Trong chương trình thảo luận hàng tuần trên Facebook live của BBC tiếng Việt hôm 9/3, một nhà văn nữ và một cựu nhà báo nữ cùng bàn về ý nghĩa thực của ngày 8/3 ở Việt Nam và những áp lực và khuôn mẫu xã hội cho cả hai giới trong xã hội Việt Nam
Nhiều đàn ông mua hoa tặng bạn đời ngày 8/3
8/3 : ngày 'bình thường' hay 'ý nghĩa' ?
Nhà văn Tâm Phan, từ Sydney, Australia, cho hay hồi nhỏ khi còn ở Việt Nam, chị cũng theo phong trào, rất háo hức và thích được tặng hoa. Nhưng khi đã đi nhiều nước, chị thấy các nước tiên tiến không tổ chức 8/3 như ở Việt Nam.
Đặc biệt, ngày này không bao giờ là ngày để tặng hoa hay tặng quà cho nhau, mà là dịp để mọi người nhìn lại chặng đường đã qua, những thành tựu họ đã đạt được về quyền bình đẳng cho phụ nữ. Đây cũng là dịp để họ tổ chức những cuộc diễu hành, tuần hành vì mục đích bảo vệ cho phụ nữ hay trẻ em như chống lạm dụng tình dục, chống bạo hành phụ nữ.
"Gần 17 năm rồi mình không có ngày 8/3 vì ngày nào đối với mình cũng là 8/3". chị tâm sự.
Bà Phạm Thị Thu Thủy, cựu nhà báo từ Hà Nội, thì cho rằng ngày 8/3 còn là dịp để những người bạn khác giới nhớ đến nhau, với niềm vui của cả người cho và người nhận. Đây cũng là ngày liên kết tất cả chị em phụ nữ trên thế giới để có tiếng nói chung, một ý nghĩa rất đẹp của ngày này.
Nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng ngày này để vòi quà của giới khác, "hay cho rằng chỉ có ngày 8/3 mới là ngày của phụ nữ còn những ngày khác không phải là của phụ nữ".
Nhiều nước tổ chức tuần hành vì mục đích bảo vệ phụ nữ nhân ngày 8/3
Áp lực và khuôn mẫu xã hội cho cả hai giới
Bình luận về những áp lực xã hội cho cả hai giới trong những ngày như 8/3, 20/10 hay ngày lễ Valentines, chị Tâm Phan cho rằng những luật lệ xã hội là do chính chúng ta đặt ra. Nếu cả nam giới và phụ nữ đều không muốn, tại sao cứ phải giả dối, phải tặng hoa cho nhau để làm gì. "Thà đừng có ngày 8/3" để "người ta khỏi phải đóng kịch với nhau". Cử chỉ nào trong những ngày này cũng phải "xuất phát từ sự chân thành", chị Tâm Phan nói.
Chị cũng cho rằng trong những dịp này, có những người đàn ông không thực sự yêu thương phụ nữ, chẳng hạn có người nói ngày 8/3 mua hoa về tặng vợ, nhưng hôm sau lại bạo hành vợ như 364 ngày còn lại, thì việc tặng hoa là "giả tạo lắm".
Ngày 8/3 : Hai giới nên giải phóng cho nhau ?
"Bông hoa mà ông chồng bạo hành tặng vợ là một bông hoa hão, một món quà hão cho một cái ngày hão"., chị tiếp lời.
Bà Thủy cho rằng việc có người lạm dụng những ngày này để vòi quà hay làm cho bạn trai hay bạn đời cảm thấy mệt mỏi là có, nhưng "không phải là phổ biến". Theo bà, đa số mọi người nhân các dịp đó để thể hiện tình cảm của mình. Có nhiều người bạn gái, chị em gái cũng động viên nhau trong dịp này. Không nên nặng nề về hình thức, mà miễn làm thế nào để chị em phụ nữ có quyền chia sẻ, có niềm vui, được người khác giới và cả xã hội tôn vinh và ca ngợi. "Cách thể hiện không nhất thiết là phải vật chất, nhiều khi chỉ cần một nụ cười, một lời chúc mừng".
"Xã hội Việt Nam ngày nay còn tàn tích của xã hội phong kiến", bà Thủy bình luận. Lâu nay phụ nữ chăm con giỏi, làm các công việc trong gia đình đảm đang, thì được khen và đó là mẫu mực cho họ. Còn đàn ông thì gia trưởng, có quyền hành nhiều và xã hội thì trọng nam khinh nữ.
Điều này là ít hơn ở thành phố và trong giới trí thức, còn ở nông thôn và những vùng xa xôi thì còn phổ biến. Chúng ta nên phấn đấu tập trung hơn cho các vùng này để đẩy mạnh bình đẳng giới và "giành lại quyền cho các em bé gái được sống trong yêu thương, đầy đủ từ nhỏ cho tới lúc lớn", bà Thủy nhận định.
Xã hội Việt Nam còn tàn tích của thời phong kiến.
Giải phóng lẫn nhau khỏi khuôn mẫu xã hội : hai giới cùng có lợi ?
Theo chị Tâm Phan, để thay đổi quan niệm về vai trò của phụ nữ và nam giới, sự thay đổi cần bắt đầu từ người phụ nữ. Phần lớn đàn ông Việt Nam vẫn "như những bé trai", còn nằm trong vòng tay của mẹ. Khi còn nhỏ họ đã không được mẹ khuyến khích làm việc nhà, nên khi lớn lên họ không có thói quen làm việc nhà. Nhiều khi chính cách nuôi dạy của người mẹ đã làm khổ cho những thế hệ phụ nữ tương lai.
Chị Tâm Phan ủng hộ việc hai giới giải phóng mình và giải phóng lẫn nhau khỏi những khuôn mẫu xã hội. Theo chị, sự thay đổi sẽ là điều "hai bên cùng có lợi", nhà nhà thêm hạnh phúc - điều mà cả đàn ông và phụ nữ đều hướng tới.
"Nếu chỉ cần một thế hệ thay đổi thôi thì các thế hệ mới sẽ hoàn toàn khác". chị Tâm kêu gọi.
Bà Thủy thì cho rằng để xóa bỏ những khuôn mẫu có thể gọi là "hủ tục", có thể nhân ngày 8/3 để chỉ ra đàn ông không phải chỉ được nuông chiều, được phục vụ mà phải làm những công việc mà lâu nay chỉ là ấn định cho phụ nữ. Theo bà, nên bắt đầu thay đổi bằng những hình thức cụ thể như giao việc nhà cho đàn ông, và giúp phụ nữ được tự giải phóng mình.
Giá trị thực sự mà cả hai giới cùng hướng tới là muốn được tự khẳng định mình và tự được sống là chính mình mà không bị áp đặt của giới khác. Cả hai giới nên có tự nhìn lại mình và có sự nhìn nhận đúng hơn về giới khác, bà Thủy nói.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 10/03/2017