Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam xếp thứ 27 trên tổng số 195 quốc gia về phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

lachau1

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - RFA

Các chuyên gia đánh giá rằng một trong những nguyên nhân khiến lượng khí thải của Việt Nam cao đến vậy là do hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, trong đó phần lớn là công nghệ cũ nhập từ Trung Quốc.

Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo rằng trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu thì nguy cơ gây phát thải khí nhà kính là rất lớn.

Vì "ham rẻ"

Bộ Khoa học và Công nghệ gần đây đưa ra báo cáo cho thấy có tới gần 90% doanh nghiệp Việt Nam dùng công nghệ lạc hậu so với thế giới, 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩu thuộc những năm 50, 60 trong đó 75% số thiết bị đã hết khấu hao.

Báo cáo cũng nêu rõ chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, trong đó chỉ có 2% sử dụng công nghệ cao. Tỷ lệ này thua xa các nước lân cận như Thái Lan (31%), Malaysia (51%) và Singapore (73%).

Giải thích lý do Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu trong công nghiệp, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết nguyên nhân chính là do doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguồn vốn để đầu tư công nghệ cao :

Các doanh nghiệp luôn tính toán và có xu hướng là muốn ham rẻ, nên nhập khẩu hay mua lại những cơ sở mà Trung Quốc đã thải loại do vấn đề môi trường. Tôi cho rằng đây là một nhược điểm rất lớn. Về mặt chủ trương thì Việt Nam đã có những lúc không cho nhập khẩu công nghệ lạc hậu. Thế nhưng do quá khứ diễn biến nhiều năm cho nên khi có chủ trương này vẫn không giải quyết được hết những tồn đọng do một thời gian dài trước đây.

Một báo cáo khác của Bộ Kế hoạch – Đầu Tư hồi tháng 5 vừa qua cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, từ Trung Quốc tăng 40% so cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2016, Trung Quốc cũng là quốc gia cung cấp máy móc, thiết bị phụ tùng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên tới 9,25 tỉ USD.

Tháng 6 vừa qua, Việt Nam ban hành dự thảo cấm chuyển giao công nghệ, máy móc không còn sử dụng ở các quốc gia có trình độ phát triển hơn Việt Nam.

Những năm trước đây, Việt Nam cũng liên tục đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu từ nước ngoài. Chẳng hạn như năm 2015, Việt Nam ban hành Dự thảo Thông tư với nội dung là các doanh nghiệp nhà nước chỉ được nhập những thiết bị khi chúng đáp ứng một trong hai tiêu chí : chưa sử dụng quá 10 năm hoặc chất lượng còn lại đạt trên 80%.

lachau2

Nhà máy Đường Ninh Hòa xả khói gây ô nhiễm môi trường (1/1/2014) - Courtesy of nld.com.vn

Một nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ công nghệ lạc hậu ở Việt Nam cao, theo Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, là do thị trường này dễ tiềm ẩn tham nhũng :

Tức là nhiều khi mua những công nghệ thải loại đó rất rẻ, những vẫn có thể tính ở một mức giá nhất định. Đó là chiều sâu mà tôi gọi là nguy cơ tham nhũng có thể xảy ra đối với việc nhập khẩu, lắp đặt, vận hành những công nghệ quá lạc hậu.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Đặng Hùng Võ rằng do nguồn vốn đầu tư thấp nên doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu công nghệ lạc hậu giá rẻ. Ông bổ sung thêm rằng trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp nên đôi khi không đáp ứng được yêu cầu tay nghề để sử dụng công nghệ cao :

Để hiểu được công nghệ cao thì phải có những công nhân tay nghề cao hay các kỹ sư được đào tạo có trình độ cao thì mới vận hành được hệ thống đó. Sử dụng công nghệ lạc hậu lại giải quyết được việc làm cho những công nhân tay nghề thấp, lao động phổ thông chẳng hạn. Nếu chúng ta sử dụng công nghệ hiện đại như tự động hóa hay robot hay điện toán hóa toàn bộ thì lúc đó người công nhân tay nghề thấp sẽ không có việc làm.

Năm 2016, số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh – Xã hội cho thấy Việt Nam chỉ có 38,5 % lao động đã qua đào tạo nghề, trong khi đó năm 2015 chỉ có 18,1%.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết ngành công nghiệp gây ra lượng khí thải lớn nhất hiện nay ở Việt Nam là những ngành như nhiệt điện hay luyện kim, sử dụng công nghệ quá xưa cũ.

Gần đây các chuyên gia khoa học, môi trường cũng bày tỏ lo ngại trước việc Việt Nam ngày càng đẩy mạnh phát triển công nghệ nhiệt điện chạy bằng than và điển hình là chuỗi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân từ 1 đến 4 tại tỉnh Bình Thuận. Chuỗi nhà máy này có đến 95% vốn đầu tư của Trung Quốc.

Giải pháp nào ?

Vị nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường nói với chúng tôi rằng nếu Việt Nam muốn sử dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới để ứng dụng trong công nghiệp thì điều đầu tiên là mở rộng nguồn vốn thì các doanh nghiệp mới có điều kiện tài chính để nhập khẩu :

Lúc này là lúc Việt Nam cần có quyết định về tiếp cận nguồn vốn đầu tư, trong đó có việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hay các nguồn vốn hỗ trợ cho các vấn đề môi trường để có thể nâng cao khả năng đầu tư cho các công nghệ thân thiện môi trường.

Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là chuyện dễ giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tín dụng của Việt Nam đang leo thang.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn lại đánh giá việc nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về hiểm họa môi trường gây ra do công nghệ lạc hậu là rất quan trọng. Ngoài ra, ông đề xuất thêm một giải pháp khác :

Thứ hai là phải nâng cao trình độ quản lý đối với các dự án hiện tại. Thư ba là các tiêu chuẩn xét chọn đầu tư phải khắt khe hơn để đưa ra các yêu cầu môi trường khắt khe hơn. Như vậy một số công nghệ Trung Quốc sẽ không đáp ứng được những yêu cầu như vậy, thì buộc phải chọn công nghệ hiện đại hơn.

Tháng 4 vừa qua, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick nói rằng ông hy vọng Việt Nam sẽ chú ý để không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc.

Lan Hương

Nguồn : RFA, 24/08/2017

Published in Diễn đàn

Đồng Tâm, sau 45 ngày của hy vọng (RFA, 07/07/2017)

Sự chờ đợi của người dân thôn Hoành về kết quả thanh tra đất đai Đồng Tâm dường như được giải quyết vào sáng ngày 7 tháng 7. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung gọi đây là "thực hiện đúng cam kết" mà ông đã hứa với người dân Đồng Tâm : Sau 45 ngày, tại UBND xã Đồng Tâm, dự thảo kết luận thanh tra đất được công bố công khai. Vì sao chỉ là "dự thảo kết luận" nhưng lại công bố rộng rãi ?

dongtam1

Dân làng Đồng Tâm đổ đất đá làm chướng ngại vật trên con đường vào làng hôm 20 tháng 4 năm 2017.  AFP photo

Dự thảo để thăm dò?

Sau vài diễn biến được gọi là "đầu tiên" trong vụ việc Đồng Tâm, có thể nhắc lại như : Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại sau 1975, người dân thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức thể hiện sự phản kháng của họ đối với vấn đề cưỡng chế đất đai, đền bù, khiếu kiện bằng hành vi bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin; lần đầu tiên mâu thuẫn đất đai được giải quyết bằng cuộc đối thoại giữa một quan chức cấp cao, và kết thúc bằng một bản cam kết cũng là lần đầu tiên trong lịch sử hành pháp và tư pháp của Việt Nam : bản cam kết viết tay của chính ông chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng với chữ ký của những vị đại biểu Quốc hội làm người đại diện.

Thì một lần nữa, đây là lần đầu tiên một kết luận thanh tra được công bố rộng rãi trước người dân với tên gọi "dự thảo kết luận thanh tra".

Chính ông Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung có đưa ra giải thích và được báo chí trích dẫn lại rằng : Cơ quan chức năng có thể tổ chức thông báo dự thảo kết luận thanh tra hoặc không, tuy nhiên, để "thực hiện đúng cam kết" thì dự thảo đã được công bố rộng rãi.

Theo dõi vụ Đồng Tâm từ những ngày đầu cho đến khi diễn ra buổi công bố dự thảo kết luận, tối ngày 7 tháng 7, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng có một lý do để giải thích cho việc gọi là "dự thảo kết luận".

"Việc họ dự thảo kết luận thanh tra thì họ có cái lý do, là vì họ không tin chắc cái lập luận của họ. Cho nên họ đưa ra dự thảo để xem xét dư luận nói cái gì, người ta phản bác cái gì ? Người ta vạch ra cái gì ? Người ta vạch ra cái chỗ mâu thuẫn không chính xác… thì họ có thể có cơ hội để điều chỉnh.

Tôi suy nghĩ rằng đấy là 1 việc mà họ cũng có sự khôn ngoan".

Như phân tích của giáo sư Nguyễn Khắc Mai đã đưa ra, cách nói "dự thảo kết luận" là người tham dự được quyền lên tiếng đòi hỏi chỉnh sửa nếu cần thiết. Theo tường thuật của báo trong nước, ông Bùi Văn Kỉnh, người dân xã Đồng Tâm, có mặt tại buổi công bố có ý kiến lẽ ra người dân thôn Hoành phải nhận được bản dự thảo trước khi công bố để nghiên cứu nội dung. Ông đề nghị cơ quan chức năng đo đạc lại hai khu đất Đồng Sênh và Cổng Đồn với sự giám sát của hai bên chính quyền và người dân, tuy nhiên lời đề nghị của ông không được chấp thuận.

Ngỡ ngàng

Cũng theo tường thuật của truyền thông trong nước, Phó chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy trình bày dự thảo kết luận với nhiều nội dung chi tiết trong một giờ 30 phút, trước khoảng 200 người gồm đại diện nhân dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) cùng Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo các ban ngành. Một số luật sư được cho là đại diện nhóm người dân ở thôn Hoành cũng có mặt.

dongtam7

Cảnh sát cơ động được người dân thả ra hôm 22/4/2017 tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. AFP photo

Trong bản dự thảo kết luận, ông nêu, không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như kiến nghị của ông Lê Đình Kình (đại diện cho người dân có khiếu kiện ở xã Đồng Tâm), diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11 ha và là đất quốc phòng.

Ông chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, người từng ký cam kết không khởi tố người dân Đồng Tâm, khẳng định rằng, một số quyết định liên quan trong đó có quyết định của UBND Thành phố Hà Nội năm 2014 về khu đất quốc phòng sân bay Miếu Môn 236,9 ha là "đúng pháp luật".

Ngược lại, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai Hoàn toàn không đồng ý với kết quả của dự thảo kết luận trên.

"Những kết luận sơ bộ thì tôi thấy nhiều điều không trung thực, và đấy là cái năng lực cũng như là thái độ xưa nay của họ thôi. Họ không muốn đi đến cái chân lý tận cùng đâu"

Chân lý mà giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng cần phải đi đến tận cùng trong giải quyết vấn đề Đồng Tâm, chính là nhìn ra sai lầm đầu tiên, cũng là lớn nhất, đó là chuyển đổi mục tiêu sử dụng đất không rõ ràng minh bạch.

"Người ta giao cho anh làm sân bay chứ không phải nói là đất quốc phòng chung chung rồi anh muốn làm gì thì anh làm. Khi anh đã không làm sân bay thì nguyên tắc anh phải trả lại cho chính phủ để chính phủ trả lại cho dân. Hiện nay dân cũng có yêu cầu rất lớn để làm ăn sinh sống. Đó là sai lầm rất lớn của họ".

Cùng nhận định trên, luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẽ trên trang cá nhân của ông rằng : Những nguyên nhân chính yếu gây nên "sự cố" Đồng Tâm như chính sách về sở hữu đất đai, về giải quyết khiếu nại, về tình trạng tham nhũng hoặc yếu kém của cán bộ công chức ... đều bị xem nhẹ".

Khoảng hai tuần trước, Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố hình sự vụ Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình chia sẽ trong một video clip trên mạng xã hội: "Tôi muốn nói với ông Nguyễn Đức Chung rằng hãy chờ kết quả thanh tra trước khi có quyết định khởi tố".

Qua đó, nhiều ý kiến nói rằng người dân Đồng Tâm đang trông ngóng và hy vọng vào một kết luận thanh tra sẽ chứng minh được việc họ bắt giữ cán bộ là một động thái bảo vệ đất đai của mình.

Thế nhưng, ngay sau khi bản dự thảo kết luận được công bố, trả lời phóng viên Đài Á Châu tự do, ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người từng bị công an Hà Nội bắt liên quan đến vụ tranh chấp đất đai này cho biết bản thân anh và hầu hết người dân Đồng Tâm rất bất mãn.

"Kết luận này là sai hoàn toàn bởi vì từ ngày tôi còn nhỏ đã theo ông bà vào trong đó dỡ sắn, trồng lạc, ngô ở trong đó suốt nên họ nói vậy là sai hoàn toàn. Bây giờ bà con cũng đang rất bức xúc khi nghe được tin đó".

Theo lời ông Doanh, đất này là đất nông nghiệp của dân từ ngày xưa đến giờ, và Đồng Tâm lại chuẩn bị dậy sóng.

Và ông Lê Đình Kình, người được cho là thủ lĩnh của thôn Hoành, sau khi theo dõi diễn biến buổi công bố dự thảo kết quả thanh tra, đã trả lời báo chí trong nước rằng "Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ".

Ông chính là người nói lời cảm ơn ông Nguyễn Đức Chung trong một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, với nội dung : Nếu ông Nguyễn Đức Chung không về xử lý vụ Đồng Tâm thì có thể xảy ra vụ Thiên An Môn tại Việt Nam, và từ đó sẽ để lại cho chế độ một vết nhơ không xoá được.

Cát Linh, phóng viên RFA

***************

Người dân : Đồng Tâm lại chuẩn bị dậy sóng (RFA, 07/07/2017)

Dự thảo kết luận thanh tra đất Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội được công bố sáng ngày 7/7 nêu rằng "không có đất nông nghiệp ở đồng Sênh" và "toàn bộ sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng".

dongtam3

Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Bản dự thảo kết luận thanh tra cho rằng "không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp xứ đồng Sênh như công dân nêu, diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm chỉ có 64,11 ha, là đất quốc phòng".

Trong một đoạn video được truyền trên mạng, có ghi trực tiếp buổi dự thảo, Phó chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy giải thích rõ về nguồn gốc Lữ đoàn 28 cho xã Đồng Tâm thuê đất quốc phòng như sau :

Kết quả 57 mốc vẫn còn nguyên và được đóng dày trên cơ sở 16 mốc giới do Bộ tư lệnh công binh đóng trước đây. Diện tích đất toàn bộ sân bay Miếu Môn là 239,4 ha, sau khi trừ gia công còn 236,9 ha trong đó diện tích đất sân bay thuộc địa chính xã Đồng Tâm là 64,11 ha. Trong quá trình quản lý sử dụng từ năm 1981 đến nay, bộ Tư lệnh công binh, Lữ đoàn 28 chưa xây dựng công trình quốc phòng trên phần diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa chính xã Đồng Tâm.

Từ năm 1989, kế thừa Bộ Tư lệnh Công binh, Lữ đoàn 28 đã ký một số hợp đồng giao khoán hàng năm trên diện tích 525 sào, tức 19,9 ha cho UBND xã Đồng Tâm. UBND xã đã giao cho các hộ sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Từ sau năm 2012, lữ đoàn 28 không ký hợp đồng giao khoán. Năm 2015 có thông báo gửi UBND xã Đồng Tâm trong đó nó nội dung bắt đầu từ năm 2015, đơn vị sẽ không cho thuê đất quốc phòng để canh tác nông nghiệp. Thực tế hiện nay các hộ dân chưa trả lại đất và vẫn sản xuất nông nghiệp ở đây.

Trước dự thảo kết luận như vậy, Đài RFA đã liên lạc với một người dân Đông Tâm là anh Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, một trong 4 người từng bị công an Hà Nội bắt liên quan đến vụ tranh chấp đất đai này. Anh Doanh cho biết bản thân anh và hầu hết người dân Đồng Tâm hiện tại rất bất mãn với kết luận này :

Kết luận này là sai hoàn toàn bởi vì từ ngày tôi còn nhỏ đã theo ông bà vào trong đó dỡ sắn, trồng lạc, ngô ở trong đó suốt nên họ nói vậy là sai hoàn toàn. Bây giờ bà con cũng đang rất bức xúc khi nghe được tin đó. Bà con nói rằng bây giờ cả thế giới người ta nhìn vào cái đất này là đất nông nghiệp của dân từ ngày xưa đến giờ, thế này Đồng Tâm lại chuẩn bị dậy sóng.

Bản dự thảo kết luận thanh tra cũng nói rõ là việc để 14 hộ dân xã Đồng Tâm sử dụng đất khu Miếu Môn, theo cơ quan chức năng, là sai phạm. Ngoài ra, đầu năm 2017, một số công dân tổ chức đo đạc, phân lô, đưa máy móc vào xây công trình trên phần diện tích mà doanh nghiệp quân đội đang xây dựng trong sân bay Miếu Môn cũng được cho là "hành vi chiếm đất quốc phòng, coi thường pháp luật".

Cũng theo bản dự thảo, những người dân trước đó đã từng thừa kế, cho, tặng, chuyển nhượng lô đất quốc phòng này là trái thẩm quyền, và vi phạm pháp luật về quản lý đất đai.

Từ Hà Nội, cụ Lê Hiền Đức, một người chuyên giúp dân oan đấu tranh giành lại đất đai và chống tham nhũng, và đạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết bà vô cùng bức xúc khi được nghe dự thảo kết luận này và sau việc này bản thân bà sẽ "vào cuộc" cùng người dân Đồng Tâm :

Đất quốc phòng là thế nào ? Bao nhiêu đời nay rồi người ta đã trồng cấy nhưng giờ tự nhiên biến thành đất quốc phòng. Như vậy là cướp à ? Có đền bù đồng nào không ? Muốn thu hồi thì phải có họp dân, thông báo và có đề bù. Tôi không có một hòn đất ở đấy mà nghe tin còn gai cả người nữa là người dân, đất người ta sinh sống bao nhiêu đời nay rồi. Tôi sẽ nghiên cứu kỹ và sẽ vào cuộc, gặp trực tiếp người dân Đồng Tâm.

Còn luật sư Hà Huy Sơn, đoàn luật sư Hà Nội cho biết ông không nắm rõ hồ sơ vụ việc nên không thể kết luân đúng sai. Tuy nhiên ông đưa ra lời khuyên cho người dân Đồng Tâm nếu không đồng tình với kết quả dự thảo trên :

Tại vì đây mới là dự thảo nên chưa thể khiếu nại được vì chưa chính thức. Người dân có thể có ý kiến gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 26 tháng 6 vừa qua trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng khi được người dân chất vấn về vụ việc tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm trả lời rằng phải xử lý cán bộ sai phạm trước rồi mới xử người dân.

Trong buổi dự thảo kết luận thanh tra sáng hôm 7/7, Phó chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy cũng giải trình về việc "xử quan" như sau :

Đến nay UBND huyện đã giải quyết xong 17/ 34 vấn đề phải xử lý cán bộ và xử lý ai. Trong đó về xử lý cán bộ, đã ky luật 19 cá nhân có sai phạm, trong đó 8 người bị khai trừ khỏi Đảng, 6 người bị cảnh cáo, 5 người bị khiển trách. Kỷ luật về chính quyền 14 người, trong đó cảnh cáo 12 người, khiển trách 1 người và buộc thôi việc một người.

Cũng cần nói lại là vụ tranh chấp đất đai giữa người dân xã Đồng Tâm và chính quyền địa phương xảy ra đã nhiều năm nay nhưng đỉnh điểm là vào ngày 15 tháng 4 khi Công an Hà Nội bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm để điều tra vụ án "gây rối trật tự công cộng" mà thực tế là do tranh chấp đất đai.

Xô xát hôm ngày 15 tháng 4 cũng làm một dân làng là cụ Lê Đình Kình, đại diện dân làng trong vụ tranh chấp đất đai, bị thương phải nhập viện.

Phản ứng trước hành xử của những đơn vị chức năng, người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an và cảnh sát cơ động làm con tin. Đến ngày 22 tháng 5, đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội về đối thoại và viết cam kết, người dân mới thả hết toàn bộ con tin ra.

Lan Hương, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 07/07/2017

************************

Chủ tịch Chung 'mong dân Đồng Tâm chấp hành' (BBC, 07/07/2017)

Chính quyền Hà Nội công bố "dự thảo kết luận thanh tra" đất Đồng Tâm sau vụ đối đầu chưa có tiền lệ.

dongtam4

Cảnh sát cơ động ra về trong sự mừng rỡ của toàn thể người dân xã Đồng Tâm

Buổi công bố "dự thảo" này được một vài nhà quan sát trong nước đánh giá là phép thử dư luận trước khi có công bố chính thức.

Đến dự sự kiện được mô tả là "thanh tra toàn diện việc quản lý và sử dụng đất" tại khu vực sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, Huyện Mỹ Đức, Hà Nội có đại diện của nhiều bên gồm Thanh tra Hà Nội Tranh tra Chính phủ, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, một số người dân được mô tả là đại diện xã Đồng Tâm nhưng không có cụ Lê Đình Kình, người bị đã bị thương trong lúc bị giới chức Hà Nội bắt giam và phải phẫu thuật.

Tâm điểm của vụ đối đầu giữa dân và chính quyền liên quan tới 59 hecta đất tranh cãi kéo dài từ nhiều năm nay.

Ông Nguyễn An Huy, Phó chánh thanh tra Hà Nội, được dẫn lời mô tả điều ông gọi là "không có diện tích 59 hecta đất nông nghiệp như dân nêu".

dongtam5

Vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức làm nóng dư luận Việt Nam từ giữa tháng 4/2017.

Do đó ông nói là việc "Đề nghị trả tiền bồi thường khi giải phóng mặt bằng khu đất 14 hộ dân đang sử dụng là không có cơ sở".

Trong khi đó ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nói rằng bản kết luận đã dựa trên cơ sở tiếp thu "rất nhiều tài liệu để đi đến sự thật".

"Việc chúng tôi cam kết trong 45 ngày đã kết thúc, thời gian tới sẽ công bố kết luận thanh tra minh bạch.

'Dân Đồng Tâm không xấu'

Ông Chung được dẫn lời mô tả một số luật sư "cũng chỉ đại diện cho một số người dân thôn Hoành, không đại diện cho nhân dân xã Đồng Tâm", và "nếu người dân khiếu kiện, chúng tôi sẽ giao cho thanh tra thành phố đối thoại".

"Với tài liệu cơ quan công an điều tra, với tìm hiểu của tôi, và chính cụ Kình đã nói với tôi, sau này tôi sẽ công bố băng ghi âm ghi hình, có một nhóm người kích động xúi giục nhân dân vào lấn chiếm, nhân dân tự chia nhau.

"Tôi kêu gọi, những đảng viên, nhân dân, 10.000 dân Đồng Tâm không xấu, chỉ có một bộ phận đang hiểu sai…

dongtam6

Một con đường ở xã Đồng Tâm bị chắn trong vụ xung đột đất đai ở xã ngoại thành Hà Nội này - Ảnh chụp ngày 20/4/2017

"Cơ quan công an Thành phố khởi tố là giai đoạn để người dân chứng minh mình, những gì người dân được hưởng khoan hồng.

"Đề nghị sau buổi này tiếp thu hoàn chỉnh kết luận thanh tra và công khai cho Hà Nội và bà con cả nước. Sự thật vẫn là sự thật.

"Tôi đồng ý đất không đẻ ra được, câu chuyện mọi người đang làm sai lệch ra là đất đẻ ra. Nhưng mốc giới vẫn còn đó, mong mọi người dân chấp hành".

Luật sư Trần Văn Hải người có mặt tại buổi dự thảo kết luận thanh tra sáng 7/7 cho BBC biết :

"Tôi rất ngạc nhiên. Thường thì kết luận thanh tra phải giữ bí mật, giữa các cá nhân liên quan. Đằng này họ công khai với hàng trăm người. Mỗi người chỉ có 3 phút trình bày.

"Tôi đề nghị họ phải cung cấp bản kết luận dự thảo cho người dân, phải cho chúng tôi xem trước để thảo luận, tìm cách có ý kiến. Một số cụ sức khỏe yếu nghe họ đọc dự thảo 1-2 tiếng mà làm sao đủ tài đủ sức".

Nhà báo Huy Đức cũng từng có cách giải thích về điều ông gọi là "chênh lệch địa tô".

Truyền thông trong nước đồng loạt đăng tin về sự kiện công bố dự thảo thanh tra này.

Báo An ninh Thủ đô có tựa "Thanh tra đất Đồng Tâm : Xử lý nghiêm khắc cán bộ vi phạm, làm rõ nguồn gốc đất đai".

Dân Trí lấy tựa "Thanh tra Hà Nội : Toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng" tương đối giống với VnExpress chọn tựa "Thanh tra Hà Nội : Khu sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng".

Báo Thanh Niên có bài "Công bố dự thảo kết luận thanh tra đất Đồng Tâm", VietnamNet cũng chạy tít tương tự "Hà Nội công bố thanh tra đất Đồng Tâm".

Biến cố "bắt giữ con tin" để trao đổi 4 người dân bị chính quyền bắt không phép chỉ được giải quyết sau khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm đối thoại với dân và cam kết "không truy cứu trách nhiệm hình sự" vào ngày 22/04.

Hơn 10 cán bộ, quan chức cấp xã và cấp huyện bị khởi tố liên quan tới các sai phạm đất đai ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội.

Hôm 13/6, cảnh sát điều tra thuộc Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự liên quan tới vụ đối đầu giữa người dân Đồng Tâm với giới chức do tranh chấp đất đai, theo hướng nhằm làm rõ hai tội danh "bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật" và "hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".

Cho đến nay, chưa có tin tức gì về việc có ai bị khởi tố bị can trong vụ án này hay chưa.

Hôm 26/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri tuyên bố "phải xử lý ngay những cán bộ đã lạm dụng, vô trách nhiệm, đã làm sai ở tại xã [Đồng Tâm]".

Tuy nhiên, thủ tướng cũng nhắc tới việc phải "xử lý người dân sai trái, quá khích".

******************

Đề nghị điều tra vi phạm đất sân bay Miếu Môn (RFA, 07/07/2017)

Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn từ năm 1981 đến nay là đất quốc phòng.

dongtam7

Trước dự thảo kết luận của thanh tra đưa ra ngày 7 tháng 7, người dân Đồng Tâm cho là chưa đúng và đề nghị đo lại. AFP photo

Đó là nội dung do Thanh tra Thành phố Hà Nội đưa ra trong buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức vào sáng ngày 7 tháng 7.

Thanh tra thành phố khẳng định trong hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đồng Tâm không có đất nông nghiệp với diện tích như ông Lê Đình Kình và một số người dân khác đã nêu.

Thanh tra thành phố cũng có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị làm rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân đã để xảy ra những sai sót, đồng thời chỉ đạo UBND huyện Mỹ Đức phối hợp với các đơn vị quốc phòng để có biện pháp buộc người dân đang chiếm giữ trái phép đất quốc phòng phải trả lại mặt bằng cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.

Có mặt tại buổi công bố, chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết đã có sự gian dối để kích động người dân.

Theo ông Chung, kết luận thanh tra đất được đưa ra đúng như lời cam kết ngày 22 tháng 4 tại UBND xã Đồng Tâm, dựa trên cơ sở các tài liệu thu thập được để đi đến sự thật chứ không phải chỉ là ý kiến.

Ông Chung cũng khẳng định bản dự thảo kết luận thanh tra này sẽ được công bố minh bạch kết luận cuối cùng trong thời gian tới.

Trước dự thảo kết luận của thanh tra đưa ra ngày 7 tháng 7, người dân Đồng Tâm cho là chưa đúng và đề nghị đo lại.

Published in Diễn đàn