Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/08/2017

Việt Nam vẫn nhập công nghệ lạc hậu

Lan Hương

Việt Nam xếp thứ 27 trên tổng số 195 quốc gia về phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

lachau1

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - RFA

Các chuyên gia đánh giá rằng một trong những nguyên nhân khiến lượng khí thải của Việt Nam cao đến vậy là do hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn sử dụng công nghệ lạc hậu, trong đó phần lớn là công nghệ cũ nhập từ Trung Quốc.

Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo rằng trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu thì nguy cơ gây phát thải khí nhà kính là rất lớn.

Vì "ham rẻ"

Bộ Khoa học và Công nghệ gần đây đưa ra báo cáo cho thấy có tới gần 90% doanh nghiệp Việt Nam dùng công nghệ lạc hậu so với thế giới, 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩu thuộc những năm 50, 60 trong đó 75% số thiết bị đã hết khấu hao.

Báo cáo cũng nêu rõ chỉ có 10% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, trong đó chỉ có 2% sử dụng công nghệ cao. Tỷ lệ này thua xa các nước lân cận như Thái Lan (31%), Malaysia (51%) và Singapore (73%).

Giải thích lý do Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu trong công nghiệp, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết nguyên nhân chính là do doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguồn vốn để đầu tư công nghệ cao :

Các doanh nghiệp luôn tính toán và có xu hướng là muốn ham rẻ, nên nhập khẩu hay mua lại những cơ sở mà Trung Quốc đã thải loại do vấn đề môi trường. Tôi cho rằng đây là một nhược điểm rất lớn. Về mặt chủ trương thì Việt Nam đã có những lúc không cho nhập khẩu công nghệ lạc hậu. Thế nhưng do quá khứ diễn biến nhiều năm cho nên khi có chủ trương này vẫn không giải quyết được hết những tồn đọng do một thời gian dài trước đây.

Một báo cáo khác của Bộ Kế hoạch – Đầu Tư hồi tháng 5 vừa qua cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu máy móc, thiết bị, từ Trung Quốc tăng 40% so cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2016, Trung Quốc cũng là quốc gia cung cấp máy móc, thiết bị phụ tùng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên tới 9,25 tỉ USD.

Tháng 6 vừa qua, Việt Nam ban hành dự thảo cấm chuyển giao công nghệ, máy móc không còn sử dụng ở các quốc gia có trình độ phát triển hơn Việt Nam.

Những năm trước đây, Việt Nam cũng liên tục đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu từ nước ngoài. Chẳng hạn như năm 2015, Việt Nam ban hành Dự thảo Thông tư với nội dung là các doanh nghiệp nhà nước chỉ được nhập những thiết bị khi chúng đáp ứng một trong hai tiêu chí : chưa sử dụng quá 10 năm hoặc chất lượng còn lại đạt trên 80%.

lachau2

Nhà máy Đường Ninh Hòa xả khói gây ô nhiễm môi trường (1/1/2014) - Courtesy of nld.com.vn

Một nguyên nhân nữa khiến tỷ lệ công nghệ lạc hậu ở Việt Nam cao, theo Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, là do thị trường này dễ tiềm ẩn tham nhũng :

Tức là nhiều khi mua những công nghệ thải loại đó rất rẻ, những vẫn có thể tính ở một mức giá nhất định. Đó là chiều sâu mà tôi gọi là nguy cơ tham nhũng có thể xảy ra đối với việc nhập khẩu, lắp đặt, vận hành những công nghệ quá lạc hậu.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Đặng Hùng Võ rằng do nguồn vốn đầu tư thấp nên doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu công nghệ lạc hậu giá rẻ. Ông bổ sung thêm rằng trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp nên đôi khi không đáp ứng được yêu cầu tay nghề để sử dụng công nghệ cao :

Để hiểu được công nghệ cao thì phải có những công nhân tay nghề cao hay các kỹ sư được đào tạo có trình độ cao thì mới vận hành được hệ thống đó. Sử dụng công nghệ lạc hậu lại giải quyết được việc làm cho những công nhân tay nghề thấp, lao động phổ thông chẳng hạn. Nếu chúng ta sử dụng công nghệ hiện đại như tự động hóa hay robot hay điện toán hóa toàn bộ thì lúc đó người công nhân tay nghề thấp sẽ không có việc làm.

Năm 2016, số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh – Xã hội cho thấy Việt Nam chỉ có 38,5 % lao động đã qua đào tạo nghề, trong khi đó năm 2015 chỉ có 18,1%.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho biết ngành công nghiệp gây ra lượng khí thải lớn nhất hiện nay ở Việt Nam là những ngành như nhiệt điện hay luyện kim, sử dụng công nghệ quá xưa cũ.

Gần đây các chuyên gia khoa học, môi trường cũng bày tỏ lo ngại trước việc Việt Nam ngày càng đẩy mạnh phát triển công nghệ nhiệt điện chạy bằng than và điển hình là chuỗi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân từ 1 đến 4 tại tỉnh Bình Thuận. Chuỗi nhà máy này có đến 95% vốn đầu tư của Trung Quốc.

Giải pháp nào ?

Vị nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường nói với chúng tôi rằng nếu Việt Nam muốn sử dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới để ứng dụng trong công nghiệp thì điều đầu tiên là mở rộng nguồn vốn thì các doanh nghiệp mới có điều kiện tài chính để nhập khẩu :

Lúc này là lúc Việt Nam cần có quyết định về tiếp cận nguồn vốn đầu tư, trong đó có việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hay các nguồn vốn hỗ trợ cho các vấn đề môi trường để có thể nâng cao khả năng đầu tư cho các công nghệ thân thiện môi trường.

Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là chuyện dễ giải quyết, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tín dụng của Việt Nam đang leo thang.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn lại đánh giá việc nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về hiểm họa môi trường gây ra do công nghệ lạc hậu là rất quan trọng. Ngoài ra, ông đề xuất thêm một giải pháp khác :

Thứ hai là phải nâng cao trình độ quản lý đối với các dự án hiện tại. Thư ba là các tiêu chuẩn xét chọn đầu tư phải khắt khe hơn để đưa ra các yêu cầu môi trường khắt khe hơn. Như vậy một số công nghệ Trung Quốc sẽ không đáp ứng được những yêu cầu như vậy, thì buộc phải chọn công nghệ hiện đại hơn.

Tháng 4 vừa qua, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Eric Sidgwick nói rằng ông hy vọng Việt Nam sẽ chú ý để không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc.

Lan Hương

Nguồn : RFA, 24/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 783 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)