Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiến tranh Ukraine sẽ đưa phòng thủ chung Châu Âu đi về đâu ? Việc Nga xâm lược Ukraine đã thúc đẩy các nước Liên Hiệp Châu Âu tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, vốn dĩ là một đặc quyền của từng nước. Nguồn tài trợ cho quân sự trong khối cũng vì thế đã tăng mạnh trong hai năm từ 5,6 tỷ euro lên thành 17 tỷ. Tuy nhiên, tranh luận về chính sách phòng thủ chung Châu Âu luôn dai dẳng khi mà vũ khí Mỹ vẫn chiếm ưu thế tại Châu Âu.

phongthu1

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của NATO đặt tại Chania, Hy Lạp ngày 08/11/2017. AP - Sebastian Apel

Thượng đỉnh Saint-Malo 1998 : Nền tảng thực sự

Ngược dòng thời gian, Hiệp ước Maastricht năm 1992 đánh dấu sự ra đời một chính sách đối ngoại và an ninh chung (PESC), trong đó bao gồm cả chính sách an ninh và phòng thủ Châu Âu (PESD). Tuy nhiên, theo ông Philippe Setton, cựu chánh văn phòng chuyên trách về Liên Hiệp Châu Âu của Bộ Ngoại giao Pháp, hiện là đại sứ Pháp tại Tokyo, thượng đỉnh Anh – Pháp ngày 03-04/12/1998 ở Saint Malo (miền bắc nước Pháp) là nền tảng thực sự cho phòng thủ chung Châu Âu.

Cố Tổng thống Pháp Jacques Chirac trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Anh thời bấy giờ là Tony Blair có tuyên bố : "Vào thời điểm thực hiện hiệp ước Amsterdam, thách thức lớn sắp tới chính là sự khẳng định của Liên Hiệp Châu Âu trên trường quốc tế thông qua một chính sách đối ngoại thật sự và một nền phòng thủ mà Châu Âu có khả năng tự thực hiện khi cần thiết".

Cũng theo giải thích của ông Philippe Setton, trong kỳ thượng đỉnh đó, giới chức Anh Quốc đã chấp nhận ý tưởng phát triển một hệ thống phòng thủ Châu Âu trong khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu. Nhà ngoại giao này không quên nhắc rằng phòng thủ Châu Âu là chủ đề muôn thuở trong các phát biểu chính trị tại Pháp.

"Điều mà họ muốn, trước hết là kéo dài tham vọng dự án Châu Âu thông qua lĩnh vực quốc phòng. Đó cũng là vì Pháp muốn tận dụng sự tán đồng của Anh và nói chung, là tận dụng sự đồng ý của Mỹ, đặc biệt là chính quyền tổng thống Bill Clinton thuộc đảng Dân chủ. Tổng thống Mỹ đã tán đồng, hay ít ra là có một quan điểm khá khoan dung về việc phát triển một trụ cột Châu Âu".

Những công cụ tài chính và pháp lý

Hiệp ước Lisboa năm 2007 có chính sách về an ninh và phòng thủ chung (PSDC), quy định điều khoản bảo vệ lẫn nhau và cho phép hành động chung. Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, rồi các cuộc tấn công khủng bố tại Pháp, Bỉ và Đức trong các năm 2015 và 2016, đánh dấu một bước chuyển lớn đầu tiên. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu lúc bấy giờ là Jean-Claude Junker đề nghị thành lập một quỹ Châu Âu cho phòng thủ, kích hoạt nghiên cứu và cách tân trong ngành công nghiệp quốc phòng Châu Âu nhằm xây dựng một nền phòng thủ Châu Âu vững chắc.

"Kể từ đó, công nghiệp vũ khí và nghiên cứu là những năng lực vượt ngoài khuôn khổ quốc gia, phòng thủ Châu Âu sẽ phát triển ngoài PSDC, vốn dĩ thuộc phạm trù liên chính phủ. Phòng thủ Châu Âu giờ thuộc về thẩm quyền Ủy Ban và Nghị Viện Châu Âu thông qua ngành công nghiệp, nghiên cứu, thị trường nội địa và mua sắm công", theo như giải thích của nhà nghiên cứu Elsa Bernard, giáo sư về Luật công, Đại học Lille, với kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24.

Từ năm 2019, Liên Âu lần lượt có các công cụ để xúc tiến chính sách phòng thủ như thành lập Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Không gian (DEFIS), Quỹ Châu Âu về Quốc phòng (FED) ra đời năm 2021 với một nguồn ngân sách là 9,4 tỷ euro (giai đoạn 2021 – 2027) ; Quỹ Hòa bình Châu Âu (FEP) năm 2021 mà ngân sách ban đầu là 5,6 tỷ nay được nâng lên thành 17 tỷ euro.

Chiến tranh Ukraine bùng phát là một bước ngoặt lớn cho phòng thủ chung Châu Âu. Xung đột còn khẳng định hơn nữa nhận thức về lỗ hổng công nghiệp và công nghệ quốc phòng của khối. Tháng 3/2022, khối 27 nước thành viên công bố "la bàn chiến lược", ghi nhận sự cần thiết của việc "tăng cường tự chủ chiến lược của Châu Âu".

Năm 2023, Liên Âu thông qua hai quy định : EDIRPA, khuyến khích mua sắm chung trong lĩnh vực quốc phòng và ASAP, xúc tiến sản xuất đạn pháo, tên lửa bằng chính ngành công nghiệp quốc phòng Châu Âu. Một năm sau, tháng 3/2024, Ủy Ban Châu Âu đưa ra quy định mới EDIP, kèm theo một "chiến lược công nghiệp Châu Âu về phòng thủ" (EDIS) nhằm "đầu tư nhiều hơn, tốt hơn, cùng nhau và tại Châu Âu". Do vậy, các cuộc đàm phán cho ngân sách 2028-2035 sẽ là thách thức to lớn, mang tính quyết định cho Nghị Viện Châu Âu mới, theo như nhận định của nhà nghiên cứu Elsa Bernard với France 24.

Thế mạnh vũ khí của Mỹ

Liệu rằng với những công cụ tài chính và pháp lý này, Châu Âu có thể đạt được mục tiêu đề ra là một nửa hệ thống quốc phòng được mua tại Châu Âu, và chấm dứt tình trạng nghịch lý là 2/3 sản xuất trang thiết bị quân sự Châu Âu được xuất khẩu ra ngoài khu vực và 2/3 trang thiết bị quốc phòng của các nước thành viên Liên Âu là nhập khẩu từ bên ngoài ? Đây chính là những điểm khúc mắc gây trở ngại cho việc thiết lập một hệ thống phòng thủ chung.

Ngay khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo tăng ngân sách quốc phòng và đặt mua 35 chiếc F-35 của Mỹ. Mới đây nhất là Ba Lan, ngày 27/05/2024, tuyên bố mua tên lửa hành trình tầm xa của Mỹ với tổng trị giá hợp đồng là 667 triệu euro để tăng cường năng lực phòng thủ, đối phó mối đe dọa Nga. Theo ông Peter Wezeman, chuyên gia về vũ khí tại Viện Nghiên cứu về Hòa bình (SIPRI) ở Stockholm, sự việc cho thấy ngành công nghiệp vũ khí trên thế giới vẫn "do Mỹ thống trị" (Les Echos ngày 23/11/2023).

Điều này thể hiện rõ trên bảng sắp hạng các hãng vũ khí lớn trên thế giới. Các tập đoàn vũ khí lớn của Mỹ chiếm các vị trí đầu bảng, tiếp theo là Trung Quốc, trong khi các hãng lớn tại Châu Âu bắt đầu từ thứ hạng 11 trở đi. Thế mạnh này của Mỹ được giải thích bởi chiến lược sáp nhập các doanh nghiệp vũ khí trong những năm 1990 – 2000, hình thành 5 đại tập đoàn hiện nay là General Dynamics, Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman và Raytheon.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Jean-Pierre Maulny, trợ lý giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), với nhật báo kinh tế Les Echos, Hoa Kỳ còn có một công cụ khác rất hiệu quả, viết tắt là FMS, để có thể thực hiện nhanh chóng các hợp đồng bán vũ khí cho các nước khác :

"Hoa Kỳ có thể bán vũ khí từ chính phủ cho chính phủ nhờ vào cơ chế Bán hàng quân sự cho nước ngoài (Foreign Military Sales – FMS), chứ không phải doanh nghiệp sẽ đi bán. Trên thực tế, chính phủ Mỹ sẽ trực tiếp trích từ kho dự trữ thiết bị để cung cấp cho Châu Âu, trong khi ở hệ thống Châu Âu, chúng ta có cơ chế được gọi là quy định về thị trường quốc phòng và an ninh, khiến hệ thống mua bị chậm lại".

Nếu khả năng giao hàng nhanh, nguồn dự trữ lớn là những nguyên nhân đầu tiên giải thích cho sự lệ thuộc của Châu Âu vào nguồn cung vũ khí từ Mỹ, thì yếu tố chính trị giữ một vai trò không nhỏ. Tháng 6/2020, phát biểu tại Học viện Quân sự West Point (New York), tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump có tuyên bố : "Chúng ta không phải là hiến binh của thế giới".

Washington thông báo muốn giảm đáng kể phần đóng góp của Mỹ cho ngân sách của NATO và Châu Âu đã thấu hiểu thông điệp đưa ra, theo như nhận định của Jean-Pierre Maulny : "Về cơ bản, theo một cách nào đó, người ta đang mua sự bảo hộ của Mỹ cũng do bởi một bộ phận người dân Châu Âu vẫn lo sợ rằng Mỹ sẽ rút khỏi Châu Âu, bởi vì đối với Mỹ, kẻ thù của họ, đối thủ cạnh tranh của họ không phải là Nga, mà chính là Trung Quốc".

Những rào cản, đối thủ cạnh tranh khác

Châu Âu không có hệ thống phòng thủ chung còn là vì mỗi nước có một nền công nghiệp riêng, vốn được nhà nước bảo hộ thông qua các hợp đồng mua sắm vũ khí, do vậy rất có ít sự cạnh tranh giữa những doanh nghiệp trong khối. Cũng theo vị trợ lý giám đốc IRIS, có rất ít sự phối hợp giữa các hãng sản xuất vũ khí. Theo ông, số doanh nghiệp sản xuất xe bọc thép còn nhiều hơn cả số các hãng sản xuất xe ô tô.

"Nguy cơ cạnh tranh giữa các công ty luôn hiện hữu. Những tập đoàn này trong quá trình thực hiện hợp tác sẽ tỏ ra thận trọng, không muốn trao đổi về công nghệ, tìm cách tranh giành phân phối công nghiệp. Nếu có một sự hợp tác, đó chẳng qua là hợp tác giữa các công ty, còn sự hợp tác giữa các công ty vũ khí chỉ có thể thực hiện hiệu quả khi nào có hai công ty sáp nhập thành một".

Tất cả những khó khăn trên cũng không đồng nghĩa với việc không có sự hợp tác nào giữa các nước thành viên. Châu Âu có nhiều chương trình hợp tác sản xuất vũ khí chung từ cuối những năm 1990, đầu năm 2000, nhưng để đi đến hiện thực lại tốn quá nhiều thời gian, như trường hợp của chuyên cơ vận tải A400M, có thể di chuyển quân, hậu cần, thả dù binh sĩ và trang thiết bị, cũng như tiếp tế trên không.

Jean-Pierre Maulny nhắc lại từ khi bắt đầu có những thông số kỹ thuật đầu tiên cho đến khi đưa ra thị trường, chương trình sản xuất A400M mất đến 20 năm, một quãng thời gian quá lâu. Ngoài Hoa Kỳ, nhiều nước khác cũng bắt đầu dòm ngó đến thị trường vũ khí Châu Âu như Hàn Quốc chẳng hạn.

Theo các số liệu mới nhất, trong quãng thời gian có ba năm 2020-2022, một mình Hàn Quốc chiếm đến hơn 10% sức mua vũ khí của Liên Hiệp Châu Âu, đạt doanh thu từ 3 tỷ lên thành 15 tỷ, trong khi trong khối Pháp cũng là một nhà xuất khẩu vũ khí lớn, đứng sau Mỹ và Nga.

Tương lai phòng thủ chung Châu Âu sẽ đi về đâu ? Trong khi chờ lời giải đáp, nhiều dự án mới đang hình thành như hợp tác Pháp – Đức cho thế hệ xe tăng đời mới MGCS, sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến, hay chương trình thiết kế chung chiến đấu cơ SCAF cho năm 2045, nhờ vào hỗ trợ từ quỹ 7,9 tỷ euro của Liên Âu.

Câu hỏi đặt ra : Cái giá có được của việc biến những dự án trên thành hiện thực là một sự độc lập cho phòng thủ. Liệu Châu Âu có can đảm đánh đổi ? Một điều chắc chắn : Phòng thủ Châu Âu là một trong bốn chủ đề tranh luận chính cho kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu 06-09/06/2024 !

Minh Anh

Nguồn : RFI, 30/05/2024

Published in Quốc tế

Macron bị chỉ trích gây mất "đoàn kết" phương Tây sau chuyến thăm Trung Quốc

Thu Hằng, RFI, 11/04/2023

Tổng thống Pháp tay trắng trở về từ Trung Quốc nhưng thành công trong việc chia rẽ phương Tây. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia. Ngày 11/04/2023, ông Emmanuel Macron đến Hà Lan để vận động cho "an ninh kinh tế", "tự chủ công nghiệp" của Liên Hiệp Châu Âu, trong lúc ông bị chỉ trích có những phát biểu có lợi cho Bắc Kinh. 

macron1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Quảng Châu, ngày 07/04/2023 via Reuters - Pool

Do muốn thể hiện một Châu Âu "đoàn kết", tổng thống Pháp đã mời chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cùng sang Trung Quốc. Nhưng những bất đồng đầu tiên đã sớm xuất hiện liên quan đến chiến tranh Ukraine. Trước khi đến Trung Quốc và trong suốt chuyến công du, bà Ursula von der Leyen luôn cứng rắn đề nghị Bắc Kinh không "trở thành một bên tham chiến qua việc cung cấp vũ khí cho Nga". 

Tổng thống Pháp thì ngược lại, sử dụng ngôn từ mềm mỏng hơn trong cuộc họp báo chung với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng ông "biết là có thể trông cậy vào" nguyên thủ Trung Quốc. "Không hẳn là lời xu nịnh", theo nhà báo Pierre-Antoine Donnet của báo mạng Asialyst khi trả lời RFI ngày 10/04, nhưng ông Macron có vẻ hoặc cố tình không hiểu những tính toán riêng của ông Tập và lặp lại "sai lầm" khi đến tận Moskva thuyết phục tổng thống Putin không tấn công Ukraine. Tổng thống Pháp kêu gọi Bắc Kinh làm trung gian cho cuộc xung đột ở Ukraine, hoan nghênh kế hoạch hòa bình 12 điểm của Trung Quốc trong khi Kiev và đa số các nước phương Tây lại bác bỏ. 

Bất đồng tiếp theo liên quan đến quan hệ kinh tế. Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh đến việc "giảm thiểu nguy cơ" phụ thuộc vào Trung Quốc. Thế nhưng, phái đoàn tháp tùng nguyên thủ Pháp có đến 50 lãnh đạo doanh nghiệp không có cùng ý tưởng này. 

Trên trang L’Express, nhà nghiên cứu Cyrille Pluyette nhấn mạnh đến chiến thuật "chia để trị" của Trung Quốc. Ông Tập tỏ ra "rất vui vì chia sẻ nhiều điểm chung về nhiều vấn đề" với nguyên thủ Pháp. Hiếm khi báo chí Nhà nước Trung Quốc ca ngợi một nguyên thủ phương Tây đến như vậy. Tại tỉnh Quảng Đông, ông Macron được chào đón như ngôi sao ở Đại học Trung Sơn, chia sẻ giây phút riêng tư trà đàm với ông Tập. Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen, không phải là người đứng đầu một nước nên được tiếp đón gọn nhẹ hơn và không được mời tham gia nhiều chương trình cụ thể. Liệu nguyên thủ Pháp bị siêu lòng ? 

Vấn đề Đài Loan đã không được ông Macron đề cập trong chuyến công du, mặc dù giới chuyên gia Pháp, khi được mời đến điện Elysée tham vấn, đã lưu ý khả năng Trung Quốc tập trận răn đe Đài Loan sau cuộc gặp giữa tổng thống Thái Anh Văn và chủ tịch Hạ Viện Mỹ. Rạn vỡ thực sự bắt đầu khi nguyên thủ Pháp ẩn ý rằng chính Mỹ phải chịu trách nhiệm về những căng thẳng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Trả lời nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, ông so sánh "sự thống nhất" của Trung Quốc mà Đài Loan là một thành phần với "sự thống nhất" của Liên Hiệp Châu Âu. Ông tỏ ra thông cảm, "điều quan trọng là phải hiểu họ (Trung Quốc) lập luận như thế nào". 

Theo ông, "Châu Âu còn chưa giải quyết được khủng hoảng ở Ukraine, thì làm sao có thể nói một cách đáng tin cậy về Đài Loan", đồng thời cho rằng Châu Âu không nên đi theo nhịp độ của Mỹ hay Trung Quốc. Cho dù ông Macron chỉ nêu lên thực tế vì Liên Hiệp Châu Âu chỉ duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh, nhưng lại phát biểu không đúng lúc, và bị nhật báo Mỹ Wall Street Journal đánh giá là "vô ích" "sẽ phá hoại năng lực răn đe của Mỹ và Nhật Bản đối với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương". Tuyên bố của ông Macron cũng đối lập với lời lẽ cứng rắn trước đó của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu rằng Liên Âu "biết là Trung Quốc muốn thay đổi trật tự thế giới, ở đó Trung Quốc trở thành tâm điểm". 

Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Paris, cũng như nhà nghiên cứu Cyrille Pluyette, đều thấy rằng "thay vì củng cố Liên Hiệp Châu Âu, phát biểu của tổng thống Pháp đang làm suy yếu khối". Mong muốn của ông Macron vận động cho một Châu Âu "tự chủ về công nghiệp, kinh tế", hình thành quân đội riêng để giảm phụ thuộc vào Mỹ lại trở thành "món quà" lớn cho Bắc Kinh, gây chia rẽ ít nhiều Mỹ với các đồng minh. 

"Một kiểu chết não ở đâu đó", giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Ba Lan Slawomir Debski, mỉa mai với ngôn từ của chính tổng thống Pháp khi nói về NATO. 

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 11/04/2023

****************************

Báo chí Đức chỉ trích tuyên bố của tổng thống Pháp về "tự chủ chiến lược" của Châu Âu

Thanh Phương, RFI, 11/04/2023

Trả lời các cuộc phỏng vấn trong chuyến viếng thăm Trung Quốc vừa qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi xây dựng một nền "tự chủ chiến lược" cho Châu Âu, một tuyên bố đã gây nhiều tranh cãi tại các nước đồng minh, nhất là tại Đức, nơi mà báo chí và chính giới đã chỉ trích nặng nề tổng thống Pháp. 

macron2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Đại Học Tôn Trung Sơn, Quảng Châu, Trung Quốc, ngày 07/04/2023. © Thibault Camus / AP

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut gởi về bài tường trình : 

"Sự quỳ gối nguy hiểm của Macron trước Trung Quốc". Giống như các tờ báo khác của Đức, nhật báo có nhiều độc giả Bild Zeitung chỉ trích nặng nề những tuyên bố của tổng thống Pháp. Đối với tờ báo xu hướng bảo thủ Die Welt, ông Macron làm lợi cho Trung Quốc khi nuôi thêm hy vọng của Bắc Kinh về việc chia rẽ phương Tây.

Nhật báo Tagesspiegel của Berlin thì lên án điều mà tờ báo này gọi là "thói cuồng vĩ" của tổng thống Pháp và tự hỏi : "Macron có thật sự tin rằng ông có thể nói chuyện ngang hàng với Tập Cận Bình ? Ông ấy đã đạt được gì cho nước Pháp và cho Châu Âu trong chuyến thăm Trung Quốc ? Và cho Ukraine ? Trung Quốc đã những nhân nhượng gì đổi lại thái độ thuần phục của Macron đối với Bắc Kinh ?"

Chính giới Đức cũng nghiêm khắc không kém. Chính khách Norbert Röttgen, thuộc đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, chuyên gia về các vấn đề quốc tế, nói thẳng : "Ông Macron dường như đã mất trí. Ông ấy chia rẽ và làm suy yếu Châu Âu với những tuyên bố ngây thơ và nguy hiểm. Phải chăng là trong chính sách ngoại giao, ông ấy cũng không còn khái niệm gì về thực tế giống như trong chính sách đối nội ?"

Một lãnh đạo của đảng Dân chủ Xã hội thì nói đến một "sai lầm nghiêm trọng" : "Nếu Macron muốn giữ khoảng cách với Mỹ bằng cách ve vãn Trung Quốc thì ông sẽ thất bại. Chúng ta cần một mối quan hệ mang tính phê phán với các quốc gia độc đoán như Trung Quốc, chứ không phải một sự ve vãn ngây thơ"

Nhà Trắng : Quan hệ với Pháp vẫn "tốt đẹp"

Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Pháp Les Echos, được đăng tải hôm Chủ nhật vừa qua, ông Macron cũng đã kêu gọi Châu Âu không nên theo đuôi Mỹ hay Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan.

Tuy nhiên, hôm qua, khi được hỏi về phát biểu nói trên của tổng thống Pháp, hiện đang được bàn tán nhiều ở Hoa Kỳ, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby tuyên bố Nhà Trắng vẫn hoàn toàn tin tưởng vào mối quan hệ "rất tốt đẹp" với nước Pháp.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 11/04/2023

Published in Diễn đàn

Liên Hiệp Châu Âu lập chiến lược mới để gia tăng hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

Thu Hằng, RFI, 08/10/2021

Chiến lược về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương được Ủy Ban Châu Âu giới thiệu ngày 16/09/2021 đã bị "chìm" trong dòng thời sự vì cùng ngày ba nước Úc, Anh, Mỹ thông báo liên minh quân sự AUKUS, kéo theo cuộc khủng hoảng tầu ngầm trầm trọng giữa Paris và Canberra.

eu1

Hiện diện quân sự của Pháp tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ảnh chụp từ tài liệu "Pháp và an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương" 2019, Bộ Quốc phòng Pháp.  RFI / Tiếng Việt

RFI tiếng Việt tóm lược "Chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu về hợp tác trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương".

Tại sao Liên Hiệp Châu Âu gia tăng cam kết chiến lược đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ?

Phát biểu trong buổi giới thiệu, ông Josep Borrell, người đứng ngành ngoại giao Châu Âu nhấn mạnh : "Trọng tâm của thế giới dịch chuyển sang khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương về mặt địa-kinh tế cũng như địa-chính trị. Tương lai của Liên Hiệp Châu Âu và của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương liên quan chặt chẽ với nhau".

Thực vậy, theo bản chiến lược mới, khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương chiếm đến 60% GDP của thế giới, 3/5 dân số toàn cầu và đóng góp 2/3 cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Bẩy thành viên của nhóm G20 tập trung ở khu vực này (Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Nam Phi), ngoài ra phải kể đến ASEAN, một đối tác ngày càng quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu. Pháp, một nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, có nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại trong khu vực.

Liên Hiệp Châu Âu là nhà đầu tư lớn nhất, là đối tác hợp tác phát triển chính trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời là một trong những đối tác thương mại lớn của khu vực này. Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và Châu Âu chiếm hơn 70% thương mại hàng hóa và dịch vụ thế giới, cũng như hơn 60% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã trở thành địa hạt cho cạnh tranh địa-chính trị gay gắt, làm gia tăng căng thẳng trong thương mại và chuỗi cung ứng cũng như trong các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh. Vì vậy, Liên Hiệp Châu Âu quyết định tăng cường cam kết chiến lược với các đối tác trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, dựa trên nguyên tắc và về lâu dài.

Đối với bất kỳ mối quan hệ đối tác nào, Liên Hiệp Châu Âu khẳng định tiếp tục bảo vệ nhân quyền và dân chủ với mọi phương tiện trong tay (đối thoại và tham vấn chính trị, trừng phạt), đồng thời lồng ghép các cân nhắc về nhân quyền vào tất cả các các chính sách và chương trình của khối đối với các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Đâu là những yếu tố chính trong Chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ?

Điểm thứ 4 trong bản Chiến lược dài 20 trang dành đề cập đến việc thực hiện tầm nhìn của Liên Hiệp Châu Âu đối với khu vực, trong 7 lĩnh vực ưu tiên : thịnh vượng bền vững và toàn vẹn, chuyển đổi sinh thái, quản trị đại dương, quản trị và quan hệ đối tác kỹ thuật số, sự kết nối, quốc phòng an ninh, an toàn cho con người.

Theo thông cáo ngày 16/09 về bản Báo cáo Tình hình Liên Hiệp Châu Âu 2021 (State of The Union 2021), khối 27 nước muốn thông qua chiến lược này "đóng góp cho ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững trong khu vực, phù hợp với những quyền tắc về dân chủ, nhà nước pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế".

Để thực hiện mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Liên Hiệp Châu Âu muốn đúc kết các cuộc đàm phán thương mại (với Úc, New Zealand, Indonesia) hoặc nối lại các cuộc đàm phán thương mại, quan hệ đối tác và hợp tác với nhiều nước trong vùng, qua đó có thể xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu bền vững hơn và linh hoạt hơn.

Mục tiêu phát triển bền vững được thể hiện qua kế hoạch ký kết các liên minh và đối tác xanh với những đối tác mong muốn chống biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu cũng muốn tăng cường hỗ trợ quản trị đại dương trong khu vực, đặc biệt trong hệ thống quản lý và kiểm soát nghề cá của các nước, chống đánh bắt bất hợp pháp, thực hiện các thỏa thuận đối tác trong lĩnh vực đánh bắt bền vững.

Vấn đề đóng góp cho sự ổn định trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương được thể hiện qua việc nghiên cứu các phương tiện cho phép tăng cường triển khai hải quân của các nước thành viên nhằm bảo vệ các tuyến giao thông hàng hải và tự do hàng hải ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường năng lực của các đối tác trong khu vực để đảm bảo an toàn hàng hải, chống hải tặc…

Liên Hiệp Châu Âu cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế và chuẩn bị đối phó với đại dịch của các nước chậm phát triển hơn ở trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương thông qua chương trình nghiên cứu Horizon Europe (Chân trời Châu Âu). Đây là chương trình hợp tác về nghiên cứu và sáng tạo, được dự trù phối hợp với một số đối tác có chung giá trị với Liên Âu như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Singapore.

Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có vị trí như nào trong Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu ?

Trong mục 3 về Quan hệ đối tác và Hợp tác của bản chiến lược, Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh rằng ASEAN có vị trí trung tâm. Từ hơn 40 năm qua, hai khối đã thiết lập mối quan hệ đối tác năng động và đa dạng, trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, môi trường, khí hậu, văn hóa xã hội, an ninh và kết nối.

Trong lĩnh vực quản trị và quan hệ đối tác kỹ thuật số, Liên Hiệp Châu Âu sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN trong những năm tới bằng cách hỗ trợ kế hoạch chỉ đạo kỹ thuật số 2025 của khu vực này. Bruxelles cũng dự định đề xuất một cách tiếp cận EU-ASEAN về kết nối công nghệ số và khoa học, nghiên cứu, công nghệ và đầu tư trong lĩnh vực đổi mới.

Bruxelles khẳng định "ủng hộ ASEAN thiết lập một bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có hiệu quả, cụ thể và mang tính ràng buộc pháp lý và không ảnh hưởng đến lợi ích của các bên thứ ba". Hợp tác giữa hai khối còn tập trung vào hàng loạt vấn đề về an ninh, kể cả trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum, ARF).

Trên quy mô Ấn Độ-Thái Bình Dương, Liên Hiệp Châu Âu sẽ thúc đẩy một "cấu trúc an ninh khu vực mở và dựa trên luật pháp", bao gồm các tuyến giao thông hàng hải an toàn. Hải quân của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ tăng cường hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, gia tăng các cuộc tập trận song phương, đa phương và ghé thăm cảng các đối tác trong vùng để bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực và chống cướp biển.

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của của Liên Hiệp Châu Âu có nhắm đến việc chống Trung Quốc ?

Liên Hiệp Châu Âu khẳng định cách tiếp cận của khối đối với khu vực này là dựa trên hợp tác chứ không phải đối đầu. Cam kết mới của Bruxelles đối với khu vực liên quan đến tất cả các đối tác muốn hợp tác với khối. Liên Hiệp Châu Âu sẽ điều chỉnh sự hợp tác này theo các lĩnh vực cụ thể với các đối tác của khối.

Bên cạnh đó, Bruxelles sẽ tiếp tục quan hệ đa chiều với Trung Quốc, qua đối thoại song phương, để thúc đẩy giải pháp cho các thách thức chung, hợp tác trong các vấn đề cùng có lợi và khuyến khích Trung Quốc phát huy vai trò trong một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 08/10/2021

********************

Lãnh đạo các nước EU họp trù bị, tìm kiếm một vị thế trước Mỹ và Trung Quốc

Minh Anh, RFI, 05/10/2021

Thứ Ba, ngày 05/10/2021, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp làm việc-ăn tối không chính thức tại thủ đô Slovenia, nước chủ tịch luân phiên, nhằm chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh bàn về việc tiếp nhận thêm các nước vùng Balkan.

eu2

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tham dự, qua vidéo-hội nghị, cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 01/10/2021 Reuters - Pool

Theo AFP, thượng đỉnh lần này còn bị phủ bóng một câu hỏi khác : Đâu là vị trí của Liên Hiệp Châu Âu trước hai siêu cường đối thủ Mỹ và Trung Quốc ? Trong thư mời họp tại Slovenia, chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel kêu gọi "một cuộc thảo luận chiến lược về vai trò của Liên Âu trên trường quốc tế". Theo ông, "Liên Hiệp Châu Âu phải trở nên năng động hơn và hiệu quả hơn" khi nhắc lại những diễn biến tại Afghanistan, thông báo thành lập liên minh AUKUS giữa ba nước Anh – Mỹ – Úc gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao với Pháp, cũng như là "mối quan hệ với Trung Quốc".

Về phần mình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cuộc khủng hoảng tầu ngầm vừa qua còn là một "cơ hội" mà Liên Âu cần nắm bắt. Theo nguyên thủ Pháp, Liên Hiệp Châu Âu có thể giữ một vai trò chiến lược cùng với Mỹ tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực : Thương mại, An ninh, Quốc phòng và Bảo vệ tự do lưu thông hàng hải.

Chủ nhân điện Elysée cam kết cung cấp thông tin với các nước thành viên về cuộc thảo luận giữa ông với tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22/09/2021 vừa qua. Tuy nhiên, theo quan điểm của Reuters, chiến lược "tự chủ quốc phòng" mà Pháp đề xướng từ nhiều năm qua, vẫn khó thuyết phục nhiều nước Trung – Bắc Âu, vẫn muốn duy trì quan hệ đối tác quốc phòng với Washington.

Ngoài vấn đề này, AFP cho biết thêm là một số chủ đề có thể sẽ được đưa ra tranh luận như việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh huy động khoảng 5.000 binh sĩ của Liên Hiệp Châu Âu ; hồ sơ di dân ; mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương một khi Angela Merkel rời khỏi chính trường và nhất là "tình trạng tăng giá nhiên liệu" đang gây quan ngại cho nhiều nước Châu Âu như Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Ba Lan. 

Minh Anh

Nguồn : RFI, 08/10/2021

Published in Diễn đàn

"Sợ" Trung Quốc, Châu Âu giữ khoảng cách với Mỹ

Với báo chí Pháp, nhân vật trong ngày đương nhiên là tổng thống Mỹ, ngôi sao sáng ở thượng đỉnh G7 tại Anh Quốc. Xã luận của ba tờ báo lớn Paris đều dành cho Joe Biden và sự trở lại của Hoa Kỳ. "Biden chinh phục lại mặt trận miền Tây" là tựa của Libération. Tờ Le Figaro chạy tựa "Joe Biden muốn Châu Âu nhập ngũ chống Trung Quốc". Báo chí Pháp dường như quên mất Canada và Nhật trong thượng đỉnh G7 lần này.

eu1

Từ trái qua phải : Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tich Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ý Mario Draghi, bên trước thượng đỉnh G7 ở Cornwall, Anh Quốc, ngày 11/06/2021.  Reuters – Phil Noble

Vào lúc tổng thống Mỹ muốn Châu Âu "có một cách tiếp cận cứng rắn hơn đôi với Trung Quốc" như Libération ghi nhận, thì Le Monde lưu ý độc giả, Châu Âu tránh một cuộc đối đầu quá lộ liễu.

Đối thoại chưa bao giờ bị cắt đứt

Thông tín viên của tờ báo từ Bắc Kinh, khẳng định : tương tự như Châu Á, nhiều nước trong Liên Hiệp Châu Âu cũng đang bị giằng co giữa một bên là nỗi lo sợ Trung Quốc "bành trướng" nhưng lại không dám mạnh mẽ chỉ trích Bắc Kinh vì sợ đánh mất những cơ hội với thị trường tiềm năng này. Do vậy, Liên Hiệp Châu Âu không muốn để Washington "lôi kéo vào một cuộc đối đầu trực diện với Bắc Kinh".

Bất chấp những nỗ lực của Hoa Kỳ, cả dưới thời chính quyền Trump lẫn Biden, "đối thoại chưa bao giờ gián đoạn"giữa các thành viên Liên Âu với Trung Quốc. Ngoại trưởng Hungary, Ba Lan và Ireland vừa sang Trung Quốc. Tây Ban Nha và Ý chuẩn bị theo chân. Không loại trừ khả năng thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ sang Bắc Kinh từ biệt ông Tập Cận Bình trước khi từ giã chính trường. Vẫn theo thông tín viên Le Monde, ý tưởng tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháp tùng thủ tướng Merkel trong chuyến công du Trung Quốc vẫn còn tính thời sự. Một nhà ngoại giao Châu Âu được tác giả bài báo trích dẫn tỏ ra thực tế : "Đừng xem thường sức quyến rũ của Trung Quốc" khi mà trên toàn nước Đức một năm người dân mua vào 3 triệu xe hơi, nhưng chỉ riêng Volkswagen, mỗi năm bán ra đến 3 triệu rưỡi xe trên thị trường Trung Quốc. Người ta có thể không yêu quý gì Trung Quốc nhưng đây vẫn là một thị trường không thể bỏ qua.

Với Trung Quốc, Pháp ngậm bồ hòn làm ngọt ?

Nhưng Trung Quốc là một thị trường "xương xẩu", "khó nhằn" : "Paris hết kiên nhẫn với Bắc Kinh". Báo kinh tế Les Echos nhắc lại, trong chuyến công du Trung Quốc lần thứ nhì vào tháng 11/2019 tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi Bắc Kinh "đẩy mạnh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp Pháp". 18 tháng sau, không một tiến triển nào được ghi nhận, những cam kết hợp tác của Bắc Kinh chỉ là những "lời hứa suông".

Pháp-Trung từng tuyên bố "cân bằng hóa trao đổi mậu dịch hai chiều", nhưng trong năm 2020 thâm hụt mậu dịch của Pháp với ông khổng lồ Châu Á "tăng kỷ lục" - đụng ngưỡng 39 tỷ euro. Trao đổi giữa bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire với phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) hôm 27/05/2021 đã "rất căng thẳng", theo một nguồn tin thân cận được Les Echos trích dẫn.

Thỏa thuận Trung Quốc mua thịt heo của Pháp nhẽ ra được thông qua nhân cuộc họp này cuối cùng đã bị hủy vào giờ chót, do Bắc Kinh chưa "sẵn sàng" vì vẫn sợ "dịch tả heo" lây sang Trung Quốc. Đàm phán về các hợp đồng trong lĩnh vực hàng không liên tục kéo dài. Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đôi bên vẫn chưa ngã ngũ về giá cả hợp đồng liên quan đến một nhà máy xử lý rác nguyên tử cho Trung Quốc. Riêng trên hồ sơ cuối cùng, Les Echos lưu ý độc giả : đành rằng Paris chỉ trích Bắc Kinh muốn "làm mưa làm gió" nhưng đổi lại thì Trung Quốc cũng bực mình trước những đòi hỏi của Pháp về các chuẩn mực an toàn trong dự án xây dựng nhà máy xử lý rác nguyên tử cho Trung Quốc. Paris không muốn "lịch sử lặp lại" sau bài học "phòng thí nghiệm P4 Vũ Hán", khi đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát những gì diễn ra đằng sau những bức tường của phòng thí nghiệm do chính Pháp tài trợ, giúp Viện vi trùng học Trung Quốc tại Vũ Hán trở thành "mũi nhọn" trong ngành.

Ấn Độ - Thái Bình Dương : Trung Quốc sách nhiễu Hải quân Pháp

Ấn Độ - Thái Bình Dương là một cái gai khác trong quan hệ Paris - Bắc Kinh. Trong bài phỏng vấn dành cho báo Le Monde hôm 08/06/2021, tư lệnh Hải quân Pháp đô đốc Pierre Vandier cho biết : mỗi lần công tác tại khu vực này, tàu của Pháp đều bị theo dõi, đôi khi phải tránh để "xảy ra đụng độ với tàu Trung Quốc".

Tệ hơn nữa, "một số nơi mà Hải quân Pháp thường ghé lại trong khu vực này đã hủy chương trình hợp tác vào giờ chót" và phía Pháp không nhận được bất kỳ một giải thích rõ ràng nào. Đó là dấu hiệu cụ thể cho thấy áp lực của Trung Quốc ngày càng gia tăng và Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược "bóp ngẹt vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương"trên nhiều mặt trận cùng lúc, từ "kinh tế, đến ngoại giao, quân sự… hay kể cả dưới hình thức tấn công tin học hoặc bằng những phương tiện khác".

Khi được hỏi "Đâu là những thách thức mà sức mạnh của Trung Quốc sẽ đặt ra trong tương lai ?", tư lệnh Hải quân Pháp trả lời : cộng đồng quốc tế cần có một tiếng nói "tập thể" vì nếu không "trong một vài năm nữa, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi tàu khu trục Trung Quốc khi đi qua khu vực này, thậm chí có thể bị cấm qua lại (…) Áp lực từ phía Trung Quốc hiện rất lớn (…) khiến chúng ta phải đặt nhiều câu hỏi về những ý đồ" của Bắc Kinh.

Vladimir Putin viết lại lịch sử Nga

Vài ngày trước thượng đỉnh Nga - Mỹ tổ chức tại Genève, Thụy Sĩ, tổng thống Vladimir Putin bị tố cáo phạm "tội ác chống lại lịch sử" : Le Monde chú ý đến báo cáo của Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền - FIDH, trụ sở tại Paris, hôm 10/06/2021 cho công bố một bản báo cáo tập hợp những vi phạm của chính quyền Nga nhắm vào giới nghiên cứu lịch sử nước này.

Mục tiêu của Moskva là nhằm áp đặt một dòng lịch sử "chính thức để biện minh cho tính chính đáng của chế độ".Văn bản gồm 80 trang và một trong những tác giả chính của bản báo cáo này là một luật sư trẻ, Grigori Vaïpan, tốt nghiệp trường Harvard Hoa Kỳ. Từ khi lên cầm quyền năm 2000, Vladimir Putin đã ban hành 7 đạo luật về "ký ức lịch sử".

Không biết bao nhiêu sử gia của nước Nga đã phải "trả giá" vì sự nghiêm túc trong công tác của một nhà nghiên cứu và can đảm đưa ra một tiếng nói "độc lập" với những tiêu chuẩn của Kremlin. Người thì mất chức, người thì bị cầm tù… Chỉ riêng trong năm 2018 đã có đến 17 nhà sử học Nga bị truy tố vì đã cả gan đưa ra những kết luận mà điện Kremlin không hài lòng khi nhìn lại vai trò của Moskva trong Thế Chiến Thứ Hai. Một chuyên gia hàng đầu của Nga về lịch sử quân sự lãnh án chung thân trong một phiên tòa bị xếp vào diện "bí mật quốc phòng".

Lịch sử, con tin của những nhà chính trị ma giáo

Giáo sư Antoon de Baets, trường đại học Groningue - Hà Lan nhận định, tổng thống Nga đã "biến lịch sử thành một bãi chiến trường".Tuy nhiên, nước Nga ngày nay của ông Putin hay Liên Xô trước kia không là một trường hợp riêng lẻ : "Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Guatemala hay Brazil đều từng vi phạm tội ác chống lịch sử. Ngay cả Châu Âu cũng thế. Những trường hợp như của Ba Lan hay Hungary đã quá hiển nhiên".

Chuyên gia này khen ngợi tổng thống Emmanuel Macron đã "can đảm" nhìn nhận trách nhiệm của nước Pháp trong cuộc thảm sát tại Rwanda, Châu Phi.

G7 : Kỳ vọng quá đáng vào Biden ?

Xã luận của báo công giáo La Croix mang tựa đề "Hy vọng Biden". Tờ Libération thiên tả hồ hởi với việc Joe Biden không đến dự thượng đỉnh G7 với "tay không" : ông hứa hẹn cấp nửa tỷ liều vac-xin chống Covid-19 cho các nước nghèo. Tổng thống Mỹ đang khiến cảnh tả Châu Âu ganh tị do đã áp đặt được biện pháp đánh thuế 15% các đại tập đoàn đa quốc gia, trong lúc đây là một sáng kiến của Pháp nhưng Paris lại không đủ sức thuyết phục. Còn Châu Âu thì không đoàn kết để có một tiếng nói chung trên hồ sơ này. Để rồi khi nước Mỹ lên tiếng thì tất cả răm rắp nghe theo.

Châu Âu phải nghĩ gì về một Biden đang muốn áp đặt biện pháp nâng lương tối thiểu ở Hoa Kỳ đang từ 7 lên 15 đô la một giờ, về một Joe Biden tung kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng 2.200 tỷ đô la ? Tác giả bài xã luận trên Libération kết luận nguyên thủ Mỹ đã đem lại một làn gió mới cho nước Mỹ và đó cũng là một làn gió mát mà Lục Địa Già đang rất cần !

Cũng Libération phỏng vấn giáo sư Garret Martin, chuyên gia về quan hệ quốc tế giữa hai bờ Đại Tây Dương : điều thú vị ở đây là dù vắng mặt trong "cuộc chạy việt dã ngoại giao" của tổng thống Biden lần này, nhưng Trung Quốc "lại là trọng tâm của khá nhiều cuộc trao đổi" giữa nguyên thủ Mỹ với các đối tác Châu Âu. Le Figaro hoàn toàn đồng ý với quan điểm này trong suốt loạt bài dành để nói về chuyến công du đầu tiên của tổng thống Biden trên Lục Địa Già. Theo tờ báo, "khí hậu, Covid và Trung Quốc, ba ưu tiên" của Joe Biden và trên cả ba hồ sơ đó Nhà Trắng chủ trương nước Mỹ "chia sẻ những giá trị và tầm nhìn về tương lai với các nền dân chủ khác". Chuyên gia Judy Dempsey quỹ Carnegie Hòa Bình khẳng định tổng thống Mỹ đến Châu Âu "vì những lý do chiến lược rất quan trọng". Washington "cần Châu Âu, cần có những đồng minh phương Tây, cần những nền dân chủ và cần hàn gắn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương".

Vẫn theo chuyên gia này, trong logic của chủ nhân Nhà Trắng, ưu tiên số 1 của Joe Biden là Trung Quốc bởi về chiến lược, Hoa Kỳ trong thế "mặt đối mặt với Bắc Kinh" và ông Biden không muốn ra trận một mình.

Trong khi đó, "Châu Âu tuy ý thức được rằng Trung Quốc là một mối đe dọa có hệ thống, nhưng lại không có chung một quan điểm, và cũng không muốn bị kẹt giữa hai siêu cường" là Mỹ và Trung Quốc.

Dù vậy báo Le Figaro không quên nhắc nhở Châu Âu là nên thận trọng, chớ phấn khởi quá đáng về hình thức bề ngoài mà quên mất rằng, tổng thống Biden trong chưa đầy nửa năm ở Nhà Trắng đã theo chân những người tiền nhiệm ít nhất trên ba hồ sơ. Đó là "chính sách thoái lui của Mỹ khỏi Trung Đông và Trung Á ; tập trung trở lại vào những vấn để cốt lõi của nước Mỹ từ kinh tế, đến chính trị và hồ sơ thứ ba là một sự đối đầu về mặt chiến lược giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc".

Thanh Hà

Published in Quốc tế