Xã hội đen cho vay nặng lãi phát triển mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh (RFA, 05/12/2018)
Từ năm 2014, trung bình mỗi ngày công an thành phố Hồ Chí Minh xử lý 1 vụ đòi nợ tín dụng đen nhưng sau 4 năm phải xử lý 4 vụ/ngày, khiến người dân bất an và việc quản lý càng trở nên phức tạp vì tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng thậm chí xảy ra án mạng.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc công an thành phố Hồ Chí Minh. RFA Edited
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu như vừa nêu của thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc công an thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 12 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào sáng 5/12.
Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, hiện công an thành phố đã thống kê được 873 người được cho là hoạt động cho vay với lãi suất trái pháp luật. Trong đó có hơn 2/3 là người ở các tỉnh phía Bắc và rất đông các đối tượng đang bị điều tra và truy nã.
Tướng Minh cho rằng, do các đối tượng cho vay nặng lãi không có chỗ ở cố định, chủ yếu thuê nhà nên việc xử lý rất khó khăn, nhẹ nhất là xâm phạm chỗ ở, nặng hơn là cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản và nặng nhất là dẫn đến giết người.
Ngoài ra, thiếu tướng Phan Anh Minh nhấn mạnh rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vay nặng lãi phát triển mạnh tại thành phố là do luật quy định xử phạt còn chồng chéo nên dẫn đến khó xử lý các đối tượng này. Đồng thời, ông cũng cho biết thực ra vi phạm này không phải lớn nhưng vấn đề là hệ quả nó gây ra.
Để ngăn chặn tình trạng này, thiếu tướng Minh khẳng định cần sửa đồng bộ các quy định và trách nhiệm cũng như hành vi của các nhóm tội phạm này trong bộ luật hình sự, luật hành chính… và từ đó ngành công an mới có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm này.
Ủy ban nhân dân thành phố cũng vừa có kiến nghị với Bộ Tài chính đề nghị cho chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ này vào danh mục ngành nghề cấm hoạt động.
*****************
Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục cải tổ (RFA, 05/12/2018)
Doanh giới Việt Nam kiến nghị chính phủ Hà Nội tiếp tục những biện pháp cải tổ nhằm giúp phát triển kinh tế đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2018. Screen Capture
Những kiến nghị được nêu ra tại Diễn đàn Doanh Nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2018 diễn ra vào ngày 4 tháng 12 tại Hà Nội. Cụ thể doanh giới Việt Nam gửi đến các bộ, ngành 70 nhóm vấn đề để giải quyết.
Tin dẫn khảo sát của Phòng Thương Mại Công Nghiệp Việt Nam cho biết có đến 58% doanh nghiệp vẫn phải xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện, trong số này có 42% nói họ gặp khó khăn trong việc xin giấy phép.
Phòng Thương Mại Công Nghiệp Việt Nam kiến nghị 5 nhóm giải pháp mà trước hết cần phải có tiêu chí thống nhất về tiêu chuẩn của điều kiện kinh doanh ; mô hình trung tâm một cửa liên thông ở cấp bộ nên được nhân rộng ; các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường công khai minh bạch thông tin trên trang chủ… ; giảm số lần và thời gian thanh tra, kiểm tra ; không thanh tra, kiểm tra trùng lắp ; tăng tối đa số đoàn liên ngành thay vì mỗi đơn vị tiến hành riêng lẻ.
Vào ngày 5 tháng 12, cũng tại Hà Nội diễn ra Diễn Đàn Cải Cách và Phát Triển Việt Nam. Đây là diễn đàn được tổ chức lần đầu tiên thay thế cho Diễn Đàn Đối Tác Phát Triển Việt Nam, Hội Nghị Nhóm Tư Vấn Các Nhà Tài Trợ thường niên ra đời cách đây 25 năm.
Tại Diễn Đàn Cải Cách & Phát Triển Việt Nam, ấn phẩm Khung Chính Sách Kinh Tế Việt Nam cũng được ra mắt. Đây là tài liệu tổng hợp các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế.
******************
Vingroup vươn ra nhiều lĩnh vực, lộng giả thành chân ? (RFA, 04/12/2018)
Tập đoàn Vingroup của tỉ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng đã thu hút nhiều sự quan tâm của giới truyền thông, không những các kênh chính thống của nhà nước mà còn của mạng xã hội, nhất là từ khi công ty này tuyên bố sản xuất xe hơi tại Việt Nam.
Thông tin về sản xuất điện thoại thông minh của Vingroup - Ảnh chụp màn hình
Từ một công ty chuyên sản xuất mì ăn liền ở Ukraine, Vingroup phát triển hoạt động trong nhiều lãnh vực khác nhau : sản xuất xe hơi, mở một xưởng sản xuất điện thoại di động thông minh tại Hải Phòng, rồi một trường Đại học tại Hà Nội.
Chỉ trích đầu tiên được đưa ra đối với dự án sản xuất xe hơi tên gọi là Vinfast của Vingroup là dự án này nhập động cơ đã lỗi thời từ công ty BMW của Đức.
Một người tự xưng là làm việc lâu năm trong ngành xe hơi tại Nhật Bản có nick Facebook là Tony Pham, viết trên một trang blog có nhiều thông tin về tài chính là blog Phương Thơ (được cho là của một chuyên gia ngành ngân hàng Mỹ là bà Betsy Grasek), rằng động cơ xe của Vinfast là một tập hợp những sửa chữa không đồng bộ, và việc đưa ra sản xuất chỉ một thời gian ngắn sau khi vẽ kiểu xe là một sự phiêu lưu nhiều nguy hiểm.
Nhà báo Lê Trung Khoa của tờ Thời Báo tiếng Việt tại Berlin cho biết về vụ mua bán động cơ xe của Vingroup với hãng BMW, trích dẫn nguồn từ báo chí Đức :
"Việt Nam mua cái dây chuyền sản xuất và lắp ráp xe BMW X5 là đời cũ chỉ đạt tiêu chuẩn môi trường của Châu Âu là Euro 5 thôi. Vậy nếu sản xuất thì không thể bán được ở Châu Âu".
Một chỉ trích nữa đối với Vinfast là từ một tác giả viết trên Facebook là Quang Hữu Minh, cho rằng những quảng cáo về sản phẩm của Vinfast là không minh bạch, có thể dẫn đến những khuất tất về tài chính.
Chúng tôi không liên lạc được với Vingroup để xác nhận những thông tin này.
Tuy vậy một chuyên viên kinh tế người Việt hiện sống ở Na Uy là Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ lại cho rằng việc sản xuất xe hơi của Vingroup là một việc tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
"Điều này tùy thuộc vào việc Vinfast muốn sản xuất cái gì. Bước đầu họ có thể nhập dây chuyền và sản xuất theo thiết kế của họ. Rồi từ từ, với bộ phận nghiên cứu của mình họ cải tiến và thay thế. Đó là một cách mà tôi nghĩ họ có thể làm được hiện nay".
Bình luận về việc sản xuất điện thoại di động của Vingroup, ông Vũ đưa ra một trường hợp đã thành công là công ty nổi tiếng Apple, khi khởi nghiệp đã dựa trên những phát minh và sáng chế của quân đội Mỹ, các trường Đại học Mỹ.
Bình luận về loại động cơ không còn phù hợp với tiêu chuẩn Châu Âu mà Vinfast nhập về từ Đức, Tiến sĩ Vũ nói tiếp :
"Vấn đề là nếu nó không phù hợp với Châu Âu, nhưng vẫn phù hợp với tiêu chuẩn môi trường Việt Nam thì vẫn tốt. Vì ta không thể đòi hỏi tiêu chuẩn môi trường Việt Nam như Châu Âu được vì như vậy vô tình bóp chết doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, chính phủ có thể dựa vào các tiêu chuẩn môi trường để nâng đỡ các doanh nghiệp".
Không thấy những thông tin về tiêu chuẩn môi trường của động cơ Vinfast và tiêu chuẩn Việt Nam được báo chí Việt Nam bàn tới.
Ngành sản xuất xe hơi đã được một số công ty như Toyota, Ford,… đưa vào sản xuất tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Nhưng nhìn chung Việt Nam vẫn chưa phải là một quốc gia có ngành sản xuất xe hơi phát triển. Một trong những cản trở được các nhà kinh tế nói đến từ nhiều năm nay là Việt Nam không có một ngành công nghiệp hổ trợ để sản xuất linh kiện xe.
Trả lời câu hỏi là liệu điều này có cản trở dự án xe hơi của Vinfast hay không, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từ Hà Nội trả lời rằng :
"Tôi nghĩ rằng cái đó cần phải có thời gian, không thể mong đợi một sớm một chiều họ có thể làm được. Nhưng với những nổ lực ban đầu của Vinfast thì tôi thấy rất đáng khích lệ, tôi hy vọng là họ sẽ vượt qua những khó khăn ban đầu để đạt những hiệu quả tích cực".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đánh giá cao hướng phát triển của Vingroup, từ kinh doanh bất động sản sang đa ngành là sản xuất xe hơi, điện thoại, xây dựng bệnh viện và trường đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho ý kiến về con đường về lâu dài mà tập đoàn Vingroup cần theo đuổi.
"Về lâu dài họ cần phải có một đội ngũ nghiên cứu để phát triển sản phẩm, đó là cái cách mà các nước đi trước đã thành công. Họ có thể mở trường đại học để phát triển đội ngũ nhân sự của họ".
Thông tin về trường đại học do Vingroup thành lập hiện nay rất ít ỏi, ngoại trừ việc công bố khánh thành tòa nhà của trường này. Hai chuyên viên hiểu biết về ngành giáo dục Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc cũng không có thông tin gì.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, thì nếu theo những thông tin hiện có chính thức về Vingroup là đúng, nếu họ thực sự bước vào ngành sản xuất xe hơi, điện thoại di động,… thì là điều đáng hoan nghênh vì tạo công ăn việc làm cho người dân, và thứ hai là tạo sự phát triển về chất xám và công nghệ tập trung hơn.
*********************
Việt Nam muốn có nền điện ảnh như Hollywood (VOA, 05/12/2018)
Gọi là Vollywood được không ?
Nền điện ảnh của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với sự bùng nổ các rạp hát trên khắp cả nước và nhiều nhà làm phim tham gia vào thị trường này cùng với sự chú ý toàn cầu nhờ bộ phim bom tấn "Kong" (Đảo Đầu Lâu) được quay ở Việt nam và ra mắt năm ngoái.
Poster quảng bá phim Cô Ba Sài Gòn và Song Lang của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Cô Ba Sài Gòn là đại diện duy nhất của điện ảnh Việt Nam được chọn tham dự giải Oscar 2019.
Khi tìm kiếm từ khóa "Phim Việt Nam" trên mạng internet thì hầu hết các kết quả không phải là phim do người Việt Nam làm, mà là các siêu phẩm điện ảnh của Hollywood về Chiến tranh Việt Nam, như Apocalypse Now (Lời sấm truyền), Full Metal Jacket (Áo giáp sắt) và Born on the Fourth July (Sinh ngày 4/7). Nhiều bộ phim được quay tại Hoa Kỳ, và tất cả đều là những câu chuyện về người Mỹ, với các nhân vật Việt Nam rải rác làm nền.
Đây là một cái gai đối với những người muốn Việt Nam có vị trí riêng trong thế giới điện ảnh. Điều đó đang bắt đầu diễn ra.
Ngô Thanh Vân, nghệ sỹ được biết tiếng trong làng điện ảnh quốc tế với vai diễn trong "Crouching Tiger, Hidden Dragon" (Ngọa hổ tàng long), nay đã trở thành đạo diễn. Bộ phim mới nhất của cô, "The Tailor" (Cô Ba Sài Gòn), đã chính thức được chọn đại diện cho Việt Nam tham dự giải Oscar năm tới, trong hạng mục phim nói tiếng nước ngoài.
"Làm phim ở Việt Nam đã là một công việc mạo hiểm rồi, không phải với riêng tôi", Thanh Vân, người cũng đóng một vai phụ trong bộ phim bom tấn của Hollywood "Star Wars : The Last Jedi" (Chiến tranh giữa các vì sao : Jedi cuối cùng), nói với Zing. "Nhưng chính vì khó, mình muốn dồn hết tâm sức làm cho bằng được".
Niềm đam mê phim ảnh của cả người làm phim lẫn khán giả Việt Nam đang ngày càng tăng. Chuỗi rạp chiếu phim trong nước CGV báo cáo lợi nhuận tăng 30% trong năm 2017 so với năm trước. Dù chỉ là một công ty nhưng CGV kiểm soát gần một nửa số rạp chiếu phim ở quốc gia Đông Nam Á này. Các nhà phê bình gọi đó là độc quyền, nhưng điều đó cũng có nghĩa là sự tăng trưởng của nó phản ánh sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh nói chung. Bên cạnh CGV, thuộc sở hữu của tập đoàn CJ Group của Hàn Quốc, còn có nhiều cụm rạp khác bao gồm BHD, Galaxy, Skyline, Cinestar, Cinebox, Lotte, và một số công ty khác kinh doanh phim ảnh ở Việt Nam.
Các rạp chiếu phim đang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong một nền kinh tế mở với mức tăng trưởng 7% mỗi năm. Nhu cầu tăng cao này đã thu hút những dịch vụ phim trực tuyến như Netflix và iflix – đối thủ cạnh tranh của Netflix – đến Việt Nam.
"Khi một quốc gia phát triển, nhu cầu phát triển đi kèm theo là giải trí, vì vậy điều quan trọng là nắm bắt được nhu cầu này", công ty tư vấn đầu tư Investar viết trong một bài phân tích về ngành công nghiệp điện ảnh. "Ở Việt Nam, nhiều rạp chiếu phim lớn đã bắt đầu phát triển, và dòng vốn đầu tư chảy vào lĩnh vực này ngày càng tăng".
Sự phát triển của điện ảnh Việt Nam diễn ra cùng lúc với sự góp mặt ngày càng nhiều của các nghệ sỹ người Việt ở hải ngoại trong các bộ phim nước ngoài. Bộ phim được yêu thích của Netflix "To All Boys I Loved Before" (Những chàng trai năm ấy) có sự góp mặt của một ngôi sao người Mỹ gốc Việt sinh ra ở thị trấn Cần Thơ, đồng bằng sông Cửu Long. Trong "Downsizing" (Thu nhỏ), Matt Damon là bạn diễn của Hong Chau, người nói tiếng Anh với ngữ điệu đặc Việt nhưng lại giành được một đề cử Quả cầu vàng.
Và một số người trong cộng đồng Việt Kiều đó đang trở về quê hương. Các diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất và biên tập phim người Mỹ (gốc Việt) đã trở lại Việt Nam hoặc tái định cư ở đây trong những năm gần đây, nổi tiếng nhất là anh em Johnny Trí và Charlie Nguyễn. Các nhà làm phim đến từ Pháp, cựu thực dân ở Việt Nam, cũng đã dời tới Việt Nam, chẳng hạn như một cặp đôi người Pháp gốc Việt – họ đã thành lập một xưởng phim hoạt hình tại Thành phố Hồ Chí Minh.
"Xem phim Việt Nam là một trong những cách thư giãn, vui và hiệu quả để thể hiện lòng yêu nước Việt ", nghệ sĩ Nguyễn Cao Kỳ Duyên cho biết trên trang Facebook của cô. "Nếu bạn ủng hộ phim Việt Nam, các bộ phim sẽ thu được lợi nhuận, và các nhà đầu tư sẽ đầu tư nhiều tiền hơn".
Cô nói thêm rằng Việt Nam có rất nhiều địa danh tuyệt đẹp mà một người quay phim phải mơ tới.
"Kong : Skull Island" (Đảo Đầu lâu) là một ví dụ điển hình. Phần mới nhất của loạt phim về con đười ươi khổng lồ được quay ở Việt Nam, trong đó có những cảnh quay các dải núi đá vôi trên vùng biển xanh của Vịnh Hạ Long, một di sản thế giới của UNESCO.
Bộ phim cũng là một biểu tượng cho thấy sự thay đổi của Việt Nam. Mặc dù nó được lấy bối cảnh trong chiến tranh Việt Nam, nhưng "Kong" đã không bị xem như là một bi kịch cuộc chiến mà được khen ngợi vì những thứ khác – gồm trận chiến hấp dẫn với Kong, màn trình diễn của Samuel L. Jackson và Brie Larson, và phong cảnh hùng vĩ. Việt Nam vui mừng được phô diễn phong cảnh đó thay vì chỉ được dùng như một bối cảnh chiến trường khác.
Các bộ phim tiếng Việt đã đến được nhiều nơi trên thế giới, từ "Cyclo" (Xích lô) cho đến "The White Silk Dress" (Áo lụa Hà Đông). Người dân Việt hy vọng đó chỉ là khởi đầu của một ngành công nghiệp phát triển mạnh.
"Chúng tôi biết rằng phim Việt Nam chưa bằng với các nước láng giềng, bởi vì chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn mở cửa", Kỳ Duyên cho biết. "Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ không bắt kịp hoặc thậm chí vượt qua họ".
Ấn Độ có Bollywood. Nigeria có Nollywood. Có thể sẽ đến lúc có Vollywood.