Đem Ukraine đổi Nga vì đó là ‘Hà Nội Mới’ !
Trân Văn, VOA, 05/10/2022
Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam vừa gửi Thư ngỏ cho tờ Hà Nội Mới – cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội.
Một số hình trong thư ngỏ Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội gởi báo Hà Nội Mới. Bên trái là hình ảnh trong ngày 2/10. Bên phải là hình ảnh ngày 3/10.
Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam vừa gửi Thư ngỏ cho tờ Hà Nội Mới – cơ quan ngôn luận của Thành ủy Hà Nội. Thư được viết bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Nếu không muốn đọc trực tiếp trên trang facebook của cơ quan đại diện Ukraine tại Việt Nam (1) thì có thể xem toàn văn bên dưới vì thư không quá dài...
Vào sáng Chủ nhật, ngày 2/10, một sự kiện đầy ý nghĩa đã diễn ra tại trung tâm thủ đô Việt Nam : Giải chạy Báo Hà NộiMới lần thứ 47 vì hòa bình.
Gần 1.500 vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư đã tham gia sự kiện này để truyền tải thông điệp hòa bình đến thế giới, kêu gọi nỗ lực chung để thúc đẩy hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Sống sót qua bao cuộc chiến tranh xâm lược, người Việt Nam biết rõ tầm quan trọng của hòa bình. Cũng đáng quý như vậy là phấn đấu vì hòa bình của những người Ukraine, những người ngày nay đang nỗ lực hết sức có thể để đẩy lùi kẻ xâm lược và khôi phục cuộc sống hòa bình trên đất nước của họ.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Ukraine tự hào được tham gia Cuộc chạy vì Hòa bình cùng với các đại biểu quốc tế và Việt Nam. Chúng tôi cũng rất vui và biết ơn phóng viên khi xem những hình ảnh của chúng tôi trong bản tin của Báo Hà NộiMới chiều ngày 2/10. Điều đó rất có ý nghĩa : Một lời kêu gọi hòa bình từ trái tim Hà Nội.
Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của chúng tôi khi mở bài báo vào ngày 3/10 và thấy rằng những bức ảnh của những người Ukraine tham gia không còn ở đó nữa.
Trớ trêu thay, bài báo vẫn đưa ra những bức ảnh của những vận động viên từ đất nước mà ngày nay đang làm những việc hoàn toàn trái ngược với hòa bình : Ném tên lửa và bom vào các thành phố của Ukraine, giết chết trẻ em và người lớn tuổi, đàn ông và phụ nữ, bắt cóc, tra tấn, cưỡng hiếp, cưỡng bức, buộc hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ và chạy trốn chiến tranh.
Hãy xem những hình ảnh trong bài báo của Báo Hà NộiMới, phiên bản ngày 2/10 và ngày 3/10, và hãy tìm sự khác biệt.
Năm 1999 Hà Nội được UNESCO vinh danh "Thành phố vì hòa bình". Vào năm 2022, tờ báo hàng đầu của thành phố Hà Nội có kiểm duyệt ảnh của chính mình về các vận động viên chạy vì hòa bình, những người đến từ một đất nước đang phải hứng chịu chiến tranh không ? Báo Hà NộiMới, tờ báo có thể giải thích chuyện gì đã xảy ra không ?
***
Tất nhiên tờ Hà Nội Mới sẽ không giải thích tại sao lại "đục bỏ" hình ảnh những nhân viên ngoại giao đại diện Ukraine tại Việt Nam tham gia "Giải chạy lần thứ 47 vì hòa bình" do chính tờ báo này tổ chức, rồi thay vào đó là hình ảnh của những người đại diện cho quốc gia "ném tên lửa và bom vào các thành phố của Ukraine, giết chết trẻ em và người lớn tuổi, đàn ông và phụ nữ, bắt cóc, tra tấn, cưỡng hiếp, cưỡng bức, buộc hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ và chạy trốn chiến tranh",song ai cũng có thể đoán được lý do...
Chỉ đạo và giám sát nội dung trên tờ Hà Nội Mới vốn là Ban Tuyên giáo của Thành ủy Hà Nội nhưng trong những trường hợp cần thể hiện "chủ trương, đường lối đối ngoại của đảng" như "Giải chạy lần thứ 47 vì hòa bình" do Hà Nội Mới tổ chức, chắc chắn Ban Tuyên giáo của Thành ủy Hà Nội không dám mạo muội ra quyết định.
Ai đó, từ nơi nào đó hiểu rất rõ cung cách quản trị - điều hành ở Việt Nam đã phàn nàn với một hoặc một số cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Một hoặc một số cá nhân này đã yêu cầu Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hành động ngay lập tức !
Chính Ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương đảng đã yêu cầu Thành ủy Hà Nội ra lệnh cho Ban Biên tập tờ Hà Nội Mới "sửa sai". Bởi việc loại bỏ hình ảnh những nhân viên ngoại giao – đại diện Ukraine tại Việt Nam đã tham gia "Giải chạy lần thứ 47 vì hòa bình" do tờ Hà Nội Mới tổ chức chưa đủ để chứng tỏ "thành tâm, thiện ý" nên tờ Hà Nội Mới mới thay những hình ảnh đó bằng hình ảnh của những người đại diện cho Cộng hòa Liên bang Nga !
***
Chỉ trích tờ Hà Nội Mới có lẽ chỉ là mới "thấy cây" chứ "chưa thấy rừng". Cứ đối chiếu thái độ của thiên hạ về xung đột Nga – Ukraine với việc loại bỏ hình ảnh những nhân viên ngoại giao – đại diện Ukraine tại Việt Nam đã tham gia "Giải chạy lần thứ 47 vì hòa bình" và thay những hình ảnh đó bằng hình ảnh của những người đại diện cho Cộng hòa Liên bang Nga ắt sẽ mường tượng được lối chỉ đạo, cách hành xử đó là khôn hay dại và hậu quả là lớn hay nhỏ ?
Liệu cộng đồng các viên chức ngoại giao, đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế ở Việt Nam có biết chuyện này không ? Chắc chắn là biết ! Không phải bây giờ mới biết mà đã biết từ lâu. Việc loại bỏ hình ảnh những nhân viên ngoại giao – đại diện Ukraine tại Việt Nam đã tham gia "Giải chạy lần thứ 47 vì hòa bình" và thay những hình ảnh đó bằng hình ảnh của những người đại diện cho Cộng hòa Liên bang Nga chỉ giúp chứng minh hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam rất nhất quán (cản trở việc bày tỏ sự đồng cảm với Ukraine hay quyên góp giúp đỡ Ukraine...) và cương quyết không để hệ thống truyền thông chính thức "lạc" vào con đường mà đa số thiên hạ đang đi !
Chuyện loại bỏ ảnh những cá nhân là nhân viên ngoại giao đại diện cho một quốc gia để thay bằng ảnh những cá nhân là nhân viên ngoại giao đại diện cho một quốc gia khác giúp minh họa thêm đường lối, chủ trương đối ngoại của một tập thể mà lãnh đạo tập thể đó – ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, từng quảng bá là "trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh" - trường phái "cây tre Việt Nam" – "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" luôn "biết nhu- biết cương, biết thời- biết thế, biết mình- biết người, biết tiến- biết thoái, tùy cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt, mềm nắn rắn buông" (2)...
"Trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh" thường tỏ ra rất "rắn" với những quốc gia như Ukraine bất kể Cộng đồng Châu Âu nhiều lần khẳng định dân chúng Ukraine đang hành xử như những người bảo vệ cho các giá trị của Châu Âu song luôn rất "mềm" với một số quốc gia như Cộng hòa Liên bang Nga, hoặc liên tục bỏ "cương" – chọn "nhu", bỏ "tiến" - chọn "thoái" với Trung Quốc, thậm chí "buông" tới mức, hệ thống truyền thông chính thức phải "uyển chuyển", trong một thời gian dài, không cơ quan truyền thông chính thức nào dám "chỉ mặt, gọi tên" mỗi khi Trung Quốc làm càn mà chỉ nêu chung chung là "lạ" !
Trường phái "cây tre Việt Nam" – "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển" có thể chuyển "lạ" từ tính từ thành danh từ thì trong cách hành xử liên quan đến đối ngoại đối với không chỉ một xứ như Ukraine, tờ Hà Nội Mới không phải là đối tượng đáng để bận tâm. Đối tượng cần phải bận tâm là "Hà Nội" "mới". Một "Hà Nội" chưa từng có trước khi có đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, trong đối ngoại luôn "biết nhu- biết cương, biết thời- biết thế, biết mình- biết người, biết tiến- biết thoái, tùy cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt, mềm nắn rắn buông" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/10/2022
Chú thích
Hình đoàn Ukraine tham dự cuộc thi chạy ở Hà Nội bị xóa : khó tin hay dễ hiểu ?
RFA, 05/10/2022
Mạng báo Hà Nội Mới hôm 3/10 đã rút đoàn bộ hình ảnh của những người Ukraine tham gia vào cuộc thi chạy với chủ đề "Vì hòa bình", nhưng vẫn để lại hình của đoàn Nga.
Đoàn của Đại sứ quán Ukraine tham gia "Giải chạy Báo Hà Nội Mới" hôm 2/10/2022 - FB Ukraine Embassy in Vietnam
Do đó, Ngày 4/10 vừa qua, Facebook page chính thức của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam đăng tải một bức thư ngỏ gởi đến báo Hà Nội Mới. Nội dung bức thư bày tỏ sự "bất ngờ", cũng như yêu cầu tờ báo giải thích về hành động này.
Hà Nội Mới rút hình đoàn Ukraine, để hình đoàn Nga
Sự việc bắt đầu vào sáng Chủ nhật, ngày 2/10, "Giải chạy Báo Hà Nội Mới" lần thứ 47 được tổ chức tại Hà Nội. Chủ đề của năm 2022 là "Vì hòa bình", với sự tham gia của khoảng 1.500 vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư, nhằm truyền đi thông điệp về hòa bình, kêu gọi nỗ lực chung để thúc đẩy hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đại sứ quán Ukraine là một đơn vị được mời tham gia sự kiện này.
"Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Ukraine tự hào được tham gia cuộc chạy vì Hòa bình cùng với các đại biểu quốc tế và Việt Nam. Chúng tôi cũng rất vui và biết ơn phóng viên khi xem những hình ảnh của chúng tôi trong bản tin của Báo Hà Nội Mới chiều ngày 2/10. Điều đó rất có ý nghĩa : Một lời kêu gọi hòa bình từ trái tim Hà Nội". - Theo nội dung bức thư ngỏ.
Tuy nhiên, đến ngày 3/10, toàn bộ hình ảnh của đoàn vận động viên đến từ Ukraine đột nhiên bị xóa khỏi trang báo Hà Nội Mới, mà không có lời giải thích thích nào. Vậy nhưng, hình ảnh của đoàn Nga, là đất nước phát động chiến tranh với Ukraine, thì vẫn được giữ nguyên.
Đại sứ quán Ukraine bày tỏ cảm xúc trong thư ngỏ :
"Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của chúng tôi khi mở bài báo vào ngày 3/10 và thấy rằng những bức ảnh của những người Ukraine tham gia không còn ở đó nữa.
Trớ trêu thay, bài báo vẫn đưa ra những bức ảnh của những vận động viên từ đất nước mà ngày nay đang làm những việc hoàn toàn trái ngược với hòa bình : ném tên lửa và bom vào các thành phố của Ukraine, giết chết trẻ em và người lớn tuổi, đàn ông và phụ nữ, bắt cóc, tra tấn, cưỡng hiếp, cưỡng bức, buộc hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ và chạy trốn chiến tranh".
Bà Nataliya Zhynkina, Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam bình luận với RFA qua email về cảm xúc của mình khi biết tin này :
"Đó là một sự hoang mang thật sự. Tôi đã nghĩ rằng toàn bộ ý tưởng của cuộc chạy đua là vì hòa bình đã bị hoen ố. Hiện nay, trên thế giới đang diễn ra một số cuộc xung đột vũ trang. Cuộc chiến hiện thu hút nhiều sự chú ý nhất và có tác động lớn nhất trên thế giới, đó là cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine.
Tại sao bạn mời người Ukraine tham gia cuộc thi chạy vì hòa bình mà không để hình ảnh của họ được xuất hiện ? Tại sao bạn đăng tải hình ảnh và rồi sau đó xóa chúng đi ?
Thay vào đó, tại sao bạn lại trưng ra những lá cờ của quốc gia đã gây ra cuộc chiến lớn nhất ở Châu Âu ? Điều này nghĩa là gì ? Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời…"
Cho đến hết ngày 5/10/2022, báo Hà Nội Mới vẫn chưa có phản hồi bức thư ngỏ này, bà Nataliya Zhynkina cho biết.
Phóng viên RFA gọi điện đến tòa soạn báo Hà Nội Mới để hỏi về thêm thông tin về vụ việc này. Nhân viên trực điện thoại sau khi nghe nội dung câu hỏi đã chủ động ngắt máy.
Hình ảnh vận động viên giơ cao lá cờ Ukraine bị báo Hà Nội Mới rút xuống hôm 3/10. FB Ukraine Embassy in Vietnam
Báo chí làm theo định hướng ?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh triết, bình luận với RFA rằng chủ trương của Chính quyền cộng sản Việt Nam là không chỉ trích Nga. Do đó, các tờ báo trong nước cũng bám sát theo thái độ chính trị này mà đưa tin :
"Cho nên là báo chí ăn theo. Họ đưa tin không đến nơi đến chốn, thường là đưa tin có lợi cho Nga.
Nhưng mà họ không biết rằng như thế là có hại. Bởi vì nó đánh lạc hướng, làm cho dân không biết đâu là chính nghĩa, tội ác là ai. Báo chí họ không công bằng, mù quáng trong vấn đề này".
Chính quyền Việt Nam cho đến nay vẫn không gọi cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraine là một cuộc xâm lược. Thậm chí, quốc gia độc đảng này còn liên tiếp bỏ phiếu có lợi cho Nga tại Liên Hiệp Quốc.
Vì vậy, báo chí trong nước, vốn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, khi đưa tin về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đều tránh sử dụng từ "xâm lược".
Một số trang web của các bộ ngành nhà nước thậm chí còn đăng các bài viết nêu quan điểm ủng hộ Nga trước khi cuộc chiến nổ ra. Điển hình là bài "Ai hưởng lợi trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine ?", được đăng trên tờ Quân dội Nhân dân hôm 13/2. Trong bài có đoạn khẳng định rằng : "Nga chắc chắn là quốc gia không muốn gây xung đột với Ukraine".
Tuy nhiên, bà Nataliya Zhynkina vẫn đánh giá rằng nhìn chung thì các tờ báo lớn ở Việt Nam đưa tin khá cân bằng về cuộc chiến này :
"Báo chí trung ương giữ tính trung lập trong các bài báo của họ, đưa tin về các sự kiện, trích dẫn quan điểm và bình luận của các bên khác nhau.
Trong số báo chí địa phương và tư nhân, có một số báo ủng hộ chiến tranh, một số lại ủng hộ hòa bình. Đánh giá của tôi là nhìn chung có sự cân bằng trong cách đưa tin".
Kể từ khi Nga mở cuộc xâm lược hồi tháng 2/2022, Chính quyền Hà Nội đã nhiều lần ngăn cản các sự kiện có liên quan đến Ukraine.
Ví dụ như vào hôm 16/7, một buổi toạ đàm về văn hóa Ukraine được tổ chức ở Hà Nội bị phá rối giữa chừng, nhiều người người bị công an canh cửa không cho đến dự.
Trước đó, hôm 5/3, một số người dân Hà Nội thông báo họ bị công an giam lỏng tại nhà, không cho đến tham dự một buổi hội chợ gây quỹ tại Đại sứ quán Ukraine.
Một sự kiện hội chợ gây quỹ khác do một nhóm người Ukraine sinh sống tại Hà Nội, dự định tổ chức vào ngày 19 tháng 3 cũng đã phải hủy bỏ, do có tác động từ phía công an.
Lá thư nẩy lửa của Đại sứ Ukraine ở Hà Nội gửi báo Hà Nội Mới ! Khiếp quá !
Thư ngỏ gửi báo Hà Nội Mới :
Đại sứ quán Ukraine ở Việt Nam, 04/10/2022
Vào sáng Chủ nhật, ngày 2/10, một sự kiện đầy ý nghĩa đã diễn ra tại trung tâm thủ đô Việt Nam : Giải chạy báo Hà Nội Mới lần thứ 47 vì hòa bình.
Gần 1500 vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư đã tham gia sự kiện này để truyền tải thông điệp hòa bình đến thế giới, kêu gọi nỗ lực chung để thúc đẩy hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Sống sót qua bao cuộc chiến tranh xâm lược, người Việt Nam biết rõ tầm quan trọng của hòa bình. Cũng đáng quý như vậy là phấn đấu vì hòa bình của những người Ukraine, những người ngày nay đang nỗ lực hết sức có thể để đẩy lùi kẻ xâm lược và khôi phục cuộc sống hòa bình trên đất nước của họ.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Ukraine tự hào được tham gia Cuộc chạy vì Hòa bình cùng với các đại biểu quốc tế và Việt Nam. Chúng tôi cũng rất vui và biết ơn phóng viên khi xem những hình ảnh của chúng tôi trong bản tin của báo Hà Nội Mới chiều ngày 2/10. Điều đó rất có ý nghĩa : một lời kêu gọi hòa bình từ trái tim Hà Nội.
Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của chúng tôi khi mở bài báo vào ngày 3/10 và thấy rằng những bức ảnh của những người Ukraine tham gia không còn ở đó nữa.
Trớ trêu thay, bài báo vẫn đưa ra những bức ảnh của những vận động viên từ đất nước mà ngày nay đang làm những việc hoàn toàn trái ngược với hòa bình : ném tên lửa và bom vào các thành phố của Ukraine, giết chết trẻ em và người lớn tuổi, đàn ông và phụ nữ, bắt cóc, tra tấn, cưỡng hiếp, cưỡng bức, buộc hơn 10 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ và chạy trốn chiến tranh.
Hãy xem những hình ảnh trong bài báo của Báo Hà Nội Mới, phiên bản ngày 2/10 và ngày 3/10, và hãy tìm sự khác biệt.
Năm 1999 Hà Nội được UNESCO vinh danh "Thành phố vì hòa bình". Vào năm 2022, tờ báo hàng đầu của thanh phố Hà Nội có kiểm duyệt ảnh của chính mình về các vận động viên chạy vì hòa bình, những người đến từ một đất nước đang phải hứng chịu chiến tranh không ? Báo Hà Nội Mới, tờ báo có thể giải thích chuyện gì đã xảy ra không ?
Nguồn : Đại sứ quán Ukraine ở Việt Nam
04/10/2022
Tin ông Mikhail Gorbachev qua đời, thọ 91 tuổi vẫn đang tiếp tục chia rẽ dư luận Việt Nam.
Biểu tượng Liên Xô - hình minh họa
Phái ‘hoài niệm Liên Xô’ thì ấm ức cho rằng ông đã làm Tổ quốc của phong trào xã hội chủ nghĩa quốc tế tan rã, khiến Việt Nam mất đi chỗ dựa trên trường quốc tế, phải xoay sở, đi dây, lèo lái trong một thế giới phân liệt, bất an.
Những người ủng hộ các nền dân chủ dân tộc Đông Âu (cộng chút hy vọng cho Việt Nam) thì ca ngợi vai trò kiến tạo môi trường hòa bình, hòa hoãn Đông Tây để thế giới chấm dứt Chiến tranh Lạnh của Mikhail Gorbachev.
Ở một góc độ nào đó thì cả hai nhóm này đều có lý do, hoặc cảm xúc chính đáng để lên tiếng.
Theo quan sát của tôi, những người hoài niệm Liên Xô không hẳn vì đầu óc bảo thủ, hay hoang tưởng mong phục hồi thể chế Xô Viết đã một đi không trở lại.
Điều họ luyến tiếc là một đế quốc đã có những giờ phút huy hoàng của nó. Trên thực tế, so với Trung Quốc thì Liên Xô được nhìn nhận như đại cường từng giúp miền Bắc Viêt Nam và nước Việt Nam thống nhất sau 1975 tận tâm hơn.
Những người bạn tôi ở Ba Lan, Đức, Cộng hòa Czech, Hungary thì ngược lại, họ tin rằng sự tan vỡ của Đế chế Đỏ là cơ hội tuyệt vời cho các dân tộc bị trị ở Đông Âu, mà văn hóa gốc vốn cao hơn ở Nga, được trở về ngôi nhà quốc gia,độc lập, tự do, dân chủ của họ, để phát triển hết tiềm năng vốn có.
Nhưng trên thực tế, như ta đã thấy, dù có truyền thống công nghệ cao (Đông Đức, Tiệp), có văn học, công nghệ hàng hải, toán học giỏi (Ba Lan, Hungary)... các nước này đều vươn lên từ đống tro tàn của khối Xô Viết bằng cách dựa vào một mô hình đế chế khác, giàu mạnh và an ninh vững vàng : Liên minh Châu Âu và khối quân sự Nato. Đồng vốn, thị trường EU và các điều khoản đảm bảo an ninh chung của Nato đã tạo ra ba thập niên vàng cho Đông Âu.
Người Đông Âu đã dịch chuyển từ quỹ đạo của một đế quốc đổ vỡ sang quỹ đạo của một mô hình có tầm vóc siêu quốc gia (supranational dimension), của EU và Nato, cho dù chúng ta tạm chưa gọi EU là một đế quốc.
Đây cũng là các chuyển biến rất logic với người Châu Âu, vì họ, từ Hungary, Czech, Slovakia tới Phổ (Đông Đức), Slovenia, Romania...̣ đều có thời không thuộc Đế quốc La Mã Thần thánh, thì thuộc các đế quốc nhỏ hơn, hoặc là liên minh, đồng minh nhỏ của chúng.
Việc tan ra, tụ lại của các 'gia đình dân tộc' Châu Âu đã có từ rất lâu, nên câu chuyện khác hẳn Việt Nam, điều mà tôi sẽ nói sau.
Giải thích địa chính trị bằng 'cái nhìn đế chế'
Lý thuyết về đế chế xem ra có thể giúp chúng ta hiểu hơn phần nào sự vận hành của chính trị quốc tế hiện nay, với các lực hút, lực đẩy vừa mang tính địa chính trị, vừa có tính mô hình, và trọng lượng riêng, khi các mảng, các khối to lớn va đập.
Nhìn từ góc độ đế chế thì cuộc chiến của Nga ở Ukraine hiện nay cũng có thể hiểu như xung lực còn lại của quá trình tan rã thời Liên Xô.
Hồi 2016, nhân 25 năm Liên Xô sụp đổ trên trang Foreign Policy có loạt bài nói "The Soviet Union is gone, but it’s still collapsing" (Liên Xô đã biến mất, nhưng nó vẫn đang tan rã).
Các tác giả tham gia viết bài đánh giá rằng cuộc chia tay của Liên Xô năm 1991 "yên lặng quá", thậm chí không thành sự kiện (no event).
Đáng chú ý có bài của tác giả Ukraine, Serhii Plokhy cho rằng "Sự tan rã của Liên Xô giống như việc đổ vỡ của các đế quốc trong quá khứ [ông trích phần nói về đế chế Ottoman, đế quốc Áo-Hung], luôn không phải là một sự kiện, mà là một quá trình."
Plokhy nêu ra cuộc chiến từ 2014 ở Đông Ukraine như một ví dụ rằng Nga không chịu chấp nhận trật tự hậu Xô-Viết và ví Ukraine với Ba Lan, Tiệp Khắc lúc vừa có độc lập năm 1918, sau Thế Chiến I.
Xin nhắc lại Thế Chiến I chấm dứt với sự sụp đổ của ba đế quốc : Nga, Đức và Áo-Hung, thay đổi bản đồ Châu Âu và cho ra đời một loạt quốc gia độc lập ở Đông Âu, Baltic và Balkans.
Năm 1918, các nước đó đều yếu, chính thể chưa hoàn thiện, và muốn làm đồng minh của Phương Tây (Anh, Pháp) để có chỗ dựa trước sự đe dọa của Đức và Liên Xô. Vì cả Berlin và Moscow, tuy đã theo chủ nghĩa khác, nhưng tinh thần phục thù, đòi lại các vùng đế chế tiền thân của họ "bị tước mất", vẫn còn rất cao.
Plokhy nêu ra vấn đề dân tộc ở các quốc gia bị Đức và Liên Xô tấn công trong thập niên 1930s :
"Vấn đề sắc tộc trong xã hội của họ đã là cái cớ để láng giềng hùng mạnh, hung hăng can thiệp."
Lý cớ thì chỉ là chuyện nhỏ để gây chiến.
Ví dụ Đức đánh Tiệp Khắc để "giải phóng người Đức vùng núi Sudet".
Liên Xô tấn công Ba Lan (09/1939) để "bảo vệ giai cấp công nông Bạch Nga ở phía đông bị bọn địa chủ Ba Lan đè nén". Cuối cùng, nước cộng hòa Ba Lan đa sắc tộc cùng lúc bị Đức đánh từ phía Tây và Nam để "giành lại lãnh thổ truyền thống của người Đức" (hành lang Gdansk, vùng núi Silesia).
Việc quân Hitler bắt hàng triệu người Do Thái ở khắp nơi đưa vào lò thiêu là một phần khác của ý thức hệ phát-xít khát máu nhưng không nằm ngoài một "logic ghê rợn" của đế chế Đức Quốc xã : xóa sổ người Do Thái khỏi Châu Âu, chứ không chỉ trên đất Đức. Mục tiêu này mang tính đế quốc, vượt khỏi phạm vi quốc gia.
Mặt trái của chủ nghĩa đế quốc là thế. Tương tự như Stalin nhân danh giai cấp thẳng tay đàn áp các dân tộc thuộc Liên Xô.
Prokhy nhắc rằng chủ nghĩa phục thù Đại Nga nay hoàn toàn có thể làm tương tự với Ukraine : tấn công nhân danh bảo vệ "thiểu số", "giành lại lãnh thổ lịch sử".
Và điều đó đã xảy ra năm nay, 2022.
Bản đồ Đế chế Nga năm 1800
Nước Nga sẽ đi về đâu sau cuộc chiến Ukraine ?
Câu hỏi tiếp theo trong dòng thời sự là Nga, hậu thân của Đế chế Liên Xô, có đang tiếp tục tan rã ?
Trang Geopolitical Futures ở Hoa Kỳ hôm 01/09/2022 vừa công bố nghiên cứu đặc biệt mang tựa đề "Will Russia Collapse Again ?" (Nước Nga sẽ lại tan rã ?).
Do GS George Friedman, một người Do Thái gốc Hungary sang Mỹ từ nhỏ (vẫn thạo tiếng Hung) làm chủ biên, công trình này đánh giá rằng hơn 30 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga của ông Putin lại rơi vào vị thế có quá nhiều "vùng đệm" đang bị teo lại (Ukraine), bị hở sườn (Phần Lan), hở bụng (Biển Đen với yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ), và hở lưng (Trung Á).
Về kinh tế, Nga thực chất là các vùng kinh tế khác nhau gộp lại. Vùng Viễn Đông có logic kinh doanh, hoạt động khác vùng Châu Âu của Nga. Vùng Caucasus và biển Caspi có các quan tâm năng lượng khác, và vùng Biển Đen có những nguồn lợi và mối đe dọa khác.
Một khi Moscow có quyền lực mạnh, bao trùm (như thời đế chế Nga, hoặc Liên Xô) thì Nga có an ninh tốt.
Nhưng ngày nay, theo công trình nói trên, các ưu thế của những vùng khác nhau ở Nga không ứng cứu cho vùng gặp nạn được, vì chính quyền thực ra bất lực.
Một ví dụ : các mỏ khí đốt ở Viễn Đông không bơm sang Châu Âu được mà chỉ có thể bán cho Nhật, Trung Quốc, với số lượng nhỏ bằng ¼ sản lượng Nga bán cho "kẻ thù" là EU hiện nay.
Về nhân lực, nếu Putin không khéo thì việc huy động lính từ các cộng hòa ở vùng Châu Á sang đánh giúp "nước mẹ" ở Ukraine có thể gây nội loạn. Các cuộc bầu cử thống đốc vùng từ 2012 cho thấy dân Nga ở các vùng xa có xu hướng không tin tưởng Moscow.
Kết luận, Geopolitical Futures cho rằng Nga tung ra cuộc chiến Ukraine để đẩy xa các vùng đệm phía Tây và nhằm tỏ ra còn mạnh, che đậy thực lực đã yếu hơn trước rất nhiều.
"Nga phải cùng lúc tỏ ra có sức mạnh hơn nó vốn có và phải dùng quyền lực thực sự nó có thật tinh tế. Nhưng các ảo tưởng thì lại rất dễ tan biến, vì chỉ có quyền lực, sức mạnh thực mới bền vững. Hành động do các quốc gia yếu tạo ra nhằm tỏ ra là họ mạnh hơn thực luôn gần như luôn luôn dẫn tới thất bại thảm hại."
Nếu chúng ta tin vào đánh giá trên thì cơ hội phục hồi đế chế của ông Vladimir Putin xem ra không cao. Liên bang Nga thậm chí có nguy cơ tan rã tiếp.
Biểu hiện của kinh tế tư bản tại Việt Nam
Việt Nam và di sản của các đế chế
Đối với một bộ phận người Việt Nam vẫn còn hoài niệm Liên Xô, theo tôi cũng cần ghi nhận cảm xúc của họ mong muốn có một ‘anh cả’ làm chỗ dựa, vì lịch sử thế kỷ 20 đã tỏ ra quá khắc nghiệt với Việt Nam.
Xứ sở này mất 900 năm theo mô hình Trung Hoa để tạo ra một đế quốc riêng- Đại Nam, với đỉnh cao đạt tới khi làm chủ lãnh thổ rộng lớn trên bờ Đông bán đảo Đông Dương, quá rộng khiến trình độ tư duy, công nghệ và kinh tế trung cổ hậu kỳ không kham nổi khi thế giới bước vào kỷ nguyên hiện đại.
Đại Nam cuối cùng bị một đế quốc khác là Pháp khuất phục, đưa vào quỹ đạo Âu hóa cưỡng bức, gây phản kháng mạnh, 80 năm bài ngoại, di chứng đến nay.
Thế Chiến II kết thúc không đem lại giải pháp gì cho xứ Đông Pháp và hai phần của nó này bị kéo vào hai khối Đế chế đối đầu : Liên Xô, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Kể từ khi Liên Xô tan rã, tình hình quốc tế và khu vực xung quanh Việt Nam đã thay đổi rất nhiều.
Nhưng có một vấn đề không thể né tránh được.
Xét cho cùng, vì cũng từng là phụ thuộc sâu nặng vào Liên Xô, là thành viên COMECON và Khối Hiệp ước quân sự Warsaw CHxã hội chủ nghĩa Việt Nam nay vẫn phải đối mặt với hội chứng "di sản của đế chế tan rã". Chưa kể bản thân người Việt Nam cũng có tinh thần đế quốc của riêng họ.
Nỗ lực phục hồi vị thế cường quốc vùng ở Đông Dương (khống chế Lào, Campuchia) trong thập niên 1980s, với sự hỗ trợ của Liên Xô đã không thành, vì bản thân Moscow trên đà xuống dốc và mô hình kinh tế hậu chiến ở Việt Nam quá tệ. Ba mươi năm qua là quá trình vừa tìm đường đi mới, vừa nuối tiếc quá khứ.
Cái chết của ông Gorbachev, với tang lễ hôm nay 03/09, lạ thay, cũng đúng vào dịp 77 năm VNDCCH tuyên bố độc lập mà không được Liên Xô công nhận, dù sao cũng khép lại vĩnh viễn một mô hình. Còn nước Nga của ông Putin thì như đã thấy, đang sa lầy vào các vấn đề di sản của chính nó.
Chiều kích lịch sử của ngôi sao đỏ trên Hồng trường ở Moscow không còn nữa ở cả hai đại lượng thời gian, không gian nhưng còn lưu trong tâm trí.
Từ nay, việc xử lý di sản Liên Xô của Việt Nam như thế nào, cho cả nội bộ và đối ngoại tùy vào lựa chọn của người Việt Nam.
Bản nhạc 'Chiều Mạc Tư Khoa' đã hết vang vọng với thế hệ trẻ.
Liên Xô. Ấy là hai từ cực kỳ vĩ đại, hằn sâu trong ký ức xa xưa thời trẻ con của tôi. Tất cả những gì đẹp nhất, kỳ diệu nhất, lung linh nhất mà trí tuệ của một thằng trẻ con có thể tưởng tượng ra đều gắn với hai chữ Liên Xô. Có gì để mà so sánh đâu khi xung quanh chúng tôi ngày ấy tràn ngập phim ảnh Liên Xô, họa báo Liên Xô, khẩu hiệu Liên Xô, anh hùng Liên Xô. Chưa kể những thứ vĩ đại, đẹp đẽ khác như cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, cầu Thăng Long hai tầng hiện đại, thủy điện Hòa Bình chặn dòng sông Đà hung dữ, tàu vũ trụ Liên Xô đưa người lên không gian... Ngày đó cứ nghĩ đến đất nước Liên Xô là tôi lại tưởng tượng ra một thiên đường có thật trên hành tinh này.
Ngày đó cứ nghĩ đến đất nước Liên Xô là tôi lại tưởng tượng ra một thiên đường có thật trên hành tinh này.
Nhưng rồi đời không như là mơ, hôm nay chính là một ngày kỷ niệm rất trọng đại trong lịch sử phát triển của loài người. Cách đây 28 năm vào ngày 25/12/1991, Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev đã từ chức và bàn giao mật mã kích hoạt tên lửa hạt nhân của Xô Viết cho tổng thống Nga Boris Yeltsin. Một ngày sau Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) đã chính thức chấm dứt tồn tại vào ngày 26/12/1991, bởi bản tuyên bố số 142-H của Xô viết Tối cao. Tuyên bố này công nhận nền độc lập của mười hai nước cộng hòa của Liên bang Xô viết còn lại (tổng cộng 15 nước) và thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS).
Trải qua 28 năm, những tưởng ngày đó là dấu chấm hết cho một hệ thống mô hình xã hội vừa ảo tưởng, vừa tàn bạo nhất trên hành tinh, nhưng chủ nghĩa xã hội và các thực thể quốc gia đi theo chủ thuyết này vẫn còn tồn tại, và có quốc gia như Trung Quốc còn trở nên hùng mạnh và thách thức toàn thế giới. Không những vậy, Trung Quốc còn trở thành một "mạnh thường quân" thay thế cho Liên Xô trước kia, bảo kê cho tất cả các quốc gia khác còn theo con đường chủ nghĩa xã hội. Đây là một nghịch lý mà loài người tiến bộ còn phải đau đầu vì nó trong nhiều thập kỷ tới.
Có nhiều nhà phân tích và bình luận chính trị đã bàn cãi về vấn đề này. Đặc biệt là khi bàn về Việt Nam, người thì cho rằng Việt Nam suy mà chưa sụp là bởi tương quan giữa phe bảo thủ và phe đòi hỏi cải cách chưa đủ lớn. Người thì lại cho rằng xu hướng sau chiến tranh lạnh là chuyển đổi xã hội bằng các hình thức hòa bình, nên cần nhiều thời gian hơn. Và nhất là quan điểm cho rằng Trung Quốc đang xiết chặt vòng kim cô đỏ lên đầu hệ thống chính trị Việt Nam, nên nhiều đảng viên cấp tiến dù muốn thoát khỏi ý thức hệ cộng sản để đi theo nguyện vọng của nhân dân, nhưng không thoát nổi những ràng buộc chết người từ miếng ăn cho đến sinh mạng của mình, để dám mở ra con đường mới cho dân tộc này.
Tôi cho rằng những lập luận trên đây là rất xác đáng, nhưng xin bàn thêm một chút về vấn đề này để góp phần nhận diện cho đúng tình thế chính trị xã hội của Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sau những khó khăn nhất định khi thành trì to lớn của nó sụp đổ đã không dừng lại. Nó đã học được những bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô, tự đổi màu để thích ứng với điều kiện xã hội mới, bám chặt vào các yếu tố về văn hóa, dân tộc, tâm linh... để giữ lấy quyền lãnh đạo đất nước. Nó cướp bóc những gì thuộc về thế hệ tương lai như tài nguyên, môi trường, lãnh thổ nhằm đổi lấy những giá trị vật chất nhất thời, hòng kéo dài sự sống sót cho hệ thống. Nó xây dựng một lớp tư bản thân hữu, hay còn gọi là tư bản đỏ, dù điều này hoàn toàn trái ngược với chủ thuyết cộng sản, nhằm tạo ra một sân sau để giải quyết trong bí mật những góc tối của nền kinh tế quái thai mang danh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài việc tiếp tục nuôi dưỡng lực lượng công thần chế độ, hay các lực lượng khác có lợi ích gắn chặt với đế độ, nó còn nuôi cấy những niềm tin vào một lớp người mới, nhằm tạo ra một sự hậu thuẫn xã hội, hoặc ít ra là cổ xuý cho một thái độ bỏ mặc, buông xuôi cho sự lũng đoạn đất nước của nó. Và nó tiếp tục sử dụng bàn tay sắt bọc nhung để đàn áp một cách tinh vi, có hệ thống tất cả những tiếng nói đối lập đang kêu đòi thay đổi xã hội này.
Hệ quả là dù cứu vớt được quyền lực, nhưng đảng cộng sản đã phải đánh đổi rất nhiều thứ thuộc về nhân dân, để tạo nên một đất nước dù có vẻ ngoài phát triển, nhưng thụt lùi thảm hại về môi trường, y tế, giáo dục, chủ quyền bị xâm phạm và nợ nước ngoài tiếp tục tăng cao không có điểm dừng.
Trong ngắn hạn, những thay đổi kinh tế dưới vỏ bọc đổi mới trước đây phần nào tạo dựng được niềm tin của người dân vào hệ thống. Nhưng thật không may cho đảng cộng sản Việt Nam, niềm tin thì luôn được hình thành dựa trên cơ sở các hệ giá trị. Khi một hệ giá trị không được xây dựng dựa trên những cái có thật, mà chỉ có được là nhờ đánh cắp từ chỗ này đập vào chỗ kia, thì nhất định những giá trị đó sẽ có ngày sụp đổ, bởi nó đã không được xây dựng dựa trên nền tảng vững chãi của những gì thuộc về quy luật tự nhiên.
Giá trị sụp đổ thì niềm tin sẽ sụp đổ. Niềm tin sụp đổ thì chế độ không thể tồn tại. Chính vì thế không phải bỗng dưng bao nhiêu năm nay hệ thống tuyên truyền của đảng gào thét về việc chỉnh đốn đảng, xây dựng niềm tin trong quần chúng. Nhưng càng gào thét thì đảng càng nát. Công chúng hiện nay đang được chiêm ngưỡng hàng loạt các vụ đại án phá hoại đất nước mà toàn là người của đảng cầm đầu. Công chúng cũng đang hỏi còn bao nhiêu kẻ trong đảng chưa bị lôi ra ánh sáng, hay đây chỉ là vở kịch đấu đá tranh giành quyền lực của các phe phái trong đảng trước đại hội ?
Bàn về chuyện chính trị Việt Nam cho ngọn ngành thì rất nhức đầu và cần có độ lùi về mặt lịch sử. Nhưng tôi luôn tin rằng với cung cách điều hành đất nước của đảng cộng sản như hiện nay, nhất định niềm tin và các hệ giá trị trong đất nước này rồi sớm sẽ phải thay đổi. Cùng tất biến, khi đó đất nước sẽ bừng tỉnh và thay đổi trong chốc lát như Liên Xô khi xưa.
Liên Xô. Ấy là hai từ cực kỳ vĩ đại, hằn sâu trong ký ức xa xưa thời trẻ con của tôi (Nguyễn Lân Thắng) - Ảnh minh họa
Tuy nhiên công cuộc thay đổi và dân chủ hóa một đất nước là một hành trình dài. Ngay đến cả nước Nga và các quốc gia tách từ Liên Xô trước đây tuy đã thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản 28 năm, nhưng vẫn vật vã với nhưng mâu thuẫn nội tại của nó mà chưa thể trở thành một quốc gia dân chủ. Tôi cho rằng điều này là do họ chưa thực sự giải ảo được các hệ thống giá trị và niềm tin có từ thời cộng sản.
Xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản đã khó, giải quyết hậu quả mà chế độ cộng sản để lại trên một đất nước còn khó hơn nhiều. Xin hãy bền chí, vững tâm và khôn khéo trên hành trình gian khó này. Sóng sau cứ nối đuôi xô sóng trước. Đất nước này nhất định phải được tự do.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 25/12/2019 (nguyenlanthang's blog)
"Các vệ tinh cũ" của Nga đang trỗi dậy
Phong trào Áo Vàng tại Pháp tiếp tục đặt ra nhiều thách thức, trong đó có nạn bài Do Thái, sau ngày hành động thứ 14, và tròn ba tháng khởi phát. Tổng thống Mỹ tấn công vào xe hơi Châu Âu. Bê bối lạm dụng tình dục gây khủng hoảng chưa từng có với Giáo hội Công giáo. Bùng nổ dân số : một vấn đề lớn của nhân loại.
Bản đồ Cộng đồng các Quốc gia độc Lập do Nga lãnh đạo (năm 2018).Wikipedia
Trên đây là một số tựa lớn trang nhất các báo Pháp hôm nay, 18/02/2019. Trước hết xin giới thiệu một phân tích đáng chú ý, trên Le Monde, về tình trạng Nga ngày càng mất ảnh hưởng đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Hội nghị an ninh quốc tế tại Munich diễn ra trong 3 ngày cuối tuần qua chứng kiến sự chia rẽ chưa từng có giữa chính quyền Mỹ với Châu Âu, mà tiêu biểu là Đức, trong lúc Nga và Trung Quốc tìm cách khoét sâu vào mối bất hòa. Nga càng ngày càng trở thành mối đe dọa với Liên Âu, đặc biệt sau việc Moskva và Washington đình chỉ Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF), mở ra viễn cảnh chạy đua vũ trang mới. Phương Tây nói chung và Liên Hiệp Châu Âu nói riêng dường như đang ở thế bị động. Tuy nhiên, nhìn về phía nước Nga, tình hình cũng hoàn toàn không phải là tươi sáng, xét về xu thế địa chính trị trung hạn và dài hạn.
Hồ sơ mang tựa đề "Nước Nga mất kiểm soát với các vệ tinh cũ" trên Le Monde điểm lại một xu thế diễn ra từ năm 1991 và tiếp tục khẳng định cho đến nay. Đó là ngày càng có nhiều quốc gia Liên Xô cũ hoặc ngả hẳn sang phương Tây theo mô hình dân chủ, hoặc tìm kiếm một vị trí độc lập hơn, hay chí ít cũng giữ một khoảng cách với Moskva.
Mondavia, Kirghizistan, Armenia, Uzbekistan... đang dân chủ hóa
Không có quốc gia nào trong khối CIS, trừ Nga, chính thức công nhận việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Nhiều "đồng minh" thân thiết của Nga trước đây đang tìm cách phát triển quan hệ với các khối khác, để thoát khỏi sự thao túng của Nga. Tại Uzbekistan, chính quyền của ông Chavkat Mirziyoyev, cầm quyền từ năm 2016, sau khi nhà độc tài Karimov qua đời, đã thực hiện một chính sách ngoại giao đa phương hóa chưa từng có, khiến Nga lo ngại.
Moskva theo dõi sát cuộc bầu cử Quốc hội tại Mondavia, sẽ diễn ra ngày 24/02, như một trắc nghiệm cho thấy "phe thân Nga" và "phe thân phương Tây", ai mạnh hơn ai. Để quyến rũ cử tri Mondovia, điện Kremlin vừa có chính sách giảm nhẹ quy định về giấy tờ đối với khoảng 170.000 người nhập cư gốc Mondavia, đang ở trong điều kiện bấp bênh, với thời hạn có thể áp dụng là… vào tháng 3/2019. Tức sau ngày bầu cử Quốc hội Mondavia.
Nga không đưa ra được một mô hình hấp dẫn
Trên thực tế, chính quyền Nga đã có một dự án lớn nhằm hội nhập một số nước Liên Xô cũ với Cộng đồng Kinh tế Á-Âu (UEEA), dựa trên mô hình một thị trường chung của Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, cộng đồng 5 quốc gia Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kirghizistan và Nga đã không phát triển được, bởi mỗi bên đều bám chặt lấy chủ quyền quốc gia. Cạnh tranh với Trung Quốc tại vùng Trung Á và đe dọa trừng phạt Mỹ cũng là những nhân tố gây trở ngại khác.
Theo chuyên gia Pháp Laurent Chamontin, thất bại của cộng đồng mà Nga muốn xây dựng, trước hết là do Moskva không đề xuất ra một mô hình nào khác hơn là một hệ thống chủ yếu dựa trên sự tái phân phối các nguồn lợi từ dầu mỏ, với sự kiểm soát của Nhà nước ngày càng chặt chẽ hơn, trong lúc chính quyền tiếp tục bị nạn tham nhũng, độc tài chi phối. Trong tình trạng này, nước Nga không thể trở thành đầu tầu để dẫn dắt toàn khối.
Việc Nga vẫn tiếp tục giữ một vai trò chi phối đối với nhiều nước Liên Xô cũ xuất phát từ sức mạnh quân sự và khả năng bảo đảm an ninh của Nga. Năm 2002, sáu nước – Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kirghizistan, Nga và Tadjikistan – thành lập một tổ chức hợp tác về an ninh. Nhưng đoàn kết giữa các quốc gia này cũng có giới hạn. Bản thân Armenia, một thành viên của khối, đã công khai chỉ trích Nga bán vũ khí cho Azerbaidjian, một nước cộng hòa Liên Xô cũ, có tranh chấp lãnh thổ với Erevan. Năm 2018, Kazakhstan không ủng hộ dự thảo nghị quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an, lên án cuộc tấn công của liên quân Mỹ, Anh, Pháp trừng phạt chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Thái độ bất hợp tác của láng giềng Kazakhstan khiến Moskva giận dữ.
Tiếng Nga thoái lùi : Sự giải thể của đế chế Xô Viết là một quá trình dài
Một vấn đề quan trọng khác được Le Monde nêu lên để cho thấy ảnh hưởng của Nga tại các nước cộng hòa Liên Xô cũ ở phía tây và phía nam, là sự thoái lùi của tiếng Nga.
Tại Kirghizistan, kể từ năm 2017, 47 tổ chức dân sự và đảng phái đối lập yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý để cổ vũ tiếng Kirghiz là ngôn ngữ quốc gia duy nhất. Kazakhstan cũng quyết định thay thế ký tự truyền thống theo hệ Slave bằng hệ ký tự La tinh.
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông Nga tại nhiều quốc gia cũng bị thu hẹp. Một ví dụ như, tại Moldavia, trong kênh truyền hình hàng đầu tiếng Nga, rất được đông người xem, các buổi phát thanh chính trị do chính quyền Nga hậu thuẫn hoặc bị xóa bỏ, hoặc bị đẩy vào giờ muộn hơn. Tại nhiều nước khác, ngày càng có nhiều người đòi hỏi các phương tiện truyền thông quốc gia. Belarus cũng vừa chấp nhận một kênh truyền hình cáp tiếng Ukraine.
Theo nhà quan sát kỳ cựu Andrei Kortounov về tình hình nước Nga và các khu vực vệ tinh, tiến trình giải thể của Cộng hòa liên bang Xô Viết hiện vẫn đang tiếp diễn. Sự chấm dứt của Nhà nước Liên Xô năm 1991 thực ra chỉ là một quyết định từ bên trên, ít có ảnh hưởng ngay lập tức đến toàn bộ các xã hội. Andrei Kortounov khẳng định, giống như với các đế chế khác, sự biến mất của Liên Xô đòi hỏi nhiều thời gian. Những biến động hiện nay trong các khu vực vệ tinh của Moskva sẽ còn kéo dài, và là một mối lo thường trực của điện Kremlin.
Hội nghị Munich : Merkel đơn độc bảo vệ chủ nghĩa đa phương
Trở lại với hội nghị an ninh quốc tế tại Munich, Les Echos có bài đáng chú ý, mô tả tình trạng đơn độc của thủ tướng Đức Angela Merkel, người dám đối đầu với tổng thống Mỹ. Đối lại các lời lẽ đe dọa, hống hách của tổng thống Mỹ là thái độ ôn hòa, cổ vũ đối thoại của thủ tướng Đức. Phát biểu ủng hộ chủ nghĩa đa phương quốc tế của bà Merkel đã được đông đảo cử tọa nhiệt liệt đứng lên hoan nghênh. Một trong những người ngồi, để tỏ thái độ phản đối là Ivanka Trump, con gái của tổng thống Mỹ.
Merkel trực diện phản đối chính sách nâng thuế chống xe hơi Đức của tổng thống Mỹ, khi nêu bật lên việc nhà máy xe hơi lớn nhất của hãng Đức BMW nằm tại Mỹ. Thủ tướng Đức cũng bảo vệ dự án xây dựng đường dẫn khí đốt từ Nga, và tuyên bố sẵn sàng mở cửa cho khí đốt từ Mỹ.
Bài "An ninh : Phương Tây bị chia rẽ trước Moskva và Bắc Kinh" của Les Echos thì nhấn mạnh đến tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ phương Tây, chưa từng có kể từ năm 1963, thời điểm hội nghị ra đời. Trong cuộc hội nghị này, với sự tham gia của 35 nguyên thủ và thủ tướng, các lãnh đạo Nga, Trung liên tục xoáy vào các bất đồng nội bộ giữa Mỹ và Châu Âu.
Báo Le Figaro cũng một nhận định là bà Merkel đơn độc, đồng thời chú ý đến sự vắng mặt đáng tiếc của tổng thống Pháp, vốn được coi là cặp bài trùng – đầu tàu của Châu Âu, cùng với thủ tướng Đức.
Đóng góp Pháp và Đức cho Châu Âu : Hiện chưa có thảo luận sòng phẳng
Về chiến lược an ninh của Châu Âu và NATO nói chung, báo Le Monde có bài phỏng vấn chuyên gia Daniel Schwarzer, người đứng đầu một trung tâm chính trị đối ngoại của Đức (DGAT). Theo vị chuyên gia này, Pháp và Đức cần phải thừa nhận là cả hai quốc gia này đều đã được hưởng lợi nhiều từ Châu Âu, nhiều hơn so với những gì mà hai nước đóng góp cho Châu Âu. Pháp và Đức cần đóng góp nhiều hơn nữa cho nền an ninh chung của Châu Âu, cho khu vực đồng euro.
Theo nhà chính trị học, cho đến nay chưa có các cuộc thảo luận thực sự sòng phẳng về vấn đề này. Và cùng với các vấn đề riêng của Châu Âu là những thách thức chung mang tính toàn cầu, về an ninh hay biến đổi khí hậu, mà Pháp, Đức hay bất cứ quốc gia Châu Âu nào khác cũng có thể tìm thấy những lợi ích chung, như được sống trong một thế giới ổn định, chuẩn mực quốc tế được tôn trọng, và các xung đột được giải quyết một cách hòa bình. Và để có được những điều đó, cần phải có các đóng góp phù hợp.
Thương thuyết Mỹ - Trung vòng 4 : Khác biệt còn quá lớn
Đàm phán Mỹ - Trung bước sang vòng thứ tư, chuẩn bị diễn ra, là một chủ đề thời sự trọng tâm. Le Monde có bài nhận định là trước vòng đàm phán này, đòi hỏi của cả hai bên đều vẫn còn quá cách biệt.
Trước hôm thứ Sáu, báo chí dự kiến kết luận đàm phán sơ bộ sẽ được thông báo, nhưng rốt cục điều này đã không xảy ra. Về mặt chính thức, chính quyền Bắc Kinh tỏ lạc quan một cách thận trọng, thế nhưng trên thực tế, nhiều nhà bình luận Trung Quốc – không kể những người dân tộc chủ nghĩa - khẳng định đòi hỏi của phía Mỹ là quá đáng.
Le Monde dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Victor Gao, chuyên gia quan hệ quốc tế, được coi là thân cận với Bắc Kinh, cho rằng với các đòi hỏi trong đàm phán – Trung Quốc phải cải cách triệt để nhiều lĩnh vực – thì điều cơ bản là Mỹ muốn bắt chẹt Trung Quốc, không muốn dân Trung Quốc được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, như điều mà tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố. Cuộc chiến chống lại tập đoàn Hoa Vi cũng bị coi là xuất phát từ thái độ kỳ thị của Washington. Theo Le Monde, trong bối cảnh này, ít có khả năng Trung Quốc sẽ có các nhân nhượng quan trọng.
Hoa Vi phản công
Trong khi đó, Les Echos cho biết tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi vừa mở cuộc phản công để tái chinh phục thị trường. Đại diện của tập đoàn Hoa Vi tại Bruxelles, Abrahim Liu, đã tổ chức hồi tuần trước một dạ tiệc lớn, sang trọng, mời giới lãnh đạo nhiều định chế Châu Âu, nhằm thuyết phục Châu Âu là Hoa Vi và Châu Âu có nhiều lợi ích chung. Đại diện Hoa Vi trực diện phản kích các luận điểm của đại sứ Mỹ tại Châu Âu về hiểm họa của Hoa Vi. Cũng trên Les Echos, đại diện Hoa Vi tại Pháp trả lời phỏng vấn. Bài viết mang tựa đề "Không có bất cứ lý do gì để loại trừ Hoa Vi khỏi mạng truyền thông 5G".
Ba tháng "Áo Vàng" : Ba chìa khóa giúp hóa giải khủng hoảng
Thứ Bảy vừa qua là tròn ba tháng phong trào Áo Vàng tại Pháp. Nhật báo công giáo La Croix dành đến một nửa số báo cho chủ đề này. La Croix chạy tít trang nhất "Điều mà cuộc khủng hoảng này nói về chúng ta". Bài xã luận của La Croix, mang tựa "Tâm trạng", khẳng định là phong trào có xu hướng thoái lùi, với mức độ người tham gia giảm mạnh hôm thứ Bảy trước là một bằng chứng. Đa số người Pháp hiện tại không còn ủng hộ Áo Vàng như trước. Những hành động phá phách, những lời lẽ thù hận của nhiều người biểu tình Áo Vàng khiến phong trào ngày càng xa rời với động lực đầu tiên.
Tuy nhiên, theo La Croix sẽ quá vội vã khi khẳng định phong trào này sẽ chóng tàn, bởi nó bắt nguồn từ những thay đổi sâu xa trong xã hội Pháp nói riêng, cũng như đa số các xã hội công nghiệp nói chung. Không thể trông chờ một số biện pháp mầu nhiệm ngắn hạn để giải quyết, cũng như chỉ nhờ riêng vào những quyết định của tổng thống.
Trong số báo này, La Croix muốn tìm cách soi sáng những nỗi khổ tâm của nhiều người Pháp – nguồn gốc của khủng hoảng, đồng thời vạch ra một số hướng đi để thoát khỏi tình trạng hiện nay. Theo La Croix, có ba chìa khóa giúp hóa giải, nhằm mang lại hy vọng, giảm bớt tâm trạng lo hãi. Thứ nhất là đánh giá đúng mức các thành công, thay vì chỉ tập trung lên án các thất bại, thứ hai là chấp nhận sự thay đổi, và thứ ba là cổ vũ cho văn hóa tìm thỏa hiệp.
Trong bài "Chúng ta đang sống một cuộc khủng hoảng liên quan đến lời nói, hơn là khủng hoảng kinh tế", bài đầu tiên của loạt bài này (dài 9 trang), trả lời La Croix, nhà phân tâm học Jean-Pierre Winter nhấn mạnh đến khát vọng được biểu đạt vô cùng mãnh liệt của một bộ phận đông đảo dân chúng, nhưng không có chỗ thể hiện, là một trong những nguồn gốc dẫn đến cuộc khủng hoảng Áo Vàng.
Xin giới thiệu tựa của một số bài viết khác trong hồ sơ đặc biệt của La Croix về khủng hoảng Áo Vàng, một cuộc khủng hoảng phức tạp cần được soi sáng bằng cái nhìn đa chiều : "Áo Vàng : Thời điểm bước ngoặt", "Áo Vàng đại diện cho một phần giấc mơ của Cách mạng Pháp", "Một hình thức cá nhân chủ nghĩa cực đoan", "Những người Áo Vàng, sản phẩm của những rạn nứt trong xã hội Pháp".
Trọng Thành