Luật về hội : ‘hiểu sao cũng trúng’
Lynn Huỳnh, VNTB, 05/08/2023
Trung ương ‘gật’, địa phương ‘lắc’
Quyền tự do lập hội ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được luật hóa, nên lập luận nào cũng sẽ… có lý (!?)
Ông Võ Kim Cự (bên phải) làm Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội sản xuất Sâm Việt Nam
"Hồ sơ đề nghị thành lập chưa nêu bật được sự cần thiết, tính cấp thiết phải thành lập Hiệp hội sản xuất Sâm Việt Nam. Chương trình Phát triển Sâm Việt Nam của Chính phủ mới ban hành, diện tích sâm và tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất sâm chưa nhiều. Trước mắt, nên chưa thành lập hiệp hội", văn bản Sở Y tế gửi Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum nêu ý kiến.
Phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cũng có văn bản ý kiến tương tự. Theo đó có hai lý do về việc chưa nên thành lập tổ chức hiệp hội như đề xuất. Lý do thứ nhất là chương trình Phát triển Sâm Việt Nam của Chính phủ mới ban hành ; diện tích sâm, sản phẩm, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất Sâm chưa nhiều.
Lý do thứ hai mới là ‘điểm chính’, đó là phía đề xuất thành lập hiệp hội vẫn chưa chứng minh được rằng họ thật sự có trồng sâm Ngọc Linh. Hơn nữa, phía đang tiến hành thủ tục hành chính về xin phép lập hội này, nếu họ chỉ là các doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh, thì hoàn toàn có thể đăng ký tham gia vào Hiệp hội Dược liệu.
Ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam có đa số người thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam, do ông Võ Kim Cự – chủ tịch hội đồng quản trị công ty – làm trưởng ban.
Tuy nhiên ở cấp trung ương, ghi nhận về mặt thủ tục hành chính thì phía Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết sau khi ông Võ Kim Cự có đơn đề nghị thành lập ban vận động hiệp hội sâm, bộ này đã lấy ý kiến của tất cả cơ quan đơn vị liên quan, một số hội của bộ. Kết quả tổng hợp không thấy trùng với các hội đã thành lập. Do đó, bộ đồng ý việc thành lập ban vận động với 16 thành viên là đúng quy định.
Quyết định thành lập, điều lệ hội do Bộ Nội vụ quyết định. Những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp muốn tham gia có thể làm đơn gửi về ban vận động. Ban tập hợp khoảng 100 đơn vị, tổ chức cá nhân muốn tham gia gửi Bộ Nội vụ thẩm định quyết định thành lập hiệp hội.
Phía cơ quan chuyên trách của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra lập luận như trên về đơn đề nghị thành lập ban vận động hiệp hội sâm của ông Võ Kim Cự.
Khi luật pháp ‘hiểu sao cũng trúng’
Dường như mọi việc ở đây có nguyên nhân từ tên của người dự kiến đứng đầu tổ chức hiệp hội này.
Võ Kim Cự, sinh năm 1957 nguyên là Bí thư, Chủ tịch đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13, khóa 14 thuộc đoàn đại biểu Hà Tĩnh, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Liên quan đến vụ xả nước thải ra biển của Formosa, ngày 21/4/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định xóa mọi chức vụ trong Đảng của ông.
Rời chính trường, một thời gian ngắn sau đó người ta thấy ông được ưu ái khá rõ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về dự án phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Lý lịch cá nhân của ông Võ Kim Cự cho thấy ông am tường các thủ tục về lập hội nghề nghiệp khi từ tháng 8/1993 đến tháng 6/2005 là Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam.
Các sai phạm ở quá khứ của chính khách Võ Kim Cự đã khép lại với những xử lý hành chính liên quan. Ông Võ Kim Cự nghỉ hưu và giờ đây tư cách công dân, ông có đầy đủ các quyền về yêu cầu được lập hội.
Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 đã tái khẳng định và cụ thể hóa tại Điều 22 : "Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình".
Lưu ý đây không phải là quyền tuyệt đối, bởi nó cho phép các quốc gia có thể đưa ra các hạn chế trong việc thực hiện quyền này vì lý do an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, để bảo vệ các quyền, tự do, sức khỏe của người khác.
Tinh thần đó từ Hiến chương và Công ước đã thể hiện nội dung của quyền bao gồm ba cách tiếp cận : quyền thành lập hội ; quyền gia nhập hội ; quyền hoạt động và điều hành hội, bao gồm cả việc tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí cho hoạt động của hội.
Như vậy nếu căn cứ vào nguyên tắc phổ quát chung, không chỉ riêng ông Võ Kim Cự, mà ai cũng có quyền lập hội và quyền gia nhập hội. Thế nhưng ngặt một nỗi là luật hóa về quyền lập hội, quyền gia nhập hội ở Việt Nam hiện tại vẫn dừng ở "dự án luật". Chính điều này nên trong vụ xúc tiến thành lập Hiệp hội sản xuất Sâm Việt Nam còn quá nhiều gút mắc từ ý kiến trái chiều của phía chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 05/08/2023
****************************
Việt Nam vẫn còn nợ quyền lập hội
Nguyễn Nam – Minh Hà, VNTB, 05/08/2023
Dự kiến phải đến kỳ họp cuối cùng trong năm 2023, Quốc hội Việt Nam mới thảo luận công ước về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức.
Ông Võ Kim Cự (ở giữa) làm Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam.
Hạ tuần tháng 2/2016, theo đề xuất của chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, một nhóm luật gia, nhà báo đã cùng chấp bút soạn thảo về dự án luật về quyền lập hội. Nội dung này được đăng tải lấy ý kiến trên trang Việt Nam Thời Báo.
Sau khi người đứng đầu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vướng vòng lao lý của cáo buộc theo điều luật hình sự 117, các tin tức liên quan về dự luật này gần như ít được nhắc đến.
Báo chí nhà nước Việt Nam cũng không có các tuyến bài liên quan về sự cần thiết của luật này trong bối cảnh những thỏa thuận FTA đang buộc Hà Nội phải thực hiện các cam kết về quyền chính trị của quyền lập hội.
Nhân thời sự ở hồ sơ xin thành lập Hiệp hội sản xuất Sâm Việt Nam, có ý kiến rằng trang Việt Nam Thời Báo nên "trở lại" với tuyến bài quyền chính trị về đa nguyên hội đoàn.
Trước mắt cho thấy với dự luật về quyền lập hội mà nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo từng soạn, và bản dự thảo luật về quyền lập hội của Bộ Nội vụ, ban biên tập trang Việt Nam Thời Báo xin được trở lại với tuyến bài chủ đề này, với bài đầu tiên là về 5 đề xuất cho đa nguyên hội, đoàn dân sự.
Thứ nhất : Về quyền lập hội của công dân
Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 25 : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Theo như Dự thảo, phạm vi điều chỉnh của Luật về hội là "quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội".
Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh cần mở rộng hơn nữa, bao gồm cả quy định về quyền lập hội của công dân. Cần tiếp cận dưới góc độ quyền lập hội của công dân trước, như là một nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình quản lý nhà nước về hội.
Nếu phạm vi điều chỉnh mở rộng theo hướng này thì dự thảo cần thiết bổ sung một số điều để khẳng định và làm rõ hơn nữa nội dung về quyền lập hội của công dân.
Thứ hai : Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội
Dự thảo Luật về hội quy định 05 nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hội bao gồm : 1) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội ; 2) Tự nguyện, tự quản ; 3) Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch ; 4) Tự bảo đảm kinh phí hoạt động ; 5) Không vì mục đích lợi nhuận.
Trong hệ thống nguyên tắc trên cần bổ sung thêm nguyên tắc : đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích của hội, hội viên, cộng đồng. Đây là một tư tưởng quan trọng để gắn kết các hội viên với nhau, các hội viên với hội và với cộng đồng.
Thực tế, nhiều hội đang hoạt động hợp pháp chưa thực hiện được nguyên tắc này nên các tôn chỉ mục đích của hội không được thực hiện đúng, xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo, không tôn trọng những công bố của hội…
Bổ sung thêm nguyên tắc trên cũng phù hợp về phương diện lý luận, bởi Dự thảo của Bộ Nội vụ định nghĩa về hội như sau : "Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có tôn chỉ, mục đích phù hợp quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng ; góp phần phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh".
Thứ ba : Về thẩm quyền cấp giấy đăng ký thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, tạm đình chỉ, giải thể, đổi tên, công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội
Nội dung của phần này chủ yếu phân cấp trong hệ thống hành chính nhà nước tương ứng với phạm vi hoạt động của hội.
Để tuân thủ đúng quy định của Hiến pháp năm 2013 về các cấp hành chính và đơn vị hành chính cần chuẩn hóa lại trong Dự thảo, đặc biệt cần bổ sung thêm thẩm quyền của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong những lĩnh vực trên, hiện nay Dự thảo chưa đề cập tới.
Bổ sung tương tự với những quy định liên quan (như trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hội) đến cấp hành chính và đơn vị hành chính cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Thứ tư : Về các hành vi bị nghiêm cấm
Cần bổ sung thêm hành vi gây khó khăn cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hội để quyền lập hội của công dân được thông thoáng hơn, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của nhà nước, của cán bộ, công chức trong việc đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân.
Thứ năm : Về điều kiện thành lập hội
Dự thảo quy định có 6 điều kiện thành lập hội : 1) Tên ; 2) Tôn chỉ mục đích ; 3) Lĩnh vực hoạt động chính không được trùng lặp với lĩnh vực chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động ; 4) Có điều lệ ; 5) Có trụ sở ; 6) Có đủ số người đăng ký tham gia.
Trong 6 điều kiện trên thì điều kiện thứ 3 cần xem xét thận trọng, vì quy định như trên thuận lợi cho nhà nước trong công tác quản lý hội theo lĩnh vực và tôn chỉ, mục đích ; nhưng đây là quy định "đóng" đối với quyền tự do lập hội của công dân, thậm chí đi ngược lại với quyền này, trái với quy định về đảm bảo quyền lập hội.
Nếu công dân muốn thành lập hội trong lĩnh vực đó với những phương thức hoạt động khác, tôn chỉ mục đích khác, thành viên mới… thì không có quyền thành lập hội mới. Đó thực chất là hạn chế quyền lập hội của công dân, chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nước trong việc quản lý hội.
Nếu công dân không được thành lập hội mới vì lý do quy định ở điều kiện thứ 3 thì sẽ xảy ra tình trạng công dân chỉ có cách lựa chọn hội đã thành lập rồi hoặc không gia nhập hội đó. Như vậy, với điều kiện này sẽ hạn chế quyền tự do lập hội và tự do hội họp của công dân.
Nhìn tổng thể, việc thiết kế Dự luật về hội nên bao hàm ba cách tiếp cận mà Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền đặt ra, đó là : quyền thành lập hội ; quyền gia nhập hội ; quyền hoạt động và điều hành hội và quản lý nước về hội với những cho phép hoặc hạn chế nhất định mà nhà nước thấy cần thiết.
Nguyễn Nam – Minh Hà
Nguồn : VNTB, 05/08/2023
Năm 2019 đang chứng kiến lần đầu tiên nhà cầm quyền Việt Nam buộc phải chuyển dần từ cơ chế độc tài sang "mị dân chủ" – một giai đoạn bắt buộc phải xảy ra trước khi tiến đến thời kỳ "bán dân chủ" để hướng tới tương lai dân chủ hoàn toàn cho dải đất hình chữ S quằn quại áp bức – đó là buộc phải "lấp ló" Luật lập Hội sau 6 năm.
Công nhân tại một khu công nghiệp ở Bình Dương trong một lần đình công đòi tăng lương nhưng không được tổ chức công đoàn của nhà nước bảo vệ. (Hình : Getty Images)
EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu-Việt Nam) là chất xúc tác chính yếu cho giai đoạn chuyển đổi từ độc tài toàn trị sang "mị dân chủ", theo cách không thể nào cưỡng lại.
Không còn cách nào khác
"Luật về Hội" (tên gọi sau này của Luật lập Hội) là một trong những nhân tố kích thích dân chủ hóa, dù ngay vào lúc này và trong năm 2020 vẫn rất có thể chỉ là sắc thái mị dân mà nhà cầm quyền Việt Nam "kiến tạo" để đối phó với EU (Liên Hiệp Châu Âu), liên quan đến số phận còn đang chuông treo mành chỉ của EVFTA.
"Dự án Luật về hội đã được Ban Cán Sự Đảng chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính Trị" – được thông báo bởi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/04/2019 – là nhượng bộ tiếp theo của chính thể độc đảng Việt Nam trước EU.
Ngay trước đó, lần đầu tiên giới chóp bu Việt Nam chịu xuống thang trước yêu cầu của EU về việc ký kết 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, liên quan đến Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó đặc biệt là công ước quốc tế về quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động (cách gọi của chính quyền Việt Nam là "công đoàn cơ sở").
Những dấu hiệu nhượng bộ trên xuất hiện trong và ngay sau chuyến đi Châu Âu vào cuối tháng Ba, năm 2019, của bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội Việt Nam, sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Liên Hiệp Châu Âu (EU) là Bernd Lange – một cơ quan tham mưu rất quan trọng về các hiệp định thương mại quốc tế và có vai trò quan trọng không kém Hội Đồng Châu Âu.
Việc Luật về Hội đã được Ban cán sự chính phủ làm tờ trình xin ý kiến Bộ Chính trị cho thấy nhiều khả năng dự luật này, cùng 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, sẽ được "đảng quyết định tất cả" để sau đó đưa ra kỳ họp Quốc hội, tháng 5/2019, cho các đại biểu Quốc hội đồng loạt "gật".
"Gật giả"
Vào cuối năm 2013, sau cuộc hội đàm của ông Trương Tấn Sang (chủ tịch nước) với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc với chủ đề chính về triển vọng người Mỹ chấp thuận cho Việt Nam tham gia vào hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Việt Nam bắt đầu lấp ló trả tự do cho một ít tù nhân lương tâm và đưa dự thảo "Luật lập Hội" (tên của dự luật này vào thời điểm đó) ra hội thảo để "chuẩn bị thông qua và ban hành".
Nhưng hứa hẹn và cam kết luôn là động tác đầu môi chót lưỡi của giới quan chức cao cấp Việt Nam. Có vẻ như ngay cả Tổng thống Obama cũng không biết rõ cách hứa hẹn như vậy thật ra chẳng có giá trị gì.
Trong thực tế, chính quyền Việt Nam chỉ thả hạn chế tù nhân lương tâm, trong số đó có những người bị tống xuất đi Mỹ mà không cho ở lại Việt Nam, còn Luật lập Hội thì chỉ làm vài động tác "hội thảo", "lấy ý kiến", "chuẩn bị thông qua", nhưng đã chẳng có gì thực chất mà chỉ như một thể thống trí trá, giả dối và lưu manh.
Từ năm 2013 đến năm 2016, cứ mỗi cuối năm dự thảo Luật lập Hội lại được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số hội đoàn nhà nước mang ra "xào lại" theo ý chỉ của đảng.
Vào quý 4 năm 2016, dự thảo Luật lập Hội được đổi thành dự thảo "Luật về Hội" và tiến gần nhất đến ranh giới thông qua vào đầu kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 10/2016.
Nhưng ngay sau cuộc gặp giữa Đinh Thế Huynh – Thường trực Ban Bí thư – và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Washington, DC vào buổi sáng ngày 25/10/2016, Dự Luật về Hội mới bất ngờ bị Quốc hội Việt Nam hoãn lại.
Đó cũng là bối cảnh Thượng Viện Mỹ đã tuyên bố thẳng thừng sẽ không họp hành gì về TPP trong năm 2016. Điều đó cũng có nghĩa là TPP, nếu còn đôi chút tương lai để được xem xét và thông qua, sẽ phải bị treo lại thêm ít nhất một năm nữa. Ngay lập tức, tác động tiêu cực trên đã khiến chẳng cần đảng phải chỉ đạo, Quốc hội Việt Nam cũng mau mắn "hoãn bỏ phiếu thông qua TPP".
Chỉ đến cuối năm 2017 khi CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thay thế cho Hiệp định TPP) được các nước chính thức thông qua, trong đó có nội dung bắt buộc về công đoàn độc lập và quyền tự do lập công đoàn tự do của người lao động, chính quyền Việt Nam mới một lần nữa lấp ló Luật về Hội, nhưng cũng chỉ treo ở đó để chờ tín hiệu từ cuộc mặc cả về EVFTA và cả "thẻ vàng hải sản" từ phía EU.
Có còn là "luật phản động" ?
Dự thảo Luật về Hội của chính quyền Việt Nam – được "kế thừa" từ nghị định số 45 của chính phủ Việt Nam về quản lý hội đoàn – thực chất là thế nào ?
Vào tháng 10/2016, một số nghiên cứu và phân tích từ xã hội dân sự đã cho thấy nghị định số 45 có nhiều vết tích được cho là lấy từ nguồn gốc những văn bản pháp quy về cùng đối tượng quản lý ở Trung Quốc. Sau đó, một bàn tay bí mật nào đó ở Việt Nam đã cố tình sao chép các quy định của Trung Quốc vào dự thảo mới nhất của luật về Hội để trình cho Quốc hội.
Khi đó, nhiều người nghĩ ngay bàn tay bí mật trên chính là Bộ Công an, cơ quan chưa bao giờ có một chút thiện chí với những quyền căn bản của người dân. Hầu như chắc chắn là như thế.
Nhiều thông tin cho biết bộ này, mặc dù không có vai trò chủ trì soạn thảo Dự luật về Hội như Bộ Nội vụ, nhưng lại là tổng đạo diễn đối với những kịch bản phân loại các tổ chức xã hội dân sự độc lập vào loại "đối kháng" hay "đối lập ôn hòa", cùng những bổ sung vào luật mang màu sắc đặc trưng của áp chế độc tài.
Dự luật về Hội cũng bởi thế tựa như một loại quả táo tẩm thuốc độc. Dự luật này được tung ra với nhiều điều khoản không chỉ quá thiên về hoạt động quản lý nhà nước mà còn để lộ quá rõ ràng ý đồ "siết" đối với xã hội dân sự, trong đó có những quy định "Không được nhận tài trợ, liên kết với tổ chức nước ngoài", "Người nước ngoài ở Việt Nam không được lập hội", "Lãnh đạo hội phải được nhà nước phê chuẩn". Điều 4 dự thảo này còn quy định mọi hội đoàn phải "được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu".
Thậm chí quy định về việc không cho người nước ngoài được lập hội lại khá giống với quy định tương tự ở Trung Quốc và gần giống với nước Nga thời Putin.
Trong một cuộc tọa đàm về Dự luật về Hội tại Liên hiệp các tổ chức khoa học và kỹ thuật ở Hà Nội, một luật sư nhân quyền đã phải tố cáo Dự Luật về Hội là "luật phản động".
Sẽ "gật thật" ?
Từ đầu năm 2017, trong khi TPP vẫn ngổn ngang mà không có Mỹ, EVFTA đã xuất hiện trong bối cảnh "thế nước đang lên" – điều được giới tuyên giáo Việt Nam ca tụng, nhưng cũng là bối cảnh một nền ngân sách đang nhanh chóng vì cạn kiệt, một nền kinh tế đang lao vào năm suy thoái thứ 10 liên tiếp kể từ năm 2008, một xã hội nhiều mầm mống phản kháng và khủng hoảng, một nền chính trị xung đột tứ bề và nạn sứ quân hoành hành khắp nơi, chưa kể hàng năm Việt Nam phải trả hàng chục tỷ đô la nợ nước ngoài…
Giờ đây chưa có gì để hy vọng vào TPP, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Cũng như TPP, việc ban hành Luật về Hội, ký 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, công nhận Công đoàn độc lập và công nhận Xã Hội Dân Sự là những điều kiện quan trọng của EU mà chính quyền Việt Nam phải đáp ứng để được tham gia vào EVFTA.
Bởi thế sẽ khác khá nhiều với quá khứ "gật giả", vào lần này có thể là "gật thật".
Vào năm 2019, việc giới quan chức Việt Nam phải cam kết với EU về những điều kiện cải thiện nhân quyền liên quan EVFTA, cùng lúc ở trong nước đảng chỉ đạo cho tái hiện Luật về Hội phát ra ít nhất 2 chỉ dấu quan trọng.
- Thế và lực hiện nay của chính quyền Việt Nam là yếu hơn khá nhiều so với 6 năm trước.
- Trong bối cảnh "vận nước đang lên" như thế, một lực đẩy bình thường của EU vẫn có thể khiến tảng đá bảo thủ phải dịch chuyển.
Vấn đề còn lại là lực đẩy trên sẽ được duy trì trong bao lâu, hoặc gia tăng đến mức độ nào để có thể bẩy hẳn tảng đá bảo thủ khỏi sức ì không còn quá lớn của nó, mang lại chí ít kết quả về một Luật về Hội cởi mở, tiến bộ, công nhận xã hội dân sự và công đoàn độc lập chứ không bị xem là "luật phản động" !
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 22/04/2019
Cách đây vừa tròn một tháng, các cuộc biểu tình chống luật về các đặc khu kinh tế bao gồm Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc diễn ra trên hơn một nửa các tỉnh thành trên toàn quốc đã gây ra một cú sốc rất lớn, cho cả chính quyền lẫn phong trào dân chủ Việt Nam.
Các cuộc biểu tình ngày 10/06/2018 chống luật về các đặc khu kinh tế bao gồm Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc diễn ra trên hơn một nửa các tỉnh thành trên toàn quốc
Đây là một cuộc biểu tình có qui mô lớn nhất tại Việt Nam sau ngày 30/4/1975, và đặc biệt hơn cả là các cuộc biểu tình đã diễn ra một cách hoàn toàn tự phát. Đã không có bất cứ một tổ chức chính trị hay hội đoàn nào đứng ra kêu gọi biểu tình.
Không ngoài qui luật chung của các cuộc biểu tình tự phát, các cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 bắt đầu trong ôn hòa và kết thúc trong bạo lực, đặc biệt là tại Bình Thuận. Người dân đã tấn công vào trụ sở ủy ban nhân dân tỉnh, đốt phá nhiều phương tiện như ô tô, xe máy…
Chính quyền Việt Nam đã hoàn toàn bất ngờ vì không nghĩ người dân Việt Nam giận dữ đến như vậy. Phong trào dân chủ Việt Nam cũng bất ngờ vì cứ nghĩ người dân Việt Nam thờ ơ vô cảm, không quan tâm đến chính trị…
Có một điểm chung mà có lẽ ai cũng đồng ý là "ý đảng và lòng dân" không còn là một. Người dân đã bày tỏ sự phẫn nộ không cần che giấu đối với chính quyền. Luật về đặc khu kinh tế chỉ là giọt nước tràn ly, sự bức xúc của người dân có nhiều lý do : tham nhũng, sự lệ thuộc quá đáng vào Trung Quốc, ô nhiễm môi trường, sự vô cảm của giới quan chức nhà nước…
Rất nhiều cảm xúc và hy vọng sau các cuộc biểu tình này. Đây cũng là một dấu ấn cho một Việt Nam đang chuyển mình về dân chủ.
Sau cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 đã có nhiều vấn đề được đưa ra mổ xẻ, ví dụ như : Tầm quan trọng của các tổ chức chính trị ? Làm thế nào để xây dựng được một tổ chức chính trị ? Khi nào thì có luật biểu tình ? Làm thế nào để các cuộc biểu tình có kết quả ? Làm thế nào để các cuộc biểu tình diễn ra không có bạo lực ?...
Trong bài viết này chúng tôi sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi : Vì sao không thể có luật biểu tình tại Việt Nam ?
Chính quyền Việt Nam không thể thông qua Luật Biểu tình là vì Việt Nam vẫn chưa có Luật về Hội
Rất nhiều người đã yêu cầu chính quyền Việt Nam phải nhanh chóng thông qua luật biểu tình, trong đó có cả chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tuy nhiên đề nghị của ông Trần Đại Quang trên báo Tuổi Trẻ đã bị gỡ bỏ nhanh chóng sau đó. Vì sao như vậy ? Tại sao sau 70 năm rồi mà chính quyền cộng sản vẫn không thể thông qua luật biểu tình ?
Theo chúng tôi có một lý do quan trọng khiến chính quyền Việt Nam không thể thông qua luật biểu tình là vì Việt Nam vẫn chưa có luật về Hội. Các tổ chức xã hội dân sự cũng như các tổ chức chính trị vẫn chưa được thừa nhận tại Việt Nam. Khi các tổ chức dân sự và chính trị không thuộc Mặt trận tổ quốc Việt Nam vẫn chưa được thừa nhận thì không thể có luật biểu tình. Lý do cũng giản dị, bất cứ cuộc biểu tình nào cũng phải có người đứng ra tổ chức. Nếu chỉ có các tổ chức và hội đoàn thuộc Mặt trận tổ quốc được phép đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình thì không có gì thay đổi so với hiện nay. Luật biểu tình ra đời sẽ bị phản đối và nhanh chóng làm trò cười cho bàn dân thiên hạ. Còn nếu mở rộng ra thì ai là người có pháp nhân để tổ chức các cuộc biểu tình ? Đây là vòng luẩn quẩn như chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước.
Sự đấu đá và xung đột trong nội bộ đảng ngày càng gay gắt và không khoan nhượng. Từ ủy viên Bộ chính trị đến các tướng lĩnh quân đội và công an, ai cũng có thể bị bắt giữ và truy tố bất cứ lúc nào. Không ai còn "an toàn" dưới chế độ này. Bất cứ quan chức giàu có nào cũng dính đến tham nhũng vì vậy ai cũng có thể là mục tiêu của chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng. Càng giàu có thì càng dễ bị điều tra. Phe ông Trọng với chiến dịch "chống tham nhũng" sẽ vừa được tiếng (chống tham nhũng) vừa được miếng (thu hồi tài sản của các quan chức bị bắt giữ), tội gì họ không làm ?
Ngay cả khi luật biểu tình ra đời với qui định chỉ có các tổ chức thuộc Mặt trận tổ quốc mới được tổ chức các cuộc biểu tình thì đảng cộng sản vẫn không thể yên tâm. Biết đâu có ai hay thế lực nào đó muốn lợi dụng để gây hỗn loạn và sức ép lên chính quyền. Đảng cộng sản đa nghi còn hơn cả Tào Tháo. Ngay cả các cuộc biểu tình diễn ra hôm 10/6/2018 cũng có không ít ý kiến cho rằng các hành động bạo lực và quá khích có thể do các phe nhóm trong nội bộ đảng giật dây và tổ chức chứ không phải do người dân gây ra như hồi năm 2014. Khi đó các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 vào lãnh thổ Việt Nam đã xảy ra với nhiều bạo động chết người mà đến nay vẫn chưa tìm ra được thủ phạm.
Đảng cộng sản Việt Nam đang tiến dần đến hồi kết thúc. Họ không còn có thể lấy bất cứ một quyết định quan trọng nào. Luật An ninh mạng ra đời vội vã, bất chấp hậu quả với mong muốn "bảo vệ chế độ" như lời ông Trọng cũng sẽ thất bại vì bất khả thi. Việc có luật biểu tình hay không cũng không quan trọng vì khi có nhu cầu là người dân sẽ tự xuống đường mà không cần luật biểu tình và không cần ai kêu gọi. Chính quyền càng bắt bớ và đàn áp như ngày 17/6/2018 thì sự căm phẫn ngày càng dâng cao và đến một lúc nào đó sẽ mất kiểm soát. Khi không có tổ chức nào đứng ra kêu gọi và tổ chức biểu tình thì chỉ cần một vài cá nhân kích động là bạo loạn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Hậu quả sẽ khôn lường khi bạo lực vượt tầm kiểm soát. May mắn là cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 đã không có người chết nếu không thì không biết hậu quả sẽ ra sao.
Nhiều người đã nhận ra rằng để các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa và có kết quả thì phải có các tổ chức chính trị đứng ra lãnh đạo và dẫn dắt. Giả sử như cuộc biểu tình hôm 10/6/2018 tiếp diễn nhiều ngày và chính quyền muốn nhượng bộ và đối thoại thì họ sẽ đối thoại với ai ? Rõ ràng là không có ai. Và như vậy cuộc biểu tình sẽ bế tắc hoặc chỉ để bày tỏ thái độ giận dữ của người dân, chấm hết.
Muốn các cuộc biểu tình đạt được kết quả cuối cùng là khiến chính quyền nhượng bộ trên những vấn đề nào đó thì phải có tổ chức lãnh đạo và dẫn dắt. Như vậy muốn hay không thì người dân Việt Nam phải ủng hộ và đặt niềm tin vào một tổ chức chính trị dân chủ nào đó.
Không thích đảng cộng sản chưa đủ, muốn có sự thay đổi thì phải ủng hộ cho một tổ chức khác, với những giải pháp chính trị khác thay thế cho giải pháp cộng sản. Không thể khác được. Chừng nào người dân chưa ủng hộ cho các tổ chức dân chủ với các giải pháp mới thì sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào là thật sự ở Việt nam.
Việt Hoàng
(10/7/2018)
Tại sao chưa chịu đưa dự án Luật về Hội vào chương trình nghị sự của Quốc hội trong năm 2018 này ?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Cựu Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đã nói trong phiên bế mạc Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam hồi cuối tháng 12-2015 (khi ấy bà là Giám đốc WB tại Việt Nam), rằng : "Cần thiết phải soạn thảo và thực hiện một bộ luật có hiệu lực mạnh về hội và hiệp hội. Chính điều đó sẽ giúp thực hiện chương trình nghị sự của Chính phủ".
Thời điểm thích hợp là thời điểm nào ?
Thế nhưng dự Luật về Hội lại được Chính phủ xin phép Quốc hội được rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Lý do : cần có thời gian nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện và trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp. Thế nhưng mãi cho đến nay, thời điểm thích hợp ấy là bao giờ ? Quốc hội cũng dễ dãi, không đưa ra dự kiến về thời gian buộc phải trình dự luật này.
Tương tự như khuyến cáo của WB, theo các tổ chức phi Chính phủ thì thể chế kinh tế thị trường hiện đại không thể vắng bóng vai trò quản lý vĩ mô của Chính phủ, cũng như vai trò thúc đẩy của xã hội dân sự và tinh thần hiệp hội. Vì vậy, việc ban hành Luật về Hội được cho là sẽ giúp người dân và doanh nghiệp có cơ sở pháp lý lập hội nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin, công nghệ và bảo vệ lợi ích của mình tốt hơn trong cũng như ngoài nước.
Kiến nghị cụ thể của các tổ chức phi chính phủ là Luật về Hội cần đảm bảo tính tự nguyện, tự chủ và tự do trong hoạt động, không bị can thiệp tùy tiện bởi các cơ quan Nhà nước vào điều lệ, lãnh đạo cũng như lĩnh vực hoạt động của hội. Có như vậy hội mới tập hợp được nhân tài, đáp ứng được nhu cầu của thành viên cũng như bảo vệ được lợi ích của hội viên. Khi đó, hội có thể giúp các thành viên tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng lực góp ý cho chính sách phát triển ngành, và đặc biệt bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn.
Khái quát lại, quan điểm của các tổ chức phi chính phủ là một Luật về Hội đúng với tinh thần của Hiến pháp, thì hội sẽ không phải xin phép thành lập theo thủ tục rườm rà, mà chỉ đăng ký với cơ quan Nhà nước. Cơ quan Nhà nước không phê duyệt điều lệ cũng như lãnh đạo của hội, không giới hạn số hội hoạt động trong cùng một lĩnh vực. Các lĩnh vực cấm hoạt động nếu có thì được liệt kê cụ thể rõ ràng trong luật và hội hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.
Các tổ chức phi chính phủ "tin rằng một luật về hội bảo vệ quyền hiệp hội của người dân, doanh nghiệp sẽ thổi luồng sinh khí mới vào xã hội Việt Nam, giống như khi đổi mới cho kinh tế tư nhân ra đời đã dẫn đến sự cất cánh của đất nước".
Trái ý Tổng bí thư ?
Thế nhưng vì sao tuy hô hào là chính phủ kiến tạo, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn tiếp tục im lặng trong chỉnh sửa, soạn trình Quốc hội dự Luật về Hội ? Không chỉ vậy, trong năm vừa qua dự Luật về Hội đã chìm vào im lặng, bất chấp trước đó tại phiên thảo luận dự án Luật về Hội ngày 25/10/2016, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã xin được tiếp thu và trình lại ở kỳ họp sau của Quốc hội.
Theo một số nguồn tin không chính thức, nếu sắp tới đây dự Luật về Hội được trình Quốc hội, nhiều khả năng một số điều khoản sẽ làm khó những ai là đảng viên Đảng Cộng sản muốn gia nhập vào các hội, đoàn xã hội dân sự.
Với văn bản có tên "Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm", Bộ Chính trị ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2017, thì cấm tuyệt đối các đảng viên có ý kiến phản biện các chính sách của Đảng, cấm đảng viên đòi hỏi có sự hiện diện của "xã hội dân sự", của "tam quyền phân lập", của "đa nguyên, đa đảng" (trích Điều 7.3.b, Quy định 102-QĐ/TW).
Như vậy, dễ thấy rằng quy định nói trên của Bộ Chính trị hoàn toàn đi ngược lại yêu cầu phải thúc đẩy xã hội dân sự phát triển, nếu như Việt Nam muốn có nền kinh tế thị trường phù hợp với cộng đồng chung toàn cầu, được thể hiện qua các hiệp định thương mại, các điều ước mà Việt Nam đã ký kết, cũng như đang đàm phán.
Một Hội nghị trực tuyến quán triệt Quy định số 102-QĐ/TW
Hội, về bản chất là sự liên kết giữa của một cá nhân với người khác để cùng nhau hay phối hợp thực hiện các quyền dân sự của mình đã được pháp luật thừa nhận, với mục tiêu căn bản là hỗ trợ lẫn nhau hoặc hỗ trợ người khác, đặc biệt là các nhóm yếu thế, trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày mà không cần đến sự bao cấp hay can thiệp của Nhà nước.
Nói một cách khác, về cơ bản, hội chia sẻ trách nhiệm của chính Nhà nước trong nghĩa vụ bảo đảm xã hội cho người dân. Khái niệm hội theo nghĩa rộng bao hàm cả hội có mục đích kinh tế (ví dụ các hội doanh nghiệp) và các hội phi kinh tế và tổ chức phi lợi nhuận (ví dụ quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ).
Như vậy, nếu không ủng hộ việc lập hội, phải chăng Nhà nước Việt Nam không thừa nhận sự tồn tại của đời sống tự nhiên và bình thường ?
Bên lề lý giải chuyện vì sao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc im lặng về dự Luật về Hội, có ít kiến rằng ông đang ngại ngài Tổng Bí thư vốn không mấy mặn mà chuyện về quyền lập hội, vì Tổng Bí thư sợ sẽ có "đa nguyên, đa đảng" cạnh tranh với Đảng Cộng sản của ông.
Ai cũng biết trong Hiến pháp có bảo hộ quyền tự do chính trị của công dân. Điều 28 hiến định rằng công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
Cũng theo Hiến pháp, Nhà nước phải tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội ; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Chính điều đó cho thấy một khi các công dân tập họp lại thành một tổ chức hội theo quyền hiến định tại điều 25, sẽ đưa đến những phản biện được tập họp bằng sức mạnh của đám đông trong tổ chức hội, đoàn. Khi ấy, Bộ Chính trị của ngài Tổng Bí thư ắt hẳn sẽ không thể xử lý xuể những đảng viên vi phạm Quy định 102-QĐ/TW.
Xem ra ông Tổng Bí thư luôn e sợ về quyền tự do lập hội sẽ cản trở ông trong giấc mộng "nhất thể hóa" Đảng - Nhà nước mà ông đang chăm chăm nhắm đến trong vai trò "minh quân" !
Trần Thành
Nguồn : VNTB, 06/03/2018
Một tin tức đáng khích lệ dành cho giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền Việt Nam vừa phát lộ : vào buổi sáng ngày 1/3/2018, đã diễn ra "hội thảo đóng góp ý kiến cho dự án Luật Về hội" do Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ cựu đại biểu Quốc hội phối hợp với tổ chức phi chính phủ Oxfam.
Quan chức Đặng Đình Luyến, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá 13 phát biểu tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự án Luật về hội. Ảnh: Vneconomy
Cuộc hội thảo trên diễn ra chỉ ít ngày sau khi có tin cho biết để được Liên Hiệp Châu Âu (EU) chấp thuận thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), giới chóp bu Việt Nam đã buộc phải nhân nhượng EU, ít nhất trên phương diện "hứa hẹn".
Một bài dịch đăng ngày 23/2/2018 của trang Việt Nam Thời Báo (Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, người dịch Phương Thảo) dẫn nguồn từ trang Borderlex cho biết "Việc EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả", và khẳng định "Phía sau việc trì hoãn này còn có một số lý do chính trị như : ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên minh châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động".
Theo đó, Đại sứ Việt Nam tại EU là Vương Thừa Phong đã tuyên bố rằng Việt Nam đang lên kế hoạch phê chuẩn để thông qua các công ước này vào năm 2019 và 2020. "Chúng tôi tôn trọng cam kết của chúng tôi" – ông Phong nói "như đinh đóng cột" trước giới chức EU.
Tất nhiên, giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền Việt Nam ngay lập tức có thể phát ra dấu hỏi : làm sao có thể tin, và trong thực tế có còn chút gì về khái niệm niềm tin, đối với lời hứa của giới quan chức Việt Nam, bởi trong quá khứ không xa, chính thể độc đảng ở Việt Nam đã hứa hẹn và sau đó nuốt lời hứa quá nhiều lần ?
Vào cuối năm 2013, sau cuộc hội kiến của Trương Tấn Sang – chủ tịch nước – với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc với chủ đề chính về triển vọng người Mỹ chấp thuận cho Việt Nam tham gia vào hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chính quyền Việt Nam bắt đầu lấp ló trả tự do cho một ít tù nhân lương tâm và đưa dự thảo Luật lập Hội (tên của dự luật này vào thời điểm đó) ra hội thảo để "chuẩn bị thông qua và ban hành".
Nhưng hứa hẹn và cam kết luôn là động tác đầu môi chót lưỡi của giới quan chức cao cấp Việt Nam. Có vẻ như ngay cả Tổng thống Obama cũng không biết rõ cách hứa hẹn như vậy thật ra chẳng có giá trị gì. Trong thực tế, chính quyền Việt Nam chỉ thả hạn chế tù nhân lương tâm, trong số đó có những người bị tống xuất đi Mỹ mà không cho ở lại Việt Nam, còn Luật lập Hội thì chỉ làm vài động tác "hội thảo", "lấy ý kiến", "chuẩn bị thông qua", nhưng đã chẳng có gì thực chất.
Từ năm 2013 đến năm 2016, cứ mỗi cuối năm dự thảo Luật lập Hội lại được Ủy ban Thường vụ quốc hội và một số hội đoàn nhà nước mang ra "xào" lại theo ý chỉ của đảng.
Vào quý 4 năm 2016, dự thảo Luật lập Hội được đổi thành dự thảo Luật về Hội và tiến gần nhất đến ranh giới thông qua vào đầu kỳ họp quốc hội vào cuối tháng Mười.
Tuy nhiên, nội dung khi đó của Luật Về Hội lại mang tính "siết" về nhiều vấn đề, đến mức một luật sư là ông Trần Vũ Hải phải cảnh báo Dự Luật về Hội này là "luật phản động".
Nhưng ngay sau cuộc gặp giữa ông Đinh Thế Huynh – Thường trực Ban bí thư – và ông John Kerry tại Washington, DC vào buổi sáng ngày 25/10/2016, Dự Luật về Hội mới bất ngờ bị Quốc hội Việt Nam hoãn lại.
Đó cũng là bối cảnh Thượng Viện Mỹ đã tuyên bố thẳng thừng sẽ không họp hành gì về TPP trong năm 2016. Điều đó cũng có nghĩa là TPP, nếu còn đôi chút tương lai để được xem xét và thông qua, sẽ phải bị treo lại thêm ít nhất một năm nữa. Ngay lập tức, tác động tiêu cực trên đã khiến chẳng cần đảng phải chỉ đạo, Quốc hội Việt Nam cũng mau mắn "hoãn bỏ phiếu thông qua TPP". Từ đó đến nay, chẳng còn quan chức Việt Nam nào nhắc đến Luật về Hội và Công Đoàn Độc Lập nữa.
Còn giờ đây, khi TPP vẫn ngổn ngang mà không có Mỹ, EVFTA lại xuất hiện trong bối cảnh "thế nước đang lên" – điều được giới tuyên giáo Việt Nam ca tụng, nhưng cũng là bối cảnh một nền ngân sách đang nhanh chóng vì cạn kiệt, một nền kinh tế đang lao vào năm suy thoái thứ 10 liên tiếp kể từ năm 2008, một xã hội nhiều mầm mống phản kháng và khủng hoảng, một nền chính trị xung đột tứ bề và nạn sứ quân hoành hành khắp nơi, chưa kể hàng năm Việt Nam phải trả hàng chục tỷ USD nợ nước ngoài…
Cũng như TPP, việc ban hành Luật về Hội, công nhận Công đoàn độc lập và công nhận Xã hội dân sự là những điều kiện quan trọng để muốn tham gia vào EVFTA, chính quyền Việt Nam phải đáp ứng.
Giờ đây chưa có gì để hy vọng vào TPP, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Vào tháng 6/2016, Nghị viện châu Âu từng tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam – mang số hiệu 2016/2755 (RSP). Tuy nhiên khi đó sức ép của EU là chưa đủ lớn. Nhưng càng về sau này, EU càng quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền cho Việt Nam và nói thẳng đây là một trong những điều kiện bắt buộc, để nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền thì sẽ không có cơ hội nào có được EVFTA.
Việc giới quan chức Việt Nam phải "cam kết" với EU về những điều kiện cải thiện nhân quyền, cùng lúc ở trong nước đảng chỉ đạo vài hội đoàn nhà nước tái hội thảo Luật về Hội cho thấy ít nhất 2 chỉ dấu quan trọng :
– Thế và lực hiện nay của chính quyền Việt Nam là yếu hơn khá nhiều so với 5 năm trước.
– Trong bối cảnh "vận nước đang lên" như thế, một lực đẩy bình thường của EU vẫn có thể khiến tảng đá bảo thủ phải dịch chuyển.
Vấn đề còn lại là lực đẩy trên sẽ được duy trì trong bao lâu, hoặc gia tăng đến mức độ nào để có thể bẩy hẳn tảng đá bảo thủ khỏi sức ì không còn quá lớn của nó, mang lại chí ít kết quả về một Luật về Hội cởi mở, tiến bộ, công nhận Xã hội dân sự và Công đoàn độc lập chứ không phải bị xem là "luật phản động".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 01/03/2018