về tài chính từ phía PVN, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hiện vẫn duy trì sản xuất với công suất khoảng 60% và dự kiến sẽ nâng dần công suất lên 85% từ 12/3/2022 và lên mức 100% từ 15/3/2022. Việc duy trì sản xuất tạm thời đến khoảng tháng 5/2022.
Bên cạnh đó, ông Trần Duy Đông nói rằng, hiện nay, lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối (đến ngày 27/1/2022) còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại ; dự kiến lượng mua vào để cung ứng cho thị trường đến hết tháng 2/2022 khoảng 1,55 triệu m3.
"Về nguồn có 800.000 m3 các loại từ nguồn trong nước và 750.000 m3 từ nguồn nhập khẩu. Với nhu cầu khoảng 1,8/2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022", vị này khẳng định.
Theo ông Trần Duy Đông, từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường. Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 13/3/2022.
Các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước. Hiện Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVoil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2/2022 là 26.000 m3 xăng và 42.000 m3 dầu.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.
Lượng bán xăng dầu ra thị trường của Petrolimex trong tháng vừa qua đã tăng khoảng 30% so với các tháng thông thường. Ngoài ra, các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang tích cực triển khai việc ký kết, nhập khẩu xăng dầu.
Nghe báo cáo của lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, ông Nguyễn Hồng Diên nói "nếu báo cáo này là đúng thì đâu có thiếu nguồn cung xăng dầu ?".
Đối với vấn đề điều hành giá, ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định, có nhiều ý kiến cho rằng không tiệm cận với những biến động của thị trường, sau cuộc họp hôm nay sẽ đề xuất Chính phủ có những điều hành giá linh hoạt hơn, không nhất thiết phải 10 ngày, mà có thể là 3 ngày, 5 ngày để việc điều hành xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới.
Còn trong tình huống đặc biệt hơn nữa thì phải sử dụng Quỹ dự trữ xăng dầu, quỹ này có thể đáp ứng được nhu cầu từ 8-10 ngày. Nhưng bất đắc dĩ mới phải sử dụng quỹ này.
Cường Ngô
Nguồn : Lao Động online, 10/02/2022
**************************
Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 09/02/2022
Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 năm qua và còn tiếp tục tăng
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 09/02/2022