"Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Nước nhà hưng thịnh hay suy vong, người thường trong xã hội cũng phải chịu trách nhiệm.
Nước nhà hưng thịnh hay suy vong, người thường trong xã hội cũng phải chịu trách nhiệm.
Thành ngữ này không rõ có từ khi nào. Chắc lâu lắm, thời phong kiến. Nhưng người dân trong thời phong kiến hay quân chủ có tiếng nói gì, có quyền hạn gì, để phải chịu trách nhiệm về sự hưng vong của đất nước ?
Quan niệm này, theo tôi, là vô lý, bất công và thất sách. Kêu gọi người dân có trách nhiệm với nước nhà thì đúng đắn, nhưng đặt trách nhiệm lên họ về sự hưng vong là sai trái.
Quan niệm này chỉ phục vụ và củng cố cho các chế độ độc tài.
Lãnh đạo (chính trị) quốc gia nào phải chịu trách nhiệm đối với sự thành bại, hưng vong của đất nước mình. Lãnh đạo, trong mọi địa hạt, nói chung, phải can đảm nhận lãnh trách nhiệm về mình khi có những quyết định sai lầm.
Ngày nay chúng ta cần đặt lại vấn đề, và định nghĩa lại vai trò và trách nhiệm của lãnh đạo, nhất là lãnh đạo quốc gia. Nguyên tắc căn bản là càng nắm quyền lực trong tay, càng giữ các vai trò quan trọng và quyết định hệ trọng, thì càng phải có trách nhiệm trước người liên hệ, người dân.
Lãnh đạo, trong mọi địa hạt, công hay tư, chính phủ hay phi chính phủ, được trao phó, ủy quyền để điều hành và quyết định các vấn đề hệ trọng. Do đó sự thành bại, hưng vong, của tổ chức hay quốc gia là chủ yếu nằm ở chỗ lãnh đạo có khả năng để thực hiện vai trò và trách nhiệm của họ hay không. Không thì phải từ nhiệm, hoặc người liên hệ phải có quyền để ngăn chặn sự bất tài và phá hoại của người đứng đầu.
Không xây dựng được văn hóa trách nhiệm giải trình này thì mọi sự thay đổi, kể cả thay đổi chế độ độc tài hiện nay, cũng trở thành vô ích.
Mấu chốt của các vấn đề hệ trọng của Việt Nam hôm nay, cũng như trong vài thập niên tới, theo tôi, là vấn đề lãnh đạo, là mục tiêu xây dựng một thế hệ lãnh đạo mới xứng đáng với tiềm năng quốc gia mình. Lãnh đạo trung tầng, và nhất là lãnh đạo thượng tầng, trong mọi địa hạt quốc gia, nhất là giáo dục, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng và chính trị.
Hơn bốn thập niên qua trên toàn nước và bảy thập niên tại miền Bắc, Đảng cộng sản Việt Nam thiết lập nền cai trị toàn diện và tuyệt đối. Họ cai trị bằng bạo lực, tuyên truyền và bưng bít, thay vì lãnh đạo. Tên gọi là "cộng hòa", và "xã hội chủ nghĩa", nhưng quyền lực tập trung vào một thiểu số chóp bu không có ý định chia sẻ quyền lực với ai. Người dân vẫn không có tiếng nói hay quyền lực đáng kể nào cả.
Mặc dầu chế độ cầm quyền thiếu chính nghĩa như thế, các tổ chức đối lập hoặc đối kháng trong và ngoài nước, phần lớn, nếu không phải là tất cả, cũng gặp khủng hoảng lãnh đạo. Khủng hoảng lãnh đạo ở đây là về cả phẩm lẫn lượng. Vẫn chưa có những khuôn mặt nào hay tổ chức nào có khả năng, uy tín và tài năng lãnh đạo để quy tụ nhân tài/lực và xây dựng thế liên minh cần thiết hầu cân bằng quyền lực và tạo thay đổi.
Trong cuộc vận động dân chủ hiện nay, và trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam thời hậu độc tài, lãnh đạo đóng vai trò quyết định cho mọi sự thành bại.
Có lẽ vì nhận thức lãnh đạo quan trọng như thế nên trước đây có nhiều người từng mong ước một minh quân xuất hiện để giải quyết vấn đề của Việt Nam. Theo tôi thì ước mong này thiếu thực tế. Nó sẽ không bao giờ xẩy ra.
- Thứ nhất, thiên tài lãnh đạo không bao giờ tự nhiên xuất hiện cả. Họ đều phải trãi qua quá trình luyện tập, thực tập, trao dồi và phát triển không ngừng.
- Thứ hai, lãnh đạo một phần là do bản tính cá nhân, nhưng phần quan trọng nhất là do môi trường tác động, do đào tạo và kinh nghiệm rèn luyện, cái không thể thiếu.
- Thứ ba, lãnh đạo trổi lên, nhất là trong môi trường hoạt động, là do sự tương tác và qua đó thuyết phục và chứng minh được tài năng, tiềm năng và ý chí của mình, chứ không phải do áp đặt. Thời nay không còn kiểu cha truyền con nối, ngoại trừ trường hợp như Bắc Hàn.
- Và sau cùng, dù là thiên tài lãnh đạo thì một cá nhân cũng không thể kéo cả một con tàu có bản chất ù lì và bảo thủ, không chịu sẵn sàng thay đổi chính mình trong hoàn cảnh mới để thay đổi xã hội. Thiên tài lãnh đạo tài giỏi mấy cũng sẽ bó tay trong hoàn cảnh này. Trong lịch sử Việt Nam cũng như nhân loại, những người lãnh đạo tài giỏi và thành công thường có một đội ngũ xuất sắc không kém, bổ túc cho những thiếu sót hoặc sở đoản của nhau.
Một cách lý tưởng nhất của một tổ chức, dù đó là chính quyền hay một công ty kinh doanh đa quốc, là lãnh đạo có thể thay thế bất cứ lúc nào. Một khi có mệnh hệ gì đến một lãnh đạo nào đó thì có người khác sẵn sàng thay thế gánh vác nhiệm vụ. Một tổ chức có quan niệm và có nhân sự sẵn sàng như thế mới thật sự là tổ chức mạnh. Còn một tổ chức mà phụ thuộc quá nhiều vào một hay vài cá nhân nào đó thì đó là tổ chức không linh động và hiệu quả, dễ rơi vào lòng luẩn quẩn và độc đoán.
Tất cả cần thành thật nhìn nhận rằng vì chúng ta dở, vì văn hóa chúng ta có vấn đề, nên đất nước mới ra nông nổi này. Không thì bốn thập niên nữa, nếu vẫn còn sống, chúng ta sẽ tiếp tục hỏi tại sao đất nước vẫn không có gì đáng để hãnh diện, tự hào.
Vấn đề khủng hoảng lãnh đạo, thật ra, là hiện tượng chung trên toàn cầu hiện nay, không riêng gì của Việt Nam.
Lý do là vì làm lãnh đạo trong thời đại này khó. Rất khó. Rất khác với những thập niên về trước. Và hoàn toàn khác với một thế kỷ trước. Vì nhiều nguyên do, xin được liệt kê vài điểm sơ khởi ở đây.
Một, là vì tác động của thông tin, kiến thức và nhận thức quá nhanh và quá sâu rộng. Xưa, người ta trông cậy lãnh đạo cung cấp thông tin và kiến thức, và qua đó đường đi, nước bước. Nay, khi cần thông tin, trong mọi lĩnh vực, người ta tìm đến Google hay các nguồn truyền thông khác. Nhanh, gần như tức khắc, và mức độ chính xác và khả tín rất cao nếu biết nguồn gốc thông tin, biết chọn lọc và có suy nghĩ phê phán. Nhưng trong thời đại thông tin tràn ngập như thế này, nó dễ tạo cho người ta cảm tưởng rằng họ biết hết mọi vấn đề. Đặc biệt đối với các tổ chức chính trị tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ, yếu tố "kiến thức là quyền lực" này ủy quyền cho người nhận thông tin, trong khi gia giảm ảnh hưởng của người lãnh đạo, một tiền lệ được định hình trước đây. Cũng từ hệ quả này, người ta không thấy có nhu cầu để gặp mặt nhau, trao đổi và thảo luận, hoặc tranh luận, để tìm mối tương đồng và điểm chung để cùng làm việc như trước đây. Đây là thử thách mà lãnh đạo ở mọi tầng xã hội trong mọi quốc gia đều gặp phải hiện nay.
Hai, tốc độ cạnh tranh ngày gia tăng và mức độ ngày càng gây gắt. Trước thực tế này, các tổ chức công cũng như tư, chính phủ cũng như phi chính phủ, cầm quyền cũng như đối lập, đều phải chứng tỏ khả năng điều hành và quản lý để tiếp tục lèo lái hướng đi của tổ chức mình, để tiếp tục được sự tín nhiệm của cổ đông hay của người dân mình. Thay đổi trở thành điều bình thường (the only constant is change) để tồn tại, và điều chắc chắn duy nhất là sự bất định (the only certainty is uncertainty). Lãnh đạo ngày nay vì thế có lắm rủi ro và bất an vì áp lực từ mọi phía. Đây cũng là một trong các lý do mà chủ nghĩa dân túy trổi lên bởi vì các nhà dân túy dám đưa ra các hứa hẹn phần lớn không đáp ứng được nhưng lại là điều người dân muốn nghe, trong khi các lãnh đạo chính trị chân chính không dám hứa hẹn điều gì trước tương lai bất định vì không biết có hoàn thành được không. Tóm lại, một trong các thách thức và cũng là yêu cầu thiết yếu của lãnh đạo ở mọi tầng xã hội hiện nay là khả năng đáp ứng và quản lý thay đổi.
Trong khi đó, đối với cộng đồng Việt Nam hải ngoại và các tổ chức đấu tranh cho dân chủ, tôi có cảm tưởng như là mọi sự vẫn như cũ, cách thức làm việc vẫn như xưa, và cũng vì thế nên không những không nắm bắt được cơ hội để chủ động mà phần lớn bị động và phản ứng. Họ không thể lãnh đạo hiệu quả trong bối cảnh hiện nay vì thiếu khả năng và nhân sự chuyên môn, thiếu hế hoạch và kế sách để điều hướng thay đổi, và không nắm bắt được tình huống và cơ hội, kể cả cơ hội về khoa học kỹ thuật, để thay đổi. Phần lớn có lẽ nhìn thấy tốc độ thay đổi liên tục như mối đe dọa.
Ba, trong mọi tổ chức, không chủ động thay đổi thì sẽ bị bắt buộc thay đổi ; và khi ở thế bị động, và không có khả năng lãnh đạo để tìm cách nắm bắt tình thế và thực thi kế hoạch thay đổi, tổ chức đó trước sau gì cũng bị đào thải. Quy luật xã hội trước nay là thế. Ngay cả đối với các tổ chức một thời thành công và uy tín. Trong trường hợp Việt Nam, bao nhiêu tổ chức đấu tranh trước đây giờ này bất lực, có tiếng chứ không có miếng. Có tấm lòng hơn thực chất. Có mong muốn và mục tiêu hơn là viễn kiến, kế hoạch, chiến lược và kiến thuật. Những khó khăn khác là nhân sự. Đấu tranh chính trị luôn đòi hỏi tính chuyên môn, khác với đấu tranh cách mạng cần lực là chính. Thêm vào đó, số người Việt trong và ngoài nước mong muốn đem lại thay đổi cho Việt Nam và nỗ lực để thực hiện điều này cũng chỉ là một thiểu số rất lẻ loi và cô đơn, thiếu huấn luyện và đào tạo về kỹ năng mềm và các kiến thức về chính trị. Nói chung là thiếu thốn mọi mặt. Đó là chưa kể những người vẫn còn trông cậy hay mơ tưởng Hoa Kỳ hay các thế lực ngoại bang can thiệp về dân chủ hay nhân quyền cho Việt Nam. Đó là một suy nghĩ viễn vong, không thực tế chút nào, kể cả sự kỳ vọng vào những người như Donald Trump hay các chính sách và chủ trương "Làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại".
Trong thời gian qua, tôi đã dành thời gian để tìm hiểu về lãnh đạo. Lãnh đạo ở mọi tầng xã hội, mọi địa hạt và mọi quốc gia, đều quan trọng. Đối với công việc có lương bổng hẳn hoi, nhân viên sẵn sàng bỏ việc vì cấp trên (boss) dở. Trong cuộc nghiên cứu toàn cầu trên 10 năm với hơn 200 ngàn nhân viên và quản trị do tổ chức O.C. Tanner Learning Group (White Paper) thực hiện, 79 phần trăm những người bỏ việc làm của mình cho biết lý do là vì thiếu sự ghi nhận nỗ lực/đóng góp từ cấp trên (1). Ngay cả khi chấp nhận ở lại làm việc thì tại Hoa Kỳ, khoảng 75 phần trăm nhân viên không hoàn toàn chú tâm (fully engaged) vào công việc của mình. Cũng trong nghiên cứu này thì người ta công nhận rằng những người lãnh đạo hiệu quả, tài năng là những người biết đặt đúng mục tiêu, biết truyền thông giỏi, tạo sự tin tưởng/tín nhiệm và có trách nhiệm giải trình.
Đó là công việc có lương bổng.
Còn việc "ăn cơm nhà vác ngà voi" thì lại càng cần lãnh đạo biết lắng nghe, dám dấn thân, trân quý ghi nhận sự đóng góp của mọi thành viên, và có khả năng truyền sức sống và cảm hứng cho người khác v.v… Tối thiểu là thế, chưa kể các yếu tố như tầm nhìn, khả năng chiến lược và sức động viên thuyết phục người khác. Nhưng tìm người có điều kiện căn bản như thế đã là rất khó.
Không có lãnh đạo nên tình trạng bấy lâu nay bát nháo, điều mà Đảng cộng sản Việt Nam không gì hài lòng và an tâm hơn. Phần lớn các hoạt động hiện nay rời rạc, tản mác, tùy hứng và tùy tiện. Vui, thích thì làm, không thì thôi, hoặc tẩy chay ; tệ hơn thì ném bùn, chụp mũ, vu khống v.v…
Tôi cũng dành thời gian quan sát, nhất là qua một số phương tiện truyền thông xã hội, thì nhận thấy rằng nhiều người Việt, có lẽ vì quá có lòng và quan tâm đến các vấn đề Việt Nam, nên dễ nóng lòng và bất bình khi thấy chuyện lẽ ra phải lên tiếng mà người ta lại vô tư. Vì thế nên dễ đi đến kết luận vội vàng, dán nhãn hiệu người khác là "vô cảm", đẩy họ về phía đối nghịch, tẩy chay hoặc bất cần.
Lãnh đạo hiểu biết và chân chính đâu có ai dám coi thường người dân đến thế ! Nếu không thuyết phục được thì tìm cách khác, hoặc nhận ra sự bất tài của mình, chứ ai lại đi chửi đổng lên như thế. Phần lớn vì thiếu lãnh đạo nên người ta hành động cho cái lợi trước mắt, bất kể cái hậu ra sao !
Nói chung, hầu như trong mọi hoạt động chính trị và đấu tranh hiện nay, thay vì vận dụng tranh thủ và thuyết phục, người ta chửi, mắng để hy vọng người nghe nhận thức. Thay vì nhận thấy cách làm của mình không hiệu quả và cần thay đổi, và nhận trách nhiệm về phía mình, người ta vẫn một mực cho mình đúng và có chính nghĩa. Thay vì tìm hiểu tâm lý con người, nhất là kiến thức về khoa học thần kinh (neuroscience) để vận dụng các phương pháp thích hợp và hiệu quả, để tìm ra phương thức tối ưu hầu vận động đa số người dân ủng hộ các quyết định khó khăn nhưng chính đáng của đất nước thay vì áp đặt và áp bức, thì người ta vẫn chủ yếu phản ứng từ trong tìm thức cách suy nghĩ và hành động đã được định hình từ lúc bé đến giờ. Từ văn hóa đã thấm nhuần, ăn sâu vào máu mủ và tim óc, và tác động lên họ một cách vô thức từ trước đến nay.
Muốn thật sự thay đổi Việt Nam, những người quan tâm và yêu nước cần phải thay đổi chính mình trước. Tất cả cần mở mang học hỏi các kiến thức khoa học dựa trên các khám phá mới nhất về con người. Tất cả cần học hỏi các văn hóa văn minh dân chủ và các tấm gương lãnh đạo sáng ngời và thành công trên thế giới. Tất cả cần thành thật nhìn nhận rằng vì chúng ta dở, vì văn hóa chúng ta có vấn đề, nên đất nước mới ra nông nổi này. Không thì bốn thập niên nữa, nếu vẫn còn sống, chúng ta sẽ tiếp tục hỏi tại sao đất nước vẫn không có gì đáng để hãnh diện, tự hào.
Tất cả các vấn đề này đều liên quan đến lãnh đạo, đến quan niệm của người Việt về lãnh đạo, đến việc bầu chọn trực tiếp lãnh đạo hiện nay và tương lai, trong cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như cho đất nước Việt Nam. Quan niệm đúng đắn sẽ giúp người Việt tránh bầu chọn những lãnh đạo bất tài, những nhà dân túy, mị dân hay những người trí trá mở miệng hứa hẹn dân chủ nhưng khi lên nắm được quyền thì chỉ muốn bóp nghẹt các tiếng nói khác biệt.
Tôi sẽ lần lược trình bày chi tiết các vấn đề này trong các kỳ tới.
Úc Châu, 12/03/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 13/03/2019
(1) What's missing ? Why can't we achieve optimal performance ?
Có lần, một linh mục (ở hải ngoại) hỏi một thành viên Tập Hợp rằng : "Anh có tin vào tương lai, vào sự thành công của Tập Hợp hay không ?". Thành viên của Tập Hợp vừa cười vừa hỏi lại : "Là một linh mục vậy Cha có tin vào Chúa không ?". Vị linh mục không trả lời và bỏ đi.
Tranh đấu chính trị là gieo trồng những mầm giống tốt cho tương lai.
Chính trị và tôn giáo có những điểm giống nhau và khác nhau. Cả hai đều giống nhau về bản chất đó là hướng thiện. Các tôn giáo lớn sỡ dĩ tồn tại đến hôm nay là vì chúng hướng thiện. Tranh đấu chính trị cũng là hướng thiện. Thế giới được hòa bình và phát triển như ngày hôm nay cũng nhờ vào sự tranh đấu chính trị không mệt mỏi của những người con ưu tú trên khắp thế giới. Trong hành trình gian nan tiến về tương lai đó vẫn có những luồng tư tưởng độc hại xuất hiện và gây hậu quả nghiêm trọng như chủ nghĩa khủng bố và cộng sản. Chính vì không hướng thiện nên sớm muộn chúng cũng sẽ bị đào thải.
Điểm khác nhau quan trọng nhất giữa chính trị và tôn giáo đó là niềm tin chính trị đặt trên tư tưởng và lý luận, tức là dựa trên những phân tích và đánh giá khoa học trong khi đó đức tin vào tôn giáo là bất biến, mặc định và không bàn cãi.
Dưới cái nhìn của những người hoạt động chính trị như chúng tôi thì Giê-su là một chính trị gia kiệt xuất, là người đã mở ra một nền văn minh mới cho nhân loại. Giê-su là người thứ hai sau triết gia Socrates chết vì lý tưởng của mình. Socrates sống vào cuối thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, Socrates đả kích gay gắt chế độ dân chủ vừa được tái lập tại Athens và bị chế độ dân chủ này xử án tử hình. Ông chấp nhận chết để bảo vệ ý kiến của mình. Giê-su là một nhà cách mạng, một nhà tư tưởng, ông kêu gọi hòa bình, yêu thương, bình đẳng, công bằng, lẽ phải và nhất là phương pháp đấu tranh bất bạo động bằng tinh thần bao dung, hòa giải. Giê-su đã chọn cái chết vì tình yêu thương đồng loại, vì muốn thay đổi nhân loại. Giê-su là người đầu tiên muốn xóa bỏ ranh giới giữa các tầng lớp trong xã hội (Do Thái thời đó vốn rất nhiều giai cấp) để tiến tới sự bình đẳng bằng việc rửa chân cho môn đồ của mình trước lúc chết. Giê-su cũng là người đầu tiên "phát minh" ra công thức "tam quyền phân lập" và sự tách biệt giữa chính trị và tôn giáo qua câu nói "cái gì của Caesar thì trả cho Caesar, cái gì của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa"…
Giê-su đi trước nhân loại hơn 2000 năm và có lẽ vì thế mà Giê-su được tôn vinh và trở thành giáo chủ của một tôn giáo lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới cho đến tận ngày hôm nay. Niềm tin của các tín đồ vào Chúa Giê-su là mặc định và không bàn cãi.
Chính trị là một công việc phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ và tư duy của con người mà tư duy, nhận thức của con người lại không giống nhau và chúng luôn thay đổi và bị chất vấn gay gắt. Tôn giáo hứa hẹn tương lai (thiên đàng) ở một thế giới khác, sau khi đã chết, còn chính trị là giải quyết các vấn đề dân sinh trong hiện tại. Chính vì thế mà chính trị phải cảm nhận được, phải cụ thể và có hiệu quả trong thời gian ngắn. Việc đặt ra các cuộc bầu cử trong một thời hạn nhất định là để người dân phúc kiểm các giải pháp chính trị xem chúng có hiệu quả hay không.
Việc đặt ra các thời hạn cho các chính đảng cầm quyền vừa có ưu điểm vừa có khuyết điểm. Ưu điểm là không để cho các chính phủ câu giờ hoặc ngủ quên trên chiến thắng, buộc họ phải cố gắng tối đa để tạo ra những thay đổi rõ nét trong nhiệm kỳ đó. Khuyết điểm của nó là khiến các chính phủ phải lấy những quyết định mang lại lợi ích trong ngắn hạn nhưng lâu dài thì có thể không tốt nhằm mục đích kiếm phiếu và tiếp tục cầm quyền. Chính khuyết điểm này là một trong những lý do tạo ra làn sóng dân túy trên toàn cầu trong thời gian qua. Nó càng đặc biệt nghiêm trọng trong các chế độ theo mô hình chính trị "tổng thống chế" khi mà người dân bầu cho một người thay vì một chính đảng. Hệ quả dĩ nhiên là tất cả các ứng cử viên tổng thống đều phải dân túy vì ngôn ngữ dân túy gần gũi và dễ hiểu với người dân thay vì các lý luận sâu sa, khó hiểu.
Giải pháp duy nhất cho vấn nạn trên là mô hình chính trị "dân chủ đại nghị và tản quyền". Chỉ dưới mô hình đó các chính đảng mới dám đưa ra một Dự án chính trị khả thi và bền vững cho hiện tại và cả tương lai. Tập Hợp đề nghị mô hình chính trị cho Việt Nam là "đại nghị và tản quyền" gần như Cộng hòa liên bang Đức.
"Cung cấp giải pháp" là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi chính đảng trước các cuộc bầu cử. Nếu muốn có giải pháp đúng và khả thi thì các chính đảng phải đầu tư rất nhiều cho tư tưởng chính trị và kiến thức chính trị…Chỉ khi đó may ra mới có được một giải pháp hiệu quả. Trên thực tế bất cứ một chính đảng nào dù cực đoan như đảng cộng sản thì họ vẫn đưa ra và thực thi một "giải pháp" mà họ cho là tốt, họ cũng muốn đất nước phát triển để họ được cầm quyền suốt đời nhưng vì thiếu kiến thức chính trị và tư tưởng chính trị nên họ phải vay mượn một giải pháp ngoại lai và lỗi thời là chủ nghĩa cộng sản của Mác-Lênin. Giải pháp đó là sai từ gốc và hoàn toàn đã bị vứt bỏ trên thế giới. Một trong những khủng hoảng lớn nhất của đảng cộng sản bây giờ là tư tưởng và lý luận. Họ biết sai nhưng lại không đủ can đảm để vứt bỏ nó vì như thế họ không có chính danh để cầm quyền. Biết thế, nhưng vì thấy trước mặt cũng không có tổ chức nào có thể cạnh tranh nên họ đành "cố đấm ăn xôi".
"Thực thi các giải pháp đã đề nghị" là nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của các tổ chức chính trị sau khi được người dân bầu chọn làm đảng cầm quyền. Muốn làm được việc thì tổ chức đó phải có một "đội ngũ nhân sự" để thực hiện và thực thi công việc. Đội ngũ cán bộ đó phải được chuẩn bị từ trước khi trở thành đảng cầm quyền. Họ phải hiểu nhau, đồng thuận với nhau trên những lập trường căn bản của tổ chức thì mới gắn kết thành một ê-kíp ăn ý nếu không sẽ "ông nói gà bà nói vịt", "trống đánh xuôi kèn thổi ngược". Chưa có một tổ chức nào thành lập sau khi cầm quyền mà có thể thành công. Muốn cho đội ngũ cán bộ đó tìm được nói chung thì họ phải liên tục học hỏi, thảo luận và nghiên cứu về đường lối và tư tưởng của tổ chức trong một thời gian dài trước đó. Tổ chức là môi trường để học hỏi và sàng lọc các ý kiến.
Đảng cộng sản đã hoàn toàn thất bại trong việc đem lại "Độc lập-Tự do-Hạnh phúc" cho người dân Việt nam dù rằng họ đã cầm quyền tuyệt đối hơn 70 năm qua. Nhân sự của đảng cộng sản ngày càng xuống cấp vì qui trình chọn lựa khép kín trong nội bộ thông qua việc "qui hoạch cán bộ" từ trung ương đến địa phương. Đây là hành động co cụm để tự vệ của đảng cộng sản. Chúng khiến cho nhân tài không có cơ hội tham gia vào bộ máy chính quyền và vì thế sự suy thoái của đội ngũ cán bộ đảng là không thể tránh khỏi.
Một yêu cầu quan trọng nữa đối với các chính đảng đó là tư cách và đạo đức của các thành viên của nó. Chính trị là đạo đức ứng dụng trong xã hội. Một người có tài đến đâu mà thiếu đạo đức thì cũng có ngày gây họa. Đạo đức phải được nuôi dưỡng và rèn luyện từ nhỏ trong một môi trường sạch. Điều này giải thích vì sao đạo đức công chức Việt Nam ngày càng suy đồi. Không chỉ mỗi họ (các công chức nhà nước) mà toàn thể người dân Việt Nam phải sống và làm việc trong một môi trường mà sự dối trá, luồn lách, cơ hội, vô cảm và chỉ biết đến bản thân…ngay từ nhỏ, từ lúc đi học mẫu giáo cho đến lúc đi làm rồi về hưu.
Người Việt không chỉ bị mỗi ô nhiễm môi trường sống mà còn bị ô nhiễm nặng về tinh thần và đạo đức. Có những chuyện mà không ai tin là có thật vẫn xảy ra hàng ngày tại Việt Nam. Chính sự đồi bại của giai cấp thống trị khiến xã hội đảo điên và xuống cấp theo, bởi vì "nhà dột từ nóc". Phương pháp cai trị dựa trên dối trá và bạo lực của đảng cộng sản đẩy xã hội Việt Nam vào một dòng xoáy của hận thù và bất dung. Mọi "bất đồng" đều được ưu tiên giải quyết bằng nắm đấm thay vì đối thoại…
Tập Hợp đã nghiên cứu và hiểu rõ tình hình xã hội Việt Nam. Chúng tôi có giải pháp cho tất cả mọi vấn đề của Việt Nam qua 3 ví dụ nêu trên.
1. Tập Hợp đã chuẩn bị và cung cấp cho người dân Việt Nam một giải pháp chính trị "dân chủ đa nguyên" để thay thế cho "giải pháp cộng sản", đó là Dự án Chính trị với tên gọi Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Mọi người có thể đọc và so sánh với hệ tư tưởng Mác-Lênin mà đảng cộng sản đang áp dụng tại Việt Nam và với các hệ tư tưởng của các tổ chức đối lập khác.
2. Tập Hợp cũng đã chuẩn bị cho mình một đội ngũ cán bộ nhân sự nòng cốt có hiểu biết, viễn kiến, yêu nước và bao dung. Đội ngũ nhân sự của Tập Hợp sẵn sàng đảm nhận các công việc thích hợp để thực thi những đề nghị trong giải pháp chính trị mà chúng tôi đã đưa ra trong Dự án Chính trị của mình.
3. Các thành viên của Tập Hợp không ngừng nhắc nhở nhau và xiển dương các giá trị đạo đức căn bản (mà loài người đã tích lũy được từ hàng triệu năm qua) và nhất là cổ vũ cho tinh thần bao dung và hòa giải dân tộc. Chúng tôi xem đó là lập trường chủ đạo của tổ chức và cũng là triết lý cầm quyền và điều hành đất nước trong tương lai.
Tập Hợp đã, đang và sẽ làm tất cả phần việc của mình với sự cố gắng và kiên nhẫn cao nhất. Chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn cho Việt Nam một tổ chức chính trị đúng nghĩa mà chúng tôi tin là cần thiết và đứng đắn. Thế giới đang đứng trước những thay đổi dồn dập và khó lường, mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhất là sự tan rã không thể tránh khỏi của đế quốc Trung Hoa. Lịch sử thường sang trang vào những lúc bất ngờ nhất. Ví dụ không ai nghĩ rằng nước Mỹ thời Donald Trump lại từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới trong lúc đang ở đỉnh cao và hai nước độc tài lớn nhất thế giới là Nga và Trung Quốc đang suy yếu hơn bao giờ hết.
Năm 1945 thời cơ đến với Việt Nam cũng khá bất ngờ khiến trí thức và người dân không kịp hiểu, không kịp chuẩn bị gì để rồi một tổ chức duy nhất có chuẩn bị là đảng cộng sản giành được vai trò cầm quyền và biến Việt Nam thành một nước độc tài từ đó đến giờ. Tập Hợp không muốn điều đó xảy ra một lần nữa. Tập Hợp chấp nhận cô đơn vì đi trước để dẫn đường và chuẩn bị sẵn một phương án khả thi khi đất nước cần đến. Chúng tôi cho rằng làm chính trị là hò hẹn với tương lai. Chúng tôi đã nhìn thấy tương lai đó và tin rằng người dân Việt Nam sẽ tìm đến với chúng tôi, lựa chọn chúng tôi và tin tưởng giao cho chúng tôi trọng trách vào thời điểm lịch sử.
Chúng tôi đã tồn tại cho đến ngày hôm nay nhờ một yếu tố quan trọng, đó là NIỀM TIN. Niềm tin vào lẽ phải, niềm tin vào tương lai của dân tộc, niềm tin vào sự dấn thân trong sáng và lương thiện của các thành viên Tập Hợp…Niềm tin đó đã nâng đỡ và đồng hành cùng chúng tôi tiến về tương lai. Chúng tôi tin là Tập Hợp nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung sẽ có tương lai.
Việt Hoàng
(3/2/2019)
Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là chi bằng học.
Phan Châu Trinh
Cách đây hơn 2000 năm, triết gia Hy Lạp cổ đại lừng danh Plato cho rằng khi tìm kiếm thợ trong một lĩnh vực nào đó, thì chúng ta thường chọn người có tay nghề cao. Nhưng trong chính trị, nhiều người lại cho rằng cứ ai có thể kiếm phiếu, thì có khả năng quản trị một thành phố hoặc đất nước. Plato nhấn mạnh rằng khi bị bệnh, chúng ta không tìm một vị bác sĩ đẹp trai hay có tài hùng biện. Vậy khi một đất nước yếu kém, chẳng phải chúng ta nên tìm kiếm sự phục vụ và dẫn dắt của những người khôn ngoan và có khả năng nhất sao ? Triết lý chính trị giản dị của Plato là quản trị đất nước cần các chính trị gia có khả năng và khôn ngoan thực sự (1).
Một ngộ nhận sai lầm của nhiều người Việt là không cần học cũng có thể ‘làm’ chính trị. Có nghề nghiệp nào mà không cần phải học, nhưng vẫn có thể trở thành thợ hoặc chuyên viên hay không ? Thợ sửa xe phải học kiến thức cơ bản về động cơ để có thể làm tốt công việc sửa xe. Tương tự, các chính trị gia cũng phải mở mang kiến thức và tư tưởng chính trị để thành công quản trị một thành phố hoặc quốc gia. Tony Blair, một trong những người giữ chức thủ tướng lâu nhứt nước Anh từ 1997 – 2007, đã hối hận không học khoa tư tưởng chính trị tại trường đại học (2).
Thêm nữa, một số người Việt ngộ nhận cho rằng hễ ai kinh doanh tốt thì có thể làm chính trị. Trong thực tế, không có một nghiên cứu học thuật nào kết luận một doanh nhân đồng nghĩa với khả năng làm chính trị tốt. Trong số những chính trị gia lỗi lạc đã tạo ra những ảnh hưởng tích cực to lớn trong lịch sử nhân loại, phần trăm doanh nhân hoặc kinh tế gia là rất ít : James Madison – học giả thông thái, một trong những nhà lập quốc và là tác giả của Hiến pháp Hoa Kỳ ; John Adams – luật sư, một trong những nhà lập quốc Hoa Kỳ ; Mahatma Ghandi – luật sư và là nhà đấu tranh bất bạo động nổi tiếng góp phần mang độc lập đến cho Ấn Độ ; Winston Churchill – một nhà văn, nhà quân sự và là thủ tướng nổi tiếng của vương quốc Anh.
Ý thức và chính trị
Hành động của con người ở bất cứ nơi đâu được dẫn dắt bởi văn hóa, ý thức và tư tưởng – giúp chúng ta nhận ra và hiểu vì sao một cá nhân hoặc một đoàn thể lại hành động như thế. Nói cách khác, những ý thức và quan niệm mà một người nghĩ và tin về xã hội, quyền lực, chính trị … quyết định hành động của người đó. Hai khái niệm cơ bản về vai trò của ý thức trong chính trị :
- Văn hóa chính trị (political culture) là toàn bộ những giá trị, truyền thống và lý tưởng, ảnh hưởng rộng lớn đến nền chính trị của một quốc gia và được phần lớn quốc dân chia sẽ. Ví dụ, văn hóa chính trị của Hoa Kỳ tập trung ở các giá trị dân chủ như tự do, công bằng, nhân quyền, chủ nghĩa cá nhân, công lý & pháp trị, lòng yêu nước, đồng thuận dân chủ, cơ hội bình đẳng. Văn hóa chính trị của Việt Nam bao quanh chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Marx-Lenin, Nho giáo, và văn hóa Trung Quốc.
- Hệ ý thức chính trị (political ideology) là hệ thống những quan điểm, ý thức hệ, học thuyết cũng như lập trường về một kế hoạch hành động, cương lĩnh chính trị bao gồm : thể chế chính trị, cạnh tranh quyền lực nhà nước, quản trị và tổ chức nhà nước, kinh tế thị trường, quyền tư hữu … Hiểu giản dị, hệ ý thức chính trị giải thích những lập trường, khuynh hướng, mục tiêu và phương pháp mà một nhóm người tin tưởng và tại sao. Ví dụ, ý thức hệ cộng sản của Marx là bãi bỏ tư hữu, cách mạng giải phóng bằng bạo lực, phủ nhận những chân lý vĩnh cữu, xóa bỏ cá nhân, quốc gia và giai cấp. Ý thức hệ của chủ nghĩa tự do phóng khoáng (liberalism) là xây dựng xã hội tự do và bao dung, tôn trọng quyền con người và đa nguyên, đề cao bình đẳng và thượng tôn pháp luật.
Vai trò quan trọng của tư tưởng chính trị
Chính trị là chung tay giải quyết mọi vấn đề xã hội, vì thế đòi hỏi sự hợp tác của nhiều chính trị gia có khả năng, khôn ngoan, và đạo đức, để mang đến hạnh phúc cho quốc dân và hưng thịnh cho đất nước. Chính trị gia, đại diện tiếng nói của quốc dân, có trách nhiệm tạo ra hoặc sửa đổi hầu hết mọi chính sách, pháp luật và hiến pháp. Họ sẽ dựa vào tiêu chuẩn và nền tảng nào để ủng hộ hoặc phản đối một chính sách, đạo luật ? Khi có sự mâu thuẫn giữa tự do và luật lệ, chính trị gia sẽ dựa vào chuẩn mực nào để quyết định sự đúng đắn ? Công dân dựa vào giá trị, nguyên tắc nào để quyết định một người khôn ngoan chính trị hoặc một luật lệ đúng đắn/sai trái ?
Triết lý hoặc tư tưởng chính trị (political philosophy) sẽ hướng dẫn chúng ta tìm đáp án cho những câu hỏi trên một cách tỉ mỉ và nghiêm túc. Tư tưởng chính trị còn nghiên cứu về những tổ chức xã hội và mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội hoặc giữa công dân và nhà nước. Mục tiêu của triết lý chính trị là tìm ra những phương thức hữu hiệu, công bằng và đạo đức nhứt để quản trị xã hội và đất nước. Những câu hỏi mà các triết gia chính trị thường đặt ra :
- Thể chế chính trị lý tưởng nhứt là gì
- Điều gì quyết định tính chính danh của chính quyền ?
- Các quyền tự do bao gồm những quyền tối thiểu nào ?
- Những nền tảng đạo đức và luân lý của nhà nước cai trị là gì ?
- Cái gì quan trọng hơn : tự do hay công bằng ?
- Trách nhiệm đạo đức và luân lý của các chính trị gia là gì ?
- Những yếu tố quyết định một xã hội tốt đẹp và công bằng là gì ?
- Những vấn đề gốc rễ gây ra những vấn nạn xã hội là gì ?
- Những yếu tố nào quyết định một quốc gia đáng sống ?
- Quyền tối thiểu mà con người nên có là gì và tại sao ?
- Quốc dân có được phép có quyền tư hữu không ?
- Tại sao phải tách biệt tôn giáo và chính trị ?
- Vai trò và nghĩa vụ của chính quyền là gì ?
- Nhà nước nên hoạt động như thế nào để bảo đảm tự do và công bằng ?
- Quốc dân có nghĩa vụ luân lý để tuân phục các quy định và pháp luật của nhà nước hay không ?
Tư tưởng chính trị giúp các chính trị gia lẫn công dân hiểu những giá trị đúng đắn và hướng dẫn cách thức đánh giá những thể chế xã hội (social institutions) là tốt hay xấu hoặc công bằng hay bất công.
John Rawls, cựu giáo sư triết học của đại học Havard và một triết gia về triết lý chính trị hàng đầu thế kỷ 20, đề ra 4 chức năng quan trọng của tư tưởng chính trị (3) :
- Thực tiễn (practical) : Giúp chúng ta giải quyết những vấn đề pháp lý, chính sách, và chính trị bằng cách tìm kiếm sự đồng thuận hợp lý trên những vấn đề chia rẽ sâu sắc và mâu thuẫn, để thiết lập một trật tự xã hội tốt đẹp hơn.
- Định hướng (orientation) : Giúp chúng ta suy nghĩ về vai trò, mục đích và mục tiêu của mình trong xã hội. Nói cách khác, tư tưởng chính trị đóng vai trò định hướng, tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung của đất nước bằng lập luận và suy ngẫm.
- Hòa giải (reconciliation) : Khi không thể hòa giải những mâu thuẫn cũng như sự lo lắng và thịnh nộ với xã hội và lịch sử, thì các định chế dân chủ phát triển theo thời gian sẽ giải quyết bằng thủ tục hòa giải. John Rawls lưu ý rằng mặc dù tư tưởng chính trị có chức năng hòa giải nhưng không có nghĩa là sẽ dung túng và thỏa hiệp với những tư tưởng giáo điều, sai trái, độc tài và áp bức của chủ nghĩa Marx.
- Lý tưởng thực tế (realistically utopian) : Mặc dù có những giới hạn thực tiễn, tư tưởng chính trị vẫn phải lý tưởng và thực tế, để xây dựng một xã hội khả thi, dân chủ và công bằng, nhằm vận động sự ủng hộ và hậu thuẫn của người dân.
Quản trị đất nước hiệu quả là một công việc khó khăn, cần những chính trị gia khôn ngoan, có khả năng, có bản lĩnh, yêu nước và phải nắm vững tư tưởng chính trị cũng như kiến thức cơ bản của nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, văn hóa, triết học, địa lý, và kinh tế. Chính vì thế, ở các nước dân chủ phát triển, việc quản trị đất nước luôn được đảm nhiệm bởi nhiều chính đảng – đảng cầm quyền và các đảng đối lập.
“Chi bằng học”
Chính trị là “quá trình hòa giải một cách ôn hòa những khác biệt và mâu thuẫn giữa xã hội và kinh tế”(4). Aristole, được coi là Cha đẻ của khoa học chính trị – học trò xuất sắc của Plato, gọi chính trị là ông chủ, bậc Thầy của khoa học (The master science) bởi vì tất cả mọi hoạt động trong xã hội đều bị ảnh hưởng bởi quyền lực chính trị.
Kiến thức và tư tưởng chính trị là một hành trang không thể thiếu của những ai muốn dấn thân chính trị, ngoài lòng yêu nước không vụ lợi. Chính vì thế mà cách đây gần 100 năm, cụ Phan Châu Trinh đã nhắn nhủ đồng bào ‘vũ khí’ hiệu quả nhứt để giải thoát đất nước khỏi nô lệ và kém cỏi là “học hành, mở mang trí tuệ” : “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là Chi Bằng Học” (5).
Học kiến thức và tư tưởng chính trị ở đâu ? Một cách học đơn giản của người viết là đọc và suy nghẫm những cuốn sách được đánh giá cao về lịch sử, văn hóa, kinh tế và tư tưởng chính trị của các tác giả uy tín. Chẳng hạn như Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim ; Việt Nam Phong Tục – Phan Kế Bính ; Hoàng Lê Nhất Thống Chi – Ngô Gia Văn Phái ; Huế 1968 : Bước ngoặc của Cuộc chiến Mỹ tại Việt Nam (Hue 1968 : A Turning Point of the American War in Vietnam) – Mark Bowden ; Cộng Hòa (The Republic) – Plato ; Tinh Thần Pháp Luật (The Spirit of Law) – Montesquieu ; Khế Ước Xã Hội (Social Contract) – Jean Jacques Rousseau ; Chính trị luận (Politics) – Aristotle ; Khảo luận Thứ hai về Chính quyền (Second Treatise of Government) – John Locke ; Bàn Về Tự Do (On Liberty) – John Stuart Mill) ; Từ Độc Tài Đến Dân Chủ (From Dictatorship to Democracy) - Gene Sharp ; Tổ Quốc Ăn Năn – Nguyễn Gia Kiểng ; Người Cộng sản Trần truồng (The Naked Communist) – W. Cleon Skousen ; Sự Giàu Có của Các Quốc Gia (The Wealth of Nations) – Adam Smith.
Người có khả năng đọc hiểu English hoặc French sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận trực tiếp khối tài liệu khổng lồ, có giá trị hơn là người chỉ biết tiếng Việt. Người viết thiển nghĩ những cuốn sách triết học và chính trị bằng English, thì tương đối dễ hiểu hơn tiếng Việt.
Học là quan trọng, nhưng phải học cho đến nơi đến chốn. Như cụ Phan nhắn gửi thanh niên Việt Nam trong lá thư gửi cậu học trò tên Đông :
Than ôi ! Các anh thiếu niên ta ôi ! Xin các anh sẽ giữ cái trí thông minh, lòng ái quốc, chậm chậm mà đi, thủng thẳng mà xét, biết một việc cho chắc một việc, nói một câu cho trúng một câu : số phận nước nhà là ở trong tay các anh. Các anh chịu khó một tý, gia tâm một tý, tìm cho đến cội rễ, học cho hết ngọn nguồn, trước phải hiểu lịch sử nước nhà, sau phải coi phong trào thế giới : làm sao là khôn, làm sao là dại, sao là quốc túy nên giữ gìn, sao là tệ hại phải chấm dứt, các anh bước tới một bước là dân nhờ một bước, các anh lạc một khoảng đường, thì nước nhà lại bị nhận chìm mấy lần địa ngục (6).
Thay lời kết
Trong tinh thần khiêm tốn, người viết mong nhiều anh chị nhận ra và ý thức được hành trang phải có trên con đường xây dựng dân chủ là tri thức và tư tưởng chính trị. Giải pháp cho vấn nạn độc tài toàn trị Việt Nam phải được thực hiện bởi những con người nhiệt thành, lương thiện và đam mê học hành “cho hết ngọn nguồn”. Ngoài nắm vững tư tưởng chính trị, các nhà chính trị cũng phải xem hưng thịnh của đất nước và hạnh phúc của dân tộc như là lý tưởng cao đẹp của đời mình.
Xây dựng một đất nước thịnh vượng và công bằng, bảo đảm hạnh phúc cho toàn dân là một công việc vô cùng khó khăn và lớn lao. Một cá nhân hoặc tổ chức dù lương thiện, nhưng không nắm kiến thức và tư tưởng chính trị, thì khó hoàn thành tốt nghĩa vụ cao quý này. Một đại biểu quốc hội hoặc bộ trưởng làm sao có thể phục vụ dân tộc nếu họ không thực sự hiểu và biết thế nào là công lý và lẽ phải ? Chính trị là “nghệ thuật của thỏa hiệp” và các chính trị gia phải nắm vững tư tưởng chính trị để quyết định khi nào, điều gì có thể thỏa hiệp hoặc không thể thỏa hiệp mà không ảnh hưởng đến dân quyền và lợi ích của quốc dân và quốc gia.
Không chỉ có lãnh đạo nhà nước, chính trị gia mới phải học tập tư tưởng chính trị, nhưng còn là toàn dân. Như Plato đã nhấn mạnh rằng một đất nước không thể ổn định mãi mãi nếu phần lớn quốc dân kém cỏi và không quan tâm chính trị : “Một trong những hình phạt cho việc từ chối tham gia vào chính trị là bạn sẽ bị cai trị bởi những kẻ thấp kém.” Triết lý (philosophy) là “tình yêu mến dành cho sự khôn ngoan” và một người không thể tuyên bố là mình đủ thông thái nếu như chưa từng học, hiểu về triết lý chính trị (political philosophy). Một đất nước dân chủ vững mạnh lâu dài phải là một đất nước chính trị, bao gồm các chính trị gia lẫn quốc dân đều nắm vững kiến thức và tư tưởng chính trị nền tảng.
Kinh nghiệm thành công của những quốc gia giàu mạnh và hạnh phúc chứng minh được vai trò quyết định của các chính đảng với những cá nhân trí tuệ và nắm vững tư tưởng chính trị. Nếu tổ quốc Việt Nam xây dựng được một lực lượng gồm những con người như thế, thì dân tộc Việt Nam sẽ sớm có dân chủ tự do đích thực.
Mai V. Phạm
(02/08/2018)
Tham khảo :
(1) Will Durant, “Story of Philosophy”, First Simon & Schuster Paperback Edition (2005).
(2) Adam Swift, “Political Philosophy”, Polity Press (2014).
(3) John Rawls, “Justice as Fairness : A Restatement”, The Belknap Press of Havard University Press (2001).
(4) Turner et al, “American Government”, BVT (2016).
(5) Phan Châu Trinh, “Hiện trạng và vấn đề”, Tiếng Dân số 613, 1933.
(6) Phan Châu Trinh, “Thư gửi cậu học trò tên Đông”, 1925.