Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

05/12/2018

Tát tai học sinh, lấy phiếu tính nhiệm

Tổng hợp

Hai vụ tát học sinh liên tiếp : Sư phạm Việt Nam cần môn 'ứng xử' (BBC, 05/12/2018)

Trong khi vụ việc tát học sinh 231 cái ở Quảng Bình vẫn chưa kịp lắng xuống, thì mới đây nhất lại có thông tin một trường tiểu học ở Hà Nội cũng áp dụng hình phạt này.

giaoduc1

Học sinh lớp sáu tại lễ khai giảng ở Hà Nội

Cụ thể là một học sinh lớp 2 tại Trường tiểu học Quang Trung bị phạt 50 cái, nhưng sau khi bị tát 20 lần thì em khóc lớn nên cô giáo cho dừng lại.

Vụ việc lại gây thêm bức xúc cho dư luận về tình trạng giáo viên bạo hành học sinh.

Đánh giá vụ việc tát học sinh 231 cái ở trường Trung học cơ sở Duy Ninh tại Quảng Bình, thầy giáo nổi tiếng tố cáo tiêu cực giáo dục Đỗ Việt Khoa đề nghị rằng để giải quyết tình trạng bạo hành học sinh, thì ngành giáo dục Việt Nam cần có các môn "ứng xử".

Vụ tát học sinh, theo ý kiến của ông Khoa là "vụ việc rất lớn của ngành giáo dục Việt Nam".

Nguyên nhân từ sự ác tâm ?

Theo ông Khoa, có ba nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên.

"Thứ nhất là nói chung giáo viên chúng tôi chịu nhiều áp lực thi đua từ nhà trường và từ cả gia đình học sinh khiến cho nhiều người không kiểm soát được bản thân, trở nên bực bội về trút lên các em học sinh".

Thứ hai, là "bản chất một số người có ác tâm. Người hiền lành tốt tính thì không thể để cho các học sinh tát nhau 230 cái được. Tôi cho rằng giáo viên này có biểu hiện của sự ác tâm".

Và cuối cùng, ông cho rằng "người Việt nói chung có nhược điểm là hay lạm dụng quyền lực, gây ra một sự tha hóa. Thầy cô trên lớp coi mình có quyền lực rất lớn, bắt nạt cả phụ huynh, đánh học sinh bằng đòn roi, khủng bố tinh thần với những lời nói cay nghiệt".

Thầy giáo Khoa cho biết tình trạng bạo hành học sinh này đã xảy ra từ lâu, "từ hồi tôi còn đi học đã có cảnh giáo viên đánh mắng học sinh" nhưng nhờ có công nghệ điện thoại, Internet nên các vụ việc này nhanh chóng bị phát hiện hơn.

Theo ông Khoa cần phải tuyên truyền, đồng thời xử phạt những người vi phạm nghiêm trọng để răn đe và có các quy định bằng văn bản.

"Cũng cần khuyến khích học sinh tự bảo vệ mình, tự bảo vệ bạn trước các hành vi bạo lực học đường. Và phải thay đổi quan niệm tư duy 'thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi'".

giaoduc2

Học sinh - hình minh họa

"Chúng ta nên dạy học sinh bằng sự yêu thương, nhân bản nhất chứ không phải bằng bạo hành".

Cần đào tạo ứng xử trong sư phạm ?

Xét về giải pháp mang tính hệ thống, ông Khoa cho rằng cần phải có bộ môn ứng xử trong các trường sư phạm để dạy cho các giáo viên tương lai cách ứng xử và các quy phạm pháp luật, và tùy từng tình huống cư xử cho khôn khéo.

"Không thì giờ cứ mỗi người một kiểu. Người thì ghi sổ đầu bài, người thì bắt chép phạt, người thì nặng nề hơn là đánh đập học sinh, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, và quyền trẻ em".

Còn xét trong vụ việc cụ thể này, thì theo ông Khoa, thì "chỉ nên đình chỉ công tác một năm, hạ bậc lương và sau đó xem xét lại".

"Truy tố, khởi tố thì cũng có thể nhưng có nặng quá không ? Nó không phù hợp lắm với văn hóa phương Đông, cần có sự khoan dung độ lượng".

Cụ thể vụ việc

Vụ việc tát học sinh 231 cái đã gây ra nhiều sự phẫn nộ trong dư luận trong tuần qua. Hôm 19/11, một học sinh lớp 6 bị cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy phạt bị bạn học tát 230 cái vì "nói tục".

Quá bức xúc, học sinh nam này buột miệng nói "Em ghét cô" và bị cô Thủy tát.

Em học sinh sau đó nhập viện và bị chuẩn đoán bị thương phần mềm, khó khăn trong việc mở miệng và ăn uống. Tinh thần em cũng hoảng loạn, sợ hãi đến trường.

Sau đó, báo chí trong nước còn phát hiện ra bà Thủy đã thực hiện hình phạt này với ít nhất bảy học sinh khác trong lớp, với tổng số cú tát lên đến khoảng 900 cú tát.

Hôm 25/11, bà Thủy thừa nhận việc tiến hành hình phạt này lấy lý do áp lực thành tích của nhà nước và vì lớp bà chủ nhiệm là lớp cá biệt với các học sinh bướng bỉnh.

Hôm 26/11, Công an huyện Quảng Ninh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, làm rõ hành vi Hành hạ người khác của bà Thủy.

Đến hôm 28/11, bà Thủy nhập viện vì bị "hoảng loạn tinh thần, sức khỏe kiệt quệ", theo báo Zing. Trước đó bà đã bị nhà trường đình chỉ 15 ngày.

Tuy nhiên vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết khi hiệu trưởng Phạm Thị Lệ Anh tiến hành cuộc khảo sát với 23 học sinh có mặt hôm đó, với các câu hỏi như :

"Em tát vào bạn N. mạnh hay nhẹ ?" "Khi bị tát bạn N. có khóc không ?" "Sau khi tát bạn N., cả lớp có sợ hãi, bật khóc không ?"

Câu hỏi gây thêm nhiều bức xúc trong dư luận, vì các em bị yêu cầu trả lời khảo sát mà không có sự giám sát của phụ huynh.

Cụ thể luật sư Lê Văn Luân cho rằng cần phải khởi tố thêm. Ông cho rằng việc ban giám hiệu trường thực hiện hành vi "lấy lời khai và cưỡng buộc học sinh khai gian dối" là đủ dấu hiệu hai hai tội cưỡng ép khai bác và cung cấp tài liệu sai sự thật.

******************

Lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị : Sân khấu mới, vở diễn cũ ? (RFA, 04/12/2018)

Một vở kịch diễn lại ?

Hội nghị Trung ương lần thứ 9 sắp diễn ra và một công tác chính được cho biết là tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương và thường trực cấp ủy các cấp… Đây là một dấu hiệu tốt hay chỉ là một vở kịch diễn lại ?

giaoduc3

Ảnh minh họa : Biểu quyết tại Hội nghị Trung ương 8 hôm 6/10/2018. Courtesy chinhphu.vn

Đây là lần đầu tiên Ban chấp hành trung ương Đảng cho lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Bộ chính trị trong một Hội nghị trung ương.

Việc lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương lần này, được thực hiện theo quy định số 262-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội…

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về việc này, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết :

"Cũng từ lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Ban chấp hành trung ương cũng có chủ trương lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên bộ chính trị, ủy viên ban bí thư... Thông qua việc lấy phiếu này, Ban chấp hành trung ương cũng sẽ có cơ sở để đánh giá các thành viên bộ chính trị và ban bí thư, để rồi có cái xem xét quyết định quy hoạch nhiệm kỳ tới".

Ông Lê Văn Cuông cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Bộ chính trị lần này, cũng sẽ tương tự như việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội. Theo ông, đây là quy định chung của Việt Nam cho đến thời điểm này, tức là Trung ương hay Quốc hội cũng đều lấy phiếu giống nhau, với ba mức : tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

giaoduc4

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hôm 24 tháng 11 năm 2018. Courtesy of chinhphu.vn

Tại cuộc gặp cử tri quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hôm 24 tháng 11 năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho cử tri biết sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư… Tuy nhiên, theo ông Trọng, việc lấy phiếu tín nhiệm không phải để truy trách nhiệm ! ? Ông Trọng cho rằng chỉ căn cứ vào phiếu tín nhiệm mà thay thế cán bộ thì chưa chuẩn xác, mà chủ yếu để răn đe, ngăn ngừa, giáo dục...

Từ Đà Nẵng, Nhà báo Trương Duy Nhất, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này :

"Theo như ông Trọng tổng bí thư tuyên bố, thì trung ương đảng sẽ lấy phiếu tính nhiệm của các ủy viên bộ chính trị. Tôi nghĩ không biết hình thức lấy phiếu tín nhiệm như thế nào, chứ nếu giống như lấy phiếu tín nhiệm trong Quốc hội thì sẽ không có tác động gì cả. Bởi cái thứ nhất, về hình thức tôi nghĩ cũng như thế thôi, tức là không đưa ra mục tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Mà lại đưa ra mục tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Tức là ba cái là tín nhiệm cả. Thứ nhì, đối với đối tượng có điểm số tín nhiệm yếu nhất, thì tôi thấy nó chẳng tác động gì đến sự cố gắng, để xử lý họ hay tạo cho họ sự phấn đấu cả".

Không tác động gì nhiều ?

Nhà báo Trương Duy Nhất đưa ra ví dụ vào cuối năm 2013, khi đó lần đầu tiên Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, thì lần đó người có số phiếu tín nhiệm thấp nhất là nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuy nhiên với số phiếu tín nhiệm thấp nhưng ông Dũng vẫn là thủ tướng. Ông nói tiếp :

"Tức là không có một tác động gì cả do bỏ phiếu tín nhiệm. Và sau này ông Dũng cũng trị vì từ 2013 đến 2016 ông mới nghỉ. Và cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua ở Quốc hội cũng thế, người đội sổ có phiếu tín nhiệm thấp nhất, bê bết nhất là ông Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ. Nhưng người ta cũng không coi những cái đó để đánh giá ông Phùng Xuân Nhạ. Thậm chí trong buổi làm việc với Bộ giáo dục, ông Nguyễn Phú Trọng còn nói chưa có bao giờ sự nghiệp giáo dục tốt như bây giờ".

Theo Bác sĩ Đinh Đức Long, một Trung tá quân đội đã từ bỏ đảng, hiện sống tại Sài Gòn, thì về hình thức, việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị ở Hội nghị Trung Ương là như nhau. Ông cho rằng Quốc hội thì hơn 90% là đảng viên, còn Hội nghị trung ương cũng là đảng viên, cho nên về cơ bản cũng là những con người ấy, nên ông nghĩ không có gì khác nhau về bản chất. Tuy nhiên ông Đinh Đức Long nói tiếp :

"Tôi nghĩ trong chế độ độc tài cộng sản này, họ muốn làm gì chả được, có thể họ nói một đường họ làm một nẻo. Như ông Đinh La Thăng đấy, tín nhiệm rất cao, nhưng khi cần kỷ luật khai trừ khỏi đảng, bỏ tù thì họ vẫn làm được, vẫn đúng quy trình, vẫn đúng pháp luật. Cho nên những cái vấn đề chỉ là hình thức, trong chế độ độc tài cộng sản họ muốn làm gì cũng làm được hết, họ muốn làm gì thì mọi cái họ sẽ giải thích theo đấy, dư luận, rồi đài, các tờ báo sẽ nói theo ý đấy. Cho nên mọi cái chỉ là hình thức, chứ bản chất không hề thay đổi".

Cùng quan điểm với Bác sĩ Đinh Đức Long, Nhà báo Trương Duy Nhất cũng cho rằng lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên bộ chính trị thì cũng chỉ là hình thức giống như các cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội, chứ không tác động gì nhiều. Ông đưa ra nhận định :

"Quốc hội còn như thế huống gì trong đảng, trong Quốc hội thì hơn 90% là đảng viên rồi nhưng cũng có một tỷ lệ nhỏ người ngoài đảng, mà người ta còn cả nể bỏ phiếu như thế, huống hồ trong đảng bỏ phiếu cho nhau. Bây giờ trong đảng, các ủy viên trung ương lẫn nhau, có ông nào dám bỏ phiếu cho các ủy viên bộ chính trị, tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội là tin nhiệm thấp không ? Như thế là chết ngay, mệt ngay với mấy ổng. Tôi nghĩ đó là hình thức chủ nghĩa thôi chứ không có tác động gì cả".

Nhà báo Trương Duy Nhất kết luận, đánh giá qua việc lấy phiếu tín nhiệm là vô nghĩa, nó như hình thức cho vui chứ nó không tác động thực sự gì đối với việc đánh giá chất lượng cán bộ đảng viên theo yêu cầu của bộ máy.

Trung Khang

Quay lại trang chủ
Read 617 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)