Đúng như dự đoán của nhiều người, Quốc hội Việt Nam hôm 12/6 đã thông qua Luật An ninh mạng, bất chấp rất nhiều kiến nghị và phản đối.
Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến cho rằng sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, Luật Đặc khu cũng sẽ dễ dàng được thông qua sau đó.
Trong khi các nhà chuyên môn và giới trí thức lo ngại đạo luật sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế và hạn chế quyền tự do ngôn luận, một nhà báo tự do tại Việt Nam nói với VOA rằng phiên họp biểu quyết của Quốc hội hôm 12/6 khiến ông liên tưởng tới Quốc hội của nước Đức dưới thời kỳ Đức Quốc xã ở thập niên 1930.
Truyền thông trong nước đưa tin, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật, các Đại biểu quốc hội đã biểu quyết riêng 2 điều 10 và 26 của Luật An ninh mạng.
Điều 26 yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet "phải xác thực thông tin người dùng và cung cấp cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an" khi có yêu cầu, đồng thời phải ngăn chặn, xóa các thông tin, thậm chí ngừng cung cấp dịch vụ cho những tài khoản có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kích động, vu khống…
Điều 10 quy định về các thông tin được liệt vào "hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia" như thông tin quân sự, an ninh, thuộc "bí mật nhà nước", thông tin về bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng…
Bước thụt lùi ?
Các kiến nghị, phản đối gần đây cho thấy một trong những mối lo lớn nhất của người dân là các nền tảng Internet, mạng xã hội khổng lồ như Google, Facebook sẽ thà hy sinh mối lợi từ người sử dụng tại Việt Nam chứ không chấp nhận tuân thủ Luật An ninh mạng, trong đó có yêu cầu phải đặt máy chủ tại Việt Nam.
Một số nhà chuyên môn và Đại biểu quốc hội còn cho rằng Luật An ninh mạng có thể "trái với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam", như lời đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ra trong phiên họp 1 ngày trước đó.
Tuy nhiên, theo khẳng định của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ông Võ Trọng Việt, trước khi các đại biểu "bấm nút" thông qua toàn bộ dự luật, thì việc Việt Nam áp dụng các điều khoản "ngoại lệ" về an ninh trong Luật An ninh mạng là "hết sức cần thiết" để "bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia", theo Zing.
Nhận định với VOA về tác động của Luật An ninh mạng, nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang nói :
"Nó sẽ tác động lên nhiều cái. Thứ nhất, mất các hợp đồng kinh doanh. Các hãng nước ngoài đầu tư vào đây sẽ bị ảnh hưởng. Thứ hai, tất cả những ý kiến đóng góp phản biện để xã hội tốt lên đều sẽ bị dập tắt hết vì không còn phương tiện để cho trí thức viết".
Theo Hiệp hội truyền thông kỹ thuật số Việt Nam, Luật An ninh mạng có thể làm giảm 1,7% tăng trưởng GDP và giảm 3,1% đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ước tính hiện có khoảng 70% trong số 93 triệu người Việt Nam có Internet và khoảng 53 triệu người có tài khoản Facebook.
Ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành của Liên minh Internet châu Á, một hiệp hội công nghiệp bao gồm Google và Facebook, nói với hãng thông tấn AP rằng họ "thất vọng" với việc thông qua luật mà trong đó đòi hỏi phải nội địa hóa dữ liệu, kiểm soát nội dung và phải đặt văn phòng ở địa phương.
"Thật đáng tiếc, những quy định này sẽ dẫn đến hạn chế nghiêm trọng nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, làm giảm khí thế đầu tư nước ngoài và gây tổn thất cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương và các doanh nghiệp nhà nước đang phát triển mạnh trong và ngoài Việt Nam", ông Paine nói với AP.
Dự luật An ninh mạng và dư Luật Đặc khu là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ trên cả nước vào ngày 10/6/2016 (Hình : FB Kim Bảo Thư)
Đồng ý với các nhận định cho rằng Luật An ninh mạng là một "bước thụt lùi" của Việt Nam, nhà báo Võ Văn Tạo nói : "Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng làm cho người ta liên tưởng đến tình hình Quốc hội nước Đức thời kỳ Đức Quốc Xã lên ngôi vào thập niên 1930. Nó y như thế, với xu hướng phát xít hóa. Điều đó rất tệ hại cho đất nước".
15 đại biểu bỏ phiếu chống được tôn vinh
Kết quả biểu quyết được công bố công khai cho thấy có 423/466 Đại biểu quốc hội đã bỏ phiếu thông qua, trong khi 15 đại biểu không tán thành và 28 đại biểu không biểu quyết.
Hiện cư dân đang ra sức mạng "truy lùng" danh sách của các đại biểu đã không "bấm nút" thông qua Luật An ninh mạng vì cho rằng họ là những người "tử tế" hiếm hoi trong Quốc hội dám "đứng về phía nhân dân", nên cần phải loại họ ra khỏi danh sách những người được cho là "tuân theo ý Đảng".
Kết quả kiểm phiếu tại Quốc hội ngày 12/6/2018.
Luật sư Trần Vũ Hải, người khởi xướng lập bản kiến nghị của giới luật sư yêu cầu các đồng nghiệp là Đại biểu quốc hội không "bấm nút" thông qua Luật An ninh mạng hôm 11/6, viết trên trang Facebook cá nhân rằng ông muốn "xin Facebook của 15 vị Đại biểu quốc hội không tán thành thông qua luật này để kết bạn".
Facebooker Huỳnh Bá Lộc gọi 15 đại biểu này là những người "tử tế", trong khi một nhà nghiên cứu giáo dục Vũ Thị Phương Anh bày tỏ bà "quan tâm đến thiểu số có ý kiến khác" và con số ít ỏi này "đối với Việt Nam vẫn rất đáng quý".
Phát biểu với VOA từ Hà Nội, nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến, cho rằng việc người dân muốn tìm ra danh tính của những đại biểu "dũng cảm" là chính đáng, vì đây là một đòi hỏi "sòng phẳng" và "minh bạch".
Ông giải thích thêm : "Người dân muốn biết danh tính của họ để chúng tôi xác định được là những vị nào đã làm việc đó [tán thành thông qua luật]. Vì chúng tôi xác định Luật An ninh mạng với những điều khoản mơ hồ nhằm ngăn cản quyền tự do cơ bản của con người, của công dân, thì những người đã bấm nút thông qua đó đã phạm tôi với dân. Có thể lúc này họ không phải trả giá về chuyện đó, nhưng nó phải được ghi vào lịch sử".
Vài ngày trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng, Hoa Kỳ, Canada và các tổ chức quốc tế kêu gọi Việt Nam hoãn bỏ phiếu và nên xem xét lại dự luật mạng để đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế.
Sau khi được cơ quan lập pháp của Việt Nam thông qua, Luật An ninh mạng sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2019.
Khánh An
Nguồn : VOA, 12/06/2018
Luật an ninh mạng mới của Việt Nam ít nói về an ninh mà nói nhiều về kiểm soát. Bộ luật mới là cuộc tấn công trực diện vào quyền tự do thể hiện.
Luật an ninh mạng mới đầy nguy hiểm của Việt Nam - Ảnh minh họa
Trong khóa họp mùa hè này, các nhà lập pháp Việt Nam sẽ bỏ phiếu thông qua luật an ninh mạng mới. Dự luật đòi các công ty phải lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên các thiết bị đặt tại Việt Nam. Các công ty như Facebook và Google hiện không lưu trữ dữ liệu này ở nước sở tại. Cách làm này được gọi là "bản địa hóa dữ liệu". Bản địa hóa dữ liệu đã được thực hiện ở các nước, ví dụ như Trung Quốc. Luật pháp cũng sẽ yêu cầu các công ty internet hoạt động tại Việt Nam mở văn phòng tại chỗ.
Bộ Công an Việt Nam (MoPS) nhấn mạnh rằng bộ luật này là nhằm bảo vệ các quyền lợi kinh tế của Việt Nam. Họ khẳng định rằng các trung tâm dữ liệu khu vực sẽ tạo thêm nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin cho người lao động Việt Nam.
Những người ủng hộ bộ luật này cũng nhấn mạnh rằng nó sẽ ngăn chặn, không cho các công ty Internet trốn thuế. Các công ty công nghệ có thể trốn thuế bằng cách lưu trữ dữ liệu người sử dụng ở nước ngoài. Luật mới sẽ chấm dứt việc chuyển dữ liệu miễn phí ra khỏi Việt Nam. Luật mới sẽ đòi hỏi rằng sau khi chính phủ chấp thuận thì các công ty mới có thể chuyển dữ liệu ra nước ngoài. Ngoài ra, luật mới còn buộc các công ty internet mở văn phòng ở trong nước.
Kiểm duyệt và kiểm soát là trọng tâm của dự luật
Mặc cho những lời tuyên bố của chính phủ, kiểm soát là trung tâm của bộ luật mới. Với dữ liệu được bản địa hóa, chính phủ sẽ có quyền truy cập vào dữ liệu của người dùng Việt Nam. Các bộ luật hiện hành cho phép chính phủ buộc các công ty công nghệ chuyển dữ liệu của người sử dụng cho họ.
Sự hiện diện của các văn phòng ở trong nước cũng sẽ tạo cơ hội cho chính phủ đe dọa người sử dụng Internet. Facebook và Google hiện đang có văn phòng ở Singapore. Khi các văn phòng này chuyển về Việt Nam, chính phủ có thể gây áp lực, buộc các công ty phải kiểm duyệt chặt chẽ hơn. Họ cũng có thể áp lực, buộc các văn phòng này tiết lộ danh tính những người bất đồng chính kiến.
Lời tuyên bố nói rằng bản địa hóa dữ liệu sẽ mang lại việc làm cũng là phóng đại. Cơ sở lưu trữ dữ liệu và các hoạt động đi kèm gần như hoàn toàn tự động. Số lượng công việc mới sẽ chẳng đáng là bao. Ví dụ, cơ sở của công ty Apple ở Bắc Carolina chỉ tạo ra 50 chỗ làm việc mà thôi.
Chẳng những không thể tăng cường mà bộ luật mới có thể làm suy yếu an ninh mạng của Việt Nam. Dữ liệu của người dùng chỉ an toàn khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của đất nước an toàn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam không phát triển như các nước châu Âu và Singapore. Bản địa hóa dữ liệu sẽ giúp tin tặc dễ dàng đánh cắp dữ liệu của người sử dụng.
Facebook và Google phản đối dự luật nhưng chỉ để bảo vệ quyền lợi của mình mà thôi
Facebook, Google và các công ty internet khác phản đối dự luật này. Tuy nhiên, còn quá sớm để gọi những công ty này là những người bảo vệ tự do ngôn luận.
Từ giữa năm 2017 đến nay, Facebook đã báo cáo 22 trường hợp bị ngăn chặn nội dung ở Việt Nam. Người khổng lồ công nghệ này cho rằng nội dung bị ngăn chặn vì vi phạm luật pháp nước sở tại. Facebook cũng đã cung cấp cho chính phủ Việt Nam dữ liệu người sử dụng bốn lần rồi.
Google cũng đã ngăn chặn những bài viết bài bác chính phủ. Năm 2017, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu YouTube xóa 6.500 video.
Tin xấu cho những người hoạt động nhân quyền
Các nhà hoạt động chẳng có mấy người ủng hộ trong cuộc chiến đấu vì tự do ngôn luận trên không gian mạng. Một nhóm có tên là Liên minh Internet Châu Á (AIC) đã tìm cách đưa những lo lắng của mình tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tuy nhiên, những hạn chế về nội dung không được đưa ra thảo luận.
Tháng 4 năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự luật. Dự luật được đưa ra cho Quốc hội biểu quyết trong khóa họp mùa hè này. Người ta cho rằng nó sẽ được thông qua.
Chính phủ đang tìm cách khuếch trương những bộ luật mang tính đàn áp về không gian mạng được cải trang thành chính sách kinh tế. Ngược đời là, an ninh mạng của Việt Nam sẽ không chắc chắn như trước. Việc bản địa hoá dữ liệu sẽ làm mất đi tình trạng nặc danh của người sử dụng và đe dọa những người phê phán chính phủ. Không gia cho những lời phê phán trên mạng ở Việt Nam đang bị đe dọa. Những ngày đen tối đang đến gần.
Phạm Nguyên Trường dịch
Nguồn : VNTB, 03/06/2018