Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Luật sư Võ An Đôn nói sau khi ông phát đi đơn khởi kiện ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp, yêu cầu Tòa án tỉnh Phú Yên hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại và trả lại quyền hành nghề luật sư cho ông vào ngày 4/12 vừa rồi, mọi thứ vẫn lặng như tờ. Mặc dù theo luật, ông đã phải nhận được câu trả lời.

Việc khởi kiện của luật sư Võ An Đôn dấy lên 2 chiều dư luận : một là chẳng được gì và chỉ thêm hại thân, nhưng ở phía khác thì tin rằng hành động của ông sẽ gợi ý nhiều hơn về tư cách và hành động của giới luật sư, lâu nay vốn vẫn bị coi là những người thường xuyên bị tước đi sức mạnh nghề nghiệp trong chế độ độc tài.

Từ Phú Yên, luật sư Võ An Đôn cho biết ông vẫn chờ một phiên tòa của mình, và biết rõ sẽ là người thua cuộc, nhưng lại là người chiến thắng trong việc phơi bày tất cả.

vad1

Luật sư Võ An Đôn - Courtesy Blog Tuấn Khanh

Tuấn Khanh : Với những gì đã diễn ra, luật sư nghĩ rằng phía Bộ Tư có đủ lý lẽ để bác bỏ mọi yêu cầu khiếu nại của mình không ?

Võ An Đôn : Trong đơn khiếu nại, tôi có yêu cầu Bộ Tư Pháp làm rõ những gì mà tôi bị kết tội. Chẳng hạn tôi yêu cầu xác định câu nói nào, nội dung nào là tôi tuyên truyền hay nói xấu Nhà nước, Đảng hay giới luật sư. Thậm chí tôi còn đề nghị cách làm rõ những điều tôi nói, chẳng hạn như về việc chạy án thì cứ đến các văn phòng luật sư điều tra các sự việc đó thì sẽ ra ngay. Bên cạnh đó, báo chí Nhà nước cũng hay đăng các vụ luật sư chạy án như một ví dụ rất rõ. Tuy nhiên những yêu cầu của tôi vẫn không được làm rõ là tôi sai cụ thể như thế nào, họ vẫn im lặng, vì vậy tôi không đồng ý.

Tuấn Khanh : Nhưng cho đến nay, phản hồi phía Bộ Tư Pháp thì sao ?

Võ An Đôn : Về chuyện khiếu nại, từ lúc tôi gửi đơn cho đến khi nhận được thư khẳng định kỷ luật là 6 tháng. Trong khi đó luật quy định là trong vòng 30 ngày là Bộ Tư Pháp phải trả lời bằng văn bản. Chỉ chuyện đó thôi đã quá hạn 5 tháng rồi.

Tuấn Khanh : Luật sư đã gửi đơn khởi kiện Bộ Tư Pháp sau sự bê trễ và sự khẳng định rất quan liêu về trường hợp của mình. Tóm tắt nội dung khởi kiện của anh luật sư là gì ?

Võ An Đôn : Thứ nhất, việc đoàn luật sư tỉnh Phú Yên loại tên tôi ra khỏi danh sách là không đúng, vì họ cho rằng tôi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để nói xấu nhiều nơi nhưng họ lại không đưa ra được bằng chứng. Và dù vậy, khi khiếu nại lên Bộ Tư Pháp thì nơi này lại giữ nguyên kết quả. Theo luật của các luật sư và văn bản hướng dẫn các trường hợp xử lý các vấn đề của luật sư, thì tôi không phạm vào trường hợp nào để bị xóa tên khỏi danh sách.

Trong quy định, bị xóa tên khỏi đoàn luật sư, chẳng hạn như lừa đảo lấy tiền khách hàng, phạm tội hình sự… và đoàn luật sư tỉnh Phú Yên cũng không xác định được đặt tôi vào bất kỳ trừng hợp nào trong việc kỷ luật cả.

Nếu nói dựa vào luật pháp hoàn toàn, tôi tin tôi sẽ thắng kiện Bộ Tư Pháp 100% nhưng kết quả thường là chỉ đạo nên tôi cũng dự trù trước sự thất bại của mình.

Tuấn Khanh : Về phía đồng nghiệp, có ai dám ủng hộ luật sư một cách công khai không ?

Võ An Đôn : Tôi từ đầu đã tính đến việc nhờ sự hỗ trợ của tất cả những đồng nghiệp đã từng lên tiếng ủng hộ mình. Sau khi có tin tôi gửi đơn kiện, rất bất ngờ nhiều người đã nói sẽ cùng đồng hành với tôi khi ra tòa (chú thích : Ngày 10/12/2017, đã có hơn 100 luật sư ký thư gửi kiến nghị lên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phản đối về quyết định kỷ luật luật sư Võ An Đôn. Tuy vậy, cho đến lúc này, tôi đề nghị các anh chị đó ẩn danh để chờ có quyết định ra tòa, đề phòng những trường hợp không lường trước được.

Nhưng ngay cả trong trường hợp xấu nhất là nếu bị áp lực nào đó mà những anh chị em đó không thể tham gia được, thì tôi sẽ nhờ những người dám nói lên sự thật cùng tham gia bảo vệ cho mình. Theo luật, bất kỳ ai có quyền công dân, đủ 18 tuổi đều có quyền tham gia bảo vệ người khác trước tòa, nên tôi sẽ chọn dám cất tiếng để ra tòa cùng với mình.

Lâu nay, nhiều phiên tòa diễn ra ở Việt Nam, đặc biệt là tòa về nhân quyền hay chống lại các thế lực đen tối trong xã hội… thường diễn ra bất thường như một tuồng diễn sân khấu, không có giá trị gì về công lý, luật sư hình dung phiên tòa của mình có rơi vào bối cảnh tương tự không ?

Tôi cũng có hình dung trước về điều này. Đây là một phiên tòa người dân kiện cơ quan Nhà nước, và kịch bản là ở phiên tòa, nhân vật Bộ trưởng Bộ Tư Pháp sẽ không xuất hiện. Án này sẽ là án bỏ túi, và tôi sẽ thất bại.

Tuấn Khanh : Biết mình sẽ thất bại, nhưng luật sư vẫn đâm đơn kiện ? Vậy ý nghĩa khác của chuyện này là gi ?

Võ An Đôn : Căn cứ vào pháp lý, tôi sẽ là người thắng. Nhưng diễn biến ở phiên tòa, tôi sẽ là người thua. Nhưng tôi vẫn khởi kiện vì muốn cho những ai quan tâm đến luật pháp ở Việt Nam có cơ hội nhìn thấy công lý là như thế nào. Chỉ cần theo dõi, và nhận ra sự thất bại của tôi là vì lý do gì, cũng là một cách để thấy hiện thực trên đất nước này ra sao.

Kế đến, vụ kiện này, tôi muốn tạo thành một tiền lệ để các đoàn luật sư và Liên đoàn luật sư Việt Nam khi muốn tước chứng chỉ hành nghề của một người nào đó, đều phải cân nhắc và đúng luật chứ không thể hành động đơn giản theo chỉ đạo.

Tuấn Khanh : Để nói một lời với cộng đồng những người đang theo dõi câu chuyện của luật sư, thì đó là lời nhắn như thế nào ?

LS. Võ An Đôn : Tôi mong mọi người quan sát tường tận sự việc của tôi, để nhìn thấy rõ mọi thứ. Theo dõi tôi là bảo vệ tôi. Và tôi có thất bại thì cũng là lúc để mọi người nhìn thấy thêm nhiều điều khác rõ ràng về luật pháp và tòa án ở Việt Nam.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 23/12/2018

Published in Diễn đàn

Luật sư Võ An Đôn trao đổi với BBC về chuyện tại sao ông khởi kiện bộ trưởng Tư pháp và việc mưu sinh nuôi vợ cùng ba con sau một năm kể từ ngày bị tước thẻ hành nghề.

vad1

Luật sư Võ An Đôn : 'Người ta sống được thì mình sống được'

Hôm 4/12, Luật sư Võ An Đôn thông báo ông đã nộp đơn khởi kiện ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp, yêu cầu Tòa án tỉnh Phú Yên hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại và trả lại quyền hành nghề luật sư cho ông.

Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp bác toàn bộ nội dung khiếu nại của ông Võ An Đôn về việc bị xóa tên khỏi đoàn luật sư tỉnh này, theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Hôm 13/12, trả lời BBC từ Phú Yên, Luật sư Võ An Đôn nói :

"Đến nay đã nửa tháng từ ngày tôi nộp đơn kiện bộ trưởng Tư pháp nhưng tôi chưa nhận được phản hồi, dù theo luật thì tòa án phải trả lời trong 5 ngày".

"Dựa vào thực tế của nghề luật ở Việt Nam, tôi tự biết khả năng mình thắng kiện trong vụ này không bao giờ xảy ra, vì tòa không thể nào bác quyết định của bộ trưởng".

"Từ trước đến nay đã có một số luật sư bị tước thẻ hành nghề nhưng chưa có ai đi kiện".

"Tôi muốn là người đầu tiên đi kiện bộ trưởng Tư pháp là để cho người dân biết bộ mặt thật của luật pháp Việt Nam".

"Bên cạnh đó, tôi muốn giới lãnh đạo Liên đoàn Luật sư và Bộ Tư pháp phải dè chừng khi treo thẻ một người mà không có căn cứ nếu không muốn bị kiện tiếp".

"Tôi cũng nghĩ đến khả năng mình bị tước thẻ mãi mãi nhưng sẽ vẫn chiến đấu cho vụ này".

"Thấy người dân nghèo bị quan chức chính quyền ức hiếp, tôi ra tay giúp họ miễn phí thì bị chính quyền tìm mọi cách trù dập nên tôi mới nghèo như hôm nay".

vad2

Luật sư Võ An Đôn nói với BBC rằng 'ông bị tước thẻ nên phải làm nông mưu sinh'

Cuộc sống sau khi bị tước thẻ

Luật sư Võ An Đôn cũng nói với BBC : "Sau khi bị tước thẻ, tôi vẫn cố gắng tư vấn pháp luật cho người dân trong một số vụ án dân sự".

"Ngoài ra, tôi mưu sinh bằng việc làm nông, làm vườn, chăn nuôi để nuôi vợ và ba con từ 2 đến 7 tuổi".

"Nói chung là giống như bất kỳ người dân nông thôn nào khác ở Việt Nam".

"Người ta sống được thì mình sống được, dù trước khi có thu nhập ổn định thì mình đỡ hơn, còn nay thì phải tính toán mọi khoản chi tiêu trong nhà kỹ hơn".

vad3

Cắt cỏ cho bò ăn là công việc khá khác lạ cho một luật sư

Trả lời câu hỏi của BBC về việc luật sư ở Việt Nam có nên bày tỏ chính kiến, và nếu có thì phải chuẩn bị tâm lý thế nào và sẽ gặp những rủi ro gì về nghề nghiệp, ông Đôn đáp :

"Theo tôi là luật sư thì phải biết bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề của xã hội. Vì hơn ai hết, luật sư được xem là thành phần tri thức, khi thấy những hiện tượng tiêu cực, bất công, vi phạm pháp luật, trái đạo đức thì mình phải có nghĩa vụ lên tiếng, để mọi người biết đâu là đúng, đâu là sai".

"Luật pháp và chính trị được ví như hình với bóng, làm luật sư nghĩa là làm chính trị mà không dám bày tỏ chính kiến của mình, làm ngơ với các tiêu cực xã hội, chỉ biết kiếm tiền làm giàu cho bản thân, thì thật là hổ thẹn với lương tâm và với mọi người".

"Luật sư Việt Nam muốn bày tỏ chính kiến thì phải chuẩn bị tâm lý vững vàng, với những rủi ro thường gặp phải sau đây : bị an ninh thường xuyên theo dõi, bị tước thẻ luật sư, bị đi tù".

"Tôi rất muốn các con của tôi sau này lớn lên thì sẽ theo nghề luật, vì nghề luật là nghề tôi đam mê từ thuở nhỏ. Hơn nữa, nghề luật giúp người học hiểu biết về pháp luật, mà pháp luật thì điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội".

"Người học luật có kiến thức tổng quát rộng, họ biết cách xử sự trong cuộc sống hàng ngày, biết đâu là đúng, đâu là sai nên hành vi của họ rất chuẩn mực".

"Mình làm nghề luật thì có điều kiện giúp người khác về mặt pháp lý và đấu tranh cho sự công bằng của xã hội, để xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh hơn".

Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 11/2108 viết :

"Trong sáu clip trả lời phỏng vấn của người có tên là Thanh Tâm trên tài khoản Facebook "Thanh Tâm Nguyễn", ông Đôn đã nhân danh giới luật sư có nhiều phát biểu, trả lời phỏng vấn với nội dung không đúng sự thật, suy diễn chủ quan, nói xấu thể chế chính trị. Bộ Tư pháp cho rằng những phát biểu của ông Đôn trong những clip này đã phủ nhận giá trị, vai trò của hệ thống pháp luật và hoạt động tố tụng Việt Nam ; phủ nhận vị trí, vai trò của nghề luật sư và đội ngũ luật sư Việt Nam. Ông Đôn không đưa ra được các bằng chứng để chứng minh cho các nội dung đã nói".

Hồi tháng 11/2017, báo Việt Nam dẫn lời đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên giải thích quyết định tước thẻ luật sư là vì ông Đôn "lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam".

Ben Ngô

Nguồn : BBC, 14/12/2018

Published in Diễn đàn

Luật sư nhân quyền Võ An Đôn kiện việc bị tước thẻ (RFA, 05/12/2018)

Luật sư Võ An Đôn, người bị tước thẻ hành nghề vì công khai lên tiếng cho nhân quyền vào ngày 4 tháng 12 nộp đơn khởi kiện Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long ra tòa án tỉnh Phú Yên nhằm yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại ngày 15/11 và trả lại quyền hành nghề luật sư cho ông.

vad1

Luật sư Võ An Đôn đi kiện tại tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên. Courtesy FB Võ An Đôn

Nói với Đài Á Châu Tự Do vào tối 5/12, luật sư Võ An Đôn cho hay nếu căn cứ theo quy định của pháp luật thì ông thắng 100%.

"Hôm qua em có nộp đơn khởi kiện ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Tòa án tỉnh Phú Yên, theo quy định của pháp luật và các căn cứ thì em thắng 100%, nhưng theo thực tế cho thấy những vụ án hành chính 99% là thua kiện. Em biết 100% vụ em ra tòa sẽ bị thua kiện vì họ xử theo chỉ đạo chứ không phải theo pháp luật",

Vị luật sư được mệnh danh là luật sư của người nghèo giải thích thêm rằng, dù biết kiện là thua nhưng ông làm như vậy để người dân thấy được sự thật của pháp luật Việt Nam và để Liên đoàn luật sư Việt Nam và các tỉnh, cũng như Bộ Tư pháp sẽ thận trọng hơn trong tương lai nếu muốn tước thẻ hành nghề luật sư của bất kỳ ai.

Hôm 26/11 năm ngoái, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên có quyết định kỷ luật xóa tên Luật Võ An Đôn (Trưởng Văn phòng Luật sư Võ An Đôn) ra khỏi danh sách Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên.

Lý do kỷ luật được nêu ra là : ông Đôn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt ; nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư Việt Nam.

Trong đơn kiện của mình, ông Đôn cũng nêu rõ, việc ông trả lời phỏng vấn báo đài và cá nhân ở nước ngoài là quyền tự do ngôn luận của công dân, được quy định tại điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Điều 19 công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên của công ước này.

Luật sư Võ An Đôn được nhiều người biết đến qua sự việc đại diện bào chữa cho phía gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều trong vụ 5 công an dùng nhục hình đánh chết người trong đồn Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Vì vụ việc này mà vào năm 2014, liên ngành Công an, Viện Kiểm sát và thành phố Tuy Hòa có công văn đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên và Sở Tư Pháp tỉnh Phú Yên thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Đôn vì cho rằng trong quá trình tham gia tố tụng cho bị hại Ngô Thanh Kiều ông đã có nhiều lời lẽ xúc phạm đến các bị cáo đồng thời lãnh đạo của các cơ quan nội chính, tư pháp tại tỉnh Phú Yên.

Đề nghị này sau đó vấp phải chỉ trích của dư luận và chính quyền thành phố Tuy Hòa phải rút lại kiến nghị này.

****************

Giải thưởng nhân quyền cho hai tù chính trị và nhà hoạt động Việt Nam (RFA, 05/12/2018)

Hai tù nhân chính trị Trần Thị Nga, Hoàng Đức Bình và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trụ ở ở Hoa Kỳ trao giải năm 2018.

vad2

Hai tù nhân chính trị Trần Thị Nga, Hoàng Đức Bình và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang. RFA Edited

Thông cáo báo chí của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, một tổ chức Phi chính phủ, phát đi vào ngày 30 tháng 11 nêu rõ công trạng của ba người được vinh danh với giải thưởng nhân quyền năm nay.

Theo Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam thì anh Hoàng Đức Bình là nhà hoạt động tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường và giúp dân khiếu kiện sau thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh gây nên.

Anh này bị tuyên án 14 năm tù tại phiên xử hôm ngày 6 tháng 2 năm nay với cáo buộc ‘Chống người thi hành công vụ’ và Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích của các tổ chức, công dân’.

Bà Trần Thị Nga, mẹ của hai con nhỏ, hiện đang phải thụ án 9 năm tù tại Trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Bà Trần Thị Nga từng là nạn nhân của nạn xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Khi về nước bà tham gia giúp đỡ cho những nạn nhân khác, và rồi dấn thân tranh đấu vì quyền con người.

Nhà báo Phạm Đoan Trang, từng là một phóng viên của một số báo Nhà nước nhưng trở thành blogger, nhà hoạt động xã hội. Cô tham gia những hoạt động gồm chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, phát động chiến dịch bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, tổ chức các lớp đào tạo về báo chí, chính trị học, chính sách công cho các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam.

Nhà báo Phạm Đoan Trang là tác giả của các cuốn sách Kỹ Năng Báo Chí Căn Bản, Cẩm Nang Hoạt Động Xã Hội, cùng dịch sách "Từ Facebook Đến Xuống Đường".

Tác phẩm gần đây nhất là "Chính Trị Bình Dân" xuất bản trên Amazon năm 2017 và vì cuốn sách này cô nhiều lần bị cơ quan an ninh đưa lên đồn làm việc.

Nhà báo Phạm Đoan Trang viết trên Facebook cá nhân bày tỏ cảm xúc ngại và buồn khi là một trong ba người được nhận giải Nhân quyền Việt Nam năm 2018 trong khi hai nhà hoạt động còn lại vẫn ở tù và cô khẳng định rằng "cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn !"

Nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết, không ai trong số những người có quan tâm đến tình hình đất nước nên vui vì theo cô "Khi chúng ta chúc mừng một người tù nhân lương tâm nào đó thoát khỏi nhà tù (nhỏ và lớn) ở Việt Nam để "đến bến bờ tự do", khi chúng ta chúc mừng một người Việt Nam nhận được một giải thưởng nhân quyền nào đó, chúng ta đều nên hiểu rằng điều đó chỉ chứng tỏ đất nước này đang trải qua những năm tháng đen tối đến mức nào, và cái thực tế ấy chẳng có gì đáng mừng".

Và cô khẳng định việc "…Trả tự do và trục xuất một số tù nhân lương tâm không phải là giải pháp chung. Mà giải pháp chung phải là làm sao để tất cả tù nhân lương tâm đều được giải thoát và Việt Nam không còn tù nhân lương tâm nữa (cũng như không còn dân oan). Điều đó chỉ có thể có được với một thể chế mới, một chính quyền mới.

Vì thế, cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn, và tôi cần sự ủng hộ của tất cả các bạn – những người đồng ý với tôi rằng Việt Nam phải thay đổi"..

Giải Nhân Quyền Việt Nam thành lập từ năm 2002 được trao tặng hàng năm. Cho đến nay đã có 42 cá nhân và 3 tổ chức có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho công lý và nhân quyền tại Việt Nam được nhận giải.

Theo Ban tổ chức, giải Nhân quyền Việt Nam còn là một cơ hội để người Việt hải ngoại bày tỏ tình liên đới với những nhà hoạt động tại quê nhà.

Theo ban tổ chức thì buổi lễ trao giải thưởng năm nay sẽ diễn ra tại thành phố Westminster, Quận Cam, Bang California vào ngày 9 tháng 12 tới đây.

Published in Việt Nam

Hậu quả của chính sách kìm kẹp là các luật sư thực ra là thành phần bị chèn ép nhất trong các chế độ toàn trị. Họ không giầu có và cũng không có tự do. Đã thế còn gần như bị quản chế trong sinh hoạt nghề nghiệp và bị bắt buộc phải phản bội hàng ngày ngay chính đạo đức nghề nghiệp của mình. Tình trạng này không thể kéo dài khi Việt Nam đã mở cửa ra thế giới. Các luật sư đang khám phá ra rằng chính họ là những người cần dân chủ pháp trị nhất. Lý do khiến họ thụ động –vì bị trói buộc- sẽ dần dần trở thành lý do thôi thúc họ tham gia cuộc vận động dân chủ.

the1

Thẻ Luật sư Việt Nam - Ảnh minh họa

Vài ngày nữa sẽ có phiên tòa phúc thẩm xử bốn anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ : Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển và Phạm Văn Trội. Chúng ta có thể dự đoán rằng các bản án sẽ rất nặng, không khác phiên tòa sơ thẩm bao nhiêu. Các bạn này cũng biết như thế. Họ kháng án để phản đối sự tùy tiện dã man chứ không phải để hy vọng được giảm án. Chúng ta có nhiều điều để nói với nhau vào lúc này, khi mà chính quyền cộng sản đã từ bỏ mọi cố gắng nhắm tranh thủ cảm tình của nhân dân để chỉ còn đàn áp thật thô bạo.

Nói gì giữa những người dân chủ ?

Dĩ nhiên mọi người dân chủ đều cùng chia sẻ một sự quý mến chân thành, sâu đậm và trọn vẹn với các anh em mắc nạn. Chúng ta nói với họ và với nhau rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ là đúng và nhất định sẽ thắng. Việc một chính quyền từ bỏ mọi tham vọng tranh thủ cảm tình của nhân dân tố giác một tâm lý tuyệt vọng. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã nhìn nhận rằng giữa họ và nhân dân Việt Nam không còn gì để nói. Họ đã mang thất bại ở trong lòng. Chính vì thế, khi chúng ta có lý do để tin thắng lợi là chắc chắn, chúng ta càng cần thảo luận về một phương thức hành động và ứng xử.

Điều cần được thảo luận ngay trong lúc này là thái độ phải có khi gặp nạn và phải đối diện với bạo quyền trước trò hề pháp lý của họ. Chúng ta đều biết đây không phải là những phiên tòa. Những gì mà các anh em dân chủ và luật sư của họ nói trong phiên tòa không có ảnh hưởng gì tới kết quả. Chúng ta đã thấy Phan Kim Khánh nhận tội và xin khoan hồng cũng bị xử 6 năm tù như Trần Hoàng Phúc hiên ngang thách thức.

the2

Bị bịt miệng không cho nói, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã trở thành biểu tượng của sự bất khuất trước bạo quyền

Linh mục Nguyễn Văn Lý trước đây nếu không gào thét chống đối ngay tại phiên tòa để bị bịt miệng và trở thành một biểu tượng của sự bất khuất thì cũng vẫn bị 8 năm tù.

Các bản án đều đã được quyết định trước. Nhưng như thế không có nghĩa là các phiên tòa không quan trọng. Đó chính là khoảng khắc tự hào để xác nhận -trước công luận, trước đất nước, trước những người thân và trước lịch sử- con người và lý tưởng của chúng ta. Không thể có chuyện nhận tội và xin giảm án. Như vậy vừa sai và phủ nhận chính mình một cách vừa vô duyên vừa vô ích. Cũng phải bảo đảm trước rằng luật sư của mình sẽ biện hộ một cách đúng đắn, nghĩa là quả quyết với lập luận chính xác và thuyết phục rằng thân chủ của mình hoàn toàn không có tội và không thể bị kết án.

Nếu có những luật sư khuyên hay gợi ý nên nhận tội và xin giảm án thì phải chia tay không nể nang. Cũng không cần làm anh hùng. Những người dân chủ đối diện với bạo quyền còn hơn cả những anh hùng. Họ đại diện cho lẽ phải, cho lòng yêu nước và cho danh dự của dân tộc và phải có thái độ xứng đáng, nghĩa là thái độ trang nhã, an nhiên và nhân hậu. Như Mahatma Gandhi trước tòa án Anh. Họ càng nên có thái độ đó vì trước mặt họ là một hội đồng xét xử không có quyền xét xử, gồm những con người đã cam tâm bán rẻ danh dự và lương tâm để làm những dụng cụ ngoan ngoãn cho một chính quyền gian ác.

Họ chỉ cần nói với các thẩm phán một cách thật nhẹ nhàng đúng như sự thực. Thí dụ như :

"Chúng tôi không có tội gì và các vị cũng biết chúng tôi không có tội gì. Chúng tôi không phủ nhận những gì mình đã làm bởi vì chúng tôi đã chỉ làm những điều mà mọi người Việt Nam đều làm nếu có cơ hội và trên thực tế rất nhiều đã làm, có khi còn mạnh mẽ hơn chúng tôi. Đó là những điều đúng và cần cho đất nước và cũng không trái với pháp luật của chính chế độ này. Sở dĩ chúng tôi bị bắt giam, bị hành hạ và hôm nay bị đưa ra tòa chỉ vì chính quyền này cho rằng chúng tôi có tổ chức, nhưng quyền kết hợp cũng như quyền tự do ngôn luận là những quyền tự nhiên đã được xác nhận trong hiến chương của Liên Hiệp Quốc mà nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã cam kết tôn trọng và cũng được ghi ngay trong hiến pháp của chế độ này.

Các vị kết tội chúng tôi dựa vào kết luận của một ban giám định cho rằng chúng tôi đã vi phạm điều này, điều nọ. Nhưng ban giám định đó là những ai ? Họ có khả năng nào và đã lý luận như thế nào để kết luận rằng chúng tôi có tội ? Trong cáo trạng họ chỉ liệt kê những điều mà ai cũng có thể làm và rất nhiều người đã làm để rồi kết luận chúng tôi có tội. Sao họ không có mặt ở đây hôm nay để đối chất với chúng tôi và để nhân dân thấy mặt ?

Các vị sắp đọc những bản án rất nghiệt ngã đối với những người mà các vị thừa biết là vô tội. Các vị có xét xử theo luật pháp và lương tâm không ? Hay một cách giản dị hơn, các vị có thực sự xét xử không hay chỉ đọc những bản án đã được quyết định trước ? Xin để các vị tự trả lời. Tôi chỉ nói với các vị rằng dân tộc Việt Nam sẽ có tự do và công lý trong một tương lai không xa. Chúc các vị bình an".

Chuẩn bị tinh thần cho khả năng bị bắt và bị ra tòa là điều mà mọi anh em dân chủ trong nước phải làm vì trong tình thế hiện nay ai cũng có thể mắc nạn và chính quyền hung bạo này không thiếu những biện pháp để gây áp lực trên các nạn nhân cũng như gia đình họ. Họ hành hạ và đe dọa cũng như dụ dỗ và hứa hẹn, trong khi sức chịu đựng của mỗi người chỉ có giới hạn.

Trường hợp Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà chắc chắn đã phải khiến mọi người đau lòng. Họ không kháng án vì, sau hai năm rưỡi, họ không còn chịu đựng nổi tình trạng tạm giam nữa và muốn được chuyển sang một nhà tù bình thường.

Còn các luật sư ?

Trong phiên tòa sơ thẩm xử sáu anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ vừa qua một luật sư đã nói trước tòa rằng họ đã bị xét xử vì thành lập Hội Anh Em Dân Chủ nhưng quyền lập hội (đáng lẽ phải gọi là quyền tự do kết hợp mới đúng vì đó là quyền kết hợp với nhau để thành lập các tổ chức dưới mọi dạng không nhất thiết phải là hội) đã được nhìn nhận trong hiến pháp. Đại diện Viện Kiểm Sát đã phản bác rằng quyền này tuy có trong hiến pháp nhưng vì chưa có quy định của luật pháp nên coi như chưa có. Và luật sư đã im lặng.

Thật là đáng ngạc nhiên vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất là cho tới nay phần lớn những người bị đem xét xử trong các vụ án chính trị cũng chỉ làm những điều mà rất nhiều người đã làm, họ bị bắt và bị đưa ra tòa chỉ vì dưới mắt chính quyền cộng sản họ đã hoạt động có tổ chức, dù chỉ là những tổ chức xã hội dân sự lỏng lẻo. Đấu tranh có tổ chức là điều chế độ này sợ nhất. Như vậy tranh luận về quyền kết hợp phải là chủ đề cốt lõi trong các vụ án chính trị và trong phong trào dân chủ nói chung. Tại sao cho đến nay chưa có luật sư nào nêu ra trong các phiên tòa ?

Lý do thứ hai là tại sao vị luật sư nêu ra quyền kết hợp trong phiên tòa vừa rồi –xin hoan hô và cảm ơn- lại im lặng sau khi nhận được câu trả lời ngu xuẩn của đại diện Viện Kiểm Sát ? Câu trả lời này chứng tỏ anh "công tố viên" này chẳng hiểu gì về luật. Anh ta chỉ là một công an làm phận sự đàn áp những người phản kháng.

Các bạn tôi, những người hiểu rõ tình hình trong nước, giải thích rằng đó là vì đa số khối hơn 15.000 luật sư Việt Nam không hiểu gì nhiều về luật mà chỉ là những người chạy án, một số nhỏ hiểu những không dám nói ra. Thiếu kiến thức hoặc thiếu can đảm hoặc cả hai. Họ có thể có lý. Sự kiện nhiều luật sư Việt Nam không hiểu luật là điều đáng buồn nhưng có thực. Bằng chứng là một luật sư khá nổi tiếng đã từng viết trên Facebook của mình rằng luật ở dưới chính trị vì, theo ông này, luật do chính trị làm ra và quyền tự do biểu đạt, hay tự do ngôn luận, phải ở dưới lợi ích quốc gia. Những sai lầm cơ bản này -mà một sinh viên năm thứ nhất trường luật, thậm chí một học sinh trung học, cũng không thể phạm- lại có thể do một luật sư nói ra và còn được một số đồng nghiệp ủng hộ thì quả thực là không tưởng tượng nổi. Như vậy thì phải nhắc lại những điều có thể coi là hiển nhiên.

Không có gì cao hơn luật. Điều này chính Đảng cộng sản Việt Nam, mà văn hóa nền tảng là coi thường sự thật và luật pháp, cũng phải nhìn nhận. Trong điều 4, điều thô lỗ nhất của bản hiến pháp thô lỗ 2013, họ cũng phải viết : "Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Tại sao ? Đó là vì luật là cố gắng thể hiện lẽ phải trong xã hội và không có gì cao hơn lẽ phải. Ngay cả thượng đế mà sai cũng không cần tuân theo. Và vì quyền là nền tảng của luật nên quyền cũng ở trên tất cả và không thể thỏa hiệp.

Trong nhiều ngôn ngữ "quyền" cũng có nghĩa là "luật". Thí dụ như trong tiếng Pháp chữ "droit" vừa có nghĩa là "quyền" vừa có nghĩa là "luật". Những quy định của luật pháp chỉ có mục đích duy nhất là để việc sử dụng một quyền của người này không gây thiệt hại cho một quyền nào đó của người khác. Khi không có một quy định cho một quyền đặc biệt nào đó, như trong trường hợp quyền kết hợp tại Việt Nam, thì điều này chỉ có nghĩa là không có một giới hạn nào trong việc hành xử quyền này cả, trừ khi trong khi hành xử quyền này người ta vi phạm những quy định đã có sẵn trong hơn 200 bộ luật hiện có, như luật hình sự, luật thương mại, luật lao động v.v. Một tổ chức và những người điều hành nó chỉ có thể bị chế tài nếu vi phạm một điều khoản nào trong các luật này nhưng việc thành lập một tổ chức tự nó không vi phạm một quy định nào cả.

Vả lại nếu cần một quy định hướng dẫn việc thành lập các hội đoàn mà sau mấy chục năm vẫn chưa có thì đó là lỗi của chính quyền. Một quyền không bao giờ có thể bị coi là chưa có. Quyền kết hợp là một trong những quyền tự nhiên không cần một sự nhìn nhận chính thức nào cả nhưng đã được nhìn nhận hai lần một cách chính thức và long trọng đối với Việt Nam ; một lần trong hiến chương Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam phải tôn trọng trong tư cách thành viên và một lần ngay trong hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyên tắc của luật là những gì luật không cấm người dân có quyền làm ; việc thành lập các tổ chức tại Việt Nam không những không bị cấm mà còn được chính thức và long trọng nhìn nhận, do đó không thể là lý do để buộc tội bất cứ ai. Điều này phải được nói ra thật minh bạch, trước hết bởi các luật sư.

Một điểm quan trọng khác cần được đặc biệt chú ý là ai có quyền quyết định một người hay một nhóm người đã vi phạm điều khoản nào trong các luật hiện có ? Cho tới nay trong tất cả các vụ án chính trị kết luận các bị cáo đã vi phạm điều 79, 88, 258 đều được nói là do một "ban giám định" mà không ai biết có thực hay không.

Đọc các bản cáo trạng thì thấy ban giám định này chỉ dựa trên những sự kiện mà ai cũng có quyền làm và nhiều người đã làm như viết bài trên Facebook, trả lời phỏng vấn v.v để kết luận rằng các bị cáo đã phạm pháp mà không hề dẫn chứng điều gì trong các bài viết và phỏng vấn này đã vi phạm cái gì và tại sao. Cũng vớ vẩn như nếu thấy một người đưa con đi học rồi kết luận rằng như thế là có đủ bằng chứng rằng người đó đã lên mặt trăng. Ban giám định này không hề gửi báo cáo giám định và đối chất với các bị cáo và luật sư của họ. Họ cũng không có mặt trong các phiên tòa để trả lời những chất vấn. Như vậy những kết luận của ban giám định này hoàn toàn vô giá trị. Dầu vậy chúng đã được dùng để tuyên những bản án 10 hay 15 năm tù. Tại sao chưa thấy luật sư nào nêu lên điểm này ?

Đã thế một số luật sư còn khuyên, hoặc gợi ý, các nạn nhận tội và xin khoan hồng. Họ đứng về phía tội ác thay vì lẽ phải, tiếp tay cho kẻ đàn áp thay vì bảo vệ người vô tội đồng thời cũng là thân chủ của họ.

Phải nói dứt khoát : trong các vụ án thô bạo này trách nhiệm của các luật sư là phải nói thân chủ của mình hoàn toàn vô tội, phải được trả tự do ngay tức khắc và phải được bồi thường thiệt hại. Lẽ phải bao giờ cũng cần được nói ra, ngay cả trong thế yếu. Và thực ra các luật sư vẫn có thể nói những gì cần nói mà không thể bị cáo buộc là khiêu khích hay thách thức. Vấn đề là họ không nghĩ đến việc nói ra những điều phải được nói ra và do đó cũng không tìm cách nói thích hợp.

Nghề luật sư không phải chỉ là một nghề để sinh sống bởi vì nó có quan hệ mật thiết và trực tiếp với giá trị cao nhất trong mọi giá trị : lẽ phải. Nó là một nghề trong đó đạo đức nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, tương tự như nghề y sĩ. Một luật sư thấy thân chủ mình vô tội mà không dám biện luận cũng không khác một thầy thuốc biết bệnh nhân của mình cần một thứ thuốc để sống mà không cho. Đó là một vi phạm đạo đức nghề nghiệp rất lớn, càng lớn vì không ai bị bắt buộc phải chọn nghề luật sư.

Nghề luật sư có hai sứ mệnh nghề nghiệp chính. Một là bảo vệ lẽ phải thông qua việc bảo vệ thân chủ. Hai là, cũng như các nghề luật nói chung, đóng góp để luật pháp ngày càng thể hiện lẽ phải một cách trung thực hơn. Cho tới nay đã có luật sư nào lên tiếng về điều 4 xấc xược của hiến pháp ? Đã có luật sư nào lên tiếng về các điều 79, 88, 258 vớ vẩn, tùy tiện và ác độc của bộ luật hình sự ? Phải nói là rất đáng buồn, vì đó là một bắt buộc nghề nghiệp của họ.

Một liên minh cần thiết và tự nhiên

Từ nhiều năm qua những người dân chủ đã đấu tranh và bị bách hại. Họ đã được sự tăng viện của nhiều thành phần dân tộc, văn nghệ sĩ, nhà báo, tôn giáo, dân oan, ngư dân và cả một sồ đảng viên cộng sản kỳ cựu trong đó có những người đã giữ những chức vụ quan trọng. Trừ các luật sư. Liên minh giữa những người dân chủ và các luật sư đáng lẽ phải tự nhiên và tự động bởi vì nếu nhìn kỹ thì các luật sư là thành phần bị ức hiếp nhất trong chế độ toàn trị này. Nhưng đó có lẽ cũng chính là lý do khiến họ thụ động và bất động.

Không phải đã không có những luật sư tham gia tranh đấu cho dân chủ. Trần Lâm, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định và dĩ nhiên Nguyễn Văn Đài là những thí dụ. Còn có những người khác. Tuy nhiên tất cả những người này không tranh đấu trong cương vị luật gia mà như những người Việt Nam bình thường. Điều này chứng tỏ giới luật sư đã thụ động đến độ mà ngay cả những đồng nghiệp cũng thất vọng.

Sự thụ động của giới luật sư một đặc tính của các chế độ cộng sản còn lại. Chủ nghĩa cộng sản chỉ coi luật pháp như một dụng cụ thống trị. Nghề luật sư trong các nước cộng sản chỉ mới xuất hiện gần đây, khi phong trào cộng sản thế giới bắt đầu sụp đổ và các chế độ cộng sản còn lại bắt buộc phải thỏa hiệp với thế giới dân chủ. Các luật sư Việt Nam vì vậy còn mới trong nghề và không được hưởng di sản của các đàn anh. Đã thế, chế độ còn coi giới luật sư như là một mối nguy và kiểm soát rất gắt gao, chỉ chấp nhận cho hành nghề luật sư những người mà họ đánh giá là không nguy hiểm, những người vừa không có ý định vừa không có khả năng phản kháng. Nếu có những luật sư "không tốt", nghĩa là không đáp ứng tiêu chuẩn này thì họ tìm mọi lý cớ để loại ra, như trường hợp luật sư Võ An Đôn.

Hậu quả của chính sách kìm kẹp này là giới luật sư thực ra là thành phần bị chèn ép nhất. Họ không giầu có và cũng không có tự do. Đã thế còn gần như bị quản chế trong sinh hoạt nghề nghiệp và bị bắt buộc phải phản bội hàng ngày ngay chính đạo đức nghề nghiệp của mình. Tình trạng này không thể kéo dài khi Việt Nam đã mở cửa ra thế giới. Các luật sư đang khám phá ra rằng chính họ là những người cần dân chủ pháp trị nhất. Lý do khiến họ thụ động –vì bị trói buộc- sẽ dần dần trở thành lý do thôi thúc họ tham gia cuộc vận động dân chủ. Lúc đó tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng.

Kinh nghiệm các cuộc đấu tranh cho dân chủ trên thế giới cho thấy chúng thường diễn ra theo một kịch bản quen thuộc. Mới đầu là một số trí thức lãng mạn đấu tranh vì một lý tưởng mà họ thấy là đúng và đẹp. Những con người ít ỏi này gần như cô đơn và chịu rất nhiều cay đắng trong nhiều năm. Hy vọng bắt đầu ló dạng khi họ lôi kéo được một thành phần xã hội khác, các văn nghệ sĩ và các nhà báo. Đây là những người cũng ít nhiều lãng mạn, có nhu cầu phát biểu và cũng có nhiều tài năng phát biểu nhất trong xã hội, do đó cần tự do để phát biểu và sáng tạo. Sự nhập cuộc của họ khiến cuộc vận động dân chủ trở thành sôi nổi hơn và kéo theo thành phần kế tiếp : các luật sư, những người mà nghề nghiệp là bảo vệ công lý nhưng lại bị bắt buộc phải tiếp tay chà đạp công lý, nghĩa là phản bội lương tâm và nghề nghiệp của chính mình, với kết quả là họ vừa bị chính quyền ức hiếp vừa bị xã hội coi thường, lại cũng không giầu vì nghề của mình không lớn lên được. Mặt khác họ lại có khả năng đóng góp lớn cho cuộc đấu tranh dân chủ vì hiểu biết cơ chế vận hành của xã hội và có thể phản bác một cách chính xác và thuyết phục.

Khối luật sư là một trái bom nổ chậm trong lòng các chế độ chà đạp nhân quyền. Sự nhập cuộc của họ sẽ là một bước đột phá lớn cho cuộc vận động dân chủ. Sau đó sẽ đến lượt các ngành nghề khác. Rồi khi thanh niên, sinh viên và học sinh đứng dậy thì giờ cáo chung của chế độ độc tài đã đến.

Hiện nay giới nhà báo và văn nghệ sĩ đã nhập cuộc khá đông đảo, ít nhất đủ để khiến thành phần "trung với Đảng" trở thành vớ vẩn. Bao giờ đến lượt các luật sư ?

Những con én đầu tiên báo hiệu mùa xuân đã xuất hiện. Người ta đã có thể nhận diện được hơn mười người. Còn rất ít so với con số trên 15.000 luật sư nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều người khác. Một đốm lửa nhỏ trong một đám củi khô có thể bùng lên rất nhanh chóng.

Một lời sau cùng. Tôi không biết gì nhiều về luật sư Võ An Đôn, về khả năng cũng như về thân thế và cuộc sống riêng tư của anh. Điều tôi nhận xét là anh đã là người luật sư đầu tiên đứng lên phản kháng với tư cách một luật sư. Xin cảm ơn anh và xin tặng anh một bông hồng.

Nguyễn Gia Kiểng

(02/06/2018)

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm

Trò chuyện với luật sư Võ An Đôn, những ngày cuối năm 2017

vad1

Trò chuyện với luật sư Võ An Đôn

Đây không phải là một cuộc phỏng vấn. Bởi một cuộc phỏng vấn thì tôi sẽ phải chọn lựa cách nói, xoay trở cách trình bày cho chỉn chu.

Nhưng nếu như vậy, thì sẽ không thể mô tả được một tính cách của Đôn. Tính cách đã đem lại cho anh sự thương mến từ rất nhiều người, cũng như sự ghét bỏ từ không ít người.

Tôi giữ nguyên cách xưng hô của Đôn, như một người anh em. Nhưng đó không phải là riêng với mối quan hệ quen biết với tôi, mà hầu hết các cuộc phỏng vấn của VOA, BBC, RFA, SBS... Đôn vẫn luôn xưng hô như vậy: nhũn nhặn và gần gũi.

Đôn có biệt hiệu là "luật sư chăn bò" - một cách gọi mà các đồng nghiệp một thời không kìm nổi sự tức giận đã thốt lên như vậy. Nhưng Đôn đón nhận hình ảnh đó một cách tự nhiên như một phần đời của mình. Trong cuộc nói chuyện với Đôn, tiếng gà kêu, tiếng trẻ con nghêu ngao... vẽ cho tôi một bức tranh về cuộc sống của Đôn. Anh bước ra từ bùn đất quê nhà, và khi phải quay lại, thì anh đón nhận mọi thứ thật an nhiên.

Tôi chọn luật sư Võ An Đôn làm người trò chuyện để khép lại một năm đầy biến động. Một năm mà người làm nghề tìm công lý cho kẻ khác, đã không thể nhìn thấy ngay trên số phận của mình.

Tuấn Khanh : Sau khi bị khai trừ khỏi danh sách luật sư đoàn tỉnh Phú Yên, hiện nay Đôn đã làm gì hồi đáp sự kiện đó ?

Võ An Đôn : Dạ, sau khi Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đã loại em ra khỏi danh sách luật sư đoàn, thì em đã có làm đơn khiếu nại gửi lên Liên đoàn luật sư Việt Nam. Nhưng đến nay thì chưa thấy phản hồi gì anh à.

Tuấn Khanh : Khác với năm 2015, khi Đôn có dấu hiệu bị rút thẻ hành nghề, thì đã có sự can thiệp rất rõ ràng từ Liên đoàn luật sư Việt Nam. Nhưng nay, vì sao mọi thứ lại im lặng khó hiểu như vậy ?

Võ An Đôn : Năm 2015, liên ngành tư pháp của Phú Yên gồm công an, Viện kiểm sát, tòa án có ra văn bản kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề hành của em. Lúc đó thông tin được Luật sư đoàn tỉnh Phú Yên cho biết đã khiến báo chí và dư luận phản ứng rất mạnh. Rồi chủ tịch nước là ông Trương Tấn Sang đã chỉ đạo cho các cơ quan ở tỉnh Phú Yên phải rút lại quyết định đó. Có lẽ vì vậy mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cử 3 người xuống để bảo vệ em.

Nhưng lần này thì khác rồi anh. Theo Luật sư đoàn tỉnh Phú Yên cho biết thì việc khai trừ đã diễn ra rất gấp rút, ngay sau khi em cho biết tin tức liên quan đến Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở trong tù. Và có tin là Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ đạo việc khai trừ em, cũng như nhiều cơ quan khác nữa, nên phải làm nhanh gọn. Đó là vì sao lần này diễn biến không giống như lần trước.

Tuấn Khanh : Ngay trước, và sau khi có tin Đôn bị rút thẻ hành nghề, đã có những tin rò rỉ, nhạo báng… từ những luật sư không đồng quan điểm với Đôn. Họ có thông tin trước về một vụ loại bỏ và sử dụng như kiểu tấn công tinh thần một cách hạ cấp. Không khí hả hê về một vụ trừng phạt một thành viên của đoàn luật sư như vậy, có vẻ như rất khác với hoạt động minh xét vì quy chuẩn nghề nghiệp ?

Võ An Đôn : Em nghĩ rằng cũng có cơ sở để suy luận như vậy. Bởi việc tước thẻ hành nghề của em là từ sự chỉ đạo của bên trên. Do đó, em tin rằng dù làm đơn và các đồng nghiệp thông cảm cùng làm đơn kiến nghị cũng không ăn thua, vì đã có sự chỉ đạo từ trung ương.

Người ta không muốn em làm luật sư nữa vì em tham gia nhiều vụ án nhạy cảm ở Việt Nam. Những vụ án oan. Những vụ công an dùng nhục hình đánh dân… Tính của em thì khi tham gia, không chịu được thì chỉ có thể nói hết, nói sự thật. Các cơ quan tố tụng thì không muốn vậy nên tìm cách ngăn lại thôi.

Tuấn Khanh : Có hy vọng gì về việc lấy lại quyền hành nghề luật sư không ? Lẽ nào có một sự thật khác, ngoài bộ mặt trơ trẽn của nghề luật sư Việt Nam qua câu chuyện này, là Đôn bị tước thẻ bởi vì “khó ưa” ?

Võ An Đôn : Em nghĩ là không có hy vọng lấy lại được quyền hành nghề anh à. Mọi thứ như em nói, là đã được chỉ đạo có hệ thống nên chuyện lấy lại quyền hành nghề luật sư là rất mong manh. Mặc dù lý do để tước quyền luật sư của em là họ kết tội em nói xấu chế độ, nói xấu chính quyền… nhưng lại không có chứng minh gì về lời kết tội đó. Nên có cố gắng thì không được gì nữa. Em nghĩ vậy.

Tuấn Khanh : Luật sư thì bị tước thẻ với lý do mơ hồ. Còn tất cả các vụ án về chính trị hay dân quyền, nhân quyền mà các luật sư tham gia trong năm 2017 thì lại hoàn toàn thất bại. Không có một sự bào chữa nào thành công, thậm chí luật sư còn bị khước từ quyền tranh tụng, hay đòi hỏi triệu tập nhân chứng, văn bản phân tích khoa học ngay tại tòa… vậy theo Đôn, 2017 có nên gọi là một năm thất bại của nghề luật sư Việt Nam không ?

Võ An Đôn : Dạ, lâu nay các vụ án liên quan đến nhân quyền mà được các luật sư nhận lời tham gia cũng không nhiều, bởi phần lớn người ta sợ Nhà nước gây khó khăn cho công việc làm ăn, hay rồi bị rút thẻ như em. Nhưng thật lòng mà nói, cho đến lúc này thì hầu hết các vụ án liên quan đến nhân quyền thì luật sư chỉ còn đóng vai trò tham gia cho có vậy thôi anh. Bản án thì đã được ấn định trước. Luật sư đang dần trở thành người chỉ còn có vai trò đưa thông tin cho nạn nhân, bị cáo, rồi chuyển lời nhắn đến gia đình…

Vai trò luật sư thiếu sức mạnh đúng của mình. Ngoài chuyện là người xuất hiện chuyện trò, an ủi, động viên những ai đang vướng vào vụ án trong lúc họ sợ hãi hay cô đơn, thì đôi khi luật sư phải nhờ đến dư luận bên ngoài, bằng cách phát đi thông tin cho mọi người quan tâm và ủng hộ. Còn để giảm được án hay bào chữa cho thoát án thì không thể, anh à.

Tuấn Khanh : Nói như vậy, luật sư và tòa án ở Việt Nam hiện ra phần lớn như một loại nghệ thuật trình diễn, ít khi đạt được giá trị công lý ?

Võ An Đôn : Dạ đúng vậy anh à. Ở tòa án, hầu hết các bản án đều đã định trước, thỉnh thoảng có chút thay đổi. Đặc biệt án chính trị hay nhân quyền thì vai trò luật sư để góp mặt vậy thôi chứ không ai quan tâm họ nói gì. Trong giới tụi em thì nói đùa là tới để đủ mâm đủ cỗ thôi. Làm nghề luật sư đôi khi chứng kiến những chuyện diễn ra mà không làm gì được nên cũng buồn lắm. Đó là lý do mà em nói rằng nghề luật sư ở Việt Nam chỉ còn sống bằng nghề chạy án thôi là vậy đó.

Tuấn Khanh : “Đủ mâm, đủ cỗ” – tính hình thức tạm bợ đó, có phải đã khiến các phiên xử nhân quyền hay chính trị thường diễn ra rất nhanh, mặc dù còn rất nhiều chứng cứ, nhân chứng hay luận cứ cần phải được tranh tụng trước tòa. Thậm chí mới đây có vụ xét xử 9 với tội người chống chế độ ở Bình Định, rồi kế đến là 15 người mang tội khủng bố ở Sài Gòn, lại chỉ diễn ra chỉ trong 1, 2 ngày, nhanh đến ngạc nhiên ?

Võ An Đôn : Dạ, thì ai cũng biết án thì do chỉ đạo nên diễn ra nhanh chóng thôi anh. Các mức án thì mỗi lúc càng cao. Em nghĩ Nhà nước đang muốn dùng các mức án này để khiến cho những người muốn đấu tranh không dám hành động nữa. Án cao và xử nhanh, không có cơ hội thay đổi là nhằm cho mọi người khiếp sợ.

Ở Việt Nam thì không có tam quyền phân lập, nên các vụ án sẽ luôn gặp trường hợp thiếu khách quan, thiếu minh bạch. Và nếu không có thay đổi thì mọi thứ sẽ mãi mãi như vậy thôi.

Tuấn Khanh : Trở lại câu chuyện riêng của Đôn, có nhiều người nói lẽ ra Đôn đã có một tương lai tốt đẹp hơn, nếu không phát ngôn làm trái ý nhiều người. Mọi thứ có thể gọi là vạ miệng, Đôn có hối tiếc về những gì mình đã nói không ?

Võ An Đôn : Em nghĩ mình không có hối tiếc đâu anh. Vì những gì em nói ra hay không thì dân chúng cũng đã biết từ lâu rồi. Em chỉ khẳng định với tư cách là người chứng kiến thôi.

Khi em nói là luật sư Việt Nam chạy án, thì cũng nhiều đồng nghiệp bực bội, chính quyền thì không ưa. Em biết em nói thì cũng thiệt hại cho mình, nhưng nếu mình không nói thì cũng không ai nói. Em nói cũng chỉ mong cho nghề luật sư rồi sẽ có một lúc nào đó thay đổi và tốt đẹp hơn.

Nói thật để dân chúng không quá hy vọng vào khả năng luật sư trong nền luật pháp hiện nay, rồi tin rằng công lý là có thật, để rồi thất vọng.

Em nói là cũng mô tả hiện trạng và đòi hỏi sự thay đổi, chỉ mong tốt cho những đồng nghiệp cũng trong tâm trạng như mình mà không thể nói được thôi. Em không hối tiếc những gì đã nói ra đâu anh.

Tuấn Khanh : Nhưng cũng có ý kiến nói rằng Đôn cũng cần phải thỏa hiệp để có thể sống dược với nghề. Rất nhiều luật sư đang phải như vậy mà ?

Võ An Đôn : Dạ đó là quan điểm cá nhân, chọn lựa để sống yên. Nhưng quan điểm của em thì sống làm nghề luật sư, thì phải lựa chọn nói thật. Bởi luật pháp và công lý là sự thật, thì em cũng muốn được nói thật. Em biết nói thật thì khó nghe nhưng rồi nó sẽ tác động vào việc thay đổi xã hội.

Nếu em không học cách nói thật, thì em cũng như mọi người, thỏa hiệp với sự bất công mà sống thì xã hội này sẽ ra sao? Dạ, em không muốn sống như vậy.

Tuấn Khanh : Nhưng như vậy, Đôn có cảm thấy mình trở nên cô đơn không ? Chẳng hạn như lúc nào ?

Võ An Đôn : Dạ thiệt tình em thấy buồn lắm vì không còn được làm nghề luật sư nữa để giúp cho mọi người. Nhưng cũng an ủi khi thấy dư luận xã hội vẫn không quên em. Đi ngoài đường, người ta không coi em là người thất thời, mà cũng mời em café, nói chuyện chào hỏi… nên em cũng hạnh phúc lắm anh à.

Tuấn Khanh : Để nói một lời kết thúc năm 2017, hướng về năm mới 2018, Đôn muốn gửi lời gì đến mọi người quan tâm đến câu chuyện của Đôn ?

Võ An Đôn : Em cảm ơn lắm, việc mọi người quan tâm đến em, giúp em đi qua những giờ phút khó khăn của đời mình. Trong năm mới, em chỉ mong mọi người hãy dành thêm sự quan tâm, kêu gọi cho sự thay đổi cho luật pháp ngày càng làm đúng công việc phục vụ cho người dân, cho xã hội. Lúc đó thì em cũng như mọi người đều chung một niềm vui, anh à.

Tuấn Khanh ghi

Nguồn : RFA, 30/12/2017 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn

Một luật sư ở Sài Gòn nói với BBC rằng việc xử lý luật sư Võ An Đôn với lý do "Lợi dụng quyền tự do ngôn luận" sẽ là tạo một tiền lệ rất xấu.

vuvad1

Luật sư Võ An Đôn nói với BBC rằng 'ông bị tước thẻ nên phải làm nông mưu sinh'

Hôm 27/11, báo Việt Nam dẫn lời đại diện Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên giải thích quyết định nêu trên là vì ông Đôn "lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam".

Động thái này nghĩa là ông Đôn không thể tham dự phiên phúc thẩm xử blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) hôm 30/11 với tư cách một trong bốn luật sư bào chữa.

'Tiền lệ xấu'

Hôm 29/11, trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói : "Tôi không nghĩ rằng có sự chia rẽ trong giới luật sư về việc ông Võ An Đôn vừa bị Đoàn luật sư Phú Yên kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư. Tôi biết có một vài luật sư cho rằng hình thức xử lý kỷ luật này là thích đáng".

"Tuy nhiên, tôi đoán chắc rằng số đó có ý kiến rất cá biệt. Mà ý kiến của luật sư Trần Vũ Hải cho rằng việc xử lý luật sư Đôn như thế là không chính đáng và cũng thiếu cơ sở pháp luật mới đích thực là quan điểm chung mà nhiều luật sư quan tâm đến sự kiện này cùng chia sẻ".

Ông Mạnh nói thêm : "Đồng thời, giới luật sư cũng chia sẻ một mối lo ngại chung rằng việc xử lý luật sư Đôn với lý do "Lợi dụng quyền tự do ngôn luận" sẽ là tạo một tiền lệ rất xấu, ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận là một quyền hiến định và cũng là một quyền mà giới luật sư thường hành xử trong quá trình hành nghề cũng như phản biện xây dựng xã hội".

"Thế nên, hiện có sự vận động chung của luật sư từ nhiều tỉnh thành cùng ký tên vào đơn kiến nghị chung gởi đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị xem xét lại vấn đề. Bởi lẽ, theo quy định của Luật Luật sư, thì hiện Liên đoàn Luật sư Việt Nam là nơi có thẩm quyền xem xét lại việc kỷ luật ông Đôn".

"Việc giới luật sư vận động cùng ký tên vào đơn kiến nghị chung không chỉ mang ý nghĩa bảo vệ cá nhân ông Đôn, mà mục tiêu chung là bảo vệ sự chính đáng trong hoạt động nghề nghiệp luật sư".

"Về phương diện cá nhân, cho dù ông Đôn đã từng có một số phát biểu cảm tính và chủ quan gây khó chịu cho nhiều người trong giới luật sư, thế nhưng, điều đó đã không ngăn cản nhiều luật sư đã từng khó chịu, thậm chí bị phiền nhiễu trước đây khẳng định rằng sẽ ký tên vào đơn kiến nghị chung".

"Với tư cách là một luật sư, tôi đã cùng góp ý vào dự thảo đơn kiến nghị và vận động các đồng nghiệp của mình để ký đơn", Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với Ben Ngô của BBC Tiếng Việt.

Published in Việt Nam

Luật sư Võ An Đôn 'bị tước thẻ phải làm nông mưu sinh' (BBC, 27/11/2017)

Luật sư Võ An Đôn nói với BBC hôm 27/11 rằng ông "sẽ tiếp tục làm nông một khi bị tước thẻ hành nghề" trong lúc báo Việt Nam dẫn lời giới chức nói "xóa tên luật sư Đôn khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên vì ông này lợi dụng quyền tự do ngôn luận".

vad1

Luật sư Võ An Đôn nói : "Như vậy, tôi chỉ còn cách tiếp tục làm ruộng, vườn ở nhà để mưu sinh, ai nhờ tư vấn pháp luật thì giúp".

Báo Tuổi Trẻ hôm 26/11 dẫn lời một đại diện ẩn danh của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên cho biết tổ chức này "đã bỏ phiếu thống nhất hình thức kỷ luật xóa tên luật sư Võ An Đôn khỏi Đoàn luật sư tỉnh".

Một số vụ tiêu biểu mà luật sư Võ An Đôn nhận bào chữa

"Theo vị này, ông Võ An Đôn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam. Dù đoàn đã mời làm việc nhiều lần, nhắc nhở nhưng ông Đôn không thừa nhận, không khắc phục sai phạm", tờ báo viết.

'Nguyên nhân sâu xa'

Trả lời BBC hôm 27/11, luật sư Võ An Đôn nói : "Tôi chưa nhận được quyết định chính thức về việc này".

"Tuy vậy, tôi nghĩ Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên làm theo chỉ đạo của cấp trên và lấy cớ này nọ thôi".

"Nguyên nhân sâu xa là vì tôi bào chữa cho người nghèo và các tù nhân lương tâm".

"Cũng có thể hiểu là họ làm vậy để ngăn tôi tham dự phiên phúc thẩm xử blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) hôm 30/11".

"Bà Quỳnh muốn tôi tham gia bào chữa cho bà cùng một số luật sư khác".

Cũng đang có tranh cãi về phát ngôn của ông Đôn trên mạng xã hội rằng : "Mẹ Nấm tiết lộ cho chúng tôi biết một thông tin quan trọng : luật sư Hà Huy Sơn [người cùng bào chữa cho Mẹ Nấm] vào trại giam thăm Mẹ Nấm, đã chuyển thông điệp từ phía cơ quan an ninh rằng "Nếu tại phiên tòa phúc thẩm, Mẹ Nấm nhận tội và từ chối hai luật sư miền Nam bào chữa, thì sẽ được giảm án rất nhiều" (Hai luật sư miền nam ở đây là tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành)".

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông Đôn nói thêm :

"Việc xóa tên tôi khỏi Đoàn luật sư tỉnh đồng nghĩa với việc sẽ tiến tới việc Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi".

"Tôi dự định sẽ khiếu nại quyết định này, nhưng do văn bản có hiệu lực thi hành ngay từ hôm 26/11 nên tôi hiện không thể hành nghề".

"Như vậy, tôi chỉ còn cách tiếp tục làm ruộng, vườn ở nhà để mưu sinh, ai nhờ tư vấn pháp luật thì giúp".

Ông cũng cho hay, từ năm 2014, Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên từng vài lần đề nghị tước thẻ hành nghề luật sư của ông sau khi ông nhận bào chữa cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị công an dùng nhục hình đánh chết.

BBC gọi điện và email cho luật sư Nguyễn Hương Quê, chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên nhưng chưa nhận được phản hồi.

*************************

Luật sư Võ An Đôn bị khai trừ trước phiên tòa phúc thẩm Blogger Mẹ Nấm (Người Việt, 26/11/2017)

Giới luật sư Việt Nam hôm 26 tháng Mười Một xôn xao trước tin Luật sư Võ An Đôn bị Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư của tỉnh này.

vad2

Luật sư Võ An Đôn và thân chủ, dân oan Cấn Thị Thêu (hiện vẫn đang trong tù). (Hình : Facebook Đôn An Võ)

Luật sư Nguyễn Khả Thành, người xác nhận tin này, cho hay, quyết định của Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên có hiệu lực kể từ ngày ký (hôm 26 tháng Mười Một, với tỷ lệ phiếu thuận là 66,66%. Điều đó có nghĩa là ông Đôn không thể xuất hiện với tư cách một trong các luật sư được cấp phép bào chữa cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm trong phiên tòa phúc thẩm 30 tháng Mười Một tại Tòa án nhân dân Nha Trang. Ông Thành nói : "Có người vui cũng có kẻ buồn. Có lẽ Luật sư Đôn đã dự báo trước chuyện này".

Báo Pháp Luật hôm 26 tháng Mười Một tường thuật : "Theo Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, lý do kỷ luật là ông Võ An Đôn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt ; nói xấu giới luật sư, các cơ quan tố tụng, đảng, nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của đảng, nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và giới luật sư Việt Nam. Dù Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đã nhiều lần họp nhắc nhở nhưng ông Đôn không thừa nhận sai phạm, không khắc phục".

Tên tuổi của Luật sư Võ An Đôn được biết đến qua những vụ bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu, một trong những dân oan Dương Nội và các nhà hoạt động khác bị cáo buộc Điều 88, 258…

Ông cũng là một trong các luật sư được cấp phép bào chữa cho bà Như Quỳnh trong phiên sơ thẩm và phúc thẩm.

Hồi tháng Tám, ông từng cho biết mình bị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đe dọa kỷ luật và tước thẻ hành nghề do những phát ngôn trên mạng xã hội và trả lời báo đài nước ngoài "nhưng vì lương tâm nên vẫn phải phát biểu".

Vài ngày trước khi bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, ông Đôn gây tranh cãi trên mạng xã hội khi cho biết : "Hôm tôi vào Trạm Giam Công An tỉnh Khánh Hòa thăm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Mẹ Nấm tiết lộ : Luật sư Hà Huy Sơn (người cũng được cấp phép bào chữa cho bà Quỳnh) vào trại giam thăm và chuyển thông điệp từ phía Cơ Quan An Ninh rằng ‘Nếu tại phiên tòa phúc thẩm Mẹ Nấm nhận tội và từ chối hai luật sư miền Nam bào chữa, thì sẽ được giảm án rất nhiều’ (Hai luật sư miền Nam ở đây là tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành). Tôi đã khuyên Mẹ Nấm : ‘Nếu em cho rằng mình vô tội thì một mực kêu oan từ đầu đến cuối ; nếu em nhận tội thì xem như công việc đấu tranh của em vô nghĩa ; đây là lời khuyên của anh, còn việc em nhận tội hay không là do em tự quyết định’. Mẹ Nấm trả lời : ‘Dù em có bị phạt tù 15 năm hay 20 năm thì em cũng không nhận tội’".

Hồi tháng trước, ông Đôn viết trên trang cá nhân : "Tôi nói ra sự thật với tấm lòng mong muốn cho nghề luật sư ở Việt Nam được tốt đẹp hơn, để công lý và công bằng đến với mọi người. Sau khi tôi viết nhiều bài về đề tài luật sư chạy án, đồng nghiệp ở khắp nơi ném đá dữ dội, họ chửi, họ nguyền rủa, họ nói tôi là kẻ phản bội, nói xấu luật sư và sẽ bị Đoàn Luật sư tỉnh nhà đưa ra kỷ luật. Tôi biết trước việc này sẽ xảy ra nhưng phải nói, vì nếu tôi không nói thì lương tâm tôi cắn rứt không chịu được. Nếu tôi bị kỷ luật rút thẻ luật sư thì tôi vẫn không hối hận việc mình đã nói. Đoàn Luật sư phải hiểu rõ nói thật thì khác nói xấu : nói thật là nói ra những điều có thật mọi người đều biết, còn nói xấu là chuyện không nói có !" (T.K.).

Published in Việt Nam
lundi, 27 novembre 2017 18:14

Tôi bị tước thẻ luật sư

Hôm 26/11/2017, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư họp quyết định kỷ luật tôi với hình thức : xóa tên khỏi danh sách Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên.

congly1

congly2

Quyết định xóa tên luật sư Võ An Đôn ra khỏi danh sách Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên

Quyết định này có hiệu lực ngay, kể từ đây ước mơ làm luật sư bào chữa cho dân nghèo và người cô thân yếu thế của tôi coi như chấm dứt, để lại nhiều vụ án oan đang làm dở dang.

Đoàn luật sư cho rằng tôi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, trả lời phỏng vấn các báo đài nước ngoài và nói xấu luật sư, để xóa tên tôi khỏi danh sách Đoàn luật sư là mang tính áp đặt, vô căn cứ.

Đoàn luật sư không làm tròn nghĩa vụ cao cả của mình là bảo vệ luật sư, mà làm theo sự chỉ đạo từ phía an ninh, kỷ luật tôi gấp gáp ngay trong ngày chủ nhật, không có mặt tôi. Nhằm mục đích không cho tôi tham gia bào chữa cho blogger Mẹ Nấm, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30/11/2017.

Những luật sư quyết định xóa tên tôi khỏi danh sách Đoàn luật sư gồm : luật sư Ngô Thiên Phương (Chủ tịch Hội đồng kỷ luật) và luật sư Ngô Minh Tùng (thành viên Hội đồng kỷ luật) đề nghị hình thức kỷ luật đối với tôi. luật sư Nguyễn Hương Quê (Chủ nhiệm Đoàn luật sư) và luật sư Nguyễn Tâm Hoàng (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư) bỏ phiếu quyết định xóa tên tôi khỏi Đoàn luật sư.

Mong cộng đồng hãy lên tiếng bảo vệ tôi, để tôi trở lại làm luật sư bào chữa cho dân nghèo, người cô thân yếu thế và tù nhân lương tâm.

Võ An Đôn

Nguồn : fb : Đôn An Võ, 27/11/2017

******************

Ai ám sát công lý ở Phú Yên ?

Võ Văn Tạo, 27/11/2017

luật sư tâm huyết và can đảm, chính trực hiếm có – chuyên bảo vệ nạn nhân của bạo quyền hắc ám – Võ An Đôn vừa bị 2/3 thành viên Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Phú Yên tán thành ra quyết định xóa tên khỏi đoàn luật sư tỉnh vào chiều 26/11/2017.

congly3

luật sư Võ An Đôn bên những thân chủ nghèo khó, thấp cổ bé họng, nạn nhân của bạo quyền hắc ám. Ảnh : internet

Những người theo dõi vụ án thanh niên Ngô Thanh Kiều, bị Công an điều tra thành phố Tuy Hòa bắt giam và tra tấn đến chết, đều biết ban đầu Phó công an Tuy Hòa là thượng tá Lê Đức Hoàn lọt lưới pháp luật. luật sư Võ An Đôn đã cương quyết và kiên trì đòi công lý cho nạn nhân và gia đình. Rốt cục, tên Hoàn bị cách chức, truy tố, 9 tháng tù treo.

Với những vụ án được coi là "nhạy cảm" tương tự vụ này, chóp bu đảng cộng sản luôn dài tay chỉ đạo. Ở đây, trực tiếp là Nguyễn Thái Học, Trưởng ban nội chính Tỉnh ủy Phú Yên. File ghi âm lời Học cay cú, hằn học, trịch thượng và vô pháp đòi "truy sát" bằng được Đôn trong cuộc họp do Ban Nội chính chủ trì với đại diện Sở Tư pháp và toàn thể thành viên Đoàn luật sư tỉnh bị trưng lên mạng cho công chúng tỏ tường, bộc lộ dã tâm đen tối ấy.

Những vụ Đôn bảo vệ cho giới tranh đấu vì nhân quyền, dân oan thấp cổ bé họng… làm giới chức hắc ám không chỉ của Phú Yên điên tiết.

Nại cớ Võ An Đôn viết FB, trả lời phỏng vấn truyền thông quốc tế, giới chức hắc ám xuyên tạc sự thật mà Đôn phanh phui thành "nói xấu" đồng nghiệp và các cơ quan tố tụng. Chúng giật dây Đoàn luật sư tỉnh loại Đôn khỏi đội ngũ vốn ít ỏi luật sư Việt Nam tâm huyết, can đảm bênh vực nạn nhân của bạo quyền.

Được biết, những "tên lính xung kích" trong vụ trả thù bẩn thỉu và hèn hạ này là Ngô Thiên Phương – Trưởng ban và Ngô Minh Tùng – Ủy viên Ban Khen thưởng và kỷ luật của Đoàn luật sư Phú Yên. Hai thành viên trong Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư Phú Yên là Chủ nhiệm Nguyễn Hương Quê và Phó Chủ nhiệm Nguyễn Tâm Hoàng đã cam chịu nhục nhã cúi đầu trước cái ác.

*

Theo quy định của luật pháp, luật sư Đôn có quyền khiếu nại quyết định hắc ám nói trên lên Liên Đoàn luật sư Việt Nam. Động thái tới đây của Liên đoàn sẽ một phần cho thấy ở Việt Nam có công lý hay không ? Danh dự, uy tín của giới luật sư Việt Nam.

Bộ Tư pháp Việt Nam, với trách nhiệm và thẩm quyền nhà nước trong vụ này, nên coi đây là một dịp để minh chứng với quốc tế rằng Việt Nam đang nỗ lực hướng tới một Việt Nam thượng tôn pháp luật theo khuyến cáo, hỗ trợ và mong đợi lâu nay của cộng đồng quốc tế, nhất là trong bối cảnh hình ảnh không mấy hay ho của Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh với Cộng hòa liên bang Đức và Liên Hiệp Châu Âu.

Võ Văn Tạo

_____

Đã xác định được luật sư bỏ phiếu loại luật sư Võ An Đôn

Phạm Lê Vương Các, 27/11/2017

Dù chúng ta thừa hiểu rằng, việc loại luật sư Võ An Đôn là có "chỉ đạo", nhưng việc Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên là cơ quan ra quyết định và là người chịu trách nhiệm cuối cùng về quyết định của mình, buộc cộng đồng phải truy cứu trách nhiệm về những cá nhân trong Ban chủ nhiệm.

congly4

Danh sách Đoàn Luật sư Phú Yên - Ảnh : FB Phạm Lê Vương Các

Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên bao gồm 22 luật sư thành viên (tính đến tháng 6/2017). Ban chủ nhiệm hiện tại của Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên gồm 3 người, đó là luật sư Nguyễn Hương Quê (Chủ nhiệm), luật sư Nguyễn Tâm Hoàng (Phó Chủ nhiệm), và luật sư Nguyễn Khả Thành (Phó Chủ nhiệm). Theo quy chế, để xóa tên một luật sư thành viên cần 2/3 số phiếu đồng ý trong Ban chủ nhiệm.

Theo thông tin từ RFA cho biết, luật sư Nguyễn Khả Thành là người bỏ phiếu chống lại việc khai trừ luật sư Đôn, điều này đồng nghĩa với việc 2 luật sư còn lại trong Ban chủ nhiệm là người đã bỏ phiếu thuận khai trừ luật sư Đôn, đó là luật sư Nguyễn Hương Quê và Nguyễn Tâm Hoàng.

Điều này là phù hợp với con số 66,66% số phiếu thuận đồng ý xóa tên, tước thẻ hành nghề của luật sư Đôn, mà đại diện Ban chủ nhiệm công bố cho báo chí. Con số 66,66% nghe có vẻ hoành tráng, nhưng thật ra nó chỉ là sản phẩm từ 2 vị luật sư Nguyễn Hương Quê và Nguyễn Tâm Hoàn.

Chúng ta cần đánh động dư luận về 2 vị luật sư này, buộc họ phải chịu trách nhiệm và trả giá cho việc tán thành một một quyết định "phi đạo đức và phi công lý" nhắm vào một đồng nghiệp của họ.

Luật sư Đôn vẫn còn cơ hội khiếu nại về việc này lên Liên Đoàn luật sư Việt Nam – và đây là cơ quan có thể đảo ngược quyết định của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên.

Không biết trong thời gian tới Liên Đoàn luật sư Việt Nam sẽ đồng ý hay không đồng ý với quyết định xóa tên luật sư Đôn ? Nếu là tôi, tôi thà từ chức, thà bỏ nghề chứ nhất quyết không bao giờ tán thành một quyết định phi đạo đức và phi công lý như vậy.

Đơn giản vì một quyết định tai hại như vậy có thể hủy hoại cả sự nghiệp và đời sống của một con người.

Phạm Lê Vương Các

Nguồn : Tiếng Dân, 27/11/2017

Published in Diễn đàn