Tập Cận Bình vẫn coi Kim Jong-un như một chư hầu. Khi họ Kim gửi quân sang giúp Vladimir Putin đánh quân Ukraine, chắc đã được Tập ưng thuận. Vì Tập cũng không muốn Putin thất bại. Quân Ukraine đã đánh thẳng sang Nga, chiếm một vùng tỉnh Kursk, Putin không muốn rút quân từ Ukraine về chống đỡ, Kim Jong-un bèn giúp một tay.
Kim Jong-un và Vladimir Putin, tại Vladivostok, Nga, ngày 25/04/2019.
Tuy bị ràng buộc mật thiết với Trung Quốc, Kim Jong-un tỏ ra đang ngả về phía Nga. Lần cuối cùng Kim Jong-un gặp Tập Cận Bình là từ năm 2019 ; nhưng trong năm 2023 Kim Jong-un đã gặp Putin hai lần. Trong dịp lễ hội kỷ niệm 75 năm chế độ cộng sản chiếm được chính quyền ở Trung Quốc, Kim Jong-un chỉ gửi một bản văn chúc mừng khô khan ; nhưng nhân ngày sinh nhật Putin, Kim Jong-un đã gọi ông ta là "đồng chí thân yêu nhất !" theo Colin Demarest, trên mạng Axios.
Đây cũng là cơ hội cho Kim Jong-un chứng tỏ mình có thực lực. Trước khi cho quân cứu viện Nga, Kim đã phóng một hỏa tiễn liên lục địa tầm xa nhất từ trước đến nay. Ít nhất 10.000 đến 12.000 quân Bắc Hàn đã được gửi qua Nga, hơn 3.000 đã tới Kursk, bắt đầu đụng trận, theo tin BBC. Đây cũng là một dịp để binh sĩ Bắc Hàn được tập luyện làm quen với chiến trường mới, với những máy bay không người lái (drones).
Ahn Chan-il, một trung úy Bắc Hàn đã đào ngũ qua Nam Hàn, nói với hãng tin AP rằng binh sĩ Bắc Hàn được đi Nga chắc rất vui mừng. Đây là cơ hội "cả đời mới có một lần". Thứ nhất, họ được trả lương cao hơn. Lương tháng của một bộ đội Bắc Hàn được lãnh chỉ khoảng 1 đô la Mỹ, cũng như lương công nhân bình thường, theo lời các quân nhân đào ngũ. Bây giờ, Nga sẽ trả lương cho họ, ước chừng 2.000 đô la mỗi tháng. Chắc họ chỉ được hưởng 5% đến 10% số tiền đó, còn chính phủ Bắc Hàn sẽ thu hết. Bản tin AP thuật lời ông Nam Sung-wook, một cựu sĩ quan Tình Báo Nam Hàn, nói rằng Kim Jong-un sẽ kiếm được hàng trăm triệu mỹ kim rút từ tiền lương Putin trả cho lính Bắc Hàn. Nhưng sẽ có hàng trăm ngàn bộ đội Bắc Hàn tình nguyện đi Ukraine, vì số lương 10 đô la hay 20 đô la một tháng cũng là những món tiền lớn đối với họ !
Choi Jung-hoon, một cựu trung úy trong quân đội Bắc Hàn nghĩ rằng các bộ đội này sẽ rất hãnh diện khi được tuyển vào đoàn quân viễn chinh, theo bản tin AP. Đây là lần đầu tiên những người trẻ này được ra nước ngoài. Theo Trung úy Ahn, các bộ đội từ Ukraine trở về sẽ được nâng điểm nếu xin gia nhập Đảng Lao Động để hưởng các ưu đãi dành cho đảng viên. Ho sẽ được cấp hộ khẩu dễ hơn nếu muốn về thủ đô Bình Nhưỡng cư ngụ ; đó là một giấc mơ của nhiều người Bắc Hàn. Kang Mi-Jin, một quân nhân Bắc Hàn đào ngũ, nói rằng gia đình của các bộ đội được đi Ukraine sẽ được cho hưởng các chế độ tốt hơn. Chỉ tiêu trên sổ gạo, sổ thịt, sổ đường, vân vân, sẽ tăng lên, có thể được cấp một căn hộ rộng hơn, con cái xin vào đại học dễ dàng hơn, vân vân.
Nhưng các bộ đội Bắc Hàn qua Nga sẽ bị "làm thịt" vì thiếu kinh nghiệm chiến trường, không quen với địa hình mới, lại đối đầu với quân đội Ukraine thiện chiến. Lính Bắc Hàn còn bị lính Nga kỳ thị. Báo USA Today đã nghe một cuốn băng thâu thanh do quân Ukraine "nghe lén" các câu chuyện giữa binh sĩ Nga với nhau, than phiền về bộ đội của Kim Jong-un. Qua các mẩu đối thoại đó, tình báo Ukraine thấy mỗi nhóm 30 lính Bắc Hàn có ba lính Nga và một thông dịch viên đi kèm. Nhiều binh sĩ Nga đã ồn ào phản đối khi cấp chỉ huy ra lệnh chuyển giao xe bọc sắt cho lính Bắc Hàn ; vì chính quân đội Nga đang thiếu xe chuyên chở an toàn. Trong vụ cãi cọ đầy tiếng chửi thề, một lính Nga gọi bộ đội Bắc Hàn là "bọn Tàu" với ý khinh thường.
Một nỗi khó khăn trước mắt cho bộ đội Bắc Hàn là phải chiến đấu trên một địa thế mới lạ, BBC nhận xét. Họ được tập luyện trên những vùng núi non ở Triều Tiên, nay sẽ phải hành quân trên những cánh đồng bằng ở Nga và Ukraine. Họ cũng chưa có dịp làm quen với hình thái chiến tranh mới, như các súng và hỏa tiễn điều khiển bằng điện tử, các vụ tập kích bằng máy bay không người lái. Lần cuối cùng quân Bắc Hàn lâm trận đã hơn 70 năm trước, từ cuộc nội chiến 1950-1953, khi Kim Nhật Thành, ông nội của Kim Jong-un đánh xuống Hán Thành. Mỹ nhảy vào giúp Nam Hàn ; quân Bắc Hàn bị đẩy lùi đến sông Áp Lục, tại biên giới dài 1.400 cây số với Trung Quốc, Mao Trạch Đông phải đưa hàng triệu quân sang cứu.
Nhưng Vladimir Putin vẫn cần bộ đội của Kim Jong-un qua giúp. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhận xét : "Chúng ta biết Putin đã đi nhờ vả (tin-cupping) mua vũ khí của Bắc Hàn và Iran. Bây giờ phải cầu viện quân đội của một chế độ đang bị cả thế giới khinh miệt ; chứng tỏ ông ta đang gặp khó khăn bối rối như thế nào".
Báo mạng Business Insider tiết lộ ý kiến của các chuyên viên viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói rằng "Nga đang khẩn cấp cần thêm lính", đưa quân Bắc Hàn qua để tránh không phải ra lệnh động viên lần thứ hai. Quân Nga đã thiệt hại 690.000 binh sĩ, chết hoặc bị thương. Hiện nay mỗi ngày mất khoảng 1,200 người.
Chính phủ Nam Hàn đã lên án "Kim Jong-un không ngần ngại bán mạng sống các thanh niên miền Bắc, đem họ làm mồi cho súng đạn ; biến quân đội thành đạo lính đánh thuê", lời Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong Hyun nói với nhà báo Colin Demarest, mạng Axios. Cũng theo mạng tin này, Nam Hàn có ý định sẽ bắt đầu chung cấp vũ khí cho Ukraine. "Dây thân hữu giữa Bình Nhưỡng (Pyongyang) với Moscow thắt chặt hơn, họ sẽ mạnh dạn hơn khi đương đầu với Mỹ, và tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc sẽ được nới lỏng".
Trung Quốc có thể đã được báo trước và không can thiệp vụ Kim Jong-un gửi quân qua Nga. Theo trang tin Business Insider, Sari Arho Havrén, thuộc Viện Dịch vụ Thống Nhất Hoàng Gia Anh (Royal United Services Institute), cho rằng Tập Cận Bình đã ngầm chấp nhận cuộc trao đổi giữa Putin và Kim. Trung Quốc và Bắc Hàn đã ký một hiệp ước hổ tương và cộng tác năm 1961, là hiệp ước quốc phòng duy nhất, Bắc Kinh không ký với bất cứ quốc gia nào khác. Chế độ Bình Nhưỡng lệ thuộc vào Bắc Kinh, không thể nào thoát được. Hơn 90% nền ngoại thương của Bắc Hàn là mua bán với Trung Quốc, đặc biệt là thực phẩm và xăng dầu. Tuy nhiên, bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn tuyên bố họ không biết gì về vụ lính Bắc Hàn được gửi qua Nga. Đây là một cách tránh đụng chạm với các nước Phương Tây, họ đang hết lòng ủng hộ Ukraine.
Trung Quốc cần giao thương với Liên Hiệp Châu Âu (EU). Thương vụ giữa EU với Trung Quốc lên đến 799 tỷ mỹ kim trong năm 2023 ; lớn hàng thứ hai, chỉ thua các vụ mua bán giữa 28 nước này với Mỹ, theo Business Insider. Chính phủ các nước EU đã cho Bắc Kinh biết họ sẽ đánh thuế quan trên các xe chạy điện, vì các công ty Trung Quốc được chính phủ trợ cấp. Business Insider cho biết suất thuế có thể lên tới 35,3%, so với suất thuế 10% hiện nay.
Đây là thêm một mối lo cho ông Tập Cận Bình, trong lúc ông đang cố gắng phục hồi nền kinh tế trong nước. Những khóa khăn đe dọa là dân tiêu thụ bớt xài tiền, chỉ lo tiết kiệm ; giới trẻ thất nghiệp nhiều quá ; nạn giảm phát đe dọa ; và cuộc khủng hoảng bất động sản không có đường giải quyết. Tập Cận Bình không thể can ngăn Kim Jong-un đừng giúp Putin ở Ukraine.
Cuối cùng cuộc chiến tranh Ukraine có thể sẽ chấm dứt sớm hơn, không cần chờ đến lúc bộ đội Bắc Hàn bị hy sinh hết. Cựu Tổng thống Mỹ, và nay là tổng thống tân cử, Donald Trump, từng tuyên bố ông có thể chấm dứt chiến tranh tại Ukraine và "sẽ thực hiện điều đó chỉ trong 24 giờ". Trong tuần qua, ông đã điện thoại với Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, có ông Elon Musk tham dự - gần đây Musk đã điện thoại với Putin nhiều lần, theo the Wall Street Journal. Mỗi người có thể nói một câu cũng đủ khiến ông Zelenskyy chấp nhận thương thuyết ngưng bắn với Putin. Ông Trump chỉ cần báo tin tiền viện trợ cho Ukraine sẽ phải giảm vì chính phủ Mỹ lo ngân sách khiếm hụt. Ông Musk chỉ cần ngỏ ý không biết còn cho quân đội Ukraine sử dụng hệ thống viễn thông với ba ngàn vệ tinh của ông đang bay quanh trái đất nữa hay không. Các chú bộ đội Bắc Hàn sẽ được nghỉ ngơi, hưởng chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời, còn Kim Jong-un vẫn được Vladimir Putin trả tiền cho thuê lính !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 12/11/2024
Putin : Đảm bảo của Mỹ chưa đủ để Triều Tiên bỏ hạt nhân (VOA, 26/04/2019)
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sau cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 25/4 rằng các đảm bảo an ninh của Mỹ có thể sẽ không đủ để thuyết phục Bình Nhưỡng dẹp bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc hội kiến tại Vladivostok, Nga, ngày 25/04/2019.
Ông Putin và ông Kim đã tổ chức một ngày hội đàm tại một hòn đảo ngoài khơi thành phố Vladivostok nằm ven bờ Thái Bình Dương của Nga, hai tháng sau khi hội nghị thượng đỉnh của ông Kim với Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc trong bất đồng, làm nguội lạnh hi vọng về một bước đột phá trong tranh cãi hạt nhân kéo dài hàng chục năm qua.
Cuộc hội đàm giữa ông Putin và ông Kim dường như không đưa đến bất kì bước đột phá lớn nào.
Nhưng ông Putin, muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh này để đánh bóng thành tích ngoại giao của Nga trong tư cách là một nước đóng vai trò toàn cầu, cho biết ông tin rằng bất kì đảm bảo nào của Mỹ có thể cần phải được ủng hộ bởi các quốc gia khác tham gia trong các cuộc đàm phán sáu bên trước đây về vấn đề hạt nhân.
Điều này có nghĩa là bao gồm Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như Mỹ và Triều Tiên. Các cuộc đàm phán sáu bên đã bị gạt ra bên lề bởi những nỗ lực đơn phương của Mỹ nhằm điều giải một thỏa thuận.
"Họ (người Triều Tiên) chỉ cần những đảm bảo về an ninh của họ. Chỉ có vậy. Tất cả chúng ta cần phải suy nghĩ về điều này", ông Putin nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với ông Kim.
"…Tôi tin chắc rằng nếu chúng ta gặp phải tình huống mà cần phải có những đảm bảo an ninh nào đó từ một bên, trong trường hợp này là cho Triều Tiên, thì sẽ không thể nào đạt được mà không có các đảm bảo của quốc tế. Bất kì thỏa thuận nào giữa hai nước có phần chắc sẽ là không đủ".
Những đảm bảo như vậy sẽ phải mang tính quốc tế, có tính ràng buộc về mặt pháp lí và đảm bảo chủ quyền của Triều Tiên, ông Putin nói.
Reuters cho biết hai nhà lãnh đạo dường như trò chuyện tâm đầu ý hợp. Phiên họp đầu tiên giữa ông Putin và ông Kim, bao gồm các cuộc đàm phán trực diện mà chỉ với một vài phụ tá hiện diện, kéo dài gấp đôi thời gian 50 phút được dành ra trong lịch trình.
Ông Putin mô tả Kim là một người "khá cởi mở", "chu đáo" và "thú vị".
Hứa sẽ trình bày lại với lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ về các cuộc hội đàm, ông Putin nói ông nghĩ rằng một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là khả dĩ và cách thức để đạt được điều đó là tiến lên từng bước để tạo dựng niềm tin.
Ông Kim, đến Vladivostok hôm 24/4 trên đoàn tàu bọc thép của mình, cho biết tình hình trên bán đảo Triều Tiên "là một vấn đề mà thế giới rất quan tâm".
Ông không nói chuyện với giới truyền thông sau đó, nhưng bắt tay ông Putin trước khi được chở đi trong chiếc limousine của mình.
Hai nhà lãnh đạo trước đó đã tham dự một tiệc tối và xem các tiết mục văn nghệ truyền thống được trình diễn bởi các nghệ sĩ Nga.
********************
Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng an ninh và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ của Mỹ trong tương lai, hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin hôm 26/4.
Reuters cho rằng lời phát biểu của ông Kim được coi là tiếp tục gây áp lực lên Mỹ để Washington "linh hoạt hơn" trong việc chấp nhận các yêu cầu của Bình Nhưỡng nhằm nới lỏng các biện pháp trừng phạt, so với quan điểm mà Hoa Kỳ đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai đã đổ vỡ ở Hà Nội hồi tháng Hai.
Tin cho hay, ông Kim từng nói rằng ông sẽ đợi "cho tới cuối năm nay" để xem Mỹ có trở nên linh hoạt hơn không.
"Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực hiện trong tình trạng bế tắc và đã lên tới mức nghiêm trọng, có thể trở lại tình trạng ban đầu vì Hoa Kỳ có thái độ đơn phương, không chấp nhận thực tế", KCNA dẫn lời ông Kim nói.
"Triều Tiên sẽ chuẩn bị cho mọi tình huống có thể", ông Kim nói thêm.
Theo KCNA, ông Kim đã mời ông Putin tới Triều Tiên vào thời điểm thuận lợi và ông Putin đã chấp nhận lời mời.
Reuters đưa tin rằng cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Kim và ông Putin tại Vladivostok của Nga hôm 25/4 dường như không mang lại bất kỳ đột phá nào.
*****************
Putin sẵn sàng chia sẻ chi tiết với Mỹ về thượng đỉnh Nga-Triều (VOA, 26/04/2019)
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng chia sẻ chi tiết với Hoa Kỳ về thượng đỉnh Nga-Triều giữa ông với Kim Jong-un hôm 25/4.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái).
Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Kim và ông Putin không cho thấy có thay đổi lớn trong quan điểm của Triều Tiên. Tổng thống Nga cho hay ông Kim sẵn sàng từ bỏ võ khí hạt nhân chỉ khi nào ông ấy được bảo đảm an ninh.
Tuy nhiên, vẫn theo lời ông Putin, lãnh đạo Triều Tiên thúc giục Nga giải thích quan điểm của Bình Nhưỡng với Tổng thống Trump.
Sau thượng đỉnh hôm 25/4 ở thành phố cảng Vladivostok cách biên giới Triều Tiên chừng 120 cây số, ông Putin nhấn mạnh Moscow và Washington đều muốn Bình Nhưỡng bỏ võ khí hạt nhân nhưng, ông nói, các đảm bảo an ninh mà Triều Tiên đòi hỏi nên được cam kết bởi nhiều nước, ý muốn nhắc tới các cuộc đàm phán 6 bên mà Nga từng tham gia cho tới khi bị sụp đổ vào năm 2009.
Sau cuộc họp với ông Kim, Tổng thống Nga sang Bắc Kinh 2 ngày và cho biết sẽ thông báo với lãnh đạo Trung Quốc về thượng đỉnh vừa diễn ra.
"Và chúng tôi sẽ thảo luận cởi mở vấn đề này với lãnh đạo Hoa Kỳ", ông Putin nói. "Không có gì là bí mật. Quan điểm của Nga lúc nào cũng minh bạch".
*****************
Nga-Triều : Kim tuyên bố trao đổi "rất phong phú" với Putin (RFI, 25/04/2019)
Trong bối cảnh bế tắc ngoại giao với Mỹ, Kim Jong-un và Vladimir Putin gặp nhau lần đầu tiên, thứ Năm 25/04/2019, tại Vladivostok với chủ đích "tăng cường mối quan hệ lịch sử". Chủ tịch Bắc Triều Tiên được tổng thống Nga đón tiếp trên đảo Rousski, sau hơn 10 tiếng đồng hồ du hành bằng xe hỏa bọc thép.
ổng thống Nga Vladimir Putin (P) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Vladivostok, Nga, ngày 25/04/2019. Sergei Ilnitsky/Pool via Reuters
Qua tuyên bố của Vladimir Putin và Kim Jong-un, nội dung cuộc gặp gỡ tập trung vào "các phương tiện có thể giúp giải quyết tình hình bế tắc tại bán đảo Triều Tiên" và "tăng cường mối quan hệ lịch sử giữa hai nước".
Từ Moskva, thông tín viên Daniel Vallot phân tích :
"Từ trước đến nay, Kim Jong-un vẫn tỏ ra ngần ngại không muốn sang nước Nga. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên có xu hướng dựa vào đồng minh Trung Quốc và đối thoại trực tiếp với Mỹ.
Tuy nhiên, thế cờ đã thay đổi từ khi thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội thất bại. Moskva đạt được mục đích mong muốn : tổ chức một cuộc gặp chính thức, tại lãnh thổ Nga, với chủ tịch Bắc Triều Tiên.
Moskva có nhiều lý do để quan tâm đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng : Nga là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và cũng là láng giềng của Bắc Triều Tiên.
Nga từ chối quyền của Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân, nhưng Moskva chủ trương phải nhanh chóng giảm nhẹ lệnh cấm vận ban hành từ năm 2017. Theo quan điểm của Nga, cần phải có qua có lại mới có thể khuyến khích Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Chính ở điểm này mà đối thoại Donald Trump-Kim Jong-un tại Hà Nội bị thất bại ".
Theo AFP, thượng đỉnh Nga-Triều lần thứ hai kể từ cuộc hội kiến Kim- Medvedev năm 2011 kết thúc không thông cáo chung, không ký kết thỏa thuận nào.
Nhưng sau cuộc hội đàm dài hai tiếng đồng hồ, chủ tịch Bắc Triều Tiên cho biết đã "bàn thảo và trao đổi sâu rộng với lãnh đạo Nga về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm". Tổng thống Putin cũng cam kết với đồng nhiệm "ủng hộ các xu hướng tích cực" tại bán đảo Triều Tiên và "tăng cường hợp tác kinh tế".
Thượng đỉnh Putin-Kim diễn ra trong bối cảnh đàm phán Bắc Triều Tiên-Hoa Kỳ về phi hạt nhân hóa đang bế tắc.
Thông tín viên RFI tại Seoul Fédéric Ojardias nêu lên những chờ đợi của lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong chuyến viếng thăm Nga :
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đến Nga trước tiên là để tìm kiếm thêm hỗ trợ từ bên ngoài và hậu thuẫn của Mátxcơva trong cuộc đọ sức với Mỹ. Kim Jong-un sẽ yêu cầu Vladimir Putin nới lỏng gọng kềm trừng phạt. Nga là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An và đã bỏ phiếu cho những nghị quyết Liên Hiệp Quốc gần đây trừng phạt Bình Nhưỡng vì những thử nghiệm hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo.
Có rất ít khả năng tổng thống Nga chấp nhận vi phạm công khai những trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng, nhưng các trao đổi kinh tế giới hạn nhằm mục tiêu nhân đạo vẫn có thể được thực hiện.
Moskva và Bình Nhưỡng còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để phát triển quan hệ kinh tế, như chủ nhân điện Kremlin đã tuyên bố nhân cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo.
Bình Nhưỡng cũng sẽ yêu cầu Moskva không trục xuất 10.000 lao động Bắc Triều Tiên đang làm việc trên đất Nga và mang về ngoại tệ. Theo dự kiến của nghị quyết Liên Hiệp Quốc, số nhân công này sẽ bị trả về nước từ đây cho đến tháng 12.
Về phía Hàn Quốc, cuộc gặp thượng đỉnh Kim-Putin được đánh giá tích cực. Seoul cũng mong muốn một phần trừng phạt được bãi bỏ để có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế với phía Bắc. Seoul rất muốn được nhập khí đốt và than của Nga qua ngả Bắc Triều Tiên.
Vào lúcKim Jong-un qua Nga tìm hậu thuẫn của Putin, tại Hoa kỳ, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vào hôm qua, 24/04/2019 nhận định rằng tiến trình thương thuyết với Bình Nhưỡng về giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ khá "gập ghềnh", nhưng ông cũng hy vọng đạt được bước ngoặt đàm phán.
Trả lời kênh truyền hình Mỹ CBS, ông Pompeo cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội có nhiều "sắc thái" hơn là những gì đã được công khai nêu lên. Các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên sẽ "đầy thách thức", nhưng ông hy vọng sẽ có nhiều cơ may hơn để có những trao đổi nghiêm túc về cách thức thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa.
Tú Anh