Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hồng Kông đã trở thành điểm nóng quan trọng trong một cuộc chiến tranh lạnh đang nổi lên giữa Mỹ và Trung Quốc. Bằng chứng là quyết định của Bắc Kinh về việc áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông mà không thông qua cơ quan lập pháp của thành phố này nhằm dập tắt phong trào biểu tình phản đối kéo dài một năm nay. Chính quyền Trump đã đe dọa trả đũa, cảnh báo rằng động thái này có nghĩa là Hồng Kông không còn đủ tự chủ trước Bắc Kinh để được hưởng quy chế đặc biệt về thương mại và các biện pháp hợp tác khác. Dưới đây là lời giải đáp cho câu hỏi : Tại sao mọi chuyện lại trở nên như vậy ?

hongkong1

Hồng Kông không còn đủ tự chủ trước Bắc Kinh để được hưởng quy chế đặc biệt về thương mại và các biện pháp hợp tác khác.

Câu hỏi : Tại sao Trung Quốc lên kế hoạch thiết lập luật an ninh cho Hồng Kông ?

Trả lời : Khi Luật Cơ Bản, thứ được xem như Hiến pháp thu nhỏ của Hồng Kông có hiệu lực vào năm 1997, một số vấn đề quan trọng vẫn còn tồn đọng chưa được giải quyết. Điều khoản về quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu vẫn chưa được thực hiện. Một điểm khác là sự cam kết chống lại các tội phạm đe dọa an ninh quốc gia như tội phản quốc, ly khai và gián điệp. Đó là những gì Bắc Kinh đang đẩy mạnh thực hiện thời gian qua.

Điều 23 của Luật Cơ Bản quy định Hồng Kông phải thông qua luật về an ninh quốc gia. Nhưng sự phản đối mạnh mẽ của công chúng đã làm thất bại những nỗ lực trước đó, bao gồm một lần vào năm 2003 khi nửa triệu người xuống đường biểu tình khiến việc thảo luận dự luật an ninh bị hủy bỏ. Hành động lần này của Bắc Kinh được xem là cách để giải quyết tình trạng này ; hình sự hóa các hoạt động ly khai, lật đổ và khủng bố cũng như sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của Hồng Kông.

Câu hỏi : Chính quyền Trung Quốc có thể áp đặt luật lệ lên Hồng Kông không ?

Trả lời : Bắc Kinh khẳng định rằng họ có quyền làm như vậy nhưng vấn đề pháp lý phức tạp hơn nhiều.

Hồng Kông được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 và được hưởng một quyền tự trị rộng lớn trong việc ban hành và xét xử theo luật riêng dưới một mô hình gọi là Một quốc gia, hai chế độ. Điều 23 quy định cụ thể rằng chính quyền Hồng Kông sẽ là cơ quan ban hành luật để giải quyết vấn đề về an ninh quốc gia.

Nhưng Luật Cơ Bản cũng cho phép chính quyền Đại lục bổ sung những luật để quản lý thành phố trong những điều kiện nhất định. Những quyền này được trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, một cơ quan lập pháp đã họp gần đây tại Bắc Kinh.

Câu hỏi : Tại sao Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia vào thời điểm này ?

Trả lời : Trung Quốc đã lập ra một nhóm quan chức mới chịu trách nhiệm về vấn đề Hồng Kông, những người quyết tâm ngăn chặn một làn sóng biểu tình ủng hộ dân chủ khác giống như những gì đã xảy ra vào năm ngoái, gây chấn động thành phố và khiến Bắc Kinh bối rối.

Các cuộc tuần hành đã tạm ngưng khi thành phố phải đối mặt với đại dịch Covid-19, nhưng sự phẫn nộ của người dân đối với chính quyền vẫn tăng cao. Các cuộc biểu tình được dự kiến sẽ nối lại vào mùa hè này trong dịp tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6. Năm ngoái, các cuộc biểu tình lớn xuất hiện đầu tiên vào ngày 9 tháng 6 và ngày 1 tháng 7, ngày mà Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc.

Trong một thông điệp gửi tới các đại sứ nước ngoài, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc Hồng Kông không thể thông qua luật về an ninh đã tạo ra lỗ hổng về an ninh quốc gia, theo đó phe đối lập đã thông đồng với các lực lượng bên ngoài chống lại Trung Quốc.

Ngoài ra, cuộc bầu cử hội đồng lập pháp Hồng Kông vào mùa thu này sẽ tạo cơ hội cho phe dân chủ giành được đủ ghế để ngăn chặn mọi nỗ lực thông qua luật an ninh quốc gia của cơ quan hành pháp.

Câu hỏi : Luật an ninh quốc gia ảnh hưởng như thế nào đến quyền tự trị và vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông ?

Trả lời : Các nhà phê bình cho rằng việc thông qua luật an ninh quốc gia lần này là nghiêm trọng nhất trong một loạt các hành động nhằm làm suy yếu mức độ tự trị cao của Hồng Kông trong những năm gần đây. Những hành động này bao gồm các vụ bắt giữ hơn một chục người dẫn đầu phong trào dân chủ vào tháng trước và các vụ việc trước đó như giải thể một đảng chính trị ủng hộ Hồng Kông độc lập, trục xuất một nhà báo nước ngoài và loại bỏ các ứng cử viên chính trị vì lý do không đủ tư cách.

Dennis Kwok, một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông nói rằng : "Tôi cảm thấy kinh tởm ; điều này về cơ bản chính là sự chấm hết của mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’ ".

Câu hỏi : Tại sao người Hồng Kông lo lắng về luật an ninh quốc gia vừa được thông qua ?

Trả lời : Luật này dự kiến sẽ hình sự hóa các bình luận và hành động mà nhà chức trách coi là chống lại lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc, đưa luật pháp của Hồng Kông gần với luật pháp của Đại lục hơn.

Ở Trung Quốc, Bắc Kinh sử dụng những luật như vậy để đàn áp các nhà hoạt động và thúc đẩy các mục tiêu chính trị. Năm nay, một chủ hiệu sách ở Hồng Kông chuyên bán các ấn phẩm bình luận về quan chức của Đảng cộng sản Trung Quốc vốn bị cấm ở đại lục đã bị kết án 10 năm tù vì tội gián điệp. Năm ngoái, Trung Quốc cũng bắt giữ hai công dân Canada về tội gián điệp, một nhà nghiên cứu và một cựu nhân viên ngoại giao. Vụ giam giữ được coi là sự trả thù cho việc Canada bắt giam một giám đốc điều hành cấp cao của công ty Huawei Technologies.

Hàng triệu người đã xuống đường tuần hành ở Hồng Kông vào năm ngoái do những lo ngại về dự luật dẫn độ (hiện đã được rút) sẽ đẩy họ đến một hệ thống tư pháp kém minh bạch tại Trung Quốc Đại lục.

Câu hỏi : Các cuộc biểu tình bị tác động ra sao trước luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh ?

Trả lời : Những tuyên bố của Trung Quốc đã hai lần khiến hàng ngàn người Hồng Kông phải đổ ra đường, họ bị cảnh sát ngăn chặn tụ tập đông người với lý do giãn cách xã hội. Cảnh sát chống bạo động đã ráo riết đóng chốt tại các nút giao thông quan trọng và thực hiện hàng trăm vụ bắt giữ, trong đó có những học sinh đang mặc đồng phục. Các bài hát và tranh ảnh ủng hộ độc lập cho Hồng Kông ngày càng phổ biến bất chấp đây là "lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh.

Câu hỏi : Quan hệ Mỹ-Trung bị ảnh hưởng như thế nào sau sự việc này ?

Trả lời : Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc thông qua luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông đã khiến cho thành phố mất đi quyền tự chủ trước Trung Quốc và quyết định này có thể chấm dứt địa vị được ưu đãi của Hồng Kông cũng như làm xói mòn niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài. Tổng thống Trump cho biết ông sẽ thu hồi chế độ ưu đãi dành cho Hồng Kông như một vùng lãnh thổ có quy chế hải quan và đi lại riêng biệt và bắt đầu quá trình loại bỏ các chính sách đối xử với Hồng Kông như một thực thể tách biệt với Trung Quốc trong toàn bộ các thỏa thuận mà Hoa Kỳ có với thành phố, trừ một vài ngoại lệ. Ông cũng đe dọa sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc hoặc Hồng Kông có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong.

Theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được Quốc hội Mỹ thông qua năm ngoái, Bộ Ngoại giao phải đánh giá hàng năm về việc liệu Hồng Kông có còn được hưởng mức độ tự trị cao dưới mô hình "một quốc gia, hai chế độ" hay không. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo nói hôm 27/5 rằng "Không ai với những suy nghĩ hợp lý có thể khẳng định rằng Hong Kong ngày nay vẫn còn duy trì quyền tự trị cao trước Trung Quốc".

Một tuần trước đó, hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cho biết họ sẽ đề xuất một dự luật trừng phạt đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc thực thi luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông cũng như xử phạt các ngân hàng làm ăn với họ.

Câu hỏi : Vương quốc Anh đã phản ứng thế nào với luật an ninh mới ?

Trả lời : Nước Anh đã "chọc giận" chính quyền Trung Quốc bằng cách tuyên bố rằng họ sẽ mở đường trở thành công dân Anh trong tương lai cho khoảng 2,8 triệu cư dân Hồng Kông. Những người đủ điều kiện, chiếm gần 40% dân số Hồng Kông, đã từng sống dưới thời nước Anh cai trị Hồng Kông và được cấp một loại hộ chiếu đặc biệt cho phép họ lưu trú ở Anh trong một khoảng thời gian nhất định mà không cần thị thực.

Joyu Wang

Nguyên tác : "Hong Kong’s Security Law : What China Is Planning, and Why Now", The Wall Street Journal, 04/06/2020.

Nguyễn Thanh Hải biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 07/06/2020

Published in Diễn đàn

Những ngày này, khi phong trào biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc, nạn sử dụng bạo lực quá đà trong một số nhân viên cảnh sát ở nước Mỹ sau cái chết của người đàn ông đa đen George Floyd dưới tay viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin ngày 25/5 đã biến thành bạo loạn ở một số nơi, đồng thời phong trào cũng lan rộng ra một số quốc gia khác, khiến cho báo chí truyền thông khắp nơi chú mục vào chuyện này, chúng ta có cảm giác thế giới chẳng mấy ai còn nhớ đến số phận của Hong Kong nữa.

hongkong0

Đối với người Hong Kong, lần tranh đấu này mang ý nghĩa sinh tử vì cái vòng kim cô của Bắc Kinh ngày càng siết chặt và với Hong Kong, thế là hết.

Trước đó, ngày 28/5 Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh Quốc gia Hong Kong với số phiếu thuận gần như tuyệt đối.

Luật an ninh Hồng Kông nhằm ngăn cấm "các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc âm mưu với các thế lực bên ngoài can thiệp vào Hong Kong", ngăn cấm luôn các hành vi "đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia". Luật này cũng sẽ cho phép các cơ quan trực thuộc Bắc Kinh thiết lập cơ sở tại Hồng Kông.

Tâm trạng của người Hong Kong

Người Hong Kong hiểu rất rõ đây là sự kết thúc của mô hình "một quốc gia hai chế độ" mà Bắc Kinh từng cam kết khi Hong Kong được Anh giao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Chính vì vậy ngay trước ngày 28/5 và mấy ngày sau đó, đã có hàng ngàn người trẻ Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối.

Thế giới lại nhìn thấy tuổi trẻ Hong Kong bất khuất, hiên ngang, quyết không sợ chết để bảo vệ hai chữ "tự do" mà các thế hệ đi trước từng được thụ hưởng, và vì tương lai của Hong Kong. Đối với người Hong Kong, lần tranh đấu này mang ý nghĩa sinh tử vì cái vòng kim cô của Bắc Kinh ngày càng siết chặt và với Hong Kong, thế là hết.

Chúng ta lại nhìn thấy những hình ảnh cảnh sát Hong Kong phun hơi cay, bắt bớ, đàn áp, song có vẻ mạnh tay hơn so với trước kia, chỉ trong ngày đầu tiên 27/5, 360 người đã bị bắt. Những hình ảnh về cuộc đấu tranh của người trẻ Hong Kong lại tràn ngập trên mạng xã hội, đặc biệt là người Việt, vốn đã có cảm tình với cuộc đấu tranh của tuổi trẻ Hong Kong từ phong trào dù vàng năm 2014 cho tới nay, và cũng vì chung một mối căm ghét đối với chế độ độc tài Trung Quốc.

Những phản ứng ban đầu của thế giới

Nhiều quốc gia tự do dân chủ trên thế giới đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình Hong Kong. Ngày 28/5 ngoại trưởng các nước Anh, Úc, Canada và Hoa Kỳ đã ra thông báo chung kêu gọi chính phủ Trung Quốc hợp tác với chính phủ Hong Kong và người dân Hong Kong để tìm một giải pháp được hai bên chấp nhận, tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc theo Tuyên bố chung Trung-Anh đã nộp Liên Hiệp Quốc.

Trước đó, ngay trước cả khi Bắc Kinh thông qua Luật An Ninh Quốc gia Hong Kong, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã báo cáo với Quốc hội rằng "Hong Kong không còn đủ tự trị đối với Trung Quốc căn cứ theo các dữ kiện thực tế". Và điều đó mở đường cho ngày 30/5, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho chính quyền của ông bắt đầu tiến trình bãi bỏ quy chế đặc biệt của Mỹ dành cho Hong Kong, theo đạo luật chính sách Hoa Kỳ-Hồng Kông năm 1992, và vấn tiếp tục sau khi Hong Kong được giao trả về cho Trung Quốc.

Sau một ngày chứng kiến người Hong Kong bị đàn áp dữ dội, bà Thái Anh Văn, ngày 28.5 Tổng thống Đài Loan đăng trên Twitter cá nhân rằng bà đã yêu cầu nhân viên điều hành lập kế hoạch hành động hỗ trợ nhân đạo cho các công dân Hong Kong trong đó đưa ra các kế hoạch rõ ràng, đầy đủ về nơi cư trú, vị trí, việc làm và cuộc sống của họ ở Đài Loan càng sớm càng tốt. Bà cũng khẳng định mọi cam kết hỗ trợ người dân Hong Kong của Đài Loan sẽ không bao giờ thay đổi.

Ngoại trưởng Anh ngày 28/5 tuyên bố Anh sẽ nâng quyền lợi cho người Hong Kong sở hữu hộ chiếu hải ngoại (BNO), mở đường cho việc xin nhập tịch Anh, nếu Trung Quốc không từ bỏ dự luật an ninh quốc gia mới.

Nhưng đối với người Hong Kong, liệu họ có sung sướng gì khi phải nghĩ đến biện pháp bỏ nước ra đi, làm dân lưu vong, như hàng triệu ngưởi miền Nam Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ ? Không, họ chắc chắn khao khát ở lại, đấu tranh cho tương lai của Hong Kong và thà chết còn hơn.

Câu hỏi là những ngày tới liệu các nước có thể làm được gì hơn ? Một số biện pháp trả đũa về kinh tế có thể sẽ được các nước cân nhắc tiến hành, nhưng còn những gì mạnh hơn nữa, e rằng khó có thể.

Bởi Trung Quốc bây giờ không phải là Trung Quốc trước đây, của thời kỳ Thiên An Môn để thế giới dễ dàng cấm vận và khiến nền kinh tế của Trung Quốc lao đao. Trung Quốc bây giờ mạnh hơn, nhiều tiền hơn và có mối quan hệ làm ăn khắp thế giới đủ khiến cho bất cứ sự trừng phạt nào đối với nước này cũng sẽ làm cho chính nước áp lệnh trừng phạt và các nước khác bị ảnh hưởng.

Thế giới bây giờ cũng đã khác. Nước Mỹ đưới thời Trump đang dần dần rút lui khỏi vai trò lãnh đạo khối tự do, quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh lâu đời cũng lỏng lẻo hơn.

Riêng đối với nước Mỹ, bất chấp sự căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ-Trung thời gian gần đây, Mỹ khó có nhiều lá bài để trừng phạt Trung Quốc về vụ Hong Kong. Nếu Mỹ bỏ những quy chế ưu đãi đặc biệt cho Hong Kong, thì cũng sẽ gây ảnh hưởng đến cả ngàn công ty Hoa Kỳ, đặc biệt là gần như mọi công ty tài chính lớn, đang hoạt động tại Hong Kong, cho đến thương mại song phương giữa Hong Kong và Hoa Kỳ. Về lâu về dài thì bị thiệt thòi nhất lại chính là Hong Kong và người Hong Kong, khi lãnh thổ này không còn là một vùng đất riêng biệt đối với đại lục, một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, mà sẽ trở thành một thành phố loại trung bình của Trung Quốc.

Trung Quốc và những chiến lược đường dài

Cho đến bây giờ, không biết Mỹ và thế giới đã kịp nhận ra Trung Quốc là một đối thủ có tầm nhìn xa, tham vọng lớn và biết cách tính toán từng bước đi trên bàn cờ chính trị thế giới ?

Năm 1997, khi Hong Kong được Anh giao trả lại cho Trung quốc, đây quả là một món quà quý báu cho Bắc Kinh. Trung Quốc cần Hong Kong, nhờ nhiều thập kỷ có một nền kinh tế mở và một chế độ pháp trị, để học hỏi về cung cách, hệ thống làm ăn, Hong Kong là cầu nối để Trung Quốc thu hút đầu tư ngoại quốc, là cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra thế giới…Nhưng sau 23 năm, Bắc Kinh đã kịp chuẩn bị những trung tâm kinh tế-tài chính mới như Thượng Hải, Thẩm Quyến và nếu Hong Kong có mất đi vị thế của mình, thì sự mất mát ấy cũng không phải quá nặng nề với Bắc Kinh như trước nữa.

Với tham vọng vươn lên vị thế cường quốc hàng đầu, thậm chí thay thế Mỹ trong tương lai, các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc nối tiếp nhau thực hiện con đường đã vạch sẵn, và bây giờ với Tập Cận Bình, việc có thể tại vị cho tới chết cho phép họ Tập có thể ung dung hoạch định chiến lược đường dài cho Trung Quốc. Ngược lại, chính sách đối nội-đối ngoại của mỗi đời Tổng thống Hoa Kỳ đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi giới hạn nhiệm kỳ, sức ép từ lá phiếu bầu cử, chưa kể có những trường hợp Tổng thống kế vị đảo ngược hầu hết mọi chính sách của người tiền nhiệm, điều mà Trump đã và đang làm đối với Obama. Cho nên việc Hoa Kỳ có thể rắn đến đâu với Trung Quốc trong vụ Hong Kong còn tùy.

Dẫu sao, số phận Hong Kong coi như đã xong. Nếu nước Mỹ không học được bài học, nhanh chóng đoàn kết trong nước, đoàn kết với các đồng minh, từ bỏ chính sách America First, lấy lại uy tín, sức mạnh mềm, vai trò lãnh đạo trên thế giới của mình và nhanh chóng xoay trục về Châu Á thì chỉ 5 năm nữa thôi là Tàu kiểm soát toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, vươn tay tới Đài Loan và Việt Nam cũng nên coi chừng !

Người Việt nhìn vào Hong Kong, Đài Loan để thấy gì ?

Cùng là những dân tộc có mối ác cảm nặng nề và sự cảnh giác cao đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, người Việt nhìn vào người Hong Kong, người Đài Loan và thấy gì ? Đó là tự do phải do chính mình tạo dựng nên (như người Đài Loan) và số phận của Hong Kong là thêm một lời nhắc nhở về bản chất không bao giờ thay đổi của Bắc Kinh.

Không trông chờ vào ai, vận mệnh của Việt Nam chỉ có thể được giải quyết bằng chính người Việt Nam. Không tin cậy cũng không dính líu quá sâu với Trung Quốc. Cả thế giới hiện nay đang dần nhận ra bản chất dối trá, phi nhân cùng sự lợi bất cập hại khi quan hệ làm ăn với Bắc Kinh, ngay cả người Hong Kong, người Đài Loan còn không muốn "trở về" với đại lục, hà cớ gì Việt Nam lại cứ tiếp tục tự nguyện chui đầu vào cái vòng kim cô của Bắc Kinh, không những thế lại còn tiếp tục mở rộng cửa rước Trung Quốc vào qua hình thức khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Kiên Giang (Phú Quốc) mới đây ?

"Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh" (Si vis pacem, para bellum, câu tục ngữ tiếng Latin ấy vẫn chưa hề cũ).

Song Chi

Nguồn : RFA, 04/06/2020 (songchi's blog)

Published in Diễn đàn

Ngày 28/05/2020, Quốc hội Trung Quốc đã nhanh chóng thông qua luật an ninh quốc gia và sẽ cho áp dụng đối với Hồng Kông. Trước ngày bỏ phiếu, tại Hồng Kông, hàng trăm người xuống đường biểu tình phản đối dự luật, và 300 người đã bị bắt giữ. Tổng thống Mỹ ngay sau đó thông báo rút "quy chế ưu đãi thương mại" đối với Hồng Kông.

luat1

Người biểu tình phản đối Bắc Kinh ra luật an ninh quốc gia bị cảnh sát bắt giữ khi đến tụ tập ở Causeway Bay, Hồng Kông, ngày 27/05/2020. Reuters/Tyrone Siu

Nhiều câu hỏi được đặt ra : Bắc Kinh đã "thất hứa" với những cam kết đưa ra năm 1997 khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc ? Phải chăng Trung Quốc đang tìm cách "bóp nghẹt" các quyền tự do ở ở Hồng Kông ? Đây có phải là một lời cảnh cáo dành cho Đài Loan ? Mỹ rút quy chế ưu đãi sẽ tác hại ra sao đến nền kinh tế của đặc khu ?

RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với Nhà nghiên cứu Trung Quốc học, Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, Đại học Baptist Hồng Kông..

*****

RFI : RFI tiếng Việt xin kính chào giáo sư. Trung Quốc vừa thông qua luật an ninh quốc gia và đạo luật này sẽ được áp đặt cho Hồng Kông. Tại sao người dân Hồng Kông nổi dậy chống đạo luật này ? Liệu luật mới này có đi ngược với tinh thần công thức "Một quốc gia, hai thể chế" mà Bắc Kinh từng cam kết tôn trọng vào thời điểm nhượng địa được trao trả hay không ?

Jean Pierre Cabestan : Luật an ninh quốc gia quả thật là một cú sốc cho rất nhiều người Hồng Kông. Cách nay 17 năm đạo luật này đã từng bị phản đối vào năm 2003. Giờ đây, chúng ta thấy rõ là Bắc Kinh đang tìm cách siết chặt gọng kềm đối với Hồng Kông, giảm bớt quyền tự trị của Hồng Kông.

Do vậy, luật an ninh này sẽ còn thu hẹp hơn nữa quyền tự trị đó, nhất là gây hại đến các quyền tự do của công dân hiện vẫn đang được tuân thủ ở Hồng Kông như đa đảng chính trị, tự do ngôn luận, tự do hội họp…

Ở đây, người dân cho rằng tiến triển này là nguy hiểm cho công thức "Một quốc gia, hai chế độ". Đây không còn là chuyện hoang đường nữa bởi cho đến nay, Hồng Kông khác biệt hoàn toàn với các thành phố khác của Trung Quốc. Vẫn còn có biên giới giữa Hồng Kông và Trung Hoa lục địa. Hồng Kông có đồng tiền riêng của mình, quyền tự do dịch chuyển dòng vốn. Hồng Kông có cả hộ chiếu riêng cho phép người dân được quyền đến nhiều nước mà không cần có thị thực nhập cảnh.

Tóm lại, đây vẫn còn là một vùng riêng biệt với phần còn lại của Trung Quốc, nhưng quyền tự trị chính trị của Hồng Kông giờ đang gặp nguy, bị giảm đi rất nhiều, chẳng còn lại bao nhiêu so với những gì được cam kết vào năm 1997.

RFI : Tại sao Trung Quốc thông qua đạo luật gây tranh cãi vào lúc này ? Liệu có một sự liên hệ nào với cuộc bầu cử lập pháp sắp tới ở Hồng Kông hay không ? Hay là Bắc Kinh chỉ đơn giản lợi dụng tình hình dịch bệnh và lệnh cấm tụ tập hiện nay do dịch Covid-19 ?

Jean Pierre Cabestan : Cả hai. Việc chọn thời điểm là hiển nhiên rồi. Như đã thấy, vẫn còn có nhiều hạn chế, như giãn cách xã hội, cấm tụ tập biểu tình ở Hồng Kông… Đây là một thời điểm tốt để áp đặt một đạo luật như vậy.

Quyết định này được đưa ra khi chỉ còn có vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử lập pháp tháng 9. Người ta nghĩ rằng luật an ninh quốc gia này sẽ có hiệu lực trước kỳ bầu cử, vào tháng Tám nhằm áp đặt các hạn chế, nhất là đối với việc ra ứng cử. Những ứng cử viên nào tỏ ra quá ủng hộ độc lập, tự quyết cho Hồng Kông sẽ bị gạt ra. Người ta cũng có thể tự hỏi liệu những người không tỏ ra trung thành với luật an ninh quốc gia này có thể sẽ bị truất tư cách ứng viên hay không ? 

Đạo luật này còn được quyết định sau làn sóng phản đối năm 2019 và làn sóng biểu tình cho thấy rõ người dân Hồng Kông đã bị chia rẽ ra sao khi phần lớn dân chúng phản đối cách thức mà Bắc Kinh muốn kiểm soát vùng lãnh thổ. Do vậy, Đảng cộng sản Trung Quốc đã quyết định trực tiếp đưa ra đạo luật này, mà không thông qua Hội đồng Lập pháp, tức Nghị viện Hồng Kông, và nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài từ 17 năm qua trong việc đưa ra luật an ninh quốc gia.

Luật Cơ Bản (Hiến pháp) của Hồng Kông có đề cập đến việc xây dựng một đạo luật như vậy mà không đưa ra kỳ hạn. Và Luật Cơ Bản quy định là luật an ninh quốc gia phải do chính Nghị viện Hồng Kông đưa ra và thông qua.

Lập luận mà Bắc Kinh đưa ra là không thể áp dụng quy định này do những chia rẽ, ngăn cản của phe đối lập mỗi khi cần thông qua các đạo luật vốn gây tranh cãi. Hiện nay, người ta thấy rõ điều này đối với luật về quốc ca. Luật này sẽ hình sự hóa mọi hành động phỉ báng quốc ca Trung Quốc ở Hồng Kông. Do vậy, Bắc Kinh quyết định nắm lại quyền kiểm soát mọi việc và tự soạn thảo luật an ninh quốc gia.

Đó là bối cảnh giải thích hành động không thể biện minh được của Bắc Kinh, hiển nhiên vi phạm điều 23 Luật Cơ Bản của Hồng Kông và cả điều 22 quy định giới hạn can thiệp của chính quyền trung ương, cụ thể là chỉ can thiệp trong hai lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng. Còn an ninh quốc gia lẽ ra là lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Hồng Kông, chứ không phải của chính phủ trung ương.

RFI : Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cho báo Les Echos, đăng ngày 28/5, ông có nói rằng "những ai cho đấy là sự chấm dứt nguyên tắc "Một quốc gia, hai thể chế" là chẳng hiểu rõ gì về thực tế nước Trung Quốc cộng sản". Giáo sư có thể giải thích rõ hơn về ý này ? Liệu sau khi thông qua luật, công dân Hồng Kông dù sao đi nữa có sẽ còn được hưởng một quyền tự do nhiều hơn so với công dân Trung Quốc ở lục địa ?

Jean Pierre Cabestan : Đương nhiên rồi. Trong một nước Trung Quốc cộng sản, có rất nhiều biện pháp hạn chế. Trước tiên là không có đa đảng mà chỉ có một đảng. Đó là một hệ thống chính trị độc đảng. Các cuộc bầu cử hoàn toàn do Đảng cộng sản chi phối, đấy không phải là một cuộc bầu cử thật sự vì cử tri chỉ có một chọn lựa.

Mạng Internet bị kiểm soát chặt chẽ bằng bức tường lửa Great Wall, cho phép chính phủ ngăn cấm một số trang mạng có thể truy cập được một số diễn đàn như Facebook, Twitter mà cư dân mạng Trung Quốc có thể sử dụng.

Hơn nữa Đảng cộng sản Trung Quốc hiện diện khắp mọi nơi, kiểm soát đến tận gốc rễ xã hội. Chúng ta thấy rõ điều này qua đợt khủng hoảng dịch tễ Covid-19. Chính các đảng viên của đảng tổ chức việc áp dụng lệnh phong tỏa.

Tình trạng này không tồn tại ở Hồng Kông hiện nay và cả trong tương lai. Đương nhiên, tôi nghĩ là sẽ có những biện pháp hạn chế hơn, áp đặt đối với một số nhà hoạt động, chẳng hạn, đối với những người mong muốn Hồng Kông độc lập ; sẽ có những quy định hạn chế các hoạt động của Pháp Luân Công ; giáo phái này bị cấm tại Hoa lục, nhưng vẫn còn được phép hoạt động tại Hồng Kông. Cũng sẽ có những hạn chế đối với các cơ quan báo chí, truyền thông thường xuyên chỉ trích chính quyền Bắc Kinh, nhất là đối với tờ Apple Daily News và chủ bút là Lê Trí Anh (Jimmy Lai).

Tôi cho rằng đấy có thể sẽ là những đích ngắm chính của luật an ninh quốc gia. Luật này có thể dẫn đến việc xóa bỏ sự hình thành những tổ chức, như nhóm ủng hộ dân chủ Demosito, và có thể đi đến việc bắt giữ, hay truy tố các chính khách địa phương với cáo buộc gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Nhưng dẫu sao thì tình hình vẫn sẽ rất khác so với ở Hoa lục.

RFI : Tình hình hiện nay ở Hồng Kông ít nhiều cũng phản ảnh rõ sự ngây thơ của phương Tây : Khi thiết lập Luật Cơ Bản năm 1990, một năm sau vụ trấn áp ở Thiên An Môn, người Anh đã không thể tính trước một cơ chế bổ sung để bảo vệ người dân Hồng Kông ?

Jean Pierre Cabestan : Đúng vậy. Đúng là có chút ngây thơ, hơi quá lạc quan. Bởi vì người ta nghĩ rằng, bất chấp sự kiện Thiên An Môn, chế độ sẽ dần mở cửa, tự do hóa, sẽ xích gần hơn với các chế độ dân chủ trên phương diện giá trị chính trị, tổ chức các định chế, chế độ dân chủ.

Giờ người ta thấy rõ là không đúng như thế. Nhất là vào năm 2012, Trung Quốc đã đi theo một hướng hoàn toàn ngược lại. Điều này đặt ra nhiều vấn đề cho quy chế của Hồng Kông. Làm thế nào Hồng Kông có thể tiếp tục quy chế này trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và phương Tây ? Chiến tranh hệ tư tưởng liên quan đến mô hình chính trị nào phải được chú trọng ? Rồi chiến tranh kinh tế và có cả chiến tranh địa chiến lược nữa, đối đầu giữa Trung Quốc với phương Tây, nhất là với Mỹ ?

Dĩ nhiên, trong bối cảnh này, thật là khó cho Hồng Kông vẫn là một chiếc cầu, chiếc gạch nối giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Đây thật sự là một câu hỏi cho tương lai. Liệu rằng Hồng Kông có thể tiếp tục là thị trường tài chính quốc tế như hiện nay, trong khi mà Bắc Kinh bắt đầu tìm cách gậm mòn dần các quyền tự do chính trị, các quyền tự do của công dân đang có hiện nay ?

RFI : Theo quan điểm của ông, liệu việc thông qua luật an ninh quốc gia cũng có thể còn là một lời cảnh cáo Trung Quốc dành cho Đài Loan hay không ?

Jean Pierre Cabestan : Cũng có thể lắm. Đây đúng hơn là một lời cảnh cáo răn đe. Bởi vì người ta thấy rõ là người dân Đài Loan ngày càng khó chấp nhận công thức "Một quốc gia, hai chế độ", do Bắc Kinh ngày càng can thiệp nhiều vào công việc nội bộ của đặc khu hành chính Hồng Kông, thậm chí còn nhiều hơn tại Macao. Người dân Đài Loan chống lại mọi ý định thông qua, hay mọi ý tưởng đưa một công thức như thế vào Đài Loan.

Tôi muốn nói thêm, ngoài điều đó ra, còn có một vấn đề chủ chốt khác khó thể vượt qua trong trường hợp Đài Loan. Cuộc xung đột giữa Đài Loan và Trung Quốc là cuộc xung đột về chủ quyền. Đài Loan mà tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, sẽ không bao giờ chấp nhận nằm dưới sự bảo hộ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, trừ phi có xung đột quân sự và Đài Loan bi thua.

Đài Bắc sẵn sàng bắt tay quan hệ với Bắc Kinh nhưng trên cơ sở bình đẳng và điều này không làm tổn hại đến chủ quyền của Đài Loan cũng như nền độc lập trên thực tế của hòn đảo. Do vậy, tôi nghĩ rằng công thức "Một quốc gia, hai chế độ" không thể áp dụng đối với Đài Loan.

RFI : Ngày 30/5/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quy chế ưu đãi dành cho Hồng Kông. Đâu là những hậu quả kinh tế đối với đặc khu hành chính ?

Jean Pierre Cabestan : Thông báo của tổng thống Mỹ Donald Trump là hệ quả hợp lý của việc biến mất dần dần quyền tự chủ chính trị ở Hồng Kông. Hiện tại, người ta chưa biết chi tiết các lệnh trừng phạt mà chính quyền Trump sẽ đưa ra.

Người ta cho rằng những biện pháp trừng phạt đó chủ yếu sẽ nhắm vào các quan chức chính trị, những người bị nghi ngờ, bị cáo buộc gây hại cho các quyền tự do của công dân và tự do chính trị tại Hồng Kông. Người ta cũng nghĩ rằng sẽ có những biện pháp hạn chế đối với một số người trong việc cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ. Người ta cũng cho rằng sẽ có nhiều biện pháp cấm mới, và có thể điều này làm cho Trung Quốc lo ngại hơn, đó là khống chế các xuất khẩu công nghệ lưỡng dụng (quân sự và dân sự) của Mỹ sang Hồng Kông.

Mỹ có thể làm điều này cho dù Hồng Kông vẫn là một khu vực thuế quan rất khác biệt so với Trung Quốc, và còn có những chương trình hợp tác giữa hải quan Hồng Kông với FBI, chống việc chuyển giao bất hợp pháp các công nghệ cao cho Trung Quốc, chống hiện tượng hàng nhái, hay vi phạm bản quyền. Chương trình hợp tác giữa FBI và hải quan Hồng Kông có thể sẽ khó khăn hơn một khi luật an ninh được áp dụng.

RFI tiếng Việt xin cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về Trung Quốc học, trường đại học Baptist Hồng Kông.

Minh Anh thực hiện

Nguồn : RFI, 04/06/2020

Published in Diễn đàn