Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

30/07/2018

Thôi đừng lý thuyết nữa, hãy hành động đi !

Việt Hoàng

“Sài Gòn 31/3/1975, trên chiếc xe đưa tôi về bộ. Tôi im lặng và ông tài xế cũng im lặng. Một lúc sau ông nói một cách như xa vắng : "Đà Nẵng mất rồi". Tôi cũng vẫn im lặng. Ông tài xế nói tiếp : "Các ông phải làm gì chứ nếu không thì hỏng hết rồi !". Câu nói của ông như một nhát dao cắt vào ruột tôi. Tôi biết làm gì bây giờ. Tôi cũng đang chờ sự sụp đổ của miền Nam như ông”.

Đây là đoạn mở đầu trong bài viết “Vượt lên trên ngày 30 tháng 4” của ông Nguyễn Gia Kiểng (*).

dackhu0

Sài Gòn 31/3/1975, trên chiếc xe đưa tôi về bộ. Tôi im lặng và ông tài xế cũng im lặng...

43 năm trôi qua, dù đất nước đã hòa bình và không còn tiếng súng nhưng xã hội Việt Nam ngày càng trở nên tồi tệ và bi đát. Thậm chí còn bi đát hơn cả những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Chủ quyền đất nước đang bị mất dần vào tay ông bạn vàng Trung Quốc mà đỉnh điểm của nó là dự luật về Đặc khu kinh tế, cho phép nước ngoài thuê đất đến 99 năm tại các điểm nhạy cảm về chính trị-kinh tế và quân sự : Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Dù không nói rõ nhưng ai cũng hiểu chủ nhân của những đặc khu đó sẽ là người Trung Quốc. Dư luận cho rằng sớm muộn chính quyền cộng sản cũng phải bàn giao ba khu vực này cho Trung Quốc vì mắc nợ họ quá nhiều rồi.

Đất nước đang lâm nguy, bên ngoài thì ngoại bang đang tìm mọi cách để thao túng mọi lĩnh vực của đất nước hòng biến Việt Nam thành một vùng tự trị, bên trong thì nạn tham nhũng và cướp đất hoành hành khắp nơi nơi. 13 ông tướng quân đội lẫn công an bị kỉ luật và tống giam thời gian qua là một ví dụ.

Những người Việt Nam còn ưu tư với đất nước không khỏi lo lắng : Rồi đất nước sẽ đi về đâu ? Tương lai nào sẽ chờ đón chúng ta và con cháu chúng ta ? Rõ ràng là không phải ai cũng có điều kiện để đem gia đình ra nước ngoài sinh sống như một số quan chức Việt Nam.

Câu hỏi mà người tài xế đã chất vấn ông Nguyễn Gia Kiểng 43 năm về trước : "Các ông phải làm gì chứ nếu không thì hỏng hết rồi !" lại được nhắc lại nhiều lần và bởi không ít người. Đáng nói nhất là không ít người đã đặt câu hỏi đó cho ông Kiểng và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức chính trị mà ông Kiểng là người lãnh đạo cao nhất. Một trong những câu hỏi thường xuyên mà chúng tôi nhận được là : Các ông hãy hành động đi. Lý thuyết bao nhiêu năm qua có được gì đâu ?

Vậy ông Kiểng và Tập Hợp đã làm gì suốt bấy năm qua ? Những người quan tâm đến Tập Hợp và đã đọc cuốn chính luận “Tổ quốc Ăn năn” đều biết rằng sau biến cố 30/4/1975 ông Kiểng đã chọn ở lại Việt Nam vì ông nghĩ đất nước đã “thống nhất”, chính quyền cộng sản sẽ thực hiện chính sách “hòa giải và hòa hợp dân tộc” như họ từng nói. Khi đó ông chưa phải là một chính trị gia mà chỉ là một nhà kỹ trị và ông chỉ muốn làm công việc chuyên môn của mình. Tuy nhiên ông, một kỹ sư và vợ ông, một bác sĩ đã bị tống giam vào tù dưới tên gọi “học tập cải tạo”. Đứa con đầu của ông đã mất vì không ai chăm sóc.

Sau khi ra tù và đi làm được một thời gian thì ông đã được chính phủ Pháp bảo lãnh. Ông đến Pháp năm 1982 và sau đó ông cùng với khoảng chục người bạn tâm huyết thành lập nên nhóm Thông Luận, tiền thân của Tập Hợp ngày nay.

Khác với những người khác và các tổ chức khác. Tập Hợp ngay từ lúc ra đời đã chọn lựa cho mình một con đường khác hẳn với tất cả. Ba lập trường chính và xuyên suốt của Tập Hợp là : tranh đấu cho một nước Việt Nam “dân chủ đa nguyên” bằng phương pháp “bất bạo động” trên tinh thần “hòa giải và hòa hợp dân tộc”.

Bản thân ông Kiểng cũng như các thành viên sáng lập Tập Hợp đều xuất thân từ những người không chỉ có bằng cấp cao mà còn kinh qua nhiều chức vụ thực tế như giám đốc điều hành các công ty lớn nhỏ. Bản thân ông Kiểng từng là phụ tá (thứ trưởng) bộ trưởng Bộ kinh tế Việt Nam Cộng Hòa. Chính vì những trải nghiệm thực tế đó và lòng mong mỏi mang lại một nền dân chủ đa nguyên thực sự cho Việt Nam mà Tập Hợp quyết định phải suy nghĩ trước cho thật thấu đáo và đầy đủ rồi mới hành động. Một cuộc vận động tư tưởng phải đi trước và dẫn đường cho một cuộc cách mạng dân chủ.

Với tính cách của người Việt Nam và với văn hóa Khổng giáo thì việc thuyết phục bằng lý lẽ khó hơn là kích động và kêu gọi bạo lực. Bằng chứng là các lập trường ôn hòa của Tập Hợp bị chống đối dữ dội từ khi mới ra đời, trong khi đó các tổ chức kêu gọi “vũ trang phục quốc” lại được hưởng ứng nồng nhiệt.

Trong suốt thời gian qua Tập Hợp đã đầu tư gần như toàn bộ trí tuệ và công sức cho hai việc chính của một tổ chức chính trị đó là nghiên cứu để viết ra một lộ trình tranh đấu và kiến thiết một nước Việt Nam dân chủ đa nguyên và thứ hai là xây dựng cho mình một đội ngũ cán bộ nòng cốt, là những người thật sự có hiểu biết, bản lĩnh và có quyết tâm thay đổi dòng lịch sử. Đây là hai giai đoạn khó khăn nhất, mất nhiều thời gian nhất của một tổ chức. Nó khó khăn đến nổi không có một tổ chức nào có ý định thực hiện chúng dù họ cũng hiểu được tầm quan trọng của chúng. Chúng tôi cũng liên tục, bền bỉ và kiên nhẫn thuyết phục người dân Việt Nam ủng hộ cho giải pháp chính trị “dân chủ đa nguyên” được trình bày khá đầy đủ trong Dự án Chính trị : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Tuy chưa được như mong muốn nhưng cũng khá nhiều người đã chia sẻ với Dự án Chính trị này.

Hầu hết các tổ chức chính trị trong quá khứ (và có thể cả trong tương lai) vừa mới thành lập là muốn thực thi luôn giai đoạn “vận động quần chúng”, tức là kêu gọi người dân đứng dậy đấu tranh lật đổ chế độ cộng sản. Tất cả họ đều thất bại vì đây là giai đoạn cuối cùng của một cuộc cách mạng chứ không phải giai đoạn đầu tiên hay duy nhất. (Xin tham khảo thêm 5 giai đoạn để dẫn đến thành công của một cuộc cách mạng dân chủ trong Dự án Chính trị : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).

Có một độc giả gửi tin nhắn cho chúng tôi rằng : “Chờ được đến lúc mà “tư tưởng chính trị” của Tập Hợp đến được với mọi người dân Việt Nam thì e rằng nước đã mất”. Chúng tôi hiểu được sự sốt ruột và lo lắng của thân hữu đó nhưng sự thực là chúng tôi không thể làm gì hơn. Tập Hợp không có ý định và không có khả năng “cướp chính quyền” hay “lật đổ” đảng cộng sản Việt Nam. Chúng tôi chỉ đưa ra một giải pháp mới để xây dựng lại đất nước Việt Nam với tên gọi là “Dân chủ đa nguyên” và cố gắng thuyết phục người dân ủng hộ cho giải pháp đó. Nếu được người dân chia sẻ, ủng hộ và đồng thuận thì lịch sử sẽ sang trang, và khi trở thành đảng cầm quyền, Tập Hợp sẽ thực thi đúng những gì đã đề nghị. Nếu người dân và trí thức Việt Nam không ủng hộ chúng tôi thì có lẽ chúng tôi cũng không làm được gì. Điều đáng nói và đáng suy ngẫm là trí thức và người dân không ủng hộ cho bất cứ ai và bất cứ một tổ chức nào.

Có một người viết trên FB của Tập Hợp rằng, ngay cả một cuộc biểu tình tại Việt Nam mà Tập Hợp cũng không kêu gọi nổi thì còn làm được gì ? Đúng là Tập Hợp chưa có kế hoạch kêu gọi biểu tình tại Việt Nam vì tổ chức của chúng tôi vẫn chưa có đủ tầm vóc và khả năng để làm việc đó. Chúng tôi dù rất lo lắng và sốt ruột cho vận mệnh của đất nước nhưng không vì thế mà làm ẩu hay đốt cháy giai đoạn theo kiểu “không thành công, cũng thành nhân”. Chúng tôi chỉ hành động khi biết chắc chắn là sẽ thành công. Đó là khi chúng tôi nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân và trí thức Việt Nam.

Như chúng tôi đã nhiều lần trình bày, nếu chỉ chán ghét chế độ cộng sản không thôi thì chưa đủ. Nếu muốn có một tương lai khác, một sự thay đổi thật sự cho bản thân và gia đình thì người dân Việt Nam phải ủng hộ cho một tổ chức khác, ngoài đảng cộng sản. Tổ chức nào xứng đáng để đặt niềm tin thì đó là chuyện của mỗi người, chính xác hơn là của trí thức Việt Nam. Nếu trí thức Việt Nam không biết, không nhận diện được tổ chức đó thì có thể một ngày đẹp trời nào đó, một tổ chức Mafia sẽ cướp chính quyền và tròng lên cổ nhân dân Việt Nam một cái ách mới không khác gì cái ách cộng sản năm 1945.

Cũng có những người vì thất vọng do chờ đợi quá lâu nên đã mất hết niềm tin vào tương lai. Họ không thích cộng sản nhưng cũng không ủng hộ bất cứ tổ chức nào. Họ không hiểu rằng trong một chế độ dân chủ thì không phải chính quyền muốn làm gì thì làm. Tự do báo chí và các tổ chức xã hội cũng như các đảng đối lập sẽ lên tiếng chỉ trích và ngăn ngừa các hành vi sai trái hoặc các vi phạm của bộ máy hành pháp.

Đã không còn thuốc chữa cho đảng cộng sản, họ không chỉ sống và hành xử như một đội quân chiếm đóng mà họ còn là những kẻ mộng mị. Họ sống như người cõi trên, hoàn toàn không có một chút thực tế. Không còn ai muốn góp ý cho họ nên họ không còn biết mình là ai, đang sống trong thời đại nào và tương lai nào đang chờ đón họ và gia đình họ. Họ thật sự lạc lõng với dân tộc Việt Nam. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là chúng ta, những người còn ưu tư với dân tộc đã ý thức được tầm quan trọng của một giải pháp thay thế hay chưa ? Chúng ta đã làm gì để ủng hộ hay tạo ra một lực lượng chính trị mới để thay thế cho đảng cộng sản già nua và lỗi thời ?

Việt Hoàng

(30/7/2018)

(*) https://thongluan2016.blogspot.com/2016/12/vuot-len-tren-ngay-30-thang-4-nguyen.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 3039 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)