Việc Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vào ngày 14/12 đã bác bỏ vụ kiện của bộ trưởng Tư pháp Ken Paxton bang Texas đệ nạp theo sự chỉ đạo của Tổng thống Trump và 107 Dân biểu Cộng hòa khiến người ta không thể không đặt câu hỏi tại sao các luật sư của Trump có thể làm nhục chính họ qua một vụ kiện thiếu cơ sở pháp lý (legal standing) đến như thế ?
Những thành viên trong nhóm pháp lý của Tổng thống Trump, gồm cựu thị trưởng New York Rudolph W. Giuliani (bên trái) và Jenna Ellis (tại bục giảng) ngày 19 tháng 11 ở Washington. (Jacquelyn Martin / AP)
Trong 107 dân biểu cộng hòa chắc chắn có không ít những người cũng là luật sư. Nhưng tại sao họ lại đi kiện cáo đòi hủy bỏ kết quả bầu cử của 5 tiểu bang khác trong khi họ đều biết các tiểu bang Hoa kỳ hoàn toàn độc lập trong việc tổ chức bầu cử của họ ? Những luật sư của Trump đã bất chấp luật Hiến pháp Hoa kỳ ? Họ nghĩ rằng Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ không có sự khôn ngoan (no brain) và không can đảm (no courage) như Trump đã đánh giá Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ? Họ khinh thường nền dân chủ Hoa Kỳ ? Họ coi thường các luật gia khác ? Họ tin rằng khi Trump đứng ra làm nguyên đơn là Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ sẽ chịu thua ?
Câu trả lời khả dĩ là toán luật sư của Trump đã nhắm mắt làm vừa lòng Trump để lấy tiếng và lấy tiền mà không phải trả một xu nào cho danh dự, đạo đức nghề nghiệp của họ và cả nghành nghề luật sư của nước Mỹ. Hoặc giả họ đã được Trump bảo đảm sẽ ân xá cho họ trước khi Trump bị lôi kéo ra khỏi Nhà Trắng.
Thật vậy, sau khi nhận giấy Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bác bỏ vụ kiện, họ sẽ thấy cái giá phải trả có thể sẽ rất đắt xét theo bài báo của tờ The Washington Post đăng ngày 9/12 với tựa đề ‘Letter from 1,500 attorneys says Trump campaign lawyers don’t have ‘license to lie’ của hai bỉnh bút Kim Bellware and John Wagner của the Post.
Bài viết của hai tác giả chỉ nói lên một phần nào sự phẫn nộ của ít nhất 1.500 luật sư trước sự lũng đoạn đạo đức nghề nghiệp của toán luật sư của Trump trong kỳ bầu cử 2020.
Luật sư không được cấp ‘bằng để nói dối’
Hơn 1.500 luật sư đã lên án nỗ lực của toán luật sư trong chiến dịch của Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử trong một lá thư ngỏ thúc giục Luật sư đoàn Hoa kỳ (ABA, American Bar Association) điều tra hạnh kiểm của toán này, kể cả thủ lãnh Rudolph W. Giuliani.
Thư viết rằng : "Một loạt những vụ kiện cáo của tổng thống Trump là bình phong của một chiến dịch làm suy giảm niềm tin của công chúng vào kết quả cuộc bầu cử 2020, phá hoại nền dân chủ hiến định. Đáng thất vọng là các nhân sự và chủ chốt trong hành động này là các luật sự bị trói buộc bởi lời thề và các quy định đạo đức nghề nghiệp phải tôn trọng luật pháp".
Thư nhấn mạnh đến các quan tâm của Dân biểu Bill Pascrell Jr. (D-N.J, Dân chủ New Jersey) đã nạp đơn khiếu nại lên các ủy ban đạo đức nghề nghiệp của năm tiểu bang nghiên ngửa vào ngày 20 tháng 11, kêu gọi điều tra và tước giấy phép luật sư. Sự chỉ trích được phản ánh qua các ý kiến độc giả và thư của các luật sư đã phản đối gay gắt toán luật sư đệ nạp những vụ kiện phù phiếm làm hoen ố thanh danh nghề nghiệp luật sư.
Deborah Rhode, giáo sư luật của trường Luật Stanford và một trong những người đứng đầu về đạo đức nghề nghiệp pháp luật Hoa Kỳ nói với The Washington Post hôm thứ Ba "Thật sự là bất thường khi thấy một liên hiệp như thế này kêu gọi đến hành động kỷ luật. Nó không thể coi thường. Rất nhiều thư từ này đã vượt qua lằn ranh chính trị và biểu chứng cho hạnh kiểm quá tệ và tính nghiêm túc [các quy định đạo đức nghề nghiệp] đối với nền pháp trị và tiến trình dân chủ."
Những vị ký tên vào thư gồm có người của cả hai đảng như các cựu chủ tịch Luật sư đoàn liên bang Hoa Kỳ, cựu chủ tịch Luật sư đoàn tiểu bang, thẩm phán Liên bang hồi hưu, các thẩm phán Tối cao Pháp viện hồi hưu và các luật sư đang hành nghề.
Được điều hợp bởi nhóm phi đảng phái Luật sư Bảo vệ Dân chủ Hoa Kỳ (Lawyers Defending American Democracy, LDAD) thư ngỏ chất vấn hạnh kiểm của Guiliani và những cựu thành viên của nhóm pháp lý Trump như Joseph diGenova, Jenna Ellis, Victoria Toensing và Sidney Powell.
Các đại diện cho chiến dịch Trump đã không trả lời ngay sau khi có yêu cầu trả lời ngày thứ Ba.
Thư LDAD nói rằng các luật sư trong chiến dịch Trump đã lợi dụng tiến trình phán xử bằng cách đưa ra những lời cáo buộc vô căn cứ về gian lận cử tri nơi công cộng , nhưng khi ra tòa thì chối bỏ, dựa trên những lời đồn đoán bị thổi phồng, những cáo buộc không có chứng cớ trước khi tái lập sự tranh cãi bất lương trước công luận để làm Trump vừa lòng.
Nhiều chuyên gia pháp luật đã nói với The Post rằng thái độ này đưa đến hậu quả làm xói mòn niềm tin của công chúng vào sự an toàn và công bằng của cuộc bầu cử 2020 và vào uy tín của nghề nghiệp luật sư nói chung.
Stephen Gillers, chuyên gia về đạo đức nghề nghiệp luật sư và giáo sư Luật của trường đại học luật khoa New York nói rằng :
"Nó [vụ kiện] làm xấu đi cái nhìn của công chúng về nghề nghiệp, và khuyến khích [công chúng] nghĩ rằng không có cái gì mà luật sự không nói hay làm để lấy tiền hoặc làm vừa lòng thân chủ".
Chưa có luật sư đoàn cấp tiểu bang nào hay các nhánh thẩm quyền kỷ luật thuộc hệ thống tòa án đã có hành động kỷ luật đối với nhóm luật sư của Trump, mặc dù Gillers nói rằng càng ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy các quan tòa đã bị mệt mỏi với các vụ kiện đầy kịch tính của toán này. Ông chỉ ra sự phê bình kịch liệt của thẩm phán tòa trung thẩm Hoa Kỳ Mathew W. Brann vào ngày 21 tháng 11 khi ông bác bỏ vụ kiện gian lận cử tri của luật sư của Trump tại Pennsylvania, phán rằng các luật sư [của Trump] đã lắp ghép nguy hại những lý luận pháp lý ‘giống như con quái vật của [nhà bác học] Frankeinstein"
Ghi nhận của Gillers là các luật sư của Trump có thể làm thiệt hai thanh danh của họ nếu tiếp tục tiếp tục các vụ kiện ba xàm ba láp. Ông nói "Nó cho thấy các thẩm phán "đã ngán đến tận cổ rồi". Ông nói thêm ‘họ đang chơi với lửa. Có mọi rủi ra là thẩm phán trong lần phán xử kế tiếp sẽ phán "Tôi chịu hết nổi rồi. Tôi đề nghị các ông/bà ra hội đồng kỷ luật".
Hành động kỷ luật có thể từ khiển trách chính thức trước công luận, một số tiền phạt cho đến việc tước bằng luật sư.
Tuy nhiên, cách khả thi nhất cho toán luật sư bị trừng phạt là phải có một thẩm phán phán quyết toán luật sư đã vi phạm hạnh kiểm nghề nghiệp. Các luật sư có thể bị kết tội đã hành xử sai trái, không lương thiện nếu bị xét rằng các vận động pháp luật của họ là màn hỏa mù để làm chậm tiến trình chứng nhận của các đại cử tri hoặc là một âm mưu để kiếm tiền.
Gillers nói : "Các hội đồng kỷ luật của nhiều tiểu bang sẽ ngần ngại đưa ra hành động nào mà không có một thẩm phán phán quyết các luật sư đã hành động sai trái".
Pascrell (Rep. Bill Pascrell Jr. dân biểu chủ xướng lá thư) chúc mừng các luật sư đã ký tên vào lá thư của LDAD vì đã đứng lên bảo vệ thanh danh nghề nghiệp - và ông bảo lưu rằng những người dùng bằng cấp pháp luật để hỗ trợ cho Trump phải bị rút bằng hành nghề luật sư.
Dân biểu Pascrell trong văn thư gởi cho The Washington Post ngày thứ Ba nói rằng : "Qua những vụ kiện cáo phù phiếm của họ về cuộc bầu cử đã bị ăn cắp, luật sư của Trump đang đổ dây tiếng xấu xuống toàn thể cộng đồng luật sư và đã lợi dụng hệ thống pháp luật để tấn công nền dân chủ. Tất cả luật sư phổ biến và xúc tiến các vụ kiện cáo của Trump phải đối diện với sự trừng phạt nặng nề nhất và phải bị tước giấy hành nghề. Nếu đánh vào nền dân chủ Hoa kỳ mà không đáng bị trừng phạt, chẳng còn tội gì đáng phạt nữa".
Sơn Dương
(23/12/2020)
Nguồn : Kim Bellware and John Wagner, Letter from 1,500 attorneys says Trump campaign lawyers don’t have ‘license to lie’, The Washington Post, 08/12/2020
Cá trong lờ đỏ hoe con mắt.
Cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô.
Ca Dao
Sinh thời Lý Chánh Trung nổi tiếng là một nhân vật hoạt bát, năng nổ và khuynh tả. Tôi có ngồi nghe ông nói về dân chủ Nhã Điển (Athenian democracy) tại giảng đường Hội Hữu, ở Trường Văn Khoa Đà Lạt, chừng cỡ nửa giờ. Thay vì chỉ dậy cho sinh viên biết qua về nền móng dân chủ đầu tiên của nhân loại – khởi thủy khoảng thế kỷ thứ VI, trước Công Nguyên – ông dùng phần lớn khoảng thời gian ngắn ngủi này để chê trách cái thể chế dân chủ bất toàn của miền Nam.
Cả hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa đều có không ít khiếm khuyết (về rất nhiều mặt) nên những điều giáo sư Lý Chánh Trung nói không có điều gì sai cả. Nó chỉ trật ở chỗ ông đã lạm dụng khuôn viên đại học, và quyền đại học tự trị, của nửa phần đất nước (theo chủ trương pháp trị) để làm cho nó thêm suy yếu đang khi phải đối diện với kẻ thù hung hiểm từ bên kia chiến tuyến.
Sau 1975, sau khi cái mảnh đất quê hương tự do nhỏ bé này thất thủ, Lý Chánh Trung cùng với nhiều vị "nhân sĩ" khác của miền Nam (Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi…) được mời ra miền Bắc để tham dự Lễ Quốc Khánh vào ngày 2 tháng 9.
"Ông cho biết, phái đoàn đi đến đâu cũng được dân chúng đổ xô ra đón tiếp nồng hậu… Ông bị một chị trong hợp tác xã chặn lại đột ngột hỏi :
- Có phải ông là giáo sư Lý Chánh Trung phải không ?
- Thưa phải.
- Thế thì hân hạnh quá được gặp giáo sư, vì tôi có được đọc bài của giáo sư viết trước đây.
Rồi Lý Chánh Trung đưa ra nhận xét : "Miền Bắc dù có chiến tranh, nhưng phải nói trình độ văn hóa cao hơn ở miền Nam nhiều. Chỉ cần một người dân thường cũng có thể đọc bài của Lý Chánh Trung" (1).
Trải nghiệm của luật sư Lê Hiếu Đằng về chuyến đi này cũng thế, cũng cảm xúc rạt rào. Bài viết của ông trên báo Tin Sáng ("Những giây phút cảm động đó") đầy ắp những câu chữ khiến người đọc có thể rơi nước mắt :
"Những cái hôn thắm thiết, những bàn tay siết chặt tưởng chừng như không muốn rời ra, những tràng cười thoải mái, cởi mở. Tất cả tạo nên một bầu không khí thắm đượm tình nghĩa đồng bào, đồng chí".
Bầu không khí thắm đượm tình nghĩa này – tiếc thay – không kéo dài luôn, và cũng chả kéo dài lâu. Ngay sau đó, chuyện cơm không lành canh không ngọt giữa các đồng chí vẫn xẩy ra ngày một. Vào lúc cuối đời, có lẽ, vì sợ bị chôn gần (hay chôn chung) với mấy ông cộng sản nên vào ngày 12 tháng 4 năm 2013 Lê Hiếu Đằng tuyên bố ly khai.
Ông không phải là người đầu tiên, và cũng chả phải là kẻ cuối cùng bỏ Đảng. Gần hai mươi năm trước, vào ngày 21/3/1990, ông Nguyễn Hộ cũng đã có quyết định tương tự cùng với những lời lẽ minh bạch và dứt khoát hơn nhiều : "Chúng tôi đã chọn sai lý tưởng cộng sản chủ nghĩa... suốt 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục".
Nhà thơ Hoàng Hưng bầy tỏ : "Tôi cảm phục những người xưa vì yêu nước mà theo cộng sản, nay vì yêu nước mà thoát cộng".
Cái vòng danh lợi cong cong. Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào. Không bao lâu sau, sau khi luật sư Lê Hiếu Đằng "thoát cộng" thì một ông luật sư khác lại "ngúc ngắc" muốn vào – theo tường thuật của nhà báo Mai Tú Ân :
"Đến lúc này thì vai trò của luật sư Hoàng Duy Hùng càng lúc càng trở nên rõ ràng là một mắt xích mới của ván bài Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc, ván bài vốn dở dang từ nhiều năm trước thì nay đã được khai thông trở lại. Và người đóng vai trò chính trong việc này là luật sư Hoàng Duy Hùng…
Các bài bản, phông tuồng đều được giăng mắc quanh ông khiến ông luôn sáng chói với những câu chuyện trời ơi đất hỡi như chuyện ông cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cầm dù che nắng cho ông luật sư Hoàng Duy Hùng. Nào là đi trên đường phố thủ đô Hà Nội, ông ta luôn nghe thấy nhiều người dân chào ông, vì biết ông là luật sư Hoàng Duy Hùng ?"
Lý Chánh Trung sinh năm 1928, Lê Hiếu Đằng 1944, và Hoàng Duy Hùng chào đời mười tám năm sau nữa – 1962. Khoảng cách xuất hiện trên sân khấu chính trị của ba ông tuy cũng khá xa nhưng bài bản, phông tuồng thì hoàn toàn không đổi :
Hồi 1975, Lý Chánh Trung vừa ra tới Hà Nội là có người chạy vội lại hỏi ngay :
- Trong đoàn ai là giáo sư Lý Chánh Trung, cho tôi gặp mặt.
Lý Chánh Trung bèn tách ra khỏi doàn và trả lời :
- Tôi là Lý Chánh Trung đây.
- Thưa giáo sư, tôi kính phục giáo sư, vì trước đây có đọc bài của giáo sư".
Đến năm 2020, vở diễn vẫn y chang : Đi trên đường phố thủ đô Hà Nội, ông ta luôn nghe thấy nhiều người dân chào ông, vì biết ông là luật sư Hoàng Duy Hùng ?
Thiệt là thầy chạy !
Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe mấy nhân vật phản tỉnh ở Việt Nam biện minh cho "sai lầm chính đáng" của họ – khi còn trẻ người non dạ – bằng những câu chữ sau :
If you’re not a communist at the age of 20, you haven’t got a heart.
If you’re still a communist at the age of 30, you haven’t got a brain.
Tác giả Thiện Ý phản biện rằng : "20 tuổi mà đi theo cộng sản là không có cái đầu, 40 tuổi mới từ bỏ Cộng sản là quá trễ và không có trái tim". Cứ theo như tôi biết thì Hoàng Duy Hùng không thuộc loại tiên thiên bất túc, tim gan cũng như trí não của ông đều đầy đủ cả. Cách hành xử khác thường của ông – chả qua – là thái độ của kẻ theo đóm ăn tàn, theo như cách nói của dân gian.
Thành ngữ này được một vị luật sư khác, Nguyễn Văn Đài , lý giải như sau : "Người mà theo đóm ăn tàn là loại người kém cỏi không tự biết mình là ai, không cần biết hệ lụy của việc đó sẽ dẫn mình đến đâu, cứ có tí lợi là tìm đến để nhặt nhạnh".
FB Thảo Dân góp ý với ngôn ngữ bao dung và độ lượng hơn : "Nhìn các em, các cháu còn trẻ mà đường quang không đi đâm quàng bụi rậm, vào cái nơi bị khinh ghét, nguyền rủa, thấy thật là đáng tiếc".
May mắn là những trường hợp "đáng tiếc" như thế không nhiều. Dù hết sức nỗ lực từ nhiều năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài cũng chỉ thu dụng được chừng năm bẩy tên vô loại, loanh quanh ở phố Bolsa, thôi : Nguyễn Phương Hùng, Hoàng Duy Hùng, Vũ Hoàng Lân, Nguyễn Ngọc Lập, Nguyễn Trường … !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 05/02/2020 (tuongnangtien's blog)
(1) Nguyễn Văn Lục, "Nhận định tổng quan về thành phần phản chiến & Lực lượng thứ ba" - DCVOnline.net October 24, 2017
Luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ với BBC về những nguy hiểm trong nghề khi ông bào chữa trong các vụ án chính trị.
Luật sư Đặng Đình Mạnh từng tham gia bào chữa nhiều vụ án chính trị như vụ Huỳnh Thục Vy, tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng, nhà hoạt động Vũ Quang Thuận...
Mới đây, luật sư Lê Công Định chia sẻ trên Faccebook cá nhân việc luật sư Đặng Đình Mạnh bị sách nhiễu, thậm chí bị đe dọa, sau khi tham gia vào các vụ bào chữa cho người bất đồng chính kiến.
Trao đổi với BBC hôm 5/12 từ Sài Gòn, luật sư Đặng Đình Mạnh khẳng định việc ông ba lần gặp rắc rối, thậm chí nguy hiểm, là có thật.
Luật sư Đặng Đình Mạnh từng tham gia bào chữa nhiều vụ án chính trị như vụ Huỳnh Thục Vy, tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng, nhà hoạt động Vũ Quang Thuận...
Ba lần 'gặp nguy'
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc là một trong ba luật sư có mặt trong chiếc xe nghi bị bắn đạn chì sau phiên tòa xử luật sư Nguyễn Văn Đài 5/2018
"Lần gần đây nhất là sau phiên tòa xử Huỳnh Thục Vy ở Đắk Lắk với tội danh xúc phạm quốc kỳ. Khi xe ô tô của tôi vừa chạy quá trạm thu phí Buôn Hồ khoảng vài km thì tôi bị cảnh sát giao thông chặn lại", luật sư Mạnh thuật lại.
"Họ yêu cầu đưa giấy tờ xe nhưng tôi không đưa mà hỏi tôi bị dừng xe vì vi phạm gì. Họ nói tôi chạy xe lấn tuyến, gây tai nạn ở đâu đó rồi bỏ chạy".
"Tôi nó xe tôi có camera hành trình, các anh có thể xem thì viên cảnh sát lấy điện thoại ra gọi đi đâu đó rồi nói: Có thể tai nạn xảy ra ở bên hông xe thì camera hành trình không thấy".
"Tôi lại nói xe tôi có cả camera trước và sau xe, như vậy camera sau có thể thấy nạn nhân".
"Nghe vậy, viên cảnh sát lại gọi điện đi đâu đó rồi nói "Nhầm, mời anh đi", mà không buồn xem giấy tờ xe cũng như camera hành trình!"
'Mặc thường phục và kẹp cổ tay'
Lần thứ hai xảy ra trước đó vài tháng, sau phiên xử phúc thẩm luật sư Nguyễn Văn Đài về tội "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" hồi tháng 5/2018.
"Khi tôi vừa bước ra ngoài, đang đi bộ dọc theo lề đường gần tòa án thì một nhóm người mặc thường phục đi xe bốn chỗ chạy kề bên".
"Một người mở cửa rồi lôi tôi vào trong xe. Họ dùng tay kẹp cổ tôi rất chặt khiến tôi bị ép chặt vào băng ghế".
"Lúc đó tôi đang trên đường ra sân bay để về Thành phố Hồ Chí Minh nên có mang theo một va li kéo và một cặp táp".
"Họ mở cả va li và cặp táp thì thấy hồ sơ và laptop của tôi. Họ nói "chúng tôi cầm của anh mấy thứ này, xem xong sẽ trả lại. Nhưng từ đó đến nay tôi chưa hề nhận được những tài sản bị lấy mất. Họ mặc thường phục nên cũng không thể nói họ là ai, có phải là công an cài cắm hay không?"
Đạn chì bắn vào xe
"Lần thứ ba xảy ra hồi tháng 10/2018, khi chúng tôi gồm tôi, luật sư Nguyễn Văn Miếng và luật sư Trịnh Vĩnh Phúc vào Biên Hòa để bào chữa cho những người biểu tình phản đối luật đặc khu và an ninh mạng. Họ bị buộc tội gây rối trật tự công cộng".
"Khi chúng tôi vừa ngồi vào xe thì nghe có tiếng nổ, nhìn qua cửa sổ thì thấy có một lỗ thủng và kính rạn dần, lan rộng quanh lỗ thủng đó".
"Sau này tôi có nhờ một số anh em có nghiệp vụ xem xét thì họ nói nhiều khả năng chúng tôi bị bắn bằng đạn chì".
'Tác động đến người tranh đấu'
Bình luận về sự nguy hiểm của nghề luật sư nói chung và các sự việc xảy ra với luật sư Đặng Đình Mạnh gần đây, nhà báo Sương Quỳnh nói với BBC rằng bản thân bà từ lâu cũng đã chọn và đăng ký luật sư Mạnh bào chữa cho mình nếu có ngày bà phải ra tòa.
"Theo dõi nhiều vụ việc mà luật sư Mạnh tham gia bào chữa tôi biết đây là một luật sư có nhân cách và có tâm lòng với thân chủ của mình".
"Luật sư Mạnh đã ký hợp đồng với những người bất đồng chính kiến với giá chi trả là một đồng".
"Tôi khâm phục luật sư Mạnh. Có nhiều vụ án xử người yêu nước, án bỏ túi, lời bào chữa của luật sư Mạnh dù đầy đủ bằng chứng và các điều luật mà chính Việt Nam đã ban hành nhưng luật sư vẫn thua, người yêu nước vẫn ngồi tù".
"Để giúp các thân chủ của mình, luật sư Mạnh đã viết lại các buổi xét xử hết sức trung thực trên trang cá nhân, truyền tải được tinh thần, lý lẽ xác đáng trước toà án bất công, nhưng cũng rất xúc cảm và đầy nhân văn. Nó sẽ gây tác động đến những người tranh đấu, khiến họ tự tin hơn khi có một luật sư như vậy bào chữa cho mình".
Thế nhưng với luật sư Mạnh, do tính chất nguy hiểm của nghề nên số lượng luật sư nhận bào chữa cho người bất đồng chính kiến hoặc các vụ án chính trị thường ít.
"Ngoài ra còn có thể do họ ngại. Vì luật sư những vụ án chính trị thường không có được thiện cảm từ cơ quan chức năng, ví dụ từ công an",
"Tôi từng bị an ninh mời, hỏi vì sao anh lại bào chữa cho vụ nọ vụ kia. Tôi còn bị an ninh địa phương điều tra, xem "anh có vấn đề gì ở địa phương hay không?"
'Bào chữa vì lòng cảm phục'
"Tuy nhiên khi được bào chữa cho những người bất đồng chính kiến, tôi cảm thấy mình may mắn vì được làm việc với những con người dũng cảm, có lý tưởng, và nhiều người sau này sẽ trở thành các chứng nhân lịch sử", luật sư Mạnh nói với BBC tờ Bangkok qua điện thoại.
"Tôi chấp nhận nguy hiểm vì lòng cảm phục dành cho họ. Có những thân chủ của tôi, dù tuổi đời rất trẻ, mới 20, như trong vụ việc ở Biên Hòa, hay lớn tuổi hơn, như ông Lê Đình Lượng, hoặc là nữ giới như Huỳnh Thục Vy, nhưng thái độ của họ rất rõ ràng, cương quyết. Họ cũng có ý thức chính trị rất rõ ràng".
"Họ đã làm những việc rất quan trọng, phi thường, vượt lên trên quyền lợi cá nhân. Và nếu họ thành công, đó sẽ là thành công chung của xã hội, đất nước".
"Trước tòa, họ rất mạnh mẽ, không e dè, sợ hãi. Viễn cảnh tù đày không khuất phục được ý chí của họ".
Trước các vụ việc luật sư bị sách nhiễu, bị đe dọa, thậm chí bị xóa tên khỏi đoàn luật sư như trưởng hợp của luật sư Võ An Đôn và Phạm Công Út, luật sư Đặng Đình Mạnh nói những sự việc như vậy lẽ ra không nên xảy ra.
"Và để khắc phục những điều đáng tiếc này, cơ quan tư pháp phải là nơi bảo vệ các luật sư, nếu không muốn tạo ra các tiền lệ xấu, khiến giới luật sư càng ít người dám dấn thân vào con đường bào chữa cho những người bất đồng chính kiến".
"Tôi chỉ mong rằng sẽ có thêm nhiều luật sư tham gia bào chữa cho những người bất đồng chính kiến. Nếu đội ngũ này đông dần lên, có thể sẽ tạo đà để giới luật không còn quá e dè, lo ngại nữa".
"Luật sư phải là người bảo vệ công bằng, thay vì chỉ là một nghề kiếm tiền".
'Luật sư là nghề đang trỗi dậy'?
Luật sư Võ An Đôn từng bào chữa nhiều vụ án chính trị và bào chữa cho 'dân oan', bị Đoàn Luật sư Phú Yên xóa tên năm 2017
Trường hợp của luật sư Đặng Đình Mạnh được cho là bị 'sách nhiễu' chỉ được biết đến thông qua mạng xã hội.
Nhưng các vụ liên quan đến một số luật sư khác từng bào chữa các vụ án chính trị như Võ An Đôn và Phạm Công Út đều được đăng tải trên báo chính thống của nhà nước Việt Nam.
Tờ Nhân Dân hồi tháng Năm viết nhân vụ việc ông Đôn bị liên lạc Luật sư Phú Yên tước thẻ hành nghề, rằng ông đã "lợi dụng quyền tự do ngôn luận, đăng tải nhiều bài viết trên mạng xã hội, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài có nội dung mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước".
Tờ này cũng ho hay luật sư Đôn đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng "không thừa nhận sai phạm".
Các luật sư nhân quyền Võ An Đôn, Lê Văn Luân, Trần Khả Thành và Trần Thu Nam
Trong vụ việc luật sư Phạm Công Út bị Liên đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh kỷ luật, xóa tên , tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh nói ông "vi phạm quy tắc và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam" trong một "quan hệ tranh chấp" giữa ông Út và khách hàng.
Dù vậy, theo lời ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, "nghề luật sư là một nghề đang trỗi dậy" và "sẽ thăng hoa".
"Đội ngũ luật sư Việt Nam đã và đang ngày càng trưởng thành trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng và cộng đồng xã hội. Nghề luật sư là một nghề đang trỗi dậy, sẽ thăng hoa cùng với sự thăng hoa của sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế", ông Thịnh được dẫn lời trên tờ Đảng Cộng sản tháng 2/2018.
Ông Thịnh cũng nói nếu có luật sư nào "tiếp tay cho tiêu cực, tham nhũng" thì sẽ bị "loại ra khỏi đội ngũ luật sư".
Ngoài ra, ông Thịnh nói mục tiêu của Liên đoàn Luật sư là xây dựng một đội ngũ nghề nghiệp mạnh, "tạo lập được niềm tin tin vững chắc với Đảng, Nhà nước" và xã hội.
Nguồn : BBC, 05/12/2018
Sự hung bạo hiện nay tố giác sự hoảng loạn chứ không chứng tỏ sự tự tin của chính quyền cộng sản. Một chính quyền không cảm thấy lâm nguy không có nhu cầu tuyên án hai phụ nữ trẻ, mỗi người với hai con thơ, mười năm và chín năm tù chỉ vì đã phát biểu những điều đúng.
Mọi người dân chủ đều là anh em và những người anh em cần được ưu ái, nhất là những người đang mắc nạn
Hôm nay, 22/12, như dự đoán Trần Thị Nga đã bị xử y án 9 năm tù và 5 năm quản chế trong phiên tòa phúc thẩm. Những người ngồi ghế thẩm phán đã chỉ có phận sự đọc một bản án được quyết định trước mà trong thâm tâm chính họ cũng phải thấy là vô lý và dã man. Trong những ngày sắp tới sẽ còn nhiều phiên tòa chính trị tương tự. Đây là thời điểm đòi hỏi mọi người và mỗi người nhìn rõ thực trạng đất nước và trách nhiệm của mình.
Trước hết là đừng quên những sự thực nền tảng.
Một là, kể từ năm 1976 Công Ước Quốc Tế Về Nhân Quyền (The International Bill of Human Rights) -gồm Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập, Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa- đã có giá trị của một bộ luật quốc tế mà mọi quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đều phải tôn trọng. Trong luật quốc tế này các quyền tự do cá nhân đã được định nghĩa rất rõ ràng. Chúng có giá trị cao nhất và không thể chuyển nhượng. Các anh em dân chủ đang mắc nạn -Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phan Kim Khánh và Nguyễn Văn Hóa vừa qua, Trần Thị Nga hôm nay, các anh em thuộc Hội Anh Em Dân Chủ và nhiều anh em khác sắp tới- đều đã chỉ sử dụng một phần nhỏ và một cách khiêm tốn các quyền căn bản này. Họ hoàn toàn vô tội. Trái lại chính Đảng và Nhà Nước cộng sản Việt Nam đã phạm pháp. Điều này cần được nói ra và nhấn mạnh trong các phiên tòa chính trị sắp tới. Đáng tiếc là cho tới nay chưa ai làm việc này.
Hai là, ngay cả nếu áp dụng bộ luật hình sự gian trá hiện nay của chế độ cộng sản Việt Nam thì những người bị xét xử cũng vô tội vì các bản cáo trạng đều vu vơ, không hề chứng minh một vi phạm nào mà chỉ có những cáo buộc một chiều. Đặc tính của các chế độ cộng sản là sự tùy tiện, bất chấp ngay cả luật pháp của chính họ.
Ba là, những phiên tòa chính trị của chế độ này chỉ là những trò hề lố bịch. Những gì mà các bị cáo và các luật sư nói tại phiên tòa đều không có tác dụng nào bởi vì các bản án đều đã được quyết định trước. Các thẩm phán chỉ là những người đã hy sinh danh dự và liêm sỉ của mình để đóng vai thẩm phán và đọc những bản án có sẵn.
Bốn là, mặc dầu vậy chính quyền cộng sản vẫn cố gắng lừa bịp các nạn nhân và dư luận trước mỗi phiên xử bằng cách hứa hẹn giảm án nếu các bị cáo nhận tội và xin khoan hồng. Sự mặc cả này đặc biệt bỉ ổi. Nó nhắm làm nhục nạn nhân và xóa bỏ niềm tự hào mà đáng lẽ họ phải có, niềm tự hào chính đáng của một người đã dám nói lên lẽ phải cũng như danh dự và quyền lợi của dân tộc trong sự im lặng sợ sệt của đa số. Nó nhắm che đậy bớt bộ mặt nhơ nhớp của chính quyền đồng thời khiến người dân có cảm tưởng chế độ bạo ngược này chưa thể lay chuyển và mất lòng tin ở cuộc vận động dân chủ. Nhưng điều cần được nhấn mạnh là nó không làm giảm bao nhiêu sự tàn bạo của các bản án, bởi vì chính quyền này đang rất cần những bản án thật nặng để hăm dọa những người có ý định phản kháng.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga tranh đấu quyết liệt và chọn thái độ thách thức trước tòa án đã bị xử 10 năm và 9 năm tù, nhưng Nguyễn Văn Hóa và Phan Kim Khánh, với thành tích đấu tranh mỏng hơn nhiều, đã nhận tội và xin khoan hồng cũng bị xử 7 năm và 6 năm. Nếu Hóa và Khánh thách thức chế độ tới cùng thì bản án của họ cũng không khác bao nhiêu.
Nhận tội và xin khoan hồng là một thái độ rất sai, làm mất phong cách của người đấu tranh, gây thiệt hại cho cuộc vận động dân chủ và cũng không có ích lợi cụ thể nào cho các đương sự. Nếu các nạn nhân và gia đình họ trong lúc lo âu và bối rối vì những áp lực đủ loại có thể yếu lòng và bị mắc lừa thì các luật sư phải giải thích cho họ, trấn an họ và thay mặt cộng đồng quốc gia bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn đối với họ, chứ không thể để họ sa vào cái bẫy dơ bẩn này. Đó không phải là làm chính trị mà chỉ là trách nhiệm của một luật sư.
Một câu hỏi lớn phải được đặt ra là tại sao dù đã có hàng trăm vụ án chính trị để rút kinh nghiệm, đa số các luật sư vẫn chưa làm việc này ? Thiếu bản lĩnh hay đồng lõa với bạo quyền ?
Giai đoạn hiện nay đang đầy thử thách. Trong thế bế tắc không lối thoát về mọi mặt chính quyền cộng sản đang lên cơn điên. Sẽ còn nhiều vụ án chính trị khác trong những ngày sắp tới. Đây là lúc mà mọi người cần nhìn rõ vai trò trách nhiệm của mình.
Những người dân chủ cần hiểu rằng sự hung bạo hiện nay tố giác sự hoảng loạn chứ không chứng tỏ sự tự tin của chính quyền cộng sản. Một chính quyền không cảm thấy lâm nguy không có nhu cầu tuyên án hai phụ nữ trẻ, mỗi người với hai con thơ, mười năm và chín năm tù chỉ vì đã phát biểu những điều đúng. Đây thực ra là một cơ hội cho cuộc vận động dân chủ.
Rất tiếc, thực tế là tuy nguyện vọng dân chủ của nhân dân đã tràn ngập nhưng do sự non kém của tầng lớp trí thức đội ngũ dân chủ chưa mạnh, mỗi người dân chủ chân chính vì vậy là một tài nguyên của đất nước cần được bảo trọng. Sự thận trọng phải là ưu tiên hàng đầu trong khi chúng ta nỗ lực vận dụng thời cơ để đẩy mạnh hơn nữa cố gắng dân chủ hóa đất nước. Điều mà những người dân chủ phải tâm niệm và nhất trí trước với nhau là nếu không may mắc nạn sẽ không nhượng bộ.
Bổn phận của các luật sư là bảo vệ lẽ phải và bảo vệ thân chủ. Trong những vụ án chính trị thân chủ của họ thực sự có lẽ phải nhưng các bản án lại được quyết định trước. Như vậy các luật sư phải hiểu rằng lời bào chữa của họ trước tòa không có tác dụng gì lên bản án, vai trò của họ vì vậy, một mặt, là nói lên tiếng nói của lẽ phải trước công luận và, mặt khác, là làm gạch nối giữa người dân chủ mắc nạn với gia đình họ và công luận. Trong vai trò gạch nối này họ có trách nhiệm giúp nạn nhân và gia đình giữ vững tinh thần trước những thủ đoạn hăm dọa và dụ dỗ của một chính quyền bất lương, để đừng bị cướp đoạt cái đẹp và cái đúng của hành động. Và để được tôn vinh như họ xứng đáng được tôn vinh.
Vai trò của luật sư dứt khoát không phải là khuyên hay gợi ý thân chủ đầu hàng. Thiên chức của một luật sư là bảo vệ công lý chứ không phải là để khuyên người ngay nên cúi đầu trước kẻ gian. Một luật sư không cần phải tham gia đấu tranh cho dân chủ nếu không muốn nhưng trong mọi trường hợp phải tôn trọng thiên chức của nghề luật sư.
Đã đến lúc, song song với việc lên án sự gian ác và tùy tiện của chính quyền cộng sản, những người dân chủ cũng cần tận dụng các phương tiện truyền thông để vạch mặt chỉ tên những thẩm phán tay sai của bạo quyền và những luật sư đồng lõa với bạo quyền. Những người này chắc chắn là không biết xấu hổ, nhưng đó lại càng là lý do để họ phải bị tố giác. Dư luận dĩ nhiên cũng cần nhận diện những luật sư chân chính.
Mọi người dân chủ đều là anh em và những người anh em cần được ưu ái nhất là những người đang mắc nạn -Như Quỳnh, Nga, Xuân, Đài, Tôn, Trực, Trội, Túc và nhiều anh chị em khác. Tuy vậy nghĩ đến họ không phải là để mong họ chỉ bị tuyên án 6 năm thay vì 10 năm mà là quyết tâm đấu tranh có hiệu quả hơn để chế độ này sớm chấm dứt và họ sớm tìm lại được tự do trong vinh quang.
Chúng ta có quyền lạc quan. Dân chủ và nhân quyền đã trở thành nền tảng của một trật tự thế giới mới. Chế độ này, cũng như quan thày Trung Quốc của nó, đã tích lũy đủ mâu thuẫn để sụp đổ và có mọi triển vọng sẽ cáo chung trong một tương lai gần. Lịch sử có thể sang trang rất nhanh chóng và đất nước này sẽ biết đánh giá đóng góp của mỗi người.
Nguyễn Gia Kiểng
(22/12/2017)