Ngành du lịch Việt Nam mới chỉ kinh doanh của trời cho ! (RFA, 27/12/2019)
Mạng báo Viettimes, cơ quan của Hội Truyền thông số Việt Nam vào tháng 1 năm nay có bài liệt kê bãi biển Mỹ Khê ở Đà Nẵng là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất hành tinh Trái Đất.
Vịnh Hạ Long tại Quảng Ninh. AFP
Thực tế này là không thể chối cãi đối với nhiều người cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, một số bãi khác dọc theo đường bờ biển dài đến cả gần 3 ngàn kilomet của Việt Nam cũng là những nơi được cho là tắm lý tưởng !
Tuy nhiên hiện nay nhiều người đang quan ngại về tình trạng những nơi đó bị ô nhiễm bởi rác thải, nước bẩn, hàng quán xô bồ, chèo kéo bán hàng…
Tại Vịnh Hạ Long, nhiều người cũng quan ngại về tình trạng ô nhiễm Vịnh bởi rác thải, dầu nhớt từ các tàu chở khách rò rỉ ra, và cả nạn khắc tên trên tường hang động, thạch nhũ...
Nhiều cơ quan quản lý địa phương lúng túng trong việc đề ra phương án phát triển hài hòa giữa du lịch và bảo tồn di sản, cảnh quan địa phương… Liệu hoạt động khai thác du lịch có mạng lại hiệu quả như mong đợi không, hay chỉ chạy theo số lượng mà quên công tác bảo tồn. Hình ảnh được ví von là ‘con gà đẻ trứng vàng’ không được nuôi đúng cách mà thậm chí còn giết thịt để ăn.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt và cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực này, vào ngày 27/12/2019 thừa nhận rằng mặc dù ngành du lịch Việt nam có nhiểu nỗ lực ; nhưng để đáp ứng được như mong đợi thì chắc phải còn khá lâu.
"Nhiều cái khó như là hệ thống giao thông Việt Nam chưa được đồng bộ, họ vẫn đang nỗ lực nhưng không thể một sớm một chiều được. Điều đáng lo nhất là việc chủ nhà của mình này thì mình có biết nhắc nhỏ bảo vệ cái đó hay không, có những lúc mình dễ dãi trong quản lý nên phê duyệt các dự án tác động đến môi trường, có những thứ do quản lý lỏng lẻo nên người ta vi phạm xong thì báo chí mới phát hiện đưa lên thì cái đó mới là điều đáng lo ngại".
Một hướng dẫn viên du lịch không muốn nêu danh tính từ Sài Gòn nhận định, vấn đề cách quản lý du lịch của Việt Nam cho đến bây giờ chưa có một cách quản lý thật sự hiệu quả.
"Tất nhiên nó cũng có những cái chệch choạc. Thật ra mình cũng không kiểm soát được nhất là tại những điểm có nhiều du khách Trung Quốc thế nào nó cũng xảy ra nhiều chuyện ngoài ý muốn. Thật ra họ không quản lý được vì không có hạn chế được lượng khách du lịch tại một điểm du lịch, ví dụ một ngày cả ngàn khách dồn về đó thì tất nhiên địa điểm đó bị vấn đề liền thôi. Quản lý du lịch mình rất là yếu kém, ngay cả những ngôn ngữ khó hay ít người thì họ lại để cho trưởng đoàn tự thuyết minh luôn, họ muốn nói gì họ nói không kiểm soát được mặc dù trên nguyên tắc điều đó cấm. Ví dụ trưởng đoàn Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga họ dẫn khách đi họ muốn nói gì họ nói mà thôi. Nguyên tắc khi khách du lịch vào Việt Nam bắt buộc phải có phiên dịch người địa phương nhưng họ đối phó bằng cách thuê một hướng dẫn "câm" ngồi trên xe để trưởng đoàn họ muốn làm gì làm".
Việt Nam mang vẻ đẹp cả 4 mùa và nhiều cảnh quan kỳ vĩ
Theo số liệu mới đây của Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngành du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã phục vụ 85 triệu du khách nội địa với tổng mức thu về đạt hơn 720.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2018. Mục tiêu trong năm 2020, toàn ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón hơn 20 triệu khách quốc tế, phục vụ 90 triệu khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 830.000 tỷ đồng.
Anh hướng dẫn viên du lịch cho rằng, bao giờ cơ quan chức năng cũng đặt ra một hướng đi, khi nói thì rất là hay nhưng khi làm thì lại không thực hiện được.
"…ngay cả việc họ báo cáo lượng khách du lịch tới Việt Nam cũng chưa chắc là đúng bởi vì cứ hộ chiếu nước ngoài qua cửa khẩu là thành khách du lịch trong khi dân Trung Quốc họ vô làm công nhân một đống nhưng họ vẫn tính là khách du lịch, họ không phân biệt được đâu là khách du lịch hay làm việc. Đa phần các hãng xưởng đầu tư tại khu vực miền Trung rất là nhiều, họ thâu nhận người Trung Quốc vào làm việc với visa du lịch nên tổng cục du lịch coi như đó là khách du lịch".
Còn theo ông Nguyễn Văn Mỹ, bản thân người trong ngành du lịch như ông luôn mong muốn số lượng du khách ngày càng tăng hơn nữa nhưng điều ông quan tâm nhất không phải là số lượng khách bao nhiêu mà là doanh thu lợi nhuận mang lại cho ngành du lịch mới là điều quan trọng.
"Đối với lượng 18 triệu khách thì tôi nghĩ cũng xấp xỉ khoảng 5 triệu là khách Trung Quốc nhưng mà khách Trung Quốc đi bằng máy bay còn đỡ chứ khách Trung Quốc mà họ đi đường bộ thì họ không xài tiền bao nhiêu đâu. Thứ hai là lượng khách Tây ba lô, Châu phi họ qua Việt Nam họ cũng không xài bao nhiêu, đôi khi họ còn làm chuyện này chuyện khác mình càng mệt hơn. Thứ Ba là lượng khách khá lớn là người Việt từ nước ngoài về thăm gia đình nên chưa chắc họ ở khách sạn nên lượng khách chỉ là tương đối mà thôi. Vấn đề tiếp theo là doanh thu bao nhiêu, chi phí đầu người trên mỗi khách sẽ thu lợi nhuận bao nhiêu, cho đất nước bao nhiêu thì đó mới là điều quan trọng nhất".
Năm 2018, lần đầu tiên trong bảng xếp hạng khu vực du lịch Châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam được xếp thứ 8 về số lượng khách du lịch tức 15,5 triệu du khách nhưng doanh thu lại không lọt vào top 10.
Ông Nguyễn Văn Mỹ nhận định, rõ ràng lượng khách chưa tương xứng với doanh thu. Anh hướng dẫn viên du lịnh nhắc lại rằng cơ quan chức năng thường nói du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn ; thế nhưng trong thực tế không được ưu tiên ; thiếu chính sách cụ thể để du lịch phát triển, cất cánh. Tiềm năng du lịch Việt Nam rất lớn nhưng không thể làm được vì không có đường lối chính sách vạch ra đúng đắn để phát triển, đến nay ngành du lịch Việt Nam vẫn kinh doanh dựa trên ‘vốn tự có’ chứ không tạo được giá trị gia tăng.
Nguồn : RFA, 27/12/2019
****************
Ông Nguyễn Phú Trọng, Khá ‘Bảnh’ được tìm kiếm nhiều nhất Việt Nam (VOA, 26/12/2019 )
Nguyên thủ Việt Nam 75 tuổi và thanh niên 26 tuổi mà báo chí trong nước nói là "giang hồ mạng" cùng lọt vào danh sách các nhân vật được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2019 của Google. Đây là năm thứ hai liên tiếp ông Trọng lọt vào danh sách này.
Tổng bí thư/Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu danh sách 5 người được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam, trong khi Khá "Bảnh", một YouTuber từng có gần 2 triệu người theo dõi, đứng ở vị trí thứ hai sau cố thi sĩ Xuân Quỳnh, vốn được Google vinh danh hồi tháng Mười bằng việc đưa hình ảnh chân dung của bà lên trang chủ.
Theo các nội dung tìm kiếm thịnh hành trong năm 2019 được Google thống kê, người Việt tìm thông tin về ông Trọng nhiều nhất là giữa tháng Tư, khi mạng xã hội tràn ngập các tin tức chưa được kiểm chứng về tình hình sức khỏe của ông sau chuyến thăm tỉnh Kiên Giang.
Các cụm từ tìm kiếm liên quan được sử dụng nhiều gồm "tình hình sức khỏe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng", "Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhập viện", "Bệnh viện Chợ Rẫy", "hôn mê" hay "tai biến mạch máu não".
Trước các thông tin đồn đoán khi đó, nhất là ý kiến trên tờ "The Diplomat" về điều được cho là "cuộc khủng hoảng kế nhiệm", giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu lâu năm về chính trường Việt Nam, hôm 22/4 cho rằng "quả bóng hiện nằm trên sân của Việt Nam nhằm ngăn chặn đồn đoán và thông báo về tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng".
"Giả sử những đồn đoán về bệnh tình của ông Trọng là đúng, điều quan trọng là phải biết được Tổng bí thư Trọng đã bị nặng đến mức nào. Nếu ông chỉ bị nhẹ, thì có lẽ còn quá sớm để bắt đầu suy đoán về một cuộc khủng hoảng kế nhiệm", ông Thayer đánh giá. "Chúng ta cần phải chờ xem liệu ông có hồi phục sau một thời gian nghỉ dưỡng và có thể tiếp tục làm việc, dù khối lượng công việc có thể giảm đi nhiều".
Ít lâu sau đó, Việt Nam lần đầu tiên lên tiếng về sức khỏe của nguyên thủ 75 tuổi, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói rằng "do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng" và rằng "ông sẽ sớm trở lại làm việc bình thường".
Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, vốn là người khai mào chiến dịch chống tham nhũng mà nhiều người gọi là "chiến dịch đốt lò", mới được nhắc tới trong vụ xử MobiFone mua AVG, khi bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ngỏ lời "xin lỗi" ông Trọng vì "những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của mình", trong đó có vụ "nhận hối lộ 3 triệu đôla".
Trong khi đó, Khá "Bảnh", người báo chí Việt Nam gọi là "giang hồ mạng" hay "giang hồ sống ảo", cũng nằm trong danh sách các nhân vật được tìm kiếm nhiều nhất năm 2019 của Google cùng với ông Trọng.
Những cụm được người dùng Internet Việt sử dụng để tìm thông tin liên quan tới thanh niên 26 tuổi có tên thật là Ngô Bá Khá gồm "Khá ‘Bảnh’ đi tù mấy năm ?", "Khá ‘Bảnh’ đốt xe", "Khá ‘Bảnh’ lên VTV1" hay "Khá ‘Bảnh’ giờ ra sao ?"
Báo chí trong nước mới đây đưa tin rằng Khá "Bảnh" hôm 9/12 đã nộp đơn kháng án sau khi bị tòa sơ thẩm tuyên 10 năm và 6 tháng tù giam về các tội "Tổ chức đánh bạc" và "Đánh bạc" hồi giữa tháng 11.
Các hình ảnh và video về vụ xử này cho thấy rằng nhiều thanh niên đứng bên ngoài tòa án ở tỉnh Bắc Ninh vẫy gọi "anh ơi", "Khá ơi" hay "giữ sức khỏe nhé" khi nhân vật này được giải tới nơi xét xử.
Mới đây, theo Tiền Phong, Phó Tổng biên tập của nhật báo này, ông Phùng Công Sưởng, đã nêu trường hợp Khá "Bảnh" tại Đại hội toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam với câu hỏi ngỏ : "Tại sao một trường hợp như Khá "Bảnh", vi phạm pháp luật, tội phạm, lại được hàng nghìn thanh niên cổ vũ ?"
Tin cho hay, lãnh đạo tờ báo với cơ quan chủ quản là Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cũng "đồng thời đặt dấu hỏi về vai trò của Hội Liên hiệp Thanh niên ở địa phương ở đâu, để tương tác, giúp thanh niên nhận ra như thế nào là đúng, là sai, là vi phạm pháp luật".
Ngoài ông Nguyễn Phú Trọng, cố thi sĩ Xuân Quỳnh và Khá "Bảnh", danh sách top 5 các nhân vật được tìm kiếm nhiều nhất ở Việt Nam năm 2019 còn có ca sĩ Hàn Quốc Seungri về cáo buộc "môi giới mại dâm" và "đánh bạc" cũng như lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un liên quan tới cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà Nội hồi tháng Hai.
Trong danh sách tìm kiếm thịnh hành, Google cũng liệt kê "những câu hỏi nổi bật" trong năm 2019, trong đó có : "cà khịa là gì ?", "văn hóa giao thông là gì ?" hay "đường lưỡi bò là gì ?"
Viễn Đông
***************
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng : khiếu nại về đất đai vẫn còn rất bức xúc (RFA, 27/12/2019)
Khu đất Vườn Rau Lộc Hưng tại Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh sau khi bị cưỡng chế vào ngày 4 và 8/1/2019. Courtesy of Citizen
"Tình trạng khiếu nại về đất đai vẫn còn rất bức xúc, tuy có giảm nhưng chủ yếu là các vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, hồ sơ không đầy đủ".
Đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Tài nguyên - Môi trường diễn ra sáng ngày 27/12.
Theo truyền thông trong nước, phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng trong năm vừa qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng dù phải đối mặt với sức nóng của vấn đề đất đai, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên.
Cụ thể, ngành Tài nguyên – Môi trường đã tập trung nguồn lực xây dựng các dự án luật, chủ động triển khai giải quyết những vấn đề liên quan chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt triển khai nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Việc quản lý tài nguyên, đất đai đi vào nề nếp, cơ cấu sử dụng đất chuyển dịch phù hợp, hiệu quả, giúp thu ngân sách từ đất tăng lên. Tính đến ngày 25/12/2019, nguồn thu từ đất đạt gần 173 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 11% trong tổng thu ngân sách nội địa.
Tuy nhiên, ông Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn cho rằng việc quản lý, sử dụng khai thác các nguồn tài nguyên ở một số địa phương còn lãng phí, thất thoát, thậm chí có nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là vấn đề đất đai.
Ngoài ra, công tác bảo vệ tài nguyên nước cũng chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2020 tới đây cần thực hiện một số nhiệm vụ như tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, đặc biệt là Luật Đất đai. Trong đó, tập trung sửa đổi một số điểm vướng mắc, gây cản trở cho quá trình phát triển, cũng như gây thất thoát các nguồn tài nguyên.
Ông Dũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải xác định rõ giá trị của đất khi sửa Luật Đất đai vì đây là vấn đề đang vướng mắc rất lớn.
Vẫn theo Phó Thủ tướng, hiện tại Việt Nam không có nguồn lực để giải phóng mặt bằng nên hầu hết địa phương đều không thực hiện đấu giá đất trong những năm vừa qua. Do đó, cần phải làm rõ việc đấu giá, đấu thầu đất như thế nào cho phù hợp để dù chưa giải phóng mặt bằng nhưng vẫn có thể đấu thầu được.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng Bộ Tài nguyên – Môi trường cần tập trung để sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, phải hành động quyết liệt hơn nữa trong các giải pháp bảo vệ ô nhiễm môi trường, không chỉ ở các đô thị, khu công nghiệp mà cả ở vùng nông thôn.
Hiện tượng hàng trăm học sinh vẫn còn nguyên đồng phục áo trắng đội mưa, cùng với hàng trăm giang hồ xăm trổ theo dõi phiên tòa xử Ngô Bá Khá đang báo động về sự lạc lối của người trẻ, về giáo dục xuống cấp ở Việt Nam và văn hóa giải trí méo mó.
Khá Bảnh (giữa) trở thành 'hiện tượng' xã hội ở Việt Nam
"Sáng mai đến thăm anh"
Hàng loạt lời nhắn như vậy trên trang Facebook của nhiều học sinh khiến phiên tòa được chức trách dùng để gửi đi thông điệp răn đe lại trở thành "sân khấu" tung hô một thần tượng kỳ quái trong xã hội đang biến dạng về các giá trị.
Khá Bảnh bước xuống xe tù, cười rạng rỡ và giơ tay chào các fan hâm mộ như một thần tượng showbiz.
Ở chiều hâm mộ, các em học sinh đội mưa không phải để nghe tòa xét xử Khá Bảnh cùng các đồng phạm mà là ngóng theo từng cử chỉ, hành động, trang phục và tiếp tục bàn tán về kiểu tóc của thần tượng (Idol).
Kết thúc phiên xét xử, khi thấy chiếc xe chở Khá rời khỏi sân Tòa án Nhân dân, rất đông các em học sinh mặc áo đồng phục đã ùa lên để nhìn, thậm chí không ít các em còn giơ tay vẫy chào khiến nhiều người phải quay ra nhìn với con mắt ái ngại.
Hành động vô tư của các em học sinh đang độ tuổi đến trường đã khiến nhiều người đặc biệt là các vị phụ huynh không khỏi lo lắng. Bởi việc này của các em học sinh có thể trở thành hành động cổ súy cho những hành vi trái pháp luật.
Khi thợ mộc bỏ nghề, làm giang hồ
Tại phiên tòa, Ngô Bá Khá, 26 tuổi khai mình làm thợ mộc, thu nhập từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng một ngày và đang sửa nhà cho mẹ.
Khá Bảnh bước xuống xe tù, cười rạng rỡ và giơ tay chào các fan hâm mộ như một thần tượng showbiz.
Với mức sống ở đây, đó là một thu nhập hấp dẫn, lẽ ra Khá và bà mẹ đã có cuộc sống yên ấm nhưng Khá đã rẽ sang cuộc sống khác và căn nhà mơ ước của bà mẹ vẫn chưa hoàn thành.
Bỏ lại căn nhà xây dở, bỏ lại cuộc sống êm đềm, Khá lao vào giang hồ và cũng không ngờ mình trở thành thần tượng.
Cùng với mạng xã hội, hiện tượng Khá Bảnh còn làm thay đổi văn hóa tội phạm.
Giới trẻ ngập lụt trong văn hóa giải trí lưu manh
Chuyện những người trẻ say mê thế giới giang hồ với những giá trị trọng nghĩa khinh tài, coi anh em là trên hết không có gì lạ, Bố già chẳng chinh phục cả thế giới đó sao.
Còn ở Châu Á, và các bộ phim liên quan đến băng đảng xã hội đen lúc thịnh lúc suy nhưng luôn thu hút công chúng. Trong số đó, series phim xã hội đen có tầm ảnh hưởng nhất lịch sử điện ảnh Hong Kong (và cũng quen thuộc nhất với khán giả Việt Nam) là "Young and Dangerous", ở Việt Nam thường được biết đến với tên gọi "Người trong giang hồ", được phát hành trong thời kỳ 1996 - 1998.
Bộ phim gồm tới sáu phần, tập trung vào một nhóm băng đảng thiện, với các hoạt động như tranh giành địa bàn, thanh trừng, đối phó với những nhóm nhân viên công quyền thoái hóa để từ đó đề cao tình "huynh đệ", tính "nhân nghĩa" và "nguyên tắc giang hồ". Bộ phim nhanh chóng trở thành hiện tượng của Hong Kong, từ đó gây sốt toàn Châu Á.
Nhưng không có hiện tượng giải trí nào giống với VN hiện nay khi mà các băng đảng lưu manh đường phố được trao nút vàng, được hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội và táo bạo hơn, các nhà làm phim nổi tiếng còn mời các thành viên băng đảng đường phố đóng phim, những bộ phim sặc mùi lưu manh.
Họ không phải là giang hồ. Giang hồ là thế giới của những người vì hoàn cảnh nghiệt ngã mà rơi vào thế giới tội phạm không thoát ra được hoặc sinh ra trong gia đình đình tội phạm "giang hồ gốc".
Thế giới giang hồ có tổ chức, có hệ giá trị riêng mà tất cả đều phải tôn trọng.
Những Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Cu Thóc… và danh sách gì đó đang rầm rộ trên mạng không phải là giang hồ.
Sau Khá Bảnh, sau những bộ phim ca ngợi lối sống lưu manh là những trí thức hay rao giảng sứ mệnh cứu rỗi nhân loại của nghệ thuật, nhưng họ không bỏ qua cơ hội đánh vào thị hiếu, bất chấp tác hại cho xã hội để lấy tiền.
Về việc giang hồ tràn ngập phim ảnh, tờ Zing nêu ngoài công thức chung là 'giang hồ, bạo lực kết hợp với hài', điểm chung của các web drama về giang hồ là được ra nhiều tập, cách nhau thời gian không quá lâu. Một số phim còn ra thêm các tập ngoại truyện hoặc hậu trường, và cũng có lượt xem không nhỏ.
Nhưng cũng có một thực tế với tất cả web drama là các tập sau luôn có lượt xem thấp hơn, thậm chí thấp hơn nhiều tập trước. Thập Tam Muội là ví dụ, tính đến hiện tại tập cuối thấp hơn tập 1 khoảng 5 triệu views. Chết thì chịu của Việt Hương cũng vậy, tập 1 có 5,8 triệu lượt xem, tập 5 chỉ còn 2,3 triệu.
Ngay với phim ca nhạc về đề tài giang hồ cũng có kết quả tương tự. Phim ca nhạc Dẹp loạn giang hồ của Ưng Hoàng Phúc tập 1 có 7,5 triệu lượt xem, tập 3 chỉ còn 3,9 triệu.
Do vậy, nhiều phim đã phải dừng lại sau khoảng 3-4 tập, một phần vì lượt xem đã giảm. Ngoài ra, kịch bản của nhiều web drama tỏ ra bế tắc. Nhiều tập phim có nội dung na ná nhau.
Không chỉ hành động cũ, đôi khi miếng hài cũng cũ. Câu chuyện làm gái phải "học hành bài bản" cũng chỉ gây cười được một lần, và những dáng đi của BB Trần cũng không thể thu hút tới lần thứ 3 trong cùng một phim.
Chỉ có người thật việc thật như Khá Bảnh là luôn thu hút.
Hầu như các clip của Khá Bảnh đều thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm comment và hàng ngàn chia sẻ của cộng đồng mạng. Trong đó, clip Khá Bảnh ra tù thu hút tới 12 triệu lượt xem.
Khá Bảnh còn quay phim, phim ngắn "Tình anh em" của Khá Bảnh đứng đầu danh sách thịnh hành trên YouTube trong một thời gian với 48 triệu lượt xem.
Điều đáng nói, không chỉ riêng Khá Bảnh còn có một danh sách dài dằng dặc giang hồ YouTube hái ra tiền nhờ phô trương các hoạt động kiếm tiền theo kiểu giang hồ như cho vay, bảo kê, đâm chém quay thành clip hoặc dựng phim ngắn, có cả nghệ sĩ danh tiếng tham gia.
Có nghĩa giang hồ bây giờ ngoài quan hệ, tiền án, tiền bạc, băng nhóm, vũ khí, máu lạnh, sẵn sàng ra tay còn phải có YouTube, Facebook…không có thì chưa đặt "đẳng cấp".
Vì sao giang hồ YouTube Khá Bảnh lại thu hút số lượng lớn thanh thiếu niên theo dõi và ái mộ như vậy, chúng tôi không biết.
Nhưng cách mà người này thể hiện trong clip là kiếm tiềm, kiếm tiền và kiếm tiền thật dễ dàng từ các hoạt động không theo một quy chuẩn nào của xã hội. Thậm chí thanh thiếu niên còn chết mê chết mệt mỗi khi Khá Bảnh thay đổi kiểu tóc hay trang phục hoặc có một hành động làm dáng nào đó.
Yêu thích và làm theo là một bước rất ngắn nhất là đối với những người trẻ.
Vì sao giới trẻ lại chấp nhận một nhân vật nổi loạn như vậy ?
Công thức tạo ra Khá Bảnh
Khá Bảnh bị phạt tù 10 năm về tội tổ chức và đánh bạc, mức án nghiêm khắc, nhưng xem ra không làm Khá sợ hay tỏ ra hối hận và mức án nặng đó cũng không có tác dụng răn đe với những người trẻ.
Vì sao vậy ?
Người Việt hay đổ lỗi cho kinh tế thị trường và mạng xã hội, nhưng các quốc gia văn minh đã thiết lập nên những giá trị mới mang tính phổ quát, tôn trọng cá nhân và cộng đồng.
Trong khi chúng ta có kinh tế thị trường nhưng mang màu sắc kỳ lạ và vận hành theo những quy luật bí mật mà biểu hiện bên ngoài của nó là "mạnh được yếu thua".
Mạng xã hội thì cũng kinh dị, méo mó trong sự tự do tùy tiện, tiếng nói chính trực thì bị vùi dập, bị đe dọa, còn những tiếng nói a dua, nịnh bợ, chụp mũ, vu khống thì lại được biểu dương.
Tất cả cùng với sự bất lực trên nhiều phương diện của nền giáo dục đã tạo ra hiện tượng Khá Bảnh, chứ không phải Khá tạo ra chính mình trên mạng xã hội.
Khá Bảnh là một cái tên, cũng như Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng… Học hành không đến nơi đến chốn, nền tảng giáo dục gia đình lỏng lẻo, trong môi trường nông thôn đang chuyển thành đô thị, sớm thành thạo ăn chơi và thích được nổi danh, "ngập lụt" trong thế giới giải trí đầy màu sắc lưu manh.
Công thức ấy tạo ra Khá Bảnh, và cũng là công thức chung của hàng trăm ngàn thanh niên nông thôn hiện nay.
Hoàng Trúc
Nguồn : BBC, 16/11/2019