Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/01/2019

'Hỏi đáp' về Luật An ninh mạng có hiệu lực ở Việt Nam

BBC Monitoring

Mới đây báo chí Việt Nam dẫn lời Bộ Thông tin và truyền thông cho hay mạng xã hội Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn : Quản lý nội dung thông tin ; Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và Trách nhiệm thuế với Việt Nam.

anm1

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg trong một lần du lịch tới Việt Nam

Cáo buộc đưa ra trong bối cảnh Luật An ninh mạng Việt Nam có hiệu lực từ 1/1/2019.

Bộ phận BBC Monitoring của BBC điểm lại một số vấn đề chính liên quan tới chủ đề này.

Luật nhằm xây dựng một "môi trường mạng lành mạnh" tại Việt Nam bằng cách kiểm soát các nội dung đăng online, theo Bộ Thông tin và truyền thông.

Cho tới nay, Việt Nam chưa nêu cụ thể các hình phạt đối với bất kỳ vi phạm nào.

Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng luật trao cho Đảng Cộng sản quyền lực trấn áp những ý kiến bất đồng trên mạng.

Hôm 9/1, chính phủ cáo buộc Facebook là đã vi phạm "nghiêm trọng" luật mới, và nói rằng mạng xã hội này đã để cho người dùng đăng các nội dung bôi nhọ, chống chính phủ, đồng thời cáo buộc Facebook không chịu cung câp thông tin về những tài khoản mà giới chức gọi là "các tài khoản gian dối".

Facebook bác bỏ các cáo buộc, nhưng vụ việc làm dấy lên những quan ngại về tình trạng gia tăng trấn áp tự do ngôn luận trên truyền thông online của Việt Nam.

Điều gì đã xảy ra ?

Luật An ninh mạng được thông qua hồi tháng Sáu năm ngoái.

Luật có 43 điều, trong đó nêu ra các nội dung cụ thể vè cách thức ngăn ngừa hoặc chặn bất kỳ hành động nào bị nhà nước coi là bất hợp pháp, liên quan tới an ninh mạng.

anm2

Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng hôm 12/6.

Điều 16 của luật liệt kê năm loại hành động chính bị coi là bất hợp pháp, vi phạm an ninh mạng.

Trong số này có việc thông tin trên không gian mạng các thông tin phản đối chính phủ, xúi giục người khác gây rối trật tự công cộng, làm nhục hoặc vu khống, có hành vi gây thiệt hại kinh tế xã hội hoặc gây hoang mang trong nhân dân, hoặc gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Một điều khoản khác trong Điều 26 thì đòi các hãng cung cấp dịch vụ internet trong nước và nước ngoài phải có hành động trong vòng 24 giờ sau khi nhận được yêu cầu từ giới chức.

Tại một điều khoản khác, luật đòi các hãng nước ngoài như Google hay Facebook phải đặt văn phòng tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.

Tại sao có luật này ?

Việt Nam trong chừng mực nào đó đã từng có quy định kiểm soát internet bằng một văn bản pháp luật được thông qua hồi 2015, Luật An toàn thông tin mạng.

Nhưng đã có những lời kêu gọi trong chính phủ, theo đó muốn có luật mới, trực tiếp kiểm soát an ninh mạng, sau khi nước này bị xếp thứ 101 trên tổng số 195 quốc gia trong chỉ số an ninh mạng toàn cầu 2017 của Liên hiệp quốc công bố.

Để so sánh thì các nước khác trong khu vực như Singapore, Malaysia và Thái Land nằm trong nhóm 20 nước đứng đầu.

Chính phủ cũng đã nhấn mạnh tới nhu cầu cần phải tập hợp các quy phạm pháp luật nằm rải rác các nơi vào một chỗ, và cần thực thi việc kiểm soát internet chặt chẽ hơn nhằm ngăn ngừa các vụ tấn công mạng.

Hồi năm ngoái, Việt Nam đã có cuộc diễn tập chống tấn công mạng lớn nhất từ trước tới nay, trong đó Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam tiết lộ rằng họ đã ghi nhận được gần 400 triệu vụ việc có liên quan tới an ninh mạng trong năm 2018.

Tổng số có 9.344 vụ tấn công mạng, trong đó có 2.499 vụ phishing, 5.018 vụ tấn công giao diện trang web (defacing), và 1.764 vụ tấn công bằng phần mềm độc hại (malware).

Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thành Hưng, tội phạm mạng đang tăng mạnh tại Việt Nam do các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, các thiết bị di động và internet đang trở nên ngày càng phổ biến, Thông tấn xã Việt Nam tường thuật hôm 26/11.

Nhưng các nhóm hoạt động về nhân quyền thì cáo buộc rằng đây là các nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường kiểm soát internet sau các cuộc biểu tình rầm rộ hồi tháng Sáu năm ngoái, khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong làn sóng phản đối các kế hoạch mở đặc khu kinh tế.

anm3

Luật An ninh mạng quy định ngừng cấp dịch vụ cho người dùng nếu đăng tải "tuyên truyền chống nhà nước kích động gây bạo loạn…"

Chính phủ đề xuất ra luật mới, Luật Đặc khu, theo đó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất tại Việt Nam trong 99 năm.

Nhưng các cuộc biểu tình "cho thấy sự bất mãn âm ỉ trong dân chúng đối với chính phủ", giáo sư Carlyle A Thayer từ Úc nói trong ấn phẩm East Asia Forum hồi tháng 12.

Đã có những phản ứng thế nào ?

Một số blogger và các nhà hoạt động người Việt cảm thấy rằng luật an ninh mạng mới trao cho giới chức quá nhiều quyền.

Dân Luận, một blog đăng nhiều bài viết của các nhà hoạt động nhân quyền và blogger, cũng là một địa chỉ được nhiều người theo dõi, đã đăng một tin của ca sỹ Mai Khôi, một người cổ súy cho tự do ngôn luận.

Ca sỹ này viết : "Ngay cả khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, nếu như Facebook và Google không chịu tuân theo luật này thì chúng ta vẫn có tự do Internet... chúng ta vẫn có cơ hội…".

Một blogger khác, Hoàng Xuân Phú, viết trên Dân Quyền, một trang blog chuyên về các vấn đề nhân quyền, dân quyền, rằng luật an ninh mạng trao cho Bộ Công an "quyền tự ý kết tội", mà theo ông Phú là "vi phạm Điều 102 của Hiến pháp 2013".

Nhưng cũng có một số người ủng hộ luật này.

Tài khoản Facebook Nguyễn Hồng Lam, người nhận bản thân là một nhà báo, viết Luật An ninh mạng nhằm xử lý các vấn đề về an ninh quốc gia, "không rảnh và cũng chẳng buồn quan tâm đến việc 'khâu miệng' vài ba phát biểu lăng nhăng của dân chơi mạng xã hội".

Báo Công an Nhân dân hôm 17/12 có bài viết, trong đó nói "lướt Facebook và dùng Google là thói quen hàng ngày của hàng triệu người dân Việt Nam". Do đó, các đồn đoán rằng luật mới sẽ cấm Facebook, Google và 'khóa miệng' người dùng khiến nhiều người thấy khó hiểu.

Báo này viết rằng luật không kiểm soát thông tin của tất cả mọi người. Luật chỉ cần thông tin cá nhân của những người có hành vi vi phạm, bài báo viết, tuy không nêu rõ các hành vi vi phạm là gì.

Báo Quân đội Nhân dân cũng nói "các cáo buộc nói luật này khắc nghiệt thì đơn giản đó là lời vu khống".

Điều gì sẽ xảy ra ?

Bộ trưởng Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu các công ty nội địa phát triển "các mạng xã hội riêng" để cạnh tranh với nước ngoài như Facebook.

anm4

Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển người sử dụng mạng Internet và đi thoại di động vào loại nhanh nhất ở Đông Nam Á và khu vực

"Bộ đặt mục tiêu là tới năm 2020, số người đăng ký sử dụng các mạng xã hội của Viêt Nam sẽ chiếm 50% tổng số người đăng ký sử dụng các mạng xã hội", tuyên bố trên trang web của Bộ này nói cách đây vài tháng.

Bộ cũng nêu tên ba công ty trong nước lớn là Zalo, VCCorp và Mocha, đảm nhận nhiệm vụ này.

Zalo, hiện có trên 100 triệu người dùng, là dịch vụ nhắn tin hàng đầu ở Việt Nam.

Các mạng xã hội Mocha và VCCorp được cho là đang đối diện với sự cạnh tranh quyết liệt từ các hãng khổng lồ trên toàn cầu như YouTube, Facebook và Google.

Trong lúc đó, các tường thuật địa phương chỉ ra rằng Luật An ninh mạng là luật mới và do đó, các hậu quả xảy ra nếu có vi phạm hiện vẫn chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, nhìn vào vụ việc mới nhất xảy ra với Facebook thì chính phủ có thể sẽ sớm ra các hình phạt cụ thể đối với các trường hợp vi phạm, các tường thuật nói.

Bất kỳ bước đi nào cũng sẽ có ảnh hưởng to lớn tới các mạng xã hội và các hình thức hoạt động khác trên internet, gồm cả những dịch vụ thuộc sở hữu của Facebook và Google.

BBC Monitoring 

Nguồn : BBC, 15/01/2019

BBC Monitoring là cơ quan trực thuộc tập đoàn BBC ở Anh Quốc, có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá các hoạt động phát thanh, phát hình và truyền thông mạng toàn cầu.

Quay lại trang chủ
Read 534 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)