Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mới đây báo chí Việt Nam dẫn lời Bộ Thông tin và truyền thông cho hay mạng xã hội Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn : Quản lý nội dung thông tin ; Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và Trách nhiệm thuế với Việt Nam.

anm1

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg trong một lần du lịch tới Việt Nam

Cáo buộc đưa ra trong bối cảnh Luật An ninh mạng Việt Nam có hiệu lực từ 1/1/2019.

Bộ phận BBC Monitoring của BBC điểm lại một số vấn đề chính liên quan tới chủ đề này.

Luật nhằm xây dựng một "môi trường mạng lành mạnh" tại Việt Nam bằng cách kiểm soát các nội dung đăng online, theo Bộ Thông tin và truyền thông.

Cho tới nay, Việt Nam chưa nêu cụ thể các hình phạt đối với bất kỳ vi phạm nào.

Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng luật trao cho Đảng Cộng sản quyền lực trấn áp những ý kiến bất đồng trên mạng.

Hôm 9/1, chính phủ cáo buộc Facebook là đã vi phạm "nghiêm trọng" luật mới, và nói rằng mạng xã hội này đã để cho người dùng đăng các nội dung bôi nhọ, chống chính phủ, đồng thời cáo buộc Facebook không chịu cung câp thông tin về những tài khoản mà giới chức gọi là "các tài khoản gian dối".

Facebook bác bỏ các cáo buộc, nhưng vụ việc làm dấy lên những quan ngại về tình trạng gia tăng trấn áp tự do ngôn luận trên truyền thông online của Việt Nam.

Điều gì đã xảy ra ?

Luật An ninh mạng được thông qua hồi tháng Sáu năm ngoái.

Luật có 43 điều, trong đó nêu ra các nội dung cụ thể vè cách thức ngăn ngừa hoặc chặn bất kỳ hành động nào bị nhà nước coi là bất hợp pháp, liên quan tới an ninh mạng.

anm2

Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng hôm 12/6.

Điều 16 của luật liệt kê năm loại hành động chính bị coi là bất hợp pháp, vi phạm an ninh mạng.

Trong số này có việc thông tin trên không gian mạng các thông tin phản đối chính phủ, xúi giục người khác gây rối trật tự công cộng, làm nhục hoặc vu khống, có hành vi gây thiệt hại kinh tế xã hội hoặc gây hoang mang trong nhân dân, hoặc gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Một điều khoản khác trong Điều 26 thì đòi các hãng cung cấp dịch vụ internet trong nước và nước ngoài phải có hành động trong vòng 24 giờ sau khi nhận được yêu cầu từ giới chức.

Tại một điều khoản khác, luật đòi các hãng nước ngoài như Google hay Facebook phải đặt văn phòng tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.

Tại sao có luật này ?

Việt Nam trong chừng mực nào đó đã từng có quy định kiểm soát internet bằng một văn bản pháp luật được thông qua hồi 2015, Luật An toàn thông tin mạng.

Nhưng đã có những lời kêu gọi trong chính phủ, theo đó muốn có luật mới, trực tiếp kiểm soát an ninh mạng, sau khi nước này bị xếp thứ 101 trên tổng số 195 quốc gia trong chỉ số an ninh mạng toàn cầu 2017 của Liên hiệp quốc công bố.

Để so sánh thì các nước khác trong khu vực như Singapore, Malaysia và Thái Land nằm trong nhóm 20 nước đứng đầu.

Chính phủ cũng đã nhấn mạnh tới nhu cầu cần phải tập hợp các quy phạm pháp luật nằm rải rác các nơi vào một chỗ, và cần thực thi việc kiểm soát internet chặt chẽ hơn nhằm ngăn ngừa các vụ tấn công mạng.

Hồi năm ngoái, Việt Nam đã có cuộc diễn tập chống tấn công mạng lớn nhất từ trước tới nay, trong đó Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam tiết lộ rằng họ đã ghi nhận được gần 400 triệu vụ việc có liên quan tới an ninh mạng trong năm 2018.

Tổng số có 9.344 vụ tấn công mạng, trong đó có 2.499 vụ phishing, 5.018 vụ tấn công giao diện trang web (defacing), và 1.764 vụ tấn công bằng phần mềm độc hại (malware).

Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thành Hưng, tội phạm mạng đang tăng mạnh tại Việt Nam do các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, các thiết bị di động và internet đang trở nên ngày càng phổ biến, Thông tấn xã Việt Nam tường thuật hôm 26/11.

Nhưng các nhóm hoạt động về nhân quyền thì cáo buộc rằng đây là các nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường kiểm soát internet sau các cuộc biểu tình rầm rộ hồi tháng Sáu năm ngoái, khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong làn sóng phản đối các kế hoạch mở đặc khu kinh tế.

anm3

Luật An ninh mạng quy định ngừng cấp dịch vụ cho người dùng nếu đăng tải "tuyên truyền chống nhà nước kích động gây bạo loạn…"

Chính phủ đề xuất ra luật mới, Luật Đặc khu, theo đó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất tại Việt Nam trong 99 năm.

Nhưng các cuộc biểu tình "cho thấy sự bất mãn âm ỉ trong dân chúng đối với chính phủ", giáo sư Carlyle A Thayer từ Úc nói trong ấn phẩm East Asia Forum hồi tháng 12.

Đã có những phản ứng thế nào ?

Một số blogger và các nhà hoạt động người Việt cảm thấy rằng luật an ninh mạng mới trao cho giới chức quá nhiều quyền.

Dân Luận, một blog đăng nhiều bài viết của các nhà hoạt động nhân quyền và blogger, cũng là một địa chỉ được nhiều người theo dõi, đã đăng một tin của ca sỹ Mai Khôi, một người cổ súy cho tự do ngôn luận.

Ca sỹ này viết : "Ngay cả khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, nếu như Facebook và Google không chịu tuân theo luật này thì chúng ta vẫn có tự do Internet... chúng ta vẫn có cơ hội…".

Một blogger khác, Hoàng Xuân Phú, viết trên Dân Quyền, một trang blog chuyên về các vấn đề nhân quyền, dân quyền, rằng luật an ninh mạng trao cho Bộ Công an "quyền tự ý kết tội", mà theo ông Phú là "vi phạm Điều 102 của Hiến pháp 2013".

Nhưng cũng có một số người ủng hộ luật này.

Tài khoản Facebook Nguyễn Hồng Lam, người nhận bản thân là một nhà báo, viết Luật An ninh mạng nhằm xử lý các vấn đề về an ninh quốc gia, "không rảnh và cũng chẳng buồn quan tâm đến việc 'khâu miệng' vài ba phát biểu lăng nhăng của dân chơi mạng xã hội".

Báo Công an Nhân dân hôm 17/12 có bài viết, trong đó nói "lướt Facebook và dùng Google là thói quen hàng ngày của hàng triệu người dân Việt Nam". Do đó, các đồn đoán rằng luật mới sẽ cấm Facebook, Google và 'khóa miệng' người dùng khiến nhiều người thấy khó hiểu.

Báo này viết rằng luật không kiểm soát thông tin của tất cả mọi người. Luật chỉ cần thông tin cá nhân của những người có hành vi vi phạm, bài báo viết, tuy không nêu rõ các hành vi vi phạm là gì.

Báo Quân đội Nhân dân cũng nói "các cáo buộc nói luật này khắc nghiệt thì đơn giản đó là lời vu khống".

Điều gì sẽ xảy ra ?

Bộ trưởng Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu các công ty nội địa phát triển "các mạng xã hội riêng" để cạnh tranh với nước ngoài như Facebook.

anm4

Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển người sử dụng mạng Internet và đi thoại di động vào loại nhanh nhất ở Đông Nam Á và khu vực

"Bộ đặt mục tiêu là tới năm 2020, số người đăng ký sử dụng các mạng xã hội của Viêt Nam sẽ chiếm 50% tổng số người đăng ký sử dụng các mạng xã hội", tuyên bố trên trang web của Bộ này nói cách đây vài tháng.

Bộ cũng nêu tên ba công ty trong nước lớn là Zalo, VCCorp và Mocha, đảm nhận nhiệm vụ này.

Zalo, hiện có trên 100 triệu người dùng, là dịch vụ nhắn tin hàng đầu ở Việt Nam.

Các mạng xã hội Mocha và VCCorp được cho là đang đối diện với sự cạnh tranh quyết liệt từ các hãng khổng lồ trên toàn cầu như YouTube, Facebook và Google.

Trong lúc đó, các tường thuật địa phương chỉ ra rằng Luật An ninh mạng là luật mới và do đó, các hậu quả xảy ra nếu có vi phạm hiện vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, nhìn vào vụ việc mới nhất xảy ra với Facebook thì chính phủ có thể sẽ sớm ra các hình phạt cụ thể đối với các trường hợp vi phạm, các tường thuật nói.

Bất kỳ bước đi nào cũng sẽ có ảnh hưởng to lớn tới các mạng xã hội và các hình thức hoạt động khác trên internet, gồm cả những dịch vụ thuộc sở hữu của Facebook và Google.

BBC Monitoring 

Nguồn : BBC, 15/01/2019

BBC Monitoring là cơ quan trực thuộc tập đoàn BBC ở Anh Quốc, có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá các hoạt động phát thanh, phát hình và truyền thông mạng toàn cầu.

Published in Diễn đàn

Các ý kiến nói với cuộc thảo luận của BBC hôm 12/06 về các lý do họ cho là đã gây phản ứng của dân trước Luật An ninh mạng và vấn đề tới đây sẽ ra sao.

anninh1

Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua sẽ gây ảnh hưởng tới nhiều mặt trong đời sống người dân và các quyền trong xã hội.

Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12/06/2018 với đa số phiếu bầu trên 86%.

Trả lời BBC News Tiếng Việt qua Facebook Live từ London, hai khách tại Hà Nội, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh và Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nêu quan điểm của họ về luật này.

Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh ngay sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, một nhóm có tên gọi là Hate Change đã đưa ra tuyên bố phản đối.

Họ cũng kêu gọi Chủ tịch nước Trần Đại Quang không ký lệnh công bố Luật An ninh mạng.

Nhóm vận động đại diện cho 56.000 công dân và 22 tổ chức xã hội này cho rằng Luật An ninh mạng của Việt Nam "có nhiều điều khoản xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân và tước đi tự do của người dân".

Nhu cầu giáo dục và xã hội

Tham gia ký tên vào bản kiến nghị này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cho biết :

"Thời gian vừa qua Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ vượt bậc về cả kinh tế, dân trí và xã hội. Có được sự thay đổi này là phần lớn nhờ vào mạng Internet. Là một người làm khoa học, chúng tôi thường xuyên sử dụng mạng Internet để truy cập những công trình nghiên cứu mới nhất.

Trong hoàn cảnh Việt Nam chưa thể nhập khẩu được hết tất cả các giáo trình ở nước ngoài, mạng Internet là công cụ giúp chúng tôi tiếp cận với các giáo trình này, nhằm giúp sinh viên cập nhật kiến thức để đi cùng với thế giới".

"Khi nghe nói có dự luật An ninh mạng, chúng tôi đã rất lo ngại liệu Việt Nam có rơi vào tình cảnh của Trung Quốc hay không ?

Ở Trung Quốc, tất cả các trang mạng phổ biến trên thế giới đều bị chặn và mọi hoạt động phải thông qua Baidu (dịch vụ tìm kiếm dữ liệu trên mạng lớn nhất nước)".

anninh2

Trung Quốc có mạng riêng và phát triển rất mạnh nhưng Việt Nam thì tiềm lực web yếu hơn nhiều

Bà Hoàng Ánh cũng so sánh Việt Nam với Trung Quốc :

"Trung Quốc là một nước có nguồn kinh tế dồi dào và dân số đông, do đó họ có thể phát triển theo cách của họ. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm lực nhỏ yếu hơn rất nhiều và nếu như không có mạng Internet thì đó sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho các ngành nghề nói riêng và xã hội nói chung",

Tác động ra sao ?

Để đánh giá sự tác động của Luật An ninh mạng đối với đời sống người dân, bà Hoàng Ánh giải thích :

"Hiện nay, mọi hoạt động của con người đều thông qua mạng xã hội từ nói chuyện, mua sắm cho đến trao đổi việc nhà. Do đó, người dân sẽ có cảm giác bất an nếu tất cả những câu chuyện riêng tư của họ bị giám sát bởi một bên thứ ba.

Xét về mặt nguyên tắc, Nhà nước có quyền quản lý những hành vi đe doạ an ninh xã hội như khủng bố.

Tuy nhiên, đối với những người dùng chỉ muốn phản biện một cách lành mạnh thì một số điều khoản trong Luật An ninh mạng là chưa phù hợp".

Bình luận về điều 16 Luật An ninh mạng vừa được thông qua, Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động tại Hà Nội nói :

"Trong điều 16 có quy định cấm "Kêu gọi, vận động, xúi giục, đe doạ, lôi kéo, tụ tập đông người gây rối". Tôi không đồng tình với nội dung này vì nó đi ngược lại với quyền biểu tình của công dân đã được quy định ở trong Hiến pháp.

"Là một thành viên tham gia các hoạt động đường phố chống chính sách "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc nhiều năm qua, tôi cũng phản đối Khoản b, Điều 16 với nội dung cấm "Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh, chia rẽ gây hận thù giữa các dân tộc" vì chúng tôi chỉ làm điều đó với mục đích bảo vệ lợi ích dân tộc".

Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng cũng không đồng tình với nội dung cấm "xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm cuả người khác".

Theo ông, người dân có quyền bày tỏ chính kiến của mình nếu các quan chức có "hành vi sai trái hoặc tài sản bất minh".

Đang rất cần luật này ?

Báo chí Việt Nam đang tải ý kiến của ông Lưu Bình Nhưỡng, một Đại biểu Quốc hội ủng hộ Luật An ninh mạng trong phiên bỏ phiếu hôm 12/06, cho rằng :

"Thông thường các đạo luật ra đời để phúc đáp các yêu cầu của xã hội, bây giờ xã hội đang rất cần nó thì dứt khoát phải bấm nút thông qua".

Bình luận ý kiến này, ông Nguyễn Lân Thắng cho biết :

"Mặc dù ông Lưu Bình Nhưỡng là một Đại biểu Quốc hội được chọn thông qua thủ tục bầu cử hợp pháp và hợp hiến, nhưng tôi không cho rằng tiếng nói của ông Nhưỡng là thực sự đại diện cho ý kiến của người dân.

"Tôi mong muốn, tất cả các dự luật cần phải được trưng cầu dân ý. Hơn nữa, Quốc hội còn nợ người dân Luật biểu tình".

Khi được hỏi người dân nên làm gì để phản đối Luật An ninh mạng hay nên chấp nhận luật này, ông Thắng nêu quan điểm :

"Chúng ta phải khẳng định quyền công dân bằng cách tiếp tục nói lên chính kiến của mình. Nếu hoạt động đơn lẻ và chỉ có vài trăm người xuống đường thì chính quyền có thể đàn áp được. Tuy nhiên, nếu tất cả người dân cùng lên tiếng phản đối và tiếp tục làm những điều như trước khi có Luật An ninh mạng thì đạo luật này sẽ bị vô hiệu hoá.

"Nếu chính quyền áp dụng Luật An ninh để đàn áp người dân thì cần có các bài viết, bài phỏng vấn và các hoạt động phản kháng đường phố nhằm buộc các quan chức phải hành xử đúng với trách nhiệm và chức năng của mình".

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh lại có cách nhìn khác :

"Mặc dù bản thân tôi cũng rất thất vọng với kết quả bỏ phiếu thông qua Luật An ninh mạng, nhưng tôi mong người dân không nên quá mất tinh thần. Chúng ta vẫn có thể tiếp tục ký thư gửi Chủ tịch nước hoặc kiến nghị có các sửa đổi sau này.

Người dân cũng nên chú ý hơn về cách hành xử của mình vì theo tôi, cuộc biểu tình quá khích ở Bình Thuận vừa rồi cũng là một trong những lý do khiến Quốc hội quyết tâm hơn trong việc bấm nút thông qua Luật An ninh mạng".

*********************

Bàn khả năng hoãn hoặc sửa Luật An ninh mạng (BBC, 13/06/2018)

Có ý kiến luật sư cho rằng việc hoãn thi hành hoặc sửa đổi một số điều không phù hợp của Luật An ninh mạng là điều khả thi.

anninh3

Bất ổn tại Việt Nam tuần qua liên quan đến việc dân phản đối Luật An ninh mạng và dự Luật đặc khu khiến Việt Nam Index lao dốc

Trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải cho hay việc hoãn thi hành hoặc sửa một bộ luật được thông qua đã có tiền lệ.

Gần đây nhất là Bộ Luật Hình sự 2015 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2015, nhưng đến 30/6/2016 Quốc hội ra nghị quyết hoãn thi hành, sau đó có sửa đổi. Đến 1/1/2018 thì luật chính thức có hiệu lực.

Trước đó có Luật Bảo hiểm Xã hội từng vấp phải phản đối của giới công nhân do có một điều khoản cho rằng họ không được phép nhận bảo hiểm xã hội một lần sau khi rời khỏi doanh nghiệp.

Sau đó Quốc hội đã ngưng việc thực thi luật này, đẩy việc thi hành luật Bảo hiểm Xã hội sau một vài năm.

Kiến nghị từ Việt Nam

Luật sư Trần Vũ Hải cho BBC hay có nhiều cách để người dân đề xuất việc hoãn hoặc sửa đổi một điều luật

"Thông thường những người bị ảnh hưởng nhất, hoặc các chuyên gia nhận thấy có nhiều sai sót sẽ đề xuất lên, và Ủy ban Pháp luật và các ủy ban chuyên ngành của Quốc hội sẽ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó có thể trình Quốc hội".

"Tất nhiên ở Việt Nam còn có Đảng lãnh đạo nên Đại biểu quốc hội còn phải xin ý kiến của Bộ chính trị. Tôi nghĩ rằng sẽ có những đề xuất gửi lên, từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó ban Thường vụ Quốc hội tham khảo hoặc theo chỉ thị của Bộ chính trị họ sẽ đề nghị Quốc hội ngừng việc thi hành", luật sư Hải nói.

Ông Hải nói đối tượng bị ảnh hưởng nhất bởi Luật An ninh mạng, như các doanh nghiệp, các chuyên gia về an ninh mạng, hội luật gia, liên đoàn luật sư, hội nhà báo, cần lên tiếng mạnh mẽ.

"Chuyên gia các cơ quan công nghệ thông tin nói với tôi rằng việc áp dụng luật này sẽ khiến đường truyền bị chậm đi hàng chục lần. Rõ ràng ảnh hưởng đến dịch vụ của họ. Do đó tôi nghĩ rằng Hiệp hội Công nghệ Thông tin nên là đầu mối để yêu cầu lùi thi hành luật này để sửa đổi bổ sung cho phù hợp".

"Nếu vậy tôi tin rằng cũng có thể Quốc hội sẽ xem xét để hoãn luật này, hoặc đề nghị cách sửa đổi cho thích hợp, hoặc chưa thi hành một số điều khoản", ông Hải cho hay.

Trước đó, trên Facebook cá nhân, ông Hải cho rằng hiện Việt Nam và EU vẫn chưa hoàn tất thủ tục ký Hiệp định thương mại tự do - EU EVFTA nên chắc chắn Luật An ninh mạng sẽ bị đối tác EU (và những đối tác quan trọng khác) soi kỹ.

"Nếu luật an ninh mạng phải sửa đổi do áp lực trong nước, sẽ chứng tỏ Việt nam độc lập, tự chủ hơn nhiều so với việc phải sửa do áp lực từ bên ngoài. Chắc các nhà lãnh đạo Việt nam cũng sẽ nhất trí quan điểm này", luật sư Hải viết.

anninh4

Biểu tình phản đối Luật đặc khu và Luật an ninh mạng ngày 10/06/2048 tại Sài Gòn - Ảnh minh họa

Tận dụng tiếng nói quốc tế

Trong khi đó, luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC rằng ông không tin vào tính khả thi của tiếng nói trong nước một khi Bộ chính trị đã quyết.

Theo ông Tuấn, liên quan đến việc phản đối Luật An ninh mạng, truyền thông trong nước hoàn toàn im lặng trong khi truyền thông lề trái có vẻ lép vế.

Ông Tuấn cũng cho rằng những tiếng nói phản kháng trên mạng xã hội chỉ là phần nổi nhìn thấy được, còn cả triệu người dân không lên tiếng.

"Có thể do liên quan đến an ninh quốc gia, chính trị, nên nhiều người sợ đụng chạm. Do đó trừ phi có một cuộc trưng cầu dân ý chúng ta mới có bức tranh toàn cảnh ai chống, ai ủng hộ một cách khách quan".

Ông Tuấn nói những kiến nghị phản đối nhỏ lẻ của một số ít luật sư và các hiệp hội trong nước đều rơi vào hư không.

anninh5

Thư ngỏ của Đảng Dân chủ Việt Nam tại Canada gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kêu gọi hủy bỏ hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng

"Khi Chủ tịch nước chưa ký thì luật còn chưa có hiệu lực. Căn cứ theo luật, Hiến pháp, nếu phát hiện ra sai sót, thiếu sót nào trong luật, người dân vẫn có quyền đề xuất sửa đổi. Nhưng có sửa đổi không không phụ thuộc vào ý chí của người dân", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nói việc cộng đồng ký các bản kiến nghị lên Chủ tịch nước có thể là không hiệu quả, và không đúng trình tự pháp luật. Bởi theo luật, Đại biểu quốc hội là đại diện cao nhất cho tiếng nói của người dân.

Trong bối cảnh đó, luật sư Tuấn cho rằng nên vận động tầm quốc tế thì giá trị hơn, ví dụ như tham gia vào các công ước quốc tế về nhân quyền, kinh tế, tự do thương mại.

"Các nhóm xã hội dân sự phát triển khá mạnh dù không được thừa nhận. Họ có thể tập hợp và góp tiếng nói, ký các bản kiến nghị chung để gửi các cơ sở ngoại giao và các tổ chức quốc tế khác. Hoặc phát biểu tại các hội nghị quan trọng với các tổ chức nước ngoài để họ góp ý tới chính phủ Việt Nam".

Cũng theo luật sư Tuấn, cho dù có hay không có Luật An ninh mạng thì quyền lợi của người dân trên thực tế vẫn đang bị xâm phạm. Nên có thêm một Luật An ninh mạng nữa thì người dân vẫn nên làm việc, hoạt động bình thường. Muốn tố cáo vẫn tố cáo như xưa. Bởi từ xưa cũng đã có các văn bản khác trói buộc họ rồi.

'Những tiếng nói thưa thớt'

Trong bản kiến nghị của một số luật sư gửi tới Đại biểu quốc hội đề nghị không biểu quyết thông qua dự luật An ninh mạng, mà luật sư Ngô An Tuấn gọi là 'những tiếng nói thưa thớt', có tên của 74 luật sư. Luật sư Trần Vũ Hải là người ký đại diện.

Luật sư Hải cho hay bản kiến nghị này 'chất lượng' nhưng đáng tiếc là gửi chậm.

"Cuối ngày 11/6 thì văn bản đó mới được gửi đi. Trong đó sáng 12/6 Quốc hội đã thông qua nên có lẽ rất nhiều đại biểu không kịp tiến cận với kiến nghị này".

Kiến nghị của một số hiệp hội khác, như Hiệp hội Công nghệ Thông tin truyền thông cũng được cho là gửi chậm.

Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cũng có thư ngỏ ký ngày 11/6 gửi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhân sự kiện ông Phúc tham gia thượng đỉnh G7 tại Quebec.

Trong thư ngỏ, luật sư Khanh đại diện Đảng Dân chủ Việt Nam tại Canada, bày tỏ "lo ngại quan ngại sâu sắc về hậu quả khôn lường mà hai dự luật [An ninh mạng và Đặc khu] mang đến cho đất nước, nếu Quốc hội ban hành qua áp đặt", và tin rằng Thủ tướng đã có quyết định kịp thời "ngăn chặn và loại bỏ hoàn toàn hai dự luật trên".

Còn cộng đồng mạng trước đó kêu gọi ký vào bản Kiến nghị phản đối dự thảo Luật An ninh mạng, và nay là Kiến nghị Chủ tịch nước không ký lệnh công bố Luật An ninh mạng, Change.org

Định nghĩa về an ninh mạng

Theo các báo Việt Nam đưa tin về phiên bỏ phiếu, an ninh mạng được định nghĩa là "sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

"Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm trong lĩnh vực này", theo VnExpress hôm 12/06.

Cũng các báo Việt Nam cho hay, Thường vụ Quốc hội nước này thông báo rằng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng đã được tổ chức, bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng,

Còn ở các bộ, ngành khác và địa phương chỉ quy định bố trí lực lượng bảo vệ an ninh mạng.

Hôm đầu tháng 6/2018, các ý kiến từ Việt Nam phản ánh ý kiến của nhiều Đại biểu quốc hội cho rằng quy định về an ninh mạng "cần phải tường minh để tránh nguy cơ áp dụng tuỳ tiện", và tránh "hạn chế quyền công dân".

Nguồn : BBC tiếng Việt, 13/06/2018

Published in Diễn đàn

Trả lời phỏng vấn của BBC, linh mục Phan Văn Lợi cho biết ông phản đối luật An ninh mạng vì luật này xâm phạm 3 quyền của người dân và gây 5 hậu quả tác hại cho đất nước.

an1

Biểu tình ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/6

Hôm 10/6, Linh mục Phan Văn Lợi phổ biến trên trang Facebook của ông một áp phích (poster), liệt kê 5 hậu quả của luật An ninh mạng, nếu được thông qua.

Cùng ngày, Linh mục Nguyễn Văn Lý gửi một email kêu gọi mọi người tiếp tục biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng.

BBC Tiếng Việt phỏng vấn Linh mục Phan Văn Lợi để tìm hiểu quan điểm của Giáo hội Công giáo Việt Nam về dự luật này.

BBC : Thưa linh mục,hôm 10/6, Linh mục Nguyễn Văn Lý gửi một email kêu gọi mọi người tiếp tục biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Riêng linh mục cũng phổ biến những poster tỏ ý phản đối dự luật An ninh mạng. Vậy đó có phải là quan điểm của Giáo hội Công giáo Việt Nam ?

Phan Văn Lợi : Theo như tôi biết thì email gửi đi chỉ là một hoạt động riêng của Linh mục Lý, vì ông không nằm trong cơ cấu điều hành của Giáo hội Công giáo.

Nằm trong ban điều hành của Giáo hội Công giáo thì phải là hàng Giám Mục của Hội Đồng Giám Mục hay nằm trong Ủy ban thí dụ như Ủy ban Công Lý Hoà Bình vừa mới ra một cái thư về Luật Đặc khu đấy.

Còn tôi thì có làm một cái poster trong đó nói lên 5 hậu qủa tác hại của luật An ninh mạng, nhưng đây là cái suy nghĩ của riêng tôi như là một linh mục, mà cũng là của một người tha thiết với những vấn đề của quê hương đất nước.

Tôi đã phổ biến poster này từ hôm qua lên Facebook, gửi qua email các nhà đấu tranh dân chủ trong nước cũng như những linh mục bạn của tôi, nói chung phổ biến khá nhiều rồi.

BBC : Theo linh mục thì người dân hay giáo dân có hiểu nhiều về Luật An ninh mạng và tầm ảnh hưởng của nó nếu dự luật này được thông qua không ?

Phan Văn Lợi : Nhiều giáo dân cũng chia sẻ với tôi băn khoăn của họ về Luật An ninh mạng. Thứ nhất họ băn khoăn là vì ở Việt Nam này tất cả những cái mạng điện thoại di động đều bắt người ta phải đăng ký, phải khai tên tuổi, phải có chứng minh nhân dân, phải chụp hình nữa.

Cái đó khiến họ thấy một sự theo dõi ngày càng chặt chẽ của chính quyền đối với tất cả mọi người. Còn đi sâu nữa vào Luật An ninh mạng thì có lẽ chỉ có những người lật những trang web đọc những bài viết về luật này thì họ mới thắc mắc.

BBC : Linh mục có cách nào để giải thích về luật này một cách rất bình dân để ai cũng có thể hiểu được không ? Hỏi cách khác, linh mục thường giải thích về luật này với giáo dân như thế nào ?

Phan Văn Lợi : Theo định nghĩa thông thường của các quốc gia thì luật An ninh mạng là luật làm ra để bảo vệ an ninh ở trên mạng cho người dân, chính quyền, hay cho những tổ chức. Tức là luật này chống sự xâm nhập của các hacker, của những kẻ lên mạng để tìm những cái mã số hay thông tin cá nhân của người khác để mà lợi dụng hay làm bậy. Nhưng Luật An ninh mạng ở Việt Nam này thì hoàn toàn ngược lại. Nó là luật của đảng cộng sản, của một chế độ độc tài đảng trị luôn luôn băn khoăn về cái chuyện phải kiểm soát người dân về mọi phương diện.

Thành ra với tôi Luật An ninh mạng của Việt Nam nó xâm phạm 3 quyền.

Thứ nhất là nó xâm phạm quyền riêng tư, do cái việc nhà cung cấp mạng phải xác thực thông tin người dùng, và cung cấp nó cho cơ quan chấp pháp khi có yêu cầu, mà không qua toà án. Như vậy thì cơ quan chấp pháp có quyền yêu cầu thông tin cá nhân bất cứ lúc nào, mà không cần phải chứng minh là người đó có vi phạm pháp luật hay là không. Đó là xâm xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân.

Thứ hai, luật An ninh mạng này xâm phạm quyền tự do ngôn luận, khi nó buộc nhà cung cấp dịch vụ mạng phải xoá thông tin đăng tải trên mạng, những thông tin mà cơ quan chấp xác định là xấu và phải xoá đi trên tài khoản người dùng, theo yêu cầu của họ, nhưng cùng một lúc lại phải đưa các thông tin đó cho công an. Trong khi đó thì các thông tin bị cho là xấu này được liệt kê rất mơ hồ. Ở tại Việt Nam này, những tội gọi là phản động, là chống lại chính quyền đều là rất mơ hồ, để nhà cầm quyền muốn diễn giải sao cũng được cả.

Thứ ba, Luật An ninh mạng này xâm phạm, hay nói đúng hơn cướp đi quyền sử dụng internet của người dân. Khi mà nhà cung cấp dịch vụ mạng phải không được cung cấp hay phải ngừng cung cấp dịch vụ internet cho những cá nhân đăng tải lên mạng những thông tin mà nhà chức trách cho là thông tin xấu theo luật. Như vậy thì sao ? Chỉ cần nhà chức trách cho là một cá nhân hay một tổ chức đăng những tin xấu tin độc thì họ sẽ bị mất quyền sử dụng internet.

BBC : Thế còn những hậu qủa tác hại của luật An ninh mạng theo linh mục là gì ?

Phan Văn Lợi : Luật An ninh mạng đưa đến 5 hậu quả rất nguy hiểm.

Thứ nhất, nhà nước sẵn sàng bịt miệng và bỏ tù tất cả những ai dám lên tiếng cho sự thật, đeo đuổi công lý.

Hậu quả thứ hai là Luật An ninh mạng này sẽ làm cho sự phát triển đất nước và an ninh quốc gia bị tác hại, bởi vì người ta sẽ không còn cái quyền nói sự thật, và khi nhà cầm quyền không nghe sự thật, thì sẽ không biết cách để mà quản lý đất nước và điều hành xã hội, và người dân không biết sự thật thì mọi sự sẽ đảo lộn vì sự dối trá.

Thứ ba là khi nhà cầm quyền gây khó khăn cho những trang mạng xã hội như Facebook, Google, làm cho họ phải bị giới hạn này nọ, thì những cái giá trị cao đẹp của nhân loại, của thế giới văn minh sẽ bị chặn đường đi vào Việt Nam.

Chúng ta ai cũng biết bây giờ internet là cái xa lộ thông tin, là cái kênh chuyển tải tất cả mọi điều xấu tốt của nhân loại, nhưng mà đó là một cái kênh cần thiết để mọi người có thể đón nhận những gía trị tốt đẹp từ mọi nơi hay biết về những cái xấu mà tránh.

Hậu quả thứ tư là khi mà các những trang mạng của thế giới văn minh bị gây khó khăn khiến họ phải quyết định rút lui, thì những trang mạng của Trung Quốc như Weibo chẳng hạn, sẽ có cơ hội vào Việt Nam. Nhưng đó không phải là trang mạng mà là những trang kiểm soát mạng. Không phải là trang mạng xã hội mà là trang kiểm soát người dân như hàng tỉ người Trung Quốc đang bị nhà cầm quyền Bắc Kinh kiểm soát.

Hậu quả thứ năm cũng là hậu quả ghê gớm nhất là nhà cầm quyền có thể ung dung gây ra tội bán nước, dâng đất, mà không hề bị ai chất vấn, bởi gì người ta không biết. Hay có biết thì cũng không có cách nào để bày tỏ sự phản đối, hay để thông báo cho nhau như người ta vẫn đang làm trên các trang mạng xã hội cho đến giờ.

BBC : Nói tóm lại theo linh mục thì đó là những lý do khiến ông phải lên tiếng yêu cầu quốc hội phủ quyết dự luật này ?

Phan Văn Lợi : Đúng như vậy. Luật này sẽ được bỏ phiếu ngày 12/6. Theo tôi ngày nào dự luật này được thông qua, ngày đó là ngày thảm hoạ của Việt Nam.

BBC : Ngày mai là ngày 12/6 rồi. Theo linh mục thì Quốc hội liệu sẽ có thông qua dự dự luật này không ?

Phan Văn Lợi : Cái đó thì phải chờ đợi thôi. Kể ra thì trong hai tuần nay đã có không biết bao nhiêu là bài viết phân tích ở trên mạng về những tai hại của Luật An ninh mạng.

Những người viết những bài viết đó ai cũng mong rằng các đại biểu có đủ sự sáng suốt và sự khôn ngoan để thấy được những tác hại bộ luật này sẽ gây ra, trước nhất là cho tổ quốc, cho người dân và cuối cùng là cho chính nhà cầm quyền.

Người ta đã làm những gì có thể làm và bây giờ chỉ còn cách là chờ thôi.

Tina Hà Giang thực hiện

Nguồn : BBC, 11/06/2018

Tiểu sử : Linh mục Phan Văn Lợi sinh năm 1951 tại Thừa Thiên Huế.

1981-1988 : Bị kết án tù

Đấu tranh vì tự do tôn giáo từ 2001

Hiện sống ở Huế, Việt Nam

Published in Diễn đàn