Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/12/2018

Luật sư Võ An Đôn kiện, giải thưởng nhân quyền cho tù nhân chính trị

RFA tiếng Việt

Luật sư nhân quyền Võ An Đôn kiện việc bị tước thẻ (RFA, 05/12/2018)

Luật sư Võ An Đôn, người bị tước thẻ hành nghề vì công khai lên tiếng cho nhân quyền vào ngày 4 tháng 12 nộp đơn khởi kiện Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long ra tòa án tỉnh Phú Yên nhằm yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại ngày 15/11 và trả lại quyền hành nghề luật sư cho ông.

vad1

Luật sư Võ An Đôn đi kiện tại tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên. Courtesy FB Võ An Đôn

Nói với Đài Á Châu Tự Do vào tối 5/12, luật sư Võ An Đôn cho hay nếu căn cứ theo quy định của pháp luật thì ông thắng 100%.

"Hôm qua em có nộp đơn khởi kiện ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Tòa án tỉnh Phú Yên, theo quy định của pháp luật và các căn cứ thì em thắng 100%, nhưng theo thực tế cho thấy những vụ án hành chính 99% là thua kiện. Em biết 100% vụ em ra tòa sẽ bị thua kiện vì họ xử theo chỉ đạo chứ không phải theo pháp luật",

Vị luật sư được mệnh danh là luật sư của người nghèo giải thích thêm rằng, dù biết kiện là thua nhưng ông làm như vậy để người dân thấy được sự thật của pháp luật Việt Nam và để Liên đoàn luật sư Việt Nam và các tỉnh, cũng như Bộ Tư pháp sẽ thận trọng hơn trong tương lai nếu muốn tước thẻ hành nghề luật sư của bất kỳ ai.

Hôm 26/11 năm ngoái, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên có quyết định kỷ luật xóa tên Luật Võ An Đôn (Trưởng Văn phòng Luật sư Võ An Đôn) ra khỏi danh sách Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên.

Lý do kỷ luật được nêu ra là : ông Đôn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt ; nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư Việt Nam.

Trong đơn kiện của mình, ông Đôn cũng nêu rõ, việc ông trả lời phỏng vấn báo đài và cá nhân ở nước ngoài là quyền tự do ngôn luận của công dân, được quy định tại điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Điều 19 công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên của công ước này.

Luật sư Võ An Đôn được nhiều người biết đến qua sự việc đại diện bào chữa cho phía gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều trong vụ 5 công an dùng nhục hình đánh chết người trong đồn Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Vì vụ việc này mà vào năm 2014, liên ngành Công an, Viện Kiểm sát và thành phố Tuy Hòa có công văn đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên và Sở Tư Pháp tỉnh Phú Yên thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Đôn vì cho rằng trong quá trình tham gia tố tụng cho bị hại Ngô Thanh Kiều ông đã có nhiều lời lẽ xúc phạm đến các bị cáo đồng thời lãnh đạo của các cơ quan nội chính, tư pháp tại tỉnh Phú Yên.

Đề nghị này sau đó vấp phải chỉ trích của dư luận và chính quyền thành phố Tuy Hòa phải rút lại kiến nghị này.

****************

Giải thưởng nhân quyền cho hai tù chính trị và nhà hoạt động Việt Nam (RFA, 05/12/2018)

Hai tù nhân chính trị Trần Thị Nga, Hoàng Đức Bình và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trụ ở ở Hoa Kỳ trao giải năm 2018.

vad2

Hai tù nhân chính trị Trần Thị Nga, Hoàng Đức Bình và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang. RFA Edited

Thông cáo báo chí của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, một tổ chức Phi chính phủ, phát đi vào ngày 30 tháng 11 nêu rõ công trạng của ba người được vinh danh với giải thưởng nhân quyền năm nay.

Theo Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam thì anh Hoàng Đức Bình là nhà hoạt động tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường và giúp dân khiếu kiện sau thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh gây nên.

Anh này bị tuyên án 14 năm tù tại phiên xử hôm ngày 6 tháng 2 năm nay với cáo buộc ‘Chống người thi hành công vụ’ và Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích của các tổ chức, công dân’.

Bà Trần Thị Nga, mẹ của hai con nhỏ, hiện đang phải thụ án 9 năm tù tại Trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Bà Trần Thị Nga từng là nạn nhân của nạn xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Khi về nước bà tham gia giúp đỡ cho những nạn nhân khác, và rồi dấn thân tranh đấu vì quyền con người.

Nhà báo Phạm Đoan Trang, từng là một phóng viên của một số báo Nhà nước nhưng trở thành blogger, nhà hoạt động xã hội. Cô tham gia những hoạt động gồm chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, phát động chiến dịch bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, tổ chức các lớp đào tạo về báo chí, chính trị học, chính sách công cho các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam.

Nhà báo Phạm Đoan Trang là tác giả của các cuốn sách Kỹ Năng Báo Chí Căn Bản, Cẩm Nang Hoạt Động Xã Hội, cùng dịch sách "Từ Facebook Đến Xuống Đường".

Tác phẩm gần đây nhất là "Chính Trị Bình Dân" xuất bản trên Amazon năm 2017 và vì cuốn sách này cô nhiều lần bị cơ quan an ninh đưa lên đồn làm việc.

Nhà báo Phạm Đoan Trang viết trên Facebook cá nhân bày tỏ cảm xúc ngại và buồn khi là một trong ba người được nhận giải Nhân quyền Việt Nam năm 2018 trong khi hai nhà hoạt động còn lại vẫn ở tù và cô khẳng định rằng "cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn !"

Nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết, không ai trong số những người có quan tâm đến tình hình đất nước nên vui vì theo cô "Khi chúng ta chúc mừng một người tù nhân lương tâm nào đó thoát khỏi nhà tù (nhỏ và lớn) ở Việt Nam để "đến bến bờ tự do", khi chúng ta chúc mừng một người Việt Nam nhận được một giải thưởng nhân quyền nào đó, chúng ta đều nên hiểu rằng điều đó chỉ chứng tỏ đất nước này đang trải qua những năm tháng đen tối đến mức nào, và cái thực tế ấy chẳng có gì đáng mừng".

Và cô khẳng định việc "…Trả tự do và trục xuất một số tù nhân lương tâm không phải là giải pháp chung. Mà giải pháp chung phải là làm sao để tất cả tù nhân lương tâm đều được giải thoát và Việt Nam không còn tù nhân lương tâm nữa (cũng như không còn dân oan). Điều đó chỉ có thể có được với một thể chế mới, một chính quyền mới.

Vì thế, cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn, và tôi cần sự ủng hộ của tất cả các bạn – những người đồng ý với tôi rằng Việt Nam phải thay đổi"..

Giải Nhân Quyền Việt Nam thành lập từ năm 2002 được trao tặng hàng năm. Cho đến nay đã có 42 cá nhân và 3 tổ chức có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho công lý và nhân quyền tại Việt Nam được nhận giải.

Theo Ban tổ chức, giải Nhân quyền Việt Nam còn là một cơ hội để người Việt hải ngoại bày tỏ tình liên đới với những nhà hoạt động tại quê nhà.

Theo ban tổ chức thì buổi lễ trao giải thưởng năm nay sẽ diễn ra tại thành phố Westminster, Quận Cam, Bang California vào ngày 9 tháng 12 tới đây.

Quay lại trang chủ
Read 629 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)