Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/10/2021

Ấn Độ-Thái Bình Dương : Liên Âu có chiến lược khác với Mỹ

Thu Hằng - Minh Anh

Liên Hiệp Châu Âu lập chiến lược mới để gia tăng hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

Thu Hằng, RFI, 08/10/2021

Chiến lược về khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương được Ủy Ban Châu Âu giới thiệu ngày 16/09/2021 đã bị "chìm" trong dòng thời sự vì cùng ngày ba nước Úc, Anh, Mỹ thông báo liên minh quân sự AUKUS, kéo theo cuộc khủng hoảng tầu ngầm trầm trọng giữa Paris và Canberra.

eu1

Hiện diện quân sự của Pháp tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ảnh chụp từ tài liệu "Pháp và an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương" 2019, Bộ Quốc phòng Pháp.  RFI / Tiếng Việt

RFI tiếng Việt tóm lược "Chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu về hợp tác trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương".

Tại sao Liên Hiệp Châu Âu gia tăng cam kết chiến lược đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương ?

Phát biểu trong buổi giới thiệu, ông Josep Borrell, người đứng ngành ngoại giao Châu Âu nhấn mạnh : "Trọng tâm của thế giới dịch chuyển sang khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương về mặt địa-kinh tế cũng như địa-chính trị. Tương lai của Liên Hiệp Châu Âu và của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương liên quan chặt chẽ với nhau".

Thực vậy, theo bản chiến lược mới, khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương chiếm đến 60% GDP của thế giới, 3/5 dân số toàn cầu và đóng góp 2/3 cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Bẩy thành viên của nhóm G20 tập trung ở khu vực này (Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Nam Phi), ngoài ra phải kể đến ASEAN, một đối tác ngày càng quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu. Pháp, một nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, có nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại trong khu vực.

Liên Hiệp Châu Âu là nhà đầu tư lớn nhất, là đối tác hợp tác phát triển chính trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời là một trong những đối tác thương mại lớn của khu vực này. Khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và Châu Âu chiếm hơn 70% thương mại hàng hóa và dịch vụ thế giới, cũng như hơn 60% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã trở thành địa hạt cho cạnh tranh địa-chính trị gay gắt, làm gia tăng căng thẳng trong thương mại và chuỗi cung ứng cũng như trong các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh. Vì vậy, Liên Hiệp Châu Âu quyết định tăng cường cam kết chiến lược với các đối tác trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, dựa trên nguyên tắc và về lâu dài.

Đối với bất kỳ mối quan hệ đối tác nào, Liên Hiệp Châu Âu khẳng định tiếp tục bảo vệ nhân quyền và dân chủ với mọi phương tiện trong tay (đối thoại và tham vấn chính trị, trừng phạt), đồng thời lồng ghép các cân nhắc về nhân quyền vào tất cả các các chính sách và chương trình của khối đối với các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Đâu là những yếu tố chính trong Chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ?

Điểm thứ 4 trong bản Chiến lược dài 20 trang dành đề cập đến việc thực hiện tầm nhìn của Liên Hiệp Châu Âu đối với khu vực, trong 7 lĩnh vực ưu tiên : thịnh vượng bền vững và toàn vẹn, chuyển đổi sinh thái, quản trị đại dương, quản trị và quan hệ đối tác kỹ thuật số, sự kết nối, quốc phòng an ninh, an toàn cho con người.

Theo thông cáo ngày 16/09 về bản Báo cáo Tình hình Liên Hiệp Châu Âu 2021 (State of The Union 2021), khối 27 nước muốn thông qua chiến lược này "đóng góp cho ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững trong khu vực, phù hợp với những quyền tắc về dân chủ, nhà nước pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế".

Để thực hiện mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Liên Hiệp Châu Âu muốn đúc kết các cuộc đàm phán thương mại (với Úc, New Zealand, Indonesia) hoặc nối lại các cuộc đàm phán thương mại, quan hệ đối tác và hợp tác với nhiều nước trong vùng, qua đó có thể xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu bền vững hơn và linh hoạt hơn.

Mục tiêu phát triển bền vững được thể hiện qua kế hoạch ký kết các liên minh và đối tác xanh với những đối tác mong muốn chống biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu cũng muốn tăng cường hỗ trợ quản trị đại dương trong khu vực, đặc biệt trong hệ thống quản lý và kiểm soát nghề cá của các nước, chống đánh bắt bất hợp pháp, thực hiện các thỏa thuận đối tác trong lĩnh vực đánh bắt bền vững.

Vấn đề đóng góp cho sự ổn định trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương được thể hiện qua việc nghiên cứu các phương tiện cho phép tăng cường triển khai hải quân của các nước thành viên nhằm bảo vệ các tuyến giao thông hàng hải và tự do hàng hải ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường năng lực của các đối tác trong khu vực để đảm bảo an toàn hàng hải, chống hải tặc…

Liên Hiệp Châu Âu cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ hệ thống chăm sóc y tế và chuẩn bị đối phó với đại dịch của các nước chậm phát triển hơn ở trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương thông qua chương trình nghiên cứu Horizon Europe (Chân trời Châu Âu). Đây là chương trình hợp tác về nghiên cứu và sáng tạo, được dự trù phối hợp với một số đối tác có chung giá trị với Liên Âu như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Singapore.

Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có vị trí như nào trong Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu ?

Trong mục 3 về Quan hệ đối tác và Hợp tác của bản chiến lược, Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh rằng ASEAN có vị trí trung tâm. Từ hơn 40 năm qua, hai khối đã thiết lập mối quan hệ đối tác năng động và đa dạng, trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, môi trường, khí hậu, văn hóa xã hội, an ninh và kết nối.

Trong lĩnh vực quản trị và quan hệ đối tác kỹ thuật số, Liên Hiệp Châu Âu sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN trong những năm tới bằng cách hỗ trợ kế hoạch chỉ đạo kỹ thuật số 2025 của khu vực này. Bruxelles cũng dự định đề xuất một cách tiếp cận EU-ASEAN về kết nối công nghệ số và khoa học, nghiên cứu, công nghệ và đầu tư trong lĩnh vực đổi mới.

Bruxelles khẳng định "ủng hộ ASEAN thiết lập một bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có hiệu quả, cụ thể và mang tính ràng buộc pháp lý và không ảnh hưởng đến lợi ích của các bên thứ ba". Hợp tác giữa hai khối còn tập trung vào hàng loạt vấn đề về an ninh, kể cả trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum, ARF).

Trên quy mô Ấn Độ-Thái Bình Dương, Liên Hiệp Châu Âu sẽ thúc đẩy một "cấu trúc an ninh khu vực mở và dựa trên luật pháp", bao gồm các tuyến giao thông hàng hải an toàn. Hải quân của các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ tăng cường hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, gia tăng các cuộc tập trận song phương, đa phương và ghé thăm cảng các đối tác trong vùng để bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực và chống cướp biển.

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của của Liên Hiệp Châu Âu có nhắm đến việc chống Trung Quốc ?

Liên Hiệp Châu Âu khẳng định cách tiếp cận của khối đối với khu vực này là dựa trên hợp tác chứ không phải đối đầu. Cam kết mới của Bruxelles đối với khu vực liên quan đến tất cả các đối tác muốn hợp tác với khối. Liên Hiệp Châu Âu sẽ điều chỉnh sự hợp tác này theo các lĩnh vực cụ thể với các đối tác của khối.

Bên cạnh đó, Bruxelles sẽ tiếp tục quan hệ đa chiều với Trung Quốc, qua đối thoại song phương, để thúc đẩy giải pháp cho các thách thức chung, hợp tác trong các vấn đề cùng có lợi và khuyến khích Trung Quốc phát huy vai trò trong một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 08/10/2021

********************

Lãnh đạo các nước EU họp trù bị, tìm kiếm một vị thế trước Mỹ và Trung Quốc

Minh Anh, RFI, 05/10/2021

Thứ Ba, ngày 05/10/2021, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp làm việc-ăn tối không chính thức tại thủ đô Slovenia, nước chủ tịch luân phiên, nhằm chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh bàn về việc tiếp nhận thêm các nước vùng Balkan.

eu2

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tham dự, qua vidéo-hội nghị, cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 01/10/2021 Reuters - Pool

Theo AFP, thượng đỉnh lần này còn bị phủ bóng một câu hỏi khác : Đâu là vị trí của Liên Hiệp Châu Âu trước hai siêu cường đối thủ Mỹ và Trung Quốc ? Trong thư mời họp tại Slovenia, chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel kêu gọi "một cuộc thảo luận chiến lược về vai trò của Liên Âu trên trường quốc tế". Theo ông, "Liên Hiệp Châu Âu phải trở nên năng động hơn và hiệu quả hơn" khi nhắc lại những diễn biến tại Afghanistan, thông báo thành lập liên minh AUKUS giữa ba nước Anh – Mỹ – Úc gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao với Pháp, cũng như là "mối quan hệ với Trung Quốc".

Về phần mình, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cuộc khủng hoảng tầu ngầm vừa qua còn là một "cơ hội" mà Liên Âu cần nắm bắt. Theo nguyên thủ Pháp, Liên Hiệp Châu Âu có thể giữ một vai trò chiến lược cùng với Mỹ tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực : Thương mại, An ninh, Quốc phòng và Bảo vệ tự do lưu thông hàng hải.

Chủ nhân điện Elysée cam kết cung cấp thông tin với các nước thành viên về cuộc thảo luận giữa ông với tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22/09/2021 vừa qua. Tuy nhiên, theo quan điểm của Reuters, chiến lược "tự chủ quốc phòng" mà Pháp đề xướng từ nhiều năm qua, vẫn khó thuyết phục nhiều nước Trung – Bắc Âu, vẫn muốn duy trì quan hệ đối tác quốc phòng với Washington.

Ngoài vấn đề này, AFP cho biết thêm là một số chủ đề có thể sẽ được đưa ra tranh luận như việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh huy động khoảng 5.000 binh sĩ của Liên Hiệp Châu Âu ; hồ sơ di dân ; mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương một khi Angela Merkel rời khỏi chính trường và nhất là "tình trạng tăng giá nhiên liệu" đang gây quan ngại cho nhiều nước Châu Âu như Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Ba Lan. 

Minh Anh

Nguồn : RFI, 08/10/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Minh Anh
Read 533 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)