Điều tra viên Slovakia bác đơn khiếu tố trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (VOA, 04/12/2018)
Nhân viên Điều tra viên của Bộ Nội vụ Slovakia đã bác bỏ đơn khiếu tố hình sự trong vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc sử dụng đã sử dụng một chiếc máy bay đặc biệt của chính phủ Slovakia, theo trang The Slovak Spectator.
Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trong một phiên tòa tại Việt Nam.
Bộ phận báo chí của Bộ Nội vụ Slovakia nói với hãng tin SITA rằng : "Ông ấy đi tới quyết định này vì không có lý do gì để truy tố hình sự hay hành động nào khác. Quyết định đó được công tố viên giám sát xác nhận. Viên công tố này cũng đã bác bỏ đơn khiếu nại do một người cung cấp tin trong vụ việc này trình lên".
SITA trích thông tin từ Bộ Nội vụ cho biết : "Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định công bố quyết định bác bỏ khiếu nại tội phạm này vì sự việc được công chúng quan tâm và bởi vì nhân viên điều tra viên đã đồng ý như vậy".
Trước đó, hồi tháng 10, báo Denník N daily đã đưa tin rằng hai sĩ quan cảnh sát nói với các điều tra viên người Slovakia rằng khi ở tại sân bay, họ đã trông thấy ông Trịnh Xuân Thanh được đưa vào một chiếc máy bay của chính phủ.
Vào đầu tháng 10, Công tố viện Slovakia đã quyết định khởi tố vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen.
Bộ Nội vụ Slovakia đã cho 44 nhân viên được miễn trách nhiệm bảo mật thông tin để phục vụ cuộc điều tra, nghĩa là họ được phép khai tất cả cho cơ quan điều tra.
Các nhân viên này thuộc các bộ, ngành và cảnh sát hộ tống cùng những người phục vụ cho chuyến đến thăm và làm việc của Bộ trưởng Tô Lâm với Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak hôm 26/07/2017
Bộ trưởng Nội vụ Slovakia vào lúc đó là ông Robert Kaliňák đã bác bỏ bất kỳ sự can dự nào của Slovakia trong vụ việc này.
**************
Hai cựu quan chức Lê Mạnh Hà và Nguyễn Trọng Dũng bị kỷ luật (RFA, 04/12/2018)
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Lê Mạnh Hà và Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Dũng bị kỷ luật do có trách nhiệm liên quan trong Dự án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu An Viên (AVG).
Ông Lê Mạnh Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bị kỷ luật liên quan thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Courtesy : Ảnh chụp màn hình dantri.com.vn
Truyền thông trong nước, vào ngày 4 tháng 12 loan tin vừa nêu, dẫn thông báo theo Quyết định 1673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Mạnh Hà và thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trọng Dũng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào trung tuần tháng 11 cũng đã thi hành kỷ luật về Đảng đối với ông Lê Mạnh Hà và ông Nguyễn Trọng Dũng.
Thanh tra Chính phủ, vào ngày 14/3/2018, công bố kết luận điều tra vụ việc MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG. Theo đó, đây là vụ án kinh tế nghiêm trọng với nguy cơ thiệt hại hơn 7000 tỷ đồng của Nhà nước do mua phải nợ phải trả hơn 1100 tỷ đồng của AVG.
Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ sai phạm của 4 bộ ngành, bao gồm Bộ Thông Tin - Truyền Thông, Bộ tài chính, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công An trong quá trình từ khâu thẩm định dự án, tham mưu phê duyệt và phê duyệt dự án.
Cho đến nay, trong vụ Mobifone mua AVG có ba cựu bộ trưởng bị kỷ luật gồm hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều là cựu Bộ trưởng Bộ Thông Tin-Truyền Thông và ông Bùi Quang Vinh, cựu Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch- Đầu Tư.
********************
Foxconn, nhà lắp ráp lớn nhất của iPhone cân nhắc vào VN (BBC, 04/12/2018)
Tập đoàn Foxconn Technology, nhà sản xuất, lắp ráp iPhone lớn nhất của Apple, đang có kế hoạch mở một nhà máy iPhone mới tại Việt Nam.
Foxconn là công ty Đài Loan
Dự án này được coi như bước đi nhằm giảm thiểu tác động của cuộc thương chiến Mỹ-Trung.
Foxconn đang trong quá trình đàm phán với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về việc mở nhà máy, theo báo chí Việt Nam.
Việt Nam và Thái Lan được nhắc tới như những điểm đến ưa thích để các công ty chuyển dịch hoạt động tới nhắm 'tránh bão' cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc, tuy vẫn bị coi là các thị trường thiếu nhân công có tay nghề và cơ sở hạ tầng chưa tốt, Reuters tường thuật.
Foxconn đã có mặt nhưng làm các dịch vụ khác ở VN
Hãng Foxconn của Đài Loan vốn đã có sự hiện diện tại Việt Nam với hoạt động sản xuất điện thoại di động hiệu Nokia.
Ngoài ra, Sharp Group thuộc sở hữu của Foxconn cũng có nhà máy tại Việt Nam.
Chính thức vào Việt Nam từ 3/2007, cho tới nay, Foxconn đã có ba cơ sở nhà xưởng tại Việt Nam, một tại tỉnh Bắc Ninh và hai tại tỉnh Bắc Giang.
Tại nhà máy ở Bắc Ninh, Foxconn sử dụng trên 34 ngàn lao động, và doanh thu năm 2016 đạt trên 1,5 tỷ đô la, VietNam News tường thuật.
Việc đưa hoạt động sản xuất sang thị trường Việt Nam và các thị trường khác còn phụ thuộc vào diễn tiến của cuộc thương chiến Mỹ-Trung, và Foxconn hiện đang trong giai đoạn đánh giá tình hình, trang tin United Daily News của Đài Loan nói.
Một lao động nữ của Samsung - hình minh họa
Nếu như Foxconn đem hoạt động lắp ráp iPhone vào Việt Nam, thì đây sẽ là bước đi làm rung chuyển ngành sản xuất điện thoại di động tại thị trường này.
Việt Nam là nơi hiện Samsung đang đóng vai trò hàng đầu, nên sự xuất hiện của một tập đoàn lớn nữa sẽ tạo sự cạnh tranh lớn hơn trong mảng nhân công và đem lại nhiều cơ hội làm ăn hơn cho các nhà cung ứng địa phương, theo đánh giá của báo Đầu tư Nước ngoài.
Cho đến nay, Samsung là hãng có đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam, sử dụng khoảng 160 ngàn lao động tại các nhà máy của hãng ở quốc gia này.
Trong năm 2015, hoạt động của hãng tại Việt Nam xuất khẩu khoảng 32,5 tỷ đô la, với 50% tổng điện thoại di động của hãng được lắp ráp tại Việt Nam.
Riêng hai nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh đã cung ứng 200 triệu điện thoại di động cho toàn cầu.
*******************
Giữ con hay giữ việc ? Nữ thực tập sinh Việt ở Nhật phải chọn (VOA, 04/12/2018)
Nhiều thực tập sinh nước ngoài ở Nhật Bản đang bị dồn vào tình huống phải làm một chọn lựa vô cùng khó khăn. Nữ thực tập sinh lỡ mang thai bị chủ nhân hoặc các tổ chức liên hệ buộc phải chọn : giữ việc hay giữ con ?
Lao động Việt Nam ở Nhật Bản (Ảnh chụp màn hình VnEconomy)
Trong một số trường hợp, các tổ chức đào tạo để chuẩn bị cho chương trinh học nghề cấm thực tập sinh có quan hệ tình cảm, nếu mang thai sẽ bị phạt vạ. Các chuyên gia pháp lý lo ngại những cách hành xử này có thể cấu thành tội vi phạm nhân quyền.
Báo Asahi Shimbun của Nhật Bản thuật lại câu chuyện của một thực tập sinh Việt Nam, bị dằn vặt trước quyết định liệu có nên phá thai để tiếp tục làm việc hầu trả nợ cho gia đình, hoặc rời Nhật Bản để có thể giữ giọt máu của mình, rốt cuộc đã chọn giải pháp chạy trốn khỏi nơi làm việc.
Cô gái 22 tuổi đã tìm đến một nhà tạm trú do một tổ chức nhân quyền điều hành ở Tokyo để ẩn náu. Cô tâm sự : "Em có thai hai tháng". Cô cho biết chỉ phát hiện ra mình có thai sau khi hoàn tất 1 tháng đào tạo tiền thực tập. Theo lời kể thì cha của thai nhi là một người đàn ông Việt Nam cô gái quen trước khi sang Nhật, nhưng ông này đã chối bỏ, nói ông không phải là cha của thai nhi.
Cấp trên của cô ra tối hậu thư và đề nghị có thể cho cô thuốc phá thai nếu cần :
Xuất thân từ một khu vực nghèo ở miền Bắc, cô gái sang làm việc tại một hãng sản xuất giấy ở Tây Nhật Bản theo một chương trình đào tạo thực tập sinh. Cô cho biết cô quyết định đi Nhật vì gia đình túng bấn do mẹ cô lâm trọng bệnh phải chữa trị, đẩy cả gia đình vào tình cảnh mang nợ nần. Bà của cô đã phải mượn 1 triệu yen, tương đương 8,813 đôla, để đưa cô sang Nhật Bản.
Qua các dịch vụ kết nối mạng, cô thiếu nữ lâm vào đường cùng kêu cứu Sơ Maria Lan, một nữ tu Công giáo ở Kawaguchi, quận Saitama. Và Công đoàn Lao động Zentouitsu thu xếp để cô thoát khỏi tình trạng bế tắc này.
Tại một cơ sở đào tạo tiền thực tập ở miền Tây Nhật Bản, các ứng viên buộc phải ký vào đơn, chấp nhận các điều kiện như "cấm có quan hệ tình cảm với người khác phái". Các quy định nêu lên rõ rệt "phái nam và phái nữ không được tới phòng thăm viếng nhau".
Tuy các quy định đó chỉ áp dụng cho các thực tập sinh trong thời kỳ trước thực tập, đơn này còn có thêm một điều khoản đòi hỏi các thực tập sinh phải "tuân thủ các quy định của công ty, vốn về phần lớn cũng tương tự như những quy định của chúng tôi, thế cho nên đừng mất cảnh giác, và tiếp tục tuân thủ các quy định ấy trong 3 năm tới".
Trong một tài liệu phân phối cho các giảng viên, cơ sở này ghi rõ :
"Nếu muốn sinh con, một nữ thực tập sinh bị buộc phải trở về nước và trả tiền phạt".
Sơ Lan cho biết bà đã nhận hàng loạt email và điện thoại kêu cứu của các nữ thập sinh người Việt lâm vào cảnh tương tự như trong câu chuyện này. Sơ Lan kể chuyện về một thai phụ 32 tuổi có ý định quyên sinh sau khi chạy trốn khỏi nơi làm việc vì bị chủ nhân buộc phải rời Nhật Bản.
Đền Nisshinkutsu ở một quận nhỏ tại Tokyo đã từng làm lễ tang cho một số học sinh và thực tập sinh chết ở Nhật Bản. Từ năm 2012 tới cuối tháng Bảy năm 2018, đền này ghi nhận có 101 ca tử vong, trong số này có 24 trẻ sơ sinh chết trong bụng mẹ, hoặc bị phá.