Vào một buổi trưa khô lạnh của tháng trước (tức tháng Mười, 2018 – người dịch), khoảng vài trăm người đã tập trung tại quảng trường chính của cái thị trấn nhỏ bé này, vốn cách phía bắc Moskva vài giờ chạy xe, để chứng kiến một sự kiện lịch sử : đó là việc khai quật một bức thư được viết cách đây nửa thế kỷ tại thị trấn Pereslavl này từ thời Liên-xô cũ gửi cho giới trẻ năm 2018 (Pereslavl-Zalessky là một thị trấn của tỉnh Yaroslavl, Liên bang Nga. Thị trấn có diện tích là 20 km², dân số tại thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2000 là 44900 người. Pereslavl-Zalessky nằm ở phía nam của tỉnh Yaroslavl, cách thủ đô Moskva khoảng 140 km về phía đông bắc và 139 km về phía tây nam của thành phố Yaroslavl – người dịch).
Buổi khai quật một bức thư được viết cách đây nửa thế kỷ tại thị trấn Pereslavl từ thời Liên-xô cũ gửi cho giới trẻ năm 2018, dưới cái nhìn của Vladimir Lenin. Ảnh Pereslavl-Zalessky Museum-Reserve
Bức thư này được viết bởi những người trẻ tuổi vào năm 1968, được niêm phong trong một hình trụ bằng kim loại có hình dạng như một quả tên lửa - không nghi ngờ gì nữa, điều này thể hiện sự kính trọng đối với chuyến bay thành công vang dội của Yuri Gagarin vào vũ trụ, chuyến bay mà đã diễn ra vài năm trước khi cái ống kim loại hình trụ có hình dạng như một quả tên lửa này được chôn sâu dưới một cái bệ nhỏ màu xám. Những bức ảnh từ buổi lễ này của năm 1968 cho thấy những người dân địa phương mặc những chiếc áo khoác mùa đông đang đứng ở dưới chân đế của bức tượng của Vladimir Lenin, một cánh tay dài với một tỷ lệ không cân xứng của bức tượng này ở phía trên đầu họ đang chỉ hướng về tương lai của chủ nghĩa cộng sản tươi sáng không thể nghi ngờ trong thế kỷ 21.
Bức thư viết rằng "Chúng tôi truyền lại cho các bạn tình yêu mãnh liệt đối với Vladimir Lenin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân. Hãy xây dựng một tượng đài tuyệt đẹp dành tặng Vladimir Ilyich, một cung điện của Chủ nghĩa Cộng sản, một biểu hiện vĩ đại và xứng đáng dành tặng những ý tưởng bất hủ của Người !".
Tại Pereslavl Xô-viết, những người tham dự theo dõi buổi lễ chôn cất một lá thư cho giới trẻ năm 2018 . Ảnh Pereslavl-Zalessky Museum-Reserve
Năm mươi năm sau, nước Nga dưới thời của Tổng thống Vladimir Putin xem ra rất khác với những gì mà Lenin và những đồ đệ đi theo những lý tưởng của ông vẫn hình dung, tưởng tượng. Một năm trước, bản thân bức tượng của Lenin tại Pereslavl đã phải hứng chịu một số phận không may mắn, khi các công nhân xây dựng, trong thời gian xây dựng lại quảng trường, đã đánh gẫy một cánh tay của bức tượng và sau đó đã đóng gói cái thân thể bức tượng chỉ còn có một cánh tay vào trong một cái hộp bằng ván ép (1).
Những bức thư gửi tương lai là một hiện tượng phổ biến (thực ra là một trò lố, mị dân dành cho đám đông – người dịch) ở Liên Xô vào những năm 1967 và 1968. Những năm tháng đó là những năm tháng được khắc ghi đối với những đám đông quần chúng Liên xô bởi viễn cảnh về một công cuộc thám hiểm không gian và việc áp dụng chế độ nghỉ ngơi hai ngày cuối tuần, lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, các công nhân đã không còn phải làm việc 6 ngày một tuần. Các bức thư được viết để kỷ niệm một nửa thế kỷ kể từ cuộc cách mạng năm 1917 và việc một năm sau đó (tức là 1928 – người dịch) thành lập Komsomol - Đoàn thanh niên cộng sản mang tên Lenin. Những bức thư này phản ánh ước mơ về một tương lai tốt đẹp hơn, nơi mà những con người bình thường rốt cuộc cũng đã có thể thụ hưởng thành quả của công cuộc lao động khó khăn gian khổ của các thế hệ tiền bối của họ.
"Các bạn sẽ sống và làm việc trong xã hội cộng sản, một xã hội mà chúng tôi đã bắt đầu xây dựng, thế hệ của chúng tôi : người đoàn viên của Komsomol – của Đoàn thanh niên cộng sản mang tên Lenin, Yuri Alexeyevich Gagarin đã khai mở những con đường đầu tiên bay vào vũ trụ, còn các bạn sẽ bay đến các hành tinh khác", một bức thư viết tay khác được khai quật vào hồi tháng Mười năm nay tại Sedelnikovo, một làng nhỏ tại Siberia, đã viết như vậy.
Một lá thư ở thành phố Tobolsk, trong khi liệt kê những khó khăn trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt qua những đầm lầy dẫn đến các mỏ dầu phía tây Siberia (tuyến đường này thường được gọi tên là BAM – tuyến đường sắt Amur-Baical nức tiếng một thời, thường được nói là dẫn đến các mỏ dầu phía tây Siberia, nhưng thực chất là con đường được toan tính cho các mục đích quân sự từ khu vực Siberia và Viễn Đông nhắm tới Trung quốc của Mao và nhắm tới miền Tây nước Mỹ - người dịch), đã viết rằng "Chúng tôi đang xây dựng, xây dựng, xây dựng. Chúng tôi tin rằng vào năm 2018 mọi người sẽ không còn phải đối mặt với chiến tranh và đói nghèo. Thế giới lúc đó sẽ công bằng bình đẳng hơn thế giới của ngày hôm nay và sẽ không còn tồn tại chủ nghĩa tư bản nữa" (2).
Trong khi chất lượng cuộc sống của hầu hết những người Nga đều suy giảm, việc khai quật, công bố và tuyên đọc những bức thư loại này trong hai năm qua đã truyền cảm hứng cho những suy ngẫm buồn vui lẫn lộn. Trong khi hai ngày nghỉ cuối tuần vẫn còn được duy trì, thì một chế độ khác của thời Xô viết, chế độ hưu trí nhà nước, đã lãnh đủ một cùi chỏ vào mặt : một cuộc cải cách do ông Putin thúc đẩy sẽ nâng tuổi nghỉ hưu, mà sẽ được thực hiện vào năm tới, từ 55 lên 60 đối với phụ nữ và từ 60 lên 65 đối với nam giới. Những cải cách này đặc biệt không được lòng dân và được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ về mức độ ảnh hưởng của đảng Nước Nga Thống Nhất, đảng chiếm đa số và là đảng của chính ông Putin. (Và không cần phải là thiên tài cũng có thể nhận ra rằng những quốc gia phải như thế nào thì mới vận dụng được một cách tài tình và sáng tạo những cải cách đại loại như vậy – người dịch). Những gì còn lại của các phúc lợi của nhà nước Xô viết - như chăm sóc sức khỏe miễn phí và giáo dục miễn phí - tiếp tục được thực hiện thông qua sự "tối ưu hóa", một uyển ngữ được ưa thích của người Nga dùng để diễn đạt việc cắt giảm ngân sách (3).
Người biểu tình thuộc Đảng Cộng sản Liên bang Nga phản đối cải cách lương hưu, trung tâm Moscow vào ngày 22 tháng Chín, năm 2018. Ảnh : AFP
Cảm nhận về sự bất công đang tăng lên, đặc biệt là ở bên ngoài các thành phố lớn. Ngay cả một phóng sự truyền hình lạc quan về một cây cầu mới bắc tại Crimea và các bản tin về các chiến thắng quân sự ở Syria cũng cho thấy những dấu hiệu của sự mòn mỏi. Một nghiên cứu của Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga được công bố trong tháng này đã cho thấy các ưu tiên của người Nga đã thay đổi kể từ cuối năm 2014, khi mà nhiều người đã nhảy cẫng lên reo hò khi Crimea bị Liên bang Nga thôn tính. Ngày nay, nhiều người tin rằng việc thi thố sức mạnh lớn lao và tiềm lực quân sự không quan trọng bằng việc thực hiện một xã hội công bằng và một đời sống khá giả cho người dân. Những người dân Nga có thể đã từ bỏ ý tưởng về chủ nghĩa cộng sản và một chính quyền của giai cấp công nông (không còn nói gì tới chữ "binh" nữa – người dịch), nhưng họ vẫn muốn nhà nước phải đảm bảo sự sống sót về mặt kinh tế cho họ (4).
Bất chấp những tuyên bố của ông Putin về tăng trưởng kinh tế, các phân tích cho thấy những người dân Nga càng ngày càng bi quan. Một nghiên cứu hồi tháng Mười của Trường Đại học Kinh tế cho thấy rằng niềm tin của người tiêu dùng đã giảm mạnh. Mặc dù trong hai năm qua kinh tế có tăng trưởng, giá dầu tăng và kinh tế vĩ mô ổn định (ấy là theo số liệu thống kê chính thức của nhà nước Nga), nhưng chính quyền Nga vẫn không cung cấp được nhiều những sự trợ giúp cho các hộ gia đình trung bình. Trên thực tế, người Nga bị mệt mỏi, kiệt sức hơn so với những năm trước.
Điện Cẩm-linh (tức Kremlin) đã cố gắng kiềm chế sự bất mãn của công chúng bằng cách, vào hồi mùa thu vừa qua, đã bổ nhiệm một loạt các thống đốc mới, nhưng việc xử lý ở cấp độ vi mô đối với những bất mãn xã hội đã chín muồi dường như vẫn chưa mang lại tác dụng gì, ông Vitaly Pashkov, một doanh nhân và một nhà hoạt động địa phương ở Pereslavl cho biết như vậy. Hồi tháng Chín vừa rồi, ông này đã được các thành viên của các đảng phái khác không phải là thành viên của đảng Nước Nga Thống Nhất bầu vào Hội đồng thành phố - một điều hiếm thấy.
Pereslavl là một địa phương mà một thị trưởng mới cùng với bộ sậu của ông ta được luân chuyển từ địa bàn Moskva đến để khắc phục hậu quả sau khi tên thị trưởng trước đó bị khởi tố vụ án và bị ngồi bóc lịch vào năm 2016. Ông Pashkov gọi loại quan chức được luân chuyển từ địa bàn Moskva đến này là một "viên chức quản lý du mục, nay đây mai đó" (nguyên văn : "a nomad manager"), tức là cái loại người chẳng có một sự gắn kết nào với địa bàn được phân công lãnh đạo cả. "Mối quan tâm chính của bọn này là tạo dựng sự nghiệp và kiếm tiền trước khi được luân chuyển đến một cương vị khác", ông Pashkov nói.
Viên thị trưởng du mục này đã lưu lại hai năm để làm công tác lãnh đạo tại thị trấn Pereslavl và sau đó đã chuyển sang tiếp quản một địa bàn khác, một thành phố lớn hơn - nhưng không sớm hơn trước khi đích thân một mình hắn thanh lý niềm tự hào của thị trấn này : một trường đại học nhỏ đào tạo các chuyên gia IT (Information Technology – công nghệ thông tin). Viên thị trưởng này chỉ đơn giản là ra lệnh cho trường đại học đang vật lộn này phải di chuyển ra khỏi các tòa nhà thuộc sở hữu của thành phố mà nó đã sử dụng miễn phí suốt 25 năm qua, điều này khiến cho trường đại học này không còn được bộ giáo dục cấp giấy phép nữa.
Sergei Abramov, một nhà toán học, vốn là hiệu trưởng của trường đại học này và hiện đang lãnh đạo một viện nghiên cứu địa phương, dự đoán rằng việc thanh lý trường đại học rốt cuộc rồi sẽ khiến cho Pereslavl mất đi một phần tư dân số, theo xu hướng tại các thị trấn tương tự của nước Nga, nơi mà giáo dục đại học đã được "tối ưu hóa" (5).
Cuộc thảo luận tại địa phương về bức thư gửi thế hệ sau được viết hồi năm 1968 quả là đượm mùi cay đắng, ông Abramov nói : "Thế còn chúng ta ? Chúng ta đang để lại gì cho cháu con đời sau ?" (6).
Bà Asya Shobanova, một kỹ sư đã nghỉ hưu, bà này chính là người mà vào năm 1968 đã niêm phong lá thư trong một hộp kim loại có hình một quả tên lửa, cho biết rằng "Giá cả đang leo thang, các hóa đơn phải chi trả đang leo thang, ai cũng chỉ nghĩ đến một điều là làm thế nào để không trở thành gánh nặng cho con cháu của mình". Bà Asya Shobanova không nuôi ảo tưởng về hệ thống Xô viết, nhưng ít ra là lúc đó bà còn tìm thấy được công lý trong một cuộc tranh chấp quan trọng với người lãnh đạo của mình, khi một công tố viên địa phương đứng về phía của bà. "Còn bây giờ thì không hề có công lý, chỉ có quy trình, thủ tục, chỉ có sự bất ổn, sợ hãi và thiếu tự tin", bà nói.
Còn ông Pashkov thì nhớ rằng, ngay cả vào thập niên 80, khi ông mới lớn lên, Pereslavl đã xây dựng những khu dân cư mới. Còn ngày nay, một trong số ít ỏi những dự án phát triển của thị trấn là một công trình trùng tu quảng trường của thị trấn và một "nhà văn hóa" của nó - một trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Việc này không chỉ khiến Lenin phải trả giá bằng một cánh tay của bức tượng của ông, mà còn có nguy cơ gây tổn thất cho sinh mạng con người khi cổng vòm với những hàng cột (nguyên văn : "portico") mới được trùng tu đã ập đổ sau một tháng mở cửa trở lại. Các tấm nhựa mới sáng bóng chỉ đơn giản là che phủ bộ khung xương đã mục nát của tòa nhà.
Ông Paskov nói "Đây là một đặc điểm đặc trưng của hệ thống chính quyền ngày nay, nơi mà quý vị nhìn thấy một sự tân trang hiện đại bên ngoài nhưng bên trong thì nó đã bị hoàn toàn phân hủy".
Maria Antonova
Nguyên tác : When Russia Was Full of Hope, The New York Times, 21/11/2018
Mai Hưng dịch
Nguồn : VNTB, 17/01/2019
(1) nguyên văn : "and then encased the one-armed body in a plywood box"). Một chỉ dấu trên cái hộp này cho thấy "địa điểm" truyền thống của tượng đài của Vladimir Ilyich vào năm 1929 hiện nằm dưới sự bảo vệ của nhà nước. Người dân địa phương không tin rằng bức tượng vẫn còn nguyên bên trong đó (nguyên văn : "Locals aren’t certain he is still inside".
(2) nguyên văn : "The world will be more just than it is today and there will be no capitalists left"
(3) nguyên văn : "The remnants of other benefits of the Soviet welfare state — like free health care and education — continue going through "optimization", the preferred Russian euphemism for budget cuts".
(4) nguyên văn : "Russians may have given up the idea of Communism and a government of workers and peasants, but they still want the state to ensure their economic survival".
(5) tức là, xin được nhắc lại, một uyển ngữ được ưa thích của người Nga dùng để diễn đạt việc cắt giảm ngân sách, và lần này là dành cho giáo dục – người dịch.
(6) Xin mạn phép : Hỏi trời xanh, hỏi những người sau trước. Ai trả lời giùm đất nước của Lê-nin vĩ đại sẽ về đâu ? – người dịch.
"Bất cứ ai bất cẩn với sự thật trong những vấn đề nhỏ nhặt thì không hề đáng tin cậy để giao những vấn đề quan trọng".
(Whoever is careless with the truth in small matters cannot be trusted with important matters.
Albert Einstein)
Khi đọc tựa bài viết, phản ứng đầu tiên của một số bạn đọc ủng hộ Trump là cảm giác khó chịu, thậm chí giận dữ, kèm suy nghĩ tác giả là ai mà dám lớn giọng nhận định về Trump như vậy. Vì thế, cơ hội họ sẽ đọc bài viết là rất thấp. Ngược lại, với các bạn đọc tôn trọng sự thật, họ sẽ đọc bài bằng thái độ khách quan, kiểm chứng thông tin rồi mới đánh giá hoặc đưa ra kết luận. Ủng hộ Trump là lựa chọn cá nhân, thường phụ thuộc vào thông tin mỗi người nắm về Trump và tiêu chuẩn đạo đức của mỗi người. Tuy nhiên, đừng để sự tôn sùng lãnh tụ tác động đến khả năng suy nghĩ độc lập của chính mình.
Ngày 02/01/2019, Tổng thống Donald Trump phát biểu về cuộc tiến công của Liên Bang Xô Viết vào Afghanistan năm 1979 - Ảnh Business Insider
Thứ Tư, ngày 2/1/2019, trong buổi họp nội các tại Nhà Trắng, Donald Trump đã khiến đông đảo dân Mỹ và lãnh đạo nước khác bàng hoàng và phẫn nộ với phát biểu sau :
"Nga từng là Liên bang Soviet. Afghanistan đã biến Liên bang Soviet thành Nga bởi vì Liên bang Soviet đã bị phá sản khi khai chiến ở Afghanistan. Lý do mà Nga khai chiến ở Afghanistan là bởi vì khủng bố đã tiến vào nước Nga. Liên Xô đã đúng khi khai chiến ở Afghanistan. Vấn đề đó là một cuộc chiến khó khăn. Và Liên Xô đã phá sản và đã trở thành nước Nga, trái ngược với Liên Xô. Như bạn biết đấy có rất nhiều nơi hiện tại không còn là một phần của Nga nữa cũng vì Afghanistan".
Tôi mời bạn đọc hãy nghe tận tai và nhìn tận mắt đoạn video Trump phát biểu để thấy rằng Trump bôi trắng lịch sử hoặc Trump không hề có kiến thức lịch sử. Bất kỳ một ai am hiểu lịch sử hoặc bỏ ra vài phútkiểm chứng lời phát biểu của Trumpbằng Google, sẽ dễ dàng nhận ra tuyên bố của Trump là tầm bậy và bẻ cong sự thật.
Liên Xô đã hoàn toàn sai khi khai chiến ở Afghanistan
Kể từ những năm 1950, Liên Xô xem Afghanistan - đất nước có chung đường biên giới, có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia. Vào ngày 25/12/1979, quân đội Liên Xô đã vượt sông Amu Darya, bắt đầu cuộc xâm lược Afghanistan theo lời mời của phó thủ tướng thân cộng sản Hafizullah Amin, người đã đảo chính và giết cả nhà Tổng thống Afghanistan Muhammad Daoud vào năm 1978. Sau đó, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nur Muhammad Taraki, đồng chí thân cận của Hafizullah Amin, lên nắm quyền và tuyên bố thành lập chế độ độc đảng ở Afghanistan . Chính điều này đã thúc đẩy các cuộc "thánh chiến" chống cộng sản của dân Afghanistan, khiến nhà cầm quyền lúc bấy giờ thanh trừng đẫm máu và bỏ tù hàng chục ngàn người. Tuy nhiên, không lâu sau,Nur Muhammad Taraki đã bị chính Hafizullah Amin ra lệnh ám sát .
Cuộc xâm lược Afghanistan là một nỗ lực nhằm củng cố chính quyền cộng sản Afghanistan thân Liên Xô đang suy yếu và cũng là một thông điệp nhằm đáp trả lại sự đe dọa của Hoa Kỳ. Ngay sau khi Liên Xô tấn công thủ đô Kabul, một đội quân của Lực lượng đặc biệt Liên Xô (Spetznaz) đã được phái đến Cung điện Tajbeg để ám sát Hafizulla Amin và gia đình ông ta.
Hành động xâm chiếm Afghanistan của Liên Xô đã dẫn đến các cuộc xung đột bạo lực, khủng bố, hỗn loạn và đẫm máu kéo dài ở Trung Á. Tổng thống Hoa Kỳ thứ 39 là Jimmy Carter đã phản ứng bằng một loạt các biện pháp cứng rắn nhằm tạo áp lực buộc Liên Xô phải rút quân khỏi Afghanistan, bao gồm tài trợ cho phiến quân Hồi giáo nhằm đối phó với Liên Xô, đe dọa cấm vận, và rút khỏi Hiệp ước hạn chế số lượng vũ khí chiến lược với Liên Xô (Strategic Arms Limitation Talks II).
Không dừng lại ở đó, Hoa Kỳ vận động thế giới phương Tây tẩy chay Thế vận hội mùa hè năm 1980 tại Moscow , nhằm phản đối cuộc xâm lược Afghanistan. Tổng cộng 65 quốc gia đã từ chối tham gia Thế vận hội tại Liên Xô, đồng thời cộng đồng quốc tế mạnh mẽ lên án hành động xâm lược Afghanistan của Liên Xô.
Cuộc chiếm đóng Afghanistan dai dẳng gây thiệt hại nặng đến kinh tế Liên Xô và khiến hơn 15.000 binh sĩ Liên Xô thiệt mạng và hơn 50.000 người bị thương. Vì thế, vào tháng 5/1988 , Liên Xô quyết định bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan.
Vào ngày 24/12/1989, với tổng số phiếu tán thành là 1.678, Quốc hội Liên Xô đã chính thức thông qua nghị quyết lên án cuộc xâm lược Afghanistan và khiển trách các cựu lãnh đạo cộng sản vì đã đưa ra quyết định xâm chiếm Afghanistan. Nghị quyết 1989 được Tổng bí thư Mikhail Gorbachev ký, tuyên bố cuộc xâm lược tại Afghanistan xứng đáng bị "lên án về mặt đạo đức và chính trị", vì đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và một phần ba dân số Afghanistan phải rời bỏ quê hương.
Gần 30 năm sau, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, đã xóa sạch lịch sử khi nói rằng "Nga đã đúng khi tấn công Afganistan". Nghĩa là với Trump, cả Quốc hội Liên Xô, Mikhail Gorbachev, và cộng đồng quốc tế đều sai khi lên án cuộc xâm chiếm Afghanistan. Thêm nữa, phát biểu của Trump như một cú đạp mạnh vào xác của hàng chục ngàn người dân Afghanistan, đã hy sinh mạng sống vì cuộc chiến chống chính quyền cộng sản do Liên Xô dựng lên.
Nhiều người kinh ngạc thắc mắc tại sao Trump đột nhiên bênh vực cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô ? Thì ra vào tháng 12/2018, các nhà lập pháp Nga đang soạn thảo một nghị quyết nhằm biện minh cho cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô. Thành viên Quốc hội Nga, một đảng viên cộng sản, Nikolai Kharitonov gọi dự thảo nghị quyết này, là một chiến thắng cho lịch sử. Nghĩa là, không phải tự nhiên mà Trump phát biểu như thế. Chính xác hơn, Trump đang giúp Nga tuyên truyền dối trá, nhằm xóa sạch lịch sử.
Văn phòng Tổng thống Afghanistan tuyên bố : "Sau cuộc xâm lược của Liên Xô, tất cả các tổng thống Mỹ không chỉ tố cáo cuộc xâm lược này, mà còn ủng hộ thánh chiến chống cộng sản của người Afghanistan".
Ban biên tập của tờ Wall Street Journal , được sở hữu bởi tỉ phú Rupert Murdoch đồng thời là ông chủ của Fox News, cũng mạnh mẽ lên án Trump : "Tuyên bố hoàn toàn sai của Trump về cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô thật đáng lên án… Chúng tôi không thể nhớ được một phát biểu nào ngớ ngẩn hơn trong lịch sử tổng thống Mỹ (như phát biểu này của Trump)… Cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô là một biến cố quan trọng trong Chiến tranh Lạnh, làm rõ mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản. Trump có đập nát lịch sử cũng không thể nào thay đổi được thực tế đó".
Sự sụp đổ của khối cộng sản Liên Xô
Đọc và hiểu lịch sử là bài học vỡ lòng của bất kỳ ai quan tâm đến chính trị và thực trạng đất nước mình. Các biến cố lịch sử giải thích cho thế hệ hiện tại và tương lai hiểu vì sao mọi chuyện đã xảy ra như thế trong quá khứ. Nhìn và nghe Trump phát biểu để thấy rùng mình với sự thiếu hiểu biết lịch sử của Trump. Tuyên bố của Trump cũng tố giác ông không biết đến sự tồn tại và sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại 15 nước thuộc Liên Bang Xô Viết. Trump cho rằng vì bị phá sản tại Afghanistan vào 1989 mà "Liên Xô đã trở thành nước Nga".
Bất kỳ một người Việt nào quan tâm đến chính trị đều hiểu Liên Xô là nơi ra đời và bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tàn ác và đẫm máu. Gần 100 triệu người trên thế giới thiệt mạng vì chủ nghĩa cộng sản : chết vì bị thanh trừng, chết vì nghèo đói, chết vì khao khát tự do, và chết vì tỏ thái độ không ưa thích chủ nghĩa cộng sản.
Đêm 9/11/1989, bức tường Berlin – biểu tượng chia cách Châu Âu từ thời Chiến tranh Lạnh - sụp đổ, thúc đẩy người dân Đông Âu đặt dấu chấm kết thúc thể kỷ máu của chủ nghĩa cộng sản tại đây. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, không chỉ Đức thống nhất năm 1990, mà sau đó, cuộc cách mạng đã lan rộng sang khối cộng sản Liên Xô.
Phát biểu của Trump không chỉ là thiếu hiểu biết, mà còn xúc phạm đến sự thật và danh dự của hàng triệu người ở các nước thuộc khối cộng sản Liên Xô như Poland, Estonia, Czech, Romania… đã dũng cảm xuống đường và liên kết thành lập lực lượng nhằm hạ bệ chủ nghĩa cộng sản và yêu sách độc lập cho đất nước họ.
Kết quả là vào 25/12/1991, Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, Gorbachev đã tuyên bố từ chức, đồng thời giải thể khối Liên Xô và trao quyền lực cho Boris Yeltsin. Tối hôm đó, quốc kỳ Liên Xô tại điện Kremlin bị kéo xuống và thay thế bằng quốc kỳ Nga, đánh dấu sự kết thúc của Liên bang Xã hội Chủ nghĩa.
Sự suy sụp kinh tế của Liên Xô là một thời cơ quan trọng, nhưng chắc chắn không phảilà yếu tố duy nhất góp phần phá tan chủ nghĩa cộng sản tại 15 nước thuộc Liên Bang Xô Viết. Vai trò của Công đoàn Đoàn kết, cuộc Cách mạng Nhung, các tổ chức yêu sách dân chủ, sự ủng hộ về mặt tinh thần của Giáo hội Công giáo và tiếng nói của người dân tại Đông Âu đã góp phần xóa sổ chủ nghĩa cộng sản.
Sử gia người Anh , Timothy Garton Ash đã lập luận rằng, phong trào Đoàn kết của Ba Lan không thể "sinh hoa kết quả" nếu không có sự đóng góp quan trọng của Giáo hoàng Phaolo II : "Không có Giáo Hoàng, thì không có phong trào Đoàn kết. Không có phong trào Đoàn kết, thì không có Gorbachev. Nếu không có Gorbachev, thì không có việc Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ". Vài năm sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô, chính Gorbachev cũng thừa nhận vai trò quan trọng của Giáo Hoàng : "Chuyện đó đã không thể nào xảy ra nếu không có Giáo Hoàng".
Cần lưu ý rằng dù cho kinh tế Liên Xô có suy thoái, nhưng nếu các quốc gia Đông Âu không có lực lượng nhân sự sẵn sàng đón nhận trách nhiệm lãnh đạo và thiết lập dân chủ, thì mầm móng độc tài cộng sản khó lòng xóa sạch. Ví dụ, Nga dưới thời cai trị của Putin mang danh là dân chủ, nhưng thực ra là độc tài.
Thay Lời Kết
Giáo sư Luật - Đại học Harvard, Lawrence Tribe nói : "Việc Trump bênh vực Nga xâm lược Afghanistan chứng tỏ Trump là con rối của Putin, hoặc là một người ngu dốt, hoặc cả hai". Là người đứng đầu chính phủ Mỹ, Trump bất chấp sự thật để bênh vực hành động xâm lược Afghanistan của Liên Xô. Phải chăng Trump muốn giúp Putin viết lại lịch sử ?
Sự tiếc nuối của Putin đối với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô là quá rõ ràng. Ngay sau khi nhậm chức tổng thống năm 2000, Putin đã ký thông qua đạo luật khôi phục lại nhạc quốc ca thời Liên Xô – là bài nhạc được nhà độc tài Joseph Stalin chọn và đưa vào sử dụng từ năm 1944 - 1991. Tháng 3/2018, khi được hỏi "Có sự kiện nào mà ông muốn thay đổi không ?" và Putin trả lời ngay : "Sự sụp đổ của Liên Xô".
Muốn biết rõ về con người và khả năng của Trump không cần phải đọc báo, nhưng chỉ cần đọc các tweet của Trump và nghe Trump trả lời phỏng vấn trực tiếp (không đọc bài soạn sẵn) để thấy Trump bóp méo sự thật, thiếu hiểu biết, và gieo rắc dối trá như thế nào. Sử gia nổi tiếng Michael Bechloss chia sẽ rằng "không có tổng thống nào trong lịch sử Hoa Kỳ khiến ông cảm thấy lo sợ hơn Donald Trump bởi vì Trump đã chứng minh ông không sẵn sàng học hỏi từ lịch sử và không có lòng cảm thông".
Đúng là Trump đã và đang khiến phần lớn người dân Mỹ lo lắng và phản đối. Nhưng may mắn là kể từ 3/1/2019, Hạ viện Hoa Kỳ sẽ dưới quyền lãnh đạo của Đảng Dân chủ sau gần một thập kỷ dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa. Hy vọng Hạ viện Hoa Kỳ sẽ làm tròn chức trách kiểm soát quyền lực của Trump -là điều màĐảng Cộng hòa từ chối thực hiện.
Câu trả lời cho câu hỏi của tựa bài viết tùy thuộc sự tôn trọng sự thật của mỗi người. Sự thật có thể tạm thất bại trong một khoảng thời gian nào đó của lịch sử, nhưng cuối cùng sự thật sẽ luôn luôn chiến thắng. Dù Trump có thể dốt sử hoặc cố tình bẻ cong sự thật để làm vừa lòng Putin, thì sự thật về cuộc xâm lược Afghanistan và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản của Liên Bang Xô Viết vẫn mãi không thay đổi.
Mai V. Phạm
(05/01/2019)