Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/06/2020

Hong Kong – Rồi sẽ không còn là Hong Kong nữa !

Song Chi

Những ngày này, khi phong trào biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc, nạn sử dụng bạo lực quá đà trong một số nhân viên cảnh sát ở nước Mỹ sau cái chết của người đàn ông đa đen George Floyd dưới tay viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin ngày 25/5 đã biến thành bạo loạn ở một số nơi, đồng thời phong trào cũng lan rộng ra một số quốc gia khác, khiến cho báo chí truyền thông khắp nơi chú mục vào chuyện này, chúng ta có cảm giác thế giới chẳng mấy ai còn nhớ đến số phận của Hong Kong nữa.

hongkong0

Đối với người Hong Kong, lần tranh đấu này mang ý nghĩa sinh tử vì cái vòng kim cô của Bắc Kinh ngày càng siết chặt và với Hong Kong, thế là hết.

Trước đó, ngày 28/5 Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh Quốc gia Hong Kong với số phiếu thuận gần như tuyệt đối.

Luật an ninh Hồng Kông nhằm ngăn cấm "các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc âm mưu với các thế lực bên ngoài can thiệp vào Hong Kong", ngăn cấm luôn các hành vi "đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia". Luật này cũng sẽ cho phép các cơ quan trực thuộc Bắc Kinh thiết lập cơ sở tại Hồng Kông.

Tâm trạng của người Hong Kong

Người Hong Kong hiểu rất rõ đây là sự kết thúc của mô hình "một quốc gia hai chế độ" mà Bắc Kinh từng cam kết khi Hong Kong được Anh giao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Chính vì vậy ngay trước ngày 28/5 và mấy ngày sau đó, đã có hàng ngàn người trẻ Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối.

Thế giới lại nhìn thấy tuổi trẻ Hong Kong bất khuất, hiên ngang, quyết không sợ chết để bảo vệ hai chữ "tự do" mà các thế hệ đi trước từng được thụ hưởng, và vì tương lai của Hong Kong. Đối với người Hong Kong, lần tranh đấu này mang ý nghĩa sinh tử vì cái vòng kim cô của Bắc Kinh ngày càng siết chặt và với Hong Kong, thế là hết.

Chúng ta lại nhìn thấy những hình ảnh cảnh sát Hong Kong phun hơi cay, bắt bớ, đàn áp, song có vẻ mạnh tay hơn so với trước kia, chỉ trong ngày đầu tiên 27/5, 360 người đã bị bắt. Những hình ảnh về cuộc đấu tranh của người trẻ Hong Kong lại tràn ngập trên mạng xã hội, đặc biệt là người Việt, vốn đã có cảm tình với cuộc đấu tranh của tuổi trẻ Hong Kong từ phong trào dù vàng năm 2014 cho tới nay, và cũng vì chung một mối căm ghét đối với chế độ độc tài Trung Quốc.

Những phản ứng ban đầu của thế giới

Nhiều quốc gia tự do dân chủ trên thế giới đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình Hong Kong. Ngày 28/5 ngoại trưởng các nước Anh, Úc, Canada và Hoa Kỳ đã ra thông báo chung kêu gọi chính phủ Trung Quốc hợp tác với chính phủ Hong Kong và người dân Hong Kong để tìm một giải pháp được hai bên chấp nhận, tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc theo Tuyên bố chung Trung-Anh đã nộp Liên Hiệp Quốc.

Trước đó, ngay trước cả khi Bắc Kinh thông qua Luật An Ninh Quốc gia Hong Kong, ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã báo cáo với Quốc hội rằng "Hong Kong không còn đủ tự trị đối với Trung Quốc căn cứ theo các dữ kiện thực tế". Và điều đó mở đường cho ngày 30/5, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho chính quyền của ông bắt đầu tiến trình bãi bỏ quy chế đặc biệt của Mỹ dành cho Hong Kong, theo đạo luật chính sách Hoa Kỳ-Hồng Kông năm 1992, và vấn tiếp tục sau khi Hong Kong được giao trả về cho Trung Quốc.

Sau một ngày chứng kiến người Hong Kong bị đàn áp dữ dội, bà Thái Anh Văn, ngày 28.5 Tổng thống Đài Loan đăng trên Twitter cá nhân rằng bà đã yêu cầu nhân viên điều hành lập kế hoạch hành động hỗ trợ nhân đạo cho các công dân Hong Kong trong đó đưa ra các kế hoạch rõ ràng, đầy đủ về nơi cư trú, vị trí, việc làm và cuộc sống của họ ở Đài Loan càng sớm càng tốt. Bà cũng khẳng định mọi cam kết hỗ trợ người dân Hong Kong của Đài Loan sẽ không bao giờ thay đổi.

Ngoại trưởng Anh ngày 28/5 tuyên bố Anh sẽ nâng quyền lợi cho người Hong Kong sở hữu hộ chiếu hải ngoại (BNO), mở đường cho việc xin nhập tịch Anh, nếu Trung Quốc không từ bỏ dự luật an ninh quốc gia mới.

Nhưng đối với người Hong Kong, liệu họ có sung sướng gì khi phải nghĩ đến biện pháp bỏ nước ra đi, làm dân lưu vong, như hàng triệu ngưởi miền Nam Việt Nam sau khi Sài Gòn sụp đổ ? Không, họ chắc chắn khao khát ở lại, đấu tranh cho tương lai của Hong Kong và thà chết còn hơn.

Câu hỏi là những ngày tới liệu các nước có thể làm được gì hơn ? Một số biện pháp trả đũa về kinh tế có thể sẽ được các nước cân nhắc tiến hành, nhưng còn những gì mạnh hơn nữa, e rằng khó có thể.

Bởi Trung Quốc bây giờ không phải là Trung Quốc trước đây, của thời kỳ Thiên An Môn để thế giới dễ dàng cấm vận và khiến nền kinh tế của Trung Quốc lao đao. Trung Quốc bây giờ mạnh hơn, nhiều tiền hơn và có mối quan hệ làm ăn khắp thế giới đủ khiến cho bất cứ sự trừng phạt nào đối với nước này cũng sẽ làm cho chính nước áp lệnh trừng phạt và các nước khác bị ảnh hưởng.

Thế giới bây giờ cũng đã khác. Nước Mỹ đưới thời Trump đang dần dần rút lui khỏi vai trò lãnh đạo khối tự do, quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh lâu đời cũng lỏng lẻo hơn.

Riêng đối với nước Mỹ, bất chấp sự căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ-Trung thời gian gần đây, Mỹ khó có nhiều lá bài để trừng phạt Trung Quốc về vụ Hong Kong. Nếu Mỹ bỏ những quy chế ưu đãi đặc biệt cho Hong Kong, thì cũng sẽ gây ảnh hưởng đến cả ngàn công ty Hoa Kỳ, đặc biệt là gần như mọi công ty tài chính lớn, đang hoạt động tại Hong Kong, cho đến thương mại song phương giữa Hong Kong và Hoa Kỳ. Về lâu về dài thì bị thiệt thòi nhất lại chính là Hong Kong và người Hong Kong, khi lãnh thổ này không còn là một vùng đất riêng biệt đối với đại lục, một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, mà sẽ trở thành một thành phố loại trung bình của Trung Quốc.

Trung Quốc và những chiến lược đường dài

Cho đến bây giờ, không biết Mỹ và thế giới đã kịp nhận ra Trung Quốc là một đối thủ có tầm nhìn xa, tham vọng lớn và biết cách tính toán từng bước đi trên bàn cờ chính trị thế giới ?

Năm 1997, khi Hong Kong được Anh giao trả lại cho Trung quốc, đây quả là một món quà quý báu cho Bắc Kinh. Trung Quốc cần Hong Kong, nhờ nhiều thập kỷ có một nền kinh tế mở và một chế độ pháp trị, để học hỏi về cung cách, hệ thống làm ăn, Hong Kong là cầu nối để Trung Quốc thu hút đầu tư ngoại quốc, là cửa ngõ để Trung Quốc vươn ra thế giới…Nhưng sau 23 năm, Bắc Kinh đã kịp chuẩn bị những trung tâm kinh tế-tài chính mới như Thượng Hải, Thẩm Quyến và nếu Hong Kong có mất đi vị thế của mình, thì sự mất mát ấy cũng không phải quá nặng nề với Bắc Kinh như trước nữa.

Với tham vọng vươn lên vị thế cường quốc hàng đầu, thậm chí thay thế Mỹ trong tương lai, các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc nối tiếp nhau thực hiện con đường đã vạch sẵn, và bây giờ với Tập Cận Bình, việc có thể tại vị cho tới chết cho phép họ Tập có thể ung dung hoạch định chiến lược đường dài cho Trung Quốc. Ngược lại, chính sách đối nội-đối ngoại của mỗi đời Tổng thống Hoa Kỳ đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi giới hạn nhiệm kỳ, sức ép từ lá phiếu bầu cử, chưa kể có những trường hợp Tổng thống kế vị đảo ngược hầu hết mọi chính sách của người tiền nhiệm, điều mà Trump đã và đang làm đối với Obama. Cho nên việc Hoa Kỳ có thể rắn đến đâu với Trung Quốc trong vụ Hong Kong còn tùy.

Dẫu sao, số phận Hong Kong coi như đã xong. Nếu nước Mỹ không học được bài học, nhanh chóng đoàn kết trong nước, đoàn kết với các đồng minh, từ bỏ chính sách America First, lấy lại uy tín, sức mạnh mềm, vai trò lãnh đạo trên thế giới của mình và nhanh chóng xoay trục về Châu Á thì chỉ 5 năm nữa thôi là Tàu kiểm soát toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, vươn tay tới Đài Loan và Việt Nam cũng nên coi chừng !

Người Việt nhìn vào Hong Kong, Đài Loan để thấy gì ?

Cùng là những dân tộc có mối ác cảm nặng nề và sự cảnh giác cao đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, người Việt nhìn vào người Hong Kong, người Đài Loan và thấy gì ? Đó là tự do phải do chính mình tạo dựng nên (như người Đài Loan) và số phận của Hong Kong là thêm một lời nhắc nhở về bản chất không bao giờ thay đổi của Bắc Kinh.

Không trông chờ vào ai, vận mệnh của Việt Nam chỉ có thể được giải quyết bằng chính người Việt Nam. Không tin cậy cũng không dính líu quá sâu với Trung Quốc. Cả thế giới hiện nay đang dần nhận ra bản chất dối trá, phi nhân cùng sự lợi bất cập hại khi quan hệ làm ăn với Bắc Kinh, ngay cả người Hong Kong, người Đài Loan còn không muốn "trở về" với đại lục, hà cớ gì Việt Nam lại cứ tiếp tục tự nguyện chui đầu vào cái vòng kim cô của Bắc Kinh, không những thế lại còn tiếp tục mở rộng cửa rước Trung Quốc vào qua hình thức khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Kiên Giang (Phú Quốc) mới đây ?

"Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh" (Si vis pacem, para bellum, câu tục ngữ tiếng Latin ấy vẫn chưa hề cũ).

Song Chi

Nguồn : RFA, 04/06/2020 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 612 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)