Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

02/08/2018

Kiến thức & tư tưởng chính trị : hành trang cơ bản của đấu tranh chính trị !

Mai V. Phạm

Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là chi bằng học.

Phan Châu Trinh

pct0


Cách đây hơn 2000 năm, triết gia Hy Lạp cổ đại lừng danh Plato cho rằng khi tìm kiếm thợ trong một lĩnh vực nào đó, thì chúng ta thường chọn người có tay nghề cao. Nhưng trong chính trị, nhiều người lại cho rằng cứ ai có thể kiếm phiếu, thì có khả năng quản trị một thành phố hoặc đất nước. Plato nhấn mạnh rằng khi bị bệnh, chúng ta không tìm một vị bác sĩ đẹp trai hay có tài hùng biện. Vậy khi một đất nước yếu kém, chẳng phải chúng ta nên tìm kiếm sự phục vụ và dẫn dắt của những người khôn ngoan và có khả năng nhất sao ? Triết lý chính trị giản dị của Plato là quản trị đất nước cần các chính trị gia có khả năng và khôn ngoan thực sự (1).

Một ngộ nhận sai lầm của nhiều người Việt là không cần học cũng có thể ‘làm’ chính trị. Có nghề nghiệp nào mà không cần phải học, nhưng vẫn có thể trở thành thợ hoặc chuyên viên hay không ? Thợ sửa xe phải học kiến thức cơ bản về động cơ để có thể làm tốt công việc sửa xe. Tương tự, các chính trị gia cũng phải mở mang kiến thức và tư tưởng chính trị để thành công quản trị một thành phố hoặc quốc gia. Tony Blair, một trong những người giữ chức thủ tướng lâu nhứt nước Anh từ 1997 – 2007, đã hối hận không học khoa tư tưởng chính trị tại trường đại học (2).

Thêm nữa, một số người Việt ngộ nhận cho rằng hễ ai kinh doanh tốt thì có thể làm chính trị. Trong thực tế, không có một nghiên cứu học thuật nào kết luận một doanh nhân đồng nghĩa với khả năng làm chính trị tốt. Trong số những chính trị gia lỗi lạc đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực to lớn trong lịch sử nhân loại, phần trăm doanh nhân hoặc kinh tế gia là rất ít : James Madison – học giả thông thái, một trong những nhà lập quốc và là tác giả của Hiến pháp Hoa Kỳ ; John Adams – luật sư, một trong những nhà lập quốc Hoa Kỳ ; Mahatma Ghandi – luật sư và là nhà đấu tranh bất bạo động nổi tiếng góp phần mang độc lập đến cho Ấn Độ ; Winston Churchill – một nhà văn, nhà quân sự và là thủ tướng nổi tiếng của vương quốc Anh.

Ý thức và chính trị

Hành động của con người ở bất cứ nơi đâu được dẫn dắt bởi văn hóa, ý thức và tư tưởng – giúp chúng ta nhận ra và hiểu vì sao một cá nhân hoặc một đoàn thể lại hành động như thế. Nói cách khác, những ý thức và quan niệm mà một người nghĩ và tin về xã hội, quyền lực, chính trị … quyết định hành động của người đó. Hai khái niệm cơ bản về vai trò của ý thức trong chính trị :

Văn hóa chính trị (political culture) là toàn bộ những giá trị, truyền thống và lý tưởng, ảnh hưởng rộng lớn đến nền chính trị của một quốc gia và được phần lớn quốc dân chia sẽ. Ví dụ, văn hóa chính trị của Hoa Kỳ tập trung ở các giá trị dân chủ như tự do, công bằng, nhân quyền, chủ nghĩa cá nhân, công lý & pháp trị, lòng yêu nước, đồng thuận dân chủ, cơ hội bình đẳng. Văn hóa chính trị của Việt Nam bao quanh chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Marx-Lenin, Nho giáo, và văn hóa Trung Quốc.

-  Hệ ý thức chính trị (political ideology) là hệ thống những quan điểm, ý thức hệ, học thuyết cũng như lập trường về một kế hoạch hành động, cương lĩnh chính trị bao gồm : thể chế chính trị, cạnh tranh quyền lực nhà nước, quản trị và tổ chức nhà nước, kinh tế thị trường, quyền tư hữu … Hiểu giản dị, hệ ý thức chính trị giải thích những lập trường, khuynh hướng, mục tiêu và phương pháp mà một nhóm người tin tưởng và tại sao. Ví dụ, ý thức hệ cộng sản của Marx là bãi bỏ tư hữu, cách mạng giải phóng bằng bạo lực, phủ nhận những chân lý vĩnh cữu, xóa bỏ cá nhân, quốc gia và giai cấp. Ý thức hệ của chủ nghĩa tự do phóng khoáng (liberalism) là xây dựng xã hội tự do và bao dung, tôn trọng quyền con người và đa nguyên, đề cao bình đẳng và thượng tôn pháp luật.

Vai trò quan trọng của tư tưởng chính trị

Chính trị là chung tay giải quyết mọi vấn đề xã hội, vì thế đòi hỏi sự hợp tác của nhiều chính trị gia có khả năng, khôn ngoan, và đạo đức, để mang đến hạnh phúc cho quốc dân và hưng thịnh cho đất nước. Chính trị gia, đại diện tiếng nói của quốc dân, có trách nhiệm tạo ra hoặc sửa đổi hầu hết mọi chính sách, pháp luật và hiến pháp. Họ sẽ dựa vào tiêu chuẩn và nền tảng nào để ủng hộ hoặc phản đối một chính sách, đạo luật ? Khi có sự mâu thuẫn giữa tự do và luật lệ, chính trị gia sẽ dựa vào chuẩn mực nào để quyết định sự đúng đắn ? Công dân dựa vào giá trị, nguyên tắc nào để quyết định một người khôn ngoan chính trị hoặc một luật lệ đúng đắn/sai trái ?

Triết lý hoặc tư tưởng chính trị (political philosophy) sẽ hướng dẫn chúng ta tìm đáp án cho những câu hỏi trên một cách tỉ mỉ và nghiêm túc. Tư tưởng chính trị còn nghiên cứu về những tổ chức xã hội và mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội hoặc giữa công dân và nhà nước. Mục tiêu của triết lý chính trị là tìm ra những phương thức hữu hiệu, công bằng và đạo đức nhứt để quản trị xã hội và đất nước. Những câu hỏi mà các triết gia chính trị thường đặt ra :

-         Thể chế chính trị lý tưởng nhứt là gì

-         Điều gì quyết định tính chính danh của chính quyền ?

-         Các quyền tự do bao gồm những quyền tối thiểu nào ?

-         Những nền tảng đạo đức và luân lý của nhà nước cai trị là gì ?

-         Cái gì quan trọng hơn : tự do hay công bằng ?

-         Trách nhiệm đạo đức và luân lý của các chính trị gia là gì ?

-         Những yếu tố quyết định một xã hội tốt đẹp và công bằng là gì ?

-         Những vấn đề gốc rễ gây ra những vấn nạn xã hội là gì ?

-         Những yếu tố nào quyết định một quốc gia đáng sống ?

-         Quyền tối thiểu mà con người nên có là gì và tại sao ?

-         Quốc dân có được phép có quyền tư hữu không ?

-         Tại sao phải tách biệt tôn giáo và chính trị ?

-         Vai trò và nghĩa vụ của chính quyền là gì ?

-         Nhà nước nên hoạt động như thế nào để bảo đảm tự do và công bằng ?

-         Quốc dân có nghĩa vụ luân lý để tuân phục các quy định và pháp luật của nhà nước hay không ?

Tư tưởng chính trị giúp các chính trị gia lẫn công dân hiểu những giá trị đúng đắn và hướng dẫn cách thức đánh giá những thể chế xã hội (social institutions) là tốt hay xấu hoặc công bằng hay bất công.

John Rawls, cựu giáo sư triết học của đại học Havard và một triết gia về triết lý chính trị hàng đầu thế kỷ 20, đề ra 4 chức năng quan trọng của tư tưởng chính trị (3) :

-    Thực tiễn (practical) : Giúp chúng ta giải quyết những vấn đề pháp lý, chính sách, và chính trị bằng cách tìm kiếm sự đồng thuận hợp lý trên những vấn đề chia rẽ sâu sắc và mâu thuẫn, để thiết lập một trật tự xã hội tốt đẹp hơn.

-    Định hướng (orientation) : Giúp chúng ta suy nghĩ về vai trò, mục đích và mục tiêu của mình trong xã hội. Nói cách khác, tư tưởng chính trị đóng vai trò định hướng, tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung của đất nước bằng lập luận và suy ngẫm.

-     Hòa giải (reconciliation) : Khi không thể hòa giải những mâu thuẫn cũng như sự lo lắng và thịnh nộ với xã hội và lịch sử, thì các định chế dân chủ phát triển theo thời gian sẽ giải quyết bằng thủ tục hòa giải. John Rawls lưu ý rằng mặc dù tư tưởng chính trị có chức năng hòa giải nhưng không có nghĩa là sẽ dung túng và thỏa hiệp với những tư tưởng giáo điều, sai trái, độc tài và áp bức của chủ nghĩa Marx.

-     Lý tưởng thực tế (realistically utopian) : Mặc dù có những giới hạn thực tiễn, tư tưởng chính trị vẫn phải lý tưởng và thực tế, để xây dựng một xã hội khả thi, dân chủ và công bằng, nhằm vận động sự ủng hộ và hậu thuẫn của người dân.

Quản trị đất nước hiệu quả là một công việc khó khăn, cần những chính trị gia khôn ngoan, có khả năng, có bản lĩnh, yêu nước và phải nắm vững tư tưởng chính trị cũng như kiến thức cơ bản của nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, văn hóa, triết học, địa lý, và kinh tế. Chính vì thế, ở các nước dân chủ phát triển, việc quản trị đất nước luôn được đảm nhiệm bởi nhiều chính đảng – đảng cầm quyền và các đảng đối lập.

“Chi bằng học”

Chính trị là “quá trình hòa giải một cách ôn hòa những khác biệt và mâu thuẫn giữa xã hội và kinh tế”(4). Aristole, được coi là Cha đẻ của khoa học chính trị – học trò xuất sắc của Plato, gọi chính trị là ông chủ, bậc Thầy của khoa học (The master science) bởi vì tất cả mọi hoạt động trong xã hội đều bị ảnh hưởng bởi quyền lực chính trị.

Kiến thức và tư tưởng chính trị là một hành trang không thể thiếu của những ai muốn dấn thân chính trị, ngoài lòng yêu nước không vụ lợi. Chính vì thế mà cách đây gần 100 năm, cụ Phan Châu Trinh đã nhắn nhủ đồng bào ‘vũ khí’ hiệu quả nhứt để giải thoát đất nước khỏi nô lệ và kém cỏi là “học hành, mở mang trí tuệ” : Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là Chi Bằng Học (5).

Học kiến thức và tư tưởng chính trị ở đâu ? Một cách học đơn giản của người viết là đọc và suy nghẫm những cuốn sách được đánh giá cao về lịch sử, văn hóa, kinh tế và tư tưởng chính trị của các tác giả uy tín. Chẳng hạn như Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim ; Việt Nam Phong Tục – Phan Kế Bính ; Hoàng Lê Nhất Thống Chi – Ngô Gia Văn Phái ; Huế 1968 : Bước ngoặc của Cuộc chiến Mỹ tại Việt Nam (Hue 1968 : A Turning Point of the American War in Vietnam) – Mark Bowden ; Cộng Hòa (The Republic) – Plato ; Tinh Thần Pháp Luật (The Spirit of Law) – Montesquieu ; Khế Ước Xã Hội (Social Contract) – Jean Jacques Rousseau ; Chính trị luận (Politics) – Aristotle ; Khảo luận Thứ hai về Chính quyền (Second Treatise of Government) – John Locke ; Bàn Về Tự Do (On Liberty) – John Stuart Mill) ; Từ Độc Tài Đến Dân Chủ (From Dictatorship to Democracy) - Gene Sharp ; Tổ Quốc Ăn Năn – Nguyễn Gia Kiểng ; Người Cộng sản Trần truồng (The Naked Communist) – W. Cleon Skousen ; Sự Giàu Có của Các Quốc Gia (The Wealth of Nations) – Adam Smith.

Người có khả năng đọc hiểu English hoặc French sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận trực tiếp khối tài liệu khổng lồ, có giá trị hơn là người chỉ biết tiếng Việt. Người viết thiển nghĩ những cuốn sách triết học và chính trị bằng English, thì tương đối dễ hiểu hơn tiếng Việt.

Học là quan trọng, nhưng phải học cho đến nơi đến chốn. Như cụ Phan nhắn gửi thanh niên Việt Nam trong lá thư gửi cậu học trò tên Đông :

Than ôi ! Các anh thiếu niên ta ôi ! Xin các anh sẽ giữ cái trí thông minh, lòng ái quốc, chậm chậm mà đi, thủng thẳng mà xét, biết một việc cho chắc một việc, nói một câu cho trúng một câu : số phận nước nhà là ở trong tay các anh. Các anh chịu khó một tý, gia tâm một tý, tìm cho đến cội rễ, học cho hết ngọn nguồn, trước phải hiểu lịch sử nước nhà, sau phải coi phong trào thế giới : làm sao là khôn, làm sao là dại, sao là quốc túy nên giữ gìn, sao là tệ hại phải chấm dứt, các anh bước tới một bước là dân nhờ một bước, các anh lạc một khoảng đường, thì nước nhà lại bị nhận chìm mấy lần địa ngục (6).

Thay lời kết

Trong tinh thần khiêm tốn, người viết mong nhiều anh chị nhận ra và ý thức được hành trang phải có trên con đường xây dựng dân chủ là tri thức và tư tưởng chính trị. Giải pháp cho vấn nạn độc tài toàn trị Việt Nam phải được thực hiện bởi những con người nhiệt thành, lương thiện và đam mê học hành “cho hết ngọn nguồn”. Ngoài nắm vững tư tưởng chính trị, các nhà chính trị cũng phải xem hưng thịnh của đất nước và hạnh phúc của dân tộc như là lý tưởng cao đẹp của đời mình.

Xây dựng một đất nước thịnh vượng và công bằng, bảo đảm hạnh phúc cho toàn dân là một công việc vô cùng khó khăn và lớn lao. Một cá nhân hoặc tổ chức dù lương thiện, nhưng không nắm kiến thức và tư tưởng chính trị, thì khó hoàn thành tốt nghĩa vụ cao quý này. Một đại biểu quốc hội hoặc bộ trưởng làm sao có thể phục vụ dân tộc nếu họ không thực sự hiểu và biết thế nào là công lý và lẽ phải ? Chính trị là “nghệ thuật của thỏa hiệp” và các chính trị gia phải nắm vững tư tưởng chính trị để quyết định khi nào, điều gì có thể thỏa hiệp hoặc không thể thỏa hiệp mà không ảnh hưởng đến dân quyền và lợi ích của quốc dân và quốc gia.

Không chỉ có lãnh đạo nhà nước, chính trị gia mới phải học tập tư tưởng chính trị, nhưng còn là toàn dân. Như Plato đã nhấn mạnh rằng một đất nước không thể ổn định mãi mãi nếu phần lớn quốc dân kém cỏi và không quan tâm chính trị : “Một trong những hình phạt cho việc từ chối tham gia vào chính trị là bạn sẽ bị cai trị bởi những kẻ thấp kém.” Triết lý (philosophy) là “tình yêu mến dành cho sự khôn ngoan” và một người không thể tuyên bố là mình đủ thông thái nếu như chưa từng học, hiểu về triết lý chính trị (political philosophy). Một đất nước dân chủ vững mạnh lâu dài phải là một đất nước chính trị, bao gồm các chính trị gia lẫn quốc dân đều nắm vững kiến thức và tư tưởng chính trị nền tảng.

Kinh nghiệm thành công của những quốc gia giàu mạnh và hạnh phúc chứng minh được vai trò quyết định của các chính đảng với những cá nhân trí tuệ và nắm vững tư tưởng chính trị. Nếu tổ quốc Việt Nam xây dựng được một lực lượng gồm những con người như thế, thì dân tộc Việt Nam sẽ sớm có dân chủ tự do đích thực.

Mai V. Phạm

(02/08/2018)

Tham khảo :

(1) Will Durant, “Story of Philosophy”, First Simon & Schuster Paperback Edition (2005).

(2) Adam Swift, “Political Philosophy”, Polity Press (2014).

(3) John Rawls, “Justice as Fairness : A Restatement”, The Belknap Press of Havard University Press (2001).

(4) Turner et al, “American Government”, BVT (2016).

(5) Phan Châu Trinh, “Hiện trạng và vấn đề”, Tiếng Dân số 613, 1933.

(6) Phan Châu Trinh, “Thư gửi cậu học trò tên Đông”, 1925.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai V. Phạm
Read 2533 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)