Một học giả tại Anh nói rằng các chính trị gia Việt Nam đang đứng trước lựa chọn khó khăn trong các quyết sách chống Covid, và khôi phục kinh tế là cơ hội để họ thể hiện hình ảnh của mình.
"Tứ trụ" tại phiên họp Quốc hội tháng 7/2021. Vương Đình Huệ, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính
Trả lời phỏng vấn với Nguyễn Hoàng của BBC tiếng Việt, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp khoa Tài chính – Kế toán Đại học Bristol, Anh Quốc nói về một số điểm chính trong nội dung cuộc tọa đàm mà ông mới tham gia.
Vào ngày 6/10, Viện nghiên cứu ISEAS tại Singapore tổ chức cuộc thảo luận trực tuyến đánh giá năng lực điều hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong sáu tháng qua, tập trung vào việc chính phủ của ông xử lý đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư ra sao.
BBC : Ông có thể chia sẻ một vài điểm mà ông thấy thú vị từ cuộc thảo luận này ?
Hồ Quốc Tuấn : Điều thú vị mà tôi học được ở đồng diễn giả là Giáo sư Kinh tế Chính trị Edmund Malesky từ Đại học Duke ở Hoa Kỳ là ông ấy nhận xét rằng hiện nay các lãnh đạo Việt Nam đang phải cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế và việc chống dịch, giữ cho tỷ lệ tử vong thấp. Và điều này là nó rất khó khăn và bản thân hàng ngũ lãnh đạo sẽ có nhiều quan điểm khác nhau cho nên đây là một sự cân bằng đang diễn ra và có sự khó khăn trong việc triển khai.
Tức là chúng ta thấy được là thực tế là các tỉnh có quan điểm chống dịch khác nhau, như một số tỉnh muốn mở ra và một số muốn đóng, và điều đó cũng phản ánh cái vấn đề chính trị Việt Nam là hiện nay đang có rất nhiều quan điểm khác nhau, bởi bài toán cân bằng giữa dịch bệnh và kinh tế rất là khó. Chẳng hạn như ở Anh thì có sự khác biệt về quan điểm rất rõ ràng giữa nội các và thành viên trong Quốc hội. Thì Việt Nam hiện nay cũng vậy, đang ở trong trạng thái là một số những người làm ăn họ nhìn thấy vấn đề rất rõ ràng là không mở ra thì mất càng nhiều đơn hàng hơn, càng gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế và thị trường. Rồi chúng ta cũng thấy rất rõ là nợ xấu càng ngày càng tăng. Đổi lại thì với nhiều người dân bình thường thì họ thấy quan trọng là họ phải sống được khỏe mạnh không muốn người thân họ mất vì dịch bệnh. Do đó bản thân các chính trị gia Việt Nam đang đứng trước lựa chọn khó khăn đó và nó dẫn đến là chính sách về kinh tế sẽ không dễ dàng.
Tức là có việc không được thực thi một cách quyết liệt tại vì có rất nhiều trở ngại. Có điểm nhấn là quan trọng hiện tại mà bây giờ ai cũng nhìn thấy được là phải chi ra một cái gói kích thích kinh tế rất lớn để có thể đẩy ra hỗ trợ cho nền kinh tế. Vì vậy vấn đề không phải là người ta không nhìn thấy, lãnh đạo không nhìn thấy những cái vấn đề đó nhưng bây giờ đang trong quá trình cân bằng giữa các yếu tố thì đưa ra một cái chi tiêu lớn như vậy thì sẽ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến nợ công, ảnh hưởng tới thâm hụt ngân sách. Và khi bắt buộc sẽ phải mở cửa một số lĩnh vực của nền kinh tế thì có vấn đề là nếu như mở cửa ra mà số ca bệnh tăng lên thì như thế nào. Ai sẽ chịu trách nhiệm. Những câu hỏi đó nó cản trở tiến trình ra quyết định chính sách mà Hội nghị Trung ương Đảng đang họp thì sẽ phải có những quyết sách và chỉ đạo rõ ràng thì hy vọng là mới có thể gỡ được những khó khăn này.
BBC : Ông vừa nói trong giới lãnh đạo còn có những quan điểm khác nhau. Tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tạm gọi là "tổng tư lệnh" trong việc chống dịch, bao gồm cả quyết sách liên quan đến vấn đề kinh tế nữa. Vậy trong cuộc thảo luận mà ông tham gia thì các học giả đánh giá thế nào về khả năng điều hành Chính phủ nói chung và chống dịch nói riêng của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong 6 tháng qua ?
Hồ Quốc Tuấn : Có nhận xét của Giáo sư Malesky mà tôi rất đồng tình là ở Việt Nam chúng ta khó quy biểu hiện của nền kinh tế hay biểu hiện của việc chống dịch cho một lãnh đạo nào duy nhất được tại vì các cơ chế của Việt Nam nó không phải là một cái cơ chế mà có thể quy trách nhiệm cá nhân được mà nó có rất nhiều thứ. Giáo sư Malesky nói rằng "Tứ trụ" đều có vai trò trong việc đưa ra những quyết sách quan trọng nhất mà trong đó có quyết sách chống dịch. Có thể nói là bề ngoài ông Phạm Minh Chính là người đứng đầu trong chiến dịch chống dịch nhưng mà ông ấy không thể quyết định mọi thứ được.
Chính phủ có ngân sách do quốc hội đã cho rồi thì bây giờ chẳng hạn như ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị là nay phải chi gói kích thích kinh tế 22 tỷ USD nhưng chắc chắn con số đó nằm ngoài ngân sách dự kiến từ năm ngoái đã cấp thì bây giờ ông Phạm Minh Chính cũng không có thể có cái quyền để phê duyệt và cấp được mà sẽ quay trở lại vấn đề là bây giờ Quốc hội phải họp mà như vậy thì nó sẽ có rất nhiều vấn đề có liên quan. Cho nên là rất khó mà có thể đánh giá được vì một lãnh đạo duy nhất nào đó mà thành quả chống dịch nó như thế nào hay thành quả kinh tế ra sao. Có thể nói là đó là một tập thể lãnh đạo của một số người trong Bộ chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam và rộng hơn là một số lớn thành viên của Trung ương Đảng quyết định hướng đi.
BBC : Người ta nói rằng cuộc khủng hoảng nào thì cũng tạo ra cơ hội thì phải chăng nếu như ông Phạm Minh Chính và những người nằm trong "Tứ trụ" mà làm được tốt việc chống dịch và phục hồi kinh tế thì đó cũng là cái điểm son mà họ có thể ghi được ?
Hồ Quốc Tuấn : Vâng. Đây rõ ràng là cuộc khủng hoảng mà chưa từng xảy ra và chúng ta cũng thấy mà không phải chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều chính phủ khác nó tạo ra cơ hội cho một số chính trị gia nổi bật lên. Nếu họ có thể thực hiện được cuộc thương lượng giữa các đảng phái với nhau để thực hiện được những khoản đầu tư rất là lớn, mang tính đột phá thì họ sẽ được đánh giá rất cao. Chẳng hạn ở Anh Thủ tướng Boris Johnson muốn tận dụng thời cơ để tái thiết nền kinh tế sau dịch này để đưa ra các gói chi tiêu hay các chính sách mới để thu hút và tạo khả năng có thể ngồi lại vị trí thủ tướng lâu hơn cho một cái xu thế là nhiều cử tri không còn tin tưởng đảng Bảo thủ của ông trong việc phòng chống dịch.
Do đó đây là cơ hội cho Việt Nam để các lãnh đạo có thể thể hiện hình ảnh của mình cũng như là thể hiện là mình là người có đóng góp quan trọng trong việc tái thiết lại nền kinh tế. Vấn đề nằm ở chỗ là quyết định hiện tại không khẳng định được là đúng hay sai một cách chắc chắn tại vì nếu mở cửa nền kinh tế mà quá nhanh và đẩy quá rộng mà dịch bệnh bùng trở lại thì họ có phải là người bị quy trách nhiệm là do chính cái chuyện là họ gấp rút mở lại nền kinh tế mà dẫn tới việc bùng dịch hay không. Chúng ta cũng thấy là mùa dịch sắp tới của Châu Âu xảy ra mà Việt Nam mở lại đường bay quốc tế mà dịch bùng lại ở Việt Nam thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm việc đó. Cho nên tôi nghĩ trong thời gian trước mắt thì đó là sự lựa chọn rất khó cho các lãnh đạo.
BBC : Nhưng một trong những tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo là khả năng ra được quyết định ?
Hồ Quốc Tuấn : Vâng. Trong thời điểm hiện tại thì mỗi cơ hội cũng là lúc để các lãnh đạo thể hiện sự quyết đoán của mình tại vì nếu chúng ta cứ không quyết đoán thì chúng ta sẽ không làm được gì.
Chính vì vậy Hội nghị Trung ương 4 là cơ hội để các lãnh đạo phải thể hiện rõ quan điểm để các địa phương ở thấy rõ là đó là định hướng chung của lãnh đạo cấp cao nhất là như vậy thì họ mới có thể mạnh tay họ làm được. Vấn đề là bây giờ ở Việt Nam xác định hướng sắp tới sẽ như thế nào.
BBC :Ông vừa nói tới con số 22 tỷ USD mà ông Nguyễn Thiện Nhân nói tới về nhu cầu kích thích nền kinh tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng mới đây nói qui mô các gói hỗ trợ năm 2021 như qua quỹ bảo hiểm thất nghiệp, giảm cước viễn thông, điện nước… lên tới hơn 10 tỷ USD ?
Hồ Quốc Tuấn : Số tiền hơn 10 tỉ USD này theo tôi biết là đã chi một phần không nhỏ rồi nhưng mà tính ra thì con số đó chỉ là một phần rất nhỏ so với nhu cầu chi. Gần đây ông Nguyễn Thiện Nhân có đề nghị chi ra một lượng tương đối lớn, qui ra con số tương ứng thì ít nhất phải gấp 2-3 lần con số 10 tỉ USD đó. Con số tăng nợ công lên 6,5% GDP (22 tỷ USD) mà ông Nguyễn Thiện Nhân đề ra đã gấp đôi con số 10 tỷ USD. Vì cho đến bây giờ đã chi ra một lượng lớn rồi cho nên ngân sách bị giới hạn. Cách duy nhất để chi ra số lớn hơn là Quốc hội phải họp lại phải chấp nhận số nợ công lớn hơn. Và vấn đề chính là các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam phải thể hiện quan điểm rõ ràng thì ở bên dưới họ mới làm được.
BBC : Vậy nếu phải cần tới gói kích thích kinh tế với số tiền lớn như vậy thì phải đi vay ở đâu, hay lấy từ nguồn nào ra ,
Hồ Quốc Tuấn : Tại khu vực Asean thì tính trung bình con số để cho gói hỗ trợ có thể Việt Nam hoàn toàn có thể bỏ ra 5-7% GDP và thậm chí có nước chi ra hơn 10%. Việt Nam hiện nay mới chi ra khoảng trên dưới 2% và chúng ta hoàn toàn có dư địa có thể chi ra được gấp đôi. Và đó là cơ sở để ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra con số gấp đôi số đã chi ra. Và con số đó là hoàn toàn có thể chấp nhận được tại vì chúng ta đang có nợ công tương đối thấp so với GDP. Tức là so với mặt bằng chung thì nợ công chúng ta khoảng 57- 58 % GDP và chúng ta vẫn có thể nâng lên 65% như một số nước.
Tức là dư địa của Việt Nam rất lớn và Việt Nam đang đi vay nợ giai đoạn mà lãi suất thấp nhất. Đó là chưa kể là con số đó Việt Nam không cần phải vay của nước ngoài, hiện nay lãi suất trái phiếu trong nước cực kỳ thấp. Tức là Việt Nam vay ngay trong nước thì rất nhiều tổ chức tài chính cũng không có chỗ nào để mà chạy tiền đi đâu hết cho nên sẵn sàng mua trái phiếu trong nước. Tức là chưa nói đến chuyện phải đi vay nước ngoài. Cho nên việc giải quyết nguồn vay cả ở trong và ngoài nước là không quá khó. Chưa kể là chúng ta thấy là đầu tư công giải ngân khó thì như vậy nếu Việt Nam xác định được cái này là một dạng đầu tư hỗ trợ thì phần đầu tư công chưa giải ngân được hoàn toàn có thể chuyển nguồn qua cho các khoản vay/hỗ trợ này cho nên Việt Nam có nhiều cách để làm. Vấn đề là không có một sự chỉ đạo cụ thể, cho nên là chưa ai dám làm.
Nguyễn Hoàng
Nguồn : BBC, 10/10/2021