Cách đây vừa tròn một tháng, các cuộc biểu tình chống luật về các đặc khu kinh tế bao gồm Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc diễn ra trên hơn một nửa các tỉnh thành trên toàn quốc đã gây ra một cú sốc rất lớn, cho cả chính quyền lẫn phong trào dân chủ Việt Nam.
Các cuộc biểu tình ngày 10/06/2018 chống luật về các đặc khu kinh tế bao gồm Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc diễn ra trên hơn một nửa các tỉnh thành trên toàn quốc
Đây là một cuộc biểu tình có qui mô lớn nhất tại Việt Nam sau ngày 30/4/1975, và đặc biệt hơn cả là các cuộc biểu tình đã diễn ra một cách hoàn toàn tự phát. Đã không có bất cứ một tổ chức chính trị hay hội đoàn nào đứng ra kêu gọi biểu tình.
Không ngoài qui luật chung của các cuộc biểu tình tự phát, các cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 bắt đầu trong ôn hòa và kết thúc trong bạo lực, đặc biệt là tại Bình Thuận. Người dân đã tấn công vào trụ sở ủy ban nhân dân tỉnh, đốt phá nhiều phương tiện như ô tô, xe máy…
Chính quyền Việt Nam đã hoàn toàn bất ngờ vì không nghĩ người dân Việt Nam giận dữ đến như vậy. Phong trào dân chủ Việt Nam cũng bất ngờ vì cứ nghĩ người dân Việt Nam thờ ơ vô cảm, không quan tâm đến chính trị…
Có một điểm chung mà có lẽ ai cũng đồng ý là "ý đảng và lòng dân" không còn là một. Người dân đã bày tỏ sự phẫn nộ không cần che giấu đối với chính quyền. Luật về đặc khu kinh tế chỉ là giọt nước tràn ly, sự bức xúc của người dân có nhiều lý do : tham nhũng, sự lệ thuộc quá đáng vào Trung Quốc, ô nhiễm môi trường, sự vô cảm của giới quan chức nhà nước…
Rất nhiều cảm xúc và hy vọng sau các cuộc biểu tình này. Đây cũng là một dấu ấn cho một Việt Nam đang chuyển mình về dân chủ.
Sau cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 đã có nhiều vấn đề được đưa ra mổ xẻ, ví dụ như : Tầm quan trọng của các tổ chức chính trị ? Làm thế nào để xây dựng được một tổ chức chính trị ? Khi nào thì có luật biểu tình ? Làm thế nào để các cuộc biểu tình có kết quả ? Làm thế nào để các cuộc biểu tình diễn ra không có bạo lực ?...
Trong bài viết này chúng tôi sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi : Vì sao không thể có luật biểu tình tại Việt Nam ?
Chính quyền Việt Nam không thể thông qua Luật Biểu tình là vì Việt Nam vẫn chưa có Luật về Hội
Rất nhiều người đã yêu cầu chính quyền Việt Nam phải nhanh chóng thông qua luật biểu tình, trong đó có cả chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tuy nhiên đề nghị của ông Trần Đại Quang trên báo Tuổi Trẻ đã bị gỡ bỏ nhanh chóng sau đó. Vì sao như vậy ? Tại sao sau 70 năm rồi mà chính quyền cộng sản vẫn không thể thông qua luật biểu tình ?
Theo chúng tôi có một lý do quan trọng khiến chính quyền Việt Nam không thể thông qua luật biểu tình là vì Việt Nam vẫn chưa có luật về Hội. Các tổ chức xã hội dân sự cũng như các tổ chức chính trị vẫn chưa được thừa nhận tại Việt Nam. Khi các tổ chức dân sự và chính trị không thuộc Mặt trận tổ quốc Việt Nam vẫn chưa được thừa nhận thì không thể có luật biểu tình. Lý do cũng giản dị, bất cứ cuộc biểu tình nào cũng phải có người đứng ra tổ chức. Nếu chỉ có các tổ chức và hội đoàn thuộc Mặt trận tổ quốc được phép đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình thì không có gì thay đổi so với hiện nay. Luật biểu tình ra đời sẽ bị phản đối và nhanh chóng làm trò cười cho bàn dân thiên hạ. Còn nếu mở rộng ra thì ai là người có pháp nhân để tổ chức các cuộc biểu tình ? Đây là vòng luẩn quẩn như chuyện con gà có trước hay quả trứng có trước.
Sự đấu đá và xung đột trong nội bộ đảng ngày càng gay gắt và không khoan nhượng. Từ ủy viên Bộ chính trị đến các tướng lĩnh quân đội và công an, ai cũng có thể bị bắt giữ và truy tố bất cứ lúc nào. Không ai còn "an toàn" dưới chế độ này. Bất cứ quan chức giàu có nào cũng dính đến tham nhũng vì vậy ai cũng có thể là mục tiêu của chiến dịch "đốt lò" của ông Nguyễn Phú Trọng. Càng giàu có thì càng dễ bị điều tra. Phe ông Trọng với chiến dịch "chống tham nhũng" sẽ vừa được tiếng (chống tham nhũng) vừa được miếng (thu hồi tài sản của các quan chức bị bắt giữ), tội gì họ không làm ?
Ngay cả khi luật biểu tình ra đời với qui định chỉ có các tổ chức thuộc Mặt trận tổ quốc mới được tổ chức các cuộc biểu tình thì đảng cộng sản vẫn không thể yên tâm. Biết đâu có ai hay thế lực nào đó muốn lợi dụng để gây hỗn loạn và sức ép lên chính quyền. Đảng cộng sản đa nghi còn hơn cả Tào Tháo. Ngay cả các cuộc biểu tình diễn ra hôm 10/6/2018 cũng có không ít ý kiến cho rằng các hành động bạo lực và quá khích có thể do các phe nhóm trong nội bộ đảng giật dây và tổ chức chứ không phải do người dân gây ra như hồi năm 2014. Khi đó các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 vào lãnh thổ Việt Nam đã xảy ra với nhiều bạo động chết người mà đến nay vẫn chưa tìm ra được thủ phạm.
Đảng cộng sản Việt Nam đang tiến dần đến hồi kết thúc. Họ không còn có thể lấy bất cứ một quyết định quan trọng nào. Luật An ninh mạng ra đời vội vã, bất chấp hậu quả với mong muốn "bảo vệ chế độ" như lời ông Trọng cũng sẽ thất bại vì bất khả thi. Việc có luật biểu tình hay không cũng không quan trọng vì khi có nhu cầu là người dân sẽ tự xuống đường mà không cần luật biểu tình và không cần ai kêu gọi. Chính quyền càng bắt bớ và đàn áp như ngày 17/6/2018 thì sự căm phẫn ngày càng dâng cao và đến một lúc nào đó sẽ mất kiểm soát. Khi không có tổ chức nào đứng ra kêu gọi và tổ chức biểu tình thì chỉ cần một vài cá nhân kích động là bạo loạn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Hậu quả sẽ khôn lường khi bạo lực vượt tầm kiểm soát. May mắn là cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 đã không có người chết nếu không thì không biết hậu quả sẽ ra sao.
Nhiều người đã nhận ra rằng để các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa và có kết quả thì phải có các tổ chức chính trị đứng ra lãnh đạo và dẫn dắt. Giả sử như cuộc biểu tình hôm 10/6/2018 tiếp diễn nhiều ngày và chính quyền muốn nhượng bộ và đối thoại thì họ sẽ đối thoại với ai ? Rõ ràng là không có ai. Và như vậy cuộc biểu tình sẽ bế tắc hoặc chỉ để bày tỏ thái độ giận dữ của người dân, chấm hết.
Muốn các cuộc biểu tình đạt được kết quả cuối cùng là khiến chính quyền nhượng bộ trên những vấn đề nào đó thì phải có tổ chức lãnh đạo và dẫn dắt. Như vậy muốn hay không thì người dân Việt Nam phải ủng hộ và đặt niềm tin vào một tổ chức chính trị dân chủ nào đó.
Không thích đảng cộng sản chưa đủ, muốn có sự thay đổi thì phải ủng hộ cho một tổ chức khác, với những giải pháp chính trị khác thay thế cho giải pháp cộng sản. Không thể khác được. Chừng nào người dân chưa ủng hộ cho các tổ chức dân chủ với các giải pháp mới thì sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào là thật sự ở Việt nam.
Việt Hoàng
(10/7/2018)
Việt Nam phải khẩn thiết ra luật về biểu tình (Người Việt, 17/06/2018)
Việc dây dưa, "ngâm" luật về biểu tình đưa Việt Nam vào tình thế… chông chênh và hơn thế nữa – Tình trạng dầu sôi, lửa bỏng !
Người biểu tình đốt xe cảnh sát ở Phan Rí, Bình Thuận. (Hình : Getty Images)
Vậy nên, Việt Nam phải khẩn thiết ra luật về biểu tình !
Nhất là, mới đây hôm 10 tháng Sáu tại Việt Nam đã bùng phát cuộc "tổng biểu tình" trên nhiều tỉnh thành để phản đối dự luật về "Đặc khu kinh tế" và "An ninh mạng" mà Quốc hội cộng sản Việt Nam đang bàn thảo.
Cuộc biểu tình của người dân, nhiều nơi diễn ra trong ôn hòa. Nhưng có những nơi đã xảy ra tình trạng "bạo động". Như ghi nhận tại Bình Thuận, người dân vì phẫn nộ đã tràn vào đập phá trụ sở của Ủy ban tỉnh. Hay như ở Sài Gòn, tuy biểu tình ôn hòa nhưng cũng đã có xảy ra tình trạng dùng bạo lực để trấn áp người dân…
Thời mà chủ tịch nhà nước cộng sản Việt Nam là Trương Tấn Sang còn đang tại vị. Trước những cuộc biểu tình sôi sục của người dân chống lại việc Trung Quốc đem dàn khoan vào Biển Đông. Tuy dân chúng biểu tình bày tỏ lòng yêu nước (chính đáng), lại bị các sai nha -công quyền đàn áp dữ dội. Ông Trương Tấn Sang đã lên tiếng trước giới truyền thông, là : "Quyền bày tỏ lòng yêu nước của người dân là quyền thiêng liêng". Tuy chủ tịch nước nói vậy, nhưng hôm sau người dân đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng vẫn bị đàn áp, nhiều người bị bắt bớ, giam cầm…
Vì không có luật về biểu tình, nên lằn ranh giữa việc bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa của đông đảo người dân. Với việc đám đông giận dữ, phẫn uất chuyển qua bạo động, chỉ cách nhau trong… "đường tơ, kẽ tóc".
Qua thực tế, từ những va chạm trong các cuộc biểu tình (dù là ôn hòa). Khi hàng rào an ninh làm bằng người (là những nhân viên công lực), bắt đầu có sự xô lấn. Người biểu tình thì muốn tràn tới, bị nhân viên an ninh đẩy ngược lại, hoặc chặn không cho đi tới địa điểm (như tòa lãnh sự Trung Quốc). Sự xô đẩy giữa hai "thế lực" này đôi khi khá căng thẳng, chỉ cần một ai đó, trong hàng ngũ bên đây hoặc bên kia, thiếu kiềm chế hoặc mất kiểm soát là những điều đáng tiếc ngay lập tức có thể xảy ra.
Chưa kể, khi thế lực thuộc phe "người lạ" cho cài cắm người, trà trộn tạo tình huống kích động, để phe người Việt "đập" lẫn nhau. Gây bạo động trên diện rộng, hòng "đục nước béo cò", dễ bề tạo cớ thôn tính nước ta.
Nhiều trí thức tham gia các cuộc tuần hành, biểu tình thấy rõ tình huống rất chông chênh. Khi không có luật về biểu tình, nhân viên thực thi công lực rất dễ "lạm dụng tình huống" để quá đà trong việc "giữ gìn trật tự" mà không sợ bị trừng phạt. Ngược lại, về phía người biểu tình chống xâm lược là thể hiện lòng yêu nước chính đáng, nhưng vì không phải là "biểu tình hợp pháp". Nên họ không được tổ chức và huấn thị những điều cần thiết, cũng như xử lý những tình huống cố tình bị "khiêu khích", kích động dễ dẫn tới những hành vi mất kiểm soát làm phương hại tới mục đích cũng như ý nghĩa của cuộc biểu tình, tuần hành.
Một khi, súng đã nổ và máu đã đổ thì "hòa khí" giữa các bên sẽ khó bề hàn gắn.
Các nghiên cứu về tâm lý học đám đông, đều cho thấy kết quả – Khi đám đông nổi giận (ở đây là đoàn người biểu tình), bị kích động bằng phản ứng tâm lý dây truyền, thì không có gì ngăn cản được cơn "cuồng nộ" của đám đông. Việc đập phá trụ sở, đốt xe thậm chí tấn công công an, cảnh sát đều là điều… bình thường. Đám đông chỉ "hạ nhiệt"khi cơn "cuồng nộ" của họ được thỏa mãn. Ở Việt Nam điều này đã xảy ra, sau sự kiện về Formosa, đám đông đã tấn công, đốt phá các công ty có bảng hiệu bằng chữ Tàu, mà không cần phân biệt đó là công ty Đài Loan hay Nam Hàn…
Tại các nước văn minh, nhà nước hành xử bằng luật pháp, do vậy họ có luật về biểu tình. Như vậy, người biểu tình hiểu rõ quyền lợi hợp pháp của mình được pháp luật bảo vệ, và không được phép đi quá những gì mà luật về biểu tình quy định. Và nhân viên công lực không có trách nhiệm đàn áp biểu tình hợp pháp, mà chỉ có nhiệm vụ bảo vệ luật pháp, giám sát để kịp thời ngăn chặn những hành vi trái với luật biểu tình. Nên có người nói "hơi quá" là ở các nước dân chủ – văn minh, đi biểu tình cũng giống như là đi… píc-níc. Chứ không quá ghê gớm như ở Việt Nam, đi biểu tình mà giống như đi làm chuyện… động trời.
Luật biểu tình ở Việt Nam phải sớm ban hành, vì nó cấp thiết phù hợp với tình trạng xã hội đang chuyển biến ở Việt Nam. Vì chắc chắn một điều, dân chúng dù bị cấm tụ tập, biểu tình nhưng họ không cam tâm ngồi yên, khi vận nước đang hồi – dầu sôi, lửa bỏng. Như những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng (hôm 10 tháng Sáu) đã bày tỏ : "Thà làm ‘phản động’ còn hơn làm kẻ bán nước !" ; "Không để Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày, đừng nói tới chuyện cho thuê đất tới 99 năm !"…
Lòng dân đã rõ, còn sự "dòm ngó" của Trung Quốc xâm lăng, thì người dân sẽ còn xuống đường, tuần hành, biểu tình dài dài. Quyền được bày tỏ lòng yêu nước của người dân chẳng những thiêng liêng, mà đó là một quyền phải được pháp luật bảo vệ, tại bất kỳ quốc gia có chủ quyền độc lập nào. Những thế lực nào ngăn chặn lòng dân yêu nước, thì những kẻ đó đã lộ rõ dã tâm bán nước.
Nếu Quốc hội cộng sản kỳ này, bỏ phiếu thông qua "Luật đặc khu" với thời hạn thuê đất lên tới 99 năm, thì lịch sử Việt Nam sẽ ghi rõ – quốc hội kỳ này, là một quốc hội bán nước. Vì như những đại biểu còn lương tri trong Quốc hội cộng sản cũng đã chỉ rõ rằng – Thời hạn thuê đất 99 năm, không đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước, mà chỉ khuyến khích Trung quốc di dân xuống "làm tổ" tại ba đặc khu là : Vân Đồn (Quảng Ninh) ; Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Để từ đó lan tỏa giấc mộng bành trướng, mà không cần nổ một phát súng, chỉ cần quăng ra một tí tiền.
Cùng với luật Đặc Khu và luật An ninh mạng (nếu được thông qua), Việt Nam sẽ sớm biến thành dê béo trên bàn tiệc của hổ Trung Hoa. (Văn Lang)
*****************
Dù chưa bao giờ có được một nghị quyết hay thậm chí hé môi một tiếng nói để lên án Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam và bắn giết ngư dân Việt, Quốc hội Việt Nam lại vừa ghi thành tích với Bộ Chính trị đảng bằng tuyên bố ‘lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật’.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội và là nhân vật đã ủng hộ tuyệt đối ‘Luật bán nước’, thậm chí còn áp dụng tiểu xảo chính trị với phát ngôn đầy tính áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng. Ảnh : Dân Trí
Tại phiên bế mạc Quốc hội vào buổi sáng 15/6/2018, tuyên bố trên được dõng dạc phát ra bởi Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi quan chức này "khẳng định Quốc hội nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội. Đồng thời đề nghị Chính phủ xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật".
Tuy nhiên, không hiểu sao bà Ngân lại không nói rõ về những tổ chức hay cá nhân nào đã ‘lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật’.
Phát biểu của bà Ngân diễn ra trong bầu không khí ‘toàn quốc xuống đường’ : cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu năm 2018 phản đối ‘Luật bán nước’ (một cách gọi của nhân dân đối với Dự Luật Đặc khu) và ‘đả đảo Trung Quốc’ như thác gầm đến hàng trăm ngàn người xuống đường ở Sài Gòn và lan rộng đến hơn 50% tỉnh thành trong cả nước, trở thành một sự kiện chưa từng có từ thời điểm 1975. Cuộc tổng biểu tình này cũng là đầu tiên xác quyết không chỉ phản đối một chủ trương hay một chính sách của chính quyền, mà còn thể hiện sự phản kháng trực tiếp đối với chính quyền.
Dù đã được âm thầm chuẩn bị trong nội bộ đảng cầm quyền từ vài năm trước, nhưng chỉ đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, ‘Luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như đặt sự đã rồi. Còn trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu. Và càng tuyệt đối không có bất kỳ ý tưởng nào của chính quyền về ‘trưng cần dân ý’ đối với dự luật gắn liền với cơ thể chủ quyền lãnh thổ này.
Ngay sau khi ‘Luật bán nước’ được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.
Mạng xã hội lập tức biến thành một chiến trường gầm vang với vô số chỉ trích, kể cả chửi rủa nhắm vào Bộ Chính trị đảng, đặc biệt xoáy vào những nhân vật có liên quan trực tiếp đến dự luật này là Phạm Minh Chính – Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương và là bí thư tỉnh Quảng Ninh vào thời lập dự án cho đặc khu Vân Đồn tại tỉnh này ; Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội và là nhân vật đã ủng hộ tuyệt đối ‘Luật bán nước’, thậm chí còn áp dụng tiểu xảo chính trị với phát ngôn đầy tính áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng ; và cả Nguyễn Phú Trọng – một tổng bí thư mà sau chuỗi hô hào ‘lò nóng lên rồi !’ thì lại tuyệt đối mất dạng trước con sóng phẫn nộ của nhân dân đòi hoãn hay hủy bỏ Dự Luật Đặc khu.
Người dân có đầy đủ lý do để phẫn nộ và căm phẫn
Sau rất nhiều lần, Quốc hội Việt Nam một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó : không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, ‘cơ quan dân cử’ này còn tiến xa hơn một bước bằng một kỳ họp Châu đầu vào ‘Luật bán nước’, trong khi hoàn toàn không thèm ngó ngàng gì đến cảnh nạn hàng ngàn người dân ở ‘Khu đô thị mới Thủ Thiêm’ đã bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh biến thành dân oan, phải tha phương cầu thực và cả những cái chết tự treo cổ do quá phẫn uất khi bị cưỡng chế đẩy đuổi khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất.
Trừ một số rất hiếm hoi dân biểu phát tiếng nói phản biện, tuyệt đại đa số còn lại trong số gần 500 đại biểu quốc hội vẫn tiếp tục thói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.
‘Suy giảm niềm tin’ vẫn còn là cách mô tả quá tô hồng. Trong thực tế, dân đã mất sạch niềm tin vào chế độ trong rất nhiều vụ việc mà chính quyền chỉ hứa hẹn nhưng không hề làm, hoặc thậm chí làm ngược lại.
Vụ Dự Luật Đặc khu cũng tương tự. Bất chấp đề nghị của Chính phủ về hoãn dự luật này, rất nhiều người dân đã không tin, không còn tin một chút nào, và họ vẫn giữ ý định xuống đường để hy vọng bằng những bước chân rầm rập và cánh tay giương cao biểu ngữ phản đối, ‘luật bán nước’ sẽ bị hủy bỏ và do vậy nước sẽ không bị bán.
Quốc hội Việt Nam là của ai ?
Lòng dân đã bức bối và căm phẫn đến tột độ một chế độ ăn tàn phá hại, bóc lột dân chúng thậm tệ và đẩy cả dân tộc vào cảnh tuyệt vọng. Chỉ cần có cơ hội là tung chân xuống đường.
Cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã chứng tỏ cái sức mạnh biển trời của nó trước con thuyền mục nát của chính quyền. Rất nhiều quan chức công an từ cao xuống thấp đang cảm nhận ngày càng rõ về hồi chuông báo tử đối với chế độ đang vang rền những tiếng quyết định, báo trước thời khắc quyết định trong không bao lâu nữa.
Thiền Lâm
***********************
Chủ tịch quốc hội lên án hành động lợi dụng dân chủ, quá khích (RFA, 16/06/2018)
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 15/6 lên án những hành động mà bà gọi là lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại kỳ họp Quốc hội ở Hà Nội hôm 22/5/2017 - AFP
Bà Ngân đưa ra phát biểu này tại lễ bế mạc kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào sáng ngày 15/6 ở Hà Nội.
Tuyên bố của Chủ tịch quốc hội đưa ra sau khi hàng ngàn người dân ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam đã đổ ra đường biểu tình phản đối hai dự luật được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này là dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Những người biểu tình phản đối dự luật Đặc khu đồng ý cho người nước ngoài thuê đất lên đến 99 năm vì lo ngại các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ vào lấy đất. Trong khi đó, luật an ninh mạng bị cho là nhằm giúp chính phủ gia tăng bóp nghẹt quyền tự do trên mạng, tự do biểu đạt của người dân.
Trong phát biểu bế mạc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói "Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm của nhân dân đến các vấn đề hệ trọng của đất nước".
Tuy nhiên Chủ tịch quốc hội đề nghị chính phủ chỉ đạo nắm chắc tình hình ở cơ sở và vận động quần chúng để không bị lôi kéo, lợi dụng… nghiêm minh với các hành vi vi phạm pháp luật.
Trước đó, vào ngày 11/6, sau cuộc biểu tình rầm rộ của người dân cả nước vào ngày 10/6, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã lên tiếng kêu gọi người dân cả nước nên tin tưởng vào quyết định của đảng và nhà nước và hứa quốc hội sẽ luôn lắng nghe ý kiến của người dân.
Dự luật Đặc khu đã được Quốc hội bỏ phiếu hoãn thông qua, tuy nhiên hôm 12/6 Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật An ninh mạng với hơn 86% số phiếu tán thành, bất chấp những phản đối không chỉ của người dân mà còn của cả cộng đồng quốc tế.