Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

10/07/2018

Vì sao không thể có luật biểu tình ?

Việt Hoàng

Cách đây vừa tròn một tháng, các cuộc biểu tình chống luật về các đặc khu kinh tế bao gồm Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc diễn ra trên hơn một nửa các tỉnh thành trên toàn quốc đã gây ra một cú sốc rất lớn, cho cả chính quyền lẫn phong trào dân chủ Việt Nam.

bieutinh1

Các cuộc biểu tình ngày 10/06/2018 chống luật về các đặc khu kinh tế bao gồm Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc diễn ra trên hơn một nửa các tỉnh thành trên toàn quốc

Đây là một cuộc biểu tình có qui mô lớn nhất tại Việt Nam sau ngày 30/4/1975, và đặc biệt hơn cả là các cuộc biểu tình đã diễn ra một cách hoàn toàn tự phát. Đã không có bất cứ một tổ chức chính trị hay hội đoàn nào đứng ra kêu gọi biểu tình.

Không ngoài qui luật chung của các cuộc biểu tình tự phát, các cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 bắt đầu trong ôn hòa và kết thúc trong bạo lực, đặc biệt là tại Bình Thuận. Người dân đã tấn công vào trụ sở ủy ban nhân dân tỉnh, đốt phá nhiều phương tiện như ô tô, xe máy…

Chính quyền Việt Nam đã hoàn toàn bất ngờ vì không nghĩ người dân Việt Nam giận dữ đến như vậy. Phong trào dân chủ Việt Nam cũng bất ngờ vì cứ nghĩ người dân Việt Nam thờ ơ vô cảm, không quan tâm đến chính trị…

Có một điểm chung mà có lẽ ai cũng đồng ý là "ý đảng và lòng dân" không còn là một. Người dân đã bày tỏ sự phẫn nộ không cần che giấu đối với chính quyền. Luật về đặc khu kinh tế chỉ là giọt nước tràn ly, sự bức xúc của người dân có nhiều lý do : tham nhũng, sự lệ thuộc quá đáng vào Trung Quốc, ô nhiễm môi trường, sự vô cảm của giới quan chức nhà nước…

Rất nhiều cảm xúc và hy vọng sau các cuộc biểu tình này. Đây cũng là một dấu ấn cho một Việt Nam đang chuyển mình về dân chủ.

Sau cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 đã có nhiều vấn đề được đưa ra mổ xẻ, ví dụ như : Tầm quan trọng của các tổ chức chính trị ? Làm thế nào để xây dựng được một tổ chức chính trị ? Khi nào thì có luật biểu tình ? Làm thế nào để các cuộc biểu tình có kết quả ? Làm thế nào để các cuộc biểu tình diễn ra không có bạo lực ?...

Trong bài viết này chúng tôi sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi : Vì sao không thể có luật biểu tình tại Việt Nam ?

bieutinh2

Chính quyền Việt Nam không thể thông qua Luật Biểu tình là vì Việt Nam vẫn chưa có Luật về Hội

Rất nhiều người đã yêu cầu chính quyền Việt Nam phải nhanh chóng thông qua luật biểu tình, trong đó có cả chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tuy nhiên đề nghị của ông Trần Đại Quang trên báo Tuổi Trẻ đã bị gỡ bỏ nhanh chóng sau đó. Vì sao như vậy ? Tại sao sau 70 năm rồi mà chính quyền cộng sản vẫn không thể thông qua luật biểu tình ?

Theo chúng tôi có một lý do quan trọng khiến chính quyền Việt Nam không thể thông qua luật biểu tình là vì Việt Nam vẫn chưa có luật về Hội. Các tổ chức xã hội dân sự cũng như các tổ chức chính trị vẫn chưa được thừa nhận tại Việt Nam. Khi các tổ chức dân sự và chính trị không thuộc Mặt trận tổ quốc Việt Nam vẫn chưa được thừa nhận thì không thể có luật biểu tình. Lý do cũng giản dị, bất cứ cuộc biểu tình nào cũng phải có người đứng ra tổ chức. Nếu chỉ có các tổ chức và hội đoàn thuộc Mặt trận tổ quốc được phép đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình thì không có gì thay đổi so với hiện nay. Luật biểu tình ra đời sẽ bị phản đối và nhanh chóng làm trò cười cho bàn dân thiên hạ. Còn nếu mở rộng ra thì ai là người có pháp nhân để tổ chức các cuộc biểu tình ? Đây là vòng luẩn quẩn như chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước.

Sự đấu đá và xung đột trong nội bộ đảng ngày càng gay gắt và không khoan nhượng. Từ ủy viên Bộ chính trị đến các tướng lĩnh quân đội và công an, ai cũng có thể bị bắt giữ và truy tố bất cứ lúc nào. Không ai còn "an toàn" dưới chế độ này. Bất cứ quan chức giàu có nào cũng dính đến tham nhũng vì vậy ai cũng có thể là mục tiêu của chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng. Càng giàu có thì càng dễ bị điều tra. Phe ông Trọng với chiến dịch "chống tham nhũng" sẽ vừa được tiếng (chống tham nhũng) vừa được miếng (thu hồi tài sản của các quan chức bị bắt giữ), tội gì họ không làm ?

Ngay cả khi luật biểu tình ra đời với qui định chỉ có các tổ chức thuộc Mặt trận tổ quốc mới được tổ chức các cuộc biểu tình thì đảng cộng sản vẫn không thể yên tâm. Biết đâu có ai hay thế lực nào đó muốn lợi dụng để gây hỗn loạn và sức ép lên chính quyền. Đảng cộng sản đa nghi còn hơn cả Tào Tháo. Ngay cả các cuộc biểu tình diễn ra hôm 10/6/2018 cũng có không ít ý kiến cho rằng các hành động bạo lực và quá khích có thể do các phe nhóm trong nội bộ đảng giật dây và tổ chức chứ không phải do người dân gây ra như hồi năm 2014. Khi đó các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 vào lãnh thổ Việt Nam đã xảy ra với nhiều bạo động chết người mà đến nay vẫn chưa tìm ra được thủ phạm.

Đảng cộng sản Việt Nam đang tiến dần đến hồi kết thúc. Họ không còn có thể lấy bất cứ một quyết định quan trọng nào. Luật An ninh mạng ra đời vội vã, bất chấp hậu quả với mong muốn "bảo vệ chế độ" như lời ông Trọng cũng sẽ thất bại vì bất khả thi. Việc có luật biểu tình hay không cũng không quan trọng vì khi có nhu cầu là người dân sẽ tự xuống đường mà không cần luật biểu tình và không cần ai kêu gọi. Chính quyền càng bắt bớ và đàn áp như ngày 17/6/2018 thì sự căm phẫn ngày càng dâng cao và đến một lúc nào đó sẽ mất kiểm soát. Khi không có tổ chức nào đứng ra kêu gọi và tổ chức biểu tình thì chỉ cần một vài cá nhân kích động là bạo loạn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Hậu quả sẽ khôn lường khi bạo lực vượt tầm kiểm soát. May mắn là cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 đã không có người chết nếu không thì không biết hậu quả sẽ ra sao.

Nhiều người đã nhận ra rằng để các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa và có kết quả thì phải có các tổ chức chính trị đứng ra lãnh đạo và dẫn dắt. Giả sử như cuộc biểu tình hôm 10/6/2018 tiếp diễn nhiều ngày và chính quyền muốn nhượng bộ và đối thoại thì họ sẽ đối thoại với ai ? Rõ ràng là không có ai. Và như vậy cuộc biểu tình sẽ bế tắc hoặc chỉ để bày tỏ thái độ giận dữ của người dân, chấm hết.

Muốn các cuộc biểu tình đạt được kết quả cuối cùng là khiến chính quyền nhượng bộ trên những vấn đề nào đó thì phải có tổ chức lãnh đạo và dẫn dắt. Như vậy muốn hay không thì người dân Việt Nam phải ủng hộ và đặt niềm tin vào một tổ chức chính trị dân chủ nào đó.

Không thích đảng cộng sản chưa đủ, muốn có sự thay đổi thì phải ủng hộ cho một tổ chức khác, với những giải pháp chính trị khác thay thế cho giải pháp cộng sản. Không thể khác được. Chừng nào người dân chưa ủng hộ cho các tổ chức dân chủ với các giải pháp mới thì sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào là thật sự ở Việt nam.

Việt Hoàng

(10/7/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1616 times

1 comment

  • Comment Link TRẦN VIẾT THUẬN mardi, 04 septembre 2018 22:36 posted by TRẦN VIẾT THUẬN

    Đúng vậy đất nước cần những tổ chức chính trị độc lập không lệ thuộc vào đảng cầm quyền. Cần hơn nữa một vài tổ chức tiếng tăm vang dội, uy tín vì quần tụ được nhiều thành phần xã hội.Tổ chức nào mà khi nói là sẽ làm tới nơi tới chốn.Tổ chức nào hiểu được tâm tư nguyện vọng trình độ thị hiểu ngôn ngữ của nhân dân quần chúng. Để giúp họ đặt niềm tin tạo một mối tương quan giữa cá nhân và tổ chức!Hy vọng THDCĐN sẽ làm được. Tương lai vẫn còn phía trước. Phải hành động cả qua hết nhiều thế hệ rồi!

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)